PG & Khoa học
Giải mã bí ẩn những pho "tượng táng" ở Việt Nam
Phạm Ngọc Dương
27/03/2010 09:54 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mới đây, PGS.TS, nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường đã công bố công trình nghiên cứu để đời của ông với tiêu đề: “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư”. Công trình này đã gây được sự chú ý đặc biệt của công chúng.

PV VTC News đã có buổi gặp gỡ trò chuyện với TS. Nguyễn Lân Cường để tìm hiểu những câu chuyện trong và ngoài cuốn sách. Cùng với những tài liệu TS. Cường cung cấp, tác giả đã về những ngôi chùa, nơi chứa nhục thân của các vị thiền sư, những mong chuyển tải thông tin hấp dẫn và sống động đến độc giả.

Con đường nhỏ gập ghềnh ổ gà ổ vịt, lúc xuyên qua làng mạc, lúc cắt qua cánh đồng dẫn đến ngôi chùa Đậu nằm cuối làng Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội).

Chùa Đậu nằm giữa cánh đồng, có dòng sông Nhuệ chảy uốn lượn sau lưng và những hồ nước lớn bao bọc xung quanh khiến chùa như được tạo dựng ngoài đảo. Đứng từ xa nhìn lại, chợt động tâm thấy cảnh nước biếc gương soi thấu cửa thiền.

 

Bìa cuốn sách của "Nhà xương học" Nguyễn Lân Cường. 

Chúng tôi đến chùa đúng vào ngày nhà chùa đang tổ chức lễ cầu siêu, nên có rất đông phật tử. Cạnh nhà thờ tổ, trong tư thất tuềnh toàng, đại đức Thích Thanh Nhung đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm với dáng vẻ rất thư thái.

Là người nhiều năm trụ trì chùa Đậu nên đại đức Thích Thanh Nhung nắm rõ mọi thông tin về ngôi chùa cổ đặc biệt này.

Theo bia Dương Hòa thứ 5 (1639) hiện vẫn đặt tại chùa Đậu, thì ngôi chùa này được xây dựng từ thời Lý, thế kỷ thứ 11 và 12. Còn theo truyền thuyết thì chùa được xây dựng từ thời Sĩ Nhiếp (thế kỷ thứ 3), cùng với chùa Dâu.

 

Chùa Đậu. 

Khi đó, bầu trời ở phía Nam cung thành có một luồng kinh khí. Theo lệnh vua, Quách Thông đã đi tìm hiểu sự lạ. Về tới đất Gia Phúc, thấy thế đất rất trông tựa dáng hình một đóa hoa sen đang nở tỏa sáng liền tả lại cho Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp cho rằng hoa sen là nơi đất Phật, bèn cho lập chùa, đặt tên là Thành Đạo Từ.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là sự tàn phá của chiến tranh, thời tiết, chùa đã được tu sửa nhiều lần, nên kiến trúc còn lại mang dấu ấn của thời Lê – Nguyễn.

 

Chùa Đậu lúc nào cũng đông phật tử. 

Ngôi chùa này có tới 5 tên gọi khác nhau gồm Thành Đạo Từ, Pháp Vũ Tự, chùa Vua, chùa Bà và chùa Đậu.

Các cụ già ở thôn Gia Phúc giải thích rằng, tên gốc do Sĩ Nhiếp đặt là Thành Đạo Từ, nhưng chùa lại thờ Đức Pháp Vũ, nên gọi là Pháp Vũ Tự. Ngày trước, do đích thân nhà vua tìm đất dựng chùa và ngôi chùa này vốn một thời chỉ dành cho vua chúa đến lễ, dân chỉ được lễ trong 3 ngày hội, nên mới gọi là chùa Vua.

Bồ Tát hiện thân là giới nữ, nên dân lại gọi là chùa Bà. Bậc chí sĩ đến chùa cầu nghiệp lớn được đậu đạt, người dân đến chùa cầu thì trồng cây đều ra hoa đậu quả, nên dân gian gọi là chùa Đậu. Cái tên giản dị này lại trở nên thông dụng nhất.

 

Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh được đặt trang nghiêm trong nhà thờ tổ. 

Cũng theo các cụ già trong làng Gia Phúc, trước khi bị thực dân Pháp đốt vào năm 1947, chùa còn lưu giữ rất nhiều vật quý vua ban, cả ngôi chính điện rất lớn và đẹp.

Tôi lang thang trên nền khu chính điện xưa kia với những chân cột đá lớn trơ trụi mà trong lòng trào dâng cảm giác luyến tiếc.

Đại đức Thích Thanh Nhung dẫn tôi vào nhà tổ chiêm ngưỡng nhục thân hai vị thiền sư nổi tiếng Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường.

 

Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Trường. 

Hai vị thiền sư đã được các nhà khoa học tu bổ, ngồi trầm mặc với tư thế tọa thiền trong lồng kính. Phía dưới nền nhà, rất nhiều người đang ngồi khoanh chân chắp tay niệm phật. Họ mang đủ chuyện hỷ nộ ái ố đến “tâm sự” rồi cầu sự bình an.

 

 Cầu khấn dưới chân thiền sư Vũ Khắc Minh. 

Theo Đại đức Thích Thanh Nhung, hiện trong chùa Đậu có tới 2 pho tượng thiền sư Nguyễn Khắc Minh và 2 pho  thiền sư Nguyễn Khắc Trường. Tuy nhiên, chỉ có 2 pho thật đặt ở nhà tổ, 2 pho bằng thạch cao để trong am thờ cạnh chùa. Vì am thờ dột nát, ẩm thấp, nên không thể để hai vị ngồi đó.

Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia, làng Gia Phúc có hai ông, một chú, một cháu, từ bé đến cuối đời chỉ ăn rau. Lớn lên một chút thì vào chùa Đậu tu hành. Vậy nên, nhân dân quanh vùng thường gọi thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là “nhà sư Rau”.

Cả đời hai ông chỉ ăn một bữa cơm rau vào chính Ngọ, rồi lại ngồi trong chùa tụng kinh gõ mõ siêu độ cho nhân gian.

 

Những nhà khoa học, nghệ nhân tu bổ hai pho tượng nổi tiếng ở chùa Đậu. 

Đoán biết mệnh số đã tận, thiền sư Vũ Khắc Minh dặn đệ tử: “Sau đúng 100 ngày, nếu không nghe thấy tiếng mõ tụng kinh của ta nữa thì hãy mở cửa am. Nếu thi thể ta hôi thối thì dùng đất lấp am lại, còn thi thể ta nguyên vẹn, không có mùi thì lấy sơn bả lên người ta trước khi xây bịt kín am”.

Dặn xong đệ tử, ông mang theo một chum nước uống, một chum nhỏ đựng dầu thắp sáng rồi vào trong am ngồi tụng kinh, niệm Phật. Đệ tử bịt kín cửa am lại, chỉ để hở một lỗ nhỏ thông khí.

Đúng 100 ngày sau, không nghe thấy tiếng mõ tụng kinh nữa, đệ tử mở cửa am thì thấy nhà sư viên tịch trong tư thế ngồi thiền. Các đệ tử đã làm như thiền sư Vũ Khắc Minh dặn.

Theo truyền thuyết, người cháu của thiền sư Vũ Khắc Minh là Vũ Khắc Trường cũng vào am gõ mõ tụng kinh và hóa như vậy.

Câu chuyện về hai vị thiền sư viên tịch trong tư thế ngồi thiền tồn tại như một truyền thuyết lưu truyền trong dân gian...

Theo: vtc.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch