Tịnh độ
Pháp ngữ của Đại sư Ngẫu Ích
Tác giả: Như Hòa
30/05/2553 03:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Luận về trì danh niệm Phật
cửu phẩm vãng sinh
 
   Nếu muốn mau thoát khỏi nỗi khổ luân hồi thì không gì bằng Trì danh niệm Phật, cầu sinh thế giới Cực Lạc. Nếu muốn quyết định được sinh về thế giới Cực Lạc thì lại không gì bằng lấy tín để dẫn đường, lấy nguyện để thúc đẩy. Tin xác quyết, nguyện khẩn thiết, dù tán tâm niệm Phật cũng chắc chắn được vãng sinh. Lòng tin chẳng chân thật, nguyện chẳng dũng mãnh, dù nhất tâm bất loạn cũng chẳng được vãng sinh.

   Thế nào là tín? Một là tin vào nguyện lực của Phật A-di-đà. Hai là tin vào lời dạy của đức Thích-ca Văn Phật. Ba là tin vào lời khen ngợi của sáu phương chư Phật. Phàm là bậc chánh nhân quân tử trong thế gian còn chẳng nói dối, huống hồ là Di-đà, Thích-ca, sáu phương chư Phật há lại vọng ngữ sao? Chẳng tin điều này thì thật chẳng còn cách nào cứu được nữa. Vì thế, trước hết phải sinh lòng tin sâu xa!

   Thế nào là nguyện? Trong hết thảy thời, chán ghét nỗi khổ sinh tử cõi Ta-bà, ưa thích, hâm mộ niềm vui Bồ-đề cõi Cực Lạc. Làm bất cứ điều gì thiện hay ác; nếu thiện thì hồi hướng cầu vãng sinh, ác thì sám nguyện cầu vãng sinh, không còn chí gì khác. Đấy gọi là nguyện.

   Tín–Nguyện đã đầy đủ thì niệm Phật chính là chánh hạnh; cải ác tu thiện đều là trợ hạnh. Tùy theo công sức sâu cạn mà chia thành chín phẩm, bốn cõi Tịnh độ, mảy may chẳng lạm. Chỉ cần tự kiểm điểm lấy mình, chẳng cần phải hỏi người khác nữa.

   Nghĩa là: tín sâu nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật, tâm nhiều tán loạn thì là Hạ phẩm Hạ sinh. Tín sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật tán loạn giảm thiểu thì là Hạ phẩm Trung sinh. Tin sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật lại chẳng tán loạn thì là Hạ phẩm Thượng sinh. Niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, chẳng khởi tham, sân, si thì thuộc vào ba phẩm Trung sinh. Niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, tùy ý đoạn Kiến Tư hoặc hay Trần sa hoặc trước và cũng hàng phục được vô minh thì thuộc vào ba phẩm Thượng sinh. Vì thế, Tín–Nguyện Trì danh niệm Phật sinh trong chín phẩm, đích xác chẳng lầm.

   Hơn nữa, Tín–Nguyện Trì danh, tiêu phục nghiệp chướng, đới nghiệp vãng sinh chính là Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ. Tín–Nguyện Trì danh, đoạn sạch Kiến tư hoặc mà vãng sinh thì là Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ. Tín–Nguyện Trì danh, phá tan một phần vô minh mà vãng sinh chính là Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ. Tín–Nguyện Trì danh, trì đến chỗ cứu cánh, đoạn sạch vô minh mà vãng sinh thì chính là Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Vì thế, Trì danh sinh trong Tứ độ cũng là điều đích xác chẳng lầm vậy.

    Hỏi: Trì danh như thế nào để đoạn được vô minh? 

   Đáp: Đối với danh hiệu Phật được trì, chẳng luận là ngộ hay chẳng ngộ, không gì chẳng là “Nhất cảnh Tam đế” . Cái tâm trì niệm chẳng luận là đạt hay không đạt, không gì chẳng là “Nhất tâm Tam quán” . Chỉ vì chúng sinh vọng tưởng chấp trước, tình kiến phân biệt nên chẳng thể khế hợp viên thường. Nào có biết rằng (tâm) năng trì chính là Thỉ giác. (Danh hiệu Phật) được trì (sở trì) chính là Bổn giác. Nay cứ thẳng thừng mà trì thì ngoài chuyện trì niệm ấy không có Phật, ngoài Phật chẳng có trì niệm. Năng sở bất nhị thì Thỉ giác hợp với Bổn giác, ấy gọi là Cứu cánh giác.

   Hỏi: Thỉ giác đã hợp với Bổn giác thì ngay đó chính là Thường Tịch Quang, sao còn nói là vãng sinh? 

   Đáp: Nếu đã thấu đạt ngay đó chính là Thường Tịch Quang thì nói đến vãng sinh nào có ngại gì? Bởi vãng tức là chẳng vãng, không vãng mà vãng, sinh chính là vô sinh, vô sinh mà sinh. Văn-thù, Thiện Tài sinh về Tây Phương là bởi lẽ đấy.
   Ôi chao! Nam tử! Đừng mất công suy nghĩ nữa!