Thiền học
pháp ngữ 7 - Thiền Sư Viên Minh
06/12/2013 07:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bản chất cuộc đời


Cuộc đời tuy là giả tạm vì bản chất của nó là vô thường, khổ, vô ngã nhưng nó cũng chính là bài học duy nhất để giác ngộ giải thoát. 

Luân hồi đau khổ & Niết-bàn tịch tịnh.

Tất cả chân lý đều ở trong cuộc sống này, khi sống với tham sân si thì đó là luân hồi đau khổ, khi đoạn tận tham sân si thì đó là Niết-bàn tịch tịnh.

Bài học thấy ra đâu là nguyên nhân đau khổ & Niết-bàn

- Là ngay trong chính mình và cuộc sống chứ không phải cố gắng để đạt đến một trạng thái lý tưởng ở tương lai...
- Lắng nghe, quan sát lại chính mình trong tương giao với cuộc sống, sẽ thấy ra (vipassati) mọi chân lý mà chư Phật đã chứng ngộ.

Chân lý luôn mới mẻ nên không thể rập khuôn

Tất cả những lời đức Phật dạy đều chỉ vào sự thật sẵn có nơi mọi người, hiểu được tôn ý của Phật thì cứ ngay thực tại thân tâm nơi chính mình mà quan sát rõ ràng (minh sát) thì liền thấy chân lý. Thấy như vậy gọi là thiền (Vipassanā) hay nói đúng hơn là sống tùy duyên thuận pháp (Dhammānudhamma patipanno vihārati), chứ không phải hành theo bất kỳ phương pháp chế định nào của ai khác. Chân lý luôn mới mẻ nên không thể rập khuôn và lại càng không do tạo tác để trở thành.


Quan sát bản ngã

Cái bản ngã này rất khôn khéo, luồn lách rất tinh vi nên thận trọng chú tâm quan sát để thấy ra những ngõ ngách ngụy trang, những đường lối phản ứng của nó. Nhớ là quan sát thôi chứ không phê phán hay kiểm duyệt gì cả. Vì làm như thế bản ngã sẽ tránh né và giấu mặt dưới những hình thức nguy hiểm hơn. 

Trò chơi trốn tìm của Ngã và Tánh Biết 

Tánh biết là người tìm, bản ngã là người trốn, và bạn chỉ quan sát để thấy ra chứ đừng mong nó không xuất hiện. Những thành tố của cái ngã xuất hiện càng nhiều thì bạn càng tìm thấy kẻ ẩn núp dễ dàng hơn. Đừng sợ, cứ bình thản sáng suốt mà thấy ... 

Bản chất của Ngã và Tánh Biết

Bản ngã vốn lăng xăng, nhưng tánh biết luôn lặng lẽ chiếu soi nên khi vọng tưởng bạn chỉ cần biết đang vọng tưởng là được. Giống như chăn trâu, chỉ cần biết trâu đang làm gì là được. Người chăn trâu không nên bắt trâu phải quy phục một cách chủ quan theo ý mình mà phải thương yêu và hiểu biết rõ ràng mọi hoạt động cũng như bản tánh của trâu thì mới giúp nó thuần thục và hữu ích được. Tánh biết soi chiếu thân tâm cũng chính là để biết rõ tánh tướng thể dụng của thân tâm hầu vừa trả nó về với thực tánh của nó vừa phát huy khả năng lợi ích cho mình và người một cách tự nhiên.

Thân, Tâm , Trí

Thân là thân, tâm là tâm, trí là trí như thực tánh của nó nên dĩ nhiện không có cái Ta, của Ta và tự ngã của Ta trong đó, vì khái niệm "Ta" chỉ là ảo tưởng, hoàn toàn không có thực. Thân-tâm-trí vốn vận hành theo nguyên lý tự tánh (sabhāva) của nó nên không chìu theo tư ý của cái Ta ảo tưởng. Chính khi cái Ta ảo tưởng xen vào mới thấy thân-tâm-trí lệch lạc đi theo ảo tường mà nó cho là, phải là, sẽ là mà thôi.

Thân vốn là công cụ của cái Tâm

Nuông chìu bản thân là cung phụng lợi dưỡng cho cái Ta ảo tưởng được tha hồ buông lung phóng dật theo tư kiến tư dục của nó, ngược lại khổ hạnh là bắt buộc, dồn nén, áp chế bản thân phải chịu những khổ hình với hy vọng biện pháp khắc kỷ ép xác này sẽ giúp sớm thoát khỏi ảnh hưởng của thể xác để rèn luyện cho tâm hồn được hoàn hảo và tự do giải thoát, nhưng đó chỉ là ảo tưởng của cái Ta, vì thực ra cái thân vốn vô tội, nó chỉ là công cụ của cái tâm mà thôi.

Mục đích

Ai cũng có mục đích, nhưng vấn để ở chỗ mục đích đó là gì, và do động cơ nào. Nếu động cơ là tham sân si thì mục đích chắc chắn là ảo vọng. Còn nếu động cơ là giới định tuệ thì mục đích chắc chắn là giải thoát Niết-bàn. 

Trọn vẹn với thực tại khác với duy trì trên thực tại

Biết thân tâm trong hiện tại không có nghĩa là phải cố gắng duy trì tâm trên hiện tại với một chủ ý hay một mục đích gì ngoài thấy chỉ là thấy. Cái tâm thấy chỉ là thấy thì không bị buộc phải duy trì vào điều gì, nghĩa là không cho là, phải là, sẽ là gì cả. 
Ý thức thì cần duy trì trên đối tượng vì có mục đích, 
còn tánh biết thì trọn vẹn với thực tại chỉ thấy mọi sự mọi vật một cách khách quan trung thực như nó đang là thôi chứ không thêm bớt gì cả. 

Thấy Pháp hiện tại như nó đang là một cách tự nhiên

...Cố gắng thực hành có mặt với hiện tại thì vẫn còn hữu vi, hữu ngã. Thấy hiện tại như nó đang là một cách tự nhiên là vô vi, vô ngã. Vậy bạn chỉ thấy pháp đang diễn ra trong hiện tại thôi, chứ không cần duy trì tâm trên hiện tại...

Nhận thức đúng về Tứ Diệu Đế


Nhận thức đúng về Tứ Diệu Đế không phải là hiểu biết trên ngôn từ kinh giáo mà trên sự thật về từng nỗi khổ, niềm vui bạn đang trải nghiệm hàng ngày,

Thái độ chính là nhân tạo ra đau khổ

Chính thái độ phản ứng của bạn tạo ra những nỗi khổ niềm vui ấy, chứ không phải do ai hay nguyên nhân nào khác cả, bên ngoài chỉ là duyên, chính thái độ của cái Ta ảo tưởng mới là nhân tạo ra đau khổ. Chính cái Ta bản năng, tình cảm và lý trí luôn phát ra những vọng động, tính toán, lý luận, tranh thủ, chọn lựa giữa được-mất, hơn-thua, thành-bại, vui-khổ để rồi không bao giờ được thỏa mãn - như ý muốn của mình. Đó chính là tánh chất thật của đời sống.

Khổ đau và hạnh phúc đều chỉ là ảo tưởng ảo giác


Thấy ra tánh chất đau khổ và nguồn gốc của nó bắt nguồn từ đâu mà tâm dần trở về lặng lẽ trong sáng. Và khi tâm rỗng lặng trong sáng thì mới phát hiện ra rằng cái gọi là khổ đau và hạnh phúc đều chỉ là ảo tưởng ảo giác mà thôi, còn sự thật thì muôn đời vẫn là sự thật. Sự thật dù phủ phàng tới đâu thì nó vẫn giúp bạn thoát ra khỏi ảo tưởng. Nói cách khác là chẳng thà thấy ra sự thật khổ đau còn hơn tự mình ru ngủ trong ảo tưởng hạnh phúc. 

Những nỗi khổ đau chính là bài học Giác ngộ

Để học ra bài học quý giá về chính mình và bản chất cuộc sống con cần phải cám ơn những nỗi khổ đau, và những người gây cho con đau khổ, vì nếu không có những nghịch duyên này con không bao giờ tỉnh giấc giữa cơn mộng dài tăm tối.


Giới Định Tuệ & Bát Chánh Đạo 

Trong Đạo Phật những yếu tố giới, định, tuệ hòa hợp với nhau thành một chứ không phải là những thành phần tách rời riêng biệt, tám yếu tố trong Bát Chánh Đạo cũng vậy. Giống như hydro và oxy hòa hợp thành nước vậy, nếu tách rời hai thành phần ấy ra thì chúng không thành nước được nữa. 

- Khi thận trọng, chú tâm, quan sát tức trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thì ngay đó có giới định tuệ mà có giới định tuệ thì có chánh kiến, có chánh kiến thì có chánh tư duy, có chánh tư duy thì có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, mà đã có 5 chánh trên thì chắc chắn tâm ổn định nên tất nhiên là có chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Nói cách khác trong Bát Chánh Đạo mỗi yếu tố luôn bao hàm những yếu tố kia.

Y
ếu tố Tỉnh Giác trong Bát Chánh Đạo

Trong thiền minh sát Vipassanā có 3 yếu tố dẫn đầu trong Bát Chánh Đạo đó là chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh kiến, Chánh kiến ở đây được thực hiện qua Tỉnh Giác. Khi 3 yếu tố này hòa hợp với nhau thì 5 yếu tố kia cũng cùng hiện hữu.

Chánh định trong thiền minh sát

Chính khi con thận trọng chú tâm quan sát một động thái nơi thực tại thân-thọ-tâm-pháp thì thận trọng là giới, chú tâm là định và quan sát là tuệ. Thiếu một trong ba yếu tố thì 2 yếu tố kia cũng không thành. Định trong trường hợp này được gọi là sát-na định (khanika samādhi), tùy thời định (tadanga samādhi), hay tịch tịnh định (santo samādhi)tùy theo mỗi lúc và tính chất của nó. Định này mới là chánh định trong thiền minh sát. Dīgha Nikāya 3/278 mô tả: “Định này là tịch tịnh, vi diệu, đạt tĩnh lặng, chứng nhất tánh, không điều kiện, không đối kháng, không trở ngại” (Ayaṃ samādhi: santo, paṇīto, patipassaddhaladdho, ekodibhāvādhigato, na ca sasaṅkhāra-niggayha-vāritavato’ti). 

10 phiền não chướng của thiền Vipassanā.

Các loại định sắc giới, vô sắc giới chỉ gây trở ngại cho thiền minh sát, nếu không biết vượt qua, điều này đức Phật gọi là trong 10 phiền não chướng của thiền Vipassanā (Ánh sáng, hỷ, lạc, khinh an, trí quá nhạy, tin quá nhiều, tấn quá mạnh, xả quá mức, dục tốc sở đắc).


Phóng dật

Phóng dật là tâm buông lung theo duyên trần cảnh bên ngoài, hoặc dễ trôi theo những ảo tưởng ảo giác bên trong. Phóng dật cũng chính là hướng ngoại tìm cầu lý tưởng cao siêu không thực tế nên đối nghịch với tinh tấn - thường trở về với thực tại thân tâm. Phóng dật thường đi với thất niệm, bất tại và không tỉnh giác biết mình hay không sáng suốt tỉnh thức. Do đó tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác nghĩa là thường trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm thì sẽ không còn phóng dật, thất niệm và mất tỉnh giác tự tri nữa.

Chân Không Diệu Hữu

Pháp là chân không mà cũng là diệu hữu, nên "có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không". Hoặc"Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp" Vậy thì thật sự pháp có hay không đây? Được hỏi về điều này đức Phật dạy "Đối với pháp dù nói có, không, vừa có vừa không, không có không không đều không áp dụng được". Bởi người chưa giác ngộ thì nói không nói có đều sai, người giác ngộ thì nói có nói không đều đúng.

... ngay tại đây và bây giờ có thấy ra sự thật như nó đang là (như thị) hay không mà thôi, còn nói có nói không cũng chỉ là lời nói rỗng không, vô bổ...


Cách tốt nhất để xả stress

Thư giãn buông xả là cách tốt nhất để xả stress hay căng thẳng. Căng thẳng có nhiều lý do, nếu biết lý do sự căng thẳng hiện tại là gì chỉ cần rút bỏ nguyên nhân ấy là được, giống như cơm sôi thì bớt lửa để khỏi trào vậy. Căng thẳng có thể do tham, do sân, do tâm tán loạn không tập trung được, do sợ hãi, lo lắng, do vội vàng, hấp tấp, do công việc bị dồn động, do đánh mất trật tự thời-vị-tính của pháp v.v... Vậy tùy nguyên nhân mà ứng xử cho thích hợp với tình huống của từng trạng thái căng thẳng.


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch