Tịnh độ
Pháp ngữ của Đại sư Ngẫu Ích
Tác giả: Như Hòa
30/05/2553 03:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thư gởi Châu Tấy Tâm
 
   Chẳng thể nói toạc vì sợ ngăn lấp cửa ngộ là một đường lối phương tiện riêng của tham cứu. Nhà Thiền cũng có khi chẳng ngại nói toạc thẳng thừng, huống hồ là Giáo Quán, Tịnh độ ư? Ý chỉ của Tịnh độ nằm trọn trong cuốn Diệu Tông. Nếu Trì danh mà chẳng tu Quán làm sao thấu đạt bốn cõi Tịnh độ dọc ngang?

   Cuốn Tây Phương Hiệp Luận cũng là một cuốn sách hữu công trong Tịnh độ, chẳng hổ là một tác phẩm viên thông, bao hàm trọn vẹn cương tông của pháp Niệm Phật tam-muội, nhưng lời ít nghĩa nhiều, chỉ nêu lên cái học đề cương, yếu lãnh, chứ chẳng khảo sát trọn khắp toàn bộ giáo pháp, chẳng thể trong vài ngàn câu mà hòng thâu tóm trọn vẹn hết được.

   Nếu chú trọng chuyên tu, chưa rảnh để lợi sinh thì cứ ngày đêm niệm Di-đà mười vạn câu, cầu được vãng sinh; bất tất phải mong cầu thông suốt những giáo nghĩa trọng yếu của các tông. Câu: “Chỉ được thấy Di-đà, lo gì chẳng khai ngộ” chính là luận về điều này.

   Nếu là người đại từ bi, toan lưu lại trứ tác thì tác phẩm phải thập phần tinh vi, ngời sáng, mới hòng lợi lạc khắp ba căn. Nếu không, vừa lập một pháp liền nảy sinh ngay một điều tệ. Vả lại, đời mạt các ngữ lục của Thiền, Giáo, Tịnh độ chất chật nhà, cao tận rường, chỉ xét về mặt Sự đã tạp nham chẳng thuần, cốt khoe mẽ cùng thế tục đó thôi!