Vu Lan
Truyện Kiều và Đạo hiếu
22/08/2011 23:45 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhân Mùa Báo Hiếu, đọc lại Truyện Kiều để thấy Đạo hiếu là truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Hình ảnh Thúy Kiều của Nguyễn Du hiện ra, như một tấm gương về lòng hiếu thảo mà cho đến nay vẫn còn làm xúc động lòng người.

Thúy Kiều vốn sinh ra trong một gia đình yên ấm, hạnh phúc, nếu như không gặp phải những cảnh oan trái, nhiễu nhương sau này. Đó là gia đình gái trai đầy đủ…

Một trai, con thứ rốt lòng,

Vương Quan là chữ nối dòng nho gia.

Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.

 

Về kinh tế thì gia đình Thúy Kiều thuộc vào dạng: “thường thường bậc trung“. Tuy nhiên cái gia đình yên ấm đó lại tồn tại trong một xã hội đã bị lũng đoạn bởi đồng tiền:

 

Trong tay sẵn có đồng tiền

Dầu rằng đổi trắng, thay đen khó gì?

Và đến một ngày, điều tất yếu là tai họa ập đến bởi mục đích:

“Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham “

 

Và bởi :

 

“Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền“

 

Đứng trước tình cảnh gia đình tan tác, Vương ông bị vu khống, phải bị tù tội thì người nữ nhi Thúy Kiều phải đứng ra gánh vác, giải quyết... Tại sao không phải là Vương Quan, Thúy Vân mà là Thúy Kiều? Đúng ra trong một xã hội mà “Trọng nam, khinh nữ" thì Vương Quan mới là người đảm trách giải quyết những khó khăn, tai họa của gia đình, nhưng Nguyễn Du lại  “dành phần đó” cho Thúy Kiều, là bởi Thúy Kiều là người con hiếu thảo hơn…Chính Thúy Kiều đã hiểu được:

 

“Để lời thệ hải minh sơn,

Làm con trước phải đền ơn sinh thành“

 

Rồi:

 

“Quyết tình nàng mới hạ tình

Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha“

 

Xuyên suốt Truyện Kiều là hình ảnh về cô Kiều luôn luôn hiếu kính cha mẹ, đó là những lần mà ta phải luôn ghi nhớ:

 

- Cư xử trong tình yêu, hạnh phúc cá nhân:

Thúy Kiều yêu Kim Trọng, “đêm khuya, băng lối vườn khuya một mình“, thế nhưng không vì vậy mà “dễ dãi” với người yêu. Chính Kiều đã khẳng định với chàng Kim:

Dù khi lá thắm chỉ hồng,

Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha .

 

Đến khi :

 

Sóng tình dường đã xiêu xiêu

Thì Kiều vẫn nhớ đến đạo “tam tòng, tứ đức“ :

Đã cho vào bậc bố kinh

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu

 

- Đến khi tuyệt vọng, chán chường cuộc sống muốn quyên sinh thì Thúy Kiều vẫn nghĩ đến đạo làm con: Nghĩ đi nghĩ lại một mình:

Một mình thì chớ hai tình thì sao ?

Sau dầu sinh sự thế nào,

Truy nguyên chẳng kẻo lụy vào song thân.

Phải thừa nhận là Kiều làm gì cũng nghĩ đến cha mẹ, mong cầu cha mẹ hạnh phúc, yên vui. Làm gì cũng đắn đo, suy nghĩ sao cho không “ lụy vào song thân “.

Số mệnh, nghiệp chướng của Thúy Kiều đã được Đạm Tiên ứng báo:

“Mà sao trong sổ đoạn trường có tên”

Cuộc đời Thúy Kiều  là sự lập lại của Ðạm Tiên, đó là sự lập lại cái định mệnh được báo trước:

“Sống làm vợ khắp người ta

Khéo thay thác xuống làm ma không chồng.

 

Và :

 

“Làm cho sống đọa thác đầy

Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!

 

Rồi khi chết thì làm “mồ vô chủ ai mà viếng thăm!”

 

Thế nhưng cái Mệnh, cái  Nghiệp luân hồi (Karma) này cuối cùng không đến, Thúy Kiều đã đoàn viên sum họp cùng gia đình, đã hạnh phúc bên người thân. Cuộc đời của Thúy Kiều sau đó không theo số mệnh đã định sẵn, đó là nhờ :

 

“Bán mình đã động hiếu tâm đến trời!”

Và bà Tam Hợp cũng khẳng định:

“Thửa công đức ấy ai bằng?

Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi!

Khi nên trời cũng chiều người

Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau.”

 

Chính Đạm Tiên cũng ngạc nhiên vì phải chờ “Mười mấy năm thừa“ :

 

“Mất công mười mấy năm thừa ở đây“

 

Vì Đạm Tiên đã hiểu rằng:

 

Tâm thành đã thấu đến trời

Bán mình là Hiếu cứu người là nhân.

 

Chính nhờ cái đạo đức hiếu nghĩa của Thúy Kiều, cái mà Nguyễn Du bảo là “Âm công“ to lớn đã làm chuyển biến cả số phận Thúy Kiều, cải họa thành phúc, biến đau khổ thành sung sướng, đưa bĩ cực thành thái lai…

 

“Còn nhiều hưởng thụ về lâu

Duyên xưa tròn trặn phúc sau dồi dào !”

Nhờ cái đức Hiếu kính của mình mà Kiều đã thay đổi “số mệnh “ đã định sẵn. Cho dù sóng dập gió vùi, gian truân cực khổ, Thúy Kiều vẫn mãi là người con hiếu thảo, hiếu kính cha mẹ, hy sinh cho cha mẹ và cũng nhờ đó mà đã “Cải mệnh“, động đến cái “Tâm“ của trời đất.

Nguyễn Du đã xây dựng một cô Kiều xinh đẹp, đoan trang, nết na, thông minh và đầy đủ phẩm giá cao cả: Trung, trinh, hiếu, nghĩa vẹn toàn. Trên hết Thúy Kiều mãi là một tấm gương về đạo Hiếu của một người con trong gia đình, hy sinh cả bản thân mình để lo cho cha mẹ, luôn nhớ đến công ơn cha mẹ sinh thành, dưỡng dục. Gặp nghịch cảnh thì không để thân ta phạm tội bất hiếu, gặp gian nan thử thách thì lấy Đạo Hiếu làm đầu.

Ngày nay, với sự lên ngôi của chủ nghĩa thực dụng, coi trọng vật chất và nó đã xô ngã một số giá trị đạo đức ở một số người. Trẻ thì ham chơi lêu lổng, bỏ bê việc học hành, không nghe theo lời cha mẹ. Lớn thì ham mê tiền bạc vật chất mà quên đi cái nghĩa vụ hiếu kính mẹ già, cha yếu .

 

Xã hội hiện tại cũng rất nhiều trò hư, tật xấu cám dỗ, lôi kéo thì đạo “Hiếu kính“ cha mẹ vẫn là rường cột vững chắc nhất để định hướng cho ta đi đến thành công, hạnh phúc.

 

Bài học về đạo hiếu mà Thúy Kiều đối xử với cha mẹ mình, được Nguyễn Du xây dựng luôn là bài học hay ngàn đời.

Theo Văn Bá Xuân (Trường TH-THCS- THPT Bùi Thị Xuân thành phố Biên Hòa/Dân trí)

LTS - Dù thời đại nào, những người biết suy nghĩ và biết trân trọng những tình cảm ruột thịt đều thấy rõ công lao to lớn của cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục mình từ khi mới chào đời cho đến tuổi lớn khôn. Điều đó đã được thể hiện qua các câu ca dao truyền thống mà hầu như ai cũng thuộc: “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”.

 

Thấm nhuần truyền thống đạo lý đó của dân tộc, đại thi hào Nguyễn Du đã sáng tạo ra nhân vật Thúy Kiều trong tuyệt tác Truyện Kiều. Đấy là cô gái xinh đẹp, đoan trang, sống trong một gia đình nền nếp, vậy mà khi tai họa ập đến đẩy Cha mình vào vòng lao lý, nàng đã dám liều bán mình để chuộc Cha vì theo cô  “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Trong suốt quãng đời chìm nổi của minh, Thúy Kiều vẫn không nguôi nhớ và nghĩ về công ơn cha mẹ mà mình chưa đáp đền, chưa làm tròn Chữ hiếu đối với song thân.

 

Thông qua nhân vật Thúy Kiều, tác giả Truyện Kiều muốn gửi gắm nhiều điều, nhưng riêng tấm lòng hiếu thảo của nàng Kiều đã là bài học để đời cho phận làm con.

 

Dù thời nào cũng vậy, đã sinh ra làm người mà không có lòng hiếu thảo với mẹ cha, chắc chắn kẻ đó không thể là người tử tế.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch