Nhân vật
Thăm người đã khuất
Võ Đình
31/10/2011 04:41 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hoa đã kèn cựa với nhà quàng hết sức mà không lay chuyển được chương trình của họ: Viếng thăm người quá cố nhằm vào ngày ... Tết! Nếu tôi còn sống, tôi sẽ nói với vợ rằng thôi, thế cũng hay, nhập giang tùy khúc, người ở đây sá gì chuyện Tết tiếc của mình. Chương trình là chương trình, cả một bộ máy chạy ro ro của họ, từ nhà người chết đến lò thiêu, đến lúc trao hũ tro cho thân nhân. Mỗi nhà quàng lãnh phần “thanh toán” hàng trăm cái xác, người chết trước được lo trước, người chết sau được lo sau, không thể du di được. Cứ đúng ngày đúng tháng đúng giờ, là họ tiến hành công việc. Chịu thôi. Với lại, này, nhân vật một truyện nào đó nói rằng mơ thấy chết là may, thấy đẻ mới sợ*. Tết nhất, đi nhà quàng, nhìn mặt người thân, may lớn là cái chắc.


Thấy khách khứa còn tiếp tục đến, tôi sốt ruột. Thằng người nằm trong áo quan, thấy dị hợm vô cùng. Tôi ngượng: hắn, thằng người đó, chính là tôi. Tôi đã chết. “Chết là hết”, người ta thường nói. Không can thiệp. Không phản đối, ai làm gì, cứ làm. Người chết, trông như thằng đĩ đực. Môi thoa chút son, má đánh chút phấn, tóc chải mướt, kiểu Toni Rossi. Thiếu điều bôi chút eye shadow! Người ta đến chào tôi lần cuối, trước khi nhân viên lò thiêu đem thằng người nằm trong áo quan đó đi. Anh A, chị B, toàn “chỗ thân tình”. Đàn ông ăn mặc chững chạc, còm-lê đậm màu, sơ-mi trắng, cà-vạt không đen thì cũng trang nghiêm. Đàn bà, người mặc tailleur, pantsuit, kẻ mặc áo dài. Tất cả đều sẩm tối, phải phép. Tôi để ý có chút màu tươi ở dãy ghế cuối. Thằng bồ Mỹ của Lan, con gái anh chị Lân. Thằng nhỏ ẩu: đi nhà quàng mà mặc sơ-mi màu mè. Anh Lân khó chịu ra mặt.

Căn phòng đầy hoa. Nhiều nhất là lay-ơn, thứ hoa vô duyên, tôi không ưa. Những thứ hoa khác, cúc, hồng, huệ... tuy ít hơn, cũng vẫn nhiều, quá nhiều. Hương hoa nồng nặc. Nến cháy lung linh, lung linh. Trên một bàn nhỏ, cạnh áo quan, có cái ảnh phóng đại trong một khung thếp vàng, chân dung của tôi. Chẳng giống thằng người nằm trong áo quan chút nào cả. Cái ảnh cũ, hồi tôi mới tốt nghiệp, mới lấy vợ. Trẻ măng, chưa để râu. Ngay cả tôi, cũng có thể bảo rằng đó không phải là người nằm trong áo quan. Chẳng biết khi khách khứa đi qua, nhìn thằng người chết lần cuối, có nhận ra đó là tôi không. Có tới ba đứa: “tôi” xác chết trong áo quan, “tôi” trong chân dung, và “tôi”, người đã chết rồi nhưng còn loay hoay đây... Chẳng biết “tôi” nào là tôi thật.

Sáng thứ năm vừa qua, tôi không dậy sớm như thường lệ. Hoa sờ vai tôi, hỏi: “Anh ... OK?”. Tôi nói: “Anh OK”, rồi trở mình, ngủ tiếp. Lơ mơ nghe Hoa dậy, tiếng động nhỏ trong bếp, con chim mocking bird hót lảnh lót ngoài vườn, con chó nhà bên sủa vu vơ, tiếng bà hàng xóm gọi mèo... Rồi, sau đó, một khoảng trống, trống hốc, trống hoác, nay không còn nhớ gì cả. Sau này, mới biết là Hoa ăn sáng một mình xong, lái xe đi thăm đứa cháu ngoại bị sốt siếc chi đó, rồi về. Thấy nhà vắng vẻ, lặng tờ, nàng vội vào phòng ngủ, sờ nhẹ vai tôi: “Anh ơi, 11 giờ trưa rồi đó!” Nhưng tôi không trả lời, không dậy. Tôi đã chết. Và bây giờ, tôi thấy thằng người nằm trong áo quan đó, chờ được đem đi thiêu. Và tôi nghe người ta thì thầm với nhau. Về cái chết của thằng người đó.

Một ông hỏi:

- Thế giảo nghiệm bảo sao?

- Autopsie xong rồi. Không có gì lạ.

- Kỳ cục. Không có gì lạ!? Sao lại không? Thế anh Vinh chết vì gì? Phổi? Gan? Tim? Thận?

- Người ta không cho biết. Chính chị Hoa đưa tôi xem tờ giấy từ văn phòng quận...

- Không có gì lạ cái con khỉ! Chết phải có lý do chứ. Súng bắn, dao đâm, ung thư, viêm gan, nghẽn mạch máu... Thiếu khối gì lý do. Người ta giấu mình cái gì đây.

- Đúng! Đúng vậy. Người ta giấu mình cái gì đây. Hừm!

Hai ông ngưng bàn cãi, ngồi lại ngay ngắn, hai tay để trên gối, mặt buồn hiu. Mấy anh nhân viên nhà quàng lăng xăng, thăm hỏi, xun xoe. Anh nào cũng “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”.

Ngồi yên được một lúc, ông mặc bộ xám lại quay qua thầm thì với ông mặc bộ nâu:

- Này, chẳng biết thằng Bush có đánh I-Rắc không nhỉ?

- Đánh chứ. Sao không? Tụi nó chuẩn bị đâu đó cả rồi. Thù chung. Thù riêng.

Đánh là cái chắc.

- À, nghe nói bên Cali, có ông tướng, ông tá nào đó rục rịch tuyển chí nguyện quân, qua I-Rắc đánh giúp Mỹ.

- Có thế kia à? Ông nghĩ sao?

- Vô liền, chứ sao! Có chí nguyện quân là tôi vô liền. Bộ đồ ngon vậy mà lâu quá không được mặc. Kẹt cái là sắp đi “vây-cây-sân”**. Hứa hẹn cả rồi. Kẹt quá!

Hai ông bạn lại im lặng, ngồi ngay ngắn, hai tay để trên gối, mặt buồn hiu.

*
*   *

Lâu lắm rồi, tôi có nói với Hoa rằng chết, đem hỏa thiêu là hay nhất. Rẻ, gọn, sạch. Có người nói không thích. Bảo nóng quá. Nóng thì nóng thật, nghe đâu tới mấy ngàn độ F. Nhưng chết rồi, nóng, lạnh, ăn nhằm gì. Tôi đi theo mấy chàng nhân viên lò thiêu, xem họ làm việc.

Áo quan cho người chết đem đốt là thứ gỗ xoàng. Họ đẩy linh cữu vào lò, điều chỉnh nhiệt độ, bấm nút. Chiều thứ bảy, đốt cái xác cuối cùng trong ngày, mấy anh lò thiêu có vẻ rảnh rang. Họ ngồi uống bia, đấu láo với nhau.

Tôi nhìn ra ngoài. Sân cỏ còn xanh mướt, lốm đốm vài vạt tuyết nhỏ tuần qua. Mấy cây đào kwansan nở rộ. Gió lay, cánh hoa rơi đầy thảm cỏ. Những chấm hồng xác pháo. Mắt thì nhìn những cây đào xinh đẹp, nhưng tai vẫn nghe mấy thằng lò thiêu nói chuyện.

Mấy thằng quỉ! Mới dăm phút trước, nơi quàng người chết trang nghiêm như vậy mà ở đây, cũng người chết đó, chúng nó lại nói chuyện ngả ngớn, tục tĩu, chửi thề tùm lum... Sự tương phản làm tôi bật cười, thành tiếng.

Tôi nghe tôi. Nhưng không ai nghe tôi cả. Ai nấy mặt mũi buồn hiu. Tôi thử cười lớn. Chẳng ai để ý. Người sống nói, tôi nghe. Nhưng họ không nghe tôi. Vì tôi đã đi ra ngoài thế giới của người sống? Hay là vì lòng tôi nguội lạnh? Hoa ngồi đó, thỉnh thoảng đưa mùi soa lên chặm mắt. Mấy đứa con ngồi bên. Tôi nhìn vợ, nhìn con... “Chết là hết”, có nghĩa vậy sao? Người chết dửng dưng với người sống. Người sống không nghe người chết, mặc dù người chết cười lớn ngay bên cạnh. Người chết quẩn quanh trong vùng câm nín của mình. Để mặc người sống đi cho hết đường đời. Một mình. Sự thật của “chết là hết”, vậy đấy à? Người sống không nghe người chết, nhưng tiếc thương khôn cùng. Không biết ba trăm năm sau, thiên hạ có ai khóc Tố Như không? Có, có vô số người khóc cụ. Hiện nay, cụ đang ở đâu? Chết rồi, cụ đi đâu, làm gì? Cụ chết như vậy là mới chỉ gần 200 năm. Chưa tới 300. Cụ lo xa quá!

Tôi nhớ, trước khi chết, có đọc một bài tùy bút của ông bạn già. Cực kỳ thắm thiết. Nhớ mãi một hình ảnh thật linh động: “Một đợt gió xoáy qua nghĩa trang, thổi tunghai tà áo. (...) Thu vẫn đứng yên mà không đưa tay giữ áo. Cái dáng khổ đau của người đàn bà này, hình ảnh hai tà áo quằn quại trong đợt gió đã dừng lại rất lâu trong đầu tôi.”*** Đã dừng lại rất lâu trong đầu tôi! Câu này “Tây” quá. (Vì ông này trước có học và làm việc nhiều năm ở Tây Âu chăng?) Nhưng hai chữ quằn quại trước đó

vô cùng đắc địa! Bà Thu, mang kính mát, đến nghĩa trang tiễn người chồng cũ. Không thấy nói ông chồng cũ nghe, thấy ra làm sao. Bởi vì ông đã chết? Bạn tôi, tác giả bài tùy bút, còn sống nhăn răng. Làm sao biết được!

Phải chết, như tôi bây giờ, mới biết được. Thì ra chỉ người sống mới lắm chuyện: Lễ lạc, thủ tục, nghi thức, khóc lóc, tiếp đãi... để vuốt ve người còn sống. Người chết, nhẹ bâng. Như tôi bây giờ. Cái gì tôi cũng thấy tức cười. Hoa, vợ tôi, hết khóc rồi, mà cứ đều đều đưa tay chặm mắt. Mấy nhân viên nhà quàng lăng xăng, săn đón, xum xoe. Cái áo màu tươi của thằng bồ cô bé Lan. Nét mặt hầm hầm của anh Lân. Anh bực nhưng thỉnh thoảng không quên nắn nắn cục nơ cà-vạt. Mấy thằng đàn ông phét lác, tục tĩu ở lò thiêu.

Mồng một Tết. Tiết trời se se, hiu hắt. Tuy không có pháo, sân cỏ tuyết tan hoa đào rụng hồng. Mưa lâm thâm.



Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch