Diễn đàn
Đừng tùy tiện gán cho "Phật nói"!
01/04/2018 14:35 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đức Phật là bậc Giác ngộ cao tột, Đạo của Ngài còn được gọi là Đạo Trí tuệ - Đạo Giải thoát. Nếu là Phật tử hoặc có duyên học Phật ít nhiều thì càng phải thật cẩn trọng và tỉnh thức khi học hỏi giáo pháp của Đức Thế Tôn để tránh lầm đường lạc lối. 


Chúng ta tự hào vì mình là đệ tử Phật gia, là sứ giả Như Lai nhưng đôi khi chính sự xuề xòa, dễ dãi của chúng ta trong lúc học hỏi giáo pháp của Đức Thế Tôn lại vô tình làm xuyên tạc và hạ thấp giá trị của giáo pháp cao tột, vi diệu của Đạo Phật. 

Chúng ta đã dễ dãi và thiếu cẩn trọng như thế nào khi học Phật pháp? Lỗi lớn nhất mà chúng ta hay mắc phải đó là tiếp nhận giáo pháp một cách thiếu căn cứ về nguồn gốc chính thống của bài kinh.

phat day.jpg
Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên cho 5 anh em Ngài Kiều Trần Như - Tranh PGNN

Ở Việt Nam, chúng ta thường hay dùng câu “Phật nói…” - như một công thức chung khi trích dẫn giáo pháp của Đức Phật để đảm bảo lời mình nói là đúng theo ý Phật, có cơ sở luận cứ, luận chứng, có tính thuyết phúc rõ ràng. Tuy nhiên chúng ta đã quá lạm dụng 2 từ “Phật nói”

Một số người chưa hề đọc qua bài kinh, hoặc đọc sơ sài vài cuốn sách Phật giáo, chỉ nghe từ người khác nói lại, truyền lại cho nhau hoặc từ một số trang mạng đăng vô tội vạ những lời hay ý đẹp rồi ghi là lời của Phật dạy. Có khi những câu nói lượm lặt từ đâu nghe có vẻ triết lý, phù hợp với suy nghĩ của mình rồi vì nghĩ Phật là bậc Đại Trí tuệ nên nghĩ câu nói nghe hay này là của Phật nói.

Kinh Phật thuyết đầy đủ giá trị chân lý, cơ sở, mục đích, ý nghĩa, khế lý, khế cơ chứ không tùy tiện, dễ dãi như ta tưởng. 

Đáng buồn hơn khi chúng ta còn nhầm lẫn, chắp vá và “nhập khẩu” những giáo lý ngoại đạo vào Phật giáo do vô tình, cẩu thả hoặc thiếu hiểu biết. 

Tôi có làm trò chơi nhỏ trên trang cá nhân của mình, yêu cầu người chơi viết một câu kinh, lời Phật dạy mà bạn tâm đắc. Kết quả nhận được rất nhiều câu trả lời nhưng đáng buồn là khoảng 95% câu trả lời không trích dẫn nguồn gốc bài kinh, bài kệ, khoảng 60% câu trả lời không tìm được trích dẫn mà chỉ ghi là Phật nói, nguồn từ trang web, bài viết trên mạng v.v...; khoảng 40% câu trả lời không phải là lời Phật nói mà chỉ là câu danh ngôn, lời hay ý đẹp hoặc giáo lý của tôn giáo khác. 

Nếu tiếp tục trích dẫn theo kiểu như thế dù vô tình - chúng ta đang làm giảm giá trị cao đẹp của giáo pháp Đức Thế Tôn. Không phải nghe cái gì hay hay thì liền cho là của Phật dạy. Đây là những vụng về, thiếu sót khi ta nghe, học và hành trì giáo pháp.

Khi muốn nói câu gì của Phật dạy hoặc nghe ai nói cái gì mà cho là do “Phật nói” thì phải tự hỏi mình hoặc hỏi lại người kia: Phật nói trong kinh nào? Bài giảng nào? Hoàn cảnh ra bài kinh Phật dạy ra sao? Trong kinh sách nào? Ai xuất bản? Ở đâu? 

Ít nhất thì cũng phải biết tên bài kinh, chương hay phẩm nào mà có câu nói đó. Học Phật không cần quảng đại bao la, uyên thâm, áo nghĩa. Học Phật cần giản dị, rõ ràng, xác thực và chính thống để tránh xuyên tạc lời dạy của Đức Thế Tôn, tránh cho chúng ta đi lạc đường rồi phải mắc kẹt mãi trong vòng luân hồi triền miên không lối thoát.

Vậy làm thế nào để biết được lời dạy của Đức Phật có chính thống hay không? 

Đức Phật đã đưa ra 6 đặc tính để nhận diện chân giáo pháp: “svākhāto bhagavatā dhammo sandiṭṭhiko akāliko, ehipassiko opanayiko paccattaṃ veditabbo viññūhī ti”. Thứ nhất là thiện thuyết bởi Đức Thế Tôn (svākhāto bhagavatā dhammo), thứ hai là hiện chứng bằng thân chứ không viển vông mơ tưởng (sandiṭṭhiko), thứ ba là vượt thoát thời gian, thời đại nào thì cũng đúng và chân xác (akāliko), thứ tư là đến để mà thấy, phải tự mình thực tập trải nghiệm để chứng nghiệm (ehipassiko), thứ năm là dẫn đạo đi lên, có công năng đưa lên con đường hướng thượng (opanayiko) và cuối cùng là tự mình có thể giác tri (paccattaṃ veditabbo viññūhī).

Vậy nếu có nghe “Phật nói” bạn nhớ phải hỏi “Phật nói trong kinh nào?” nhé!

Thích Đồng Tâm

Theo Giacngo.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch