Thiền học
Căn bản thiền tập
Tác giả: Thích Thông Huệ
24/02/2010 04:55 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CẨM NANG CHO NGƯỜI TU THIỀN

Trước khi đi sâu vào công phu thiền tập, những thiền sinh cần lưu ý một số vấn đề cơ bản, để lúc dụng công khỏi vướng phải những trở ngại không đáng có. Nhiều người rất nhiệt tâm, rất tinh tấn tu hành nhưng lại không đạt được kết quả mong muốn; đó là vì không được hướng dẫn cặn kẽ hoặc chỉ tự học tự tu, nên dễ thất bại hoặc đi lầm vào ngã rẽ. Do vậy, năm phương pháp điều hòa sau đây có thể được xem như hành trang cần thiết cho các hành giả tu thiền:

1. Điều ẩm thực.

2. Điều thụy miên.

3. Điều thân.

4. Điều tức.

5. Điều tâm.

I. Điều ẩm thực

Người xưa có câu: “Họa tùng khẩu xuất, Bệnh tùng khẩu nhập” (Tai họa từ miệng mà ra, Bệnh hoạn từ miệng mà vào). Nếu lúc nói năng không cẩn thận, không cân nhắc điều gì đáng nói điều gì không đáng nói, có thể gây tai họa cho chính mình. Nếu ăn uống bừa bãi, không hợp lý và hợp vệ sinh, thân thể dễ mắc bệnh và ảnh hưởng cả đến tinh thần. Vì thế, điều hòa chế độ ăn uống là vấn đề quan trọng cho tất cả mọi người, càng quan trọng hơn đối với những thiền sinh.

Điều ẩm thực có ba khía cạnh cần lưu ý:

* Một là, không nên ăn quá no và quá nhiều bữa. Bình thường, trong gia đình có ba bữa ăn mỗi ngày, không kể những bữa phụ khoảng xế chiều và khuya ở những gia đình khá giả. Trong ba bữa chính, bữa ăn sáng ít được coi trọng nên gọi là “điểm tâm”; bữa trưa, nếu công việc phải làm theo ca, có thể chỉ ăn qua loa vài thứ gì đó. Đến chiều, cả nhà tề tựu, có thời gian rộng rãi, mọi người mới thật sự thưởng thức một bữa ăn đúng nghĩa. Cho nên, các quán ăn, nhà hàng thường đông khách vào buổi chiều và tối. Cách ăn uống như vậy có hợp lý không?

Các nhà Dinh dưỡng học từ lâu đã chứng minh, phần lớn bệnh tật phát sinh do ăn uống không hợp lý: Bệnh béo phì do ăn quá độ, bệnh Xơ vữa động mạch và Tăng Cholesterol máu do ăn nhiều mỡ động vật; chưa kể đến các bệnh xơ gan do rượu, ung thư phổi do thuốc lá hoặc một số bệnh ung thư khác do ăn quá nhiều thịt nướng... Đây là hậu quả của sự hưởng dục. Mặt khác, theo quan niệm Y học hiện đại, bữa ăn chính là sáng và trưa, vì con người đã trải qua một đêm không ăn, sáng phải làm việc nhiều nên cần bù đắp đủ năng lượng cho cơ thể, nhờ vào bữa “điểm tâm”; còn bữa trưa dùng để cung cấp năng lượng cho buổi chiều lao động. Đối với bữa ăn chiều, không nên ăn nhiều vì dạ dày căng quá sẽ gây khó ngủ, hoặc giấc ngủ sẽ nặng nề, nhiều mộng mị. Ngoài ra, thức ăn được cung cấp trong những giờ chiều và tối thường biến thành chất mỡ dự trữ, vì ban đêm con người ít tiêu hao năng lượng. Đây là lý do khiến dễ phát sinh bệnh béo phì.

Những hành giả tu thiền thường có kinh nghiệm trong vấn đề ẩm thực. Khi ăn no mà ngồi thiền ngay, dễ bị hôn trầm và dạ dày quá căng làm cản trở sự hô hấp, hơi thở không được dài sâu và thông nhẹ. Từ đó, tâm khó an, khó đạt được trạng thái nhập tĩnh. Buổi chiều nếu ăn no, thời tọa thiền ban đêm rất dễ bị vô ký hay hôn trầm, và sáng sớm ngày mai cũng vẫn còn thấy lơ mơ, không tỉnh táo. Vì thế, ở các thiền viện trong hệ phái của Hòa thượng Trúc Lâm, buổi chiều các vị chỉ dùng các thức ăn nhẹ như sữa, bột hoặc cháo.

* Khía cạnh thứ hai, lại là một cực đoan khác. Một số người chủ trương, muốn diệt dục phải hành hạ, đè ép thân xác, nên nhịn đói dài ngày hoặc mỗi ngày chỉ ăn một bữa vừa đủ cầm hơi. Đức Phật, trong quá trình tìm đạo, cũng đã trải qua sáu năm khổ hạnh trong rừng già; nhưng cuối cùng Ngài tuyên bố, đây không phải là con đường đúng đắn đưa đến giác ngộ giải thoát. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ dưỡng chất, lâu ngày sẽ bị suy nhược, sức đề kháng đối với bệnh tật giảm thiểu. Thân suy nhược thì tinh thần đâu còn minh mẫn, hiệu năng lao động không cao, nói chi đến việc phát triển trí tuệ. Cho nên, chúng ta cần đi theo Trung đạo, không hưởng dục mà cũng không khổ hạnh. Thân thể như một phương tiện đưa chúng ta đến mục đích cuối cùng, ta không cưng chìu nô lệ cho nó nhưng cũng không đè nén hành hạ nó.

* Vấn đề thứ ba, cũng là vấn đề nan giải của thời đại văn minh cơ khí. Người ta đã sử dụng quá nhiều hóa chất, từ khâu trồng trọt hoặc giết thịt, đến công đoạn thu hoạch hay chế biến, cốt để sản phẩm bảo quản được lâu, có màu sắc và hương vị hấp dẫn... Chúng ta đã biết có nhiều vụ ngộ độc thức ăn gây tử vong hàng loạt, như nhiễm thuốc trừ sâu gốc Phosphor hữu cơ do xịt thuốc trong rau, nhiễm độc hàn the trong nem chả hay củ cải, củ kiệu chua... Chưa nói đến sự ô nhiễm môi trường và nguồn nước, gây ra rất nhiều trường hợp nhiễm trùng hoặc độc tố vi trùng từ thức ăn không vệ sinh. Gần đây, chúng ta đã nghe thông báo về dạng bệnh C.Jakob ở người ăn thịt bò điên ở Anh, hoặc nguy cơ ung thư do ăn thịt gà và trứng gà nhiễm Dioxin ở Bỉ. Ngoài ra, tác hại của bột ngọt trên các hệ thần kinh, tiêu hóa và tim mạch cũng đã được chứng minh. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật, chúng ta phải có một số kiến thức nhất định về vệ sinh và an toàn thực phẩm, không sử dụng những thức ăn không phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

Ở đây, cũng cần bàn qua về khuynh hướng ăn chay, hiện nay đã lan rộng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại các nước Âu Mỹ. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy tính chất ưu việt của thực phẩm thực vật đối với sức khỏe của con người. Trước nhất, hệ tiêu hóa của người, nhất là phần ruột non và ruột già có cấu tạo giải phẫu thích hợp cho sự tiêu hóa và chuyển hóa thực vật hơn động vật. Các loại rau có nhiều chất xơ làm tăng nhu động ruột, giúp tránh chứng táo bón là nguyên nhân của bệnh trĩ và ung thư đại tràng. Về phương diện bổ dưỡng, thực phẩm thực vật có đầy đủ dưỡng chất không kém gì động vật, lại được cơ thể dung nạp tốt hơn và ít độc hại hơn. Nhất là đậu nành, có thành phần đạm (protein) tương đương thịt cá, giàu acid béo thiết yếu, chứa Phytoestrogen có tác dụng làm hạ Cholesterol máu.

Những kết quả nêu trên giải thích được vì sao số người ăn chay sức khỏe tương đối được ổn định. Nhà bác học Einstein, tác giả thuyết Tương đối đã nói: “Ăn chay rất có lợi cho sự tiết chế dục vọng và sự thay đổi cuộc sống”. Bác sĩ Barbara More, vô địch chạy việt dã trong Thế vận hội 1949 lúc 56 tuổi, là một người ăn chay trường, cũng như lực sĩ Cliff Young người Úc đã đoạt sáu giải thưởng về môn chạy đường trường trên thế giới.

Đối với người tu, ăn chay còn có một ý nghĩa cao cả hơn. Trong quá trình luân hồi dài, mọi chúng sanh đều có thể có sự liên hệ huyết thống, vì nghiệp duyên nên mang những hình tướng khác nhau, và vì vô minh cách ấm nên không nhớ những ràng buộc thân cận ở các kiếp trước. Nếu chúng ta ăn thịt cá, biết đâu vô tình chúng ta ăn phải thịt của bà con quyến thuộc. Một điểm nữa, Phật dạy tất cả muôn loài đều có Phật tánh bình đẳng không hai không khác. Chúng ta có thể nào hủy hoại mạng sống của những sinh vật ngang hàng với mình? Các thiền sinh khi quán chiếu thấy rõ tự tính bình đẳng của vũ trụ nhân sinh, tất nhiên phát khởi tâm đồng thể đại bi, sẽ cảm nhận sâu sắc những điều này không khó. Mạnh tử nói: “Kiến kỳ sinh, bất nhẫn kiến kỳ tử; Văn kỳ thinh, bất nhẫn thực kỳ nhục”. Thật vậy, nếu đã nhìn thấy động vật lúc còn sống thì không thể nhẫn tâm nhìn chúng chết; cũng như khi nghe tiếng kêu thảm thiết của chúng thì làm sao ta có thể nhẫn tâm ăn thịt chúng được?

Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta phải tuyệt đối ăn chay mới tu được. Đây cũng là một quan niệm cực đoan biên kiến. Ăn chay có lợi cho sức khỏe, giúp phòng tránh một số bệnh tật và nhất là để trưởng dưỡng lòng từ bi, nhưng không phải đó là điều kiện tiên quyết đối với người tu, ngay cả tu thiền. Thời Đức Phật còn tại thế, cũng như các vị Tu sĩ Nam Tông, vẫn dùng được ngũ tịnh nhục[1], và tu hành vẫn đạt được những kết quả rất cao. Vì không có tác ý nên không phạm tội sát sinh, lòng từ bi không bị tổn hại. Hàng cư sĩ tại gia còn nhiều ràng buộc trong gia đình và ngoài xã hội, cũng nên khéo tùy duyên thế nào để vừa phù hợp với đạo đức, vừa không ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.

II. Điều thụy miên

Là thiền sinh, chúng ta cần có điều độ về vấn đề ngủ nghỉ. Ngủ là trạng thái nghỉ ngơi của ý thức, tức của vỏ não. Nếu thời gian ngủ không đầy đủ, trí óc làm việc quá độ sẽ bị mệt mỏi, lâu ngày ảnh hưởng đến năng suất hoạt động. Nhiều trường hợp đột tử do stress cũng là hậu quả của sự căng thẳng thần kinh và sự thiếu ngủ trầm trọng trong thời gian dài. Ngược lại, người ngủ nhiều quá lại làm giảm sự nhạy bén, trí thông minh và sức phán đoán trước các tình huống bên ngoài.

Ở đây, chúng ta cũng cần biết một vài điều liên quan đến giấc ngủ, để tự mình có thể điều chỉnh nhịp độ sinh học cho chính mình. Bởi vì, trong cuộc sống hối hả với cường độ lao động cao, nhiều loại hình giải trí gây căng thẳng kích động thần kinh hơn là làm yên tĩnh thoải mái, chưa kể những xáo trộn bất an của trật tự xã hội bên ngoài, con người khó thể tìm được sự bình ổn cho thể chất và tinh thần. Bệnh mất ngủ vì vậy đã chiếm một tỷ lệ khá cao, nhất là ở người lớn tuổi và làm việc trí óc. Và chỉ tính riêng ở Mỹ, các tai họa do thiếu ngủ gây ra đã làm 25.000 người thiệt mạng, gây thương tật vĩnh viễn cho 2,5 triệu nạn nhân và tổn thất đến 56 tỷ Mỹ kim mỗi năm! Chúng ta còn nhớ vụ nổ phi thuyền con thoi Challenger khi mới rời khỏi mặt đất 2 phút, làm toàn bộ phi hành đoàn 7 người tử vong, trước sự chứng kiến của hàng triệu khán giả đang xem trực tiếp truyền hình. Nguyên nhân vụ nổ rất đơn giản: 13 vị quản đốc then chốt đã phải tăng giờ làm việc căng thẳng trong một thời gian dài, mỗi đêm chỉ ngủ được 4 tiếng. Do thiếu ngủ, không nhận ra những điểm bất tường qua các số liệu thống kê, các vị đã sai lầm khi quyết định ra lệnh phóng phi thuyền!

Như vậy, giấc ngủ rất quan trọng cho sự sống của sinh vật nói chung và loài người nói riêng. Số giờ ngủ mỗi ngày tùy theo lứa tuổi và theo từng cá nhân, nhưng trung bình là 8 tiếng (1 tiếng vào buổi trưa và 7 tiếng buổi tối); trừ những trường hợp đặc biệt, có thể ngủ ít hơn với giấc ngủ sâu, cũng có thể đầy đủ đối với nhu cầu của cơ thể. Các vị tu thiền đạt được tình trạng an định, thường không cần ngủ nhiều mà vẫn mạnh khỏe, tinh thần vẫn rất sáng suốt. Giờ đi ngủ tốt nhất là bắt đầu từ lúc 21 - 22 giờ, vì một tiếng đồng hồ ngủ trước 12 giờ khuya có chất lượng gấp đôi so với giờ ngủ sau 12 giờ. Tại các Thiền viện, giờ an nghỉ ban đêm bắt đầu từ 21 giờ 30 đến 3 giờ 30, các vị có thể tọa thiền mà vẫn tỉnh táo, khỏe khoắn. Dấu hiệu cho biết có ngủ đủ hay không, là sự tươi tỉnh và thoải mái vào ban ngày.

Đối với người lớn tuổi, thời gian và chất lượng giấc ngủ thường kém hơn người trẻ. Đây là hiện tượng sinh lý tự nhiên, nếu không ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Nếu mất ngủ thường xuyên hoặc rối loạn giấc ngủ (thường thức giấc giữa đêm và khó dỗ giấc ngủ trở lại), trước nhất chúng ta nên áp dụng một số biện pháp không dùng thuốc như sau:

1. Tập đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm nhất định.

2. Tránh uống các loại kích thích thần kinh vào buổi chiều và tối như cà phê, trà, nước giải khát có coca như Coca-cola, Pepsi...

3. Chuẩn bị chỗ ngủ thích hợp nếu có điều kiện, tránh nóng hay lạnh quá, giảm thiểu ánh sáng và tiếng động. Trong bóng tối, chất Melatonin được tiết ra khiến con người dễ vào giấc ngủ. Nếu nhiều ánh sáng, sự tiết Melatonin bị ức chế gây khó ngủ.

4. Phòng ngủ và giường ngủ chỉ là nơi để ngủ không phải để làm việc hay giải trí. Vì thế, không xem sách báo hay giải quyết công việc làm khi đã chuẩn bị đi ngủ, càng không nên để các máy truyền hình, video, cassette trong phòng ngủ. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy sự tác hại của trường điện từ phát sinh từ những máy móc điện tử, đối với giấc ngủ và với sức khỏe của con người, khi đặt chúng gần chỗ ngủ.

5. Không nên để quá no hoặc quá đói trước khi đi ngủ. Giữa ăn uống và ngủ nghỉ có sự liên hệ mật thiết. Buổi chiều nếu dùng các thức ăn nhẹ, chúng ta có thể chỉ cần ngủ 5 - 6 tiếng, thức dậy vẫn tỉnh táo. Nếu chiều ăn quá no, đêm đó dù ngủ nhiều, chúng ta vẫn thấy mệt mỏi uể oải.

6. Người thường xuyên khó ngủ về đêm, nên tránh ngủ trưa, chỉ nằm nghỉ ngơi mà thôi. Nếu ban đêm ngủ được thì giấc ngủ ngắn vào buổi trưa lại có lợi cho sức khỏe.

7. Tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ đều đặn hàng ngày, nhưng tránh vận động thể dục trước khi ngủ vì gây kích thích thần kinh. Đối với các thiền sinh, việc tọa thiền là một phương pháp tuyệt hảo giúp phòng chống căng thẳng, kích động tinh thần, ổn định về tâm-sinh lý và điều hòa các cơ quan chức năng trong cơ thể.

8. Nếu trằn trọc lâu vẫn không ngủ được, thử áp dụng kỹ thuật Bootzin: Rời khỏi giường, đi sang phòng khác và ngồi đó cho đến khi cảm thấy buồn ngủ mới trở lại giường. Trong đêm có thể làm như vậy nhiều lần cho đến lúc ngủ được. Mục đích để tập một phản xạ: giường ngủ không phải là nơi nằm trăn trở qua lại, mà là nơi để ngủ một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Bên cạnh các biện pháp trên, chúng ta có thể sử dụng các cây thuốc theo kinh nghiệm dân gian có tính an thần, như tim sen, nhãn lồng, cây trinh nữ, lá vông nem..., sắc hay nấu nước uống hàng ngày. Đối với các thuốc Tây y, chỉ nên dùng khi có ý kiến của thầy thuốc, vì có nhiều tác dụng phụ ngoại ý.

III. Điều thân

Nói chung, điều thân gồm điều hòa qua 4 oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi; lúc tĩnh cũng như lúc động; khi nghỉ ngơi cũng như khi làm việc. Mọi thời điểm, mọi nơi chốn, dù chỉ có một mình hay nơi chỗ đông người, chúng ta đều phải có một phong thái ung dung, thảnh thơi của một thiền sinh biết an trú tâm vào giờ phút hiện tại.

Người xưa thường dùng câu: “Hành như hổ, tọa như sơn(Đi như cọp, ngồi như núi) để diễn tả cách đi đứng nhẹ nhàng và cách ngồi vững chãi ngay ngắn của người có sức tự chủ cao. Một hành giả tu thiền, khi tâm định tĩnh, tinh thần lực mạnh mẽ, cũng toát lên một vẻ an lạc và vững vàng như thế.

Điều thân có nhiều vấn đề rất chi ly, nhưng tựu trung vẫn phải ở trong Trung đạo. Đối với tứ sự (ăn, mặc, ở, bệnh), chúng ta phải khéo tùy duyên, thọ dụng thế nào cho thích hợp với đặc điểm bản thân và với môi trường chúng ta đang sống. Nhất là người tu, cần có sự tỉnh giác trong cách nói năng, giao tiếp, làm sao vừa đảm bảo oai nghi tế hạnh lại vừa trọn vẹn ý nghĩa Đồng sự nhiếp. Mới nghe, chúng ta nghĩ đây là điều khó thực hiện, nhưng nếu có công phu thiền tập, chúng ta tự nhiên sẽ có sức sống rạt rào và lại uyển chuyển phù hợp với cuộc đời. Ngay cả khi đau ốm, chúng ta vẫn biết rõ nỗi khổ sở của thân, nhưng nhờ thắp sáng chánh niệm trên cơn đau, theo dõi cơn đau từ lúc hình thành đến khi biến mất, chúng ta có thể ôm ấp nó, và cuối cùng chuyển hóa nó. Đây là cách tu trong hoàn cảnh bệnh tật. Nói như thế, không có nghĩa là khi đau ốm, chúng ta không lo điều trị thuốc thang; càng không phải dùng thiền định như một phương tiện chữa bệnh. Ngày xưa, đức Phật vẫn có y sĩ chăm sóc sức khỏe cho Ngài và các vị đệ tử; thì ngày nay, khi bệnh tật gia tăng về chủng loại và về mức độ trầm trọng, liên quan đến sự ô nhiễm môi trường và lối sống buông thả hưởng thụ, chúng ta há không cần đến sự giúp đỡ của đội ngũ các thầy thuốc được sao?

Một điểm rất quan trọng trong điều thân đối với các thiền sinh, là vấn đề tọa thiền. Có người chủ trương, thiền là phải áp dụng trong mọi thời mọi lúc, nên xem nhẹ việc tọa thiền. Có người dùng câu nói của Lục Tổ Huệ Năng “Đạo do tâm ngộ chứ không phải do ngồi” hoặc câu chuyện “mài gạch không làm thành gương, như ngồi thiền không thành Phật được” của Tổ Nam Nhạc khai thị cho Mã Tổ Đạo Nhất, để bài bác qui định nghiêm nhặt về thời khóa tọa thiền tại các Thiền viện. Thật ra, đối với người đã ngộ được bản tâm thanh tịnh của chính mình, hàng giây phút sống miên mật với nó, thì đó đã là thiền, không cần ấn định tư thế hoặc thời điểm công phu. Còn đối với những người sơ cơ, nhất là các Phật tử, nhiều gia duyên ràng buộc, sáu căn luôn dính mắc với sáu trần, nếu không có những giờ yên tĩnh tránh duyên, làm sao nhìn rõ những vọng tưởng hư dối từ lâu lôi kéo mình vào vòng sinh tử?

Tùy theo hoàn cảnh và sức khỏe, chúng ta có thể sắp xếp tọa thiền từ 1 đến 3 lần mỗi ngày. Những chi tiết về phương pháp công phu, chúng ta sẽ khảo sát trong các mục sau. Nói chung, cần chú ý tư thế lúc tọa thiền: Thế ngồi vững chãi và khoan thai, khuôn mặt tươi vui và từ hòa. Suốt thời gian ngồi thiền, thân phải bất động. Đây là cách làm chủ được thân để tiến đến làm chủ tâm. Nếu có điều kiện, nên tổ chức cộng tu. Nhiều bạn đạo cùng tọa thiền, nhờ tâm lực của đại chúng có thể phát sinh một từ trường rất có ích. Khi thân bất động, tâm không dong ruổi theo các pháp cũng không vô ký hay hôn trầm, sẽ dễ dàng đạt được trạng thái nhập tĩnh. Lúc ấy, tất cả chức năng của cơ thể đều hoạt động chậm lại nhưng đều đặn và thông suốt, khí huyết vận hành tốt hơn. Đây là một điều lạ vì thông thường, chúng ta tưởng khi thân hoạt động thì các cơ quan tạng phủ sẽ làm việc tốt hơn lúc thân ngồi bất động. Nhưng ai có công phu đều thấy rõ, khi ngồi đúng phương pháp và có kết quả, một lúc lâu chúng ta sẽ cảm giác được hơi ấm tỏa lan khắp châu thân. Lúc xả thiền, chúng ta thấy khỏe khắn, thoải mái, tinh thần minh mẫn và hăng say làm việc. Điều này giải thích tại sao trong các cơ quan xí nghiệp ở Âu Mỹ và Nhật bản, thậm chí trong các trại giam, người ta tổ chức tọa thiền mỗi ngày trước giờ làm việc. Kết quả là năng suất lao động cao hơn, kỹ luật được tuân thủ tốt và tỉ lệ các phạm nhân trốn trại hoặc tái phạm tội giảm đi đáng kể.

IV. Điều tức.

Điều tức là điều tiết hệ hô hấp, biểu hiện trên hơi thở. Sự điều hòa này tế vi hơn ba phần nói ở trên; và chỉ khi điều hòa được những cái thô, lần lần mới có thể ảnh hưởng trên các lĩnh vực vi tế là hơi thở và tâm.

Hơi thở được chia làm 4 tướng:

a) Phong tướng: Hơi thở thô, phát ra âm thanh phì phò, thân cử động theo hơi thở ra vào, người bên cạnh có thể nhận thấy. Đây là tướng không tốt, biểu hiện sự không thông suốt ở đường hô hấp. Thường thấy ở người bị suyễn, viêm phế quản mãn tính và chưa biết phương cách điều tức.

b) Suyễn tướng: Hơi thở không phát ra âm thanh nhưng có vẻ ngưng trệ, ra vào khó khăn. Nguyên nhân có thể do ăn quá no, suy nhược cơ thể, một số bệnh tim mạch và hô hấp. Hai tướng trạng trên đây không nên có ở thiền sinh, cần tìm nguyên nhân để giải quyết.

c) Khí tướng: Hơi thở không phát ra âm thanh, ra vào thông suốt, nhưng chưa đạt được trạng thái tế vi và điều hòa. Đây là loại hình thường thấy nhất, nhưng đối với thiền sinh, khí tướng chưa phải là tướng thở tốt.

d) Tức tướng: Đây mới đúng là tướng cần có của hơi thở. Người có tức tướng, lúc thở ra vào không phát ra âm thanh, thông suốt, nhẹ nhàng, điều hòa và dường như có dường như không. Hành giả lúc tọa thiền, chánh niệm trên hơi thở, tức bám sát nhận diện mà không cưỡng ép nó, tự nhiên sẽ thở sâu, chậm lại và nhẹ nhàng. Khi định đã sâu, hơi thở rất êm nhẹ như có như không, người bên cạnh khó thể nhận biết. Lúc hành giả đến được giai đoạn này, tức đến trạng thái cuối cùng của định, có thể bặt luôn hơi thở và giữ nguyên hiện trạng trong thời gian dài mà vẫn sống.

Theo Trí Khải Đại Sư: “Giữ phong thì tán, giữ suyễn thì kết, giữ khí thì nhọc, giữ tức thì vào định”. Nếu hơi thở theo phong tướng, tâm sẽ tán loạn; theo suyễn tướng thì không khí ra vào bị ngưng trệ, không thông suốt; giữ khí tướng tức còn dùng sức tâm duy trì trên hơi thở, nên gây mệt nhọc nếu tọa thiền lâu. Ở tức tướng nghĩa là vào định, hành giả thấy nhẹ nhàng an lạc nên muốn duy trì mãi trạng thái này, vì không có gì trên đời có thể so sánh được. Thật vậy, chỉ mới ở mức độ Sơ thiền, hành giả đã cảm nhận một sự an lạc bằng 16 lần hơn những khoái cảm của ngũ dục.

Về phương diện y học, chúng ta biết con người là một hệ thống hoàn chỉnh, và mỗi bộ phận đều có liên hệ hỗ tương với những bộ phận khác trong cơ thể. Đặc biệt là hệ hô hấp, có thể xem là một bộ phận quyết định của sự sống. Khi thở vào, chúng ta đưa dưỡng khí (Oxy) vào phổi, từ đây hệ tuần hoàn sẽ đưa khí này đến nuôi tất cả các tế bào trong cơ thể. Chất thán khí (CO2) thải ra từ quá trình chuyển hóa sẽ được dòng máu chuyển tải đến phổi và thở ra ngoài. Nếu hô hấp ngừng lại, tất cả các bộ phận khác đều ngưng hoạt động, con người sẽ tử vong. Vì thế, điều hòa hơi thở là một vấn đề quan yếu cho cả thân lẫn tâm. Điều tức có kết quả sẽ giúp phòng chống được nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, tiêu hóa; đặc biệt là một liệu pháp tốt ngừa chứng căng thẳng thần kinh (stress) đang chiếm một tỷ lệ khá cao trên thế giới.

V. Điều tâm

Điều tâm là điều hòa và chế ngự loạn niệm, tức những tư tưởng lăng xăng lộn xộn tiếp diễn mãi không dừng. Khi tâm an định, hành giả vẫn tỉnh táo nhưng không loạn động, yên tĩnh nhưng không vô ký. Lúc này, vỏ não không hoạt động, nhường chỗ cho trung não, nên ý thức lặng nghỉ và trực giác phát sinh. Hành giả cảm nhận một sự khinh an hỉ lạc diệu kỳ, và chính trạng thái này kích thích vị ấy tiếp tục miên mật công phu. Có thể nói, nhập định là một tình trạng toàn bích của tinh thần, giúp tăng cường ký ức và trí thông minh, kiện toàn về tâm-sinh lý, đồng thời có tác dụng tốt lên tất cả các bộ phận khác của cơ thể. Người có công phu thiền tập rất nồng nhiệt với cuộc sống, năng suất lao động cao và trầm tĩnh trước những thử thách trở ngại thường ngày. Họ cảm thấy hạnh phúc dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, nên muốn san sẻ niềm hạnh phúc ấy cho mọi người xung quanh. Đây là tiền đề của lòng từ bi - ban vui và cứu khổ.

Điều tâm là lĩnh vực vi tế nhất và quan trọng nhất đối với một thiền giả. Nhà Thiền nói: “Ngoài tâm cầu Phật là ngoại đạo”. Chúng ta đều biết, lúc Phật thành đạo dưới cội cây Tất-bát-la sau 49 ngày đêm thiền định, Ngài đã thốt lên rằng: “Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có bản tâm thanh tịnh thường nhiên, cớ sao cứ mãi trôi lăn trong vòng sinh tử?” Và cũng chính vì thấy rõ mọi chúng sanh đều có chánh nhân thành Phật, nên Ngài đã bỏ trên 40 năm trường, vượt hàng muôn dặm để giáo hóa và khai thị cho biết bao hạng người. Theo gương Ngài, chư vị Tổ sư và hàng hàng lớp lớp các bậc cao tăng đã không tiếc công sức, đem ánh sáng chánh pháp soi rọi cho muôn loài, trên bước đường tu Bồ tát hạnh, hành Bồ tát đạo. Chúng ta có diễm phúc mang thân người, lại được thấm nhuần chánh pháp, không thể nào cô phụ công ơn Thầy - Tổ, cô phụ tánh linh của chính mình mà không nỗ lực tu tập. Tu ở đây có nghĩa là nhận ra và sống với bản tâm thanh tịnh của chính mình, cho nên cần nhấn mạnh: Tu là tu tâm, Ngộ là ngộ tâm, Chứng là chứng tâm, và khi thành Phật cũng chỉ là thành tựu bản tâm hằng tri hằng giác ấy.

Năm lĩnh vực cần điều hòa đã nói trên đây là hành trang cần thiết cho các thiền sinh trên bước đường tu tập, chúng hỗ trợ cho đời sống của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn. Ba lĩnh vực đầu (ăn uống, ngủ nghỉ và thân) là áp dụng chung cho mọi người để giữ gìn sức khỏe, phòng tránh một số bệnh tật. Đối với những hành giả tu thiền, hai lĩnh vực hơi thở và tâm là quan trọng bậc nhất, nếu muốn công phu có kết quả và không đi lầm vào ngã rẽ. Phương pháp dụng công để điều hòa tâm và hơi thở, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát trong những phần sau. Một điều nên nhớ: chúng ta không thể chỉ tu vài tháng, vài năm mà mong đạt đến quả vị cuối cùng, cho nên tư tưởng mong cầu hay nóng vội đều không đúng. Ngược lại, cũng không phải chờ đến lúc chết hay qua kiếp sau mới tìm được sự an lạc bình ổn nội tâm. Tịnh độ chỉ có ở tại đây và bây giờ. Luôn sống trong chánh niệm, an trú vào giờ phút hiện tại, chúng ta sẽ có được bình an. Nếu không được như vậy, chúng ta phải tự kiểm nghiệm lại mình để khắc phục những thiếu sót, sửa chữa kịp thời những lệch lạc. Thiền sinh luôn cần có thầy và bạn để hướng dẫn và giúp đỡ mình trong công phu, sao cho tất cả đều vững vàng về lý thuyết và hành trì. Điều này cho thấy sự cần thiết của những đạo tràng gồm các Phật tử đồng tu. Những người tự cho mình đã ngộ được bản tâm, có thể một mình tiến tu mà không cần ai giúp đỡ, cần phải xoay lại xem xét một cách thấu đáo và thành thật với chính mình. Người xưa có câu: “Hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn”. Hổ là chúa sơn lâm, lìa khỏi rừng còn thua các loại thú khác. Chúng ta là người tu, nhất là cư sĩ tại gia mỗi ngày đều chịu sự cám dỗ của những thú vui trần thế, có thể nào không nhờ bạn đạo mà vững tiến được sao?



[1] Ngũ tịnh nhục: 5 loại thịt động vật có thể dùng được: Không thấy, không nghe, không nghi vì mình mà con vật bị giết, không bảo và không tự tay giết.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch