Tịnh độ
Truyện tranh Hòa thượng Quảng Khâm
Tác giả: Nguyên Anh
06/05/2553 08:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG I:THỜI NIÊN THIẾU
 
 
   Ngày 26 tháng 10 năm Quang Tự thứ 18 triều Thanh, tại tỉnh Phúc Kiến, huyện Huệ An đã sinh ra một người có lòng thương tưởng cho đời, sau này trở thành hàng Tăng bảo của Phật môn, chuyên tu khổ hạnh, đạo phong lẫm liệt, phong độ hạnh kiểm xưa nay ít ai bì kịp, có những sự tích về việc hoằng pháp thật ly kỳ. Đó chính là Quảng Khâm thượng nhân, một vị đại cao Tăng được người người ngưỡng mộ.

   Quảng Khâm họ Hoàng tên Văn Lai. Lúc 3, 4 tuổi, nhân vì gia đình nghèo khó, anh trai không tiền cưới vợ nên bố mẹ đã đem Văn Lai bán cho gia đình họ Lý, một gia đình nông dân ở huyện Tấn Giang làm con nuôi.

   Gia đình họ Lý ngụ ở sườn đồi, sinh sống bằng nghề trồng vườn. Vì họ Lý không có con nên xem Văn Lai như con ruột, rất mực thương yêu. Thuở ấu thơ, Văn Lai thường hay yếu đuối bệnh hoạn, khiến cho cha mẹ nuôi rất lo lắng.

   Có một ngày, Văn Lai bệnh đến mê man bất tỉnh.

   Cha nuôi:

   - Thằng nhỏ này sức khỏe kém như vậy. Chà! biết làm sao đây?

   Mẹ nuôi:

   - Này! Uống thuốc đi con!

   Sau khi dưỡng mẫu bón thuốc xong, lo lắng bàn bạc với dưỡng phụ:

   - Bây giờ phải làm thế nào để Văn Lai được mạnh khỏe?

   Cha nuôi:

   - Thế này nhé! Chúng ta hãy đến điện Quan Âm đầu làng khấn nguyện cho nó.

   Mẹ nuôi:

   - Đúng đấy! Chúng ta có thể mang Văn Lai đến cho Quán Thế Âm Bồ-tát làm văn khế, cầu được bình an.

   Mẹ nuôi:

   - Xin Bồ-tát che chở cho con của con, con nguyện suốt đời ăn chay để đền đáp ơn Phật!

   Dưỡng mẫu bế Văn Lai đến trước Quán Thế Âm hứa nguyện. Do đó, từ nhỏ Văn Lai đã kết duyên sâu dầy cùng chư Phật, Bồ-tát.

   Một ngày, Văn Lai cùng cha mẹ nuôi quây quần bên mâm cơm…

   - Này mẹ, sao mẹ không ăn thịt?

   - Mẹ đã nguyện với Bồ-tát Quán Thế Âm ăn chay suốt đời, với lại, ăn thịt động vật, mẹ cũng thấy lòng bất nhẫn.

   Văn Lai vốn có trí tuệ thiện căn nhiều đời, nay nghe lời mẹ nói, bèn khởi lòng thương xót, thốt ra:

   - Đúng đó! Những động vật này cũng có sinh mạng, sao chúng ta chỉ vì no bụng mà không đoái hoài đến sự thống khổ hay sống chết của nó?

   Văn Lai nghĩ đến đây, trong lòng bèn quyết định…

- Này mẹ, con cũng muốn như mẹ vậy, ăn chay suốt đời!

- Thế à! Vậy thì tốt quá!

- Dạ, con thà ăn rau xanh, đậu hũ chớ không chịu ăn thịt những lọai động vật có sinh mạng này.

- Thật là một đứa con ngoan, mới 7 tuổi mà lại có thiện căn như vậy! Mẹ thật là vui sướng.

   Lúc Văn Lai lên 9 thì mẹ nuôi qua đời, năm 11 tuổi, dưỡng phụ cũng theo mẹ ra đi. Ba năm ngắn ngủi, thương hải tang điền, bởi sự tàn phá của vô thường. Văn Lai mất chỗ nương tựa. Cô đơn lẻ loi giữa mây mù dầy đặc. Lúc ấy Văn Lai ốm yếu bệnh tật, tứ cố vô thân, không biết phải đi về đâu!

   Văn Lai gói ghém lên đường, túi hành lý trên vai khá nặng đối với cái tuổi lên 9, nhưng trong lòng lại càng nặng trĩu hơn.

   Ngồi trên tảng đá bên mộ cha mẹ, Văn Lai suy nghĩ về tình cảnh lúc này: “Đời là vô thường, có cái gì vĩnh viễn đâu! Hình ảnh sung sướng tợ như ngay ở trước mắt thì đã mất rồi. Bây giờ mình phải đi đâu?... Chi bằng đến chùa Thừa Thiên ở Tuyền Châu quy y đầu Phật”. Văn Lai đem hết ruộng vườn nhà cửa, của cải cho bà con thân tộc, một mình đi thẳng đến chùa Thừa Thiên.

   Chùa Thừa Thiên được xây dựng vào đời Chu Hiển Đức thứ nhất (954), phía Bắc gối đầu với núi Anh Vũ, diện tích khoảng 1 dặm vuông, cùng với chùa Khai Nguyên, chùa Sùng Phước được gọi là “Tuyền Châu Tam Đại Tòng Lâm”. Từ lúc sáng lập đến nay, chùa đã trải qua mấy đời trụ trì, đối đầu với biết bao khó khăn gian nan, cực khổ, nhưng vẫn vững bước theo dấu những bậc tiên đức để gây dựng cho đàn hậu tiến pháp duyên thù thắng, nhiều Tăng tài cũng được đào tạo từ đó mà ra

   Khi Văn Lai đến Thừa Thiên Tự, gặp một vị Sư Tăng ngoài cổng.

   Văn Lai:

   - A-di-đà Phật! Đệ tử muốn gặp Hòa thượng trụ trì, xin thầy hoan hỷ vì con trình lên Hòa thượng được không?

   Sư Tăng:

   - Xin tiểu thí chủ đợi một tí, để tôi đi xin ý kiến!

   Vị trụ trì chùa Thừa Thiên lúc ấy là Hòa thượng Chuyển Trần. Văn Lai được dẫn đến trước Hòa thượng. Sau khi trình bày rõ hoàn cảnh, Văn Lai được thượng nhân đồng ý cho quy y với đệ tử của mình là Thụy Phương pháp sư.

   Cuối cùng đã được như nguyện, Văn Lai đảnh lễ Pháp sư Thụy Phương, từ đó quy y cửa Phật, tâm linh đã có nơi nương tựa suốt đời.

   Quy y:

   - Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.

   - Quy y Phật lưỡng túc tôn, quy y Pháp ly dục tôn, quy y Tăng chúng trung tôn.

   - Quy y Phật rồi, Quy y Pháp rồi, Quy y Tăng rồi…

Pháp sư Thụy Phương:

   - Con đã quy y cửa Phật thì cần phải tuân theo giới luật. Con đã ngủ nhơ ở đây thì con phải làm việc. Trồng rau nhổ cỏ tuy cực khổ nhưng được trau luyện thân tâm, phước huệ song tu, con hiểu chứ!

   - Cảm tạ Sư phụ dạy bảo, đệ tử nhất định tuân hành!