Đức Phật & Thánh chúng
Kỷ niệm ngày Phật thành đạo : Tiến trình huân tu và thành đạo của Đức Phật dưới cội Bồ đề
HT Thích Phước Tú
09/02/2010 23:05 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng



I. TIẾN TRÌNH HUÂN TU
1. Quán hơi thở

( Phỏng theo kinh Saccaka – Trung Bộ - Trang 531)
- Theo hơi thở diệt niệm
Sau khi ngồi vào gốc cây Pin-pa-la, Sa-môn Cù-Đàm  tự nghĩ:” Ta hãy ngậm miệng cong lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm ý lăng xăng, hãy diệt sạch niệm”.
Sa-môn Cù-Đàm dụng công bằng hơi thở bằng tâm chế ngự tâm lăng xăng một cách tích cực khiến mồ hôi vã ra ướt cả nách.
Như một người lực sỹ nắm lấy đầu một người ốm yếu hay nắm lấy vai có thể chế ngự, nhiếp phục và đánh bại người ấy, Sa-môn Cù-Đàm rất tinh tấn, chuyên cần rất tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng than Ngài vẫn bị kích động, không được khinh an. Ngài bị chi phối bởi sự tinh tấn. ( Do tinh tấn cố gắng để chống lại cảm giác khổ). Tuy vậy rồi cảm giác khổ có khởi lên vẫn bị Ngài hoá giải.
- Nín thở diệt niệm.
Sa-môn Cù-Đàm lại nghĩ như sau: “ Ta hãy tu thiền nín thở”. Ngài nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi. Ngài lại nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và qua mũi thì một tiếng gió động kinh khủng ngang qua lỗ tai. Ngài có cảm giác tiếng này kinh khủng như tiếng phát ra từ bể thổi của người thợ rèn. Ngài chí tâm tinh tấn, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân Ngài vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ngài bị chi phối bởi sự tinh tấn ( do cố gắng để chống lại cảm giác khổ).Tuy vậy rồi cảm giác khổ có khởi lên vẫn bị Ngài hóa giải không chi phối được tâm Ngài.

Sa-môn Cù-Đàm quán hơi thở như vậy khiến cho  có sự đau nhức khắp mình, đau như dao cắt, kiếm đâm, hay như dây nịt siết chặt. Rồi đến lúc khắp cả  bụng bị nóng cháy cực kỳ đau đớn. Đau đến độ tưởng chừng như chết lịm.
 
2.Quán thật tướng sanh, già, bệnh, chết ( Tu thấy giả)
( Phỏng theo kinh Thánh Cầu – trung Bộ - Trang 367)
 
Sa-môn Cù-Đàm như đã chết lịm vì hơi thở đã cắt xé, đốt cháy đầu, xé ruột gan, Ngài chợt tỉnh và điều chỉnh lại hơi thở. Ngài thở lại điều hòa. Và hơi thở đều ra vào nhẹ nhàng thư thả, Ngài xét lại 4 việc khiến con người đau khổ. Đó chính là quán xét cái nhân duyên gây khổ. Quán về bốn thứ:  Sanh – Già - Bệnh - Chết.
Sanh:
Khởi đầu Ngài xét về cái duyên sanh. Từ cái sanh Ngài phăng xét dần về cái gốc của nó, xét đến tận cùng Ngài thấy rõ nõ vốn là “ không sanh”
Già:
Và đến cái duyên già, Ngài cũng xét phăng dần về cái cội gốc của nó, xét đến tận cùng Ngài thấy rõ nó vốn “ không già”
Bệnh:
Rồi đến cái duyên bệnh, Ngài cũng xét phăng dần về cội gốc của nó, xét đến tận cùng Ngài thấy rõ vốn nó là “ không bệnh”
Chết:
Cuối cùng Ngài xét đến cái duyên “ chết”, Ngài cũng xét phăng dần về cội gốc của nó
xét đến tận cùng Ngài thấy rõ vốn nó là “ không chết”.
Rốt cuộc Ngài thấy rõ “cái thật” của sanh-già-bệnh-chết lại là không sanh, không già, không bệnh, không chêt. Như vậy bốn thứ khiến khổ lại là bốn thứ không thật. Ngài đã thấy rõ cái nền chân thật của bốn thứ đó.

“Nền chân thật” vốn không có bốn thứ sanh-già-bệnh-chết.Ngài thấy rõ cái thật “ vô sanh vô tử” ở mình. Thế là cái “vô sanh tử” ấy mới là cái chân thật không sanh, già, bệnh, chết.

Ngài rõ ra điều này thì cái u sầu tan biến, cái ô nhiễm cũng biến mất đi. Ngài rõ được chỗ không ô nhiễm, chỗ vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Ngài “rõ rang” cõi Niết nàn.

Sa-môn Cù-Đàm đã thấy rõ rang bốn thứ sanh, già, bệnh, chết trên mặt hiện tượng của thân xác, và cả trong tâm hồn.Trong tâm khi có niệm là sanh, khi niệm kéo dài là già, khi niệm chuyển biến là bệnh, khi niệm mất là chết.Rõ ràng  bốn niệm sanh, già, bệnh, chết, tuy có diễn ra trong long, nhưng chúng đều không thiệt. Có rồi mất nên là “ giả” có thôi.

Sa-môn Cù-Đàm rõ ràng cái “nền” niệm sanh, già, bệnh, chết đó lại là không già, chẳng bệnh, chẳng chết, chẳng sanh. Đó là cái nền “vô sanh, vô tử”. Ngài đã ngộ ra chô này. Đây quả  là chỗ không sanh, già, bệnh, chết. Chỗ không khổ sầu. Là chỗ an vui trọn vẹn (Niết-bàn). Chỗ vắng lặng hoàn toàn không bóng dáng niệm.

3. Quán niết bàn.
Khi rõ sự thật về sanh, già, bệnh, chết Sa-môn Cù-Đàm lại xa lìa bốn thứ này mà nhìn sâu vào cõi “Không”. Cái không già, không bệnh, không chết, càng lúc, càng rõ ràng hơn và lan toả hơn. Ngài nhận ra Niết-bàn quả thật là bàng  bạc mênh mông vô tận, không một bóng dáng khổ đau. Vì không một vật, không một niệm có thể được. Nó chính là thể của niệm, do niệm không thật có và vì thế niệm tan biến. Cõi này tròn đầy khắp cả hư không, rỗng lặng rỗng trùm, bất động mênh mông. Cõi Niết-bàn rõ ràng không bóng dáng tham, sân, si…rõ ràng đây là “cái gì chí thiện”. Ngài đã tìm ra “cái gì chí thiện vô thượng an ổn, an tịnh đạo lộ đó chính là Niết-bàn.”

4.Quán nhân duyên.
Từ sức sống Niết bàn, Sa-môn Cù-Đàm nhìn lại từ tâm đến thân đến cảnh sắc thẩy rõ tất cả đều là nhân duyên sinh mà có. Ngài chứng lý nhân duyên sinh ( Nhân duyên sinh, tức nhiều nhân nhiều duyên hợp lại mà thành ra cái gì đó. Vì “họp” lại mà thành, nên cái “thành” đó nó không thật. Như năm ngón tay hợp lại thành nắm tay, nên nắm tay tuy có mà không thật, năm ngón bung ra thì nắm tay mất.

-  Phá chấp tâm ý

Trước hết Cù-đàm rà soát ngược từ ưu bi khổ não trở lui chết, già, sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập, danh sắc, thức, hành, cho đến đầu mối sinh ra si ám đó chính là vô minh.Rõ ràng mười hai thứ này chỉ là giả ảo, chúng có giống người mê giống như mười hai cảnh chiêm bao trong lúc người say ngủ. Thức dậy mở mắt ra tất cả chỉ là không. Ngài giác ngộ rồi, mười hai nhân duyên này tiên tan mất. Khác nào đèn điện rọi sang vào bóng đêm, rọi tới đâu bóng đêm sáng tới đó. Mười hai nhân duyên biến mất trong ánh nhìn từ Niết-bàn. Thế là sự ưu bi khổ đau từ gốc vô minh đen tối của tâm hồn thực sự tan biến.

Sự u tối của tâm hồn tan (vô minh diệt đi) chỉ còn là cõi Niết-bàn ròng rặc.

Sa-môn Cù-Đàm được chánh trí sanh, huệ nhãn sanh, chơn giác sanh, minh liếu sanh, thần thông sanh, trí huệ sanh và chứng ngộ sanh..

Rồi từ chánh trí chứng ngộ Cù-đàm soi rọi một lượt vào cõi tâm ý thì vô minh thực sự không còn nữa, hành mất, thức tan, danh sắc diệt, lục nhập tan rã, xúc tiêu, thọ mất, ái sạch, thủ hoại, hữu không, sanh bặt, lão tử thật sự không còn bóng dáng. Tâm Ngài thật sự bằng bặt sáng làu làu. Niệm chấp tâm ý thật sự tiêu tan, tâm không còn là ta là mình nữa. Tức cái “Ta” nghiệp chướng, tội lỗi tiêu tan, chỉ còn một cõi lòng sáng suốt thuần tịnh.

(Phỏng theo kinh Sơ Đại Bổn Duyên – Kinh trường A Hàm 1)

- Phá chấp thân xác:

Kế đó Sa-môn Cù-Đàm lại tù chánh trí với huệ nhãn soi rọi thân xác thì cái chấp về thân không còn nữa. Thân xác chừng như cũng tan biển. Rõ ràng thân cũng chỉ là do nhân duyên sinh mà có ra.Thân không còn là một vấn đề nữa, thân xác không còn là cái “của mình, của ta” nữa.( thân xác không còn là cái sở hữu của tâm ý nữa). Tức cái “của Ta” không còn. Cái “ngã sở” tiêu. Và như vậy sự ràng buộc giữa thân và tâm ý tiêu tan..
Và Cù-đàm lại soi tiếp đến cái thọ, thì năm thứ chấp về năm cảm giác cũng tiêu tan, cái chấp cảm giác ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đều thực sự không, vì chúng cũng chỉ là nhân duyên sinh mà tạm có. Thế là cái chấp về thân thọ thực sự tan ( Thọ chỉ là chi tiết của thân thôi). Cái ngã sở của tâm ý là thân, thọ cũng tiêu vong.

-  Phá chấp cảnh sắc.

Sau cùng Cù-đàm lại bằng chánh trí với huệ nhãn soi rọi đến các cảnh sắc, thì rõ ràng cái chấp, cái dính mắc ở nơi cảnh sắc cũng tan biến, không còn thấy cái nào là thiệt cả. Tất cả cảnh sắc. Thứ nào thứ nào cũng đều do nhân duyên sinh mà có ra thôi. Từ đất, nước, gió, lửa…tất cả thảy đều là nhân duyên sinh. (Cảnh sắc được gọi chung là Pháp, muôn sự muôn vật).

Ngài rõ ràng bằng ánh nhìn trí huệ rõ các Pháp giữa này nguyên thể nó vốn là không, do nhân duyên hợp lại mà thành nên không thiệt có, dù ngay khi có thì cũng vẫn là không thôi, như bóng trong gương, như trăng trong nước, như mây trên trời, như bọt trong biển nước, như nắm tay ở bàn tay ( nắm tay do năm ngón hiệp lại nào có thật gì). Đến đây cái chấp về “Pháp” thật sự tan biến. Cả trời đất chừng như biên mất, tan loãng trong hư không mênh mông. Bốn thứ niệm “chấp” về thân, thọ, tâm, pháp đến đây  hoàn toàn tan biến. “Niệm” hoàn toàn biến mất trong cõi lặng trong mầu sáng. Ngã và ngã sở hay ngã – nhân – chúng sanh - thọ giả thật sự cáo chung.

Giờ đây chỉ còn cõi Niết-bàn là chân thật thường hằng hiện hữu mà thôi.

Niết-bàn đó là tự tánh bản tâm ấy vậy. Là tâm chơn thật xưa nay. Có trước khi cha mẹ chưa sanh. Là cái tâm tuyệt vời không khổ đau, không sanh tử, chẳng luân hồi.

Sa-môn Cù-Đàm khi sống được bằng tự tánh, bản tâm mình, an trụ niết bàn thì:
 
Nghiệp xưa rũ sạch làu làu
Thân tâm Thái tử tan vào tánh Không.

II. THÀNH ĐẠO
1.Bừng sáng ánh đạo huy hoàng
( Phỏng theo Kinh Sợ Hãi và Khiếp đảm – Kinh Trung Bộ 1)

Sa-môn Cù-Đàm ngồi hành thiền dưới gốc Pip-pa-la suốt 49 ngày đêm. Ngài không ăn, không uống, tinh tấn, chuyên cần, không lười biếng, vào đêm 49 Ngài thực sự an trú trọn vẹn tự tánh KHÔNG, chánh niệm, không có loạn động, thân được khinh an, tâm được định tĩnh, chuyên nhất.

Sa-môn Cù-Đàm lần lượt vượt qua các cảnh giới biến hiện trong tâm từ thô đến tế. Ngài một bề an trụ tự tánh “KHÔNG” tiêu dung tất cả các “nghiệp thức chủng tử” từ xa xưa, từ tiền kiếp cho đến hiện kiếp, từ những biến hiện do công phu sinh khởi. Ngài xả bỏ trọn vẹn những cảnh giới thiền, không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả, không chủ thể và đối tượng.( Ngài chứng và vượt qua bốn cảnh giới thiền: Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền).

Trong đêm vào canh đầu, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng linh hoạt vững chắc, bình thản, Sa-môn Cù-Đàm tỏa sáng  Nguồn tâm, TÁNH KHÔNG rạng ngời bật dậy túc mạng trí. Ngài có sự sáng suốt xuyên thời gian đã qua từ xa xưa thửơ tiền kiếp cho đến bây giờ đều tỏ tường không bị hạn chế. Ngài chứng được “ túc mạng minh” vô minh diệt, minh sanh. Như bóng tối đã diệt, và ánh sáng sinh ra. Phiền não tan biến, nghiệp chướng tiêu trừ.

Đến giữa đêm Ngài lại bằng tâm định tĩnh, thuần tịnh không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng linh hoạt vững chắc, bình thản, Ngài tỏa sáng  Nguồn tâm TÁNH KHÔNG rạng ngời bật dậy “thiên nhãn” thuần tịnh siêu việt. Ngài rõ ràng tất cả không gian, những hiện tượng trong trời đất, những sinh hoạt từ chúng sinh hữu tình đến vô tình tất cả đều không ngoài nguồn sáng trong ngần của một tâm thuần tịnh sáng ngời, chẳng khác nào vạn vật không ngoài hư không, chúng đều mang tánh hư không, đều thuần chất rỗng không sáng suốt. Trí Ngài suốt trong thuần tịnh bao hàm vạn vật muôn loại.

 Sa-môn Cù-Đàm chứng được “thiên nhãn minh”. Trí Ngài toả rạng suốt “không gian” không gì ngăn che được. Vô minh diệt, minh sanh, và ánh sáng sanh ra.

Đến canh ba, Ngài cũng bằng tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng linh hoạt vững chắc, bình thản, Sa-môn Cù-Đàm tỏa sáng  Nguồn tâm, TÁNH KHÔNG rạng ngời bật dậy “lậu tận trí”. Ngài toàn triệt tỏ rõ hoàn toàn về cái khổ, nguyên nhân gây khổ, cảnh giới khổ diệt ( tự tánh Niết-bàn) và con đường để đưa đến diệt khổ. ( Ngài chứng được Pháp Tứ-đế) Các lậu hoặc các sai lầm xưa nay đối với tâm thể, tự tánh KHÔNG đều thực sự được giải trừ. Các lậu hoặc thực sự được đoạn tận, cáo chung. Lòng Ngài thật sự thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu.

Đối với tự thân, Sa-môn Cù-Đàm đã giải thoát như vậy, Ngài biết mình: Đã giải thoát.

Ngài thắng tri: “ Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Sa-môn Cù-Đàm chứng được “lậu tận minh”. Trí sáng Ngài toả sáng khắp cõi tâm. Như mặt trời lên giữa hư không, ánh sáng tỏa khắp. Tâm Ngài hoàn toàn là tâm trí huệ trọn vẹn bao trùm cả trời đất vạn loại. Ngài thành tưu “ tâm trí siêu việt” qua tất cả khổ đau. Vô minh diệt, minh sanh. Như bóng tối diệt và ánh sáng sinh ra.

Phiền não hoàn toàn tan biến,nghiệp lực tiêu trừ, si mê đoạn hẳn, khổ triệt tiêu. Giải thoát khỏi khổ vì sanh, già, bệnh, chết.Trí huệ sanh, chánh trí sanh, chơn giác sanh, minh liễu sanh, thần thông sanh, huệ nhãn sanh, chứng ngộ sanh.

Sa-môn Cù-Đàm đến đây thực sự giác ngộ. Ngài hết khổ đau. Được giải thoát. An vui thật sự.

Ngài đã tìm được “ cái gì chí thiện tối thắng an tịnh đạo lộ”
Ngài thực sự thành đạo và được gọi là Phật hay Phật Thích-ca Mâu-ni. ( Người dòng Thích-ca giác ngộ vắng lặng).

Đức Phật sau thời gian tìm đạo và hành đạo đến lúc thành đạo là mười năm tròn. Năm nay Ngài ba mươi tuổi (30), là năm 594 trước dương lịch.

Đạo Phât có mặt trên hành tinh từ lúc đó. ( 594 trước DL).
Cây rừng pip-pa-la sau đó được gọi là Cây Bồ Đề. ( cây giác ngộ).
Kể từ đây Đức Phật có đủ 80 vẻ đẹp với 32 tướng tốt
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!

2. Quang cảnh Đạo tràng Bồ Đề.

Sa-môn Cù-Đàm sau khi thành đạo, Ngài là một vị Phật. Trí huệ Ngài viên minh tỏ suốt sáng soi từ trong thân đến ngoài thân. Hào quang đã bao phủ tấm thân vàng óng của  Ngài. Dù đã trải qua 49 ngày đêm không ăn, không uống Ngài vẫn sáng ngời khi tinh thần Ngài hoàn toàn sáng suốt, nguồn năng luợng đã sáng tỏa toàn thân, Ngài trang nghiêm thanh thoát.

 

Thân xác Ngài thanh tịnh, tâm hồn Ngài cũng hoàn toàn thanh tịnh. Từ ánh sáng thanh tịnh đã ngời sáng cả gốc cây Bồ đề , tạo thành một đạo tràng trang nghiêm tốt đẹp. Cây Bồ đề trở nên to lớn cành lá xum xuê, hoa trái nở đầy. Cả một bầu trời đầy hoa vô cùng tươi đẹp. Không gian chừng như reo ca nhảy nhót, ca tán chúc tụng một vị Phật vừa thành.

Quanh Ngài là loài chim loài thú đã bao ngày qua dâng hoa trái cúng dường, nay chúng cũng hân hoan chào đón mừng vị Phật viên thành đại đạo.

Ánh sáng đạo vàng nhuộm thắm cả núi rừng làm cho rừng núi xanh thêm tươi đẹp hơn lên.

Tâm lực toả rộng khiến trời người rung động phát sanh niềm an lạc vi diệu mà xưa nay chưa từng có. Trái đất cũng chuyển mình theo giai điệu mới. Nhân gian hôm nay đã có con đường thoát khổ. Ngài thoát khổ và đã giúp bao chúng sanh thoát khổ.

 
Trời đất hôm nay, ôi đẹp lạ
Đạo tràng vang dội pháp thâm sâu
Pháp nhiệm mầu lan toả trời người
Trùng trùng biến hiện khắp ta bà
Đạo vàng sáng chói soi trời đất
Mở nẻo cho đời thoát khổ đau
Ngài thành đạo! Ôi đạo nhiệm mầu
Đạo từ tâm tỏa rạng trăng soi
Đạo từ tánh thể suốt xưa nay
Nguồn đạo thậm thâm và vi diệu
Chói rạng tâm người tâm chúng sanh
Tâm Tất đạt – Cù đàm – tâm Phật
Cũng là Tâm – Tâm đạo ấy thôi
Người trời vạn loại sinh linh
Cũng là tâm Phật cũng là Tâm
Mười năm tầm đạo tu tâm Phật
Giác ngộ đạo rồi đạo tức tâm
Bồ đề cội giác trùm pháp giới
Rợp bong hoa đàm tỏa ngát hương
Ngài ngồi đó trang nghiêm uy dũng
Chiến thắng lòng mình dứt khổ đau
Đại hung đại lực đại từ bi
Tỏa khắp sơn hà khắp thế gian
Ai hay ánh đạo huy hoàng
Ngàn năm sương khói mộng vàng vỡ tan
Bước lên trời đất thênh thang
Cứu nhân độ thế trần hoàng hết mê

Trích " Con người giác ngộ"
HT Thích Phước Tú

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch