Phật pháp căn bản
Ý nghĩa an cư
Tỷ khiêu: Thích Quảng Hợp
24/07/2013 21:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Pháp an cư được đức Phật tùy thuận theo truyền thống vốn có của xã hội Ấn Độ đương thời được áp dụng cho hàng đệ tử xuất gia của mình tu học nhằm giác ngộ và giải thoát. Trong ba tháng an cư, người xuất gia tập họp trong một ngôi chùa để chuyên lo tu học, tinh tấn đạo nghiệp 

A. DUYÊN KHỞI

Như ta biết, pháp an cư được đức Phật tùy thuận theo truyền thống vốn có của xã hội Ấn Độ đương thời được áp dụng cho hàng đệ tử xuất gia của mình tu học nhằm giác ngộ và giải thoát. Trong ba tháng an cư, người xuất gia tập họp trong một ngôi chùa để chuyên lo tu học (出家人集結在一起修行的制度), tinh tấn đạo nghiệp ( trong ba tháng hạ bắt đầu từ ngày Đản sinh của đức Phật Thích Ca 15/4 Âm lịch cho đến ngày Lễ Vu Lan 15/7 Âm lịch). Đây là truyền thống có giá trị rất thiết yếu trong Phật giáo.)

 DSC00096.JPG

Theo Đại tạng Kinh Việt Nam thì duyên khởi của pháp an cư kiết hạ là vào mùa Hạ vì hay mưa gió nên cũng là mùa sinh sản các loại sâu bọ. Để khỏi dẫm đạp tàn hại các loài chúng sinh trái hạnh từ bi, trong ba tháng hạ người xuất gia không đi ra ngoài, trừ khi có duyên sự quan trọng.

Giới luật hành trì đầu tiên của Tăng đoàn, theo Luật Tứ Phần, trong mười

hai năm đầu chỉ bao gồm những lời dạy căn bản như sau:

“Khéo phòng hộ lời nói,
tâm ý tự lắng trong,
thân không làm các ác,
ba nghiệp đạo nầy tịnh,
thực hành được như thế,
là đạo đấng Đại Tiên”(10).

Và sau mười hai năm, kể từ khi thành đạo, Đức Thế Tôn mới dạy nhiều về giới luật và pháp an cư cho Tăng đoàn. Ngài dạy pháp an cư cho Tăng đoàn, vì những lý do như sau:

-Do một số cư sĩ than phiền nhóm sáu tỷ kheo luôn luôn du hành trong dân gian, bất luận mùa nào, dẫm đạp làm chết vô số côn trùng.

-Họ còn than phiền rằng, những du sĩ ngoại đạo, một năm còn có những tháng ở yên một chỗ để tịnh tu. Ngay cả những loài vật, chúng cũng còn có những mùa trú ẩn, huống nữa Tăng sĩ dòng họ Thích, tại sao không có đời sống như vậy ư?

Do duyên cớ trên, Đức Phật quở trách nhóm sáu tỷ kheo ấy. Và Ngài chế định pháp an cư cho Tăng đoàn(11)

Duyên khởi để đức Phật chế định pháp an cư là như vậy. Từ đó về

sau, hàng năm cứ vào ba tháng hạ, chư Tăng ni Việt Nam tập họp lại cùng một trú xứ để an cư theo Phật xưa.

B. NỘI DUNG

 

1. An cư kết hạ(結夏安居)

1.1. An cư Kết hạ nghĩa là gì?

Dẫu biết rằng, trên các bài khảo luận, giảng giải nhiều hình thức đã có nhiều nhà hành giả, nghiên cứu về an cư kết hạ của Tăng chúng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghiên cứu kỹ hơn lại càng rõ thêm không thừa.

 An(安)  là an ổn, an lạc, là hạnh phúc. Cư (居)  nghĩa là ở,  sinh sống ở đâu đó. Kết (結:kiết) nghĩa là thâu tóm, gom lại, hạ (夏)có nghĩa là mùa hè, mùa chư tăng an cư. Vậy, An cư Kết hạ là một mùa chư Tăng ở một nơi tu hành nghiêm mật. hay ta có thể nói, An cư kiết hạ là pháp tu hành của người xuất gia trong ba tháng hạ như trên đã giải thích.

1.2. Một số từ chỉ an cư khác.

Ngoài từ An cư Kết hạ hay kết túc an cư, còn gọi là Cấm túc an cư, : cấm ở đây đồng nghĩa với Kết, nghĩa là giữ chân lại một nơi để chuyên tâm tu tập, hành theo lời Phật dạy, làm lành lánh dữ. Kết túc an cư cũng nghĩa như Cấm túc an cư. Kết nghĩa là buộc, túc nghĩa là chân của người tu hành, chân của con người nói chung. Người Phật tư nhà quê thường gọi “ thày con đi ngồi hạ”, ngồi hạ cũng chỉ cho việc an cư.

1.3. Thời điểm an cư không giống nhau.

Theo ngài Huyền Trang (Tây Vực ký) và ngài Pháp Hiển (Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện) thì ngày kiết hạ là mồng Một (trăng tròn) ứngvới ngày 16 tháng 5 theo lịch Trung Quốc.

 

Nhưng theo truyền thống Bắc Tông là ngày 16 tháng 4 Âm lịch có thể do ảnh hưởng kinh Vu Lan. Theo kinh này ngày Rằm tháng 7 là ngày Tự Tứ, do vậy phải kiết hạ vào ngày 16 tháng 4.

 

Còn theo truyền thống Phật giáo Nam Tông xác định ngày mùng Một (trăng tròn) của tháng Asàlha chính là ngày 16 tháng 6 Âm lịch. Do đó Phật giáo Nam tông tổ chức an cư vào ngày 16 tháng 6 và kết thúc vào ngày 16 tháng 9 Âm lịch

 

Ta thấy, Sự sai khác về thời gian trong hai truyền thống này là do có sự sai khác về điều kiện thời tiết khí hậu của từng nơi. An cư chia làm tiền an cư và hậu an cư.

Tiền an cư là an cư vào phần đầu của mùa hạ, tức là an cư vào ngày 16 tháng 04, theo lịch Trung quốc, cho Tăng đoàn Bắc phương. An cư từ 17/04 đến hết 16/05 theo lịch Trung Quốc, gọi là kỳ hậu an cư. Hậu an cư lại chia hai thời kỳ:trung an cư và hậu an cư. Trung an cư bắt đầu từ ngày 17/04 đến hết ngày 15/05. Hậu an cư là bắt đầu ngày 16/05.

Thời hạn tiền an cư theo truyền thống Tăng đoàn Bắc phương là bắt đầu từ ngày 16/04 đến 15/07 AL là kết thúc. Nếu hậu an cư, kể từ 17/04 đến ngày mười 16/07 là kết thúc. Và nếu an cư sau ngày 17/04, thì sau đó phải tính đủ 90 ngày để kết thúc khóa an cư(14)

. Miền Bắc ta có một số trường hạ tiền an cư như trường hạ Tùng Lâm Chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, Chùa Liên Phái, trường hạ chùa Văn Điển…, hậu an cư như Tỉnh Hội Phật giáo Bắc Ninh trường hạ chùa Đại Thành, Chùa Dâu Thuận thành, Chùa Tiêu Bắc Ninh…

 

2. Mục đích việc an cư kết hạ

Mục đích chính yếu của an cư là để trưởng dưỡng đạo tâm trau giồi Giới, Định và Tuệ thì thời điểm an cư theo truyền thống nào cũng không còn là vấn đề quan trọng. Vấn đề cốt lõi của nó là để phát triển đời sống tâm linh và xây dựng mối hòa hiệp giữa các thành viên trong Tăng đoàn.

 

3. Phật sự  người xuất gia tham gia an cư kết hạ.

Mỗi khi đến mùa an cư kết hạ chư Tăng ni hay trụ trì chùa phải sắp xếp Phân ban Phật tử trông chùa, gìn giữ ngôi tam Bảo, như thắp hương, cúng cháo, quét dọn ban thờ, quét dọn nền chùa, ngoài sân trong  3 tháng chư tăng đi hạ.

Người xuất gia tới trường hạ phải chấp hành nội quy của trường hạ “ …ngày đêm phải sáu thời tinh tiến…”, tới bạch nhập chúng bái chào chư Tăng, về chùa bạch văn khất xin Tăng cho về mới được về, cần phải đối thú nhờ Tăng giữ giới không thất pháp. Trong quá trình hạ chư Tăng chuyên tâm tu ba môn học Giới – Định – tuệ để phát triển đạo đức và trí tuệ vô lậu, ngõ hầu giác ngộ và giải thoát, có khả năng cứu độ chúng sinh hơn. Mỗi khi có duyên  sự quan trọng mới được phép rời khỏi nơi an cư trong vòng 7 ngày. Nếu đi qua ngày thứ 8, mặt trời mọc lên thì phạm tội ác.  

- An cư chúng Tăng thêm tuổi đạo Người đời lấy năm sinh mà kể tuổi còn đối với người xuất gia trong đạo Phật lấy số kiết hạ làm tuổi. Một người chưa kiết hạ là xem như chưa sinh ra thì chưa có tuổi nào. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thọ tuổi của người xuất gia.

 

Đức Phật dạy rằng: Bổn phận người xuất gia là phải an cư kiết hạ mỗi năm một lần. Dù đến 60 tuổi, nhiều tuổi hơn nữa có sức khỏe vẫn phải an cư kiết hạ. Lời dạy này đã nêu rõ đức Phật rất chú trọng đến sự thanh tịnh tu hành, sự hành trì giới luật một cách triệt để.

Trong các kinh điển, đôi khi thấy đức Phật tán thán hạnh độc cư và khuyến khích các Tỳ kheo nên sống theo hạnh đó. Nhưng trong một số trường hợp, Ngài lại khuyên các Tỳ kheo nên hòa hợp chung sống, trao đổi kinh nghiệm tu tập, sách tấn và nương tựa lẫn nhau.

 

Như vậy, chúng ta thấy lời dạy của đức Phật luôn tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể mà được nói ra. Thanh tịnh và hòa hợp là hai yếu tố hình thành nên Tăng đoàn của đức Phật. An cư là dịp để chư Tăng trưởng dưỡng hai yếu tố đó.

 

4.      Bổn phận người tại gia trong mùa an cư

 

Người tại gia nói chung là con người chung của xã hội, dù người Phật tử tại gia hay không phải là Phật tử đều phải tôn trọng luật lệ của Pháp luật của nhà nước, tôn trọng pháp lệnh tín ngưỡng, tôn trọng nội quy của một đoàn thể, tập thể. Do vậy, mọi người cần phải tôn trọng nơi an cư của chúng Tăng, không được kích bác nói xấu, hành vi không tốt ảnh hưởng tới các ngôi chùa mà chư Tăng đang an cư, cũng không được xâm phạm, hành vi không tốt tới các ngôi chùa nói chung và ngôi chùa riêng trên toàn quốc. Vì các ngôi chùa thường có chư Phật, hộ pháp thần Linh thường hộ trì gia hộ mùa an cư.

-Đối với chính quyền, các ban ngành có chức năng, trong thôn ngoài xã…, đã có tôn trọng, song nên hiểu việc an cư kết hạ của chư Tăng ni, thường quan tâm ủng hộ cho chư Tăng đi hạ, quan tâm giúp đỡ cho ngôi chùa khi tăng đi hạ. Vì chư Tăng đi hạ là đi học nâng cao phẩm chất đạo đức nâng lên trình độ trí tuệ của bản thân, nhằm phục vụ tín ngưỡng cho bà con nhân dân, hướng Phật tử người dân tu chính tín bài trừ mê tín dị đoan.

-Đối với Phật tử: Thường xuyên ra chùa mỗi khi có thời gian rảnh, chấp tác, quét dọn chùa cảnh, thắp hương, tụng kinh, cúng cháo, làm những việc mà bổn phận của Phật tử đã được hướng dẫn từ khi quy y Tam Bảo cho tới nay. Có thể tham gia cùng tập thể làm từ thiện, cúng dàng trường hạ để chư Tăng an cư, có thể tham gia khóa lễ nguyện cầu nguyện cho các vong linh đã khuất sinh tịnh độ, người đương sống được bình an. Người Phật tử phải đối xử tốt với Phật tử với nhau, thường xuyên tham gia vào giao lưu chia sẻ lời Phật dạy, nghe giảng pháp, tiếp thu những điều có ích, hỷ xả những lời không tốt, tha thứ khoan dung, động viên giúp đỡ người mới vào chùa lễ Phật, học Phật. Người thế gian qua một năm vui mừng vì được thêm một tuổi

5. Mối quan hệ giữa người xuất gia và người tại gia

Chư tăng, thày chùa, chính quyền, Phật tử, người dân. Tất cả chúng ta là người cùng một nhà, cùng chung đất nước Việt Nam, nên thường xuyên quan tâm giúp đỡ trao đổi tôn trọng lẫn nhua, khó khăn giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ khi có công việc liên quan khi nhà nước có công việc kêu gọi làm từ thiện hay tham gia vào công việc đoàn kết toàn dân, xây dựng xã hội văn minh giàu đẹp…. Việc an cư là của chư Tăng, nhưng mỗi chúng ta ai cũng có cái tâm, cũng có ước mong cho bản thân gia đình mình được mạnh khỏe bình an. Vậy chúng ta cần phải “ giữ tâm bình an gia đình bình an, nhà nhà bình an, đất nước an bình, thế giới hòa bình” tức “ tâm bình thế giới bình” tâm bình là tâm bình an, tâm thiện, tâm không làm việc ác, mà năng làm việc lành..

6. Ý nghĩa an cư với sự thảnh thơi Tính Không

Trong mùa an cư, nhờ có sự liên hệ chặt chẽ, sự giúp đỡ của chính quyền, ban ngành, các Phật tử nhân dân giúp đỡ chư Tăng ni có thời gian nhất tâm an cư, nhờ không bị phan duyên nên dễ dàng nghiên cứu các pháp (sự vật hiện tượng), nhân duyên, con người, như Lai, Niết Bàn…tất cả các pháp đều là do nhân duyên hòa hợp mà tụ hay tán, thấy các sự vật hiện tượng đều vô ngã không thực thể, mà trong  Trung Quán Luận của Bồ Tát Long Thọ thế kỷ II sau công Nguyên  gọi là “Tính Không”, nhờ rõ được Tính Không của sự vật đó là do duyên nhân duyên hòa hợp tụ hay tán, nên chúng ta không chấp nên không khổ đau. Do vậy, tâm người tu hành, hay người hiểu sự vật hiện tượng theo duyên hợp tan đó mà được giải thoát trong mùa an cư kết hạ.(16)

 

 

C. KẾT LUẬN

 

Ý nghĩa an cư kết hạ là một chủ đề quan trọng liên quan tới sự bình an hạnh phúc của con người nói chung và đặc biệt người xuất gia nói riêng. An cư kết hạ là bổn phận trách nhiệm của chư Tăng, là đệ tử của Phật. Để sống và tu tốt chư Tăng phải tham gia an cư kết hạ nghiêm mật hơn, song cũng có điều kiện gần gũi Phật tử giảng kinh thuyết Pháp, tứ chúng Phật tử dựa bóng Phật, Tăng tu tập tốt hơn, thêm giới đức. Việc An cư kiết hạ còn có ý nghĩa là tụ hợp Tăng chúng ở chỗ thanh tịnh để cùng nhau tu hành, kiểm điểm hành vi, cử chỉ, y theo luật Phật mà hành trì. Trong một năm để 9 tháng truyền bá chính pháp, ba tháng còn lại hoàn toàn dành cho sự an cư tu học.

  Qua mùa an cư này, mong rằng mọi người ai ai cũng “giữ tâm thiện”, hiểu chư pháp vô thường, sự vật hiện tượng vô ngã, tức chân Không diệu hữu, nên không cố chấp vào mọi sự vật hiện tượng, được thêm một tuổi, người xuất gia thêm tuổi đạo, đạo đức trí tuệ thêm tươi. Người tại gia thêm một tuổi đời, thân khỏe tâm an, mọi sự như ý. Từ đó góp phần xây dựng xã hội chúng ta ngày một thanh bình, ấm no, hạnh phúc. Được như thế, ta có thể  quán chiếu an cư theo kệ sau để nhân Giới sinh Định, nhờ Định phát Tuệ, giác ngộ giải thoát, độ sinh: Khế kinh có kệ rằng:

“Không làm các việc ác

Năng làm các việc lành

Giữ thân ý trong sạch

Ấy lời chư Phật dạy”(4)

(Trích Kinh pháp Cú)

 

…………………………………………………………………….

TÀI LIỆU THAM KHẢO

* NCS. TRẦN VĂN THÀNH

1.      Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1999

2.      Phật học Phổ thông, Thích Thiện Hoa biên tập, Nxb Tôn Giáo, 2008

3.      Kinh vu Lan, Nxb Tôn giáo, 2008

4.      Kinh Pháp Cú, Nxb Tôn giáo, 1999.

5.      Hiến chương giáo hội PGVN sửa đổi, lần thứ V nhiệm kỳ (2012- 2017)

6.      Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, phổ biến năm 2012 tại TP Bắc Ninh

7.      Kỷ yếu hội thảo 30 năm thành lập giáo hội PGVN(1981-2011), Nxb Tôn giáo, 2012.

8.      http://hoavouu.com/D_1-2_2-272_4-17193_5-15_6-1_17-7_14-2_15-2/phap-an-cu-cua-tang.html.

9.       Phật Thuyết Tam Chuyển Pháp Luân kinh, Tạp, tr 504, Đại Chính 2.

10.  Giới kinh của Đức Phật Thích Ca, muời hai năm đầu, kể từ khi thành đạo, theo Tứ Phần Luật, Đại Chính 22.

11. Tứ Phần Luật 37, An cư kiền độ, tr 830b, Đại Chính 22. Pàli, A, A, ii 97.

12.  Phạm Võng Kinh, tr 1008a, Đại Chính 24.

13.  Dẫn theo Tứ Phần Luật San Phiền Bổ Khuyết Hành Sự Sao, tr 58a, Đại Chính 40.

14. Theo Luật Tứ Phần 58, có ba thời kỳ an cư: -Tiền an cư – Trung an cư - Hậu an cư, tr 998b11, Đại Chính 22. Theo Luật Tăng kỳ 27: Tiền an cư từ 16 tháng  4 đến 15 tháng 7. - Hậu an cư từ 16 tháng 5 đến 15 tháng 8., tr 451b10, Đại chính 22.

15. Tứ Phần 37, tr 380, Đại Chính 22.

16. Thích Quảng Liên dịch và giải thích, (2007), Trung Quán Luận, Nxb Tôn giáo.

 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch