CHƯƠNG THỨ TÁM
16. NGÀY THỨ MƯỜI SÁU:
Bốn cõi Tịnh Độ
Bạch Sư! Chúng con có nghe Sư giảng
về bốn cõi Tịnh Độ, khi tu chứng đạt đến hiệu quả, về với các cõi Tịnh Độ,
nhưng là cõi Tịnh Độ nào? Xin Sư từ bi giảng giải?
Đã nghe hỏi thì biết là quý vị còn
tu và cần phải học Phật pháp thật nhiều hơn nữa, lời hỏi sẽ giúp ích cho đại
chúng liên hữu đồng tu. Sư sẽ vì quý vị và đại chúng mà nói…
Năm 1971 khi còn tham dự học khóa
giáo lý Tịnh Độ Căn Bản, môn Tịnh Độ Thập Nghi Luận tại Quan Âm Tu Viện, Sư
được nghe Thầy dạy như sau:
Tất cả cõi Phật trong khắp mười
phương đều không ngòai tâm mà có. Thầy dạy niệm Phật phát nguyện vãng sanh Tây
phương Cực lạc, khi niệm trông về hướng tây mà là đề mục tu tiến… từ đó có
người cứ mãi mê thú hướng về hướng tây mà niệm rồi nghĩ ngợi là Tịnh Độ ở hướng
tây. Cũng phải thôi, vì kinh dạy như vậy và đối với người còn trong vòng tu
tiến chưa đắc đạo. Song người tu niệm Phật đạt đến vô biệt niệm, thì đâu có cõi
Phật nào ngòai tâm ta.Cho nên lúc bấy giờ Tịnh Độ là cõi duy tâm, ở trong chân
tâm của ta, như biển cả nổi lên vô lượng bóng bọt, nhưng không có bóng bọt nào
ở ngòai biển cả. Ví như những hạt bụi, không có hạt bụi nào chẳng phải là đất;
cũng như không có cõi Phật nào chẳng phải là tâm. Nên chư Đại sư Tịnh Độ môn
từng dạy: "Chỉ một tâm nầy có đủ bốn cõi là: Phàm thánh đồng cư Tịnh Độ,
Phương tiện hữu dư Tịnh Độ, Thật báo trang nghiêm Tịnh Độ, Thường Tịch Quang
Tịnh Độ…"
Cõi Tịnh Độ thứ nhất
1/ Cõi Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh độ:
Cõi phàm thánh Đồng cư Tịnh độ gồm có hai độ là Đồng cư Tịnh độ và Đồng cư uế
độ. Đồng cư uế độ là như cõi Ta bà trong quốc độ nầy có phàm có thánh ở chung
lẫn, mà phàm và thánh đều có hai hạng. Hai hạng của phàm là ác chúng sanh, tức
bốn thú (a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) và thiện chúng sanh, tức trời
người. Hai hạng của thánh là thật thánh và quyền thánh. Thật thánh là các thánh
nhân thuộc bốn đạo quả: Bích chi Phật, bậc thất địa trong Thông giáo, thập trụ
trong Biệt giáo, thập tín hậu tâm trong Viên giáo. Những vị nầy phần “thông
hoặc” tuy dứt hết song sắc thân quả báo hãy còn, nên đều gọi là “thật”. Quyền
thánh là các vị Bồ tát trụ ở những cõi phương tiện, thật báo, tịch quang cùng
bậc Diệu Giác (Phật) vì làm lợi lạc cho kẻ hữu duyên nên ứng sanh vào cõi Đồng
cư, bởi tùy cơ thị hiện nên gọi là “Quyền”. Những vị trên đây cùng với phàm phu
đồng ở, nên gọi là “Phàm Thánh Đồng Cư”; và cảnh cư trú, về phần khí thế giới
có hầm hố, gai gốc, bùn đất, cùng các tướng nhơ nhớp, về phần hữu tình giới có
bốn ác thú, nên gọi là “uế độ”. Đồng cư Tịnh Độ là như cõi Cực Lạc, tuy y báo
chánh báo nơi đây trang nghiêm mầu nhiệm, không có bốn ác thú, song cũng gọi là
“Phàm thánh đồng cư”, vì chúng sanh về cõi nầy không phải đều là bậc đắc đạo.
Như trong kinh nói:”Hạng người phạm tội nặng, khi lâm chung chí tâm sám hối và
niệm Phật, đều được vãng sanh”. Do đó nên biết nơi cõi nầy chúng sanh còn hoặc
nhiễm cũng có thể được ở. Thế giới Cực lạc cũng có hai hạng thánh cư và bởi y
báo chánh báo sạch sẽ trang nghiêm, nên gọi là Tịnh Độ
Để nói rộng thêm, tuy gọi Tịnh Độ
nhưng thật ra trong ấy có nhiều hạng hơn kém không đồng. Như thế giới Diệu Hỉ
tuy là Tịnh Độ, song còn có nam nữ và núi Tu Di. Và Tịnh Độ đã như thế, uế độ
cũng như vậy.
Cõi Tịnh Độ thứ hai
2/ Cõi Phương Tiện Hữu Dư Tịnh độ:
Là chổ ở của bậc nhị thừa và ba hạng Bồ tát đã chứng phương tiện đạo. Những vị
nầy do tu hai môn quán, dứt phần thông hoặc, phá hết trần sa, bỏ thân phân đọan
thọ thân pháp lành, tự tại ở ngòai ba cõi; nhưng vì họ chưa đọan được biệt hoặc
vô minh nên còn có sự biến dịch sanh tử. Sở dĩ gọi “phương tiện” vì đó là cảnh
giới của hành nhơn tu chứng phương tiện đạo; gọi “hữu dư”, là bởi họ chưa đọan
được vô minh. Cho nên trong Thích Luận nói: "Ngòai tam giới có cõi Tịnh
độ, đây là chổ của hàng Thinh văn, Bích chi Phật cư trú, thọ pháp tánh thân,
không còn sự phân đọan sinh tử”
Cõi Tịnh Độ thứ ba
3/ Cõi Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh
độ: là cõi Thật báo vô chướng ngại là nơi không có hàng nhị thừa, chỉ thuần là
bậc pháp thân Bồ tát ở. Những vị nầy phá từng phần vô minh, chứng từng phần
pháp tánh, được quả báo chân thật. Song vì họ chưa đọan diệt hết vô minh, nên
còn nhận vô lậu nghiệp, thọ báo thân pháp tánh và cảnh giới nầy cũng gọi là quả
báo độ. Kinh Nhân vương nói:”ba hiền mười thánh trụ quả báo”, là chỉ cho sự
việc trên đây. Sở dĩ gọi “thật báo”, vì các đại sĩ ấy do quán thật tướng, phát
được chân vô lậu thọ hưởng quả báo chân thật; gọi là “vô chướng ngại” là bởi
chư Bồ tát đây, tu chân không định, sắc cùng tâm không ngăn ngại lẫn nhau.
Trong kinh hoa Nghiêm thuyết minh thế giới Nhân đà la võng, chính là cảnh nầy.
Cõi Tịnh Độ thứ tư
4/ Cõi Thường Tịch Quang Tịnh độ:
cõi Thường tịch quang là chân lý pháp giới như như, sáng suốt cùng cực của bậc
Diệu Giác. Đây là Phật tánh chân như, tức độ là thân tức thân là độ, thân và độ
không hai, là trụ xứ của Đức Tỳ lô giá na, cũng gọi là Pháp tánh độ.”Thường”
chính là đức pháp thân, “Tịch” tức là đức giải thoát, “Quang” là đức Bát nhã
như chữ “Y” có ba điểm, không thể cách lìa, một tức là ba, ba nguyên vẫn một.
Đây cũng gọi là Bí mật tạng, là cảnh giới du hóa của Như Lai, cứu cánh chân thường,
thanh tịnh cùng cực.
Hai cõi Tịnh độ trước là chổ của
Ứng thân Phật. Cõi thứ ba cũng thuộc về Ưng cũng thuộc về Báo, mà chính thức là
chổ ở của Báo thân Phật. Cõi thứ tư không phải Ứng và Báo mà kiêm cả Ứng, Báo,
là chổ ở của Pháp thân Phật.
Qua bốn cõi Tịnh độ trên, quý vị đã
thấy thật tận tường, cõi Tịnh độ nào cũng là duy tâm, thuộc tâm, nên người tu
niệm Phật đạt đến cứu cánh thì bốn cõi cũng là một cõi Tịnh độ duy nhất, về với
cõi Tịnh độ ấy là “cõi tâm”, duy tâm Tịnh độ là thực thể của thế giới Tịnh độ
mà Đức Phật Thích Ca đã từng dạy trong các kinh Đại A Di Đà, Tiểu bổn A Di Đà.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới
Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát
Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp
Giới Tam Bảo.
CHƯƠNG THỨ CHÍN
17. NGÀY THỨ MƯỜI BẢY:
Nam hành đạo (khó tu) và Dị hành đạo
(dễ tu)
Bạch Sư! Những người nghiệp ác sâu
nặng, phiền não dẫy đầy, trường hợp có công phu tu tập, nhưng chướng duyên vẫn
còn rất nặng nề. Người ấy sánh với cõi Tịnh Độ còn xa diệu vợi. Thế nên phải tu
hành như thế nào để được vãng sanh Tây phương Cực lạc, chúng con thấy khó quá,
mong Sư chỉ dẫn?
Chúng sanh thời mạt pháp, nói về
công đức tu hành chẳng là bao, nên việc cầu chứng vãng sanh rất khó; nhưng do
nguyện lực của Phật A Di Đà luôn trợ duyên cho chúng sanh, những ai phát tâm
tín niệm danh hiệu Ngài thì có cơ hội về với thế giới của Ngài.
Sư sẽ cố gắng đem những tinh hoa
của giáo lý Tịnh Độ đã học hồi năm 1970-1971 để dẫn giải giúp quý vị thông suốt
về các pháp dễ tu và khó tu.
Trong quá trình tu tập của chư liên
hữu tu Tịnh độ, đại để có hai duyên “khó tu” và “dễ tu” (tức là nan hành đạo và
dị hành đạo). Đời nay, nếu người tu tự tu tự thân chứng, chỉ có “tự lực” thì
người ấy gặp nhiều trở ngại, rất “khó tu”; ngược lại người tu có cầu “tha lực”
trợ duyên thì người ấy đang bước trên bước đường “dễ tu” dễ chứng đắc.
Về “tự lực” thì hàng cụ phược phàm
phu ở thế giới nầy tuy có đôi chút tu hành, thật ra chưa đủ lực để vãng sanh về
Tịnh độ và xứng đáng được ở Tịnh độ. Kinh Anh Lạc nói:”từ địa vị cụ phược phàm
phu chưa biết Tam Bảo và nhân quả thiện ác, trước tiên mới phát tâm bồ đề phải
lấy TÍN làm gốc, đến khi vào đạo Phật lại lấy GIỚI làm nền tảng. Hạng phàm phu
nầy khi mới thọ giới Bồ Tát, nếu mỗi đời cứ tiếp tục giữ giới như thế không cho
khuyết phạm, trải qua ba kiếp mới đến địa vị sơ phát tâm trụ. Lại cứ như thế mà
tu Thập tín, Thập ba la mật, cùng vô lượng hạnh nguyện, nối nhau không gián
đọan, mãn một vạn kiếp, mới đến ngôi đệ lục Chánh tâm trụ. Khi tiến lên đệ thất
Bất thối trụ tức là đã vào Chủng tánh vị, nhưng địa vị nầy cũng chưa được sanh
về Tịnh độ. Đây là nói về tự lực.
Về tha lực, nếu ai tin nơi nguyện
lực, nếu người nào tin nơi nguyện lực đại bi nhiếp lấy chúng sanh niệm Phật
danh hiệu đức A Di Đà, rồi phát lòng bồ đề tu môn niệm Phật tam muội, chán thân
hữu lậu trong ba cõi, thật hành bố thí trì giới cùng các phước nghiệp, mỗi hạnh
đều hồi hướng nguyện vãng sanh Tây phương thì cơ cảm hợp nhau, nương nhờ Phật
lực liền được vãng sanh.
Sách Thập trụ Tỳ Bà Sa luận nói: "có hai lối tu nan hành đạo và dị hành
đạo. Nan hành đạo là chúng sanh ở cõi ngũ
trược trải qua vô lượng đời chư Phật, tu hành bất thối chuyển, thật rất khó
được. Sự khó khăn nhiều như cát bụi, nói không thể hết:
1). Ngoại đạo dẫy đầy làm lọan pháp
bồ Tát
2). Bị người ác, kẻ vô lại phá họai
thắng đức của mình
3). Dễ bị phước báo làm điên đảo,
có thể khiến họai mất phạm hạnh.
4). Dễ bị lạc vào đường tu tự lợi
của Thinh văn
5). Bởi duy có tự lực, không có tha
lực hộ trì, nên sự tu hành rất khó khăn.
“Nan
hành đạo” khó tu ví như người què yếu đi bộ một mình tuy rất khó nhọc, song một
ngày qua chỉ đi được một vài dặm.
“Dị hành đạo” dễ tu ví như chúng
sanh ở cõi nầy nếu tin lời Phật, tin môn niệm Phật phát nguyện tu cầu về Tịnh
Độ, tất sẽ được nguyện lực của Phật nhiếp trì, quyết định được vãng sanh. Ví
như người nương nhờ sức thuyền xuôi theo dòng nước, có gió xuôi chèo, nên tuy
đường xa ngàn dặm nhưng cũng đến nơi một cách dễ dàng, thành tựu hạng nguyện tu
hành.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới
Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát
Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp
Giới Tam Bảo
18. NGÀY THỨ MƯỜI TÁM:
Lễ bái môn (pháp môn tu lễ bái niệm
Phật)
Bạch Sư! Trong các pháp môn tu,
chúng con nghe quý sư giảng, môn lễ bái là pháp thật dễ tu dành cho chư Tăng Ni
và tín đồ Phật tử. Lễ bái cũng là một công hạnh tu trong các hạnh tu của pháp
môn niệm Phật Tịnh độ tông, như Lễ Phật, tụng kinh Phật, niệm Phật. Chúng con
thấy lễ bái là hạnh lành cao cả và trang nghiêm, đồng thời cũng là một trong
tông chỉ của Liên tông Tịnh độ Non bồng… xin Sư từ bi hoan hỷ chỉ dạy?
Lễ bái môn là pháp môn tu phổ cập
trong quảng đại quần chúng, tín đồ Phật tử, từ xưa đã trở thành nền nếp cho con
người. Vái là “xá”, vái ba vái tức là xá ba xá, lễ là lạy, xá ba xá rồi lạy ba
lạy là hạnh lành của người tín đồ Phật tử trong chốn thiền lâm, am thanh cảnh
vắng, nơi a luyện nhã, nơi đã không còn tâm trần ý tục nữa, mà nơi đó chính là
giải thoát mọi căn duyên trần tục, tháo bỏ mọi xích xiềng, tiêu dao nơi Cực
lạc. Lạy Phật, đức Phật trước mặt, nhưng khi đã lạy thì lúc bấy giờ chính con
là Phật, Phật ở trong con, chính con và Phật là “một”. Kinh dạy: "…Năng lễ
sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì…”
Tánh lạy thể hiện nơi tướng lạy,
tướng lạy nhưng tấm lòng dứt nghĩ suy, nên chỉ còn lại sự rỗng không, không
tịch, không còn ta và Phật, ta và Phật không hai. Lúc bấy giờ chỉ còn là một
Đức Phật giải thoát tòan diện.
Luận Thập trụ Tỳ bà sa, ngài Thế
Thân dạy về ngũ niệm môn, trong đó có môn tu “Lễ Bái Môn” đứng đầu trong các
hạnh lành tu Tịnh Độ.
Xin giới thiệu về bảy phép lạy
trong “Nhị khóa hiệp giải” bản dịch của Đức Pháp Chủ thượng Khánh hạ Anh, mà
tôi đã học tại Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão, núi Bồng Lai vào năm 1962 và
được mời thuyết giảng vào năm tại Lớp Giáo Lý Căn Bản tại Tổ Đình Long Thiền –
Bửu Hòa, Biên Hòa (chương trình Trung đẳng Phật học, niên khóa 1991-1995). Bản
dịch được thực hiện vào năm 1958-Pl 2502, theo nguyên bản của Pháp sư Quán
Nguyệt chú giải.
Kinh Đại Phương Quảng nói:”ngài Trí
Đăng tôn giả hỏi Đức Văn Thù Sư Lợi rằng:” Thế nào là lạy Phật”.
Đức Văn Thù đáp:”nếu thấy pháp (sự
vật) sạch thì gọi là thấy Phật sạch, hoặc thân và tâm chẳng thấp chẳng cao, chỉ
ở một mực ngay thẳng, lòng vẫn vắng lặng, không hề dao động, làm cái hạnh vắng
lặng như thế gọi là lạy Phật.
Từ năm 1960 đến 1964, chư Tăng Ni
Non Bồng tại núi Bồng Lai được Đức Tôn Sư dạy lạy Phật vào buổi sáng và buổi
chiều. Buổi sáng từ 6 giờ đến 7 giờ, buổi chiều cũng từ 18 giờ đến 19 giờ, mỗi
lần lạy như vậy là 108 lạy, nội dung đảnh lễ chư Phật, mười phương chư Phật,
chư Bồ tát, chư Hiền Thánh Tăng, chư lịch đại tổ sư, chư hiền A la hán, chư
thánh, chư tiên, chư thánh mẫu… đây là việc thực tập tu Tịnh độ của các liên
hữu Non Bồng, trong đó có lạy chư thánh, chư tiên, chư thánh mẫu là do người tu
núi phải đảnh lễ chư vị mà thôi, không thực hiện thì không đúng; cho nên nói
lạy 108 lạy, chứ thật ra chư Tăng Ni, Phật tử lạy còn hơn 108 lạy Phật nữa… Đặc
biệt là các vị lạy đứng, đứng lạy, vị nào cao tuổi thì quỳ lạy, vị nào còn trẻ
mà quỳ lạy thì sẽ bị phạt quỳ hương…
Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy có ba
cách lạy Phật:
1). Lạy nên lỗi, là trong lúc lạy
Phật, cái thân dung nghi chẳng trang chính, vì đi theo tánh khinh mạn, tỷ như
cái chày đạp lên xuống, nên Phật bảo là có lỗi.
2). Lạy tương tợ: Trong khi lạy
Phật, thân thể dung nghi tự hồ chân chính, mà tâm niệm nghĩ tưởng xằng bậy nơi
đâu, hoặc chỉ lo cầu nguyên buôn mai bán đắc, ăn nên làm ra vậy thôi, lạy Phật
ở trên bàn, Phật ciment, nhưng khi gặp quý Sư không biết xá lạy tôn kính, thêm
vào đó tuy khởi tâm đi chùa, nhưng chẳng biết gì là cầu học Phật pháp. Vào chùa
thì đi xe bốn bánh ỷ lại vào chức quyền,giàu có, hách dịch… không tôn kính quý
Sư, chư Tôn Hòa Thượng, Thượng tọa, Trung tọa, Hạ tọa… Những người ấy có đi
chùa cả ngàn năm cũng vô ích mà thôi. Những người nầy mê tín dựa vào một vài vị
“thầy không ra thầy, trò không ra trò” xin bùa, xin phép làm ăn, xin phép “mị
dân” để mở công ty lại bảo là đi chùa. Họ không biết việc làm ăn thành bại là
do chính mình, tự trí tuệ của mình chính là Đức Phật “ở trong lòng”, Phật trong
lòng gia hộ cho ăn nên làm ra… Có nhiều người vào chùa gặp quý Sư, gặp Hòa
Thượng, lấy mắt ngó nghinh, ngó ngang… vậy mà cũng bảo là đi chùa đến nay mười
năm rồi?
3). Lạy tùy thuận chân thật: lúc
đương lạy Phật thân nghĩ họp nhau với ý nghĩ chân chính, người ấy thuận theo
tâm thành thật để lạy.
Người Phật tử đó, khi xá lạy biết
kính quý Sư, quý Hòa Thượng, quý Thượng tọa, quý Ni trưởng, Ni sư, đến chùa học
Phật pháp để tu, học giáo lý Phật học để biết, không cầu linh mà thật linh
nghiệm, việc làm ăn kết quả, thành đạt.
Sự thành đạt là do trí năng của con
người, trí năng đó chính là Phật tánh, Đức Phật trong lòng (trí tuệ) gia hộ.
Phật dạy: "tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, Phật tánh chính là trí tuệ
để định đọat cho chính mình trong lúc tiếp cận với đời, với công ăn việc làm.
Chớ không do một Thầy nào đó cho phép làm ăn, ban bố ân điễn làm ăn… hủ tục nầy
mê tín lạc hậu lắm rồi, đã không còn ở trong nhà Phật, khi người Phật tử biết
nó là “trò mê tín lừa bịp”; khi người Phật tử tín tâm biết phát tâm thọ quy
giới, học Phật pháp, biết tìm đường chính kiến.
Bộ Hoa Nghiêm Tùy Sớ Diễn Nghĩa
dạy:”lễ là kính lạy ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng, ắt phải đem năm vóc đến sát
đất, làm vậy chi vậy? Là lý do bỏ dẹp tánh ngạo mạn của thế gian, mà nói lên
lòng thành kính:
1/ Đầu gối hữu,
2/ Đầu gối tả,
3/ Cùi chỏ tay hữu,
4/ Cùi chỏ tay tả,
5/ Cán trán, đầu chấm sát đất.
Nghĩa là trong những lúc mỗi vóc nào vừa sát đất, đều có mỗi câu nguyện cả,
như:
Một, khi lạy đầu gối hữu kê sát
đất, nguyện cho chúng sanh, đồng đặng đạo chánh giác.
Hai, khi lạy đầu gối tả kê sát đất,
nguyện cho chúng sanh, lòng không tà kiến với pháp ngoại đạo, mà đồng được đứng
vững vàng trong đạo chánh giác.
Ba tay hữu lạy kê sát đất, nghỉ
tưởng đến Đức Thế Tôn đang ngồi tọa bửu tòa Kim Cang, dùng từ lực chuyển cho
quả đất rúng động, hiện nhiều điềm lành cho đại chúng thấy, nguyện cho chúng
sanh đồng đắc quả bồ đề, thoát khỏi khổ nạn, tai qua nạn khỏi tật bệnh tiêu
trừ.
Bốn, tay tả khi lạy kê sát đất
nguyện cho chúng sanh xa lìa những phái ngoại đạo, tà kiến khó điều phục (xa
lìa chớ không nên điều phục họ,làm cho họ theo đạo của mình đang theo, điều nầy
Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước từng dạy, nếu làm vi phạm luật thế
gian), không làm những việc mê tín, tiên tri, bốc phệ, bói mu rùa, dùng người
có tật phế khác lạ, gọi là phi thường, sai khiến họ làm điều tà mị, rồi tôn
xưng tôn vinh người ấy là Phật thánh, mị thế đời nhẹ dạ cả tin, phá chánh pháp,
gặp trường hợp nầy Sa môn đệ tử Phật dùng pháp tứ nhiếp, tùy duyên tìm cách gần
gũi họ tuyên thuyết giáo lý Phật, khuyên niệm Phật, niệm Quán Âm Bồ Tát để cảm
hóa, khiến cho vào đạo chánh (Đức tôn sư từng khuyên giải tại Quan Âm Tu Viện
điều nầy, mà chính Đạo luật Quan Âm Tu Viện cũng ngăn không cho làm, mà chỉ
khuyên lo tu hành trường chay niệm Phật).
Năm, đầu mặt khi lạy phải lạy xuống
sát đất, nguyện cho chúng sanh bỏ lìa tâm kiêu mạn, đồng đặng trọn nên đạo quả
vô thượng bồ đề (làm gì thì làm, nhưng nếu xưng là Phật tử, mà thấy quý Sư, quý
Hòa Thượng, Thượng tọa Đại đức, quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô, nói chung là người
tu mà không xá, không chào hỏi… thì không nên xưng là Phật tử có đi chùa!) Thật
e ngại!
Sách Tây vức ký nói:”nghi thức để tỏ lòng thành kính có chín cách hỏi han quý
Sư, Thầy lễ phép như dưới đây:
1). Thốt lời nhẹ nhàng thưa hỏi,
hỏi han thăm sức khỏe,
2). Xá, cúi đầu để tỏ lòng kính
mến, kính viếng
3). Dở tay đưa lên cao và hạ xuống
để xá chào, một cách tôn kính, không qua loa cho qua lề lối, giả dối, không
chân thật sẽ giảm phước báo.
4). Hoặc vòng tay, hoặc chắp tay
vừa chừng, ngay trước ngực để kính chào.
5). Khi lạy, thì co đầu gối lại,
lúc đứng dậy, muốn lui ra xa thì bước lui ba bước rồi mới quây lưng đi xa.
6). Quỳ gối mà duỗi dài hai chân ra
(cách nầy thuộc Phật tử, những nhà quý phái Tây tạng, Mật tông. Ơ Việt Nam
Đạo Phật du nhập đến nay trên 2000 chưa từng thực hiện…)
7). Đầu gối quỳ sát đất.
8). Năm vóc đều co thúc tròn lại
(dành cho người nữ tu, nữ Phật tử)
9). Năm vóc điều gieo mình xuống
sát đất.
Cả chín lễ phép cung kính trên, mà
cái ưu điểm hơn hết là: hoặc một lạy, hoặc một quỳ, để khen ngợi những đức tốt
đẹp người trên, tôn kính các bậc Hòa Thượng, Sư Thầy, ông bà cha mẹ, làm như
thế gọi là hết lòng thành kính.
Người tín đồ Phật tử ngày nay nên
học tập lời dạy của Ngọc Lâm Quốc Sư mà sữa chữa cho đúng, xứng danh người Phật
tử:”gần đây, đạo pháp của người tu, ngày một yếu lần, bởi do ma chướng đắc thời
được mạnh lấn át đạo đức làm cho xa rời con người! Cũng vì người lớn, người
giáo hóa đồ chúng một vài Sư Thầy không đủ tư cách làm Thầy, không nghiêm huấn
người tín đồ Phật tử từ đầu (một số chùa lớn ngày nay bị vướng vào điều nầy),
lại dẫn dắt họ sa đà vào con đường mê tín, hoặc dẫn dắt họ tu hành không đúng
tông chỉ… nên để cho một ít người có tâm tà kiến, đem tà giáo chen chân vào
tông môn pháp phái, rồi ra nông nổi nầy…
Trong Sách Nhị Khóa Hiệp Giải, ngài
Quán Nguyệt chú giải bảy phép lạy căn bản dành cho Tăng Ni, tín đồ Phật tử,
những điều nào nên làm, điều nào không nên làm:
1/ Lạy bằng cách ngã mạn và cống
cao: tức là lạy mà lòng không tôn kính người mình lạy, lạy cho lấy có. Ỷ lại
vào bậc ngôi của mình, vì không tâm cung kính, cái ý thức rong theo ngoại cảnh,
cái thân lạy mà năm vóc chẳng sát đất, tỷ như cái chày đạp giả gạo, nó chỉ vòng
lên rồi hạ xuống mà thôi, chớ nó không có ý niệm gì.
2/ Lạy bằng cách kẻ xướng lên,
người đọc theo: Bộ dạng lỡm chỡm, lòng dạ lao xao, thấy có ai thì hình như ta
đây là Phật tử thâm niên, nhẹ nhàng bái lạy. Mọi người đi rồi thì trể nãi mệt
mê hoặc tâm lòng tán lọan mà miệng thì xướng họa vậy thôi.
3/ Lạy bằng cách cả thân tâm đều
cung kính: Nghe xướng danh Phật liền tưởng nhớ Phật, ngòai thân trong tâm thảy
đều thành kính, với việc lạy đều tinh tiến ân cần chớ không trể nãi.
4/ Lạy bằng cách dấy trí thanh tịnh
nơi lòng: hiểu thấu cảnh giới của Phật đều tùy nơi tâm để hiện lượng nên lạy
một Phật tức lạy tất cả Phật, lạy một lạy tức là nhiều lạy, vì lẽ là pháp thân
của chư Phật vẫn lẫn suốt với nhau, nghĩa là tự Phật tức tha Phật.
5/ Lạy bằng cách khắp vào cõi giới
tánh: Tự xét các pháp và thân tâm ta từ trăm đời ta, từ trăm đời trước, cho đến
đời sau, vậy nay chưa hề lìa pháp giới tánh, chúng sanh bình đẳng với Phật: chỉ
lạy một Phật như lạy khắp cả chư Phật ở khắp pháp giới.
6/ Lạy bằng cách quán tưởng lòng
chân chánh: Lạy ngay lấy Phật tánh của mình, chớ phi Phật nào đâu khác, bởi vì
tất cả chúng sanh xưa nay đều vẫn sẳn sàng có Phật tánh hòan tòan bình đẳng
chân giác.
7/ Lạy bằng cách thân tướng bình
đẳng: sáu cách lạy trước có lạy có quán tưởng, tự Phật khác với tha Phật, chừ
đây một lạy không hẳn lợi tha, phàm thánh như một thể dụng chẳng hai, nên Đức
Văn Thù dạy: "tánh lạy vắng lặng, không phân biệt tâm cảnh, năng sở gì…”
người phát tâm đi chùa lạy Phật, lạy pháp, lạy tăng cầu học Phật tu học đạo
giải thoát, cầu thoát ly sanh tử… Như lời Phật dạy về sự phát tâm ở trong kinh
Bốn Mươi Hai Chương, bản dịch Thiều Chửu, chương 36, xuất bản năm 1953 như sau:
“Thoát khỏi ngã ác trược sinh làm
người, khó. Đã được làm người thoát khỏi mang thân đàn bà, đàn ông, khó. Được
làm đàn ông sáu căn tòan vẹn, khó. sáu căn tòan vẹn sinh ở trung quốc (trung
tâm văn hóa và Phật pháp), khó.Đã được sinh nơi trung quốc, nhằm đời có Phật
ra,khó. Đã được gặp đời có Phật ra, khó. Đã được gặp đời có Phật ra, gặp đạo
mầu,khó. Đã gặp đạo mầu khởi lòng tin, khó. Đã khởi lòng tin, mở lòng bồ đề,
khó. Đã mở lòng bồ đề rồi, tới quả không còn phải đợi tu mới là chứng, khó… Nay
các người Phật tử cách xa ta ngàn dặm, mà vẫn ghi nhớ các điều ta răn bảo tất
chứng đạo quả. Ở luôn bên mình ta, mà không theo các điều ta răn, kết cục vẫn
không đắc đạo. Không đắc đạo theo xưa, ngày nay thì gọi là không theo như ý
muốn, do không vâng lời Phật dạy, làm khác đi việc của Phật, khiến cho chánh
pháp lu mờ, không còn có cơ sở để kế thừa hay truyền đăng tục diệm.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới
Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát
Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp
Giới Tam Bảo.
19. NGÀY THỨ MƯỜI CHÍN:
Pháp lễ lạy của các tông phái
Bạch Sư! Xin Sư chỉ dạy cho chúng
con về các phép lạy, chúng con phải lạy như thế nào cho đúng tông chỉ, pháp môn
tu?
Lạy có nhiều pháp, mỗi pháp môn tu,
mỗi tông phái đều có sự nhất quán về phong cách lễ lạy biệt truyền, xin đơn cử
một số phương pháp lễ lạy…
Lạy diệt ngã:
Như ngài Bồ tát Thường Bất Khinh,
trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Thường Bất Khinh. Bồ Tát Thường Bất Khinh gặp bất cứ
chúng sanh nào thì ngài cũng nguyện xin đảnh lễ các người, vì các người đều sẽ
thành Phật. Ngài đi đến đâu cũng lễ lạy như vậy từ kiếp tu hạnh Bồ tát nầy sang
kiếp tu Bồ tát ở phương khác cũng đều đảnh lễ như thế… lạy để diệt ngã, lạy để
chúng sanh thành Phật, lạy để hướng chúng sanh đến chổ giải thoát sanh lão bệnh
tử khổ… không hề thối chuyển hay nhàm trể.
Lạy theo phái Bắc tông:
Trong Bắc tông cũng có pháp môn tu
niệm Phật thuộc Tịnh độ tông. Thường là người lạy thì gieo năm vóc thành tâm
kính lễ. Từ xưa đến nay người tu Tịnh độ thường lạy Hồng Danh Bửu Sám, lạy Tam
Thiên Phật, lạy Vạn Phật, lạy Thường Tịch Quang Tịnh Độ, lạy Cõi an lạc Phương
Tây, Tây phương Tam Thánh, lạy Thánh chúng, lạy Pháp Hoa, lạy Ngũ Bách Danh
Quán Thế Âm Bồ Tát, lạy Sám lễ Dược Sư, lạy Thù Ân, lạy ân sâu nghĩa trọng của
cha me, Thầy tổ, Quốc vương, đồng bào xã hội… Ngòai việc lễ lạy ra chư Tổ Sư,
chư Thánh Tăng, chư Tôn Đức Trưỡng Lão còn nguyện đốt thân, đốt một phần thân
thể, đốt tay, đốt liều cúng dường Phật, cúng Tam Bảo, cúng kinh Đại Thừa…
Nói là lễ bái theo Bắc tông, nhưng
chư tôn túc Trưởng lão bên “tông” cũng như bên “giáo” cũng đều lễ bái theo Bắc
tông, mà tu theo Bắc tông cũng chính là tu theo pháp môn niệm Phật Tịnh độ, hay
tu Thiền tông cũng thế, cũng đều lập hạnh lễ bái cúng dường chư Phật mười
phương, lễ bái theo Bồ tát Thường Bất Khinh, lễ bái theo Mật tông “Tam bộ nhất
bái”, hay “Nhất bộ nhất bái”…
Tại miền Tây Nam Phần Việt Nam
còn có một vài vị Đại sư Tịnh tông khuyết danh phát nguyện tụng kinh Lăng
Nghiêm vừa tụng xuôi theo chữ trong kinh tạng, vừa tụng ngược chữ rất thuần
thục; tạo cho tam nghiệp thanh tịnh để cúng dường lên Thập phương Điều ngự.
Khi Nhà sư Bắc tông cũng như Nhà sư
Tịnh độ lễ bái thì hai bàn tay chắp vào nhau thật san sát, mười ngón tay cũng
san sát, hai ngón cái áp lại và để song song theo hai bàn tay gọi là hiệp
chưởng, theo hướng lạy và không chéo vào nhau. Chân thì đứng trang nghiêm hình
chữ “bát”, đứng thẳng, thật trang nghiêm, vô cùng uy nghiêm giữa đại hùng bửu
điện.
Lễ bái theo nhà Phật, là lễ theo
hướng đạo giải thoát, không có gì phải ràng buộc, kềm thúc, hành giả lúc bấy
giờ thật oai nghiêm như tượng vương, như rồng chầu hổ phục. Ngày nay còn có
nhiều học phái Bắc tông Tịnh độ dạy cách lạy khi gieo năm vóc, đầu mặt sát đất,
hai bàn tay úp xuống, rồi tiếp tục lật ngữa bàn tay lên, sau đó mới tiếp tục
lạy, hay đứng lên để tiếp tục lạy thứ hai, thứ ba… Cách lạy nầy giúp cho hành
giả lạy mà rất thanh thản, không gấp gáp, lạy mà thân tâm xả bỏ mọi thế cuộc,
thân tâm giải thoát mọi phiền lụy trong thế gian, khinh xuất tam giới.
Lạy tam bộ nhất bái, hay nhất bộ
nhất bái:
Đối với tín đồ Phật tử Việt Nam tuy
có học hiểu biết pháp lạy nầy, song vẫn còn xa lạ với “pháp tu”, xa lạ vì ít
hành giả thực hiện pháp tu. Lễ tam bộ nhất bái là truyền thống tu hành thông
thường theo phái Mật tông của các nước Tây tạng, Vương quốc Bu-tan, Si-kim, Trung
Quốc, Phật giáo Nga Á châu, Mông Cổ…
Khi lạy, hành giả có thể bắt đầu
lạy từ nhà đến chùa, vượt hằng trăm, hằng ngàn cây số “tam bộ nhất bái” đến các
trung tâm hành lễ tập thể, hoặc khi đến trung tâm hành lễ, bắt đầu từ cổng chùa
“tam bộ nhất bái” đến chính điện, trong khi lạy hành giả niệm mật chú, theo các
đại sư hướng dẫn...
“Nhất bộ nhất bái”, xưa nay thì chỉ
có hạnh tu “tam bộ nhất bái” đã là xa lạ với Phật tử Việt Nam; còn hạnh tu
“nhất bộ nhất bái” lại càng xa lạ hơn nữa, tại Việt Nam ở thế kỷ 21 có Thầy Tâm
Mẫn, ở chùa Hoằng Pháp, Hốc Môn, Tp.Hồ Chí Minh phát tâm tu hành (khi đang viết
bài nầy vào cuối mùa thu, tháng 7, năm Canh Dần,2010 thì Thầy Tâm Mẫn đã “nhất
bộ nhất bái” đến tỉnh Quảng Ngãi)
Lễ bái theo hạnh tu Khất Sĩ:
Tức là Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam do
Đức Giáo Tổ Minh Đăng Quang khai sơn sáng lập. Tại Việt Nam ngòai pháp phái Đạo
Phật Khất Sĩ còn có nhiều phái Khất Sĩ khác như: Khất sỉ Đại sư Huệ Nhật, Khất
sĩ của Sư Trưởng Hùynh Minh, Khất sĩ của Đức Thầy Từ Huệ, Khất Sĩ của Sư Trưởng
Giác Thường, Khất sĩ Non Bồng của Hòa Thượng Thích Thiện Phước…
Tuy nhiên hạnh lễ bái của Nhà Sư
thuộc Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam luôn được tôn vinh là có đạo
hạnh, có khuôn thước, mẫu mực. Người Du tăng Khất sĩ lễ bái Phật, lễ bái Pháp,
lễ bái Tăng rất nghiêm túc, gieo năm vóc thành tâm kính lễ, sau khi lễ Phật, lễ
Tổ sư, lễ Tăng… Nhà sư Khất sĩ đứng lên, trước khi đi ra phải đi lùi ba bước
rồi mới đi. Đây là cách lạy nghiêm túc nhất xưa nay trong Phật giáo.
Vào những thập niêm năm mươi, đến
bảy mươi, Nhà sư Khất sĩ khi gặp quý “Sư Lớn” đi hành đạo bất cứ nơi đâu, dù ở
ngòai đường phố cũng đều gieo năm vóc kính lễ thật nghiêm túc (chính tác giả
sách nầy đã từng đảnh lễ quý “Sư Lớn” ngòai đường phố tại trước chợ Bà Chiểu
hay ở trước Trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định). Hình ảnh “lễ bái” cao đẹp nầy,
nay đã giảm dần theo nếp sống mới.
Lễ bái theo Liên Tông Tịnh Độ Non
Bồng:
Tịnh Độ Non Bồng được Đức Tôn Sư
Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước sáng lập tu theo tông chỉ Tịnh Độ niệm Phật
“Bá Nhựt Trì Danh”. Ngòai ra còn có pháp “Phát nguyện niệm Phật”, “Lễ bái niệm
Phật” là hạnh tu của liên hữu Tịnh Độ Non Bồng:
1/ Pháp môn Bá Nhựt Trì Danh, cầu
sanh Tịnh Độ: là tông chỉ, là hạnh tu của Nhà sư Tịnh Độ Non Bồng. Được Đức
Pháp Chủ thượng Khánh hạ Anh khai sơn tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên, Trà
Ôn,Việt Nam. Về sau, năm 1960 Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước tiếp
tục mở khóa tu dành cho Tăng Ni, Phật tử cả nước tinh chuyên tu hành cho đến
hôm nay. Cũng năm 1960, Hòa Thượng Thích Hành Trụ cũng mở khóa tu tại chùa
Chánh Giác, Gia Định dành cho chư Tăng và Phật tử tu hành cho đến khi ngài hành
đạo về tại chùa Đông Hưng, Thủ Thêm.
Tuy nhiên cho đến nay chỉ có tông phong Tịnh Độ Non Bồng của Hòa Thượng thượng
Thiện hạ Phước vẫn còn truyền đăng và hành trì. Ngòai hạnh phát nguyện niệm
danh hiệu Phật A Di Đà, lễ bái niệm Phật là tông chỉ, Đức Tôn Sư còn tiếp nhận
thêm pháp môn Bá Nhựt Trì Danh làm tông chỉ chính yếu trong Tịnh Độ Non Bồng.
2/ Pháp môn phát nguyện niệm Phật:
là tông chỉ thứ hai của Tịnh Độ Non Bồng. Liên hữu Tịnh Độ Non Bồng kính tin
Tam Bảo, hộ trì chánh pháp Phật Bổn Sư Thích Ca, kính tôn Phật A Di Đà là từ
phụ, Đức Quán Thế Âm là hạnh lành cao cả của người tu cần phải học và thực hành
“từ bi cứu khổ ban vui”.
Khi làm Phật sự nào cũng phát
nguyện nghiêm túc, nguyện tu, nguyện hộ trì, nguyện làm lành bất thối chuyển,
nguyện làm con Phật bất thối chuyển, nguyện xuất gia bất thối chuyển. Khi hứa
giúp ai một việc gì, dù tán thân mất mạng cũng vẫn thực hiện cho kỳ được, không
thất hứa.
Thời điểm tu “phát nguyện niệm Phật” trong các chùa của Tịnh Độ Non Bồng được
quy định vào lúc 23 giờ mỗi ngày, mỗi liên hữu khi tham dự pháp tu niệm từ 15
phút đến 30 phút, tại các chùa thì niệm 60 phút mới hồi hướng. Trong thời gian
niệm, tất cả chư Tăng Ni, Phật tử có mặt đều phải tham dự pháp tu, không một ai
được ngủ nghỉ trong giờ “phát nguyện niệm Phật”
3/ Pháp môn lễ bái niệm Phật: Là tông chỉ thứ ba của người tu ở non núi; vì tu
ở non núi nên lễ Phật, lễ Pháp, lễ Tăng, lễ các vị giáo chủ, lễ những người có
công với nước non, quốc vương, khai quốc công thần, lễ cầu nguyện lục châu thế
giới hòa bình, lễ cầu quốc thới dân an, nước nhà thái bình thịnh trị. Trong
những năm 1959 đến 1965, chư Tăng Ni, Phật Tử Non Bồng thường xuyên thực tập
“lễ bái niệm Phật”.
Lễ bái theo phong cách Tịnh Độ Non
Bồng, là gieo năm vóc thành tâm kính lễ; có khi đứng lạy, quỳ lạy, người già
yếu thì ngồi lạy. Chư liên hữu khi lạy xuống thì niệm câu:”Nam mô A Di Đà Phật”, khi đứng lên cũng niệm
câu:”Nam
mô A Di Đà Phật”. Người tu phát nguyện lạy như thế từ 3 lạy (lạy Tam Bảo) đến
12 lạy (12 câu nguyện Nam mô An Dưỡng Quốc, 12 câu nguyện Quán Thế Âm…), 48 lạy
(lạy 48 lời nguyện của Phật A Di Đà),108 lạy (vừa lạy vừa niệm Phật).
Khi thực hành khóa tu lạy Phật, thì
có vị duy na điểm chuông gia trì thật chậm cho liên hữu lạy Phật. Tư thế “đứng
lạy” của Liên hữu Tịnh Độ Non Bồng như sau: hai bàn chân phải khép sát vào
nhau, không đứng hình chữ “bát”, hai bàn tay chắp vào nhau, hai ngón tay cái
xếp lên nhau. Đôi bàn chân đứng theo hình chữ “nhất” biểu hiện cho nội lực vững
vàng, không ngã nghiêng, ngã ngữa, dễ dàng đưa hành giả đạt đến chổ nhất tâm,
nghiêm túc giữ gìn giới pháp Phật, hai ngón tay cái xếp lên nhau biểu hiện cho
sự tinh tấn, kiên tâm trì chí, tâm chí vững bền, tu hành bất thối chuyển.
Liên hữu Tịnh Độ Non Bồng, thường
xuyên lễ sám Kinh Dược Sư, lạy Vạn Phật, lễ Pháp Hoa, lễ Tam Thiên Phật, lễ sám
Ngũ Bách Danh Quán Âm Bồ Tát, lạy Thù Ân, lễ bái Tôn Sư, Thầy Tổ, lễ bái quý Sư
Lớn, lễ bái những người già cả (trong ngày lễ Vu Lan)… lễ xong xá ba xá, lui ba
bước rồi mới đi ra ngòai.
Thời gian tại Non Bồng, trong một
ngày Tăng Ni, Phật Tử lễ bái hai lần, buổi sáng và buổi chiều, thường là lễ bái
tập thể, từ một trăm người trở lên, đứng lạy, không quỳ hay ngồi mà lễ lạy.Hoặc
từng cá nhân chư Tăng Ni, tín đồ Phật tử lập hạnh: sáng, trưa, chiều đều mặc áo
tràng lễ bái Phật, Bồ tát, lễ bái Tổ Sư. Ngày nay, đã trên năm mươi năm rồi
nhưng chư Tăng Ni, Phật tử vẫn còn thực hành “lễ bái niệm Phật” như xưa, trong
thời gian nhập thất 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày hay 100 ngày.
Lễ bái Kinh Diệu Pháp Liên Hoa:
Tại Việt Nam có rất ít người tu lạy (lễ bái)
Kinh Pháp Hoa, những nơi có chư Tăng Ni phát tâm lạy kinh Pháp Hoa, như ở Chùa
Vạn Đức, Vạn Hạnh (Thủ Đức). Một vài vị Tăng Ni xưa ở miền Tây Nam phần Việt Nam cũng từng tu hạnh lành lễ kinh
Diệu Pháp Liên Hoa.
Năm 1964, Cụ Bà Diệu Âm, liên hữu
Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, quản lý các Tăng Ni sinh tại Tổ Đình Linh Sơn phát
tâm lạy từng chữ kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Năm 1969, tại Quan Âm Tu Viện dưới
sự hộ trì của Đức Tôn Sư và Sư Bà Thích Nữ Huệ Giác, Hòa Thượng Thích Giác
Quang phát tâm nhập thất lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa tại Tịnh thất Bảo Tịnh.
Pháp tu lạy Pháp Hoa, tức là lạy
từng chữ trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Diệu Pháp Liên Hoa có 60.000 chữ (trên
thực tế có khoãng 76.460 chữ). Muốn lạy được kinh Pháp Hoa, hành giả phải thực
hiện nhập thất 100 ngày trong năm; trong 100 ngày đó, mỗi ngày thực hiện sáu
thời lạy, mỗi thời lạy 125 lạy và lạy đứng.
Điều cần thiết là trong thời khóa
tu phải có hai người hộ trì chính yếu: một là Thầy Bổn sư hay một tu sĩ có
phước đức trí tuệ cao viễn hơn hành giả để cân nhắc đến giờ lễ bái, cầu thỉnh
long thiên hộ pháp bát bộ kim cang lai hộ trì gia hộ giữ gìn lực nội tại; hai
là vị Thị giả thân tín, phục vụ ăn mặc ở bệnh, canh giữ bên ngòai không cho
người ngòai xâm phạm nội giới (số lượng lạy như thế, trong quá trình tu tập của
chúng tôi, nhận thấy có lạy thêm nữa cũng không đủ sức đâu các bạn ạ!).
Ngày khai kinh, hành giả mặc y áo
tề chỉnh trang nghiêm, thật chậm rãi đến trước bàn Phật đảnh lễ Tam Bảo, đọc
bài Chiên đàn hải ngạn…, tụng chú Đại bi…, niệm khai kinh kệ…, rồi đứng chắp
tay, tiếp tục đọc câu: “Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp
Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “DIỆU”, điểm chuông rồi lạy 1 lạy”.
“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa
Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “PHÁP”, điểm 1 tiếng
chuông rồi lạy 1 lạy”
“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa
Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “LIÊN”, điểm 1 tiếng
chuông rồi lạy 1 lạy”
“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa
Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “HOA”, điểm 1 tiếng
chuông rồi lạy 1 lạy”… cứ như thế tiếp tục lạy từng chữ trong Kinh…
Trong 100 ngày lạy kinh Diệu Pháp
Liên Hoa sức khỏe phải đầy đủ, chỉ trừ tắm rữa,vệ sinh, các việc còn lại tuyệt
đối cắt đứt muôn duyên, không công tác Phật sự, không thuyết pháp, không còn
tiếp xúc với ngoại nhân, nếu còn tiếp xúc thì không lạy, không lạy thì không
còn gọi là lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa nữa!
Trong thời khóa tu, ở nơi am thất
phải thông thoáng, đóng kín cửa thất chính, mở cửa sổ phía không bóng người lai
vãng; không sắm vật chất nhiều trong am thất, các vật dụng như radio, tivi,
cassette, tập sách, chén bát, ly tách (chỉ để lại một cái), thức ăn vặt. Thu dọn
đem những giấy mực, những tranh ảnh dán trên tường (trừ ảnh Phật), bao nylon
chai gọ không cần thiết đi nơi khác.
Nhìn chung, lễ bái của Nhà Phật có
nhiều cách: lạy theo hạnh lành Bồ tát Thường Bất Khinh (diệt ngã, thọ ký cho
chúng sanh), lạy theo hạnh Nhà Sư Bắc tông (khi lạy, một tay để ngực, một tay
lạy, khi quỳ đến sát đất, hai tay mới đồng lạy, hai bàn tay ngữa lên, đầu chấm
sát đất), lạy theo hạnh Tịnh Độ, lạy theo hạnh Mật tông (kết chú ấn), lạy theo
Luật tông (xá ba xá lui ra ba bước rồi mới đi ra), lạy theo hạnh Khất sĩ, (như
hạnh Luật tông) lạy theo hạnh Tịnh Độ Non Bồng (đứng lạy)… Nhưng tất cả đều
hướng về đạo lý giải thoát, mỗi mỗi pháp môn tu đều có phong cách riêng, nhằm
để giúp cho đại chúng của môn phái mình lập hạnh tu tập.
Bạch Sư! Một số người đi xe con đến
chùa, dáng vẽ “tay to, mặt lớn”, khi thì lạy Phật, khi thì không lạy Phật,
không biết kính trọng chư Tăng, không kính trọng Thầy Tổ, Hòa Thượng, Thượng
Tọa, Ni Trưởng, Ni Sư là gì?… họ luôn bất kính, cũng chẳng quy y Tam Bảo… Họ đi
chùa chủ yếu là xin phép làm ăn. Các vị còn nói:”có lễ nghĩa mới sanh phú quý”?
* Thật ra thì nhà Phật không ngăn
cản sự thành đạt giàu có của tín đồ Phật tử, thậm chí nhà Phật còn hướng dẫn
cách phát triển kinh tế gia đình, tự túc bản thân. Song các Tự Viện, chư Tăng
Ni đều không có nhu cầu: “có giàu rồi mới sanh lễ nghĩa”; “giàu” hay “nghèo”
cũng là Phật tử, là đệ tử đức Phật, cũng đều được quy y Tam Bảo, nhà Phật thu
nhận đệ tử không có lựa giàu nghèo, cũng như nói đến đạo đức thì không luận bàn
giàu nghèo.
Những người dạy Phật tử đi chùa để
xin phép làm ăn, công khai làm điều tà kiến mê tín trước Tam bảo, không biết
hướng dẫn Phật tử quy y Tam Bảo là gì, bất kính Thầy Tổ, chư Tăng Ni, không
giới không luật… thì không phải là thầy tu; các vị ấy làm thầy mà chưa học cách
làm thầy!
Trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy ở chương Một cho người sau nên xa lìa tà kiến
mê tín dị đoan, hoặc trong sách Luật học “Yết ma yếu chỉ” của Hòa Thượng Thích
Trí Thủ bàn về “tư cách làm thầy:” làm bậc thầy thu nhận đệ tử mà không biết
giáo dục là một trọng tội…” (trang 87).
Nói về tư cách làm thầy, có năm điều mà người đệ tử đức Phật phải có:
1. Tuổi đạo phải đủ mười hạ.
2. Phải biết các trường hợp trì và
phạm, khinh và trọng về giới luật.
3. Kiến thức phải rộng rãi.
4. Có đủ khả năng giải quyết những
tâm tư khúc mắc của đệ tử.
5. Có khả năng đọan trừ tà kiến cho
đệ tử
…làm thầy phải biết giáo dục đệ tử
tu giới, định và tuệ… Nếu tự thấy mình quá yếu kém trong các khoa mục đó, thì
khoan làm thầy vội, mà bản thân cần phải tự cố gắng để đạt đến trình độ khả
quan, chứ không nên thu nhận đệ tử một cách cẩu thả vội vàng, vô trách nhiệm
(Yết ma yếu chỉ, HT Thích Trí Thủ biên sọan, trang 88,89)
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới
Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát
Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp
Giới Tam Bảo.