PG & Hôn nhân gia đình
Quan Niệm Của Phật Giáo Về Vấn Đề Hôn Nhân Giữa Người Cùng Và Khác Đạo
Thích Như Ðiển
14/03/2012 10:09 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ðã từ lâu, có lẽ chưa có kinh sách nào hoặc chưa có Thầy nào đề cập trực tiếp vấn đề trên như hôm nay. Sở dĩ các kinh sách của Phật Giáo và quý Thầy không đề cập đến vì có nhiều nguyên do, nhưng nhận thấy gần đây có nhiều Phật Tử gặp nhiều vấn đề khó khăn trong việc hôn nhân giữa người cùng đạo và khác đạo. Do đó chúng tôi cảm thấy có bổn phận phải hướng dẫn những Tín đồ của Phật Giáo đi đúng với tinh thần trong giáo lý của Ðạo Phật.

                                                   1195138337.img []_1.jpg


Ðối với Ðức Phật

Ngài chưa hề khuyến khích chuyện lứa đôi; nhưng Ngài chỉ có dạy bổn phận của vợ đối với chồng, chồng đối với vợ, con cá, đối với cha mẹ, cha mẹ đối với con cái v.v... Những điều giáo huấn đó quý vị có thể tìm đọc trong kinh Thiện Sanh. Ngoài ra không còn một kinh điển nào đề cập đến cả. Vì Ðức Phật quan niệm rằng cuộc đời này là vô thường, thế gian là giả hợp - nhân loại muốn thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi phải mau mau đoạn lìa việc sanh và việc tử. Cho nên việc khuyến khích để đi đầu thai lẩn quẩn trong lục đạo (Trời, Người, A Tu La, Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh) tuyệt nhiên không có. Và trong thời Ðức Phật tại thế tuyệt nhiên chưa có lần nào Ngài đứng làm chủ lễ cho một đám cưới nào cả. Ngài chỉ có dự lễ đám táng thì nhiều hơn.

Ðối với chư Tăng

Là những người được truyền thừa bởi giáo lý của Ðức Phật - Việc cưới hỏi của Phật Tử không làm trọng mà chuyện quan trọng hơn cả là lúc chết phải cầu nguyện vãng sanh về thế giới khác, để không còn bị luân hồi sanh tử nữa. Ngay cả Ðại Thừa hay Tiểu Thừa Phật Giáo cũng đều quan niệm như vậy. Nhưng người Việt Nam chúng ta - ở trong cũng như ngoài nước - đa số là Phật Tử. Có lẽ vì họ thấy thiếu thốn thế nào đó so với các Ðạo khác - có những lễ nghi rầm rộ hơn lúc cưới hỏi, họ bảo rằng Ðạo Phật chỉ lo độ tử chứ không độ sinh. Nên mới đề nghị chư Tăng đứng ta chứng minh và làm lễ cưới cho Phật Tử. Lời đề nghị đó vô hình chung đã được chư Tăng chấp nhận - chẳng biết từ bao giờ - có lẽ bắt đầu từ thế kỷ 20 - nhất là khi có những đám cưới có tính cách lai Âu mang vào đất nước Việt Nam của chúng ta.
Chư Tăng vì phương tiện độ sanh để dẫn dắt Phật Tử đi trên con đường thiện. Ðiều đó cũng có thể châm chước được. Vì căn cơ của chúng sanh trong thời mạt pháp này như thế nào thì chư Tăng cũng phải phương tiện như vậy thôi.

Ðối với Phật Tử

Là nhữngngười sống tại gia, có bổn phận nuôi dưỡng đức tin của mình, hộ trì Phật Pháp và tạo cho được nhiều điều kiện để thoát ly sanh tử luân hồi. Nhưng ngày nay -Phật Tử- người hiểu đúng Ðạo thì ít mà hiểu sai Ðạo lại nhiều. Thay vì đi chùa, lễ Phật để học những hạnh lành, thì đi chùa phần đông chỉ mong được cái này hay cái nọ. Nếu điều yêu cầu của họ không được thì họ sẽ bảo rằng: Ðạo Phật chẳng giúp ích gì cho đời cả - rồi tìm cách nói chuyện này qua chuyện nọ, chuyện nọ qua chuyện kia, làm náo động cả cửa Thiền. Phật Tử có nhiều vấn đề khó khăn phức tạp - nhất là chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái của họ. Ðối với người cùng Ðạo thì chẳng có vấn đề gì để nói; nhưng đối với những người khác Ðạo thật phức tạp vô cùng.

Ðối với người cùng Ðạo

Nếu hai Phật Tử là người đã quy y Tam Bảo rồi, hoặc chưa quy y chăng nữa. Nhân ngày cưới, sắm sửa lễ vật nhang đèn, hoa quả đến chùa nhờ Thầy làm lễ chú nguyện cho hai Phật Tử có sự chứng kiến của hai họ. Quý Thầy sẽ tụng kinh, trì chú, đọc lời dạy của Ðức Phật theo như trong tinh thần của kinh Thiện Sanh. Sau đó hai người đọc lời phát nguyện trước Tam Bảo và sau cùng là lễ trao nhẫn cho nhau.
Sau phần tụng kinh lễ Phật, cô dâu chú rể đến lễ ông bà và cảm ơn những người tham dự cũng như đón nhận những lời chúc tụng hoặc quà cưới và cuối cùng là tiệc trà Ðạo vị.

Ðối với người khác Ðạo

Ðối với Ðạo Phật, Ðức Phật quan niệm rằng: "Không có sự phân biệt Tôn giáo và giai cấp, khi trong máu người cùng đỏ và nước mắt người cùng mặn". Lời dạy ấy chứng tỏ rằng: Ðối với Ngài hay đối với Ðạo của Ngài - Ngài không phân biệt ai cả. Ai tin thì theo Phật, ai không tin Ngài cũng không sao. Câu nói ấy cũng chứng tỏ rằng: Ngoài Ðạo Phật, Ngài còn công nhận nhiều Ðạo khác nữa. Trong khi đó những Ðạo khác có tính cách cực đoan hơn, chỉ biết công nhận Ðạo của mình, còn những ai không tin mình đều là Ngoại Ðạo cả. Từ đó mới phát sinh ra chuyện khó khăn giữa một chàng trai Phật Tử đã quy y Tam Bảo đi yêu một cô gái theo đạo Thiên Chúa. Cuộc tình nào cũng đẹp nhưng cũng lắm đắng cay. Nếu chỉ có hai người không thì họ đã tự quyết định rồi; nhưng ngặt còn cha mẹ của hai bên và còn chuyện tương lai của con cái nữa. Có nhiều cuộc tình rất đẹp; nhưng đến ngày cưới lại tan vỡ, vì bên này không chấp nhận lễ nghi bên kia, hoặc bên kia không chấp nhận lễ nghi bên này. Thật ra thì Phật Tử chưa hiểu Ðạo vẫn có người cực đoan, mà con Chiên của Chúa cực đoan cũng không phải là ít.

Ðiều mà người Phật Tử phải nhớ là đã quy y Phật, Pháp, Tăng rồi thì dầu cho không gian và thời gian có thay đổi cũng không được quyền thay đổi Ðạo của mình. Ðổi Ðạo tức là đã phạm vào những giới mà mình đã phát nguyện lúc quy y Tam Bảo. Và Phật Giáo cũng không bắt buộc một người nào theo Ðạo của mình dưới bất cứ một hình thức nào cả.

Một vị Tăng sĩ có thể đứng ra chủ lễ cho một đám cưới hai Ðạo khác nhau; nhưng chúng tôi đoan chắc rằng một vị Linh Mục Việt Nam không làm điều đó. Vì cho rằng chú rể hoặc cô dâu kia là người ngoại đạo. Nhưng đó chỉ là những vị Linh Mục Việt Nam bắt buộc như thế thôi, còn các Linh Mục Âu, Mỹ vẫn khuyên rằng đạo ai nấy giữ - nếu có đi chăng nữa là từ hồi xưa - lúc họ còn ít tín đồ- chứ bây giờ có lẽ vì bị sự chống đối của Tín hữu nên không thấy nói.

Chúng tôi thấy Phật Tử của mình bị mất mát quá nhiều; vì một cậu Phật Tử đi lấy vợ theo Thiên Chúa hoặc một cô Phật Tử đi lấy chồng theo Thiên Chúa là sự đi chùa của cô hay cậu đó hoàn toàn trống vắng mà lâu nay quý Thầy không nói có lẽ còn nể tình, hoặc bảo rằng chuyện không đáng. Vì Phật Giáo không có chủ trương thâu nhận tín đồ cho lấy nhiều mà chỉ tự nơi tâm thôi.

Nhiều Phật Tử có tâm đạo hay nói với chúng tôi rằng: "Nếu chỉ theo Ðạo Chúa để lấy được vợ thì sau khi lấy vợ xong con phải dẫn vợ về chùa, chứ không đi nhà thờ nữa". Nhưng thông thường thì đàn ông theo đạo vợ hơi nhiều, chứ đàn bà ít theo đạo chồng - có lẽ niềm tin của các ông chồng còn yếu.

Gần đây bên Giáo Hội Thiên Chúa có cho xuất bản bộ giáo luật mới có đề cập đến vấn đề hôn nhân giữa người khác Ðạo. Chúng tôi thấy rằng Giáo Hội Thiên Chúa giáo có cho tự do kết hôn giữa người khác Ðạo (nghĩa là Ðạo ai nấy giữ) nhưng đến đời con, cháu phải theo Ðạo Chúa. Chúng tôi nghĩ rằng đó cũng chỉ là tự do trong một giai đoạn ngắn thôi. Ðiều quan trọng là ở tương lai chứ hiện tại cũng không có gì đáng nói lắm.

Chúng tôi thấy hơi lạ là bên Ðạo Thiên Chúa cứ bắt buộc người khác rửa tội mới được làm lễ nhà thờ. Trong khi đó Ðạo Phật thì không bắt buộc gì cả. Ðạo ai nấy giữ. Nếu cứ tình trạng này thì con Chiên của Chúa cứ tăng dần mà Phật Tử càng ngày càng ít. Nên chúng tôi có một số ý kiến như sau:

- Việc viết lên bài này không nhằm đả kích giữa Tôn giáo này hay Tôn giáo khác mà chỉ nhằm mục đích nói rõ, nói thẳng cho người Phật Tử cũng như con Chiên của Chúa hiểu được Ðạo là gì

- theo một Tôn giáo không phải là thay cái áo cũ mặc cái áo mới, mà theo một Tôn giáo là trọn đời của mình phải phục vụ cho một niềm tin cao thượng, giải thoát - chứ không phải theo một Tôn giáo để lấy vợ hoặc chồng rồi lại thôi không theo nữa.

- Chúng tôi thấy có nhiều gia đình sống không có hạnh phúc với nhau vì khác Ðạo. Nên chúng tôi khuyên những vị sắp lập gia đình nên tìm những người cùng Tôn giáo để kết hôn nhau vẫn hơn là khác Tôn giáo. Vì con cái của quý vị sẽ khổ sở, không biết nên theo Ðạo của cha hay Ðạo của mẹ. Người Phật Giáo luôn luôn quan niệm rằng Ðạo nào cũng tốt; nhưng cuối cùng người Phật Tử để bị đồng hóa trở thành con Chiên của Chúa hơn là con Chiên của Chúa trở thành Phật Tử.

- Chúng tôi cũng đề nghị với quý vị Linh Mục Việt Nam rằng: "Không nên bắt buộc những người Phật Tử phải bỏ Ðạo Phật để theo Ðạo Chúa. Vì điều đó Chúa cũng không dạy mà Phật cũng không muốn".

Chúng tôi chỉ trình bày sơ lược một số vấn để có liên quan về việc hôn nhân giữa người cùng Ðạo và khác Ðạo. Hy vọng sẽ nhận được những ý kiến đóng góp tích cực của những bậc Tôn Túc, quý vị lãnh đạo tinh thần giữa Phật Giáo cũng như Thiên Chúa Giáo.

 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch