Tịnh độ
Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm
25/09/2556 18:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Khuyên Người Niệm Phật
Mục lục
Xem toàn bộ

Tâm hiếu kính đạt đến mức cùng cực thì viên mãn thành Phật đạo.(Pháp Sư Tịnh Không).

Kính cha má,

Người niệm Phật hưởng được mười đại lợi ích sau đây:

1) Ngày đêm thường được tất cả chư thiên, đại lực thần tướng ẩn thân gia hộ.

2) Thường được đức Quán-Âm và hai mươi lăm vị đại Bồ-tát hộ trì mãi mãi.

3) Thường được chư Phật ngày đêm hộ niệm, Phật A-di-đà phóng quang nhiếp thọ.

4) Tất cả ác quỷ dạ-xoa, la-sát đều không thể hại mình được; không bị trúng độc xà, độc dược.

5) Không thể bị hại bởi lửa, nước, oán tặc, đao binh, gươm giáo, gông cùm, lao ngục, hoạnh tử.
6) Nếu có tội chướng, ác nghiệp, niệm Phật sẽ dần dần tiêu diệt; tăng trưởng phước nghiệp.

7) Ban đêm có chiêm bao thì tốt lành, hoặc thấy thân kỳ diệu sắc vàng của Phật A-di-đà.

8) Tâm thường hoan hỷ, nhan sắc tươi nhuận, khí lực đầy đủ; làm việc gì đều được kết quả tốt đẹp.
9) Thường được tất cả nhơn dân ở thế gian cung kính, bái lễ như kính Phật vậy.

10) Đến khi gần mệnh chung, tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện tiền, Tây-phương tam Thánh kim đài tiếp dẫn vãng sanh Tịnh-độ, hoa sen hóa sanh, thọ diệu lạc thù thắng.

Thanh tịnh niệm Phật thì tự nhiên được mười điểm lợi trên. Tuy nhiên phải nhớ kỹ hai chữ “TỰ-NHIÊN” và “THANH-TỊNH”. Tự nhiên là không phải mong cầu, người mong cầu thì không phải là tự nhiên, vì mong cầu thì tâm không thanh tịnh. Một khi tâm không thanh tịnh thì mở ngõ cho tà khí xâm nhập, vô tình pháp tu thì Chánh mà ý niệm sai lệch thành ra là ta. Điều thứ tư nói, tất cả ác quỷ dạ-xoa, la-sát, không thể hại người niệm Phật, oan gia trái chủ đâu thể đòi nợ được, chính thế mà chúng mới sợ hành giả niệm Phật, lo sợ chúng ta có công phu đắc lực.

Cho nên, người mới khởi tu niệm Phật, công phu đắc lực, ban đầu thường bị chúng tới phá đám. Phá bằng cách nào? Chúng giả người thân yêu, giả Bồ-tát tới dụ khị mình, đôi khi chúng có thể giả dạng luôn cả Phật để làm cho mình đắm say vào đó. Một khi đã thích vào đó rồi thì nó sẽ hướng dẫn mình đi tới chỗ sai đường lạc lối, mất phần vãng sanh. Điều thứ bảy nói chiêm bao thì thấy điềm tốt, thấy thần kỳ diệu sắc thân Phật A-di-đà. Đây là quả báo tự nhiên của tâm đã được thanh-tịnh, chứ không phải đêm đêm cầu nguyện thấy được Phật, thấy được điềm lành.

Người niệm Phật không nên cầu xin những thứ lợi lạc tầm thường mà đành bị mất phần giải thoát, vì đây là lòng tham luyến trần tục. Niệm Phật chỉ để cầu nguyện vãng sanh Tây-phương Tịnh-độ. Nguyện vãng sanh Tịnh-độ không phải là lòng tham mà là cái tâm nguyện Bồ-đề, cái nguyện Vô-Thượng Bồ-đề để thành Phật cứu độ chúng sanh. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, ở phẩm “Tam-Bối-Vãng-Sanh”, Thượng, Trung, Hạ phẩm Phật dạy đều phải giữ một nguyên tắc là “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, và nguyện sanh bỉ quốc”. Phật đưa ra ba vấn đề rõ rệt,

1) Là phát Bồ-đề tâm;

2) Là một lòng trì danh niệm A-di-đà Phật;

3) Nguyện vãng sanh Tịnh-độ.

Phật không bao giờ dạy cầu thấy Phật, cầu thấy điềm tốt, cầu Bồ-tát ứng hiện... nếu thường xuyên thấy Phật, Bồ-tát xuất hiện, thấy Tiên, Thánh hạ cơ chỉ điểm, xưng tên lung tung, đó là do vọng tưởng sinh ra, chắc chắn là giả...... Cho nên, bà con, cô bác, anh chị em ai thường có những hiện tượng này phải chấm dứt đi.

Người chân thành niệm Phật tự nhiên hưởng được mười điều đại lợi trên. Cầu mong là tham-lam! Phật dạy tham, sân, si, là ba chất độc phải bỏ, mình vô ý lại cố gắng phát triển lòng tham thì sai lệch cách tu hành. Cho nên, niệm Phật không được cầu cho mình khỏe mạnh, sống dai, tai qua, nạn khỏi, vì nó tự nhiên đã có rồi. Nếu nguyện như vậy, vô tình thay vì được cả mười điều thì nay chỉ còn lại có một điều, nhưng sau cùng cũng bị mất hết vì không có được cảm ứng đạo giao. Không được sử dụng câu Phật hiệu để luyện khí, luyện thần, người nào ham thích thần thông, lợi dụng câu Phật hiệu để cho thần khí được khai thông, chứng đắc thần thông biến hóa, chắc chắn sẽ bị điên loạn hoặc tàn hại cuộc đời. Những người ham mê năng lượng siêu hình, muốn tiếp nhận nhiều từ trường vũ trụ... dùng câu Phật hiệu để khai mở luân xa, tăng cường điển lực, phát triển “nhân-điện”... nếu không chấm dứt không thể có kết quả tốt, nếu không nói là tự hại mình.

Phát Bồ-đề tâm nghĩa là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Muốn độ tận chúng sanh thì tự mình phải thành Phật trước đã, chưa thành Phật chưa thể độ tận được chúng sanh. Muốn thành Phật cần phải vãng sanh Tây-phương. Cho nên chỉ cần chí tâm phát nguyện vãng sanh Tịnh-độ, là đã bao hàm ý nghĩa cao cả phát tâm Vô-Thượng Bồ-đề, y giáo phụng hành theo lời Phật dạy rồi vậy.]

Còn điều thứ hai là “chân thành niệm Phật”. Niệm Phật không được hồ nghi, không được xen tạp những niệm khác, đừng để gián đoạn câu niệm Phật trong tâm. Người niệm Phật thì cứ niệm Phật, tâm-tâm niệm Phật, ý-ý tưởng Phật, trong lòng cứ nghĩ tới Phật là được. Niệm Phật thì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đừng chạy ra ngoài. Miệng niệm Phật, niệm rất rõ ràng, dù niệm thầm cũng phải rõ ràng, tai lắng nghe từng tiếng mình niệm. Miệng niệm ra, tai nghe vào, cứ thế tâm sẽ nhiếp vào đó thì tự nhiên thành tựu tất cả.

Vì thế, niệm Phật muốn cho “nhất tâm bất loạn” thì không cần cầu nhứt tâm bất loạn thì mới được nhứt tâm, còn cầu xin cho nhất tâm bất loạn thì tâm bị loạn liền. Tương tự, không cần cầu giải nạn, không cần cầu chứng đắc, không cần cầu người ta kính trọng, không được cầu thấy Phật... vì tất cả những thứ này tự nhiên sẽ có khi công phu tốt, tâm thanh-tịnh. Cứ một lòng tin tưởng vững chắc như vậy là được. Chỉ cần nên nhớ một điều là trong nhiều đời, nhiều kiếp mình gây nợ máu quá nhiều, bất cứ người nào cũng có oán thân trái chủ bám sát theo bên. Oán thân trái chủ này có thể là hữu hình hoặc vô hình, là người thân, con cái, là bạn bổn đạo tu hành... mà chúng ta không hay biết. Người Niệm Phật cần phải hồi hướng công đức cho “oán thân, trái chủ”, có như vậy đường tu hành sẽ được êm xuôi.

Thưa cha má, đúng ra thư này con viết tiếp thư trước còn đang dang dở, nhưng con đành phải trở lại vấn đề thực hành pháp niệm Phật để cho cha má, bà con, anh chị em chỉnh đốn lại cách hành trì thì mười điều thiện lợi của sự niệm Phật sẽ chắc chắn được. Biết bao nhiêu người tâm hồn thanh tịnh niệm Phật một thời gian ngắn được an nhiên vãng sanh. Xưa nay có rất nhiều chuyện vãng sanh như vậy, nhưng con ít khi kể những chuyện xảy ra xa xưa, mà thường kể những chuyện mới đây, những chuyện có thể làm chứng được. Ví dụ như tháng Sáu vừa rồi khi con về thăm cha má thì căn nhà của con mở cửa cho một anh mà cha của ảnh mới vãng sanh vừa xong thất tuần. Bác đó là người Việt-Nam. Nhưng chuyện này ở Úc, còn xa. Con xin kể hai mẫu chuyện ở ngay quê nhà mình, mới đây thôi cho cha má nghe.

Chuyện thứ nhứt do anh Hai Nhung kể lại. Ở xã Nhơn-Thọ, vừa rồi có một người không đau bệnh gì cả, ông ta nói với nhiều người rằng: “Vài ngày nữa tôi chết đó”, thế là vài ngày hôm sau ông tự nhiên ra đi. Anh Hai hỏi: “Ông ta không niệm Phật mà biết ngày ra đi, cũng vãng sanh, như vậy đâu cần gì phải niệm Phật?”...

Chuyện thứ hai do vợ chồng em Lộc và Sáu Luân kể lại, cũng trong năm này, một ông bác ở Long-Khánh đau rất lâu, vợ chồng Sáu Luân khuyên bác niệm Phật nhưng bác không nghe theo. Sáu Luân nói: “Tôi đem một xấp cỡ mười lá thư của anh cho bác đó coi. Coi xong bác phát tâm tin tưởng và niệm Phật và cho người hộ niệm”. Kết quả bác được vãng sanh. Lộc nói: “Em chắc chắn ổng vãng sanh, ổng tỉnh táo đến phút cuối cùng, ổng biết được lúc chết và cho mọi người biết “bây giờ ta bắt đầu đi đây...”. Tắt thở xong gia đình vẫn tiếp tục hộ niệm. Ba bốn giờ sau khi tắt thở đầu bác vẫn còn nóng hổi...”. Đây là lời thuật lại của vợ chồng Lộc-Luân.
Như vậy, rõ ràng là có chuyện “Vãng-sanh” thường xảy ra khắp nơi mà mình không hay. Tuy nhiên, chữ “vãng-sanh” này phải kèm theo chữ “Tịnh-độ” hay là “Tây-phương Cực-lạc” mới được, chứ còn chết rồi đi về các nơi uế độ khác thì gọi là tái sanh, thọ sanh, đầu sanh, đọa lạc... chứ không phải là vãng sanh. Hôm nay sẵn dịp có chuyện này con cố gắng phân tích rõ thêm về sự vãng sanh cho cha má nghe.

Chuyện thứ nhứt của anh Hai kể, đây không thể nói là vãng sanh Tịnh-độ được. Trước tiên con xin nói rằng, lời bàn dưới đây là chính con suy luận ra bằng cách dùng phương pháp loại suy, nghĩa là bỏ lần những cảnh giới không hợp lý, để tìm ra chỗ hợp lý mà thôi, chứ con không thể tự ý xác quyết đây là đúng. Trong thập pháp giới, gồm có Phật, Bồ-tát, Duyên-Giác, Thanh-Văn, Trời, Người, A-tu-la, Súc-sanh, Ngạ-quỷ, Địa-ngục. Bốn giới cao nhứt gọi chung là Thánh: Phật, Bồ-tát, Duyên-Giác, Thinh-Văn, thì không thể nào tới được, vì muốn vãng sanh về Tây-phương với Phật thì bắt buộc phải niệm A-di-đà Phật và phải nguyện vãng sanh, còn những cảnh giới Thánh kia muốn tự tu thành đạt phải mất cả ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Như vậy chắc chắn bác đó phải lọt lại trong sáu đạo luân-hồi.

Về hai cảnh ác đạo là địa-ngục, súc-sanh, thì khi một người bị sanh về đó tức là bị đọa-lạc, lúc chết không thể nào tự tại an nhiên ra đi. Bị đọa địa-ngục thì trước lúc chết thường tướng địa-ngục đã hiện ra, làm cho người đó bị khủng-bố, kinh-hoàng... nên thường la hét, giãy giụa, trợn mắt, v.v... Còn về đường súc-sanh thì do sự ngu-si mà lạc vào đó, thường tâm trạng rối bời, lo âu, sầu bi, hôn ám, mê muội, v.v... không thể nào tỉnh táo được.

Sáu đường, còn lại bốn đường: Trời, A-tu-la, Người, Ngã-quỷ cứ từng bước mà xét tiếp và loại ra nữa thì ta thấy ngay. Nếu muốn sanh về những cảnh giới Trời, thì bắt buộc trong đời phải làm lành tu thiện, tránh ác. Mười điều thiện là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói láo, không nói thêu dệt, không nói đâm thọc, không hỗn hào, không tham, không sân, không si, phải đạt đến tiêu chuẩn chín mươi phần trăm trở lên, nghĩa là thượng phẩm thập thiện. Ngoài việc này ra phải tu phúc, nghĩa là bố-thí, giúp người thật nhiều mới có phước báu sinh về những cảnh trời dục-giới (trời thấp nhứt). Còn muốn lên những cõi cao hơn, sắc giới và vô sắc giới, phải tu Thiền-định... Anh Hai nói, trong đời ông bác đó không tu gì cả thì vô phương tới được những cảnh giới Trời.

Còn lại ba đường A-tu-la (quỷ-thần), Người, Ngạ-quỷ. Nếu tái sanh làm người thì tạm coi như huề vốn! Chết tái sanh làm người thì đâu có ai hộ vệ, trong kinh gọi là “Độc sanh độc tử, độc khứ độc lai, khổ lạc tự đương, vô hữu đại giả”, họ theo nghiệp lực mà đi, không có thần hộ vệ. Hơn nữa thần thức phải qua thân trung ấm, sẽ mê mờ, khó có thể tỉnh táo và biết trước ngày ra đi.

Như vậy, tới đây chỉ còn lại có hai đường là Quỷ-Thần và Ngạ-quỷ. Cảnh giới của Quỷ và Thần chung với nhau, Quỷ-Thần có hiền, có dữ, có nhiều phước báu hơn người. Người bình thường ít ra cũng phải có chút ít phước báu, có tu hành thì cũng dễ sinh về đó. Ngạ-quỷ là loài quỷ không có phước báu, chịu cảnh đói khát suốt đời, chiêu cảm bởi lòng tham-lam khi còn sống ở dương gian. Chết bị lạc vào cảnh giới này thì khó được tự tại ra đi. Một ngày trong Quỷ-Thần đạo dài bằng một tháng trên dương gian, âm u mù mịt, không có mặt trời, (cho nên gọi là U-Minh). Loài quỷ thường xuất hiện ban đêm khoảng từ chín mười giờ tối cho tới hai ba giờ sáng, họ sống chung đụng với loài người. Quỷ-Thần thường là cảnh giới khá hung hiểm, tâm háo sát rất lớn, luôn sống trong cảnh chiến tranh chém giết, tàn sát, dữ tợn.

Thổ-địa, Thần-đình, Thần-miễu... thì hiền không dữ, nhưng La-sát, Dạ-Xoa là những loài quỷ rất ác. Chư Cổ-đức khuyên rằng đối với quỷ thần ta “kính-nhi-viễn-chi”, kính trọng họ nhưng không nên theo họ là vậy. Ông bác ở Nhơn-Thọ này biết trước ngày đi và ra đi tự nhiên thì chắc là theo vào con đường này. Ngài Tịnh-Không dạy rằng, con người ngày nay chết thường đi về cảnh giới quỷ nhiều nhất, lý do chính là vì lòng tham quá lớn, càng ngày càng tham-lam, tâm địa càng ngày càng hiểm-ác!

Tại sao người đó lại biết trước ngày chết và ra đi tự nhiên? Có thể là, trong lúc đang sống có phát lời thề nguyện làm quỷ thần, hoặc một lời hứa nhận chịu về với họ(?)... đã hứa thì phải giữ lời, cho nên đôi lúc được họ cho biết ngày đi và tới ngày giờ họ tới bắt hồn. Như trong lời pháp giảng kinh Lăng-Nghiêm, Ngài Tịnh-Không có kể hai câu chuyện có thực bị quỷ bắt chết.

Một người bị nhận nước chết, họ gạt ông ta ra sông nhận nước hai lần, nhưng may mắn gặp được người ta đi ngang cứu sống lại. Lần thứ ba bị nhận giữa đêm về sáng không ai hay biết, thành ra phải chết và thần-thức ông ta bị bắt đi làm Thổ-Thần giữ miếu thổ địa mới xây. Chuyện này là do ân oán trong đời.

Còn một người nữa, ông ta biết được ngày ra đi tới ba tháng chỉ vì trong giấc chiêm-bao lỡ buông lời hứa chịu làm việc trong quỷ đạo, họ cho thời gian ba tháng để sắp xếp việc nhà, rồi đúng ngày giờ họ tới bắt đi, không thể trễ hẹn.

Thưa cha má, bình thời vì không hiểu thấu cảnh giới của Quỷ-Thần, cho nên nhiều người móng tâm hâm mộ. Phật dạy, đây là một ách nạn trong luân-hồi lục-đạo. Vào đó rồi muốn ra, ra không được. Thọ mạng của Quỷ đạo rất lâu, ít nhất cũng một ngàn tuổi, một ngày ở đó bằng một tháng trên thế gian. Đặc biệt là ở đó tâm sát hại chúng sanh rất nặng. Nếu có chút phước báu hưởng một cấp bậc nào đó thì còn tạm ổn, nếu trở thành ma dân, ma nữ, quỷ đói thì khổ sở vô cùng. Ở những nơi họ có lập miễu, lập đình, thì còn có chỗ trú thân, nếu không lập hoặc bị phá sập thì số mệnh khá thương tâm! Quỷ, Thần, Tiên, Ma... có chung cảnh giới, sướng có, khổ có, tùy theo phước đức và sự tu tập, so ra thì cảnh giới dương gian ổn định hơn.

Ấy thế nhiều người không biết lại đi thờ họ, rồi nguyện xin về với họ. Chính vì lời hứa này mà lúc chết đôi khi được biết trước và tự nhiên ra đi. Nhưng sau đó thì sao? Ai biết được! Cho nên, đừng vì giận hờn mà buông lời thề bừa bãi, mà có thể bị họa về sau không tốt!

Người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì cảnh giới tương lai của họ là Nhứt-chân-Pháp-giới, là cảnh giới của Phật, Bồ-tát, đã vượt khỏi tam-giới, là vị trí cao nhứt trong tứ pháp giới của Thánh. Cho nên người niệm Phật, khi đã thành tâm phát nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc thì được chư Thiên kính nể đảnh lễ. Hòa-Thượng Tịnh-Không còn nói, nếu chí thành phát nguyện, thì Thánh A-La-Hán cũng phải đảnh lễ, thì chư Thần-Tiên làm sao sơ ý được. Cho nên đối với Thần, Tiên, Đình, Miễu, người niệm Phật chỉ nên bái chứ không nên lạy. Ai muốn lạy thì lạy, nhưng lạy họ chỉ làm cho họ khổ sở mà thôi, đang ngồi ăn uống đành phải bỏ chạy vì cái lạy của ta. Nhiều người không thông hiểu pháp giới, không hiểu Phật pháp, tự bỏ ngôi thứ giải thoát thành Phật của mình, đi xuống thờ lạy chư Thần-Tiên trong tam-giới để sau cùng bị lọt lại trong luân hồi khổ nạn! Những ngày về quê tổ chức niệm Phật cho cha, con chỉ quỳ lạy bàn thờ Phật, còn bàn thờ Thần-Tiên con chỉ thắp nhang rồi khấn như vầy:

“Nam-mô A-di-đà Phật. Phật dạy rằng, tất cả chúng sanh trong cửu Pháp giới, ai nghe được danh hiệu của A-di-đà Phật mà tin tưởng trì niệm danh hiệu Ngài, nguyện sanh về Tây-phương Tịnh-độ, thì được vãng sanh về đó, một đời bất thối thành Phật. Kính xin chư vị phát lòng tin tưởng cùng niệm Phật để sớm ngày thành Phật. Nam-mô A-di-đà Phật”.

Đây là sự thành tâm cứu độ chúng sanh. Phật cứu độ tất cả chúng sanh trong cửu pháp giới, nghĩa là tới hàng Thánh ngoài tam giới vẫn còn phải niệm Phật để được cứu cánh giải thoát, thì các vị trong tam giới không niệm Phật làm sao mong có ngày giải thoát. Con khấn như vậy không đụng chạm ai hết, một lòng vẫn kính trọng và còn kèm theo tâm cứu độ...

Chuyện thứ hai ở Long-Khánh, nếu đúng như lời của Lộc và Sáu Luân ke, thì đây thực sự là được vãng-sanh. Thật quá may mắn, hy hữu, hiếm có! Một triệu người may ra mới có một chứ không phải thường. Mấy năm trước đây, ở Mỹ có ông Châu-Quảng-Đại cũng được cái may mắn này, ông ta niệm Phật ba ngày được vãng sanh. Ông Bác Long-Khánh này một đời không tu hành gì nhiều, đến cuối đời được người điềm chỉ, ông phát lòng tin chịu niệm Phật chỉ một thời gian rất ngắn đã thành tựu đạo quả, được vĩnh viễn thoát khỏi sinh-tử luân-hồi, thọ hưởng phước báu vô cùng vô tận ở Tây-phương Cực-lạc Thế-giới của Phật A-di-đà. Giờ đây Ngài đã là một vị Bồ-tát rồi chứ không phải thường nữa đâu. Con xin phân tích rõ ràng thêm chuyện này.

Trong Kinh Vô-Lượng-Thọ, lời nguyện thứ 18, Phật dạy, “Khi Ta thành Phật, chúng sanh trong mười phương nghe đến danh hiệu của Ta, mà chí tâm tin kính, ai có căn lành tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh về nước Ta, cho đến mười niệm nếu không được sanh Ta thề không thành Phật. Duy trừ có tội ngũ nghịch và phỉ báng Chánh pháp”. Đây là lời thề của Phật A-Đi-Đà trước khi Ngài thành Phật, lời thề mười niệm vãng sanh. Trong kinh A-di-đà, đức Phật Thích-ca Mâu-ni dạy, người nào nghe Ta thuyết về A-di-đà Phật mà phát lòng tin, chấp trì danh hiệu Ngài mà niệm từ một ngày đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn, thì được vãng sanh.

Bác này dù hồi giờ không tin, không niệm Phật, nhưng khi đã già, bị bệnh hoạn, không còn cách lựa chọn nào khác là nằm chờ chết. Sự chết đối với bác đã là đương nhiên rồi nên không thèm sợ nữa, bác bình tĩnh chờ ngày đó. Chính vì thế mà bác đã biết buông xả tất cả thế sự nhân tình, vì có lo lắng cũng không được gì. Trong trạng thái an tịnh như vậy, gặp được duyên lành, như người đang chết đuối vớ được cái phao. Bác chấp nhận dễ dàng, thoải mái, tin tưởng, quyết chí đi. Bác thành công đến nỗi khi nghe con cũng lấy làm ngạc nhiên. Chính con còn chưa vững tin, mới đem chuyện này hỏi thầy Thiện-Huệ. Thầy nói, nếu đúng như lời kể, thì bác đó đã vãng-sanh. Thành thực con rất mừng về chuyện này, trong đời tu hành ta cứu được một người mừng cho một người. Mình biết được con đường giải thoát phải nên chân thành hướng dẫn người khác cùng giải thoát vậy.

Sau đây là tóm tắt những điểm xác minh:

1) Là sự buông xả thấy rõ. Trong những ngày trước khi ra đi bác an nhiên, cười vui, niệm Phật, không lo lắng gì cả, coi cái chết nhẹ hơn lông hồng. Đây là điểm rất hay!

2) Là bác tỉnh táo đến giây phút cuối cùng, trước phút ra đi còn báo cho mọi người biết là: “Ta bắt đầu đi đây”. Người thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-độ, nếu đã biết buông xả trọn vẹn, họ dễ đạt được trạng thái tươi vui, bình tĩnh và sáng suốt này, gọi là “tâm bất điên đảo”;

3) Thần thức rời khỏi nhục thân từ chân đi lên, điểm cuối cùng là đỉnh đầu, tắt thở ba bốn giờ mà đỉnh đầu vẫn còn nóng. Đây là dấu hiệu then chốt xác định sự vãng sanh. Trước đây con có phân tích chuyện này rồi chắc cha má còn nhớ. Chính điểm nóng sau mấy tiếng đồng hồ trên thân thể là vị trí thần thức xuất ly sau cùng. Ông bác nóng tại đảnh đầu đây là điều rất tốt, cho phép ta tin tưởng sự vãng sanh. Xin chân thành chúc mừng cho Ngài. Xin nhắc lại bài thiệu để dễ nhớ.

Đảnh Thánh, Nhãn sanh Thiên.

Tâm Nhơn, Phúc Ngạ-Quỷ.

Bàng sanh Túc hạ hành.

Địa-ngục, Cước để xuất.

(Nghĩa là nóng tại đảnh đầu sanh về cảnh giới Thánh, tại mắt về trời, tại ngực trở lại người, tại bụng làm ngạ-quỷ, từ đầu gối xuống làm súc-sanh, tại bàn chân bị đọa địa-ngục). Cảnh Thánh là những cảnh Phật, Bồ-tát, Thanh-văn, Duyên-giác, ở ngoài tam giới. Ở đây Bác đã có niệm Phật, có nguyện vãng sanh Tịnh-độ và cho con cháu niệm Phật hộ niệm, như vậy bác được siêu sanh thẳng về Tây-phương Cực-lạc. Đây là một thiện căn, phúc báu, nhân duyên lớn vô cùng vô tận! Có người tu hành nhiều đời nhiều kiếp chưa chắc đã sánh bằng! Quá may mắn! Nhiều thiện căn! Đại phúc đức! Đại thiện duyên!

Có một điều là, nghe Lộc kể lại lúc vãng sanh bác đó có phần chú tâm vào sự diễn tiến của thần thức đang xuất ra, bác chỉ cho mọi người từng phần thân thể đang chết. Thật may mắn cho bác là không có chuyện gì trở ngại xảy ra. Có lẽ hồi giờ bác đó và gia đình ít nghe pháp Phật, không hiểu nhiều về quy luật vãng sanh, chỉ đọc qua mấy lá thư rồi tin tưởng làm theo mà được tương ưng với điều kiện vãng sanh, thật quá may mắn! Chứ người hiểu đạo, hiểu pháp, thì phải hết sức cẩn thận trong giây phút tối quan trọng này.

Nghĩa là, tất cả mọi người, ngay cả người lâm chung, phải thành tâm chí thiết niệm Phật. Khi biết mình được Phật tới tiếp dẫn hoặc biết mình đang ra đi thì đừng nên lơ là. Nếu muốn từ tạ thì một lời là đủ rồi. Hoặc giả không cần lễ mễ chuyện này, mà phải chú tâm niệm Phật để vãng sanh theo Phật trước đã, rồi chuyện khác tính sau. Còn người hộ niệm dù có thấy hiện tượng lạ như quang minh của Phật xuất hiện, hoặc mùi hương thoảng bay, người ra đi hiện ra tướng lành như mặt hồng hào, tươi trẻ, nét mặt cười vui, trái tai dài ra, ở ngoài cửa chim bay tới đậu, hoa trong bình tự nhiên nở ra, v.v... nhất thiết đừng có vọng động, đừng lên tiếng, đừng chỉ chỏ gì cả, mà phải thành tâm cùng niệm Phật, chí kính niệm Phật cho đều để cho cảnh giới được tăng cao, giữ vững an toàn cho người đi. Tuyệt đối không được tháy máy, hiếu kỳ hay sơ suất mà nhiều khi bị trở ngại bất ngờ, ngàn đời ân hận.

Quan trọng nhứt là tuyệt đối không được khóc, không được kêu réo người đang ra đi, không được gây tiếng động ngay giây phút đó. Con cái trong nhà thương cha mẹ phải quyết tâm bảo vệ cha mẹ mình, dù phải trả giá gì cũng chấp nhận, vì đây là phút cuối cùng cứu độ được người thân, là cơ hội cuối cùng để báo đáp chữ hiếu, không thể nhân nhượng được. Khi ra đi rồi người hộ niệm phải tiếp tục niệm Phật chung quanh nhục thân ít ra phải tám tiếng sau mới được rời khỏi. Tuyệt đối không được đụng tới thân thể, ngay cả cái giường nằm cũng không được đụng mới bảo đảm sự an toàn.

Niệm Phật thành Phật. Cha má đang nắm trong tay một pháp môn thành Phật, đừng để vụt mất cơ hội. Người có lòng thành, có tâm tu đạo, có lòng tin, biết buông xả để về với Phật thì tự nhiên được cảm ứng, chắc chắn được vãng sanh. Người vận may đã đến trong tay mà không chịu nắm lấy thì bị đọa lạc, đành tự chịu lấy hàng vô lượng kiếp khổ đau. Thật oan uổng, đáng tiếc!

Phải biết rằng, bình thường một người muốn thoát khỏi tam giới thôi, nghĩa là mới nhập vào hàng Thánh, gọi là hàng nhập lưu thôi, thì công tu ít ra cũng phải một đại A-tăng-kỳ kiếp mới được. Muốn lên đến phẩm Địa hạ của Bồ-tát phải mất một A-tăng-kỳ kiếp nữa, rồi thêm một A-tăng-kỳ kiếp nữa mới chứng được hàng Địa thượng Bồ-tát, nghĩa là cảnh giới cận kề Phật. Còn bác đó đã được sự gia trì của A-di-đà Phật, hiện giờ đương nhiên trở thành vị bất-thối Bồ-tát ở cõi Tây-phương, tất cả năng lực của tự tánh đã được khôi phục, thần thông tự tại như kinh Phật nói: thiên-nhãn-thông, thiên-nhĩ-thông, tha-tâm-thông, thần-túc-thông, lậu-tận-thông, túc-mạng-thông với vô-lượng-thọ thân... không cần phải tu ba đại A-tăng-kỳ kiếp thời gian nữa. Thật bất khả tư nghì! Trí óc phàm phu không bao giờ hiểu tới được!

Một A-tăng-kỳ dài bao nhiêu? Con ghi thử ra đây con số của A-tăng-kỳ cho cha má tưởng tượng:
Một A-tăng-kỳ =

100.000.000.000.000.000.000.000.000. 000.000.000.000.000.000.000 (số 1 với 47 con số 0). Con số vô cùng lớn, nhưng không phải bấy nhiêu đó ngày mà bấy nhiêu đó kiếp. Ví thế, tu muốn thành một vị Bồ-tát đâu phải dễ, muốn thành Phật đâu phải đơn giản! Người nào muốn tự tu chứng hãy xét thử coi liệu mình có đủ khả năng không!

Thưa cha má, muốn tu cho được giải thoát, thành Phật, hãy tu tại cảnh giới nhân gian này. Cảnh giới người dễ tu, dễ thành Chánh-quả. Đừng lầm mà tưởng rằng phải lên tới cõi Trời, cõi Tiên rồi mới tu. Không phải vậy đâu! Thứ nhứt là lên Trời, lên Tiên không phải dễ. Lên Trời phải có phước báu, phải tu thập thiện, phải có thiền-định, rất khó! Lên được đó rồi thì sống xa hoa sung sướng, tận hưởng khoái lạc khó có ai nghĩ đến chuyện tu hành, đến khi phước cạn phải bị rơi xuống và thường rơi rất nặng.

Cảnh Tiên cũng không hơn gì, nếu khá thì thì sống an nhàn ngao du sơn thủy, hưởng lạc nhiều năm, ngày đêm say sưa tu luyện một số phép thần thông biến hóa mà quên mất con đường giải thoát cho tương lai, một ngày nào đó cũng đành chịu chung số phận vô-thường! Vấn đề huệ-mệnh vẫn còn nguyên vẹn, vẫn còn lăn lộn trong tam-giới, sanh-tử luân-hồi.

Cảnh giới người là dễ quay đầu tu hành nhất. Phật nói vì ở đây khổ nhiều, sướng ít dễ thức tỉnh đường đạo. Tất cả chư Phật thị hiện hầu hết đều trong nhân đạo để cứu độ chúng sanh. Chính vì thế, tại đây, ai tin tưởng, ai quyết tâm, ai y-giáo phụng-hành, một lòng theo Phật thì được vãng sanh bất thối thành Phật.

Cũng cần nhắc lại điều này, xin đừng hiểu lầm mà cứ nguyện sanh lại làm người để tu. Nếu nguyện như vậy thì mãi mãi trầm-luân đọa-lạc, vì còn làm người thì còn sanh tử khổ nạn, còn bị đọa tam đồ. Nên nhớ dễ tu là đối với người biết tu, còn người không tu thì đâu có phần. Hơn nữa, ở đây dễ tu, dễ tiến nhưng cũng dễ thối đọa. Tiến một bước nhưng dễ thối hai bước. Bao giờ mới thành chánh-quả?

Thưa cha má, đời là vô-thường, thân này vô-thường, nhà cửa vô-thường, danh vọng, ân nghĩa, con cái, gia đình... chỉ là sự vô-thường. Đó gọi là “Chúng-Sanh”. Chúng là nhiều thứ kết hợp lại mà “Sanh” ra nên gọi là “Chúng-Sanh”. Hợp đó rồi tan đó, gọi là “Vô-Thường”. Hãy liễu giải chơn tướng của sự Vô-Thường mà vững tâm quyết định niệm Phật cầu về Tây-phương. Vô-Thường tấn-tốc! Quyết định không thể chần chờ, không hẹn giờ hẹn ngày nữa...

Thành tâm ngưỡng nguyện đức A-di-đà Phật gia trì cho cha má cùng tất cả chúng sanh đều phát lòng niệm Phật, hết một báo thân này đồng sanh Tây-phương Cực-lạc quốc.

Nam-mô A-di-đà-Phật.
Con kính thư.
(Viết xong, Úc Châu, ngày 9/8/02).