Tịnh độ
Pháp ngữ của Đại sư Ngẫu Ích
Tác giả: Như Hòa
30/05/2553 03:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lời phổ thuyết ở nhân nghĩa viện
thuộc phong Nam, hấp Tây
 
   Nay Huyền Thúy Ngô Cư sĩ vì khắp hàng Tăng tục, xin tôi khai thị pháp môn siêu sinh thoát tử, Ngẫu Ích tự xét mình chưa siêu sinh thoát tử, làm sao khai thị cho người được? Nhưng dù cùng trong biển sinh tử, đối với pháp xuất sinh tử, tôi còn may mắn biết chút ít đầu mối chân chánh. Vì thế, tôi chẳng ngại cùng các nhân giả luận bình, thương lượng bước đường tối sơ.

   Nếu thật sự muốn siêu sinh thoát tử thì thứ nhất là chẳng được suy nghĩ so đo, thứ hai là chẳng được cậy mình nóng vội, thứ ba là chẳng được xen tạp danh lợi. Phía Nam đi xuống đất Mân (Phước Kiến), phía Bắc đi lên Yên, nếu lầm đường một chút là càng đi càng xa. Đây thực là lời lời huyết lệ, chữ chữ nhói lòng! Chỉ e: “Sầu nhân mạc hướng vô sầu thuyết, thuyết dữ vô sầu tổng bất tri” (dạ sầu chớ kể người vui, giãi bày cách mấy ai người hiểu cho!).

   Chư nhân giả! Đã biết sầu chưa? Phật dạy: Được thân người như đất dính trên móng tay, mất thân người như đất trong đại địa. Một hơi thở ra chẳng hít vào được, liền hướng đến thai lừa, bụng ngựa, ám độn, càn rỡ, trải qua ngàn đời, trăm kiếp mới ló đầu ra, biết là lúc nào? Huống là đời mạt, tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng. Một kẻ mù dẫn lũ đui, kéo nhau sụp hầm lửa.

   Vì thế, Vĩnh Minh đại sư nói: “Không Thiền có Tịnh độ, vạn người tu vạn người đỗ. Có Thiền không Tịnh độ, mười người chín lầm nẻo”. Hám Ông đại sư lại nói: “Hiện thời có Thiền không Tịnh độ, nào phải là chỉ là chín người lầm lạc, dám bảo đảm là mười người đều lạc cả!”. Đấy đều là những lời chân ngữ, thực ngữ, đại từ bi sâu xa!

   Lại xin chư nhân giả! Đừng đọa vào đồng cuồng, nẻo lấp, phải đau đáu nghĩ thẳng vào lẽ vô thường, Tín–Nguyện niệm Phật, cầu sinh Tịnh độ. Đời này chẳng độ được thân này, còn đợi kiếp nào mới độ được. Trân trọng!