Phật học cơ bản
Cẩm Nang Tu Học Dành Cho Tầng Lớp Tại Gia Cư Sĩ (Tập I)
Tỳ khưu Giác Hạnh (Hồ Quang Khánh)
09/08/2553 08:42 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Phần (2): Không trộm cắp

Trộm cắp là giới thứ hai trong ngũ giới và bát giới của người tại gia cư sĩ, thập giới của Sa-di và trong 227 giới của Tỳ-Khưu. Trộm cắp là hành động bất lương tri, vô nhân phẩm, hành vi đê tiện, xã hội không thể chấp nhận được. Đức Thế Tôn dạy, từ phẩm vật quý giá như ngọc ngà, châu báu, trân châu, mã não cho đến một lá cây, một cọng cỏ, chủ nhân không cho thì không được lấy, có nghĩa là không có sự cho phép của chủ nhân thì không được phép lấy bất cứ vật gì trong thế gian này cả.

Nói đến trộm cắp có rất nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ: như ỷ mạnh, bè đảng giật ngang của người cũng gọi là trộm cắp; cậy ỷ thế quyền làm tiền kẻ yếu cũng xem như là trộn cắp, bắt chẹt người ta trong khi túng thiếu cũng gọi là trộm cắp, cho vay nặng lãi cũng gọi là trộm cắp, tích trữ đầu cơ để bán giá chợ đen cũng thuộc dạng trộm cắp. Dùng mưu mẹo rình rập lén lấy của người cũng gọi là trộm cắp; cân non, đong thiếu, trốn xâu, lậu thuế; được của người ta mà không tìm cách trả lại cũng gọi là trộm cắp v.v...

Nói tóm lại, bất cứ hình thức nào do tâm tham ngự trị rồi lấy của người một cách bất chính đều gọi là trộm cắp. Chính vì tâm bất thiện đó mà gia đình bất hòa, quốc gia tan nát, chồng không tin vợ, vợ cũng chẳng tin chồng, con không tin cha, cha cũng chẳng tin con, anh không tin em và em cũng chẳng tin anh, hàng xóm lục đục, ẩu đả nhau, thế giới chiến tranh gây tang thương lẫn nhau cũng do trộp cắp.

Đức Thế Tôn ban hành giới không trộm cắp là để ngăn ngừa lòng tham. Nếu chúng ta không trộm cắp thì chúng ta nuôi dưỡng được lòng Từ bi và tránh được nghiệp báo oán thù. Người ta thường nói: "Tiền tài là huyết thống." Như vậy, những kẻ cướp đoạt của người tức là cướp đoạt xương máu của người. Sao chúng ta có thể nói như vây? Bởi vì, của cải không phải tự nhiên nó đi vào nhà mình hay nhà người. Tài sản có được cũng do đổ mồ hôi sôi nước mắt làm thâm đêm mãn ngày mới có chứ đâu phải dễ kiếm . Có nhiều người ngày đêm phải lăn lộn một nắng hai sương mới có một chút tiền tài. Vì thế, tha nhân cướp đi của họ là giống như cướp đoạt huyết mạch của họ. Vì vậy, thế gian có câu tiền tài huyết thống là vậy. Người trộm cắp, nếu không bị pháp luật thế gian trừng trị thì cũng không thoát khỏi luật nhân quả nghiệp báo theo giáo lý nhà Phật. Khi chưa bị bắt thì phạm nhân phải tìm trăm phương nghìn kế để tẩu thoát, sống chui nép trong bóng tối. Khi bị bắt, người trộm cắp phải bị trói buộc, tra khảo, ngồi tù, nhốt khám và thậm chí bị đánh đập.v..v. Phận mình đã đành cực thân khổ trí và ngày đêm ân hận lại còn gây ảnh hưởng cho gia đình, cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc cũng buồn rầu, tủi nhục và xấu hổ theo. Người có tư tưởng gian tham, trộm cắp đến nhà ai họ cũng sợ, và thường hay bị nghi ngờ. Ngược lại người không có tư tưởng gian tham, trộm cắp gian tham thì tạo được sự tin tưởng lẫn nhau trong gia quyến thân tộc và cộng đồng nơi mình đang chung sống. Cho nên, mọi người đều ảnh hưởng được sự yên ổn, hạnh phúc.

Hậu quả của sự trộm cắp:

Bất cứ ai hễ phạm tội trộm cắp sau khi chết sẽ tái sinh vào bốn khổ cảnh (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la). Ngay cả khi người ấy được thoát khỏi những khổ cảnh ấy và tái sinh trong cảnh giới loài người, người đó phải gánh lấy những hậu quả bất thiện như sau:

1. Bị nghèo nàn cùng cực.
2. Bị khổ đau về thân và tâm.
3. Bị đau khổ bởi nạn đói và thiên tai.
4. Không bao giờ hoàn thành sở nguyện.
5. Không được ổn định và dễ dàng diệt vong đối với vận rủi.
6. Của cải, tài sản sẽ bị năm kẻ thù tàn phá. Cụ thể là: lụt, lửa, kẻ cướp, nhà vua bất chính, và những người thừa kế đồi bại.

Ngược lại, nếu người ấy kiêng cử sự trộm cắp thì sẽ hưởng được những điều ích lợi trái ngược với những hậu quả ở trên. (The Teachings of the Buddha, tr.142).