Tịnh độ
Một Trăm Ngày Niệm Phật & Một Trăm Bài Pháp (Trọn bộ)
Thích Giác Quang
16/11/2554 09:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


CHƯƠNG THỨ MƯỜI SÁU

8. NGÀY THỨ BA MƯƠI TÁM:

Hạnh lợi tha của người con Phật

Bạch Sư! Phật tử chúng con đi học tập tu tịnh độ, có nghe Thầy giảng dạy nói về bốn mươi lớp nhơn quả tướng; chúng con được nghe nhưng lúc bấy giờ ít quan tâm đến pháp tu cao viễn quá; đến khi được biết những quả lớp hạnh tu đó không phân biệt người xuất gia hay tại gia. Muốn tu hành đến quả vị rốt ráo phải trải qua bốn mươi nhơn hạnh tu, tức trải qua các lớp nhơn quả tướng rồi mới đến quả vị Đẳng giác (Bồ tát), rồi đến quả vị Diệu Giác (Phật).

Chúng con không ngờ bốn mươi lớp nhơn quả dành cho người xuất gia, tại gia cũng đều tu được. Xin Sư từ bi hoan hỉ vì chúng con mà giảng giải?

* Vâng! Trong thời gian Sư còn học Phật pháp, pháp môn niệm Phật giáo lý cơ bản của Tịnh Độ Tông (niên khóa 1971-1973) tại Quan Âm Tu Viện, cũng được học về bốn mươi hai lớp nhơn quả tướng dành cho liên hữu tu Tịnh độ. Pháp học dành cho cho liên hữu, tức là không luận dành cho người xuất gia hay tại gia cũng đều được tu học pháp môn. Lúc bấy giờ Sư được Thầy ban cho ba bộ kinh quan trọng là Bộ Đại Thừa Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh, Bộ Đại Bát Niết Bàn và Bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa. Sư liền phát nguyện tụng đọc Kinh Niết Bàn, nghiên cứu kinh Hoa Nghiêm, còn kinh Bát Nhã thì sau ngày đất nước hòa bình mới nghiên cứu đọc học.

Nay quý Phật tử thưa hỏi, Sư sẽ vì các vị mà trùng tuyên lời Phật dạy.

Thật ra thì pháp Phật có đại, có tiểu, tức tùy căn cơ trình độ của chúng sanh mà Phật thuyết, nhưng trong đó không luận giàu nghèo, sang hèn… hễ ai giác ngộ tu hành, muốn phát huy căn khí đại thừa, trau giồi trí tuệ đại thừa thì tiếp nhận tu tập. Chứ pháp Phật không dành riêng cho ai cả.

Bốn mươi hai lớp nhơn quả của người tu phát tâm lập hạnh đại thừa Bồ tát; thật ra theo Thiên Thai Trí Giả Đại sư và Tịnh Độ tông, thì có “năm mươi hai” lớp nhơn quả tướng, chớ không phải “bốn mươi”, gồm có mười Tín tâm khởi đầu của người đệ tử Phật, phát tâm tu hành. Tiếp đến là mười pháp Trụ, mười pháp Hạnh, mười pháp Hồi Hướng, gọi là Tam Hiền; mười pháp chứng Thánh gọi là Thập Thánh. Ngòai ra còn có hai bậc tu hành có đẳng cấp cao hơn nữa là: Đẳng Giác (Bồ tát) và Diệu Giác (Phật), cộng lại là năm mươi hai.

Lần lượt ngày hôm sau Sư sẽ dẫn giải…

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BẢY

39. NGÀY THỨ BA MƯƠI CHÍN:

Tín Tâm

Sư sẽ giảng giải về Tín Tâm là những hạnh lành gần nhất đối với Phật tử?

Tín tâm, mười tâm, trong các kinh gọi là thập tín tâm, hay thập tâm, cũng gọi là thập tín, tức là mười giai vị đầu tiên trong năm mươi hai giai vị tu hành của Bồ tát; mười tâm thuộc về tín vị, có công năng giúp cho hành giả thành tựu tín hạnh. Tín tâm rất phù họp với chư liên hữu vừa phát tâm tu hành pháp môn niệm Phật.

Kinh Hiền Thánh Danh Tự, kinh Bồ tát Anh lạc Bổn nghiệp có giảng mười thứ tâm như sau:

1/ Tín tâm:

Nhất tâm quyết định, tu hành đạt đến chổ thành tựu, người tu có một niềm tin vững vàng, một lòng tu hạnh niệm Phật hay thiền định, không mê tín, lầm lạc.

2/ Niệm tâm:

Hành giả tu pháp Lục niệm, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm Thân hư huyễn, niệm Sự giải thoát…

3/ Tinh tấn tâm:

Siêng năng nghe pháp, nghe giảng kinh Đại thừa, siêng năng tu tập thiệp thiện nghiệp niệm Phật không gián đọan.

4/ Định tâm:

Tâm an trú vào thiền định, an trú trong chánh niệm, xa lìa tất cả các pháp tà kiến, chỉ tu hành một pháp môn duy nhất mà mình đã quy y, hành giả nhất tâm tu tập, giữ gìn không cho các pháp có tính cách mê tín dị đoan xâm nhập nội tại.

5/ Huệ tâm:

Nghe pháp đại thừa Bồ tát tạng, không nghe pháp tiểu thừa hay các pháp tà kiến có tính cách mê tín dị đoan, thường tu tập tư duy quán sát, biết rõ các pháp là vô ngã, vô nhân các pháp hữu vi như mộng, như huyễn, như bào ảnh, như lộ, như điện chớp không thật, tự tính không tịch.
6/ Giới tâm:

Thọ trì luật nghi thanh tịnh của Bồ tát, hộ trì giới luật Phật, hoằng giới đem giới pháp đi vào cuộc đời mà truyền đạt cho những người tín tâm quy y Tam Bảo. Thường xuyên tu tập thân khẩu ý thanh tịnh, không phạm các lỗi lầm lớn nhỏ, nếu có phạm thì năng sám hối trừ diệt.

7/ Hồi hướng tâm:

Hồi hướng các thiện căn đã tu được tiến thú đến Bồ đề, không nguyện sinh vào các thế giới vật chất, có bao nhiêu công đức, phước báo đem hồi hướng khắp pháp giới chúng sanh, không vì riêng mình, bố thí tài sản không phân biệt thân sơ quen lạ, gần xa; luôn hồi hướng cầu tu chứng thực tế, không đắm trước công danh sự nghiệp, các pháp tướng thế gian.

8/ Hộ pháp tâm:

Phòng hộ tâm mình, không khởi phiền não, tu năm hạnh lành: mặc hộ, niệm hộ, trí hộ, thức tâm hộ và tha hộ. Nhìn thấy ai phá pháp, phá giới cân nhắc họ vào đạo, thấy ai hủy họai Tam Bảo liền phát tâm đứng ra bảo vệ, không tiếc thân mạng.

9/ Xả tâm:

Không tiếc thân mạng, tài sản, những gì có được đều buông xả, trải thân, trải tâm hộ trì Phật pháp.
10/ Nguyện tâm:

Lúc nào cũng tu tập các nguyện thanh tịnh. Làm việc gì đều ích lợi cho Phật Pháp, làm việc Phật Pháp phát nguyện bất thối chuyển, khi giúp ai việc gì, dù tán thân mất mạng cũng cũng không khiếp sợ, không bỏ qua.

Mười tâm trong kinh Hộ Quốc Nhân Vương là: tín tâm, tinh tấn tâm, niệm tâm, huệ tâm, định tâm, thí tâm, giới tâm, hộ tâm, nguyện tâm và hồi hướng tâm.

Mười tâm trong kinh Phạm Võng là: Xả tâm, giới tâm, nhẫn tâm, tấn tâm, định tâm, huệ tâm, nguyện tâm, hộ tâm, hỉ tâm và đảnh tâm.

Mười tâm trong kinh Lăng Nghiêm là: tín tâm trụ, niệm tâm trụ, tinh tấn tâm trụ, huệ tâm trụ, bất thối tâm trụ, hộ pháp tâm trụ, hồi hướng tâm trụ, giới tâm trụ, nguyện tâm trụ.

Đó là mười giai vị đầu tiên trong năm mươi hai giai vị Bồ tát của đại thừa Biệt giáo. Trong Tịnh độ Non bồng, Đức tôn sư thường thuyết giảng qua các bài kệ bút nói về niềm tin, tín tâm, đặc biệt là bài “Cái đẹp của người tu”, bài “Xưng tán công đức y bát”, các bài pháp nói về niệm tâm, niệm Phật, niệm Pháp, niệm công đức lành, lập hạnh lành trong lúc tu nhân.

Pháp tu Thập tín là pháp môn thuận lợi nhất và dễ dàng dành cho người tu tại gia hay xuất gia, những người phát tín tâm hộ trì Tam Bảo, tạo thành sức mạnh truyền trì chánh pháp trong các tông phái thiền, luật cũng như tông Tịnh độ và các môn phong pháp phái biệt truyền tại các Thiền viện, Tu viện của nhà Phật.

Pháp tu Thập tín đã có thuyết giảng tại khóa tu Phật thất chùa Pháp Thường (Nhơn Trạch), Quan Âm Tu Viện (Biên Hòa), chùa An Hòa (Thủ Thừa, Long an), và trang website Phatgiaovnn.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

40. NGÀY THỨ BỐN MƯƠI:

Mười Pháp Trụ

Hôm nay, sẽ giảng về mười pháp trụ?

* Vì để tăng trưởng Phật trí, vì thâm nhập pháp giới, vì khéo bỏ kiếp chúng sanh, vì sở nhập vô ngại, vì sở hành vô thượng, vì được vô đẳng phương tiện, vì hội nhập nhứt thiết trí tánh, vì tất cả pháp, vì biết điều phục tất cả căn thân, vì hay thọ trì, diễn thuyết, đọc nói tất cả pháp trên, vị Chơn Phật tử (Bồ tát) phát tâm tu tập mười pháp Trụ của bậc căn khí Đại thừa để trở thành pháp khí của Phật Pháp. Thập trụ là giáo pháp của các bậc tu hành nương vào để an trụ. Theo kinh Hoa Nghiêm, bản dịch của Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Phật dạy: Chổ an trụ ấy từ thấp lên cao, được chia ra mười thứ bậc sau đây:

1. Sơ Phát Tâm Trụ:

Lúc đầu mới phát tâm tu tập, vị Bồ tát (Chơn Phật Tử) quán tưởng thân tướng Phật đoan nghiêm xinh đẹp, có oai lực lớn, tứ tướng oai nghi nghiêm túc, thường xuyên quán chiếu túc căn, nhớ lại tiền kiếp; hoặc phát tâm tu hành được bậc Đạo Sư, Thầy Tổ thọ ký thành Phật, nghe Phật thuyết pháp, thấy chúng sanh chịu nhiều khổ đau nên Bồ tát ra tay cứu hộ khiến cho ra khỏi biển khổ.

Bậc tu Bồ tát Sơ phát tâm trụ thường hằng tinh tấn nghe thuyết pháp giảng kinh của Phật mà phát bồ đề tâm, cầu trí biết rõ tất cả pháp tướng thế gian và pháp tánh xuất thế gian, bậc tu nầy chắc chắn vượt qua khỏi biển sanh tử luân hồi.

Bậc tu Bồ tát Sơ phát tâm trụ luôn an trú trong chánh pháp, phát bồ đề tâm rộng lớn hay giúp người vượt khó, tự mình nghe hiểu chánh pháp mà thực hành chánh pháp, không bị tà kiến lay động chơn tâm.

2. Trì địa trụ:

Chọn điểm tựa để nương náo, bậc Bồ Tát nầy đối với chúng sanh, phát mười thứ tâm làm lợi ích cho chúng sanh, khởi tâm đại bi thương xót cứu vớt chúng sanh, tâm tánh lúc nào cũng đỉnh đạt ổn định, hoan hỉ trước mọi người, tâm tánh an trú trong chánh pháp; lúc nào cũng thường nghĩ nhớ đến mọi người đang đau khổ khởi tâm cứu vớt chúng sanh ra khỏi ái dục, tham sân si, Bồ tát hay thực hành nhiếp thọ chúng sanh ác trở thành hiền lành, dữ hung trở thành hiền hậu, nhiếp thọ chúng sanh xa lìa tà kiến, hướng về chánh pháp, khởi tâm hộ trì chúng sanh tu hành dưới mọi hình thức xuất gia hay tại gia, thị hiện vào đời căn thân thanh tịnh, tốt đẹp, lục căn thông minh lanh lợi, học cao hiểu rộng, xứng đáng là bậc Thầy của Trời Người.
Người phát tâm thọ học các pháp thay thế Phật độ đời (sứ giả Như Lai), khi thành tựu, luôn khởi lòng đại bi thương tưởng chúng sanh, gặp Đức Phật ra đời, quy y Phật tu hành đắc quả từ A la hán đến Bích chi Phật, học hạnh Bồ Tát đại thừa hộ trì chánh pháp Phật, thị hiện thân căn có trí thông minh nghe và hiểu ngay, học một biết mười, bản lĩnh đứng trước số đông quần chúng thuyết giảng, hoặc là thuyết giảng ở quốc gia nầy hay có thể thuyết giảng ở quốc gia khác, mà không cần mọi người trùng tuyên, thông dịch lại. Bồ tát tu tập như thế, tinh tấn không bao giờ ngừng nghĩ, nêu gương hạnh lành cho tất cả chúng sanh.

3. Tu hành trụ:

Gia công thực hành việc tu tập, bậc Bồ tát (Chơn Phật Tử) phát tâm tu pháp môn quán chiếu thân căn là vô thường, khổ, không, vô ngã. Quán chiếu các pháp không tự có, không đứng yên một chổ, biết rõ ràng các pháp thế gian là mộng huyễn, bào ảnh, như điện chớp, như sương mai; trong từng sát na thay đổi, đổi mới.

Các pháp thế gian không có cơ sở nhất định, không tồn tại vĩnh hằng, không bền chắc, luôn làm ô nhiễm thân tâm. Bồ tát tu tập quán chiếu như thế trong quá trình thực hành hạnh Phật độ chúng sanh.

Bồ tát Tu hành trụ, nhận thấy thế giới đất nước lữa gió, dục giới, sắc giới, vô sắc giới đều là huyển hóa, nên không bị nhiễm ô. Trí tuệ liền sanh do mình tu học, phát huy trí vô sư, không do người khác giáo hóa.

4. Sanh quý trụ:

Phát tâm quy hướng chánh pháp, bồ tát phát tâm tu hạnh độ đời, vào đời gặp khó khăn không thối chuyển, khi muốn giúp chúng sanh nghèo khó, Bồ tát thị hiện vào nhà quyền quý cao sang có đủ phương tiện giúp chúng sanh, Bồ tát vì muốn độ chúng sanh giải thoát sanh tử mà sanh vào nhà Phật Pháp phát nguyện tu hành, lập hạnh, lành, giữ giới luật tinh nghiêm để có cơ sở cứu độ chúng sanh, Bồ tát phát tâm tu tuệ học để có phương tiện giúp chúng sanh giải thoát khổ đau phiền não như ý. Khi độ đời Bồ tát có niềm tin vững vàng, biết rõ nghiệp lực của chúng sanh, hóa giải những khó khăn cho chúng sanh giúp họ phục thiện, mau ra khỏi vòng lao lý tù tội, mà đến bến bờ vô vi an lạc.

Bồ tát sanh quý trụ, có đầy đủ lục thông, biết rõ đời quá khứ của mình như thế nào, đời vị lai đi đến đâu, quyết định đến quả vị rốt ráo, không lui sụt. Lúc nào cũng tinh tiến làm Phật sự, có đầy đủ thế lực quyền hạn cứu vớt chúng sanh, che chở chúng sanh khiến họ an lạc.

5. Thế nào là Bồ tát Cụ túc Phương tiện trụ?

Nương theo chánh pháp dùng làm phương tiện mà hành đạo, bồ tát sanh vào thế gian có đủ căn lành, túc căn đầy đủ, có phương tiện khéo làm lợi ích cho mọi người, khi Bồ tát tu hành, dù ở chổ khắc khổ, vẫn làm lợi lạc cho chúng sanh, giúp chúng sanh thoát khỏi nạn nước lữa, sanh tử luân hồi. Làm cho chúng sanh khởi lòng tin Tam Bảo, an lạc trong thế giới Phật Pháp.

Trong lúc tu, Bồ tát có vô biên phương tiện độ sanh, tâm không bị nhiễm trước, mê lầm, dù ở chung trong quần chúng, nhưng tâm Bồ tát luôn giải thoát, không nhiễm ô vòng tục lụy.

6. Thế nào là Bồ tát Chánh tâm trụ?

Tâm an trụ trong chánh niệm, trong lúc tu hành Bồ tát luôn khởi tâm thanh tịnh tin Phật, tín Pháp, tin Tăng; khi nghe bị chê bay có lời khen đều bất động, không buồn cũng không vui. Thường xuyên quán chiếu pháp giới có thành, trú, họai, không, sanh, trụ, dị, diệt; vì biết rõ như thế nên tâm hồn vững vàng, không thối chuyển.

Trong lúc tu hành bồ tát xóa bỏ mọi hình tướng, quán chiếu các tướng không sanh không diệt, là bình đẳng, không có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mệnh. Quán sát các pháp như mộng huyển, không thật; nên Bồ tát vào đời như đi trong hư không, chốn không người.
7. Thế nào là Bồ tát Bất thối trụ?

Lòng không thối chuyển, người tu hạnh nầy tâm chí vững vàng như bức tường thành kiên cố, tâm chí vững vàng như trụ đồng, trong lúc tu hành, cũng như khi muốn giúp đỡ ai điều gì thì kiên quyết thực hiện cho bằng được, có chí quyết định.

Bồ tát thường khởi tâm xuất ly, gặp cảnh khổ trong khi tu hành, dù gặp Phật ra đời hay không gặp Phật, dù bị ngăn ngại trong lúc làm Phật sự, trong lúc tu hành, trong lúc giúp chúng sanh, Bồ tát cũng không thối chuyển. Tâm bồ tát rất cứng như kim cương, không vật nào làm hư bể nổi viên ngọc quý báu nhất trong đời.

8. Thế nào là Bồ tát Đồng chơn trụ?

Thiết thật trong lành, tâm như gương sáng không bị vẫn đục, bồ tát tu hành, luôn giữ thân khẩu ý thanh tịnh, không bị lỗi, không bị sa đà vào ngũ dục, trái lại còn từ trong ngũ dục mà bước ra. Thân miệng ý lúc nào cũng tuôn trào pháp lành khiến cho chúng sanh hoan hỉ, trọn niềm tin. Lúc nào cũng tham cầu học Phật Pháp. Vào nhà chúng sanh, hay tùy theo ý niệm của chúng sanh mà hóa độ như Đức Quán Thế Âm hay thể hiện hạnh lành, trong từng pháp giới không bị trở ngại.

Vị Bồ tát đi vào đời, thấy tất cả pháp đều là Phật Pháp, thấy tất cả chúng sanh đều là Phật, thấy mọi người đều có tánh thiện, nên gần gũi với họ, khiền họ thân thiện, rồi dắt họ vào Phật đạo.
9. Thế nào là Bồ tát Pháp vương tử trụ?

Dũng mãnh phi thường như vua các pháp, bồ tát tu cầu Phật đạo, dù ở bất cứ tình huống nào, cũng không bỏ Phật Pháp, không xa rời chánh pháp, thừa kế chánh pháp, không xa rời Đức Pháp Vương vô thượng, lập hạnh tu hành, ngày đêm tinh tiến thực hành hạnh lễ bái Như Lai, vào nhà Như Lai, tôn kính Như Lai, đảnh lễ Như Lai, nói pháp của Như Lai, đảnh lễ giáo pháp của Như Lai… nên gọi Pháp vương tử.

10. Quán đảnh trụ:

Quán chiếu nơi đảnh đầu phát hiện ra hào quang, bồ tát đi vào đời bằng hạnh nguyện, tức là làm lợi lạc chúng sanh, dù tán thân mất mạng cũng không bỏ chánh pháp, tâm Bồ tát với Phật là một. Luôn uyển chuyển dòng pháp Phật đi vào đời, tùy duyên bất biến, bất biến mà tùy duyên khiến cho mọi người, mọi thời đại đều khởi niềm tin chánh pháp, khiến cho chánh pháp trường tồn trong đời dưới mọi hình thức.

Trên đây là mười pháp mà Bồ tát hay người con Phật an trú tu hành, làm cho ánh hào quang chánh pháp ngày càng trong sáng, muôn vạn chúng sanh nương nhờ. Đem ánh sáng Phật pháp đi đến đâu đều làm cho chúng sanh được an tâm, mở đèn sáng cho chúng sanh tiến đến nơi an trú Niết Bàn. Đây là giai đọan thứ nhất trong ba a tăng kỳ kiếp của liên hữu trên đường tu.
Mười pháp trụ của Bồ tát an trú trên theo sự giáo hóa của Thiên Thai Trí Giả thì thuộc vào bậc Bồ tát Tam Hiền.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

41. NGÀY THỨ BỐN MƯƠI MỐT:

Mười hạnh lành của Bồ tát

Hôm nay nói về những hạnh lành của Bồ Tát?

* Theo kinh Hoa Nghiêm, bản dịch của Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (PL 2509), Phật dạy: người tu tập trải qua giai đọan đầu và tiến lên xa hơn nữa trong pháp sáu độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) và vạn hạnh tức là tu các hạnh khác nhau, trong đó có mười hạnh lành của Bồ tát: một là Hoan hỉ hạnh, hai là Nhiêu ích hạnh, ba là Vô vi nghịch hạnh, bốn là Vô khuất nhiễu hạnh, Năm là Vô si lọan hạnh, Sáu là Thiện hiện hạnh, bảy là Vô trước hạnh, tám là Nan đắc hạnh, chín là Thiện pháp hạnh, mười là Chơn thật hạnh.

Từ ngữ Bồ tát trong kinh Hoa Nghiêm gọi là Chơn Phật tử cũng gọi là người tu theo lý tưởng đại thừa; ở đây chúng ta gọi chung là người tu.

Người tu phát đại tâm học và làm theo hạnh lành của ba đời chư Phật (quá khứ, hiện tại, vi lai) mà tu hành. Thường làm các Phật sự có lợi ích cho đời, tâm trí của người tu không giải đãi, đọan trừ tất cả phiền não trong quá khứ cũng như hôm nay. Do thường thể hiện hạnh lành nên thường được chư thiên, hộ pháp vãng lai hộ trì, thành tựu các Phật sự thế gian và xuất thế gian. Nhà cửa của người tu theo pháp môn thập hạnh luôn trang nghiêm thanh tịnh, báo vật luôn xuất hiện trong nhà, những vật dụng quý báu nhất trong đời như kim cương, pha lê, xa cừ, trân châu, mã não (vật dụng quý báu tức là kinh luật luận, trí tuệ, hạnh lành của người tu) là những món đồ trang sức cho tự thân khiến cho thân tướng trang nghiêm rực rỡ.

1. Hoan hỉ hạnh:

Vui vẻ tự nhiên, không có gì vướng bận tâm, người tu vì nhu cầu của mọi tầng lớp chúng sanh, xin thì được, muốn thì cho, nhất là trong nhu cầu cuộc sống, cần có sự tiến hóa đồng bộ, bồ tát phát nguyện giúp đỡ cho chúng sanh được có công ăn việc làm, giúp cho họ thành đạt. Tâm ý của Bồ tát xem tất cả chúng sanh như ruột thịt, thân bằng quyến thuộc; lúc nào cũng thi ân bất cầu báo. Bằng mọi giá Bồ tát làm lợi lạc chúng sanh, mà Bồ Tát phát nguyện học những hạnh lành của chư Phật. Xiển dương các công hạnh lành của chư Phật khiến cho chúng sanh, sanh lòng hoan hỉ, thoát khổ được vui.

Bồ tát tu Hoan hỉ hạnh, làm cho chúng sanh yêu thích mình, có tình cảm với mình, mà không cần phải là bà con quyến thuộc chi cả. Bồ tát thường thể hiện hạnh lành bố thí cho cả thân mình cho chúng sanh đói được no, lạnh được ấm, người cô độc được hạnh phúc, chúng sanh được sở cầu như ý.

2. Nhiêu ích hạnh:

Làm cho nhiều người được lợi ích, như: giữ giới nghiêm túc, không ô nhiễm vật dục; những thức ăn đồ uống thế gian, thể hiện hạnh lành khổ hạnh ăn không cần ngon, mặc không cần đẹp, ngũ không cần ấm, miễn được có phương tiện làm lợi lạc chúng sanh. Trong lúc tu hành, đứng trước những tài sắc danh thực thụy không bị khuấy động, không bị nhiễm ô cả thân tâm. Xem ngũ dục là chướng đạo, sống đời sống tòan là Phật pháp. Chấm dứt những nổi khổ niềm đau cho chúng sanh, đem giới hạnh lành ban bố cho họ, khiến họ vào chánh pháp. Xóa tan những tín ngưỡng mê tín dị đoan. Bồ tát thường thị hiện giàu sang, đài các, phong lưu, làm người có nhiều trân bảo, ngọc ngà châu báu để giúp chúng sanh, khiến họ vào Phật đạo, nghiêm túc giữ gìn giới pháp, vui lòng hi sinh vì chánh pháp.

3. Vô vi nghịch hạnh (vô nhuế hạnh):

Không để cho tâm vẫn đục, não loạn, nhẫn nhục khiêm nhường, thường thị hiện vào môi trường gia đình lễ giáo, không làm tổn hại chúng sanh, ẩn mình giúp chúng sanh khiến cho họ tinh tấn tu hành, thi ân bất cầu báo. Bồ tát trong lúc tu hành không thích khoe khoang, không làm chức việc, không thọ hưởng phước báo. Bồ tát thị hiện thuyết pháp, giúp chúng sanh giác ngộ hướng về Phật Pháp, trong lúc tu hành không tham cầu lợi dưỡng; vì vậy mà khiến cho những người có tâm làm tổn hại thanh danh bồ tát mà vẫn không hại được.

Bồ tát thường tu hạnh an trú chốn tịch tĩnh, nơi thanh vắng vô tịch, điều chế thân căn xa lìa ái dục. Nhập từ bi quán xem mọi người như quyến thuộc. Có tâm hộ trì cho chúng sanh thành đạt trên đường đời, biết quy y Tam Bảo, phát tâm trường chay niệm Phật không thối chuyển.

4. Vô khuất nhiễu hạnh (vô tận hạnh):

Bồ tát tâm không cùng tận, không ranh giới, không chướng ngại, khuyến khích chúng sanh tinh tấn làm các việc lành, lánh xa điều ác. Gìn giữ giới luật nghiêm minh, thân khẩu ý thường thanh tịnh. Bồ tát hướng dẫn chúng sanh tu tập biết hổ thẹn bỏ những ác duyên, thể hiện lòng từ tốn, lòng bi nhổ tất cả gốc khổ, phiền não chúng sanh. Biết chúng sanh hay thích những gì, thường đáp ứng nguyện vọng của họ khiến họ vui lòng mà theo Phật Pháp. Bồ tát vào địa ngục chịu khổ thế cho chúng sanh, diễn dương vi diệu pháp, làm lợi lạc cho Đạo cho Đời, ích nước lợi dân, báo ân quốc vương thủy thổ, cổ xúy tinh thần hộ quốc an dân, khiến cho không còn chiến tranh, mang lại thanh bình trong thiên hạ.

5. Ly si loạn hạnh:

Lìa xa sự si mê ám chướng; Bồ tát tu hạnh thiền định, niệm Phật, giữ chánh niệm, không tác lọan tà tâm, dù phải tán thân mất mạng không làm, không nói điều tà mị mà đến với chúng sanh; Bồ tát tu hạnh thà chịu nghèo khổ, không làm cho chúng sanh đi theo tà kiến, xa rời chánh pháp. Bồ tát tu tập khéo hiểu tất cả ngôn ngữ thế gian, làm thầy giáo giúp chúng sanh không còn dốt nát. Trong quá trình tu tập thiền định, thường quán chiếu thân là giả tạm, không mê lọan sắc pháp nhục dục, ra khỏi sanh tử luân hồi. Bồ tát siêng năng tinh tấn thuyết pháp ban bố pháp lành giúp chúng sanh xa lìa vô minh căn bổn, tự tại vô ngại. Vì muốn chấm dứt mê lầm của chúng sanh mà nói pháp niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, giúp cho ra khỏi những pháp tà kiến, như: ngồi đồng, ngồi ghế, bói khoa xủ quẻ, lịch số tướng trạng, soi căn, xin phép làm ăn, dẫn dắt chúng sanh vào thế giới li mị vọng lượng (không thật), đoán mò vận mạng chúng sanh, làm cho họ mất bồ đề tâm không thấy được chánh pháp.

6. Thiện hiện hạnh:

Bồ tát chuyên tu hạnh nghĩ và làm các việc thiện; điều phục tam nghiệp thanh tịnh, phát hết các tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng; thị hiện an trú trong chánh vị chơn như pháp tánh, hóa giải nghiệp báo chúng sanh, giúp cho mọi người ra khỏi những khổ đau do thân, khẩu, ý nghiệp gây nên. Thị hiện điềm lành, cát tường đến với chúng sanh, khiến họ vui vẻ mà tầm sư học đạo. Giúp cho chúng sanh tu hành đúng tông chỉ, có lập trường, biết rõ các tướng là phi tướng, các tướng là rỗng không, là huyển hóa, không tự tánh, là duyên hợp huyển có, nên không còn ô nhiễm, ra khỏi sanh tử khổ đau.

7. Vô trước hạnh:

Tu hạnh không tham lam trước mọi vật, không đắm nhiễm, dùng tâm vô trước, chánh niệm mà hội nhập vô số thế giới, đi vào đời mà không nhiễm ô cuộc đời, từ đó mà Bồ tát rảnh thân, rảnh tâm giúp cho mọi người có đời sống ổn định hạnh phúc. Bồ tát tu hạnh lễ bái cúng dường vật thực, tài vật, báu vật cho Phật pháp, như cúng dường kinh điển, tu các hạnh lành của Phật, nhiếp thọ chúng sanh, khiến họ ra khỏi cố chấp mê lầm.

8. Nan đắc hạnh (tôn trọng hạnh):

Bồ tát thành tựu căn lành khó được, làm những việc khó làm, nhẫn việc khó nhẫn, tu pháp khó tu, độ người khó độ; giúp cho chúng sanh tu hạnh nhẫn nại, thường xuyên nghe thuyết pháp, tham dự pháp hội, làm tòa cho Phật ngồi thuyết pháp. Thị hiện có oai đức lớn, có thế lực để có phương tiện mà giúp người thoát cảnh nạn tai. Bồ tát an trụ hạnh nan đắc, ở trong mỗi niệm có thể chuyển hóa vô số kiếp sanh tử mà chẳng bỏ đại nguyện. Bồ tát không trú Niết Bàn, cũng không ở bên bờ sanh tử, thệ độ chúng sanh khiến cho họ đến nơi an lạc.

9. Thiện pháp hạnh:

Có đủ các pháp lành để trợ lực cho chúng sanh; hộ trì Tam bảo, nhiếp thọ chúng sanh; làm chổ dựa cho chúng sanh. Thường thị hiện nói pháp biện tài vô ngại, thị hiện người thông thái, học cao hiểu rộng mà nói pháp lành cho chúng sanh, giúp họ sanh trí tuệ, hoan hỉ phát tâm bồ đề hộ pháp cho đạo Phật tỏ sáng. Bồ tát thường khởi tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả hiện ra những hạnh lành chu biến khắp pháp giới khiến cho chúng sanh khởi lòng tin. Tùy theo sở thích của chúng sanh mà dùng tướng lưỡi rộng dài khen ngợi chánh pháp. Giải đáp những thắc mắc của chúng sanh, giúp họ không còn nghi ngờ, lầm lạc mà vào Phật đạo.

10. Chân thật hạnh:

Lòng ngay thẳng, tánh cương trực, dùng lời nói chắc thật, học tập lời chân thật từ ba đời chư Phật, nhập chủng tánh, đồng thiện căn với chư Phật; thân Phật, khẩu Phật, ý Phật, nói Phật, làm Phật đi đứng nằm ngồi đều là Phật.

Nơi chốn đông người hay vắng vẽ, Bồ tát tu hành hạnh Phật không chút do dự, nói là làm, nói lời thật, không tà mị, hướng dẫn chúng sanh không đem những ý tưởng tà vạy vào Tam bảo. Dù tán thân mất mạng, nhưng Bồ tát vẫn không tiếp nhận những chúng sanh tin theo tà kiến ngoại đạo, không tin Tam bảo; giữ gìn hạnh Phật thà chịu nghèo mà không truyền bá những pháp mê tín dị đoan. Bồ tát thà có một người đệ tử, mà người đó biết học Phật, gần gũi Bồ tát, biết kính trọng Tăng Sư, chứ không nhận nhiều đệ tử mà không các tiêu chuẩn trên.

Bậc Bồ tát tu theo pháp vạn hạnh để hòan thành đạo nghiệp và đặc biệt chú trọng tới mười hạnh căn bản trên đây mà đạt đến chân lý. Trong mười hạnh có thể chia ra thành hai bậc: thấp và cao. Từ hạnh hoan hỉ đến hạnh thiện hiện, do nơi tự tâm người tu phát sanh và chỉ cần sự gia công tu tập là có thể đạt được; trong khi đó các hạnh không tham đắm trước mọi vật, lòng tôn kính, thực hiện các pháp lành và tánh ngay thật cần đòi hỏi có một thời gian công phu. Đây là một bước quan trọng trong suốt hành trình tiến vào đường đạo rất khó khăn và trở ngại; nếu không thận trọng rất dễ bị thối chí nãn lòng; nên cần thiết có sự cương quyết, dũng mãnh để chiến thắng những cạm bẩy từ bên trong tâm thức cho tới bên ngòai cảnh vật. Khi thực hành trọn đủ mười hạnh như vậy, bậc Bồ tát đã có một tâm niệm không thối chuyển để tiến lên được xa hơn trong các bậc thang kế tiếp của đạo giải thoát. Chư vị Phật tử có chổ nào cảm thấy phù hợp với tâm tu hành của mình thì tiếp nhận, áp dụng vào đời sống thực tại mà sống vui.

Mười hạnh lành của Bồ tát tu hành trên theo sự giáo hóa của Ngài Thiên Thai Trí Giả thì thuộc vào một trong các bậc Tam Hiền.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo

42. NGÀY THỨ BỐN MƯƠI HAI:

Pháp tu Hồi hướng

Bạch Sư! Xin Sư giảng cho chúng con được hiểu về pháp tu hạnh Hồi hướng?

* Một là cứu hộ tất cả chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng - Hai là Bất hoại hồi hướng – Ba là Đẳng nhất thiết chư Phật hồi hướng – Bốn là Chí nhứt thiết xứ hồi hướng – Năm là Vô tận công đức tạng hồi hướng – Sáu là Nhập nhứt thiết bình đẳng thiện căn hồi hướng – Bảy là Đẳng nhứt thiết chúng sanh hồi hướng – Tám là Chơn như tướng hồi hướng – Chín là Vô phược vô trước giải thoát hồi hướng – Mười là nhập pháp giới vô lượng hồi hướng.

Mười pháp Hồi hướng trên là của Bồ tát trong quá trình tu hành, năng tác Phật sự, sau khi thực hiện thành tựu Phật sự nguyện hồi hướng công đức về khắp pháp giới chúng sanh trong mười phương. Trong quá trình tu hành người tu Phật không quên chúng sanh, luôn chia sẻ công đức lành cho chúng sanh, cho mọi người được an lạc, trên đền đáp ân Cha Mẹ, ân Tổ Thầy, ân Quốc vương (Chủ tịch nước), ân xã hội đồng bào dưới nguyện giúp đỡ mọi người ra khỏi bể khổ sông mê. Sức thanh tịnh của Bồ tát có được bao nhiêu đều chia sẻ cho chúng sanh được an lạc; chúng sanh bị bức hiếp, đánh đập, Bồ tát ra tay cứu vớt, chúng sanh đói khổ Bồ tát ra tay chẩn bần, khiến cho thoát kiếp họan nạn. Chúng sanh đắm chìm trong sanh tử luân hồi, Bồ tát thị hiện thần lực dùng vô lượng pháp môn nói rộng các pháp trợ đạo, phát đại nguyện, nói pháp chơn thật nghĩa, nói pháp hoan hỉ, gần gũi chúng sanh, giúp cho thấy ánh sáng mà bước ra khỏi sanh tử. Vì muốn cho chúng sanh được lợi lạc, nên Bồ tát tu hạnh hồi hướng thật rộng rãi, để có phương tiện mà cứu giúp.

Mười pháp hồi hướng là mười việc lợi lành hướng về tất cả muôn lòai để chia sớt bớt phước báo và cùng nhau hướng đến Phật quả.

1/ Cứu hộ chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng:

Ra ân giúp đỡ cho chúng sanh, nhưng không vì đó mà chấp trước việc cứu giúp, giúp người mà không cần biết người mình cứu giúp, thi ân bất cầu báo. Bồ tát phát nguyện tu hành pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Khởi tâm đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả, tu vô lượng căn lành. Nguyện những pháp lành có được sẽ làm lợi ích cho chúng sanh và mọi người, giúp cho người tu đến nơi thanh tịnh rốt ráo, xa lìa khổ não trong chốn địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh… mà an trú Niết Bàn. Cứu độ chúng sanh nhiều như thế mà Bồ tát không thấy có chúng sanh nào để độ thoát.

2/ Bất họai hồi hướng:

Không có một thế lực hay sức mạnh nào phá nổi, cản trở Bồ tát, làm cho thối chí nãn lòng khi đã hứa giúp đỡ cho chúng sanh. Bồ tát tu hạnh phụng thờ ba đời chư Phật, có đầy đủ niềm tin với tất cả pháp, thệ nguyện tu hành các hạnh lành của Bồ tát như từ, bi, hỉ, xả, trong lúc thực hành không hề biếng trể. Bồ tát tu hạnh tin tưởng sâu sắc đối với những người tuyên dương chánh pháp, những phương tiện thiện xảo của Bồ tát, tu hành vô lượng công hạnh, phát huy những hạnh lành, phát tâm rộng lớn giúp chúng sanh thành tựu Phật đạo. Mặc dù chúng sanh có chê bay những lòng tốt của Bồ tát, nhưng vì lợi lạc chúng sanh mà Bồ tát giữ vững công hạnh không lui sụt, khiến cho chúng sanh an lạc.

3/ Đẳng nhứt thiết Phật hồi hướng:

Do lòng từ bi rộng lớn như chư Phật xin nguyện cứu giúp tất cả chúng sanh. Bồ tát tu hạnh tùy thuận học đạo của ba đời chư Phật, Bồ tát trên vì tất cả chư Phật, Bồ tát, Bích chi Phật, dưới vì chúng sanh lục đạo tam đồ. Trên làm cho chư Phật vui lòng, thứ đến tìm cách làm cho chúng sanh thoát khổ được vui, vĩnh viễn xa lìa ác đạo.

4/ Chí nhứt thiết xứ hồi hướng:

Bồ tát hòan thành mọi việc, giúp đỡ cho muôn lòai. Bồ tát tu tập tất cả hạnh lành, sau khi thành tựu đem tất cả hạnh lành ấy hồi hướng khắp nơi trong mười phương, cúng dường công đức lành đến chư Phật. Thường thị hiện những thần thông biến hóa, luân chuyển các thế giới khổ đau thành thế giới an lạc. Giúp ích nhiều phương tiện cho chúng sanh tu hành, đem những công hạnh lành ấy mà cúng dường chư Phật.

5/ Vô tận công đức tạng hồi hướng:

Bồ tát tu hành, làm công tác Phật sự, có bao nhiêu hạnh lành, có bao nhiêu công đức nguyện đem chia sẻ cho tất cả chúng sanh. Trong lúc tu hành Bồ tát tùy thuận vô tận thiện căn, đem đến những công việc Phật sự mà mình đã biết, đã làm chia sẻ hướng dẫn cho mọi người, làm cho mọi người đều được lợi lạc. Trong quá trình tu hành, Bồ tát thường nguyện sám hối nghiệp chướng, sám hối cho mình và sám hối thế chúng sanh (chư Tăng Ni Tịnh Độ Non Bồng đã tu pháp nầy từ những năm 1960 đến năm 1965, lúc bấy giờ gọi là sám hối “ba trăng”, ba tháng),thường xuyên đi lễ Phật, thỉnh đức Phật ở lại đời, nghe Phật chuyển pháp luân ở đâu đều đến đó để hộ pháp, hầu pháp. Tùy hỉ các căn lành, thường trích phần công đức của Phật pháp đem ban bố lại cho chúng sanh khiến cho được ân huệ của Phật.

6/ Tùy thuận kiên cố nhứt thiết thiện căn hồi hướng:

Tất cả những căn lành vững bền Bồ tát có được, đều tùy theo đó mà cứu giúp chúng sanh.

Hồi hướng tất cả thiện căn, giúp chúng sanh được Phật che chở hộ trì, thành tựu tất cả thiện căn kiên cố. Bồ tát tu hành đạt nhiều pháp lành, rồi lại đem những công đức trang nghiêm đó mà trang nghiêm cho chúng sanh. Bồ tát tu hạnh có thế lực, có oai danh lớn, tất cả những hiệu lệnh ban ra đều được mọi người làm theo, mọi người nghe theo, không chống trái.

Ngày xưa như vua A Dục là vị Hòang Đế một đại quốc, nhưng cũng là vị Phật tử thọ học Bồ tát hạnh để trị quốc chăn dân. Vào thế kỷ thứ mười, các vua chúa thuộc các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, các chúa Nguyễn của Việt Nam đều quy y Phật, làm nhà sư, thiền sư, đại sư, áp dụng giáo pháp Phật đưa vào đời sống bình thường mà làm cho nước non thái bình thịnh trị, nhân dân an cư lạc nghiệp kéo dài trên 600 năm. Năm 1949 sau khi được Anh trao trả độc lập, Thủ tướng Nerhu dùng giáo lý Phật đà mà lãnh đạo tòan dân, làm cho một đất nước động dân thứ hai thế giới mà sống theo chế độ dân chủ bình đẳng, xóa tan các giai cấp trong quá khứ. Ngày nay các quốc gia quốc giáo Phật giáo còn tồn tại và vẫn tiếp nhận những giáo pháp quan trọng mà Phật từng ban hành để giúp cho xứ sở đó được hòa bình văn minh. Bồ tát thị hiện làm quan ban hành những pháp thiện đến với các địa phương, họ học tập và làm lành lánh dữ, khiến cho họ không làm sái quấy, nên không có những hình phạt nhân dân như thế gian. Những hình ảnh nầy ngày nay còn tồn tại trên các quốc gia dân chủ, vương quốc Thái Lan, Ấn Độ (giai cấp nô lệ thứ tư được ứng cử dân biểu từ năm 1949; khi Thủ tướng Nerhu chấp chánh, Ngài tuyên bố sẽ đem giáo pháp từ bi bình đẳng của giáo lý Đạo Phật mà đối xử với nhân dân), Lào, Campuchia, Tích Lan, Bu-tan, Si-kim, Tây tạng và Việt nam ngày nay…Bồ tát thường xuyên dùng thế lực của mình bảo vệ nước, bảo vệ dân, xuất của kho đem tài sản bố thí gạo, tiền, y phục, vật dụng, thuốc thang cho người nghèo, người cô độc, người bệnh, người tàn phế ủy lạo cho họ được vui lòng.

7/ Tùy thuận đẳng quán nhứt thiết chúng sanh:

Bồ tát tu hạnh đem tâm đối xử bình đẳng với tất cả chúng sanh, giúp họ hòa nhập sống chung trong cộng đồng, lợi quyền bình đẳng. Bồ tát luôn làm cho mình tăng trưởng thiện căn, để có cơ sở hồi hướng cho tất cả mọi người. Ngày nay Tăng Ni, Phật tử chúng ta nên hướng về với những người dân tộc, thực hiện những công hạnh bố thí, ủy lạo, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao đời sống có giá trị đạo đức xã hội, đạo đức tâm linh cho họ, nâng cao tinh thần yêu nước, giúp cho họ có cuộc sống bình đẳng với người kinh. Bồ tát luôn giúp cho chúng sanh có cơ sở bỏ ác về thiện, chúng sanh biết phát huy tánh thiện, gìn giữ pháp thiện, dù là pháp thiện nhỏ cũng đều được tôn trọng cung kính tiếp nhận, tu hành đạt hiệu quả đến nơi an lạc, giải thoát.
8/ Chơn như tướng hồi hướng:

Bồ tát hay người tu Phật quay về với tánh thật của mình. Thuận theo những việc làm thực tế của mình, đem tâm chân thật mà hồi hướng thiện căn cho chúng sanh. Bồ tát tu hành giữ chánh niệm, tâm vững chắc xa rời mê lầm. Tâm cầu đại thừa, dũng mãnh, siêng năng tu tập pháp lành, khuyến khích không làm việc ác; nuôi lớn lòng đại bi, thường hộ trì Tam Bảo, thành tựu vô lượng pháp tu, làm bậc Thầy mô phạm của mọi người. Đưa chúng sanh ra khỏi những mê vọng tà kiến.

9/ Vô phược, vô trước giải thoát hồi hướng:

Đối với tất cả pháp không chấp trước, tu hạnh không dính mắc, thị hiện giải thoát rốt ráo, xa lìa vật chất, thực hiện lối sống rảnh rang, dành những căn lành hướng về mọi người, tu tập mười hạnh Phổ Hiền làm phương tiện gần gũi chúng sanh, xiển dương những công đức lành, làm lợi lạc trời người.

10/ Pháp giới vô lượng hồi hướng:

Tu tập vô lượng pháp lành, khi được lợi lộc, không sử dụng riêng cho mình, mà chia sẻ cho mọi người, thường phát nguyện hồi hướng vô lượng công đức đến khắp pháp giới chúng sanh. Bồ tát phát nguyện khi đến với mọi người không phân biệt kẻ quen người thân, đến với mọi người bình đẳng, giúp cho họ thỏa nguyện.

Hồi hướng là dùng tâm đại từ đại bi cứu độ tất cả muôn lòai. Thập hồi hướng thuộc về giải thoát trụ trong mười ba trụ, tư lương vị trong năm vị, mười gia vị trong tam hiền, đạo chủng tính trong sáu chủng tính.

Trong những năm khai đạo (1960,1961) Đức tôn sư thường dạy chư Tăng Ni đang tu học vùng non lãnh: "…hãy trở về với sự thật của chính mình, chơn thật bất hư, ăn thật, nói thật, làm thật, như thế mới giúp cho mọi người có hiệu quả.…”

Ở ngày thứ ba mươi chín nói về Thập tín, mười đức tin ban đầu của Bồ tát Sơ phát bồ đề tâm, Tân phát ý vừa tu hành vừa giúp đỡ chúng sanh. Theo Tịnh độ tông, chư liên hữu rất tín tâm về mười hạnh lành nầy, các vị thường học thuộc lòng để giữ gìn không cho lui mất giống Phật mà tu tập, như: các hạnh lành giới tâm, nguyện tâm, hộ pháp tâm… các vị luôn thực hiện trong pháp tu của mình…

Theo giáo pháp của Ngài Thiên Thai Trí Giả thì từ ngày thứ bốn mươi đến ngày thứ bốn mươi hai, nói về pháp tu của Bồ tát Tam Hiền, tức Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng.

Tam Hiền tức là vị bồ tát tu hành chưa đạt đến rốt ráo nên chỉ gọi là “Hiền”; bậc Tam Hiền khi độ chúng sanh Bồ tát thường dùng nhiều phương tiện độ đời, nên gọi là Bồ tát “quyền thừa”, có đẳng cấp tu hành nhưng trình độ tu chứng chưa đạt đến công viên quả mãn.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

43. NGÀY THỨ BỐN MƯƠI BA:

Mười quả vị Thánh xuất thế gian

Hôm nay chúng ta tìm hiểu về bài pháp mười quả vị thánh xuất thế gian?

Thập Thánh, trong Kinh hoa Nghiêm cũng gọi là Thập Địa; mười quả tu bậc Thánh xuất thế gian, rốt ráo đắc đạo, gọi là Nhứt Sanh Bổ Xứ, tức chỉ còn chờ Đức Như Lai giáng trần thọ ký bổ nhiệm làm Phật sự khắp nơi trong mười phương. Đây là mười quả vị tu chứng của Bồ Tát, có hệ thống khác nhau, theo Tịnh độ tông thì gọi là Thập Thánh, nhưng theo Bồ tát địa, và Thập địa kinh, hoặc do ngài Long Thọ giảng trong kinh Hoa Nghiêm thì gọi Thập Địa gồm: Hoan hỉ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diễm huệ địa, Cực nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa, Pháp vân địa.

1/ Hoan hỉ địa:

Đắc quả nầy, Bồ tát rất hoan hỉ trên đường giác ngộ. Bồ tát đã phát bồ đề tâm và thệ nguyện cứu độ tất cả các chúng sanh thoát khỏi luân hồi, không còn nghĩ tới mình, Bồ tát không cầu phước báo và chứng được tính vô ngã của tất cả các pháp.

Cũng gọi Tịnh tâm địa, Thánh địa, Vô ngã địa, Chứng địa, Kiến địa, Kham Nhẫn địa… Là vị trí của Bồ tát mới chứng quả thành bậc Thánh, liền sanh tâm hoan hỉ, cứu giúp chúng sanh thoát khổ được vui có hiệu quả nên sanh tâm hoan hỉ.

2/ Ly cấu địa:

Bồ tát tu hạnh giữ gìn giới pháp và siêng năng tu thiền định, niệm Phật. Cũng gọi Cụ giới địa, Tăng thượng giới địa; là vị trí của Bồ tát tu hành, không còn những ý nghĩ sai lầm giữ giới luật tinh nghiêm, suy nghĩ sai trong Phật Pháp, suy nghĩ sai về thế gian, không phá giới, không còn cấu uế phiền não ái dục, tham sân si. Làm lợi lạc cho chúng sanh giúp họ giải thoát trọn vẹn.

3/ Phát Quang địa (Minh địa):

Bồ tát chứng được quy luật vô thường, tu trì tâm nhẫn nhục khi gặp chướng ngại trong việc cứu độ chúng sanh. Để đạt đến trình độ cao cấp nầy, Bồ tát phải diệt trừ ba độc là tham sân si, thực hiện được bốn cấp định an chỉ của bốn xứ (thân bất tịnh, thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã) và chứng đạt năm thành phần trong lục thông (thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, thần túc, túc mạng).

Vị trí tu pháp nầy nhờ đạt đại định mà được ánh sáng trí tuệ, tu hành và hiển bày pháp tam huệ văn tự tu khiến cho chơn lý ngày càng sáng tỏ trong thế gian.

4/ Diệm huệ địa (Diệm địa):

Bồ tát tu hành đạt đến chổ đốt hết tất cả những quan điểm sai lầm, tu tập trí tuệ và ba mươi bảy phẩm trợ đạo.

Là giai vị Bồ tát đã lìa bỏ kiến giải phân biệt của các hạnh Hoan hỉ, Ly cấu, Minh địa dùng lữa trí tuệ thiêu đốt cũi phiền não, nhờ đó mà ngộ được bản thể trí tuệ, giúp mọi người và chúng sanh thoát vòng mê muội và thú hướng Niết Bàn.

5/ Nan thắng địa (Cực nan thắng địa):

Bồ tát tu hành nhập định, đạt đại trí tuệ, nhờ đó liễu ngộ pháp tứ diệu đế rõ ràng hơn nữa và bản thể chơn như như thế nào, diệt trừ những nghi ngờ và tâm phân biệt năng sở, bồ tát tiếp tục tu hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo.

Bồ tát tu hành đạt được chánh trí (thấy tánh), nên không còn pháp nào để tu nữa, làm những việc khó làm, vượt qua những việc khó qua. Giác vị nầy, đạt được trí tuệ xuất thế gian, nương vào năng lực phương tiện tự tại mà cứu độ những chúng sanh khó độ.

6/ Hiện tiền địa:

Bồ tát liễu ngộ mọi pháp vô ngã, ngộ lí mười hai nhơn duyên và chuyển hóa trí phân biệt, thành trí bát nhã, nhận thức tính không. Trong pháp nầy, Bồ tát đạt đến trí tuệ giác ngộ thanh tịnh đi vào đời hoặc nhập Niết Bàn không chướng ngại nên gọi Niết Bàn là thường trụ.Vì lòng từ bi đối với chúng sanh, Bồ tát thường trú trong thế gian, nhưng không bị sinh tử ràng buộc, gọi là Niết Bàn vô trụ (vô trụ xứ Niết Bàn)

Bồ tát tu hành pháp bát nhã ba la mật, hiện tiền sanh khởi đại trí, phát đại tâm tiếp dẫn chúng sanh như hạnh tu của ngài Pháp Tạng tỳ kheo trong kinh Vô Lượng Thọ. Đưa đón chúng sanh vào Phật đạo, trong kinh Hoa Nghiêm có dẫn:”Bồ tát vì chúng sanh mà làm cầu đò” là như vậy. Giúp chúng sanh từ vị trí tà kiến, mê lầm tiến đến giác lộ Niết Bàn thực thụ.

7/ Viễn hành địa:

Đạt đến cảnh giới nầy, Bồ tát đầy đủ khả năng, có mọi phương tiện để giáo hóa chúng sanh. Đây là giai đọan mà Bồ tát tùy ý xuất hiện trong một dạng bất kì hình tướng chúng sanh nào.

Cũng gọi phương tiện cụ túc địa, Vô tướng phương tiện địa, Hữu hành hữu khai phát vô tướng trụ. Bồ tát tu hạnh vô tướng, tâm xa lìa thế gian. Bồ tát đạt đến chổ trên không còn gì để cầu đạo, dưới không còn có chúng sanh để cứu độ; bồ tát tu đạt lý vô tướng tịch diệt. Thường được chư Phật trong mười phương dùng pháp khuyến khích tinh tấn, phát dũng khí tu hành, để tiến lên đệ bát địa, đó gọi là thất chuyển.

8/ Bất động địa:

Trong giai đọan nầy, không còn bất kỳ cảnh ngộ gì làm bồ tát dao động. Công phu tu tập được thực hiện một cách vô ngại. Theo kinh Giải Thâm Mật thì những phiền não vi tế nhất cũng bị diệt trừ ở đây.

Cũng gọi là Sắc tự tại địa, quyết định địa, vô hành vô khai phát vô tướng trụ, tịch diệt, Tịnh địa. Là địa vị tu hành không ngừng sinh khởi trí tuệ vô tướng, tuyệt đối không bị phiền não làm lay động.

9/ Thiện huệ địa: cũng gọi Tâm tự tại địa, quyết định hành địa,vô ngại trụ) Trí tuệ bồ tát viên mãn, đạt đến mười lực, lục thông, bốn tự tin, tám giải thoát. Biết rõ mọi cơ sở giáo pháp và giảng dạy giáo pháp, phát huy giáo pháp Phật trong khắp mười phương.

Bồ tát dùng năng lực vô ngại để thuyết pháp, hòan thành hạnh lợi tha, là giác vị mà tác dụng trí tuệ được tự tại.

10/ Pháp vân địa: cũng gọi cứu cánh địa, tối thượng trụ. Bồ tát đạt nhất thiết trí, đại hạnh, pháp thân của Bồ tát đã đạt tới mức viên mãn. Bồ tát ngự trên tòa sen với vô số Bồ tát xung quanh trong cung trời Đâu xuất. Phật quả của Bồ tát đã được chư Phật ấn chứng. Những Bồ tát đạt đến cấp độ nầy, như Văn thù sư lợi, Phổ Hiền Bồ Tát…

Mười địa trên còn có pháp tu thứ lớp trong mười ba la mật là: thí, giới, nhẫn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, phương tiện, nguyện, lực, trí ba la mật. Nhờ đó mỗi địa đều trừ được mười trọng chướng cũng gọi là Dị sinh tính chướng: tà hạnh, ám độn, vi tế, phiền não, nhập tiểu Niết Bàn, thô tướng, tứ tướng niệm hành, vô tướng trung tác gia hành chướng, lợi tha môn trung bất dục hành chướng, ư chư pháp trung vị đắc tự tại chướng.

Bồ tát thập địa tu hành dứt được phiền não chướng và sở tri chướng mà chứng quả Niết Bàn. Bồ tát từ sơ địa đến thất địa, tâm hữu lậu và vô lậu xem tạp lẫn nhau, nên có chia làm phần đọan sinh tử và biến dịch sinh tử. Hàng Bồ tát từ bát địa trở lên chỉ có tâm vô lậu nên thuộc về biến dịch sanh tử.

Theo Tịnh độ chân tông, thì cho rằng nếu hành giả đạt đến tín tâm tha lực thì nhất định sẽ thành Phật, bấy giờ trong tâm tràn ngập hoan hỉ nên gọi là hoan hỉ địa.

Trong Tịnh độ luận của ngài Thế Thân, vì cứu độ chúng sanh nên Bồ tát thị hiện đủ hình tướng, đẳng cấp nầy gọi là Giáo hóa địa. Vãng sanh luận của Ngài Đàm Loan cho rằng Giáo hóa địa là địa vị Bồ tát từ Bát địa trở lên. Tứ là Bồ tát khi độ đời phải phát nguyện, khi về Tịnh độ thành Phật rồi phát nguyện “hòan tướng” mà trở lại cõi mê để độ sanh

Như trên đã nói, năm mươi hai lớp nhơn quả tướng tức là Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hướng, Thập địa, Đẳng giác (Bồ tát), Diệu Giác (Phật); trong đó Thập tín là quả vị đầu tiên của Bồ tát Sơ phát tâm, Tân phát ý, tuy có đẳng cấp tu hành nhưng trình độ tu chứng còn thấp, chỉ có niềm tin, tín tâm mà vào Phật đạo; còn Thập trụ, Thập hạnh, Thập hướng gọi là “Tam Hiền”, tức là bậc tu hành có đẳng cấp trình độ tu chứng nhưng chưa đạt đến giai đọan công viên quả mãn.

Thập địa là bậc tu hành tu chứng có đẳng cấp, sắp đến nơi công viên quả mãn, gọi là Thập thánh. Tu hành đắc đạo rốt ráo thì gọi là “Thánh”, bậc Thập Thánh có thể thị hiện nhiều thân như Di Lặc Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Dược Sư Bồ Tát, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí… đi trong thế giới ta bà độ sanh mà không vướng mắc trần lao.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo

44. NGÀY THỨ BỐN MƯƠI BỐN:

Đẳng giác (Bồ tát)

Chúng ta tiếp tục học về lớp nhơn quả tướng thứ năm mươi mốt, tức là Đẳng giác Bồ tát?
Bồ tát là từ viết tắt của từ ngữ Bồ đề Tát đõa, dịch là Giác hữu tình, hoặc Đại sĩ. Theo Phật giáo đại thừa, Bồ tát là một hành giả, sau khi hành trì các pháp Ba la mật, thành tựu Phật quả, nhưng nguyện không nhập Niết Bàn, khi chúng sanh chưa giác ngộ, như hạnh nguyện của Bồ tát: "Chúng sanh độ tân phương chứng bồ đề, địa ngục vị không thệ bất thành Phật…”, lời nguyện của Tôn giả An nan”như nhứt chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê hòan…”.
Yếu tố cơ bản của Bồ tát là lòng từ bi đi song song với trí tuệ. Chư Bồ tát thường cứu độ chúng sanh và sẳn sàng thọ lãnh tất cả mọi đau khổ của chúng sanh, cũng như hồi hướng phước đức của mình cho kẻ khác. Con đường tu hành của Bồ tát bắt đầu bằng luyện tâm Bồ đề và giữ gìn Bồ tát hạnh nguyện. Hành trình tu học của Bồ tát theo kinh Hoa nghiêm thì có năm mươi hai quả vị như đã nói ở trên. Người đệ tử Đức Phật khi phát tâm tu tất cả đều phải trải qua năm mươi hai lớp quả tướng ấy thì mới viên mãn đạo hạnh và thành Phật.

Đẳng giác Bồ tát là đẳng cấp cao của người tu Phật, cũng là tôn hiệu của Phật, chỉ cho sự giác ngộ bình đẳng chân chính, tức giác ngộ chân lý hòan tòan. Theo Vãng sanh luận: "vì các pháp bình đẳng, nên các Đức Như Lai bình đẳng, do đó chư Phật được gọi là Đẳng giác…”

Đẳng giác cũng gọi là đẳng chính giác, Hữu thượng sĩ, Nhứt sanh bổ xứ… giai vị cùng tột của người tu hạnh Bồ tát sau khi trải qua ba a tăng kỳ kiếp. Hàng bồ tát Biệt giáo đọan mười một phẩm vô minh, Bồ tát viên giáo đọan bốn mươi mốt phẩm vô minh sắp lên quả Phật Diệu giác. Trí tuệ và công đức của Đẳng giác gần giống như Diệu giác, nên gọi là “Đẳng giác”.

Theo Tịnh độ chân tông ở Nhật Bản thì: “người có tín tâm đối với tha lực, đạt được giai vị nầy ở hiện đời, cho nên so sánh tín tâm nầy với Đẳng giác Kim cang tâm của Phật”

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo

45. NGÀY THỨ BỐN MƯƠI LĂM:

Diệu Giác (Phật)

Chúng ta tiếp tục học về quả vị thứ năm mươi hai là Diệu giác?

Giai vị Diệu giác cũng chính là quả vị Phật, người tu đạt đến sự giác ngộ mầu nhiệm, giác ngộ chơn lý lấy mình.

Chúng ta đã từng hiểu Phật còn gọi là Phật đà, người miền Bắc, người Việt nam ở nước ngòai dịch sách Phật xưa gọi là Bụt, ngôn ngữ Tàu dịch là Giác giả, ngôn ngữ Việt nam chúng ta gọi là Người giác ngộ.

Mặc khác, trong sách Phật, còn giải nghĩa ngôn ngữ Phật là một bậc giác ngộ, mà sự giác ngộ đó được giảng thành đấng: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, có đầy đủ lòng từ bi, hỉ xả, có đủ kiến giải tam minh, lục thông, giải thoát sanh tử cho chính mình và cho tất cả chúng sanh trong mười phương. Giáo lý của nhà Phật khẳng định:”tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, trong khi đó Đức Phật Thích Ca là Phật đã thành, mọi người đều có khả năng thành Phật và sẽ thành Phật trong tương lai.

Nói sau cho hết nghĩa, đúng nghĩa về đấng giác ngộ của Đạo Phật chúng ta. Nói đến đức Phật thì các phái ngoại đạo từ xưa đến nay hòan tòan bó tay, không lý giải sau cho hết nghĩa ngôn ngữ Phật, vì giáo lý nhà Phật lý giải ngôn ngữ Phật, nói rằng: trong mọi người, mọi chúng sanh đều có tánh Phật nầy.

Gọi là Diệu giác tức là chánh đẳng chánh giác, không thừa nào trên được Phật quả nầy vậy.

Hai thừa Thinh văn, Duyên giác chỉ giác ngộ lấy mình, không có công lao giác ngộ kẻ khác. Bồ tát giác ngộ lấy mình, giác ngộ cho kẻ khác, song chưa công viên quả mãn, duy chỉ có Phật mới đầy đủ sự giác ngộ chính mình và giác ngộ cho chúng sanh không thể suy nghĩ bàn bạc được nên gọi Diệu giác là Phật, là Đại giác Thế tôn cũng gọi là Giác hạnh viên mãn.

Diệu giác chính là giai vị cuối cùng trong quá trình tu hành của Bồ tát đại thừa, đã dứt sạch vô minh, chứng được trí tuệ không thể nghĩ bàn. Đây là một trong năm mươi hai lớp nhơn quả tướng tu hành của hành giả đại thừa giáo; Bồ tát phải trải qua ba vô số kiếp tu hành, trải qua năm mươi hai lớp nhơn quả như thế mới đến quả vị Phật.

Chúng ta phân tích một vài ý niệm cao siêu về đấng Diệu giác hay đức Phật, đấng Giác ngộ như sau:

1/ Những người có tấm lòng bao la: từ bi quảng đại

2/ Người giác ngộ: ra khỏi sanh tử

3/ Phật tính: Người có tánh giác ngộ

4/ Phật lực: đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi

5/ Phật: người giác ngộ

6/ Thích Ca Mâu Ni: vị Phật đản sinh tại Vương quốc Ca tỳ La vệ, năm 524 (trước tây lịch) viên tịch vào năm 80 tuổi, năm 443 (trước tây lịch)

Học phái Thiên Thai giải thích chổ sai biệt giữa Biệt giáo và Viên giáo về quả vị Diệu giác (Phật) như sau:

Theo đại thừa biệt giáo thì quả vị Diệu giác ngồi trên tòa Đại bảo hoa vương dưới cội Bồ Đề Thất Bảo Nơi Thế Giới Liên Hoa Tạng, hiện ra báo thân viên mãn để giáo hóa chúng sanh độn căn.
Theo đại thừa Viên giáo thì quả vị Diệu giác lấy hư không làm tòa, thành tựu Pháp thân thanh tịnh, an trú trong cõi Thường tịch Quang (kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm).

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.