PG & Đời sống
Tinh thần giáo dục Phật giáo
Nguyên Quân
21/11/2016 11:09 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Khi bàn về giáo dục theo tinh thần Phật giáo, trong Phật học khái luận, HT.Thích Chơn Thiện đã đề cập Đức Phật như một nhà giáo dục tư tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.


Theo đó, với niềm tin giáo dục, Đức Phật đã nói đến khả năng giác ngộ mà mọi người đều có thể vận dụng qua nỗ lực của tự thân. “Do nhận thức là vô ngã, và các pháp là vô ngã nên mới có thể thực hiện sự chuyển hóa nhận thức và chuyển hóa các pháp, và mới có các công trình sáng tạo”.

Hocvien.png
Học viện PGVN tại TP.HCM trong ngày khánh thành giai đoạn 1

“Nếu các pháp, gồm nhận thức, là hữu ngã, thì không bao giờ có thể có nguồn sáng tạo xuất hiện, và không bao giờ công cuộc giáo dục có thể được thực hiện. Giáo lý vô ngã của Phật giáo, như thế, quả đã dựng nên niềm tin căn bản của giáo dục, hay nói cách khác, niềm tin của giáo dục Phật giáo”, Hòa thượng viết.

Với quan niệm con người toàn diện của vật lý, tâm lý, sinh lý, ý chí, tình cảm và trí tuệ đang trôi chảy, nên mục tiêu giáo dục mà Đức Phật đã nhấn mạnh trong các kinh điển chính là căn bản cho hệ thống giáo dục hoàn mỹ gồm đủ giáo dục tâm lý, sinh lý và mỹ thuật.

Tinh thần trách nhiệm cá nhân là yếu tố nền tảng thiết lập mọi tương quan trong học đường, xã hội, và yếu tố đó phải được xem trọng, thực hiện tốt nếu muốn xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn thiện.

“Phương thức giáo dục hữu hiệu và hợp lý nhất của học đường hiện đại là phương thức giáo dục cá nhân mà không phải là giáo dục tập thể”. Tinh thần đó phản ảnh nguyên tắc khế cơ mà Đức Phật luôn áp dụng từ thuở đầu giáo hóa độ sinh và được duy trì cho đến hiện nay, là cơ sở cho giáo lý phương tiện, hay nói cách khác là cho sự linh hoạt trong pháp môn hành trì, được được diễn đạt với con số ước định 84.000 pháp môn, thích ứng với vô số căn cơ khác nhau của con người.

Một tinh thần giáo dục đặc sắc khác mà Đức Phật truyền dạy là tinh thần “thiết thực hiện tại”, hay tinh thần thực tiễn, thực tại, được thể hiện cụ thể qua một trong những bản kinh tiêu biểu là A-nan nhất dạ hiền thuộc kinh Trung bộ.

Đức Phật luôn giảng dạy về giá trị hạnh phúc đời sống thực tế với các cấp độ tương đối và chân thực bằng sự rèn luyện, thực hành mà không hề nói đến việc tìm kiếm qua sự cầu nguyện hay tế lễ, nghi thức cầu đảo…

Giáo dục Phật giáo được đánh giá là hiện đại và khoa học bởi những thông điệp do chính tinh thần phê phán, hướng dẫn, khích lệ tự tín tự chủ, đề cao tính độc lập, bài trừ sự nô lệ…

Nói cách khác, giáo dục Phật giáo đề cao tinh thần giáo dục con người toàn diện, không chỉ truyền dạy những kiến thức chuyên môn mà quan tâm tới luân lý, chất lượng sống, đạo đức, thẩm mỹ…, bảo đảm cho mục tiêu sau cùng của cuộc sống là hạnh phúc thực sự trong tương quan duyên sinh của đời sống cũng như văn hóa xứ sở.

Nền giáo dục như thế luôn có tinh thần đánh thức cá nhân, tính tự chủ và không lệ thuộc dù đó là truyền thống; đánh thức khả năng tự điều chỉnh, làm chủ cảm xúc và tỉnh giác trong mọi tình huống để luôn có giải pháp cho các vấn nạn khủng hoảng cá nhân và xã hội một cách sáng tạo, không bị vướng mắc vào các cực đoan, tránh được sự thụ động, dao động và sầu muộn… 


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch