Tịnh độ
Một Trăm Ngày Niệm Phật & Một Trăm Bài Pháp (Trọn bộ)
Thích Giác Quang
16/11/2554 09:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Danh xưng pháp môn niệm Phật

* Bạch Sư! Chúng con nghe quý Giảng sư thuyết giảng: “pháp môn Tịnh Độ khế cơ và khế lý trong từng thời đại, là pháp môn dễ tu dễ chứng, phù hợp với mọi căn cơ trình độ chúng sanh, nhất là đối với những vị sĩ, nông, công, thương, các thành phần trong xã hội. Người độn căn lợi căn đều có thể tu niệm Phật được; bậc thượng căn nghiệp dứt tình không, bậc hạ căn chướng sâu tội nặng đều có thể phát tâm tu hành không trở ngại. Tuy nhiên chúng con là người có biết pháp môn tu, nhưng chưa quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm có thể tu niệm Phật được hay không…?”

1. NGÀY THỨ NHẤT:

* Quý Thầy giảng Tịnh Độ rất kỹ, không bao giờ dùng từ ngữ Phật học pháp môn Tịnh độ, mà dùng cụm từ “pháp môn niệm Phật” Tịnh độ tông.

Thật sự pháp môn niệm Phật dễ tu dễ chứng, phù hợp với quảng đại quần chúng, nhất là quần chúng của thế kỷ hai mươi mốt, một thế kỷ mà mọi người phải vật vã lo toan cho cuộc sống; lo ăn lo mặt, lo cho gia đình, cho xã hội. Gần như là con người trên hành tinh không còn và không có thời gian để trở về với nội tại tâm linh. Cho nên vấn đề tu Phật là điều cần tìm hiểu và tìm một lối thoát cho người muốn tu học Phật, lo cho con đường về của mình, có một lối thoát khả dĩ, hóa giải những căng thẳng hằng ngày xâm lấn làm tiêu hao nội lực, tâm linh lu mờ, làm cho con người mau cằn cỗi, mau già đi với thời gian và trong không gian thu hẹp.

Pháp môn niệm Phật là pháp môn có thể áp dụng hằng ngày, hằng giờ xen kẽ vào đời sống vật chất, trong đó có thời gian nghỉ ngơi, thời gian dành cho cuộc sống, thời gian dành cho hơi thở điều hòa, một chút thời gian ấy chính là thời gian mà con người dành riêng cho cá nhân cuộc sống, chính là cuộc sống tâm linh, chính là hơi thở của cuộc đời.

Cần trích quỹ thời gian từ hai mươi đến ba mươi phút niệm Phật, niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, niệm danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát. Chính những giây phút ấy, những phút giây hiện tại, những phút giây trở về với thực tại, hít thở không khí vũ trụ phi thời gian, ngắm nhìn không gian, nhìn về thế giới của vô biên, của bao la, sự hoan hỉ của thế giới Cực lạc như Đức Phật Thích Ca đã diễn đạt giới thiệu thế giới Cực lạc trong kinh A Di Đà: “thế giới không có khổ, chỉ toàn là những điều vui, nên gọi là Cực lạc…”

Pháp môn niệm Phật, niệm A Di Đà, ai cũng tu được, người quý phái người bình dân, từ chúng sanh bậc thượng căn đến chúng sanh phiền não nghiệp chướng sâu nặng đều tu được, không bị trở ngại, thậm chí đến người chưa giác ngộ, người chưa biết Đạo Phật, cũng đều phát tâm niệm được, nếu người ấy phát tín tâm muốn niệm.

Huống chi nói đến người chưa quy y Tam Bảo. Người chưa quy y, chứ không phải không quy y. Người chưa quy y vẫn niệm Phật được, nếu có cơ duyên Phật pháp, niệm Phật rồi sau đó phát tâm quy y cũng không muộn; niệm Phật là quy y tánh đấy.

Như vậy người chưa quy y Tam Bảo vẫn niệm Phật được. Tuy nhiên sau đó sẽ quy y và gần gũi Phật Pháp, học Phật Pháp. Niệm Phật thanh tịnh thuần thục pháp lành sanh khởi. Pháp lành là phát tâm quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm, muôn đời sống trong chánh pháp.

Trong bộ Tỳ Bà Sa Luận của ngài Tổ sư Long Thọ, Thánh tổ Tịnh Độ tông có trứ tác bài phát nguyện, dành cho những người có tín tâm phát nguyện niệm Phật và xưng tán Đức Phật A Di Đà, như sau:

Nếu ai nguyện làm Phật

Tâm niệm A Di Đà

Phật liền hiện thân đến

Cho nên tôi quy mạng

Do bổn nguyện của Phật

Nên thập phương Bồ tát

Đến cúng dường nghe pháp

Vì thế tôi cúi đầu

Bồ tát ở Cực lạc

Thân xinh đẹp trang nghiêm

Đủ cả các tướng hảo

Nay tôi quy mạng lễ

Bồ tát ở Cực lạc

Ngày ngày trong ba thời

Cúng dường thập phương Phật

Nên tôi cúi đầu lạy

Nếu người trồng căn lành

Nghi thì hoa không nỡ

Người tín tâm thanh tịnh

Thời hoa nỡ thấy Phật

Hiện tại thập phương Phật

Vì muốn độ chúng sanh

Mà ca tụng Di Đà

Nên tôi quy mạng lễ

Cõi đó rất trang nghiêm

Thanh tịnh hơn thiên cung

Công đức rất sâu dầy

Nên tôi lạy chơn Phật

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo

2. NGÀY THỨ HAI:

Mọi giới đều niệm Phật

* Bạch Sư! Chúng con nghe bạn bè truyền đạt lại là:”pháp môn niệm Phật chỉ dành cho giới cư sĩ phát tín tâm tu hành, ăn chay niệm Phật, làm lành lánh dữ vậy thôi. Những suy nghĩ nầy có đúng không? Xin Sư từ bi hoan hỷ giảng giải?

* Thật ra thì nền đạo đức của Đức Phật, trước tiên bao giờ cũng cân nhắc cho người Phật tử khởi tín tâm lánh dữ về lành, làm lành lánh dữ, thương người, cứu người, cứu vớt người khổ, người đang trong vòng lao lý của cõi sanh tử luân hồi.

Có điều là mọi người phải có chút ít tâm giác ngộ, ý tứ tự giác, tưởng niệm Đức Phật dù là Phật A Di Đà hay Phật Thích Ca, nhất là Quán Thế Am Bồ Tát.

Trong giáo pháp Đức Phật Thích Ca thường cân nhắc chúng sanh làm lành, vì làm lành tức là gieo nhân tốt, gieo nhân tốt thì hưởng quả tốt là điều kiện tất yếu mà giáo lý Đức Phật hằng khuyến giáo. Cũng rất phù hợp với pháp vô sanh, bất sanh bất diệt. Ac không sanh thì không cần diệt ác đi tìm thiện, mà làm thiện…”. Cũng như nói tam nghiệp không khởi ác, làm ác thì không có gì phải giữ giới, vì đấy chính là giới và giữ giới. Mục tiêu hoằng giới của Đức Phật chính là ở chỗ nầy: "giữ giới như vậy chính xác hơn”.

Trở lại với pháp niệm Phật: niệm Phật, niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì ai mà niệm không được, người ở trong chỗ tam đồ (thủy đồ, hỏa đồ, đao đồ), bát nạn (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đui, điếc câm ngọng,bắc-câu lô-châu, trường thọ thiên, thế trí biện thông, sanh trước và sau Phật) nếu còn có chút ít tín tâm thì được hướng dẫn niệm Phật. Người câm thì nhìn Phật cũng là niệm Phật; người điếc thấy Phật cũng là niệm Phật, người già ngồi niệm Phật không kham, thì nằm nghe máy niệm Phật cũng là niệm Phật; người sắp trút hơi thở cuối cùng được bạn lành trợ lực niệm Phật cũng được đới nghiệp vãng sanh. Người lâm nạn biết hướng về Phật cũng được gần Phật thoát hóa; trường hợp người lâm nạn thì đâu luận là cư sĩ hay Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, tại gia hay xuất gia lâm nạn, người có căn lành hay không căn lành, người đã quy y hay chưa quy y Tam Bảo… nếu biết phát tâm xưng niệm Phật thì cũng có cơ duyên được Phật tế khổ.

Thế nên pháp môn niệm Phật, Tịnh độ tông thuộc bồ tát tạng nhiếp cả ba căn thượng trung hạ. Người nghiệp dứt tình không, căn khí thông lanh thì gọi là thượng căn. Người tâm chí hay lui sụt, kém hèn, nghiệp lực dẫy đầy, si mê biếng nhác gọi là hạ căn… gọi chung cũng là nghiệp lực chúng sanh. Các loại nghiệp lực chúng sanh trên dù ở phương trời nào, nếu chí tâm niệm Phật cũng đều được nhiếp thọ vãng sanh.

Trong sách Phật học Tinh hoa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, có nhắc đến câu nguyện: ”chàng đạo sĩ trẻ tuổi gặp Phật…”.

- Một ngày nọ, vào buổi chiều vị đạo sĩ trẻ tuổi dừng bước chân du phương trì bình khất thực, ghé vào một lò gạch địa phương xin tạm trú ngụ qua đêm. Cùng thời gian ấy, Đức Thế Tôn cũng xuất hiện, ghé vào lò gạch cũng để trú ngụ qua đêm, gặp vị đạo sĩ trẻ tuổi, Đức thế tôn gạn hỏi:

- Vị Đạo sĩ trẻ tuổi đáng quý ơi! Anh từ đâu đến đây, là đệ tử của ai, tại sao lại mặc pháp y nhà Phật, đi du tăng khất thực, Anh là đệ tử của ai, vị nào là Thầy của Anh?

- Bạch Ngài! Tôi là nhà du tăng khất sĩ, nghe danh Đức Thích Ca Mâu Ni mà phát tâm tu theo Đạo của Ngài, hiện tôi đang theo học Đạo của Ngài, chính Ngài là Bổn Sư của tôi.

- Đức Thế Tôn vui lòng, chấp nhận vị đạo sĩ trể tuổi thông thái, Ngài nói:”nếu trường hợp Anh gặp được Bổn sư của Anh thì sao? – Gặp Phật thì tôi xin gieo năm vóc kính lễ và bước chân theo Ngài, vì từ trước đến giờ, tôi chỉ nghe danh của Ngài mà tu hành, nay nếu gặp Ngài tôi sẽ đảnh lễ và đi theo Ngài cầu học đạo giải thoát.

- Ta là Phật, Thầy của Ông đây!

- Vị đạo sĩ trẻ quỳ sụp lạy xin quy y, đi theo Đức Thế Tôn du hóa tu hành và đắc quả vô sanh A La Hán.

Chưa gặp Phật, chưa biết Phật, ở xa Phật kể cả không gian và thời gian mà vị đạo sĩ trẻ tuổi phát tín tâm tin tường, còn tu hành hiệu quả như thế, huống chi chúng ta phát tâm học Phật, cầu đạo giải thoát, chí tâm niệm Phật thì làm gì không được kết quả thành công.

Thế nên, khi người phát tín tâm tu niệm Phật thì được Phật nhiếp thọ, nếu là được nhiếp thọ thì dù tu sĩ xuất gia hay tại gia cư sĩ cũng đều được gần Phật, thấy Phật. Nhiếp thọ cũng chính là ngự phục (hàng phục) được các căn si cuồng, tham ái, sân hận, phú não… chìm đắm trong sanh tử.

Nhiếp thọ làm cho nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, khẩu, ý lặng trong sáng suốt, ngự phục làm cho nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, khẩu, ý dũng mãnh tinh tiến. Hạnh nhiếp thọ và ngự phục không chỉ giới hạn dành cho giới tu hành tại gia, mà cho cả giới xuất gia. Người tại gia thì giữ giới của người tại gia (nếu đã thọ giới cấm); người xuất gia thì giữ giới của người xuất gia (Tỳ kheo, Tỳ kheo ni…). Giữ giới làm cho tam nghiệp thanh tịnh, xem chừng nghiệp lực chúng sanh không dấy sanh đấy là ngự phục. Niệm Phật thì nhiếp hóa thân khẩu ý chuyển phàm thành thánh, cả hai đều có ý nghĩa tĩnh tu; tĩnh tu thì không phân biệt xuất gia hay tại gia. Tĩnh tu chính là quá trình tu chứng, công phu tịnh niệm. Người tĩnh tu tức là người giác ngộ, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm hơi thở ra, niệm hơi thở vào, niệm thân, niệm chết…

Tu học từ pháp môn niệm Phật, Tịnh độ tông làm cho các liên hữu hành giả phấn khởi ở chỗ:”người xuất gia tu chứng theo người xuất gia, người tại gia tu chứng theo người tại gia. Nói cách khác, thì người xuất gia tu thành Phật theo phẩm hạnh cung cách người xuất gia, người tại gia tu thành Phật theo phẩm hạnh cung cách người tại gia. Đấy chính là giáo lý bình đẳng lợi tha của nhà Phật, rất công tâm và trực tâm.

Vã lại trong pháp hội Tịnh Độ, tại kinh đô Xá Vệ, khi thuyết pháp đề tài Tịnh Độ, Đức Phật Thích Ca có giới thiệu về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà và nói về nhân hạnh Đức Phật A Di Đà, tuy bản kinh không có ai hỏi mà do đức Phật tự nói, nhưng nói cho các vị Bồ tát, cho 1250 vị Thinh văn (Thinh văn tức là đại đệ tử chính thức của Đức Phật thuộc vào hàng xuất gia), rồi mới nói đến chư vị Cư sĩ, bát bộ thiên long, các bộ chư Thiên, các chúng sanh khác trong mười phương đều đến thính pháp văn kinh.

Từ trước đến đây là một trong những hành trình tu chứng của người Thích Tử, không phân biệt tại gia hay xuất gia, trong các hành trình tu chứng, trong đó có pháp niệm Phật. Chẳng lẽ ngày nay người đệ tử đức Phật lại thay đổi lời Phật dạy trong kinh A Di Đà thuyết tại kinh đô Xá Vệ xưa, đem pháp môn niệm Phật sắp xếp lại để dành cho người tại gia tu hành? Vậy còn người xuất gia tu pháp nào? Thật không có lý do trên!

Ngài Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy:”Pháp môn niệm Phật Tịnh độ thật là tâm tông của chư Phật. Là con đường đi đến quả vị giải thoát tắc nhứt của mọi người tu…” (Đường về Cực lạc, trang 118).

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.