Tịnh độ
Bài học Phật Pháp: Niệm Phật - Pháp môn dễ tu
03/09/2014 11:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Riêng về pháp Trì Danh của môn Tịnh Độ, khi đã phát lòng tín nguyện, dù căn cơ nào cũng có thể niệm Phật tu hành. Lại các pháp môn khác duy cậy nhờ tự lực, môn Tịnh Độ đã dùng hết tự lực, còn được thêm phần tha lực. Sức tha lực tức nguyện lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà vô cùng lớn mạnh, dù người chưa sạch nghiệp hoặc, cho đến kẻ tạo nghiệp ác quá nặng biết hồi tâm niệm Phật, cũng được đón rước về Tây Phương. Cổ nhơn đã từng so sánh: "Tu các môn khác khó khăn vất vả như con kiến bò lên non cao. Niệm Phật vãng sanh mau chóng dễ dàng như đi thuyền theo nước xuôi gió thuận." Lời này thật rất xác đáng...

Kinh-TLN-ky-23.jpg

Môn Tịnh Độ, đặc biệt với pháp Trì Danh, là đường lối dễ tu, điều này ai cũng có thể biết. Nhưng "dễ tu" lại có nhiều nghĩa, việc này vị tất mọi người đã am tường.

Bởi tu các pháp môn khác, nếu từ Giáo (1) mà đi vào, thì kinh điển mênh mang, nghĩa lý vô cùng sâu sắc. Trước tiên người học Phật phải lãnh hội nghĩa căn bản, rồi từ đó lần lượt ngộ giải những nghĩa sai biệt. Sau đó lại phải dung thông các đạo lý, rút lấy chỗ tinh hoa, và chọn lựa vạch mở đường lối tu tập để trọn đời noi theo. Sự kiện này nếu chẳng phí vài mươi năm công phu khổ nhọc, tất không thể hoàn thành.

Nếu từ Luật mà đi vào, thì phải xuất gia, mà giới tướng rộng nhiều, hành giả cần phải rành rẽ về danh, chủng, tánh, tướng của các loại giới pháp. Lại phải có trí huệ để thông hiểu thế nào là nghĩa cùng ngữ, để áp dụng các điểm khai giá, trì, phạm tùy theo xứ sở thời cơ. Cho nên học kinh chưa phải là khó, học luật mà biết quyền biến khéo léo để không rời luật cũng không bị luật buộc ràng mới là khó. Hiểu rành xong về luật, lại phải có tinh thần nhẫn nại, có nghị lực chịu kham khổ, mới đi đến chỗ thành công. Nếu từ Thiền mà đi vào, như túc huệ chưa gieo, căn khí chẳng hợp, muốn đem cơ yếu kém để mong cầu pháp cao mầu, tất sự chia ánh sáng truyền đăng cũng tuyệt phần hy vọng. Cho nên ông Tạ Linh Vận, một danh sĩ học Phật khi xưa đã bảo: "Tu Thiền để thành Phật, phải là hàng huệ nghiệp văn nhơn." Lời này vẫn không phải sai lầm hoặc quá đáng.

Riêng về pháp Trì Danh của môn Tịnh Độ, khi đã phát lòng tín nguyện, dù căn cơ nào cũng có thể niệm Phật tu hành. Lại các pháp môn khác duy cậy nhờ tự lực (2), môn Tịnh Độ đã dùng hết tự lực, còn được thêm phần tha lực (3). Sức tha lực tức nguyện lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà vô cùng lớn mạnh, dù người chưa sạch nghiệp hoặc, cho đến kẻ tạo nghiệp ác quá nặng biết hồi tâm niệm Phật, cũng được đón rước về Tây Phương. Cổ nhơn đã từng so sánh: "Tu các môn khác khó khăn vất vả như con kiến bò lên non cao. Niệm Phật vãng sanh mau chóng dễ dàng như đi thuyền theo nước xuôi gió thuận." Lời này thật rất xác đáng. Hơn nữa, khi sanh về Cực Lạc rồi, sống trong cảnh đẹp mầu an thuận, thường gần gũi với Phật Bồ Tát, dù tu pháp môn nào cũng đều mau thành tựu, như lăn khúc gỗ tròn từ trên non cao xuống, thế vẫn tiến mãi không tạm dừng.

Tóm lược qua các điều trên, sự dễ tu của môn Tịnh Độ gồm có ba điểm: một là dễ thật hành, hai là dễ vãng sanh, ba là dễ thành Phật. Do sự dễ dàng đó mà kết quả tu chứng xưa nay về môn Tịnh Độ như ngọc chạm vàng khua tiếng vang thảnh thót, sen cười cúc mỉm mấy phẩm tươi thơm. Trong ấy lịch trình từ phàm phu cho đến khi thành Phật cũng có giai cấp mà cũng không giai cấp. Vì khi được vãng sanh tức đã thoát khỏi sống chết luân hồi, và niệm Phật tức là thành Phật. Như con tằm, nhộng, và bướm vẫn không thể chia phân, nói bướm nguyên là tằm, hay tằm là bướm cũng chẳng xa chi mấy.

________________________________________
Giải thích nghĩa từ:

(1) Nghĩa là Giáo tông, hay pháp môn Tụng Kinh.

(2) Tự sức mình đạt Giác ngộ, chẳng hạn bằng phương pháp Tọa Thiền.

(3) Nghĩa là lực từ bên ngoài. Tha lực hay được dùng để chỉ quan niệm dựa vào một đức Phật (thí dụ Phật A-Di-Đà phóng hào quang nhiếp lấy hành giả tinh tấn niệm Phật) và nhiều Đức Phật (thí dụ chư Phật ở 10 phương thế giới (Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam, trên, dưới) hộ niệm khi hành giả đang niệm Phật) để sinh vào cõi Tây phương Cực Lạc.

(4) Niệm Phật tức là thành Phật: Nghĩa là nếu niệm Phật được nhất tâm và đúng cách, phù hợp với lời dạy của Đức Phật Thích-Ca và bản nguyện của Đức Phật A-Di-Đà thì sẽ được vãng sanh. Vãng sanh đồng nghĩa với thành Phật theo như lời 
quả quyết của Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni trong Kinh Niệm Phật Ba-la-mật.

(Hòa thượng Thích Thiền Tâm)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch