59. NGÀY THỨ NĂM MƯƠI CHÍN:
Ý nghĩa Tích trượng
(cây gậy của các bậc Trưởng lão
thời xưa)
Vấn: - Chúng con đi dự lễ, trong
những cuộc lễ quan trọng của Giáo Hội Phật giáo, ban tổ chức rước chư đại lão
Hòa thượng có cầm theo hai cây tích trượng, hai cây bê, hai cây lọng để cung
nghinh. Trong những năm quý Sư còn đi khất thực, như Tăng đòan chùa Linh Quang
thuộc môn phái khất sĩ Ðại sư Huệ Nhựt ở gần chợ Bà chiểu quý Sư đi trì bình
khất thực, đi đến từng nhà, có cầm theo tích trượng lắc kêu nghe len ken, cho
đến khi vị tín chủ bước ra cúng dường xong thì quý Sư bước đi chầm chậm nơi
khác… và cứ như thế? Nơi nào có thờ ngài Bồ tát Ðịa Tạng thì có thờ cây tích
trượng trong tay ngài Ðịa Tạng, xin Sư từ bi giảng giải cho chúng con thọ học
về ý nghĩa cây tích trượng của nhà Phật?
Ðáp: - Chiếc gậy của các bậc Sa
môn, đạo nhân, trưởng lão cao niên, đức độ dùng để chống đỡ lúc bước đến những
nơi có đường sá khó khăn, như: leo núi, đường gồ ghề, quanh co khúc khuỷu…
Chống gậy nhìn đời ôi huyên náo
Quên đi một giấc mộng nam kha?
(Giác Quang thi tập)
Trong Ðạo Phật, tích trượng chỉ là
cây gậy thông thường, là cây gậy của vị Tỳ kheo bên Thiên Trước, hay xứ Trung
Hoa; ngày xưa chư vị Tỳ kheo lớn tuổi thường có sắm cây gậy riêng để chống chỏi
lúc đi đường hay lên núi học đạo. Gậy xưa hay nay cũng gọi là tích trượng,
nhưng ngày nay ở Việt Nam khi nói đến tích trượng thì chỉ quan trọng để dùng
cho quý Hòa Thượng sử dụng đi thuyết pháp, trì bình khất thực, phụng thờ trước
bàn Tổ sư, hoặc dùng làm Phật sự “dẩn vong” trong các lễ tang, hoặc giả là cung
nghinh Ðại Hòa Thượng, Ðại lão Hòa Thượng mà thôi.
Theo triết lý của Tịnh độ Non bồng
có câu:”…yếu chơn mượn gậy của A Di…”, tức là những bước đi trầm thống trong
cõi sanh tử luân hồi của chúng sanh thật lắm yếu đuối, ngày nay giác ngộ phát
tâm niệm Phật nương câu danh hiệu Phật A Di Ðà (gậy A Di) mà giữ chánh niệm, để
vượt qua biển khổ trầm thống mà về cố quán.
Tên gọi là Khí đa la, Khiết khí la,
cũng gọi Thanh trượng, Hữu thanh trượng, Trí trượng, Ðức trượng, Minh trượng,
Kim tích…
Chỉ là chiếc gậy thô sơ mà vị Tỳ
kheo mang theo khi đi đường. Vốn là vật để dùng xua đuổi rắn rít độc, trùng
độc, hoặc rung lên khi đi khất thực, khiến cho thí chủ nghe biết. Ðời sau tích
trượng trở thành một trong các pháp khí thiền lâm.
Sách đại Tỳ kheo Tam thiên Oai nghi
quyển Hạ có nêu ba nguyên nhân phải cầm tích trượng: một để xua đuổi trùng,
rắn; hai là vì tuổi già; ba là lúc đi khất thực.
Khi cầm tích trượng có hai mươi lăm
việc hạn chế như khi gặp tượng Phật, không được để đầu tích trượng phát ra tiến
kêu “leng leng”, cho đến không được dùng tích trượng để chỉ vào người khác, vẽ
viết dưới đất.
Tích trượng gồm có ba phần: phần
thứ nhất là “tích”, phần thứ hai là”cán gổ”, phần thứ ba là”thuần” (tức là phần
được bịt đồng ở trên đầu cán gổ). Tích là đầu gậy, hình tháp có gắn vòng lớn,
trên đó treo nhiều vòng nhỏ,khi rung phát ra tiếng “leng leng”, nên tích trượng
cò gọi là Thanh trượng.
Vị Tỳ kheo cầm tích trượng du hóa
khắp nơi, gọi là Phi trượng, Tuân trượng. Dựng trụ ở một nơi nào thì gọi là Lưu
tích, Quải tích.
Tông Thiên Thai và tông Chân ngôn ở
nhật Bản, khi có Pháp hội thì dùng tích trượng cán ngắn, rung lên để xướng Phạn
bái vì thế Phạn bái cũng gọi là tích trượng, là một trong bốn pháp yếu. Tích
trượng (Phạn bái) có hai lọai: là chín điều và ba điều khác nhau. Tích trượng
chín điều có chín tiết tán tụng còn gọi là Trường tích trượng. Tích trượng ba
điều thì tụng hai điều: đầu tiên và một điều sau cuối, trong chín điều tán tụng
(Luật thập tụng, Căn bản tát bà la Bộ luật nhiếp 10, Sắc tu bách trượng Thanh
quy).
Quyển luật Sa di và Sa di ni, bản
dịch Hòa Thượng Thích Trí Quang năm 1973, trang 991, 992 có bài Xuất tích
trượng (lấy tích trượng), hay cầm tích trượng.
Chấp trì tích trượng
Ðương nguyện chúng sanh
Thiết đại thí hội
Thi như thật đạo
Án na lật thế, na lật thế, na lật tra bát để, na lật thế, na dạ bát
nãnh hồng phấn tra.
Nghĩa:
Tay cầm tích trượng
Nên nguyện chúng sanh
Thiết hội đại thí
Chí đạo như thật
Án na lật thế, na lật thế, na lật tra bát để, na lật thế, na dạ bát
nãnh hồng phấn tra.
Ngày nay trong các lễ tang lớn nhỏ,
trường hợp tang chủ có thỉnh chư Trưởng lão Hòa Thượng chứng minh, Hòa Thượng
sám chủ thuyết minh sanh, đề phang (nói lại lịch sử, lai lịch của người đã qui
tây), tống táng đưa linh, quý Ngài có sử dụng tích trượng để “dẫn vong” trứoc
khi động quan. Ðây là thuộc pháp sự đạo tràng, rất có ý nghĩa cao quý trong
ngành Nghi lễ Phật giáo; đồng thời cũng giúp cho tang chủ có niềm tin Phật pháp
mà vào đạo, quy y Tam bảo (nếu gia đình đó chưa quy y). Hình ảnh vị sám chủ cầm
tích trượng “dẫn vong” tiếp dẫn vong hồn siêu sanh lạc quốc, khiến trở thành
truyền thống “xã hội tiến bộ không thể thiếu vắng Phật giáo” và nói gì thì nói,
nhưng “Phật giáo rất gần gũi với xã hội xưa cũng như nay…”.
Trong những năm còn đi học ở
Saigon, khi nào rỗi rảnh chúng tôi vẫn có đi khất thực trên các đường phố của
Saigon xưa, thỉnh thoảng gặp quý Ngài Du tăng Khất sĩ của phái Ðại sư Huệ Nhựt,
Hòa Thượng Thích Phổ Thượng, Tăng chủ chùa Linh Quang hướng dẫn chư Tăng đi
khất thực; khi đến trước nhà của tín chủ, Hòa thượng Trưởng đòan dộng tích
trượng kêu “leng keng” ba lần, trường hợp nầy nếu có tín chủ ở nhà thì chuẩn bị
thức ăn tinh khiết ra quý lạy rồi hiến cúng dường trai phạn, trường hợp không
có tín chủ, hoặc người trong nhà không phát tâm cúng dường, thì chỉ trong vòng
ba phút đòan Du tăng lần lượt nhẹ nhàng bước đi nơi khác.
Việc khất thực trên là hình ảnh đẹp, hình ảnh văn hóa của Phật giáo được truyền
đạt đi khắp nhân gian. Khất thực là phận sự của Ðức Phật, của ba đời chư Phật,
phận sự của chư Tăng già, mỗi buổi sáng vào lúc 8 giờ phải đi trì bình khất
thực tức là làm việc Phật, nối gót Ðức như Lai, xiển dương truyền thốnng tu
hành trong Tăng đòan Ðức Phật trong thời Ngài sinh tiền cũng như hôm nay.
Ngày nay chư Tăng Ni không còn đi
Khất thực nữa, lý do để Giáo Hội Phật giáo Việt nam các cấp “thanh lọc” những
“nhà sư giả”, từng làm nhức nhối các Tăng đòan Ðạo Phật Tăng già Khất sĩ, Khất
sĩ Tịnh độ Non bồng, Khất sĩ Ðại sư Huệ Nhựt, cũng như Tăng đoàn Phật giáo Nam
tông Việt nam.
Tuy nhiên, nếu chư Tăng Ni không
còn đi khất thực nữa (không có luật nào cấm Phật sự đi khất thực, chỉ có những
văn bản nhất thời của Giáo Hội PGVN thanh lọc những người giả dạng nhà sư đi
trì bình khất thực mà thôi) cũng là làm mất mát đi một phần giáo pháp Ðức Phật
để lại trong đời..! Chỉ có pháp môn khất thực là đủ yếu tố mang lại sự bình
đẳng giữa con người và con người trong cuộc sống và đó là hạnh Phật trong nhiều
hạnh lành của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cách đây trên 2.500 năm.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới
Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát
Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp
Giới Tam Bảo.
60. NGÀY THỨ SÁU MƯƠI:
Chuông
Vấn: - Hầu hết các chùa Phật giáo ở Trung quốc, Hàn quốc, Nhật bản và
Việt nam, những chùa thuộc hệ thống Bắc truyền, các môn phong pháp phái Cổ
truyền, Thống nhất, cũng như các chùa Phật giáo Việt nam và các chùa trong Liên
tông tịnh độ Non bồng đều có tôn trí và sử dụng một số dụng cụ nhà Phật, gọi là
pháp khí như chuông, mõ, trống, bảng, kiền chùy, kiển…được dùng để trang nghiêm
đạo tràng, hoặc thêm phần sắc thái lễ nhạc trong lúc tụng kinh, lễ sám, thuyết
pháp…những lọai nầy xuất hiện từ hồi nào? Nhằm mục đích gì? Xin Sư giảng giải
cho chúng con được thọ học?
Ðáp: - Làm Nhà sư xuất gia hay cư
sĩ tại gia, nói chung người tu Phật không ai có thề nói không hiểu biết ít
nhiều gì về chuông, trống, mõ trong chốn thiền môn. Những nhà tu thiền, học phái
Khất sĩ tuy không sử dụng âm thinh sắc tướng, trống phách, mõ chuông, nhưng
không thể nói là không hiểu biết gì về chuông trống mõ là dụng cụ pháp khí có
từ ngàn xưa. Làm Nhà du Tăng Khất sĩ, du Tăng hóa đạo, thuyết pháp giảng kinh,
tế Tăng độ chúng, ở tịnh xá không bao giờ có những pháp cụ nầy, nhưng cũng
không xa rời sự hiểu biết về chuông, trống, mõ và một đôi khi vẫn có sử dụng,
trong một số nghi lễ phổ thông…
Pháp khí có nhiều loại: loại để
trang nghiêm, loại để cúng Phật, loại để báo thời. Khí cụ dùng để báo thời gian
trong tự viện gọi là kiền chùy. Theo các bản Kinh, Luật (Hán tạng) đã được
dịch, kiền chùy là từ chỉ chung cho các loại: chuông, trống...
Chuông:
* Chuông được phát
hiện tại Trường An (khoảng 1000 năm trước tây lịch, thời Châu Chiêu Vương)
thuộc loại sớm nhất tại Trung Quốc. Phật giáo Trung Hoa đã đưa chuông vào các
tự viện lúc nào, hiện nay chưa tìm ra tài liệu khẳng định. Tuy nhiên, để tạm
truy nguyên nguồn gốc của chúng có thể dựa vào một số tài liệu. Cuốn Quảng
Hoằng Minh tập trong Ðại Chánh tân tu Ðại Tạng kinh ghi rằng vào đời Lục Triều
(420-479) đã có nhiều lầu chuông. Năm Thiên Hòa thứ năm (566) đời Bắc Châu, bài
Nhị giáo chung minh được khắc trên ba đại hồng chung lớn nhất thời bấy giờ. Hai
trong ba cái này được đúc vào năm 579 và 665 tây lịch. Tục cao tăng truyện ghi
năm thứ năm đời Tùy Ðại Nghiệp (609), ngài Trí Hưng nhận lo việc chuông tại
chùa Thiền Ðịnh ở kinh đô Trường An. Trong khoảng thời gian này trở về sau, Bắc
Châu không ngừng đúc hồng chung để an trí trong các tự viện.
* Thời xưa có hai loại chuông được
sử dụng trong các Tự Viện:
* Phạn chung (chuông phạn): cũng
gọi là "đại chung", "hồng chung", "hoa chung"
hoặc "cự chung". Chuông này được đúc bằng đồng xanh pha ít sắt. Thông
thường chuông cao khoảng 1.5m, đường kính khoảng sáu tấc. Loại này treo trong
lầu
* Chuông, mục đích thỉnh chuông là
để chiêu tập đại chúng hoặc báo thời sớm tối. Người Việt nam thường dùng từ
"đại hồng chung" chỉ cho loại chuông thật to, gần như không còn có
quy định cụ thể là lớn nhỏ bao nhiêu nữa. Chuông này còn gọi là chuông U minh.
Kệ khai chung:
Bài 1:
Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới
Thiết vi u ám tất giai văn
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông
Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác
Văn cung thinh phiền não khinh
Trí huệ trưởng bồ đề sanh
Ly địa ngục xuất hỏa khanh
Nguyện thành Phật độ chúng sanh
An Dà Ra Ðế Dạ Ta Bà Ha
(Kinh Tam Bảo – Hồng Tại Ðoàn Trung
Còn)
Bài 2:
Hồng chung vang vọng tiến ban đầu
Ðịa ngục A tỳ thăm thẳm sâu
Thiên đường hữu đảnh ngân vang khắp
Trước Phật mười phương con cúi đầu
Cha Mẹ sanh thành Thầy bạn tốt
Quốc dân thủy thổ dám quên đâu
Thú cằm thoát khỏi tay săn bắn
Ðịa Tạng Quan Âm con nguyện cầu
Ân oán nhiều đời tợ biển sâu
Lẽ đạo huyền vi rất nhiệm mầu
Tẩy sạch long trần lên giải thoát
Nghe chuông nhớ Phật hết u sầu
Nam mô Ðịnh tâm vương Bồ tát ma ha tát
An dà ra đế dạ ta bà ha
Kệ thu chung:
Bài 1:
Chuông chùa vang vọng khắp muôn nơi
Cảng tĩnh trần ai giấc mộng đời
Sức kiệt hơi tàn buông tất cả
Nhớ câu niệm Phật thoát luân hồi
Bài 2:
Nghe chuông thức tĩnh giấc ta bà
Danh lợi buộc ràng nguyện thoát ra
Nếu mất thân người thôi khó gặp
Cần lo giải thoát niệm Di đà
Bài 3:
Nghe chuông phiền não tận tiêu tan
Giác tánh mở mang trí huệ tràn
Ðịa ngục xa lìa ham lữa khỏi
Nguyện thành Phật đạo độ trần gian
(HT Thích Trí Quảng)
Bán chung (chuông nhỏ):
Vì chiều kích chỉ lớn bằng một phần
hai chuông phạn, nên gọi là bán chung, còn được gọi là "tiểu chung".
Chuông này thường được đúc bằng đồng, cao khoảng 6 đến 8 tấc, thường để tại một
góc trong chánh điện và được sử dụng trong các buổi pháp hội, nên còn có tên
khác là "hành lễ chung". Người Việt Nam cũng như các nước khác ngày nay
linh động chế tạo nhiều loại chuông dạng "bán chung" này, nhưng cũng
không có kích thước cố định.
Ngoài ra, trong thời cực thịnh của
Thiền tông, chuông an trí tại Thiền đường, gọi là "chuông Tăng
đường", "chuông trai"; chuông để tại chánh điện gọi là
"chuông điện"... Những vị lo việc chuông này gọi là "chung
đầu".
Về thỉnh chuông, xưa ở Trung Quốc
tùy mỗi tông phái, từng địa phương mà quy định có khác nhau, nhưng tổng quát
khi bắt đầu thỉnh ba tiếng và kết thúc đánh nhanh hai tiếng hoặc ba hồi chín
tiếng cho các loại chuông nhỏ khi tụng kinh. Số lượng tiếng thường là 18; cũng
có khi thỉnh ba mươi sáu tiếng, một trăm linh tám tiếng. Thỉnh một trăm linh tám
tiếng biểu thị hành giả nỗ lực làm vơi cạn đi một trăm linh tám phiền não nơi
nội tâm. Mười tám tiếng là biểu thị sự thanh lọc sáu căn, sáu trần và sáu thức.
Dộng chuông:
Tiếng ra gọi là “dộng”, do người ta
làm “chuông” là rỗng không, trong không chứa nhiều hơi, nên tiếng to… Trong Tỳ
Ni Hương Nhũ ghi: "Sách Lễ khảo ký nói họ Phù làm chuông - sách Ngũ kinh
thông nghĩa nói: chuông là tiếng mùa thu, vạn vật đến mùa thu mà thành, mùa
đông mà ẩn, nên đúc vàng làm chuông, nối mãi chẳng diệt vậy".
Sách Tây kinh ký nói: "lấy cá
Kình khua chuông Hoa", nghĩa như vầy: trong biển lớn có cá to, nên gọi là
Kình, hòn đảo giữa biển có con thú ký dị tên là Bồ Lao, tiếng kêu rất to. Dựa
theo thuyết nay mà đúc chuông (đại hồng chung). Nên làm chuông muốn tiếng
chuông ngân vang xa, thì phải làm con Bồ Lao ở trên (quay chuông), dùi chuông
dộng vào chuông thì chạm trổ hình cá Kình vậy.
Truyện Thông tải nói: Ðức Phật Câu
Lưu Tôn, nơi Thư viện Kiền Trúc, có làm cái chuông bằng đá xanh, khi mặt trời
mọc có các vị hóa Phật, cùng mặt trời hiện ra diễn thuyết 12 bộ kinh, người
nghe pháp chứng Thánh không thể nói heat. Cho nên sớm tối người phát tâm dộng
chuông là có cái công nhắc nhở người khác siêng tu hành.
Người dộng chuông, trước phải trì
niệm đề tựa kinh hoa Nghiêm, tiếp niệm bài kệ:
Nhược nhơn dục liễu tri tam thế nhứt thiết Phật
Ưng quán pháp giới tánh nhứt thiết duy tâm tạo
An dà ra đế dạ ta bà ha.
Người dộng chuông vừa đọc vừa dộng
chuông đệm theo tiếng niệm câu kinh trên, thành ba mươi lăm tiếng chuông, tức
là một đoạn: "một đoạn nhặt, một đoạn huỡn làm thành một hồi (35
tiếng)"; ba hồi cộng lại thành một trăm linh năm tiếng chuông, sau cuối
dộng thêm ba tiếng, tổng cộng thành một trăm linh tám tiếng chuông.
Sở dĩ như vậy là do pháp sự,nương
lý mà hiển bài, nên sự hay hiển lý. Do đó mà một trăm linh tám phần vô minh mê
muội của chúng sanh được tĩnh thức thành một trăm linh tám phần tam muội.
Sách Phật Tỳ Ni Hương Nhũ, bản dịch Ðại Ðức Thích Thiện Chơn có bài kệ:
"Bảy tiếng huỡn đầu, tám nhặt sau
Trung gian hai mươi phải đều đều
Ba hồi vừa dứt thêm ba tiếng,
Chư Phật Long thiên chú
ý vào".
Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: "Nếu
khi dộng chuông, nên nguyện trong tất cả các đường dữ, khổ hình đều dứt. Nếu
nghe tiếng chuông mà nói kệ khen, được trừ tội nặng trong năm trăm ức kiếp sanh
tử, huống chi là phát tâm dộng chuông niệm Phật, niệm chú vãng sanh".
Tổ sư Bách Trượng dạy: "Tòng
lâm dộng chuông, dộng buổi sớm là phá hôn trầm đêm dài vô tận; dộng buổi tối là
nhổ tối khổ u minh. Dang chày cho huỡn, kéo tiếng cho dài”
Xưa Hòa Thượng Chí Công giúp Lương
Võ Ðế thấy tướng địa ngục, Võ Ðế hỏi, lấy chi dứt được? – Hòa Thượng Chí Công
dạy: nghe dộng chuông, thì khổ ấy tạm dứt, Võ Ðế liền hạ chiếu Chùa Am trong
thiên hạ, phàm dộng chuông, phải dộng cho thật chậm rãi, để tâm thần tĩnh thức
và mọi người cũng thức tĩnh theo. Chỉ có nghe tiếng chuông mà dứt khổ, huống
chi chúng ta phát tâm dộng chuông.
Nghe chuông:
Nhĩ căn phát thức là nghe. Phàm
nghe tiếng chuông thầm niệm bài kệ. Thầm niệm là tiếng trong tâm. Tâm có tiếng
hay tâm không tiếng?
Tiếng mà không tiếng, chỉ có thể tự
mình nghe được, người khác không nghe được. Nên trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm,
Phật dạy: "Trở lại nghe nghe tự tánh, sao chẳng tự nghe nghe" là nói
tiếng trong tâm vậy.
Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ
Trí huệ lớn, bồ đề sanh
Lìa địa ngục, ra hầm lửa
Nguyện thành Phật độ chúng sanh
An dà ra đế dạ ta bà ha. (7 lần)
Phiền não có hai thứ: căn bản phiền
não và tùy phiền não. Làm tâm quấy rầy, khiến tâm bối rối. Nên trong Bộ chỉ
quán nói: "Pháp mù rối, khuấy loạn tâm thần” vậy. Nếu nghe tiếng chuông mà
trì kệ chú nầy, dù có phiền não rất nặng, cũng hóa ra nhẹ thanh đi. Xét lý gọi
là trí, phân biệt gọi là huệ, tức hai trí: căn bổn trí và hậu đắc trí. Như Quán
Thế Âm từ nghe, nghĩ, tu (văn, tư, tu) mà vào chánh định, tự nhiên phiền não
nhẹ, trí huệ lớn vậy. Bồ đề là quả của trí, một lần nghe tiếng chuông, hoa long
trí huệ rộng nở, quả đạo Bồ đề mau nên. Nay là nói vắng lặng hiện bày, bồ đề tự
sinh vậy.
Nói địa ngục nghĩa là ở dưới đất.
Tiếng Phạm gọi nê-lê, dịch là khổ cụ, cũng dịch là khổ khí, cũng dịch là không
thể ưa muốn, nghĩa là ngày đêm nung bức người tội.
Lại địa là đáy, trong muôn vật thì
đất ở dưới rốt, nên gọi đáy, ngục là cuộc, là giam buộc người tội không được an
vui, nên gọi cuộc. Lại có nghĩa là không có, nghĩa là trong ngục không có lợi
ích chi cả. Như trong luận Tỳ Bà Sa nói: chỗ không tự tại. Nghĩa là người tội
ấy bị ngục tốt A bàng câu chế, không được tự tại. Dưới châu Nam Thiện Bộ cách
năm trăm do tuần thì có ngục ấy. Nay nghe tiếng chuông nếu vượt thoát được đời
ra khỏi đời, thì tự nhiên lìa địa ngục, ra khỏi ham lửa vậy.
Mười phương tròn sáng, gọi là thành
Phật, được hai món thù thắng nên có thể độ chúng sanh. Nếu một khi nghe tiếng
chuông mà liền sanh chánh niệm, cho nên phiền não nhẹ ít, mà trí huệ thêm lớn,
tức là chuyển chướng mê lầm thành thiện tri thức, nên gọi là Bồ đề sanh.
Lìa là giải, ra là thoát. Tức là
chuyển khổ chướng của địa ngục ham lữa mà thành đức giải thoát, nên gọi là:
"lìa ra". Phát nguyện thành Phật tức là chuyển nghiệp chướng mà thành
đức pháp thân.
Xưa nay chưa có người nào chẳng
phát nguyện độ chúng sanh. Cũng chưa có Ðức Phật nào chẳng phát nguyện độ chúng
sanh. Nếu chúng sanh không tự độ, mà trước nguyện độ sanh, tâm ấy là tâm Phật,
phải biết tâm và nguyện ấy, đều từ chỗ nghe tiếng chuông mà phát khởi, một lúc
vô biên phiền não từ đó cắt đứt.
Kệ chú nghe chuông hiển mật lẫn
dùng, lý sự đều bày cả. Chú tức là chân ngôn phá địa ngục, bí mật nên không
dịch. Tự nhiên tụng niệm thì tự khiến heat khổ được vui, dứt tội chứng quả vậy.
Nghe chuông nằm chẳng dậy, thiện thần hộ pháp giận, đương đời kém phước đức,
sau đọa làm thân rắn. Người đời lười biếng tu tập thiền tụng, cảm báo rõ ràng
như trong Ðại luật đã dạy như vậy.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới
Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát
Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp
Giới Tam Bảo.
61. NGÀY THỨ SÁU MƯƠI MỐT:
Trống
Trống là một trong những loại nhạc khí, thường làm bằng đất đá, cây, đồng. Tài
liệu văn học liên quan đến "trống" ở Trung Quốc rất phong phú. Theo
sách Lễ ký phần Minh đường, từ năm 2300 năm trước tây lịch về trước, nước họ đã
có loại trống do cỏ kết lại thành. Trung Quốc thời xưa dùng trống trong các dịp
lễ lộc, vũ hội... Loại hình có to, nhỏ, treo hoặc để trên giá... Trống to gọi
là trống tẩu, nhỏ gọi là trống ứng, treo để đánh gọi là trống treo... Trong đó,
một số loại chính do các bậc hiền triết sáng tạo ra, còn số nữa do từ Tây Vức
truyền đến. Trong tự viện, trống cùng với chuông được đặt ở hai bên chánh điện theo
vị trí "tả chung hữu cổ".
Trong Phật giáo, kinh Lăng Nghiêm
ghi lại thuở Ðức Phật còn tại thế, trống được dùng để báo hiệu giờ cơm (thực
biện kích cổ), bố tát. Luật Ngũ Phần nói chư Tỳ kheo đến lúc tụng giới nhưng
tập họp không đúng giờ, Ðức Phật dạy nên đánh kiền chùy, đánh trống v.v... với
mục đích chính là không ngoài việc tập họp chúng Tăng. Từ đời Ðường về sau,
theo thanh quy của thiền môn, trống là một trong những loại pháp khí dùng làm
hiệu lệnh báo thời sớm khuya, tối đến. Sau này Phật giáo Trung Quốc tiến thêm
bước nữa phối hợp nhịp điệu, âm thanh tiếng trống hòa cùng những lời tán tụng,
phổ thành khúc điệu, biểu hiện "kỹ nhạc cúng dường, trang nghiêm đạo
tràng", dùng âm thanh làm Phật sự, trợ giúp đại chúng phát tâm thành kính
đối với Tam bảo.
Kệ khai trống (HT Thích Trí Quảng)
Bài 1:
Pháp cổ minh thời Ngọc Kệ tuyên
Hạ thông địa phủ thượng chư Thiên
Văn thanh đồng niệm Di Ðà hiệu
Ngộ tánh chơn thường lạc vô biên
Nam Mô Oai Âm Vương Bồ Tát Ma Ha Tát
Bài 2:
Pháp luân thường chuyển huệ tâm khai
Các đoạn tử sanh tọa liên đài
Ngã kim đảnh lễ y vương vị
Thân tâm thanh tịnh kiến Như Lai
Nam mô Chuyển Luân Vương Bồ Tát Ma Ha Tát
Bài 3:
Ðại cổ thường minh diệu pháp tuyên
Tứ sanh lục đạo diệt ưu phiềnBạch liên dũng xuất ư trần thế
Liễu ngộ Pháp Hoa chứng đạo thiền
Nam mô Pháp hoa Hội thượng Phật Bồ tát Ma tát
Bài 4: (Long Sơn Cổ Tự – Tân Ba)
Cổ thinh hướng xứ biến hà sa,
Thiên long bát bộ tiếu a a.
Tam luân cửu chuyển sanh tử đoạn
Khổ hải chi trung xuất ái hà
Nam mô Cổ Lôi Âm Vương Bồ Tát ma ha tát
Bài 5: (Ðức Tôn Sư HT thượng Thiện
hạ Phước)
Trống bát nhã tiền đồ phóng xả
Ðiểm điểm thất tinh như càn long mã
Hổn độn sơ khai Ðẩu xuất tam cung
Lấy bát quái lập làm tứ trụ
An dà ra đế, dạ ta bà ha
Bài 6: (HT Giác Quang sưu tầm)
Bát nhã trống khai hướng Phật tiền
Thượng thông hạ triệt lạc vô biên
Lục đạo chúng sanh mau thoát khổ
Cửu ưu thập loại xuất khanh nhiên.
Bài 7: (HT Giác Quang sưu tầm)
Trống vang bủa đức kiết tường
Mười phương tụ hội cúng dường Như Lai
Trí minh bát nhã liên đài
Phá tan u ám Như Lai hiện tiền
Nam mô Cổ Lôi Âm vương Bồ tát ma ha tát
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới
Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát
Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp
Giới Tam Bảo.
62. NGÀY THỨ SÁU MƯƠI HAI:
Mõ gia trì
Mõ có 2 loại:
1/Loại hình con cá thẳng dài treo ở
nhà kho, nhà ăn đến lúc dùng cơm cháo gõ nó để báo hiệu.
2/ Loại hình con cá có vảy cuộn tròn, khi tụng kinh thì đại chúng Tăng Ni gõ
lên mình nó.
Theo sách Tham Thiên đài Ngũ Ðài Sơn ký (quyển 3, Tống Thần Tông Hy Ninh năm
thứ 5 ngày mồng 8 tháng 8) ghi: Trong chùa Thanh Thái có thờ tượng ngài Phó Ðại
sĩ, vị Trưởng lão viện chủ đánh mõ chiêu tập các vị tu hành, vị ấy chính là
ngài Phó Ðại sĩ... Thời đó, ngài muốn gặp các vị tu đầu đà nơi cao sơn, chỉ gõ
mõ, chư vị nghe xong tiếng mõ ấy liền đến. Sau đó, các tự viện lớn nhỏ dưới
chân núi đều dùng mõ để tập hợp đại chúng. Lại có người cho rằng mõ là do Sa
môn Chí Lâm đời Ðường tạo ra, nhưng do sự hạn chế của sử liệu chứng minh, điều
này khó thuyết phục mọi người. ngoài ra, sách Tăng tu giáo uyển thanh quy
(quyển hạ, phần Pháp khí) ghi lại truyền thuyết rằng có một vị Tăng do phản
thầy, hủy pháp mà bị đọa làm thân con cá, trên lưng nó lại mọc một cái cây, mỗi
khi sóng gió thổi đến, khiến thân ra máu, thật thống khổ vô cùng. Một lần nọ,
thầy bổn sư qua biển, nhân đó nó muốn gây nợ liền nói rằng thầy không dạy để nó
phải mang chịu làm thân cá thế này, do đó nên nay nó muốn báo oán. Thầy hỏi nó
tên gì, liền được trả lời tên là Mỗ Giáp… Thế rồi, Thầy bảo sám hối cùng vì nó
bạt độ. Ngay đêm ấy nó thoát thân cá, đồng thời đem cây ấy bỏ trong chùa, Thầy
lấy đẽo thành hình con cá và treo lên để cảnh thức đại chúng.
Loại mõ tròn mà ngày nay dùng có
thể là sản vật có từ đời Minh (Trung Quốc). Theo sách Tam tài đồ hội của tác
giả Vương Tích đời Minh có đoạn: "Mõ là loại mà dùng cây khắc thành hình
con cá, rỗng bên trong, gõ sẽ phát ra tiếng, các hàng Phật tử khi tán tụng đều
dùng đến nó". Theo sách Thích thị yếu lãm, chuông, khánh, bản đá, bản gỗ,
mõ, cái thớt đều có khả năng phát ra âm thanh một khi gõ vào và nhờ đó mà đại
chúng được tập hợp, nên các loại đó đều gọi là kiền chùy. Sách Sắc tu Bách
Trượng thanh quy chương Pháp khí nói khi dùng cơm, khi phổ thỉnh Tăng chúng...
đều gõ nó. Từ đây có thể hiểu lúc đầu mõ dài được dùng để tập họp Tăng chúng.
Nhưng vì sao cả hai loại mõ đều lấy hình dáng con cá? Sách Sắc tu Bách Trượng
thanh quy nói rằng tương truyền loài cá suốt ngày đêm đều tỉnh, nên khắc hình
con cá để mỗi khi gõ vào nó nhắc nhở mình tỉnh thức, chớ có hôn trầm, giải đãi.
Lại nữa, tiếng mõ với mục đích chính là giữ trường canh cho đại chúng lúc tụng
kinh được nhịp nhàng.
Bài khai mõ nhỏ:
Mộc ngư cao hứng đả tam thinh
Văn pháp Như Lai hộ hộ kinh
Tam chuyển động am thông tam giới
Quán bất quán bồ đề tối thượng tâm
An Yết Ðế, Yết Ðế Ta Bà Ha
Bài khai mõ lớn:
Gia trì mật niệm tẩy trần tâm
Một ngư khuyết hướng chuyển tam luân
Thánh chúng lục hòa kim bối diệp
Tứ sanh cửu hữu tận triêm ân
Án Phạ Nhựt Ra Da, Tá Ha (Kinh Nhựt tụng – niệm Phật)
Vài ý tưởng khác:
Thời xưa, không những Trung Quốc mà
Ấn Ðộ và một số nước khác cũng đã sử dụng chuông, trống... Tại Ấn Ðộ dùng
chuông, trống để báo thời gian, cảnh báo. Khi Ðức Phật còn tại thế, dùng nó để
tập hợp chúng Tăng bố tát, nghe pháp... Do đó luật Ngũ Phần ghi: "Chư Tỳ
kheo bố tát, chúng bất thời tập, Phật ngôn: nhược đả kiền chùy, nhược đả
cổ...". Chuông treo lơ lửng tượng trưng cho sự huyền bí của trời đất. Ấn
Ðộ đã biết sử dụng chuông trên hai ngàn năm về trước. Có lẽ chuông được sử dụng
rộng rãi trong cung đình, đặc biệt trong các chùa chiền. Các hình thức nghệ
thuật như điêu khắc chùm chuông xuất hiện vào thời kỳ đầu của Phật giáo được
tìm thấy trên các bức phù điêu tại các trụ đá của vua A Dục và các tháp tôn trí
xá lợi Ðức Phật. Không riêng tại Ấn Ðộ mà ngay cả các nước lân cận chịu ảnh
hưởng lớn từ nền văn hóa Ấn Ðộ như Tích lan, Miến điện, Thái lan cũng sử dụng
chuông và sau này cả trống nữa, để biểu hiện lòng thành của người cầu nguyện,
đặc biệt dùng khi chấm dứt một khóa lễ.
Trong các dịp tưởng niệm Ðức Phật,
các chuông được sử dụng với một số nhạc khí khác như trống, sáo để biểu hiện
lòng tôn kính Ðức Phật. Tác phẩm Saddharmlankra (một tác phẩm văn học tôn giáo
thời trung đại của người Sri Lanka) ghi rằng: chuông được sử dụng đầu tiên ở
Sri Lanka vào những dịp đặc biệt như triệu tập Tăng chúng. Sau này dần dần nó
trở thành một phần của nghi lễ cúng dường Ðức Phật.
Tín đồ Phật Giáo Tây Tạng tin rằng
khi họ niệm chú, nhờ sức quay chuông của họ mà các câu thần chú sẽ đi muôn nơi
vạn hướng, làm vơi bớt nỗi khổ đau của cuộc đời. Cho nên Phật giáo Tây Tạng chế
nhiều cỡ chuông cầm tay cho tín đồ trì niệm và cả chuông lăn lớn để tín đồ
quay.
Dĩ nhiên, các loại chuông trống ở Ấn Ðộ thuở ban đầu không giống với các loại
chuông trống ngày nay ở Trung Quốc hay Việt Nam. Trung Quốc thuở xưa, trống chỉ
được sử dụng để thúc quân ra trận. Chuông (một hình thức của chiêng) được sử
dụng như dấu hiệu của rút quân. Trống phần lớn cũng để triệu tập ba quân tướng
sĩ hoặc kêu oan ở cửa quan. Loại trống này được sử dụng rộng rãi về sau trong
giới quan lại để hành quyết tội nhân ở pháp đường.
Chốn thiền môn thường có câu:
"Chuông thức tĩnh đưa người về bến giác,
Mõ giác lòng thôi bỏ mộng nam kha".
Chuông trống từ thời xưa đã được
dùng trong lễ hội cung đình và giữ vai trò trọng yếu trong âm nhạc. Qua đây, nó
là một trong những loại công cụ nhạc khí dùng để diễn đạt, giao lưu tư tưởng,
tình cảm, dùng trong chiến đấu, cúng tế, trong lĩnh vực tôn giáo v.v... Chuông,
trống được đưa vào PG từ khi Ðức Phật còn sanh tiền với mục đích tập hợp chúng
Tăng. Về sau, chuông, trống, mõ được dùng trong các nghi lễ để trang nghiêm đạo
tràng, làm hiệu lệnh báo thời sớm tối. Sau đó, tiến thêm bước nữa, phối hợp
tiếng chuông, trống, mõ, hòa cùng những lời tán tụng để trợ giúp đại chúng trong
việc tu học, làm Phật sự lợi lạc quần sanh, hướng họ đến bến bờ giác ngộ
Chuông, trống mõ, kiền chùy… là
pháp khí nhà Phật (nghi lễ của nhà Phật), cũng là pháp khí Phật sự không thể
thiếu trong chốn thiền môn. Làm Tăng Ni, không ai có thể không biết các Phật sự
trên, một đời tu hành và làm Phật sự mà không biết ý nghĩa pháp khí ấy thì thật
là mất nhân duyên Phật Pháp. Vì các pháp khí đó luôn luôn gần gũi với chúng ta.
Chư Tăng Ni Liên Tông Tịnh Ðộ Non Bồng cần học hỏi để vừa hiểu biết, vừa để
dành sự hiểu biết đó mà sử dụng và truyền đạt cho mọi người sau chúng ta trong
tương lai.
Bài khai chuỗi tràng (108 hột):
Âm:
Thủ trì nhứt bá bát
Diệt tội đẳng hà sa
Viễn ly tam đồ khổ
Xuất sắc biến liên hoa
Nghĩa:
Tay cầm trăm tám bồ đề
Tiêu mòn các tội đặng về Tây phương
Khỏi nơi chốn khổ ba đường
Thoát ra liền thấy bửu tòa liên
hoa.
An Phệ Lô Giá Na, Ma Lạ, Ma Lạ, Ta
Bà Ha (đọc 7 lần)
Bài khai chuỗi (18 hột)
Bài 1:
Diệu quả bồ đề ly chưởng chưởng
Thủ khai thiên tỏa vạn trùng trùng
Thập bát chuyển luân Lá Hán tướng
Thiên quan giáng phước hiện vô cùng
Nam Mô Ðịnh Tâm Vương Bồ Tát Ma Ha Hát
Bài 2:
Vận chuyển càn khôn tóm một xâu
Ba ngàn thế giới trọn tay thâu
Bồ đề mười tám thiền tâm định
Sáu chữ Di Ðà báu tợ châu
Nam Mô Ðịnh Tâm Vương Bồ Tát Ma Ha Hát
Bài 3:
Cúi đầu đảnh lễ Phật phương Tây
Ðạo sư tiếp dẫn chúng sanh nầy
Con nay phát nguyện về Lạc quốc
Xin Phật thương con độ vãng sanh
Nam mô tây phương cực lạc thế giới đại
từ Ðại bi đại nguyện đại lực tiếp dẫn đạo sư A Di đà Phật. (Kinh Nhựt Tụng
Thích Thiện Huê)
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới
Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát
Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp
Giới Tam Bảo.