PG & Đời sống
Ngân hàng phước báu
15/11/2015 15:29 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

    Thiền học, trước hết là một nỗ lực tư duy trên con đường tìm kiếm thực tính của thực tại. Nỗ lực ấy đòi hỏi người học thiền phải vượt qua được chiếc cầu nối liền hai bờ Mê và Ngộ, Thực và Ảo để tìm ra bản thể chân chính của mình chứ không phải thiền để mong cầu đạt được thần thông, được thành Phật hay sinh về Niết Bàn. Niết bàn không phải ở đâu xa, không phải ở một nơi bí ẩn nào đó mà đã và đang hiện diện ngay trong khi ta hành thiền, ngay trong những điều bình thường nhất, trần tục nhất của cuộc sống.

     Trần gian là hư ảo, cõi Phật cũng không hề tồn tại, tất cả đều do tâm mà ra. “Phật tại tâm”, Phật có trong cuộc sống, Phật có bất cứ nơi đâu khi con người giác ngộ. Khi ta ngồi thiền, thân và tâm cảm thấy dễ chịu như được thanh lọc, được buông xả hết mọi khổ đau, mệt mỏi căng thẳng trong cuộc sống, đưa tâm trở về với thân ngay trong phút giây hiện tại.

     Ba mẹ là hai vị Bồ Tát luôn thương yêu che chở cho ta từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành mà không hề than trách đôi câu. Đôi khi ta làm Ba Mẹ buồn. Ta phá phách, ngỗ nghịch Ba Mẹ cũng bỏ qua tất cả mà thương yêu ta không hề ghét bỏ. Đi trên đường chẳng may chếc xe bị nổ lốp, ta phải dẫn bộ cả chục cây số không thấy chỗ vá xe ở đâu. Mồ hôi đổ ướt cả lưng, đôi chân mỏi rã rời, cầu Phật cầu Bồ Tát cho con gặp được chỗ vá xe. Trong phút chốc vừa đi vừa dẫn bộ như thế thì phía trước khoảng vài căn nhà, ta thấy tiệm vá xe của một người đàn ông khoảng ngoài 60. Sau khi xe được vá xong, ta phát hiện quên mang tiền nên xin phép “cháu quên mang tiền, ông cho cháu nợ lại, chiều cháu mang tiền ra trả”. Trong lòng lo sợ người đàn ông nổi giận, nhưng ngược lại ông ấy nở nụ cười hiền hậu: “Khi nào cháu có dịp đi ngang thì gửi lại ông không sao đâu”. Bồ tát là tấm lòng của ông vá xe.

     Có hành giả thực tập thiền cả năm trời mà chưa thành tựu gì nhiều hay vẫn giậm chân tại chỗ là do phước của họ không đủ hoặc đã hết phước nên việc tu tập chưa thể đi lên được. Có câu: “Phước huệ song tu” nên đôi lúc cũng cần đến việc làm phước để trợ duyên cho việc tu tập của mình. Một người làm việc mỗi tháng tích lũy một ít tiền đem gửi ngân hàng, cuối năm người đó lấy số tiền đó ra mua cho đứa con của mình một chiếc xe máy và máy tính xách tay để đi học, nhưng số tiền không đủ, chỉ có thể mua được chiếc máy tính nên buộc lòng người này phải làm việc và dành dụm thêm một khoảng thời gian nữa. Cũng vậy, việc tu tập của mình tới đó ngưng lại là do mình đã xài hết phước nên phải tạo thêm phước, làm cho phước dư giả ra. Phước đó ngoài việc giúp cho sự tu tập của mình không bị giậm chân tại chỗ mà còn tạo ra những nghiệp thiện lành trong đời sống hiện tại.

    Làm phước thể hiện ở việc bố thí, cúng dường (Tam bảo, trai tăng, trợ duyên về pháp, lễ dâng y, trai đàn…). Làm phước với tâm trong sáng, không mong người phải nhớ ơn thì sự thiện lành phát sinh trong tâm, đem lại lợi ích cho chính người làm phước và làm cho những chúng sanh khác cũng được hưởng lợi ích từ việc làm thiện lành này. Người ta nói làm phước đừng cầu phước mới có phước. Đúng vậy. Không cần mang ơn, sự trả hơn hay phước báu về sau. Làm việc thiện cầu quả đẹp về sau thì tâm vẫn có ý niệm của sự đổi chác. Giống như xây cây cầu xong mình dặn người ta phải biết ơn, cám ơn mình vì nhờ mình mà có cầu để đi. Làm từ thiện bằng tâm trong sạch thì phước trước sau gì cũng được hưởng nên không cần cầu gì cả, chỉ mong người thọ nhận được an vui, hạnh phúc, có đủ điều kiện sức khỏe để làm việc và tu tập.

    Làm phước biết cầu phước, hồi hướng phước, phước lớn hơn. Mình không có cầu tục sản mà cầu thánh sản, không có cầu tiền tài, danh vọng địa vị mà cầu giải thoát thì đây là người thông minh và biết cầu phước. Với tâm cúng dường bố thí của mình thì mình cầu mong cho tâm linh của mình và trí tuệ được phát sanh, có thể thấu hiểu được tất cả các giáo pháp của đức Phật mà hành trì đến ngày giải thoát, thì đó là cầu về thánh sản. Cầu phước đó trợ duyên cho việc tu tập được giải thoát ngay trong phút giây hiện tại.

     Một số người sau khi làm phước xong thì cầu có được sức khỏe, không ốm đau bệnh tật. Có sức khỏe rồi thì hãy làm những việc giúp ích cho đời, gia tăng sự thiện lành, tăng phước báu, chứ không sử sụng sức khỏe làm những việc tổn phước. Tôi đã thôi không còn khao khát dục lạc, những tham đắm của thế gian, những trò chơi của đời có thể dẫn đến thân tàn, cằn cõi. Có đôi lúc ngồi xuống, đứng lên tôi bị chóng mặt phải nhắm mắt lại khoảng vài giây mới thấy đường để đi hay có bữa ăn không đúng giờ, làm việc căng thẳng thì bị đau bao tử. Tôi không cần người phải có sức khẻo 100 % vì nếu như vậy tôi rất dễ sa ngã mà quên đi việc tu tập của mình nên tôi thầm cảm ơn cơn chóng mặt, cơn đau bao tử để biết trân quý sức khỏe, trân quý những phút giây không đau bệnh mà cố gắng thực tập miên mật hơn.

     Ngài Thanh sĩ dạy: “Tiền dùng đúng tiền hiền như  Phật, bạc xài lầm bạc ác hơn ma”. Có tiền mà biết cách xài, không phung phí, biết làm phước bố thí thì tiền “hiền như Phật”, ngược lại có tiền mà ăn xài phung phí chỉ lo hưởng thụ những dục lạc của thế gian, dùng đồng tiền để dụ dỗ vợ người khác hay tạo nên thù hận giữa người này với người kia thì tiền đó “ác hơn ma”. Tài sản, tiền bạc không bền vững nên khi có tài sản, tiền bạc mình sử dụng như thế nào để tăng phước? Lúc nhỏ Ba tôi thường nói tiền chất như núi mà cứ xài phung phí không biết làm việc, không biết giúp đỡ người khác thì cũng sẽ hết. Phước cũng vậy, không tạo thêm phước mà cứ ngồi không xài phước thì trước sau gì phước cũng hết. Tiền của Ba Mẹ để lại cho mình, mình cũng không thể nào mang theo suốt đời được nếu mình dùng vào việc vô bổ ăn xài phung phí, là hành vi bất hiếu. Có nhiều người nghĩ bố thí cúng dường hết rồi lấy gì xài. Cuộc sống này là vô thường, chỉ cần một ngọn lửa hay một trận sóng thần có thể thiêu rụi và cuốn đi tất cả hoặc cũng có thể là bị trộm cắp, bị nhà nước tịch thu… Nên hãy biến tài sản đó thành phước bằng việc bố thí, như vậy tài sản không mất mà còn được duy trì thêm

   Một người như Carlos Slim, một trong những người giàu nhất thế giới nắm giữ nhiều tập đoàn, công ty ở Mexico trong các lĩnh vực truyền thông, bất động sản, hàng không, kỹ thuật, bán lẻ và tài chính nhưng cuộc sống của ông rất giản dị. Phòng làm việc của ông được bố trí không khác gì của một nhân viên bình thường và ông luôn tự lái xe đi làm. Ông không thích đi du lịch nhiều nơi và không có ngôi nhà nào khác ngoài Mexico. Ông giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ tổ chức y tế thế giới và là một nhà từ thiện rất hào phóng ở Mexico. Ở Việt Nam thì có ông Lê Phước Vũ, tổng giám đốc tập đoàn Hoa Sen, là một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán, đồng thời là một người làm từ thiện và ăn chay trường.

     Làm phước hay bố thí không nhất thiết phải có tài sản mới làm. Có thể mình bố thí bằng công sức giúp đỡ người xây cầu, mang vác gạo cúng dường, làm công quả trong chùa, tham gia chiến dịch mùa hè xanh. Ngoài ra còn có Vô úy thí và Pháp thí. Vô úy thí là bố thí sự không sợ hãi, tức là làm cho bản thân luôn an tâm, luôn không sợ hãi. Pháp thí là chia sẻ những giáo pháp của đức Phật và nhờ những lời nói chân thật, hữu ích theo chánh pháp của đức Phật mà người đó có thể cảm thấy an lạc và không còn khổ đau. Một người đang thất tình, chán nản nhưng sau khi nghe một bài pháp về khổ, nguyên nhân của khổ thì họ hiểu ra rằng trong tình yêu tiềm tàng rất nhiều khổ đau, hạnh phúc thì thật mong manh. Chia sẽ pháp bằng tâm trong sáng, giảng dạy theo những giáo pháp của đức Phật đưa con người đến giác ngộ và giải thoát thì ta mới có phước. Ngược lại, chia sẻ pháp bằng tâm ngã mạn, giảng dạy những giáo pháp đi ngược lại với giáo pháp của đức Phật, không đưa con người đến sự thoát khổ, thoát sinh tử luân hồi thì đây là họa phước chứ không phải an phước.

    Phước báu của Pháp thí có thể giúp ta nằm trong ba cõi hoặc ngoài ba cõi, còn Tài thí vẫn thuộc cõi dục giới. Chỉ có bố thí Pháp mới có thể dẫn người khác đến con đường giác ngộ và sự Bố thí Pháp không có giới hạn, còn sự bố thí Tài (tiền của, đồ vật) có giới hạn, còn giáo Pháp cho hoài không bao giờ hết. Một bài pháp mình có thể chia sẻ cùng một lúc cho nhiều người, chia sẻ ngày này qua tháng nọ cũng không hết. Trong khi đó với tài sản, mình chỉ có thể giúp được duy nhất một người qua cơn hoạn nạn mà thôi.

    Khi làm phước mình không có phân biệt đối tượng, thời gian và không gian. Về đối tượng thì dù người lớn, người trẻ, người tu, cư sĩ, người theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, người làm nghề nghiệp này hay làm nghề nghiệp khác, người nam, người nữ, quốc gia này, quốc gia khác,người thương mình, người ghét mình…, mình đều có tâm bố thí như nhau. Mình không có phân biệt chùa này to thì mình vô đây lạy Phật, cúng dường, còn chùa kia nghèo ít ai tới chắc không linh thiêng nên mình không vô.

    Về thời gian, người muốn làm phước, bố thí thì hãy làm ngay, không đợi ngày mai, ngày mốt hay hẹn lần hẹn lượt nữa vì phước báu sẽ giảm nếu vật bố thí chậm đến tay người nhận bố thí. Trong việc cứu trợ lũ lụt, phân phát thực phẩm, thuốc men, chậm trễ vài phút, người nhận cũng có thể trong cơn nguy kịch. Trong bài kinh pháp cú đức Phật có dạy: “Hãy gấp làm điều lành, ngăn tâm làm điều ác, ai chậm làm việc lành, ý ưa thích việc ác.” Nên khi làm việc lành bố thí, ta hãy lẹ làng phát tâm trong sạch lên, hoan hỷ lên, để làm điều lành, còn mình chần chừ thối lui thì trong tâm còn chút bợn nhơ nên phải đấu tranh để làm việc lành.

    Về không gian, sự làm phước và bố thí không gói gọn trong khuôn viên của nhà chùa, bệnh viện, cơ sở từ thiện, trường học mà đi ra cả đường phố, rừng rậm, sông ngòi, địa phương, quốc gia và vũ trụ. Rải tâm từ là hành vi bố thí từ tâm đến người thân, muôn loài, các cõi, mười phương tám hướng và chúng sinh khắp vũ trụ. Thực tập như vậy cũng giúp mọi người xung quanh tự nhiên phát tâm bố thí phóng sinh như mình, thì đó là nhờ năng lượng tình thương, năng lượng tu tập  bấy lâu nay làm cho họ phát tâm giống như mình. Một người làm phước, cả nhà đều được hưởng sự mát mẻ đó.

    Có lần, Phật dạy các đệ tử:

    Làm ác thì phải đoạ ba đường ác để trả nghiệp, làm thiện được sanh về cõi lành, giàu sang để hưởng lại phước báu mà ta đã tạo ra từ trước. Ông bà chúng ta cũng thường nói: “Của ăn là của mất, của cho là của còn”. Mình hãy tưởng tượng một kho thóc! Nếu chúng ta chỉ biết dùng để ăn thôi thì cho dù kho thóc ấy có nhiều đến mấy cũng có ngày sẽ hết sạch. Nhưng nếu chúng ta biết dành ra một phần thóc để gieo trồng thì ngày sau sẽ còn được hưởng mãi. Đạo lý này trong Kinh Phật cũng đã dạy chúng ta: “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phước đức làm của, của sẽ theo ta vạn đời”. Thật ra, đây mới thật sự là “ngân hàng” cần gửi vào cho mỗi chúng ta trong ngày vị lai vậy! Ngân hàng này không hề lo sợ bởi tất cả các nguyên nhân huỷ hoại như nước, gió, lửa, trộm cắp hay oan gia trái chủ phá hoại.

     Trong cuộc sống, dù ít hay nhiều mình đã mang ơn của biết bao nhiêu người: như ông bà,cha mẹ, thầy cô, bạn bè, người thân nhưng mình chưa có dịp để trả ơn, thì việc làm phước là điều kiện để mình hồi hướng đến người thân, ông bà, ba mẹ, thầy cô, mong tất cả đều được an vui, không bệnh đau, không có khổ thân, không có khổ tâm, có nhiều thuận duyên với Phật pháp và tu tập đến ngày giải thoát thì đây là cách mình trả ơn hay nhất. Nhiều đời, nhiều kiếp mình có thể đã phạm giới, đi đường đạp phải côn trùng, vẫn còn ăn mặn hằng ngày, sự cộng nghiệp vẫn đang diễn ra. Bây giờ là dịp mình hồi hướng cho những oan gia trái chủ, hóa giải nghiệp sát sinh, làm cho tâm mình được mát mẻ.

Nguyên Phước Độ
sachminhthanh.wordpress.com 
 Theo Phật Pháp Ứng Dụng

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch