Diễn đàn
Trao đổi Lễ hội đầu năm: Lễ vật càng nhiều càng may ?
01/03/2010 01:26 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đi chùa lễ Phật để cầu phúc, cầu may cho bản thân và gia đình đã trở thành một nếp văn hóa tâm linh quen thuộc không thể thiếu của rất nhiều người dân Việt. Lời cầu khấn đa dạng, người cầu sức khỏe, người cầu duyên, cầu tự, cầu tiền tài… và lễ vật mang theo cũng vì thế mà rất phong phú.

Mù mịt khói nhang

Đến chùa chiêm bái nhất định không thể thiếu nén nhang thơm, xưa nay hương khói đã làm cho không gian nhà chùa trở nên ấm cúng, trầm mặc và thiêng liêng vô cùng.

Tiếc rằng ngày đầu xuân hàng vạn người thi nhau đi lễ chùa, ai cũng chuẩn bị nhang đèn thịnh soạn, tùy mua tùy đốt nên hầu hết án hương ở các chùa, đặc biệt các ngôi chùa nổi tiếng luôn đầy ắp nhang đèn, người người chen chúc nhau sấn sổ, nhiều khi chẳng lên được đến chỗ án hương đành vái lưng nhau rồi cắm hương tùy tiện từ trong chánh điện ra đến bái đường, sân chùa, cây cảnh, đường đi lối lại…

VinhNghiem-3.jpg

Khói nhang mịt mù, cay xè mắt, nhưng nhức lan tỏa, ngột ngạt, người bon chen đông đúc, chen lấn, chẳng còn đâu sự thong dong, tịnh tại, trật tự thường mong khi đến chùa. Nhiều người đốt cả bó nhang to đã chuẩn bị sẵn, nhà chùa chẳng còn cách nào khác là rút bớt những nén hương đang cháy dở đôi khi chỉ vừa cắm trong án hương để khói hương đỡ mịt mù, lấy chỗ cho người khác thắp nhang. Sự thể này chẳng khác nào một sự lãng phí nhang đèn, tiền của và gây ra cả việc ô nhiễm môi trường không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

Nên chăng đi lễ chùa, mỗi người chỉ cần thắp một nén nhang là đủ? Nhiều ngôi chùa đã làm vậy. Đơn cử như một ngôi chùa nổi tiếng ở lưng chừng núi Lớn, Vũng Tàu, có bảng hướng dẫn ở chánh điện hẳn hoi rằng mỗi người chỉ được thắp một nén nhang, vái trong chánh điện rồi đem cắm ngoài trời dưới chân tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. 


Nên tâm niệm lên chùa là để tìm chỗ dựa tinh thần, mong sự bằng an, đồng thời nhìn lại mình để sống tốt hơn, góp phần gìn giữ sự thanh tịnh cho chốn thiền môn


Vị sư ở ngôi chùa này cho biết việc chỉ thắp một cây nhang khi lễ chùa đem lại nhiều ích lợi. Thứ nhất: nhà chùa không lo sợ khói nhang, bụi bám làm ảnh hưởng đến tượng Phật và các vật dụng nơi chánh điện. Thứ hai: đỡ công lau dọn trong chánh điện bởi nhà chùa rất vắng người. Thứ ba: khi người viếng chùa đông không sợ khói hương mịt mù, cay mắt, không gian chật hẹp, ngột ngạt. Thứ tư: tiết kiệm nhang đèn, tiền bạc. Thứ năm: quan trọng hơn, nén nhang là biểu tượng sự thành tâm của người vãn chùa và như vậy, chỉ một nén là đủ.

Chuyện vàng mã đem đốt tại chùa cũng là điều không hay. Nhiều người theo nhau sắm sửa cành vàng lá ngọc,  vàng mã, tiền âm phủ mang đến dâng cúng và đốt ngay tại chùa. Thực ra đây là một việc làm không được khuyến khích và tuyệt đối nếu có sửa lễ này cũng chỉ đặt ở bàn thờ thánh mẫu, đức ông hay thần linh mà thôi chứ kiêng không đặt ở bàn thờ Phật, bồ tát vì như thế khác nào “hối lộ” và bày tỏ sự không tôn kính đối với các đấng thiêng liêng vì các ngài vốn trong sạch.

Nhiều lễ vật, nhiều tài lộc?

Chuyện sửa soạn lễ mặn như đem heo quay dâng cúng ở chùa thờ thần cũng lắm chuyện cười ra nước mắt.

Trước rằm tháng Giêng, nhà nhà nô nức rủ nhau từ Biên Hòa, TP.HCM, Vũng Tàu, miền Trung và cả miền Bắc lặn lội đi chùa tận Bình Dương, Châu Đốc và nhiều ngôi chùa thờ thần nổi tiếng linh thiêng khác.

Nhiều nhà khá giả chuẩn bị heo quay, mâm lễ đủ đầy áo mão, khánh vàng, tiền bạc để dâng. Người không có điều kiện cũng ráng đua theo bằng cách thuê lại heo quay từ dịch vụ cho thuê với suy nghĩ lễ vật càng thịnh soạn càng được nhiều lộc, nhiều may. Dịch vụ cho thuê heo quay cúng vì thế ở cổng chùa cũng hoạt động rôm rả, giá thuê một chú heo quay độ chục ký, trong 15-20 phút khoảng 200.000 đồng. Đang cúng đã có người chờ sẵn, canh hết giờ để lấy lại heo cho người khác thuê tiếp. Cứ thế một chú heo quay có thể được dâng lên thần linh, thánh mẫu, đức ông… rất nhiều lần và trải qua nhiều ngày, thậm chí mốc meo lên cả.

Việc sắm lễ khi đi chùa ngày Tết và cả ngày thường từ đốt nhang cả bó cho cay xè mắt đến việc mua vàng mã, dâng heo quay cúng, khấn vái, van xin, cầu tài cầu lộc, cúng sao giải hạn, dâng sớ cầu an, thành tâm cúng bái… vốn là những nếp sinh hoạt chùa chiền khó thay đổi, tồn tại lâu đời. Nhưng những người thực hiện nếu không tự giới hạn những sinh hoạt ấy ở một chừng mực nhất định sẽ đem lại nhiều lo toan, phiền muộn cho bản thân người đi lễ chùa và xã hội. Việc sắm lễ đi chùa này ít nhiều mang tính “bon chen” hay “hội chứng số đông” dẫn đến những bát nháo dịch vụ, chụp giật, chen lấn, mê tín dị đoan, bói toán, lừa gạt, bát nháo ngay trước cổng chùa.

Muốn gặt hái, phải vun trồng

Thực chất, lễ vật đủ đầy, thành tâm cúng bái khó có thể đem lại may mắn, tài lộc… như mọi người đi chùa mong ước vì theo triết lý nhà Phật, vạn sự kiết tường, muôn sự hanh thông, tai qua nạn khỏi, bình yên vô sự có đạt được hay không là do nghiệp duyên và phước báu của mỗi người tạo được trong cuộc sống hiện tại và vô vàn kiếp luân hồi trước đó chứ không phải do thành tâm cầu khấn.

Các đấng thiêng liêng, Đức Phật, Ngọc Hoàng, thần linh vốn không thiên vị, không làm chuyện bất công ban cho con người những điều họ van xin nếu họ không đáng được nhận dù có thành tâm khẩn thiết đến mức nào đi chăng nữa vì nếu như vậy, ai cũng cầu xin điều tốt đẹp và được thỏa mãn thì thế giới này đã chẳng còn ai khổ đau, phiền muộn.

Đức Phật có dạy: “Ai muốn gặt hái cái gì phải vun trồng cái ấy” nên tự bản thân mỗi người thay vì khẩn nài van xin, cầu cúng trời Phật suông thì hãy lo tu tâm dưỡng tánh, tích đức, làm chuyện thẳng ngay, thôi tranh chấp hơn thua, mua gian bán lận, lừa gạt, dối trá… để luôn gặp nhiều may mắn, thuận duyên, cầu gì được nấy. Nói rõ hơn, phước đức của ai tích tụ càng dày, mọi sự của người đó càng dễ dàng, thuận lợi, tốt đẹp theo quy luật nhân quả, có gieo có gặt.  

Tóm lại, ngày xuân lên chùa lễ Phật thay vì chăm chăm sắm sửa lễ vật cho thịnh soạn để cầu may cho riêng mình và gia đình, tốt hơn nên tâm niệm lên chùa là để tìm chỗ dựa tinh thần, buông xả mọi lo toan phiền muộn, mong sự bằng an, thanh tịnh tâm hồn đồng thời nhìn lại mình để sống tốt hơn, góp phần gìn giữ sự thanh tịnh cho chốn thiền môn.

Khổng Thu Thủy (NV công ty hàng hóa Hàng không Việt Nam):
Việc đi chùa như một nếp hình thành một cách tự nhiên, kiểu như thấy mọi người đi thì mình cũng đi, cầu được phước thì tốt mà trước tiên thấy lòng cũng nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi thường hay đi chùa Láng (Láng Thượng, Q.Đống Đa, HN) nhưng lại không phải vào ngày rằm hay mùng một mà bất cứ khi nào thấy người mệt mỏi, thấy xáo trộn, bất an trong lòng. Đến nơi cửa Phật, tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng rất nhiều, có thể ngồi hàng giờ tĩnh mịch để suy nghĩ. Ở chùa Láng, vào chiều ngày Chủ nhật hằng tuần, tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ tới đây để nghe giảng về Phật pháp. Những điều Phật dạy chẳng có gì cao siêu hay xa vời cả, nó gần gũi với cuộc sống hằng ngày, giúp cho con người sống tốt hơn, làm việc thiện nhiều hơn.

Bùi Hồng Vân
(25 tuổi, phường Thịnh Liệt, Q. Hoàng Mai, HN): Tôi đi chùa từ hồi còn là sinh viên. Lúc đấy có phong trào đến chùa để học bài vì ở đó yên tĩnh nên học rất vào. Sau này, tôi vẫn giữ thói quen vào chùa mỗi một tháng 2 lần vào ngày rằm và mùng một. Vào chùa, tôi thấy tâm mình được tĩnh, thoải mái đầu óc vì hằng ngày công việc và học hành của tôi khá bận rộn và căng thẳng. Thường thì nhiều bạn bè tôi hay “lây” đi chùa từ mẹ mình nhưng tôi lại thích đi với bạn bè, người yêu. Cứ khi nào cảm thấy stress, bức bách tôi lại tìm đến chùa. Có lẽ không khí trang nghiêm nơi cửa Phật cùng với phong cảnh thoáng đạt, nhiều cây xanh làm cho tôi thấy thanh thản và khỏe mạnh hơn. Điều tôi không hài lòng nhất có lẽ là ý thức của nhiều người. Tết vừa qua, khi đi Văn Miếu Quốc Tử Giám hoặc chùa, tôi rất bất bình về việc người ta cứ nhảy qua hàng rào để sờ vào đầu rùa hoặc trong chùa không cho thắp hương, chỉ thắp 1 nén tượng trưng ở ngoài, nhưng một số người vẫn cố tình thắp hương ở trong.

Nguyễn Thị Thảo (51 tuổi, ở Phổ Yên, Thái Nguyên): Tôi hay đi chùa
ở gần nhà như chùa Tân Phú, đền Mẫu ở Phố Cò, rồi đền Quân Chu. Xa hơn thì đến đền bà Chúa Kho ở Bắc Ninh; đền Sóc Sơn, chùa Non Nước (HN). Ngày bé tôi thấy bà nói người ta đi chùa đầu tiên phải cầu cho quốc thái dân an tức là cầu cho nước nhà. Nhưng giờ, có lẽ cuộc sống hòa bình nên mình chỉ cầu sự bình an, sức khỏe cho gia đình mình, cầu năm mới làm ăn phát đạt.

Mỗi năm đi chùa lại có mục đích riêng, nó như một lời hứa để cả năm phấn đấu đạt được. Năm nay tôi cầu kiếm được nhiều tiền để mua nhà cho các con ở Hà Nội, nhà bé thôi nhưng cho chúng nó đỡ khổ phải thuê mướn. Tôi thường đi cùng con gái nhưng phải làm sao để khi đi cùng nó cũng thấy vui thì vào chùa cầu mới thành tâm và thoải mái được. Đi chùa với tôi là một niềm vui, “mua” sự thoải mái cho tâm hồn, còn cầu được là mừng, không được thì cũng chẳng sao cả._ Hồng Minh (ghi)

Thy An (Thanh Niên)

Ý kiến của bạn:

 Nội dung gửi về toà soạn cho bài:
 Trao đổi Lễ hội đầu năm: Lễ vật càng nhiều càng may ?

Vui lòng nhập vào Tiếng Việt có dấu:
Họ và tên:
Địa chỉ:
Điện thoại:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung:  
Gửi file đính kèm (mỗi file có kích thước tối đa 1MB):




  
Nhập vào mã:
 


    

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch