Tịnh độ
Truyện tranh Hòa thượng Quảng Khâm
Tác giả: Nguyên Anh
06/05/2553 08:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG THỨ III: KHỔ TU Ở NÚI THANH NGUYÊN
 
   Núi Thanh Nguyên ở phía Bắc Thành, vách đá dựng đứng trùng trùng lớp lớp như từng vách gỗ sắp lại. Trước núi thì cỏ hoang bao la bát ngát không một bóng người, sau núi thì rừng dầy mù mịt, khó kiếm được một chỗ ẩn thân.
Quảng Công chỉ mang theo bốn bộ đồ để thay đổi với hơn 10 kg gạo, khởi hành từ sáng sớm mà quá Ngọ mới đến chân núi. Vì vách núi dựng đứng, Quảng Công phải cởi giày để bám vách núi mà lên.

   Leo lên chưa được bao xa, Quảng Công gặp một hang động nhỏ rất kín đáo.
Quảng Công:

    - Tốt quá! Có một hang động thanh tịnh và đẹp đẽ như vậy thật là quá tốt!
Quảng Công bỏ hành lý xuống, ngồi nghỉ trên một tảng đá. Quảng Công từng nghe nói tại núi Thanh Nguyên có rất nhiều hổ, nhưng vì tìm chỗ tu hành, nếu người hổ gặp nhau biết chào hỏi thế nào?

   Quảng Công nghĩ thầm: “Ta ở núi tu hành, phải tránh người như hổ tránh phân; hổ vì bộ da mà ẩn thân trong lá cỏ, ta vì ngộ đạo mà khóa tại thâm sơn”.

   Quảng Công ngồi liền trong động suốt hai ba ngày, trong những ngày này Ngài cảm thấy rất được an lạc.

   Có một ngày…

   Quảng Công:

   - Quái nhỉ! Dường như có mùi tanh?

   Thình lình, có một vật khổng lồ lù lù tiến vào động. Quảng Công mở mắt nhìn, thì ra là ông ba mươi! Quảng Công buột miệng: “A-di-đà Phật”.

   Con hổ bất ngờ khi nghe tiếng “Sư hống” này, thất kinh thục mạng bỏ chạy một mạch.

   Quảng Công nghĩ thầm: “Nếu như trước kia ta có nợ mạng thì đời nay xin hoàn mạng, đó là nhân quả phải trả; nếu không phải, há không có nhân quả báo ứng muôn đời sao?”.

   Sau khi lão hổ định thần, lấy can đảm quay trở lại động, giận dữ ngước đầu nhìn Quảng Công…

   Quảng Công:

   - A-di-đà Phật! Xin Ngài chớ giận, tôi là người tu hành, vì không tìm được chỗ tốt hơn nên xin Ngài hãy đi tìm nơi khác, nhường chỗ này cho tôi. Sau này thành tựu đạo quả, tất sẽ độ Ngài!

   Kế đó, Quảng Công niệm Phật, lão hổ cũng gật gật đầu rồi nhẹ nhàng bước ra nằm ngoài cửa động làm hộ pháp.

   Quảng Công nghĩ thầm: “Chắc là Thiên long Hộ pháp che chở, chư Phật, Bồ-tát gia bị, chớ không thì khó thoát khỏi miệng hùm”.

   Từ ấy, lòng tin lớn mạnh, ý chí vững bền, Quảng Công bèn phát nguyện: “Nếu đời này không ngộ đạo thì suốt đời chôn thân trong động, quyết không ra ngoài”.

   Từ lúc Quảng Công hàng phục lão hổ thì sớm tối người hổ luôn bên nhau.
 
    Hổ cũng ôn thuần dễ bảo, hiểu được tiếng người, sau đó lại dẫn cả hổ con cùng đến đùa giỡn trước Quảng Công, lại nhìn Quảng Công gật đầu lia lịa, tựa như muốn thỉnh cầu điều gì. Quảng Công bèn vì chúng mà truyền Tam quy y và khai thị pháp yếu.

   Tuy Quảng Công và hổ rất hòa thuận thân ái, cuộc sống không chút vướng bận, nhưng cuối cùng vì rừng núi hoang sơ, không đủ trái quả. Vả lại, Quảng Công chỉ mang theo một ít gạo, nay đã hết. Cảnh giới Thiền định của Quảng Công ngày một thâm sâu, Ngài đam mê Thiền duyệt không muốn đi xa, mỗi lần bụng đói là ruột sôi, da quặn, chỉ tự lòng an ủi mấy câu: “Chúng ta thương lượng một tí, xin bạn hãy chịu đựng, chúng ta ngồi thêm một chút nữa, không nên vội, sau khi tôi thành chánh quả, lại sẽ cho bạn ăn”.
Thế là Quảng Công ung dung đi vào thiền định, quên luôn năng sở không biết đến bao giờ.

   Nhưng cái đói cứng đầu không chịu nghe lời, nhất là vào lúc đêm khuya tịch tĩnh, bụng lại càng sôi nghe như tiếng sấm.

   Vì thế, Quảng Công không còn cách nào hơn, đành pha trà uống cho đỡ đói.
   Đợi xuất định thử xem!

   Quảng Công thử hỏi: “Tại sao da mình biến thành vàng xám thế này? Hay là mình uống nước trắng xem sao!”.

   Thế là Quảng Công uống liền một bát nước trắng.

   Sau khi xuất định…

   - Sao toàn thân lại phù thũng thế này? Thế này không được, thế kia cũng không được, dứt khoát không ăn nữa, cứ vào sâu trong định, xem nó như thế nào!

   Dần dần, thân thể Quảng Công chỉ còn da bọc xương. Tiếp đó, ngay cả hơi thở cũng cảm thấy khó khăn. Cuối cùng thì nhúc nhích cũng không nổi nữa!
Quảng Công nghĩ thầm: “Không được rồi! Sao ngay cả nhúc nhích cũng không nổi! Dùng sức đẩy thử xem!”.

   Thế là dùng hết sức bình sinh cử động thân thể, trước là tay, kế đó là chân, dần dần toàn thân đều phục hồi tri giác.

   Không còn sức lực, Quảng Công bèn miễn cưỡng chống tay dựa vách ra ngoài kiếm thức ăn…

   Đằng xa, một bầy khỉ đang đùa giỡn và hái trái cây ăn, Ngài thấy mà thèm nhỏ dãi, và bụng lại càng đói không chịu nổi.

   Quảng Công ngĩ thầm: “Ta và loài khỉ có khác gì nhau? Nó ăn được thì mình cũng có thể ăn được”.

   Quảng Công nghĩ đến đây, bèn cúi xuống nhặt trái lên ăn. Bầy khỉ thấy thêm một người nhập bọn, ngạc nhiên, bọn chúng ghé tai nhau, chéc chéc ầm ĩ cả lên.

   Một lát, thấy Quảng Công trong tay không có trái nào, bọn khỉ bèn cùng nhau hái những quả tươi đưa cho Quảng Công.

   Từ đó, bọn khỉ trở thành Hộ pháp, chúng thường hay hái trái cây mang đến cúng dường Quảng Công.

   Nhưng một thời gian sau, bầy khỉ Hộ pháp không biết vì sao biến mất. Do đó, Quảng Công lại phải ra ngoài tìm kiếm thức ăn.

   Có một ngày, sau khi rời rất xa ngọn núi, Quảng Công đào được một củ rừng nặng 5, 6 kg, Quảng Công mừng rỡ và rất trân quý.

   Trước tiên, Quảng Công chắp tay báo cáo Thổ Địa rồi mới chẻ một thanh tre nhỏ để cắt củ rừng. Do đó đủ thấy, đức hạnh của Quảng Công ngửa mặt không hổ thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với đất. Ở trong chốn không người mà Ngài vẫn đủ tác phong như thế.

   Mỗi lần ăn, Quảng Công ăn chỉ cắt một miếng nhỏ, số còn lại đem chôn dưới đất. Ăn xong, Quảng Công liền nhập định, sau khi xuất định lại đào lên ăn một miếng. Cứ đào đào ăn ăn như vậy, củ cây rừng có 5, 6 kg cũng duy trì sự sống được mấy năm.

   Quảng Công: “Mình khoát một miếng, số còn lại chôn xuống đất, qua một thời gian củ cây lại lớn thêm một ít. Do đó, 5, 6 kg củ rừng cứ lớn mãi, giúp ta được rất nhiều”.

  Một ngày nọ, Quảng Công đang tĩnh tọa niệm Phật ở trong động…

   - Ồ! Sao sau núi có tiếng la thất thanh? Ta phải ra xem sao!

   Quảng Công vội vã đi ra xem có việc gì.

   Thấy mấy người tiều phu đang lo sợ hét lên vì có hổ.

   - Ôi chao! Hổ, làm sao đây?

   Quảng Công:
   - Các ông chớ sợ, sẽ không sao đâu!

   Mọi người không dám chạy, cũng không dám la, chỉ hướng mắt nhìn Quảng Công một cách kinh ngạc.

   Quảng công mỉm cười nói với hổ:

   - Ta không sợ, sao không bảo họ cũng đừng sợ đi?

   Quảng Công lại nói với hổ:

   - Các ngươi xem này, đời trước chính các người tạo nghiệp, sân tâm quá nặng, cho nên mới sinh ra khuôn mặt hung dữ như thế này, người thấy người sợ. Thôi, Đi đi!

   Quảng công vừa nói vừa phất tay, mấy con hổ bèn bỏ chạy đi. Các tiều phu đem chuyện mắt thấy tai nghe này, truyền khắp thành Tuyền Châu và mọi người đặt cho Ngài danh hiệu là Phục Hổ Sư.

   Từ đó các tiều phu, mỗi lần đi qua đều ghé để ý hành tung của Quảng Công.

   Tiều phu A:
   - Quái nhỉ! Sao dạo này không thấy Phục Hổ Sư đâu?

   Tiều phu B:
   - Ừ ha! Lần trước tôi vẫn thường gặp ông ta, còn chào hỏi nữa mà?

   Tiều phu C:
   - Tôi vào trong động, thấy sư đang nhắm mắt ngồi bất động.

   Qua mấy ngày sau, các tiều phu vào sơn động xem thử, thấy Quảng Công vẫn y nhiên tĩnh tọa…

   Tiều phu:
   - Sao đến mấy lần đều thấy Sư phụ ngồi bất động, đã mấy ngày rồi, không biết… Ta phải nhanh chóng báo cho Trụ trì chùa Thừa Thiên thôi!

   Chuyển Trần trụ trì: 
   - Đừng lo, đây là nhập định!

   Tiều phu:
   - Nhập định à?

   Sau khi tiều phu biết được thì cũng không lấy gì làm lạ.
120 ngày sau…

   Các tiều phu lấy làm khó hiểu, họ là những người quê mùa thiếu hiểu biết, khó có thể tin được người gì mà không ăn uống, không nhúc nhích động đậy, ngồi mãi như vậy? Vì thế, họ bèn vào động gọi thử, Quảng Công vẫn không nói không rằng, thậm chí họ thấy Quảng Công không còn thở nữa.
Tiều phu A:

   - Sao không phản ứng gì cả? Ngay cả hơi thở cũng không có!

   Tiều phu B:
   - Lần này nhất định là chết thật rồi! Phải báo lại cho chùa Thừa Thiên thôi!

   Chuyển Trần:
   - Đã 120 ngày rồi à, lâu thế à, chẳng lẽ… Các con lên núi chuẩn bị củi hỏa để táng Quảng Công. Ngoài ra, hãy mang tin này đến cho Đại sư Hoằng Nhất, mời ông ta đến giám định xem sống chết thế nào.

   Lúc bấy giờ, Đại sư Hoằng Nhất đang hoằng pháp ở Phúc Kiến. Nhận được thư, Ngài tức khắc cho người đến ngăn lại, nhất thiết không được làm bừa, phải đợi Ngài đến xem rồi sẽ quyết định.

   Hoằng Nhất đến Thừa Thiên Tự, cùng Hòa thượng Chuyển Trần và một số người lên núi. Trong động, Hoằng Nhất xem trái ngó phải…

   Hoằng Nhất tán thán:
   - Đây là cảnh giới thiền định, xưa nay ít người có được!

   Thế là Hoằng Nhất Đại sư ghé tai Quảng Công khảy nhẹ móng tay ba cái, xin Quảng Công xuất định. Mọi người đi hết ra ngoài động, vòng ra sau núi, hướng về Bích Tiêu Nham.

   Mọi người đến Bích Tiêu Nham, chưa kịp pha trà thì Quảng Công liền xuất định, đến trước chư vị đảnh lễ thỉnh an:

   - Đại sư đến đây không biết có điều gì chỉ bảo?

   Hoằng Nhất:

   - Không dám! Không dám! Tôi đã quấy rầy Ngài. Tội lỗi! Tội lỗi! Ở đây không có việc gì, hay là thỉnh Ngài hạ sơn!

   Sau lần đại định này, Quảng Công như ngựa thêm roi, cực lực tham cứu cho đến chứng ngộ, và thế là Ngài đã ở trên núi 13 năm.

   Năm Dân Quốc thứ 34, cũng là năm kháng chiến thắng lợi, Quảng Công quyết định xuống núi, chuẩn bị rộng độ quần sinh. Lúc ấy, Quảng Công 55 tuổi.

   Quảng Công trở lại Thừa Thiên Tự, mọi người dấy lên náo động. Họ nghĩ rằng đây là một việc lạ, mắt nhìn bộ đồ 13 năm trong động của Quảng Công; cũng có người ngờ vào mắt mình, xem ra cũng bình thường thôi, khác gì thế nhân đâu, sao có thể gọi là chứng ngộ nhỉ? Nhưng đại đa số người tu hành đều nhìn với ánh mắt kính phục, ban cho nhiều ưu ái. Tuy nhiên, Quảng Công vẫn giữ thái độ khiêm tốn, ban ngày thì cùng đại chúng làm việc, đêm đến thì lên chánh điện tĩnh tọa tham thiền.

   Có một ngày, tiền hương hỏa trong thùng phước sương bỗng nhiên không cánh mà bay!

   Giám viện và thầy hương đăng đưa tin này ra, cả chùa ầm ĩ náo động. Trước khi Quảng Công về chùa, ở đây chưa từng mất tiền, nhưng Ngài mới về được chưa bao lâu thì đã xảy ra chuyện này. Do đó, mọi nghi ngờ đều dồn về phía Quảng Công, vì mỗi đêm Ngài đều tọa thiền trên chiùnh điện. Từ thái độ hoài nghi ấy, họ nhìn Quảng Công với ánh mắt lạnh lùng, còn Quảng Công thì không một lời biện bạch, trong lòng không khởi một chút oán hận.

   Thầy Giám viện:

   - Này các huynh đệ! Thật ra tiền hương hỏa không có mất, đây chỉ là do tôi và thầy hương đăng thử nghiệm Quảng Công ở trên núi 13 năm đã luyện lịch được nhân cách gì ? Không ngờ bị đại chúng phẫn nộ nghi ngờ, Quảng Công vẫn an nhiên tự tại. Đáng kính! Đáng kính!

    Được hương đăng, giám viện tỏ rõ, mọi người cảm thấy hổ thẹn, ngoài lòng ân hận ra, họ đối với Quảng Công bội lần khâm phục và khen ngợi, nhưng Quảng Công vẫn an nhiên, không vì tiếng khen chê mà động dung sắc.