Tịnh độ
Pháp ngữ của Đại sư Ngẫu Ích
Tác giả: Như Hòa
30/05/2553 03:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thư trả lời Đường Nghi Chi
 
   Cuốn (Quán Vô Lượng Thọ Kinh) Diệu Tông Sao chẳng thể đổi được một chữ. Bởi lẽ, Đại–Tiểu A-di-đà kinh (kinh Vô Lượng Thọ và kinh A-di-đà) độ khắp ba căn nên sách chú giải hai kinh ấy phải tương xứng căn cơ cạn lẫn căn cơ sâu. Còn kinh này (Quán Vô Lượng Thọ Kinh) chuyên để độ bậc đại căn viên đốn như bà Vi-đề-hy khiến họ ngay trong đời này ngộ được Vô sinh nhẫn.

   Nếu chưa thấu triệt được yếu chỉ tâm “làm, là” (tâm này làm Phật, tâm này là Phật) thì hoàn toàn chẳng thể nương vào Sự để tu Quán được! Ngài Vân Thê nói: “Tâm thô, cảnh tế, diệu quán khó thành!”. Đây chính là điều được các vị đại Tổ sư như ngài Thiện Đạo đề xướng, tôi tin ngài Vân Thê chẳng đoán mò.

   Húc tôi (Đại sư Ngẫu Húc tự xưng) cho rằng: Thời Tống căn tánh khá lanh lợi, những yếu nghĩa được ngài Tứ Minh phát huy hãy còn sơ lược (ý nói: do căn tánh chúng sinh thời ấy lanh lợi, nên Đại sư Tứ Minh chỉ giảng đại lược người đọc liền lãnh hội ngay được ý chỉ, không cần phải viết dài dòng). Nếu nay Đại sư lại trước tác (chú giải Quán kinh) lẽ ra nên giải thích tận tường, có đâu lại chỉ tiết yếu? Thợ cả chẳng vì bạn thợ vụng về mà đổi, bỏ dây mực; Hậu Nghệ chẳng vì kẻ vụng bắn mà thay đổi quy cách ngắm cung, kéo cung. Điều này quan hệ chẳng nhỏ. Nếu chẳng viên giải thấu triệt cả mười hai phần, chẳng tránh khỏi gây nên ma sự. Chỉ có mỗi một pháp Trì danh, ngàn phần ổn thỏa, trăm chiều thích đáng.

   Xét ra, Quán kinh cùng sách Diệu Tông Sao dành riêng cho hạng viên đốn. Nếu là những chúng sinh thuộc căn tánh chẳng suy lường lầm lạc thì họ cũng tự có thể thấu hiểu được. Kẻ đã hiểu sẽ nhất định chẳng ngại sách dài. Đối với kẻ chưa hiểu, lại còn rút ngắn đi thì có ích gì cho họ? Nếu lược bớt những phần ý nghĩa nông cạn, chỉ giữ lại những phần sâu xa, kẻ sơ cơ càng thêm khó hiểu. Nếu lược bỏ phần sâu, giữ lại phần cạn thì lại càng trái nghịch tông chỉ kinh. Suy đi nghĩ lại, vạn phần chẳng nên dấy khởi ý niệm ấy.

Ngẫu Ích đại sư pháp ngữ hết
(dịch xong ngày 04 tháng 12 năm 2003)