Thiền học
Thiền trong đời thường
Tác giả: Thích Thông Huệ
24/02/2010 05:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KẾT LUẬN

Bất cứ con đường nào cũng có chông gai trở ngại, nhất là đường tu. Người tu chúng ta thường mắc vào hai bệnh: Một là sợ sự xáo động cám dỗ của trần cảnh nên muốn tìm nơi yên vắng, và chấp thủ vào trạng thái tịch mặc trong công phu. Hai là nhờ duyên lành, gặp thầy bạn tốt dạy yếu lý của Đạo và những kinh nghiệm hành trì, nhưng lại chấp vào những kiến thức vay mượn ấy làm trí tuệ của mình. Thật ra, trạng thái yên định của tâm khiến ta thấy vô cùng an lạc, nhất là khi quá mệt mỏi chán ngán với sự đua chen lừa lọc ở trường đời. Con đường của Bồ-tát là chấp nhận sóng gió của đời thường, trong cái động tìm sự bình an, trong khổ đau tìm hạnh phúc. Bình an hạnh phúc ấy mới thật sự có ý nghĩa tuyệt đối, là Niết-bàn Bảo sở.

   Trong thế giới hiện thực chúng ta đang sống, thiện và ác, tốt và xấu là hai phạm trù đối lập nhau, nhưng sự có mặt của cả hai mới làm nên cuộc đời. Ngay trong bản thân chúng ta cũng có hai yếu tố Thánh-phàm, luôn là một trường xung đột giữa hai thế lực hướng thượng và hướng hạ. Người tu chán chỗ ồn náo, lánh vào cảnh giới an lạc trong Thiền định; đó là một khích lệ lớn trên đường xa vạn dặm, nhưng chỉ là nơi nghỉ tạm chứ chưa phải đích đến cuối cùng. Nội dung tâm chứng của một hành giả không phải biểu hiện bằng trạng thái định sâu mà là sự tự tại an nhiên trước mọi hoàn cảnh thuận nghịch đời thường.

   Vay mượn tri thức là bước đầu cần thiết để chúng ta có sự hiểu biết cơ bản về phương pháp hành trì. Nhưng tri thức ấy không dính dáng đến chứng nghiệm tự thân, không giúp ta giải thoát. Khi nghe giảng về sự huyễn mộng của cuộc đời, ta rất tâm đắc  rất cảm khái ; và ngay lúc ấy có thể từ bỏ tất cả tài sản danh vọng, sống đời thanh đạm như Đức Phật ngày xưa. Nhưng sau buổi giảng về nhà gặp chuyện tranh chấp mất mát, ta cũng sân si phiền não không kém một ai. Cho nên, nếu không có công phu thật sự, thì dù lý thuyết giỏi, kiến giải hay đến bậc nào, cũng chỉ là vay mượn của người khác. Người trí thức buổi đầu vào đạo thường tiến rất nhanh, hiểu pháp rất kỹ; nhưng công phu một thời gian thường vấp vào Sở tri chướng, chướng ngại do chấp chặt vào sự hiểu biết của mình. Nhờ có trí hữu sư, ta không bị dẫn lôi vào tà kiến mê tín, nhưng nếu mãn nguyện vào sở học mà không quán xuyến đời sống nội tâm thì càng học nhiều, ngã chấp càng dữ dội. Đây là điều cần cảnh giác.

   Có thể nói, bí quyết của sự thành công trên đường đạo là tinh thần Bi - Trí – Dũng. Bi là tình thương bình đẳng vô điều kiện đối với mọi người mọi vật ; Trí là nhận thức khách quan và thấu triệt bản chất muôn pháp ; Dũng là chiến thắng những cám dỗ của tiền trần và những đòi hỏi quá đáng của thân tâm. Chúng ta là phàm phu, không phải dễ dàng gì đạt được mẫu mực của Phật – Tổ, nhưng cần xem tinh thần nầy như kim chỉ nam trong cuộc sống. Chúng ta không phải không phạm sai lầm, quan trọng là thấy được lỗi mình và dốc lòng chừa bỏ, đồng thời thông cảm những lỗi lầm của người. Ngạn ngữ có câu “Nước trong quá không có cá, người xét nét quá không có bạn”. Cá không thể ở chỗ nước quá trong, người cầu toàn quá không ai dám gần. Huynh đệ đồng tu, nếu có gì không ổn mà cùng chịu nhún nhường, thông cảm lẫn nhau thì chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Người làm ta đau khổ nhất chính là ta chứ không phải ai khác, bởi vì khổ là do kiết sử, ràng buộc của nghiệp lực. Chính ta là người tạo nghiệp nhân, và cũng chính ta phải gánh chịu hậu quả, còn người khác và hoàn cảnh bên ngoài chỉ là trợ duyên cho tiến trình nhân quả ấy. Nếu ta không chánh niệm tỉnh giác trên từng động dụng của thân- tâm-cảnh, tự kiểm lại bản thân để hoàn thiện mình, thì phải chịu bất an mãi không thôi. Chúng ta như con thuyền lênh đênh trên biển đời, vây quanh có biết bao cám dỗ của ngũ dục lục trần, phải tự mình chèo chống, tự mình đối mặt với hiểm nguy để tìm về bến bờ hạnh phúc chân thật.

   Theo tôn chỉ Thiền tông, Thiền phải hiện hữu ngay trong những sinh hoạt thường ngày. Thiền là trở về mảnh đất hiện thực , nhằm biểu hiện sức sống vĩnh cửu trong dòng biến thiên của vạn pháp. Cho nên, tu Thiền là phải sống, phải bơi lội trong dòng biến thiên ấy; và bằng công phu tu tập của bản thân, ta sẽ nhận ra một trật tự ổn định trong dòng chảy vô định, một sự bình an trong cái cuồng loạn sục sôi của vũ trụ, một sự vĩnh hằng trong cái vô thường của cuộc sống. Nhận rõ điều nầy, hoàn cảnh xung quanh, mọi vật xung quanh sẽ trở thành những kỳ quan vĩ đại, và ta kinh ngạc biết chừng nào khi thấy Niết–bàn Tịnh-độ cũng chỉ ở tại đây và bây giờ!

   Như thế, Thiền tập là con đường mà mỗi hành giả phải tự mình cất bước, nếu muốn tìm về bản thể của chính mình, nếu muốn hưởng hạnh phúc đích thực. Người biết đạo phải nương về cái vô nhất vật chứ không nương vào thân ngũ uẩn sanh diệt hay trần cảnh vô thường; đồng thời nhận rõ đâu là phương tiện đâu là cứu cánh, để không vội thỏa mãn ở Hoá thành. Khi công phu có một ít kết quả, ta không khoa trương cho người khác biết, vì đó là điều kiện nuôi lớn bản ngã. Ta cũng không hy vọng thấy điều gì kỳ diệu, vì tâm mong cầu sở đắc là một ràng buộc mới, có thể dẫn ta vào đường tà lối rẽ. Đạo là những gì rất bình thường, như hơi thở, như cơm ăn, chứ không phải thần thông phù phép hay những hành động khác đời. Phô trương những hình thái phong cách lạ thường chỉ là những phương tiện kinh doanh, cốt để người khác nể phục  và cung phụng tài vật. Người tu chân chính trước tiên phải nhận định rõ và chọn lựa pháp tu thích hợp, rồi tinh tấn hành trì bằng ý chí vững chắc và lòng kiên nhẫn trường kỳ. Càng tu càng thấy an lạc, ngã chấp càng bị bào mòn, càng vững vàng trầm tĩnh trước mọi thử thách khó khổ, ấy là tu có kết quả.

   Tóm lại, điều quan yếu trong công phu thiền tập là từ bỏ những đam mê đối với cuộc sống, chứ không phải trốn chạy cuộc sống. Mọi sự vật hiện tượng trên thế gian tuy có hình tướng nhưng chỉ là duyên sinh giả hợp, bản chất của chúng là Không. Do tâm ta thiên biến vạn hóa nên thấy các pháp thiên hình vạn trạng, còn pháp tánh thì bình đẳng không khác. Đây là điều chúng ta nên tự chiêm nghiệm một cách sâu sắc ; và khi thấu triệt, ta sẽ thấy rõ rằng, ngay trần lao mà tâm không dính mắc, thế mới là Sống thiền. Chúng ta có toàn quyền quyết định số phận mình, con đường mình phải đi, có toàn quyền đảm trách việc khám phá chính mình và toàn thể vũ trụ. Vũ trụ mầu nhiệm sẵn sàng mở rộng cho người đã dứt bặt mọi vọng tưởng đảo điên, sống bằng thể tánh thanh tịnh sẵn đủ.

   Chúng ta được nghe Phật pháp, không phải chỉ có duyên trong một kiếp nầy. Nghe mà hiểu là duyên sâu hơn, nghe hiểu mà nhận và tu theo lại càng hiếm hoi hơn nữa. Nhất là trong thời đại vật chất hiện nay, con người có khuynh hướng đuổi theo khoái lạc thế tục, thì người biết tu hành theo chánh pháp là người có chủng tử Bát-nhã đã nhiều đời. Chúng ta đang sống trong thời mạt pháp, nhưng may mắn vẫn còn Phật pháp lưu truyền, vẫn có người tu và chứng ngộ. Vì thế, ta phải trân quý từng giờ phút mong manh, tinh cần công phu để một ngày thể nhập chân lý Thiền, hội ngộ cùng chư Phật.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch