Phật giáo thế giới
Tìm hiểu Phật giáo nhập thế ở Nhật Bản (2)
Jonathan Watts
22/01/2011 06:57 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bốn lĩnh vực mà Phật giáo Nhật có thể tuỳ nghi áp dụng cho việc phát triển một xã hội dân sự là Viện trợ nhân đạo; Hoạt động hoà bình; Phê bình hệ thống chính trị và xã hội hiện hành; và “Phát triển” an bình nội tâm và hạnh phúc tinh thần.


Phần II: Những Bước Đi đến Một Phong Trào Xã Hội Dân Sự Phật Giáo Đích Thực - Việc Phát Triển Những Tổ Chức Phật Giáo Phi Chính Phủ

Trong phần tiếp theo này, tôi xin trình bày tổng quan về việc phát triển những tổ chức Phật giáo phi chính phủ ở Nhật. Tôi nghĩ công việc như vậy sẽ làm sáng tỏ những cố gắng của các Phật tử Nhật trong nỗ lực vượt qua ranh giới hạn hẹp của Phật giáo nhập thế “cứu tế” hay “truyền giáo”.

Sự vận động trở thành một Phật giáo nhập thế mạnh mẽ, như tôi đã đề cập ở trước, đòi hỏi đến sức ép biện chứng của một hệ tư tưởng phê bình và một hành động xã hội tiến bộ. Về việc phát triển hệ tư tưởng, điều quan trọng nhất là những Phật tử Nhật cần phát triển đầy đủ những giá trị đạo đức phổ quát trong giáo lý Phật giáo, mà nói theo kinh điển là làm vơi giảm nỗi khổ đau của tất cả chúng sanh và về phương diện lịch sử là đem lại cho phụ nữ và những người ngoài lề xã hội quyền thực hành tôn giáo.

Thật đáng tiếc, như chúng ta đã thấy ở trước, những nỗ lực ưu tiên cho sự phổ quát ấy đã dừng lại ở mức độ bộ phái và quốc gia. Đạo đức phổ quát này là điều hiện đang đồng hành với sự vận động tiến bộ toàn cầu. Các tổ chức khắp thế giới đã tìm kiếm đạo đức phổ quát này nơi truyền thống của họ và đã cố gắng thích ứng nó với nền đạo đức của những truyền thống khác.

Những gốc rễ của một nền đạo đức phổ quát đích thực như vậy có thể tìm thấy nơi sự phát triển của một vài trường phái Phật giáo mới ở Nhật. Như chúng tôi đã lưu ý ở trước, đống góp của Soka Gakkai đối với vấn đề này là thiếu rõ ràng, tuy những chi nhánh quốc tế của Soka Gakkai thật sự được coi là tham gia vào những hoạt động hoà bình phi bộ phái.

Có lẽ Rissho Koseikai là hình ảnh được phác vẽ thích hợp hơn. Dưới sự lãnh đạo của cựu đồng sáng lập là Nikkyo Niwano, tổ chức này đã tham gia sâu vào đối thoại hòa bình quốc tế từ thập niên 50 của thế kỷ trước, và là một thành viên không thể thiếu trong Hội nghị thế giới về tôn giáo và hòa bình tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.

Như vậy, những giáo phái Phật giáo mới đã tiên phong mạnh mẽ trong việc tham gia vào những hoạt động quốc tế thật sự, trong khi những giáo phái truyền thống đã phải dành nhiều thời gian đối đầu trách nhiệm vì sự thoả hiệp của họ với chiến tranh, như là bước khởi đầu đi đến phát triển một nền đạo đức tôn giáo quốc tế đích thực.

Cần nhớ bối cảnh rất cơ bản này, ở Nhật, sự xuất hiện những tổ chức Phật giáo phi chính phủ đầu tiên là vào những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước trong việc giải quyết khủng hoảng đang tăng cao ở Đông Dương với thuyền nhân từ Việt Nam và một khối lớn người Cam-bốt đang lánh nạn ở biên giới Thái Lan.

Những tổ chức này, như tổ chức Trung Tâm Viện Trợ Phật Giáo được thành lập vào năm 1982 mà hầu hết thành viên là các tăng sĩ Nhật Liên tông, làm nhiệm vụ đáp lại việc phê bình của các cơ quan truyền thông chính thống, rằng Phật giáo đã không còn thích hợp với xã hội hiện đại và rằng những tăng sĩ đã không quan tâm đến hạnh phúc chung của dân chúng.

Thêm một yếu tố khác, đó là việc gia tăng vai trò quốc tế mà người Nhật và tăng sĩ Nhật có được nhờ vào nền kinh tế thịnh vượng. Tại buổi khai trương Mạng lưới Phật giáo phi chính phủ vào tháng 7-2002, Hoà thượng Yoshimichi Ito của Trung Tâm Viện Trợ Phật giáo đã nói rõ nỗi bức xúc và bàng hoàng mà rất nhiều Phật tử Nhật đã cảm nhận trong chuyến viếng thăm đầu tiên của họ đến những trại tỵ nạn ở Cam-bốt.

Trước hết, họ nhận thấy hầu hết những tổ chức tôn giáo đang làm công các cứu trợ là thuộc Thiên Chúa giáo đến từ Tây phương. Thứ đến, họ nhìn thấy những nhà sư Cam-bốt đang làm việc ở đó không có đủ tài chính để thức hiện những công việc như giáo dục, cứu trợ và những chương trình phát triển khác.

Hoà thượng Ito nói, “Tôi đây, một tăng sĩ mạnh danh theo truyền thống Đại thừa được đặt căn bản trên hạnh vô ngã và Bồ-tát, từ Nhật Bản đến không có thứ gì cả để giúp họ ngoại trừ một túi tiền, và ở đó tôi nhìn thấy những Tỳ-kheo theo truyền thống Theraveda, những người từng bị cho là chỉ quan tâm đến việc tự độ, đang làm việc trong những điều kiện vô cùng thiếu thốn, dùng con tim của mình chuyển tiếp trí tuệ và khả năng mà họ có đến với dân chúng.”

Những cảm xúc này đã tạo nên một phong trào hoạt động cứu trợ quốc tế lớn lao không chỉ ở những tổ chức Phật giáo phi chính phủ mà còn ở những tổ chức chính thức và không chính thức thuộc hầu hết các bộ phái Phật giáo, cũ cũng như mới.

Ở đây cần lưu ý rằng, thuật ngữ tổ chức phi chính phủ (Non-governmental organization/ NGO) như được xã hội dân sự Nhật và những tổ chức Phật giáo này sử dụng có một ý nghĩa đặc biệt mà nó khác với khái niệm chung.

Thuật ngữ “NGO” có nghĩa đen là “tổ chức phi chính phủ”. Do đó, rõ ràng nó là một tổ chức xã hội dân sự xem nó tất yếu độc lập với những tổ chức nhà nước cũng như những đoàn thể thương mại, và đặc biệt quan tâm đến những hình thức phúc lợi xã hội.

Những tổ chức phi chính phủ của Nhật rõ ràng chia sẽ mối quan tâm phúc lợi xã hội này. Tuy nhiên, ý nghĩa của một tổ chức phi chính phủ là góp phần tạo nên xã hội dân sự thì đã có phần dịch chuyển, bởi vì trong bối cảnh Nhật Bản, tổ chức phi chính phủ đặc biệt đề cập đến một tổ chức tham gia vào “những hoạt động hợp tác quốc tế” (kokusai kyoryoku katsudo 国際協力活動) (Shimizu 1999, tr.699).

Trong khi có thể thấy rõ rằng những tổ chức phi chính phủ là bộ phận tạo nên một xã hội dân sự toàn cầu, thì điều phải luôn cần biết là một quốc gia phải phát triển hoạt động xã hội dân sự của chính nó trước khi có thể tham gia đầy đủ vào một phong trào quốc tế.

Việc hiểu khác thường này về tổ chức phi chính phủ phần nào nói lên không chỉ bản chất thứ yếu của những tổ chức Phật giáo phi chính phủ trong xã hội dân sự Nhật Bản, mà nói chung còn đề cập đến cuộc đấu tranh của xã hội Nhật trong việc phát triển một khối công chúng mà nó tồn tại tách khỏi nhà nước và những liên hệ của nó.

Thời điểm phôi thai thứ hai cho những tổ chức phi chính phủ Nhật Bản, đặc biệt cho những tổ chức Phật giáo, là vụ động đất Hanshin khủng khiếp vào năm 1995. Sự bế tắc của những hội đoàn thuộc chính phủ trong việc giải quyết thảm hoạ này đã dẫn đến sự phát khởi công tác cứu tế lớn lao và tự phát của dân chúng Nhật, bao gồm nhiều tổ chức phi chính phủ “hoạt động hợp tác quốc tế.”

Qua việc nỗ lực tham gia vào những hoạt động này, lần đầu tiên trong một thời gian dài những tổ chức và tăng sĩ Phật giáo đã cảm nhận sâu sắc hơn về truyền thống của họ, như là những người điều hành xã hội dân sự. Bên cạnh đó, sự gia tăng những tệ đoan xã hội trong suốt thời kỳ trì trệ đã khiến cho những tổ chức Phật giáo phi chính phủ nhạy cảm hơn đối với những vấn đề trong nước khi họ vẫn tiếp tục công việc quốc tế của mình.

Điển hình cho điều này là tổ chức Phật giáo phi chính phủ Ayus, do một nhóm các tăng sĩ xuất sắc của Tịnh Độ tông (Jodo-shu) và Tịnh Độ Chân tông (Jodoshin-shu) thành lập.

Điểm mốc thứ ba là Điều luật dành cho Tổ chức phi lợi nhuận vào năm 1998, xoá bỏ thuế cho những người đống góp quỷ. Bất cứ ai đến từ Tây phương nơi mà việc làm như vậy đã trở thành chuẩn sẽ bị sốc khi thấy một xã hội hiện đại cao như Nhật lại thiếu luật định đến vậy. Đây là một triệu chứng khác dẫn đến việc phát triển chậm chạp một phong trào xã hội dân sự đích thực, ít nhất là theo những tiêu chuẩn của Tây phương.

Bên cạnh thuật ngữ phi chính phủ, phi lợi nhuận nói chung đã có một ý nghĩa rộng hơn bao gồm cả những hoạt động quốc tế và nội địa, nhưng trong chừng mực nào đó hoạt động trong nước có phần mạnh hơn. Một trong những ảnh hưởng quan trọng của luật này là rằng nó đã mở rộng những khả năng tài chính của những tổ chức Phật giáo phi chính phủ.

Trước đây nhiều tổ chức phi chính phủ trong số này đã liên kết với một giáo phái Phật giáo chính thức để duy trì sự ủng hộ tài chính cơ bản, bây giờ chúng ít phụ thuộc vào nguồn thu này. Lấy ví dụ tổ chức Phật giáo phi chính phủ hiện có tên gọi là Hội Tự Nguyện Shanti.

Hội này do bộ phái Thiền Tào Động (Soto Zen) thành lập vào năm 1980, với tên gọi đầu tiên là Uỷ Ban CứuTế Tào Động Tông Nhật Bản, với mục đích cứu trợ những người tị nạn Cam-bốt.

Để tiếp tục phát triển, nó đổi thành tên Hội Tình Nguyện Thiền Tào Động và trở thành một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất ở Cam-bốt. Vào năm 1999, khi có vị trí pháp lý mới là tổ chức phi lợi nhuận, nó đã đổi tên thành Hội Tự Nguyện Shanti, mà rõ ràng đã tách biệt nó khỏi những ràng buộc bộ phái hay tôn giáo thường gây cản trở trong việc giành lấy sự viện trợ tài chính của chính phủ cũng như những tổ chức khác.

Sự phát triển này đem lại cơ hội cho việc hợp nhất những tổ chức Phật giáo phi chính phủ thành một phong trào xã hội dân sự không bị chi phối từ những ảnh hưởng bảo thủ của các giáo phái Phật giáo truyền thống. Sự hoà nhập này có thể phổ biến sâu rộng hơn lập trường đạo đức công việc của họ.

Tuy nhiên, nó cũng mang theo mình nguy cơ về một sự suy thoái sâu sắc đặc tính riêng và hệ tư tưởng Phật giáo vốn đã mỏng của những tổ chức này. Như chúng ta đã thấy, một số lớn trong họ vẫn chuyên tập trung vào những hoạt động cứu tế mà chúng rất hạn chế ở lãnh vực quốc tế.

Để một phong trào Phật giáo nhập thế có ảnh hưởng mạnh mẽ vào sự phát triển xã hội dân sự bên trong Nhật Bản, những tổ chức Phật giáo phi chính phủ của Nhật cần phát triển một hệ phê bình xã hội duy nhất được dựa trên những nguyên tắc Phật giáo mà những Phật tử nhập thế trong những quốc gia khác đã làm.

Sự kiện ngày 11 tháng 9 và chiến tranh ở Iraq là một bước ngoặc khác trong việc phát triển tổ chức Phật giáo phi chính phủ. Đã có một làn sống rầm rộ kêu gọi hoà bình phát đi từ tất cả những tổ chức Phật giáo từ sau ngày 11 tháng 9.

Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng những tổ chức Phật giáo không thật sự dẫn dắt xã hội Nhật Bản mà chỉ đang cố theo đuổi hoạt động hoà bình nhân đạo một cách chung chung. Sự cấp bất tìm kiếm phương cách giải quyết sự khủng hoảng này đã đưa đông đảo những tổ chức Phật giáo đi đến xem xét sâu sắc hơn về những gì gọi là hoà bình, và kế đến, những khía cạnh thật sự quan trọng của truyền thống Phật giáo là gì mà chúng có thể giải quyết vũng lầy tư tưởng hệ của trào lưu chính thống Hồi giáo và chủ nghĩa dân tộc tôn giáo Hoa Kỳ.

Đối với các giáo phái Phật giáo truyền thống, điều này cũng trùng khớp với việc công khai chịu trách nhiệm về sự thoả hiệp của họ trong suốt Chiến tranh Thái bình dương. Điều này có thể chứng kiến tại một buổi mít tinh tổ chức vào tháng 2, 2004 ở Tokyo với tựa đề “Tìm kiếm hoà bình cho hiện nay” bao gồm những tổ chức tôn giáo, trong đó gồm nhiều tổ chức Phật giáo mới và truyền thống.

Đây là một dấu hiệu lạc quan trong việc phát triển một hệ tư tưởng phê bình đích thực dựa trên Phật giáo và một lập trường quan điểm đối với xã hội.

Phần III: Xuất Hiện Một Hệ Tư Tưởng Phật Giáo Nhập Thế?

Trong phần cuối này, tôi sẽ xem xét những thách thức và các khả năng của phong trào Phật giáo nhập thế để trình bày sự phê bình hệ tư tưởng Phật giáo của nó đối với xã hội. Để bắt đầu, chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng việc tạo nên một xã hội dân sự có phải là việc phát triển những đức tính công dân và một nền văn hoá ưu tiên đạo đức hay không?

Vậy những gì là những giá trị đang hiện hành và nền móng đạo đức của xã hội Nhật Bản hiện nay?

Như chúng tôi đã lưu ý, kỷ nguyên hiện đại đã đem lại một sự đa dạng về quan điểm và những giá trị mới, chẳng hạn như chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa xã hội, và việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng v.v..

Tuy nhiên, vấn đề dường như rằng, xã hội Nhật hiện đang phiêu dạt trong những hệ thống giá trị của nó, không rõ là đang đi theo mô hình toàn cầu hoá kinh tế của Hoa Kỳ hay là theo đuổi một con đường khác mà nó vẫn xoay quanh trục.

Trong khi đó, thế hệ trẻ của nó thì dạt trôi không định hướng, nhìn thấy ít hy vọng trong giấc mơ gia đình-nhà cửa-công việc.

Nhà xã hội học và hoạt động hoà bình Na Uy Johan Galtung là một trong ít những nhà tư tưởng ở bên ngoài quỹ đạo tôn giáo đã xem xét nghiêm túc nhu cầu tôn giáo, coi nó như là một phần hữu cơ trong việc tái dựng lại những xã hội lành mạnh.

Galtung đã viết về cặp yếu tố sự huỷ diệt văn hoá và sự loại bỏ văn hoá trong việc làm băng hoại đời sống ở những khu vực bị ảnh hưởng mạnh bởi toàn cầu hoá kinh tế. Về mặt loại bỏ văn hoá, ông đề cập đến những thất bại của chủ nghĩa thế tục hiện đại trong việc đưa ra một văn hoá đạo đức quy phạm cho xã hội hậu hiện đại.

Chủ nghĩa thế tục, trong hình hài đạo đức học nhân văn, đã không thể tạo nên được nhưng quy chuẩn mang tính bắt buộc cho hành xử con người. Tại sao bạn không phạm tà dâm, giết người, ăn cắp và nói dối khi mà người khác chỉ là những đối tượng, và bạn không cần phải giải trình trách nhiệm của mình với những quyền năng cao hơn (con người)?

Kết quả cuối cùng là tình trạng hoàn toàn vô tổ chức của lần Hình thành thứ IV [xã hội hậu hiện đại], với những con người bị bỏ mặc lại với duy chỉ sự hướng dẫn mang tính quy phạm (Galtung 1995, tr.14).

Thật khó để nói rằng xã hội Nhật có nhiều ràng buộc với những tiêu chuẩn đạo đức Phật giáo. Sự ảnh hưởng lịch sử dài lâu của việc nhấn mạnh phong trào Tịnh Độ rời xa việc duy trì những chuẩn tắc đạo đức Phật giáo truyền thống đã giúp phát triển lớp tăng sĩ thế tục hiện đại (Tomatsu, 1995).

Khuynh hướng chống tăng lữ liên tục trong Phật giáo Nhật, bằng chứng qua việc những tổ chức Phật giáo mới hoàn toàn từ bỏ đoàn thể tăng già, đã nói lên rằng đức tin và nghi lễ là những đặc điểm nổi bật trong tín ngưỡng Phật giáo Nhật Bản, trong khi ít nhấn mạnh vào đạo đức và thiền định/tín ngưỡng mang khuynh hướng thực hành.

Có lẽ chính sự nhấn mạnh này đã cho phép những tăng sĩ Nhật, vô cùng mỉa mai thay lại là những Thiền sư nỗi tiếng, đề xướng một loại đạo đức thánh chiến và thánh hoá việc sát hại trong suốt chiến tranh.

Tất nhiên điều này không có nghĩa rằng Nhật Bản là một xã hội không có đạo đức. Đúng hơn, lý lẽ của tôi là rằng, Phật giáo không đáp ứng được như một nguyên tắc đạo đức đối với văn hoá Nhật. Về việc vô cùng nể trọng chính quyền và việc nhấn mạnh vào những mối liên hệ tương tác gia đình và những quan hệ nhóm theo tôn ti, đối với tôi dường như rằng Khổng giáo và những giá trị bản địa liên quan đến Thần Đạo đã cung cấp chúng cho xã hội Nhật.

Thay vì xem xét những khuyết điểm tiềm tàng của các hệ thống này, tôi nghĩ nêu bật những tiềm năng đạo đức nổi bật của xã hội Nhật lại là tốt hơn nếu như nó cũng có một nền tảng đạo đức Phật giáo đủ mạnh. Phương pháp của Galtung cho việc đẩy mạnh văn hoá là đẩy mạnh những khía cạnh mềm và thống nhất của tôn giáo trong khi giảm bớt những khía cạnh cứng và bảo thủ của nó.

Theo cách này, nguyên tắc đạo đức đầu tiên và quan trọng nhất của Phật giáo, không gây hại/bất bạo động (ahimsa), chắc chắn sẽ là một đức tính công dân mà nó có thể giúp ích cho phong trào hoà bình đang tồn tại ở Nhật.

Điều này cũng sẽ đáp ứng như một nền đạo đức học chung làm cân bằng khuynh hướng nối khớp chủ nghĩa dân tộc và sô-vanh của một xã hội dân sự với quyền bá chủ nhà nước.

Trong nguồn mạch này, sẽ là thích hợp nếu xem xét một cách vắn tắt ba nhân vật của phong trào Phật giáo nhập thế hiện nay, điều này là quan trọng vì những đóng góp tư tưởng của họ: gần nhất là Hoà thượng Jisujo Arima của Thiền Tào Động, kế đến là Hoà thượng Teruo Maruyama của Nhật Liên tông, và Giáo sư Jun Nishikawa của Phân khoa Kinh tế Đại học Waseda.

Jisujo Arima là một trong những người sáng lập Hội Tự Nguyện Shanti. Công việc xã hội của ông trên thực tế bắt đầu vào những năm đầu ở chùa của mình, nơi ông đã thực hiện những lễ truy điệu đặc biệt cho những tro cốt bị bỏ mặc của những người nhập cư Hàn Quốc từ thời kỳ chiến tranh. Sau đó ông tự mở rộng bằng việc khởi đầu một vài hoạt động xã hội bên trong Tào Động tông, mà nó lên đến đỉnh điểm khi thành lập Uỷ Ban Cứu Tế Tào Động Tông để viện trợ những người tị nạn Cam-bốt, điều đã được nói ở trước. Điều đáng kể về Arima và Hội Tự Nguyện Shanti là rằng sau khi Tào Động tông chính thức chấm dứt ủng hộ công việc này, thì họ tiếp tục với nó.

Do đó, khác với những hoạt động tôn giáo, công việc này rõ ràng tập trung vào việc phục vụ xã hội rộng hơn dựa trên ưu thế danh tánh Thiền Tào Động và tổ chức của nó (Arima, 1993).

Do đó, Arrima đã nhận được một sự kính trọng vô cùng lớn từ các tổ chức phi chính phủ thế tục lớn hơn. Trong khi nhiều Phật tử có tư tưởng xã hội ở Nhật hoàn toàn không sử dụng tư tưởng Phật giáo để hiểu xã hội và công việc của họ, đạo đức xã hội của Arima xuất phát từ một sự hiểu biết sâu sắc và tinh tường về Phật giáo.

Ví dụ, ông đã lấy giáo lý Tứ vô lượng tâm (brahmaviharas), trọng tâm với cả Phật giáo Theravada và Đại thừa, làm nền tảng cho hành động xã hội của ông. Ông thấy rằng nếu một người phát triển tâm từ (metta), và khi gặp những người đau khổ (dukkha), lúc đó tự nhiên yếu tố thứ hai là tâm bi (karuna) sẽ xuất hiện.

Từ cơ sở này, yếu tố thứ ba là tâm hỷ (mudita), tâm không tị hiềm, cũng sẽ xuất hiện khi gặp những người không có khổ đau.

Cuối cùng, chính ba điều này khiến chúng ta dấn thân vì lợi ích của người khác trong khi xả bỏ những lợi ích vị kỷ trong việc xây dựng hay bảo vệ tổ chức của riêng mình. Hoạt động vô ngã chân thực như vậy tạo nên một kinh nghiệm sâu sắc về sự xả kỷ (upekkha), là phần cuối của tứ vô lượng tâm (Arima, 1993).

Đáng tiếc, do vì bản chất thế tục của xã hội Nhật đã nói ở trên, Arima thực sự chỉ nói về điều này qua những bài viết rời rạc và không được xuất bản, và ở những buổi nói chuyện với những người quan tâm. Do đó, mặc dù Arima có ảnh hưởng đáng kể đối với một nhóm nhỏ Phật tử mang tâm thức nhập thế, cả ông lẫn Hội Tự Nguyện Shanti không hề tạo nên được kênh phê bình xã hội mạnh mẽ về xã hội Nhật.

Trong thế giới phi chính phủ, Hội Tự Nguyên Shanti được xem là hoàn toàn bảo thù. Ví dụ, nó không tham gia nhiều vào những tổ chức phi chính phủ tiến bộ khác, những tổ chức đã phê bình sự thực thi khó hiểu của lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quộc ở Cam-bốt, được gọi là UNTAC, sau khi chiến tranh kết thúc ở đó.

Đặc điểm bảo thủ này cho thấy là ít có khả năng thay đổi hiện nay bởi vì quỷ tài trợ mới của Hội Tự Nguyện Shanti nối chặt với Bộ Ngoại vụ (外務省 gaimusho) và cũng cả với Bộ Bưu Chính Viễn Thông (郵政省 yuseisho).

Ngược lại, Hòa thượng Teruo Maruyama đã luôn là một nhà phê bình thẳng thắn về vai trò của Phật giáo trong xã hội và văn hoá chính trị Nhật. Maruyama sinh ra tại một ngôi chùa thuộc dòng truyền thừa Nhật Liên, toạ lạc tại chân ngọn núi Minobu, thánh địa của tông phái.

Tuy nhiên, những vết thương chiến tranh, sự đoản mệnh của người mẹ, và sự thay đổi ý thức hệ của Phật giáo Nhật từ một kẻ ủng hộ chiến tranh đến ủng hộ hoà bình và rồi lại hậu thuẫn cho kẻ ủng hộ chính quyền bảo thủ, đã khiên ông mất niềm tin vào cuộc đời và đẩy ông đi tìm kiếm cách hiểu riêng về nó.

Vào những năm đầu thập niên 50 thế kỷ trước, ông đã gia nhập Đảng Cộng Sản Nhật và trở thành nhà lãnh đạo tôn giáo quan trọng trong khi vẫn là một sinh viên tại đại học Rissho. Những hoạt động này tất yếu khiến ông lao khỏi đại học, tông phái và gia đình của mình.

Tuy nhiên, thời kỳ này đã tạo cơ sở để ông dựng lập sinh nghiệp cho mình bên ngoài ngôi chùa - một kinh nghiệm mà ông nghĩ là cốt tuỷ đối với lương tâm của những tăng sĩ Phật giáo và việc cải cách Phật giáo Tang lễ ở Nhật.

Sau khi tiếp tục cải cách Nhật Liên tông vào những năm thập niên 60, Maruyama bắt đầu làm việc tích cực hơn trong những vấn đề xã hội vào những năm thập niên 70, chẳng hạn như vận động ngăn chặn việc xây dựng sân bay Narita ở những khu vực trồng trọt nông thôn thuộc quận Chiba.

Vào cuối những năm thập niên 80, ông tham gia vào tổ chức Sulak Sivaraksa qua việc thành lập Mạng Lưới Quốc Tế Những Phật Tử Dấn Thân. Suốt đời làm việc như một nhà phê bình xã hội và một người bài trừ hủ tục - ông luôn là “cái đinh trồi ra ngoài” trong khi chối từ nện búa trở lại – đó là điều đương nhiên khi thấy Maruyama cảm nhận rằng, “Theo quan điểm của tôi Phật giáo căn rễ là lương tâm.” (Maruyama, 1998, tr. 50).

Đối với Maruyama, đây là lương tâm đối với khổ, đối với những gốc rễ lịch sử của chúng ta, và đối với cấu trúc xã hội hiện hành. Ông nhận thấy từ bước đầu tiên này của lương tâm, mỗi cá nhân có thể tìm con đường làm việc cho chính mình để giúp cho xã hội tốt hơn.

Thay vì thiết lập một bản thiết kế duy nhất cho hành động xã hội hay một hệ tư tưởng xã hội duy nhất, Maruyama thấy rằng điều quan trọng đối với mỗi cá nhân là có hiểu biết của riêng họ để có thể thay đổi lối sống của chính họ và tham gia vào hành động xã hội ở một tầm mức có ý thức cao.

Khi mỗi cá nhân được quyền trình bày quan điểm của riêng mình, lúc ấy có nhiều khả năng hơn để tạo nên một xã hội hoà hợp và công bằng. “Triết học quy trình” này của Maruyama xuất phát từ cách hiểu của ông rằng Phật giáo thực ra không dạy duy nhất một sự thật hay chỉ có duy nhất một đặc tính.

Đúng hơn, Phật giáo đưa ra một phương thức giúp nhìn sâu vào tiến trình hiện tượng. Mỗi khi chúng ta có thể hiểu được tiến trình của các hiện tượng, khi ấy chúng ta có thể hành động phù hợp với nó thay vì áp đặt định kiến của chúng ta lên nó (Maruyama, 1998).

Trong khi Maruyama bấy giờ đã là một nhà lãnh đạo tư tưởng quan trọng, thì những luận điểm luôn mạnh mẽ của ông đã cô lập lấy ông và nhóm nhân viên nhỏ của ông tại chi nhánh Mạng Lưới Quốc Tế Những Phật Tử Dấn Thân ở Nhật. Do đó, Mạng Lưới Quốc Tế Những Phật Tử Dấn Thân ở Nhật đã không phát triển thành một phong trào hành động xã hội tiên tiến, và hiện tại không hoạt động một cách có tổ chức.

Giáo sư Nishikawa cung cấp cho chúng ta một hình ảnh khác bởi ông xuất thân bên ngoài cộng đồng Phật giáo và cho thấy mối quan hệ nối kết lớn mạnh của nó với những phong trào xã hội dân sự lớn hơn. Giáo sư Nishikawa là một trong những nhà kinh tế phát triển xuất chúng ở Nhật mà trong những năm gần đây càng lúc càng trở nên quan tâm đến những mô thức khác nhau về phát triển thay thế.

Ông đã chuyển dịch cả hai cuốc sách của David Korten (When Corporations Rule the World, và The Post-Corporate World) sang tiếng Nhật và đã tổ chức một loạt những cuộc hội thảo quốc tế với những học giả và những nhà lãnh đạo xã hội từ khắp châu Á. Năm 1994 và 1995, ông đã tổ chức một buổi hội thảo về kinh tế với chủ để những tăng sĩ phát triển ở Thái Lan.

Cùng với một sinh viên của mình là Noda Masato - một tăng sĩ thuộc Thiên Thai tông, một học giả lỗi lạc và là một người hoạt động trong tổ chức phi chính phủ - ông đã xuất bản cuốn sách sáng giá nói về việc phát triển thay thế theo mô hình Phật giáo ở Thái Lan mà nó đã làm cơ sở cho bài viết này (Nishikawa và Noda, 2001).

Trong chương mở đầu của cuốn sách, Giáo sư Nishikawa đã giới thiệu và bàn chi tiết về sự khác biệt giữa việc phát triển như là một tiến trình thuần vật chất (patina) và phát triển như là một tiến trình tinh thần toàn diện (bavana) mà vị tăng sĩ lỗi lạc người Thái P. A. Payutto đã đưa ra.

Thuật ngữ chung về phát triển kinh tế ở Nhật là kaihatsu/開発 (kai/khai = mở, bắt đầu; hatsu/phát = làm phát khởi, làm xuất hiện hay khơi dậy). Giáo sư Nishikawa và những đồng sự của ông đã đọc khác đi hai chữ Hán này vì từ này trong truyền thống đạo Phật là kai-hotsu.

Trong Phật giáo Trung Hoa và Phật giáo Nhật, chữ phát (hatsu/hotsu) này được sử dụng để nói đến việc quyết tâm đạt lấy giác ngộ và phát khởi tâm bồ-đề, hay phát nguyện đi theo con đường đức Phật. Phép dùng chữ này có ý nghĩa bởi vì nó trình bày cách thức phát triển một loại ngôn ngữ mới để biểu thị một chiều hướng khác về sự phát triển.

Đồng thời, nó không đưa ra một loại biệt ngữ mới mà nó tối nghĩa đối với các nhà kinh tế, những nhà hoạt động thế tục và những tổ chức khác. Bằng việc bàn luận chi tiết khái niệm này, Giáo sư Nishikawa đã tập trung vào một vài khái niệm Phật học then chốt như “trung đạo” và “duyên sinh” xem chúng có thể giúp gì cho châu Á, nơi có dân số Phật tử đáng kể, để phát triển cách hiểu thống nhất của nó về xã hội dân sự và đức tính công dân mà trên đó nó đặt cơ sở.

Chúng tôi đã lưu ý cách mà những tổ chức phi chính phủ Nhật đã gia tăng tập trung vào những vấn đề nội địa giữa những điều kiện suy thoái kinh tế và xã hội ở Nhật. Theo đó, càng lúc những tổ chức phi chính phủ, các trường học và những tổ chức khác càng mở rộng hoạt động cứu tế quốc tế của họ bao gồm “những trại làm việc” mà ở đó người Nhật không chỉ đi đến những quốc gia nghèo hơn để “giúp” những người ở đó.

Thay vì vậy, họ đã dấn thân vào những hoạt động và tìm lấy những nguồn tinh thần và cảm xúc mà chúng đang quá thiếu ở Nhật và những khu vực khác của thế giới phát triển. Sự thay đổi trong khuynh hướng này không chỉ ở các tổ chức Phật giáo, mà những tổ chức khác của Nhật cũng tham gia vào những hoạt động quốc tế, đánh dấu một sự thay đổi quan trọng cả ở trong những phong trào phát triển và trong phong trào xã hội dân sự.

Khi kai-hatsu được đổi thành kai-hotsu, những hoạt động đổi từ phong trào các nguồn kinh tế một chiều từ Bắc sang Nam thành sự trao đổi hai chiều về các nguồn vật chất và tâm linh. Đây là nền tảng cho một phong trào xã hội dân sự lớn mạnh mà nó tạo nên một mạng lưới thống nhất giữa những quốc gia khác nhau.

Kết luận: Lộ đồ cho Phật giáo nhập thế Nhật

Để kết luận, tôi xin đưa ra một bản phác thảo tổng quát về những thành công và thách thức của phong trào Phật giáo nhập thế ở Nhật Bản, điều mà tôi gọi là một Phật giáo nhập thế đích thực. Thực hiện điều này, tôi lại xin đưa ra một sự liên hệ ở bên ngoài Nhật Bản, phong trào của vị tăng người Thái Phra Phaisan Visalo.

Phra Phaisan là vị tăng dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển ở Thái Lan hiện nay bởi những khả năng và hoạt động phi thường của ông. Ở tuổi bốn mươi thì ông đã có trên hai mươi tuổi đạo. Tuy nhiên, trước khi thọ giới, ông là một nhà hoạt động xã hội trong giới sinh viên và là một người hoạt động cho tổ chức phi chính phủ mà sự hiểu biết và kiến thức của ông về những vấn đề xã hội rất đặc biệt thành thạo.

Ông thọ giới và tu học với một vị thiền sư nổi tiếng mà đời sống tâm linh và những phẩm chất đạo đức của vị này được người Thái vô cùng kính trọng. Sau khi thọ giới, ông trở thành một nhân vật dẫn đầu trong nhiều đề án hoạt động xã hội, từ phát triển cộng đồng đến bảo vệ môi trường, và cả chống bạo lực.

Cuối cùng, ông đã viết một số bài viết và những quyển sách quan trọng về hệ thống Tăng lữ Thái hiện tại và vai trò của tôn giáo trong xã hội dân sự. Cùng với giáo sư Nishikawa, ông là người phát ngôn chính tại buổi ra mắt Mạng lưới Phật giáo phi chính phủ vào tháng 7/2002.

Trong buổi nói chuyện của mình, ông đã phác thảo ra bốn lãnh vực mà ông nhận thấy rằng những nhà hoạt động của Phật giáo Nhật và những tổ chức phi chính phủ có thể tuỳ nghi áp dụng cho việc phát triển một xã hội dân sự. Bốn lãnh vực này bao gồm:

1) Viện trợ nhân đạo;

2) Hoạt động hoà bình;

3) Phê bình hệ thống chính trị và xã hội hiện hành; và

4) “Phát triển” an bình nội tâm và hạnh phúc tinh thần.

Tôi nghĩ bốn lãnh vực này cung cấp cho chúng ta một khuôn khổ tốt để có được sự đánh giá cuối cùng về phong trào Phật giáo nhập thế ở Nhật.

- Viện trợ nhân đạo

Như chúng ta đã thấy, đây là một sức mạnh đặc biệt của những tổ chức Phật giáo Nhật. Trong hơn 20 năm qua, họ rõ ràng đã dùng một số vốn lớn từ nước Nhật cho việc phát triển thế giới trong tất cả mọi loại viện trợ nhân đạo. Tất nhiên, có một số trong những viện trợ này không được chi tiêu một cách khôn khéo.

Tuy vậy, những tổ chức Phật giáo phi chính phủ đã rất ý thức trong việc thực hiện viện trợ, biết nỗ lực phát triển những đề án đào tạo nghề nghiệp đúng đắn, như hỗ trợ huấn luyện nghề thủ công truyền thống chẳng hạn, thay thế việc cứu trợ một cách chung chung.

- Hoạt động hoà bình

Đây cũng là một vấn đề quan trọng xưa nay trong những tổ chức Phật giáo. Tuy nhiên, như tôi đã lưu ý, điều cần thiết ở đây là nên thực tiễn hơn đối với thuật ngữ hoà bình, điều được nói quá nhiều trong những tổ chức Phật giáo.

Công việc nhiệt tâm của nhóm nhỏ tăng ni thuộc Nipponzam Myohoji là ủng hộ cho vấn đề này. Họ đã đặt đoàn thể và đời sống của họ vào dân chúng khắp nước Nhật và Thế giới trong những cuộc tuần hành hoà bình của mình, và là nhân chứng hoà bình ở nhưng nơi như El Salvador, Cam-bốt, Sri Lanka và Trung Đông. Phra Phaisan nhận thấy những hoạt động của những người làm việc vì hoà bình, những nhân chứng và những nhà

hoạt động xã hội ở những vùng đất khác nhau trên thế giới có thể là một đống góp quan trọng của những Phật tử Nhật.

- Phê bình hệ thống chính trị và xã hội hiện hành

Như đã lưu ý, đây là một điểm yếu của Phật tử Nhật, khi hầu hết họ đã chọn cách thức phê bình thế tục do những tổ chức xã hội dân sự khác khởi xướng. Một trong những phương diện cốt lõi của sự phê bình này, như Phra Phaisan lưu ý, là bao gồm việc phát triển những giá trị mới và những mô hình mới đối với xã hội.

Ở đây tôi muốn đề xuất rằng, cần phải khơi dậy lại những giá trị đạo đức Phật giáo như Ahimsa (không gây hại, không bạo lực, từ bi, hoà hợp…) mà Galtung đã nhấn mạnh, để giải quyết những vấn nạn hiện đại và cung cấp những chuẩn mực phổ quát nhằm đặt nền tảng và thắt chặt xã hội Nhật lại với nhau.

Cơ sở để khơi dậy lại những giá trị đạo đức Phật giáo phải bắt đầu từ việc cải cách Phật giáo Tang lễ và mở rộng sự thực hành Phật giáo vượt qua nghi lễ.

- “Phát triển” an bình nội tâm và hạnh phúc tinh thần

Đây là sự mở rộng của việc khơi dậy lại những chuẩn mực đạo đức. Từ quan điểm Phật giáo, để phê bình đúng đắn bản chất đạo đức của một xã hội đòi hỏi phải có sự phân tích có trí tuệ, nhưng cũng cần một sự truyền thụ tâm lý tình cảm mà việc tu tập đem lại.

Lãnh vực này có lẽ là sự đóng góp đặc biệt và cốt tuỷ nhất mà Phật giáo có thể đem lại cho hoạt động xã hội dân sự.

Tuy nhiên, đây cũng là lãnh vực yếu kém nhất của Phật giáo Nhật Bản hiện nay khi nó bị vấn đề tài chính và thế tục chi phối trong nhiều năm, làm giảm đi giá trị đời sống tâm linh của hầu hết những tổ chức Phật giáo Nhật.

Những người tham gia vào hoạt động xã hội dân sự nếu có thực hành tu tập sẽ có được tâm lý và tinh thần xả kỷ mà chủ nghĩa nhân đạo thế tục không thể có được.

Ví dụ, năng lực thiền định có thể giúp tập trung tốt hơn vào công việc xã hội, tháo gỡ những quan điểm và lối hành xử tai hại và gây chia rẽ, và đem lại sự tươi tĩnh khi đảm nhận công việc xã hội lâu dài gian khổ.

Nguyên Hiệp (dịch)

Theo: hoangphap.info

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch