QUYỂN VIII
Phẩm 19: ĐẾN BỒ-ĐỀ TRÀNG
Lúc bấy giờ, Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Sau khi tắm rửa thân thể sạch sẽ, ăn món cháo sữa, khí lực bình phục như trước, Bồ-tát liền khởi ý muôn đến thẳng dưới cội cây Bồ-đề mọc trên vùng đất có đủ mười sáu thứ công đức. Vì muốn hàng phục các ma oán nên Bồ-tát đã hiện rõ tướng của Bậc Đại nhân đi về bốn hướng. Bước đi của Ngài chậm rãi, an lành, khuôn diện tươi sáng, rạng rỡ, tốt đẹp như màu sắc cầu vòng; bước đi thanh thoát mà vững vàng, như núi Tu-di sừng sững; bước đi không vội vàng không chậm chạp, không nặng nề chẳng hấp tấp, bước đi không thổ loạn mà ngã lìa mọi cấu nhiễm; bước đi thanh tịnh, bước đi không lầm lẫn sai sót, không ngu si, không nhiễm đắm; bước đi như Sư tử vương, như Long vương, như Na-la-diên; bước đi không chạm đất mà dấu ấn của tướng bành xe pháp ngàn cọng vẫn hiện trên mặt đất; bước đi thong thá khi màng chỉ tay và chân ánh lên màu đồng đỏ chiếu sáng mặt đất; bước đi làm rung chuyển toàn mặt đất; bước đi như núi chạm nhau phát ra âm thanh lớn; bước đi làm cho hầm hố gò nổng tự nhiên bằng phẳng; bước đi trong khi hào quang dưới bàn chân chiếu sáng khiến chúng sinh tội lỗi quy ngưỡng về nẻo thiện; bước đi trong khi mỗi bước chân đặt xuống thì từ đất hiện ra bông sen nâng đỡ; bước đi thuận theo chư Phật quá khứ đến thẳng tòa Sư tử; bước đi khi tâm như kim cang không thể hủy hoại; bước đi làm ngăn lấp các nẻo ác mở ra các nẻo thiện; bước đi đem lại an lạc cho tất cả chúng sinh, bước đi làm tiêu diệt thế lực ma; bước đi phá vỡ mọi thứ tà luận; bước đi đoạn trừ vô minh tăm tối; bước đi vượt khỏi cõi sinh tử; bước đi tỏa ra ánh sáng che lấp cả Phạm vương, Đế Thích, Hộ thế tứ vương, Tự tại Thiên vương; bước đi của Bậc biết rõ: “Trong khắp Tam thiên đại thiên thế giới chỉ mình Ta tối tôn tối thượng”; bước đi của Bậc biết rõ sẽ tự thân chứng Thánh đạo không phải do tha lực mà được giác ngộ; bước đi của Bậc biết rõ sẽ chứng đắc Nhất thiết trí; bước đi của niệm tuệ hòa hợp; bước đi muốn trừ diệt sinh lão bệnh tử; bước đi để đạt đến tịch tĩnh, lìa mọi cấu nhiễm, không còn sông chết, không còn sợ hãi, hướng đến Niết-bàn.
Bấy giờ Bồ-tát chánh niệm nhìn thẳng hướng về cội Bồ-đề, bước tới với vô lượng oai nghi như thế. Cùng lúc có một luồng gió mưa từ trời thổi đến quét dọn, rưới nước làm cho cả vùng từ sông Ni-liên đến cội Bồ-đề đều sạch sẽ trang nghiêm, lại tung rải vô lượng hương hoa thù thắng đầy khắp mặt đất. Các thứ cây lớn nhỏ trong khắp Tam thiên đại thiên thế giới đều cúi thấp cành, ngọn hướng về cây Bồ-đề; núi Tu-di và các núi lớn nhỏ trong khắp cõi Tam thiên đại thiên thế giới cũng đều cúi thấp ngọn, đỉnh hướng về cây Bồ-đề. Các vị Thiên tử thuộc cõi Dục giới, mỗi vị đều tung rải các loại hương hoa vi diệu, tất cả các diệu hoa ấy kết thành một đài hoa dọc ngang đến một câu-lô-xá, lại hiện ra đường lớn rộng rãi chạy dài vô tận. Hai bên đường lớn ấy có nhiều thứ lan can bằng bảy thứ báu đều trang nghiêm đẹp đẽ, chiều cao tính từ dưới thấp lên bằng bảy cây Đa-la, khắp nơi đều có cờ phướn, lọng báu trang nghiêm; lại hóa thành bảy cây Đa-la báu, nơi mỗi vòm cây đều có giăng mắc những dây vàng, trên dây treo các loại chuông khánh quý, các thứ ngọc minh châu, lưu ly tô điểm; giữa các cây báu đều có ao thất bảo, đáy ao trải đầy cát bằng vàng, nước thơm đầy ao, trong ao đầy khắp nhiều loại hoa quý như Ưu-bát-la, hoa Câu- vật-đầu, hoa Ba-đầu-ma, hoa Phân-đà-lợi..., bốn phía bờ ao đều có những bậc thềm làm bằng bảy món báu vật chạy vòng quanh càng tăng thêm vẻ trang nghiêm. Nơi các bậc thềm lốì đi ấy, có nhiều loại chim Ca-lăng-tần-già, Thiên nga, Uyên ương, Cọng mạng luôn phát ra âm thanh hòa nhã. Có đến tám vạn bốn ngàn thể nữ cõi trời dùng thứ nước quý rưới khắp các mặt đường trước sau. Lại có tám vạn bốn ngàn thể nữ cõi trời tung rải các loại thiên hoa, nơi mỗi cội cây đều có các đài báu vi diệu, trên mỗi đài đều có tám vạn bốn ngàn thể nữ ở cõi trời đều bưng bình báu chứa đầy các loại hương chiên-đàn, trầm thủy. Lại có năm ngàn thể nữ ở cõi trời hòa tấu Thiên nhạc ca múa, tán tụng tạo ra muôn ngàn âm thanh hòa dịu.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Khi đi đến cây Bồ-đề, Bồ-tát từ thân phóng ra vô lượng ánh sáng lại làm chân động khắp vô biên quốc độ; lại có vô lượng trăm ngàn chư Thiên ở trên hư không hòa tấu Thiên nhạc, từ trên hư không tung rải các loại thiên hoa và vô lượng các thứ y phục thượng diệu; lại có vô lượng các loài voi, ngựa, trâu bò vây quanh Bồ-tát phát ra muôn ngàn tiếng kêu rống hòa hợp vang lừng; lại có vô lượng các loài chim quý như Anh vũ, Xá-lợi, Câu-chỉ-la, Ca-lăng-tần-già, Thiên nga, Uyên ương, Khổng tước, Phỉ thúy, Cọng mạng... tung cánh bay lượn vòng quanh phát ra âm thanh dịu dàng. Khi Bồ-tát đi đến Bồ-đề tràng đã có vô lượng các hiện tượng an lành hy hữu hiện ra như vậy.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Lúc ấy Bồ-tát sắp sửa ngồi vào tòa Bồ-đề. Đêm ấy vị chủ Tam thiên đại thiên thế giới là Đại phạm Thiên vương gọi các vị Phạm chúng đến nói:
-Các vị nên biết, vị Bồ-tát Ma-ha-tát ấy đã mặc đủ áo giáp tinh tấn, trí tuệ kiên cố, tâm không mệt mỏi, đã thành tựu tất cả các hạnh Bồ-tát, thông đạt tất cá các pháp môn Ba-la-mật, trải qua đủ các địa của Bồ-tát, đạt được đại tự tại, hộ trì tâm ý được an lạc thanh tịnh của chư Bồ-tát, thông tỏ mọi căn cơ trí độn của chúng sinh, an trụ nơi pháp bí mật của chư Như Lai, vượt qua tất cả cảnh giới ma oán, biết rõ ngọn nguồn của mọi pháp lành, do chính tự sức mình đạt được giác ngộ, được thần lực diệu dụng của chư Như Lai hộ niệm, sẽ vì muôn loài chỉ dạy đạo giải thoát, cũng vì chúng sinh làm Bậc Đại Thương Chủ, phá trừ hàng phục hết thảy các thứ ma quân, ở trong Tam thiên đại thiên thế giới chỉ có Phật là Bậc Tối Tôn, là Bậc Đại Y vương điều hòa các thứ thuốc Pháp để giúp chung sinh dứt trừ đau khổ, là Bậc Đại Pháp vương dùng trí tuệ soi sáng khắp mười phương tạo dựng đại pháp tràng; không hề bị nhiễm tám pháp ở thế gian, ví như hoa sen không bị nhiễm bùn có thể thâu chứa vô lượng pháp bảo chân thật ví như biển rộng chứa bao nhiêu thứ châu báu kỳ diệu; bình đẳng với kẻ oán người thân, an trụ bất động như núi Tu-di; lìa mọi cấu uế, tâm ý thanh tịnh như ngọc Ma-ni, ở trong Tam thiên đại thiên thế giới đạt được đại tự tại. Bậc Bồ-tát Ma-ha-tát ấy đến Bồ-đề tràng với vô lượng công đức như thế vì muốn hàng phục chúng ma oán, vì để đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề; trọn đủ mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của chư Phật; vì để chuyển bánh xe chánh pháp, cất lên tiếng rống vang động của Bậc Đại Sư Tử, bố thí mưa pháp lớn làm cho chúng sinh được tròn đủ công đức, đạt được pháp nhãn thanh tịnh; lại vì để loại trừ mọi thứ hý luận của ngoại đạo; cũng vì để cho nguyện xưa được viên mãn, đối với các pháp đều đạt được tự tại. Này các vị, chúng ta cần phải phát tâm đến nơi bậc Bồ- tát Ma-ha-tát ấy để gần gũi, cúng dường.
Vị Đại phạm Thiên vương đọc bài kệ:
Vô lượng trăm ngàn kiếp
Đủ Từ, Bi, Hỷ, Xả
Thông trí tuệ thiền định,
Nay sẽ chứng Niêt-bàn
Nếu muốn lìa ba ác
Cùng xa tám thứ nạn
Thọ phước báo cõi trời
Cho đến đạt giải thoát
Phải đem vật thượng phẩm
Dâng cúng lên Bồ-tát
Sáu năm tu khổ hạnh
Nay đến Bồ-đề tràng
Chủ thế giới Tam thiên
Thích, Phạm cùng Nhật Nguyệt
Cùng tất cả chư Thiên
Đều chiêm ngưỡng hoan hỷ
Hàng phục các ma quân
Sẽ thành Bậc Chánh Giác
Ba mươi hai tướng tốt
Tối thắng tự trang nghiêm
Phạm âm thật trong lành
Tâm tịnh lìa tội lỗi
Hoặc có người mong cầu
Sinh lên cõi Phạm thế
Hoặc có người vui cầu
Chứng được quả Thanh văn
Hoặc có người vui cầu
Đắc quả Bích-chi-phật
Hoặc có người vui cầu
Sẽ đạt quả Vô thượng
Tất cả mọi người ấy
Nên cúng dường Đạo Sư.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc ấy các vị Phạm Thiên vương vì muốn cúng dường Bồ-tát nên đã dùng diệu lực thần thông khiến cho khắp Tam thiên đại thiên thế giới đều trở thành thanh tịnh, dẹp trừ các thứ đá sỏi, gạch ngói vụn vỡ, gai góc, làm cho đất đai đều được bằng phẳng như lòng bàn tay, không còn gò nổng cao thấp. Dùng các thứ vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách thuần là châu báu quý giá để tô điểm thêm phần nghiêm đẹp.
Lại khiến khắp Tam thiên đại thiên thế giới hiện ra nhiều thứ cỏ lạ xanh thắm mọc xoay theo phía hữu, mềm mại đáng yêu quý như Ca-lăng-đà.
Lại biến nhiều biển rộng thành đất bằng nhưng không làm hại các loài thủy tộc như cá, ba ba, cá sấu, trạch, rùa...
Lại khiến cho mười phương quốc độ, Phạm thiên, Đế Thích, Hộ thế tứ vương trông thấy Tam thiên đại thiên thế giới được thanh tịnh trang nghiêm như thế, sẽ tự trang nghiêm cõi của mình, từ xa đến cúng dường Bồ-tát.
Lại vì để tất cả Bồ-tát ở mười phương vô biên quốc độ đều đến cúng dường Bồ-tát, nên làm cho cảnh vật trang nghiêm ở đây hơn tất cả cõi trời và người cộng lại. Mỗi vị Bồ-tát từ quốc độ của mình đến cúng dường Bồ-tát đều sẽ thấy vô biên thế giới như trong một cõi Phật, đều thấy hào quang ánh sáng chói của Bồ-tát chiếu khắp từ núi Tu-di đến núi Thiết vi cho đến cõi u minh tăm tối, hơn hẳn ánh sáng của nhật nguyệt.
Lại có mười sáu vị Thiên tử lo giữ gìn nơi Bồ-đề tràng, các vị này đều đã chứng được Vô sinh pháp nhẫn và đạt A-duy-việt trí (tâm Bất thoái chuyển). Đó là các vị Thiên tử: Chuyển Tấn, Vô Thắng, Thí Dữ, Ái Kính, Dũng Lực, Thiện Trụ, Trì Địa, Tác Quang, Vô cấu, Pháp Tự Tại, Pháp Tràng, Sở Hành Cát Tường, Vô Chướng Ngại, Đại Trang Nghiêm, Thanh Tịnh Giới Hương, Liên Hoa Quang Minh. Mỗi vị đều hóa thân ra khắp bốn phương, mỗi phương tám mươi do-tuần, bày biện đầy đủ khắp nơi các vật trang nghiêm. Đất đai bốn phía đều có bảy lớp đường báu, mỗi đường báu ấy đều có nhiều cây Đa-la báu, nơi mỗi vòm cây báu lại giăng mắc đầy những dây vàng treo các khánh quý giá, và được che phủ bên trên bằng các màng võng quý. Dùng vàng Diêm-phù-đàn để làm hoa sen trải đầy nơi mặt đất, trên mỗi đóa sen ấy đều dùng bảy món báu để tô điểm, lại đốt vô số thiên hương thượng diệu. Tất cả các loại cây lớn quý giá trong mười phương thế giới cõi người và trời đều hiện đủ ở đây. Tất cả sông ngòi, đất liền, hương hoa thắng diệu trong khắp mười phương thế giới cũng đều hiện đầy đủ ở đây. Lại nữa mười phương chư Phật Bồ-tát, ở mỗi cảnh giới đều hiện rõ vô lượng tư lương phước đức trí tuệ rộng lớn trang nghiêm cho Bồ-đề tràng.
Tất cả mọi sự vật trang nghiêm đều hiện ra trong Bồ-đề tràng như thế.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Mười sáu vị Thiên tử có nhiệm vụ giữ gìn Bồ-đề tràng trông thấy diệu lực thần thông với những hiện tượng tốt đẹp trang nghiêm như vậy đều vô cùng hoan hỷ. Tám bộ chúng là Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già trông thấy cảnh Bồ-đề tràng trang nghiêm như thế đều khen ngợi là điều chưa từng có. Mỗi vị đều nghĩ về cung điện của mình cảm thấy nó thấp bé như những gò nổng mồ mả vậy, nên tất cả đều ca ngợi hết lời về công đức tạo dựng ở đấy.
Lại có bốn vị thọ thần bảo hộ cây Bồ-đề, vị thứ nhất tên là Tỳ-lưu-bạt-cù, vị thứ hai tên là Tô-ma-na, vị thứ ba tên Ô-thù-bát-đế, vị thứ tư tên Đế-thù. Mỗi vị đều dùng thần lực biến cây Bồ-đề ấy trở nên cao lớn, tán rộng trang nghiêm đẹp đẽ, chiều cao hơn tám mươi cây Đa-la. Gốc rễ, cành lá, hoa quả đều um tùm tươi tốt, thân cây thẳng vút trang nghiêm hơn khiến mọi người trông thấy đều hoan hỷ cho là hơn cả vườn hoa Hoan hỷ của Đế Thích, hơn cả các thứ cây Ba-lợi-chất-đa, Câu-bỉ-la. Nơi chỗ Bồ-tát ngồi trở thành Bồ-đề xứ, là trung tâm của Tam thiên đại thiên thế giới. Đất ở chỗ ngồi ấy dùng toàn kim cương tạo nên hết sức bền chắc không gì có thể hủy hoại được.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Khi Bồ-tát khởi ý muốn đến chỗ cây Bồ-đề, từ thân Bồ-tát phóng ra luồng ánh sáng lớn chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới, chúng sinh ở cõi địa ngục đều được lìa khổ; chúng sinh ở cõi ngạ quỷ đều được no đủ; chúng sinh ở cõi súc sinh đều phát sinh lòng Từ đối với nhau; chúng sinh bị khiếm khuyết các căn được đầy đủ trở lại; các chúng sinh bị bệnh khổ thì được thuyên giảm, khỏe mạnh; các chúng sinh thường bị lo sợ đều được an vui; các chúng sinh bị giam giữ nơi tù ngục đều được tự do; các chúng sinh bần cùng đều được nhiều của cải quý giá; các chúng sinh đang phiền não được giải thoát; các chúng sinh bị đói khát đều được ăn uống đầy đủ; các chúng sinh đang mang thai đều được an lành; các chúng sinh bị gầy còm ốm yếu đều được phục hồi sức lực. Trong thời gian ấy, không có một chúng sinh nào bị tham, sân, si bức bách quấy nhiễu; ở cõi Trời và Người không có người chết và cũng không có trường hợp thụ thai. Lúc ấy tất cả chúng sinh đều khởi tâm Từ bi, thương xót nhau, đem lại lợi ích cho nhau, xem nhau như cha mẹ, anh chị em thân thuộc một nhà.
Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa trên nên nói kệ:
Địa ngục khổ bức hại
Tất cả đều ngừng nghĩ
Súc sinh chuyên hại nhau
Đều phát khởi từ tâm
Tám nạn đều vượt thoát
Ba ác cũng tiêu trừ
Ánh quang chiếu khắp chốn
Cùng hưởng vui diệu kỳ
Mắt, tai và mũi, lưỡi
Các căn bị thiếu sót
Đều trở lại đầy đủ
Người bị phiền não buộc
Liền được an vui lớn
Cuồng loạn được chánh niệm
Nghèo hèn được phú quý
Bệnh khổ được giảm trừ
Tù đày được giải thoát
Tất cả không tranh giận
Cùng nhau khởi Từ tâm
Như cha mẹ yêu con
Lưới hào quang Bồ-tát
Chiếu sáng khắp mười phương
Soi thấu hằng sa cõi
Phủ sáng vô biên chốn
Thiết vi, đại Thiết vi
Cùng bao dãy núi cao
Đều như chìm mất hẳn
Biến thành một cõi Phật
Dùng các bấu tạo nên
Tô điểm thật vi diệu
Muốn hào quang cùng chiếu
Tất cả hiện rõ ràng
Cõi trang nghiêm như vậy
Để cúng dường Bồ-tát
Thần giữ Bồ-đề tràng
Gồm mười sáu Thiên tử
Rộng tám mươi do-tuần
Đều trang nghiêm rực rỡ
Bồ-tát đủ oai lực
Hiện tám mươi do-tuần
Cũng hiện vô biên cõi
Mỗi cõi đều nghiêm tịnh
Tám bộ chúng trời rồng
Thấy trang nghiêm như thế
Tự nghĩ về cối mình
Cảm thấy quá nhỏ bé
Đều khởi tâm hy hữu
Ca ngợi các công đức
Lành thay phước khó bàn
Mới cảm quả đức ấy
Vượt quá thân ngữ ý
Cõi trang nghiêm như vậy
Do diệu lực nguyện lớn
Nên thảy đều thành tựu
Tùy theo nghiệp chúng sinh
Tất cả đều sung mãn
Bổn thần giữ cây báu
Dốc sức tô điểm thêm
Hơn cả vườn Hoan hỷ
Rừng Thù diệu Đế Thích
Được các thần trang hoàng
Cõi thêm phần xinh đẹp
Tất cả trời và người
Xưng tán không cùng tận.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc Bồ-tát phóng ra hào quang rực rỡ, thanh tịnh chiếu khắp thế giới diệt trừ tất cả phiền não của chúng sinh khiến cho mọi người gặp ánh hào quang ấy đều sinh lòng vui vẻ, hân hoan. Khi ánh sáng đó chiếu tới cung điện của Ca-lợi Long vương, Long vương gặp được hào quang của Bồ-tát liền đọc bài kệ nói với chúng Long vương:
Chư Phật quá khứ đều hiện rõ
Vầng sáng trí tuệ màu vàng ròng
Rõ ánh hào quang không cấu nhiễm
Do đó biết chắc Phật hiện thân
Hào quang thanh tịnh hơn nhật nguyệt
Hơn mọi thứ ánh sáng trần hoàn
Hơn cả A-tu-la Phạm thích
Sức sáng soi thấu khắp mọi nơi
Ta do nhiều kiếp tạo nghiệp dữ
Cung điện chỗ ở thường tối tăm
Cát nóng thường nung thiêu đốt thân
Tự biết phải chịu nhiều nỗi khổ
Chợt gặp hào quang như nhật chiếu
Thân tâm mát mẻ rất vui mừng
Nhớ lại Ngài xưa tu vạn hạnh
Nay đến an tọa Bồ-đề tràng
Ta cùng với tất cả quyến thuộc
Y phục, hương hoa cùng kỹ nhạc
Cùng với đủ các vật trang nghiêm
Cúng dường Bậc Thế gian Tối Trọng.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Bấy giờ Long vương cùng với quyến thuộc vô cùng hoan hỷ nhìn khắp bốn phương, chợt thấy thân Phạm tướng của Bồ-tát sừng sững như núi Tu-di, các vị Phạm vương, Đế Thích, Tứ Thiên vương, Long thần tám bộ đều đang vây quanh vui vẻ thích thú. Long vương thấy vậy liền cúi đầu lễ ngang chân Bồ-tát, cung kính tôn quý và đem vô số hương hoa, y phục, châu báu, tấu các thứ nhạc lạ để cúng dường Bồ-tát, chắp tay cung kính đọc bài kệ ca ngợi:
Mặt tịnh như trăng tròn
Bậc Đạo Sư thế gian
Ta từng gặp chư Phật
Tướng tốt đều như thế
Nay Bồ-tát phá ma
Sẽ chứng quả Giác ngộ
Từng qua vô số kiếp
Tu đủ hạnh bố thí
Trì giới cùng nhẫn nhục
Tinh tấn, thiền định, tuệ
Từ, Bi và phương tiện
Hỷ, Xả và nguyện lực
Với các công đức đó
Sẽ đắc quả vị Phật
Tất cả mọi cây rừng
Cúi lễ Bồ-đề thọ
Có trăm ngàn bình quý
Vây quanh kín hư không
Muôn chim cùng hòa âm
Vỗ cánh cùng bay lượn
Thân sáng ngời kim quang
Chiếu sáng mười phương cõi
Cõi ác dứt khổ não
Thế gian được an vui
Nay Ngài trong ba cõi
Là Đạo Sư thế gian
Phạm vương cùng Đế Thích
Chư Thiên cõi Dục, sắc
Đều rời bỏ thú vui
Thảy cùng đến cúng dường
Bồ-tát ở cõi thế
Sẽ là Đại Y Vương
Nơi bước chân giẫm qua
Hoa sen từ đất mọc
Bồ-tát ở cõi đời
Chính là Bậc Ứng Cúng
Đạo Sư ngồi đạo tràng
Với vô lượng câu-chi
Tất cả đám ma quân
Đều sẽ tự khuất phục
Nhật nguyệt bị lu mờ
Tu-di như chìm lấp
Nếu chẳng đạt giác ngộ
Quyết trọn không dời đổi
Nguyện con cùng thân quyến
Được lìa bỏ thân này
Công đức tự trang nghiêm
Sẽ đến tòa Bồ-đề.
Long vương đọc bài kệ vừa xong, một vị Long phi tên là Kim Quang cùng với vô số Long nữ cung kính đi nhiễu quanh, tay cầm các dù lọng quý, y phục, chuỗi quý, các thứ hoa đẹp cõi trời người và mang các bình báu đựng đầy danh hương cùng hòa tấu kỹ nhạc, đọc bài kệ ca ngợi Bồ-tát:
Năng dứt tham, sân, si
Mọi tội lỗi thế gian
Vượt qua biển sinh tử
Nên nay con đảnh lễ
Chính là Đại Y vương
Khéo trừ bệnh phiền não
Chúng sinh chưa thuận theo
Sẽ đều được điều phục
Chúng sinh trong thế gian
Bị phiền não che mãi
Bồ-tát dùng trí tuệ
Chiếu sáng để dứt trừ
Thế gian không chỗ nương
Nay được nơi nương tựa
Hiện ở khắp hư không
Tung rải bao y thực
Chư Thiên cùng Long thần
Đều sinh tâm hoan hỷ
Bậc Đạo Sư biện tài
Mong mau ngồi đạo tràng
Hàng phục các ma oán
Sẽ thành đạo Vô thượng
Như các Bậc Như Lai
Đã chứng pháp giác ngộ
Vô lượng kiếp tu tập
Vì lợi ích muôn loài
Mong mau ngồi đạo tràng
Chứng Tuệ giác Vô thượng.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Bấy giờ Bồ-tát suy nghĩ: “Chư Phật trong quá khứ xa xưa đã ngồi nơi tòa gì mà chứng quả Vô thượng Bồ-đề?” Vừa khởi niệm suy nghĩ như vậy liền biết chư Phật quá khứ đều ngồi trên tòa cỏ sạch mà thành Bậc Chánh Giác. Lúc ấy vị Thiên tử cõi trời Tịnh cư biết được ý nghĩ của Bồ-tát liền đến thưa:
-Đúng như vậy, chư Phật quá khứ muôn chứng đắc quả vị Giác ngộ đều ngồi nơi tòa cỏ sạch.
Lúc đó Bồ-tát tự nghĩ: “Ai có thể giúp cho ta thứ cỏ sạch như thế?”
Tức thời Thích Đề-hoàn Nhân liền biến thành người cắt cỏ đứng cách Bồ-tát không xa về phía phải, tay cầm nhiều cỏ tươi màu
xanh sẫm như lông đuôi chim Khổng tước, lại mềm mại tươi đẹp như y Ca-thi-ca phơ phất nhẹ theo phía phải, hương thơm xông khắp. Bồ-tát trông thấy người đang ôm loại cỏ quý ấy liền thong thả hướng về phía người đó hỏi:
-Ông họ tên gì?
Người ấy thưa:
-Tôi tên là Cát Tường.
Bồ-tát liền nghĩ: “Ta nay đang mong muốn cho thân tâm được an lành, lại cũng muốn làm cho mọi người đều được an lành. Bấy giờ thì có người tên Cát Tường đang đứng trước mặt Ta. Vậy nhất định ta sẽ chứng quả vị Vô thượng Bồ-đề”.
Bấy giờ Bồ-tát muốn cho người cầm cỏ kia đem thứ cỏ sạch sẽ ấy giúp mình, liền cất lời phát ra Phạm âm vi diệu, đó là âm thanh chân thật, âm thanh nhẹ nhàng chánh trực, âm thanh trong sáng thanh cao, âm thanh hòa thuận thắm thiết, âm thanh rõ ràng lưu loát, âm thanh dẫn dắt về nẻo lành, âm thanh không gò bó, âm thanh uyển chuyển, âm thanh không làm tổn hại, âm thanh dịu dàng, âm thanh hòa nhã, âm thanh rõ ràng, âm thanh thuận tai, âm thanh hợp ý, âm thanh như tiếng chim Ca-lăng-tần-già, âm thanh như tiếng chim Cọng mạng, âm thanh như tiếng sấm rền, âm thanh như tiếng sóng biển, âm thanh như tiếng núi rung chuyển, âm thanh như lời chư Thiên tán thán, âm thanh như tiếng nói của Phạm thiên, âm thanh như tiếng Sư tử gầm, âm thanh như tiếng kêu của Long vương, âm thanh như tiếng rống của Tượng vương, âm thanh không vội vã, âm thanh không trì trệ, âm thanh của giải thoát, âm thanh không đắm chấp, âm thanh đúng nghĩa lý, âm thanh hợp thời, âm thanh nêu ra đủ tám ngàn vạn ức pháp môn tu tập, âm thanh thuận hợp với tất cả pháp của chư Phật.
Bồ-tát đã dùng các thứ âm thanh mỹ diệu để nói với vị hóa nhân kia:
-Bậc hiền nhân, ông có thể giúp cho tôi thứ cỏ sạch ấy được không?
Liền đọc bài tụng:
Cát Tường ông lúc này
Mau thí cho cỏ sạch
Ta ngồi trên cỏ ấy
Hàng phục các ma quân
Nếu chứng pháp tịch diệt
Tức đắc đạo Chánh chân
Ta vì muốn giác ngộ
Vô lượng kiếp tu hành
Thí, Giới, Tinh tấn, Nhẫn
Thiền định, Trí tuệ lực
Ý lạc và giải thoát
Phước đức và thần thông
Các hạnh cùng hòa hợp
Nay đạt quả viên mãn
Nếu cho ta cỏ sạch
Đạt vô lượng phước đức
Do được cỏ sạch ấy
Sẽ thành Bậc Đạo Sư.
Cát Tường nghe lời nói
Tâm hết sức vui mừng
Tay cầm cỏ tịnh diệu
Đến trước mặt Bồ-tát
Lòng vô cùng hoan hỷ
Thưa bạch với Bồ-tát
Nếu dùng cỏ cúng này
Chứng được đại Bồ-đề
Xin trước trao Bồ-đề
Sau mới nhận cỏ sạch.
Bồ-tát đáp Cát Tường
Đâu chỉ cúng cỏ ấy
Chứng ngay đại Bồ-đề
Phải tu vô lượng đức
Mới được Phật thọ ký
Cát Tường, ông nên biết
Bồ-đề không dối truyền
Bồ-đề dối trao được
Thì ta sẽ đem hết
Để cho khắp chúng sinh
Cát Tường, ông nên biết
Ta chứng Bồ-đề rồi
Ban bố khắp thế gian
Ngươi sẽ ở nơi Ta
Nhận lấy pháp cam lộ
Bồ-tát nhận cỏ sạch
Đến chốn Bồ-đề tràng
Lúc cất bước ra đi
Đại địa chấn động lớn
Chư Thiên cùng Long thần
Đều sinh tâm hoan hỷ
Cung kính chắp tay thưa
Ngay bây giờ Bồ-tát
Sẽ hàng phục ma quân
Đạt được pháp cam lộ
Chứng được Vô thượng quả.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc Bồ-tát hướng đến Bồ-đề tràng, có vô lượng Bồ-tát và chư Thiên đã góp phần làm cho cảnh cây Bồ-đề hết mực trang nghiêm đẹp đẽ. Nơi cây Bồ-đề lúc ấy có đến tám vạn bốn ngàn vị, tất cả đều mong Bồ-tát ngồi nơi gốc Bồ-đề để chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cây Bồ-đề ấy có cây cao đến trăm ngàn do-tuần, thuần bằng hoa tạo thành; hoặc có cây cao đến hai ức do-tuần thuần bằng hương tạo thành; hoặc có cây cao đến trăm ngàn do-tuần thuần bằng chiên-đàn tạo thành; hoặc có cây cao đến năm ức do-tuần thuần bằng tơ lụa tạo thành; hoặc có cây cao đến mười ức do-tuần thuần bằng các thứ châu báu tạo thành; hoặc có cây cao đến trăm ức do-tuần thuần bằng báy món báu tạo thành. Như thế là có tám vạn bốn ngàn cây Bồ-đề, nơi mỗi gốc cây tùy theo sắc loại mà trải tòa Sư tử, hoặc có tòa Sư tử dùng hoa để trang nghiêm; hoặc có tòa Sư tử dùng hương để trang nghiêm; hoặc có tòa Sư tử dùng chiên-đàn để trang nghiêm; hoặc có tòa Sư tử dùng ngọc báu để trang nghiêm; hoặc có tòa Sư tử dùng các loại báu vật để trang nghiêm.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Khi ấy Bồ-tát thị hiện lấy cỏ trải khắp chốn, uy lực gồm đủ như Sư tử vương, tinh tấn kiên cố, không vướng chút lỗi lầm, hoàn toàn tự tại, có đầy đủ trí tuệ, được tôn xưng là Bậc Giác Ngộ, hàng phục chúng ma, phá trừ ngoại đạo, đầy đủ vô số công đức như vậy, sắp chứng quả vị Bồ-đề. Lúc đó Bồ-tát ngồi kiết già trên tòa cỏ sạch, mặt hướng về phía Đông, thân thẳng, chánh niệm và phát đại nguyện:
Ta nay nếu chẳng chứng
Vô thượng đại Bồ-đề
Thà thân này tan nát
Quyết chẳng rời tòa này.
Bấy giờ Bồ-tát lên Bồ-đề tòa liền chứng được định Phương Quảng Thần Thông Du Hý Đại Nghiêm. Đạt được định đó rồi, Bồ-tát hiện thân khắp các tòa Sư tử, trên mỗi hiện thân ấy đều có đầy đủ các tướng tốt trang nghiêm.
Các vị Bồ-tát và trời người tất cả đều cho rằng Bồ-tát chỉ riêng ngồi nơi tòa đó. Lại do diệu lực của thiền định nên khiến các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cõi của vua Diêm-la cùng trời người, tất cả đều thấy Bồ-tát an trụ nơi Bồ-đề tòa.