Diễn đàn
Thông tin tiếp về vụ "làm giả giấy tờ rút tiền xây dự án chùa Hòa Bình": Có sự "tiếp tay" của cán bộ biến chất ?
11/04/2012 05:30 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ông Đoàn Văn Thạc và một số người cố tình gây rối

(TN&MT) - Như Báo Tài nguyên và Môi trường số ra ngày 1/3/2012 đã phản ánh: Việc ông Đoàn Văn Thạc và con trai là Đoàn Văn Sáng đang là người làm thuê, trồng rừng lại thành "chủ rừng", với hồ sơ hoàn chỉnh để hòng rút tiền của Ban dự án Xây dựng Chùa Hòa Bình Phật Quang. Mới đây, trước sự "bất lực" của UBND Phường Tân Thịnh, Đoàn Văn Sáng đã ngang nhiên thuê người lập hàng rào, cấm mọi người lên chùa. Sự việc đáng tiếc xảy ra hàng chục ngày gây bức xúc cho người dân địa phương, nhưng chính quyền địa phương vẫn "vô cảm".


Thách thức pháp luật

Khi chúng tôi đến chùa Hòa Bình Phật Quang tại khu đồi Ba Vành, thuộc tổ 21, phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình, con đường dẫn lên Chùa đã bị một hàng rào bằng tre, cột bê tông dàn ngang, chắn kín, tê liệt hoàn toàn. Có 4 đoạn rào như vậy chặn lại con đường này. Ông Nguyễn Hiền, một cựu thanh niên xung phong, cho hay: Hôm đó, ông nhìn thấy một số đối tượng như : Phan Văn Vọng, Trần Hữu Phú, Nguyễn Thị Tám… cùng với "ông chủ" Đoàn Văn Sáng hùng hục đóng cọc, chặn đường. Suốt gần 10 ngày qua, những hàng rào này đã cản trở việc đi lại của người dân. Bất bình, mọi người liên tục gửi đơn tố cáo, kêu cứu lên ông Quách Tùng Dương, Chủ tịch UBND TP. Hòa Bình về sự việc trên, nhưng vị lãnh đạo này cũng "vô cảm", thiếu cương quyết, để mặc cho gia đình Đoàn Văn Sáng "tác oai, tác quái", chiếm đường.

Chưa hết, "bộ ba"gồm hộ Đoàn Kim Bình, Đặng Thị Sáu và Trần Văn Hoành là những hộ đã nhận hàng trăm triệu tiền hỗ trợ, GPMB gần 3 năm qua nhưng thay vì bàn giao đất thì lại chây ì, không đi. Hàng ngày họ vẫn trưng biển nhận trông xe để kiếm chác tiền bạc của khách đi lễ. Họ còn "tưởng tượng" ra ở đây có một đền thờ của 3 vị quận công nào đó đã từng phục vụ trong đoàn quân của Nhà vua Lê Lợi. Nhưng khi hỏi đến: Họ tên là gì? Giữ chức vụ gì? Sách sử nào ghi? Có di tích, văn bia, văn chuông, cổ vật nào chứng minh thì những người này đều "đổ" cho là nghe theo lời của ông Đoàn Văn Thạc nên nói như vậy.

                    Ngang nhiên rào đường lên chùa Hòa Bình Phật Quang.

Báo cáo gian dối để làm trái pháp luật ?

Qua điều tra, chúng tôi đã có toàn bộ hồ sơ về khu đất bên phía bờ trái của TP. Hòa Bình. Khu này nguyên là của Công trường Thủy điện Sông Đà quản lý. Theo Quyết định 853 của Thủ tướng, mãi đến  năm 1996 - 1997 mới được TCT Sông Đà (sau này) bàn giao dần về cho UBND tỉnh Hòa Bình quản lý địa giới hành chính. Vậy ai là người đã lén lút "giao đất" cho Đoàn Văn Sáng quản lý từ năm 1991 ở khu vực Đồi Ba Vành. Trong Công văn số 95 TB-TĐTN, do ông Phạm Công Bổng, Tổng đội trưởng ký ngày 1/11/1996 gửi cho ông Đoàn Văn Thạc, là người đang thực hiện trồng cây đồi Ba Vành, nêu rõ: Tổng đội đang trồng lại toàn bộ đồi cây Ba Vành thuộc Chương trình PAM trước đây để thay thế một số cây đã chết và chống xói mòn, phủ xanh đồi Ba Vành đã được UBND TX Hòa Bình giao cho đơn vị quản lý, bảo vệ từ năm 1992. Nay giao lại cho gia đình ông Thạc tự đầu tư trồng. Tổng đội cũng yêu cầu người dân, CBCNV không làm nương rẫy, chăn thả động vật… Đây là một bằng chứng, chứng minh ông Thạc chỉ là người được giao nhiệm vụ trồng cây, có trả công chứ không được giao đất trong 50 năm. Tuy nhiên, trong Báo cáo số 47/BC-TN, ông Nguyễn Quang Dũng (Trưởng phòng TN&MT) vẫn báo cáo lên UBND TP. Hòa Bình là sổ đất - rừng của Đoàn Văn Sáng là đúng, bất chấp nhiều mâu thuẫn, các văn bản trái ngược lẫn nhau.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Vũ Bích Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhìn nhận: Cần phải hiểu cho rõ bản chất của vụ việc. Việc hộ ông Đoàn Văn Sáng, nếu minh bạch, trong sạch thì phải có hồ sơ gốc cụ thể như: Đơn xin giao đất, vị trí đất, địa chỉ cụ thể của người được giao, lý do giao đất, mục đích xin giao đất làm gì, nơi quản lý cấp cơ sở xác nhận gửi lên, nếu là trồng rừng phải có xác nhận của Hạt Kiểm lâm nơi được giao đất… Đằng này, hộ Đoàn Văn Sáng chỉ có "độc" một cuốn giao đất, giao rừng, gộp luôn cả quyết định có đóng dấu của ông Bùi Xuân Trường, Chủ tịch UBND thị xã Hòa Bình lúc đó. Cũng để "lập lờ, đánh lận con đen", Hội đồng GPMB cần phải đề nghị Công an Hòa Bình điều tra làm rõ: Giấy tờ gốc đi đâu? tại sao không có một bút tích nào lưu lại ? Đằng này, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Hòa Bình lại gửi đi giám định chữ ký, con dấu mà "lờ" việc kia đi. Đó chính là sơ hở hoặc cố tình đưa sự việc theo một diễn biến khác nhằm che giấu sự thật và câu kết nhau hòng rút tiền dự án. Chính vì hồ sơ lưu trữ bị biến mất một cách khó hiểu, trong lúc đó các bằng chứng từ phía TCT Sông Đà cung cấp càng cho thấy, ở đây có một đường dây "ăn dơ" với nhau để làm trái pháp luật(?)

Tiếp tục điều tra, chúng tôi được biết: Thời gian qua, có khá nhiều khu đất được "chia chác" một cách khó hiểu với nhiều căn nhà sừng sững mọc lên. Cụ thể: Khu vực đất ở Bến xe khách Sông Đà cũ (đường Hoàng Văn Thụ), đất phía sau khu tập thể của Công ty May - Sông Đà, thu hồi đất tại khu Rộc Rích (xã Sủng Ngòi), Khu đất ở hai cảng lớn ven Sông Đà… đều được giao một cách khó hiểu. Để rồi xuất hiện tình trạng mua đi, bán lại khá phổ biến nhằm kiếm chác, tư lợi. Trước đó nữa là vụ "tai tiếng" giao đất chớp nhoáng ở 4 xã thuộc huyện Lương Sơn trước ngày được nhập về làm "công dân" Hà Nội. Những vị cán bộ này đều đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương "thổi còi", sau đó một thời gian các "quan" này đều dần dần thoát nạn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về những sai phạm trong quản lý đất đai ở đây.

Bài tiếp: "Làm giả giấy tờ nhằm rút tiền chùa Hòa Bình": Gia đình Đoàn Văn Sáng "thách thức" chính quyền

Nhóm PVPL

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch