Tịnh độ
Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm
25/09/2556 18:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Khuyên Người Niệm Phật
Mục lục
Xem toàn bộ

Kính gởi chung quí đạo hữu đồng tu,

Có một vài câu hỏi về cách tu niệm Phật. Nhiều vị nghe nói nhiều về pháp môn niệm Phật nhưng không biết cụ thể phải niệm như thế nào? Hành lễ làm sao? Nhất là quí vị ở các vùng quê xa tự viện, xa chùa chiền, không có đạo tràng, chưa từng tham dự khóa Phật thất nào,

nên phần nhiều bị lúng túng về việc tu hành. Đây là vấn đề khá thực tế. Hôm nay Diệu Âm cố gắng bàn về chuyện này.

Lâu nay chúng ta nói nhiều về pháp niệm Phật, chứ thành thực mà nói thì chỉ riêng nói về pháp TRÌ DANH NIỆM PHẬT mà thôi. Vì đây là phương pháp thù thắng nhất, tiện lợi nhất, phổ cập tất cả căn cơ mà chư Phật, chư Tổ sư, Đại đức đều tuyên dương. Chứ đúng ra, niệm Phật có bốn môn:

1. Thật Tướng Niệm Phật.

2. Quán Tưởng Niệm Phật.

3. Quán Tượng Niệm Phật.

4. Trì Danh Niệm Phật.

Thật Tướng Niệm Phật: tức là nhập vào đệ nhất nghĩa tâm, là niệm tánh Phật bản lai của chính mình, thuộc về Thiền, nhưng cảnh giới hiển lộ là Tịnh-độ. Chỉ hợp với hàng thượng thượng căn.
Quán Tưởng Niệm Phật: nói đến trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, để quán tưởng y-báo và chánh-báo của cõi Cực-lạc, công đức rất lớn. Nhưng cũng chỉ hợp với người thượng căn, định lực đầy đủ, người độn căn rất khó thành tựu!

Quán Tượng Niệm Phật: là nhìn một tượng Phật, ghi nhận mọi chi nét của tượng ấy rồi quán tưởng cho đến khi dù không có tượng, lúc mở mắt hay nhắm mắt đều thấy tượng ấy hiện rõ nơi trước. Pháp này cũng rất khó vì phải có tinh lực mạnh, ký ức sâu, trí phương tiện khéo.

Trì Danh Niệm Phật: là phương pháp xưng niệm hồng danh “Nam mô A-di-đà Phật” hay “A-di-đà Phật”. Có thể niệm thầm hay niệm ra tiếng. Đây là phương pháp tối vi diệu, dễ tu, dễ chứng, thích hợp với cả ba căn thượng trung hạ, ai cũng có thể tu hành được. Được đức Bổn Sư Thích-ca đề xướng trong kinh Phật Thuyết A-di-đà, kinh Vô Lượng Thọ, thông dụng nhất để cứu độ chúng sanh.

Tổng quát xét về các phương pháp niệm Phật, HT Thích Thiền Tâm trong “Niệm Phật Thập Yếu” đã viết như sau:

“Xét qua bốn phương pháp niệm Phật pháp Thật Tướng và Quán Tượng trong ba kinh Tịnh-độ không thấy nói, chỉ có kinh Niệm-Phật-Tam-Muội, quyển Phổ-Hiền-Quán-Hạnh-Ký và một vài kinh luận khác đề cập đến mà thôi. Nhưng cả hai cũng chỉ là phương tiện thứ yếu, để nói rộng thêm về giáo nghĩa niệm Phật, chứ không phải là đường lối chính thức của môn Tịnh-độ mà chư Tổ bên Liên-tông hằng tuyên dương.

Pháp Thật Tướng duy có tác dụng suy diễn sâu rộng về ý nghĩa niệm Phật, lại quá cao thâm, không trùm khắp ba căn, đi lạc về bên Thiền. Pháp Quán-Tượng chỉ là cách thức phụ trợ, lại cũng không dễ thực hành. Đối với người tu Tinh-độ, hai môn ấy không được thích nghi.

Phương pháp Quán-Tưởng tuy do Phật tuyên dương, công đức vô lượng, nhưng chỉ để dành cho bậc thượng căn, người thời mạt pháp ít ai hành trì được.

Kết yếu, duy môn Trì-Danh-Niệm-Phật đã gồm khắp ba căn, lại đắc hiệu mau lẹ, ai cũng có thể thực hành. Trì danh nếu tin thành sẽ có cảm cách, hiện tiền thấy ngay chánh báo y báo cõi Cực-lạc, tỏ ngộ bản tâm, đời này dù chưa chứng thật tướng, sau khi vãng sanh cũng quyết được chứng. Vì thế Ấn Quang đại sư, vị Tổ thứ mười ba của Liên-tông đã khen:

“Chỉ duy Trì-Danh mà chứng thật tướng,

Không cần Quán-Tưởng cũng thấy Tây-phương!”

Cổ Đức cũng phê luận: “Môn Tịnh-độ là con đường tắt để chứng đạo trong các pháp môn, mà pháp Trì-Danh là con đường tắt trong môn Tịnh-độ”. Hiện nay phương pháp này là đường lối thông hành nhất trong môn Niệm-Phật”. (HT Thích Thiền Tâm – Niệm Phật Thập yếu – Mục khái luận về các phương pháp niệm Phật.).

Riêng về pháp Trì-Danh Niệm Phật cũng không phải chỉ có một cách, mà có nhiều phương pháp khác nhau để ứng dụng trì danh niệm Phật. Trong tam kinh Tịnh-độ, HT Thích Trí Tịnh liệt kê mười phương thức trì danh sau đây:

1. Phản Văn Trì Danh,

2. Sổ Châu Trì Danh,

3. Tùy Tức Trì Danh,

4. Truy Đảnh Trì Danh,

5. Giác Chiếu Trì Danh,

6. Lễ Bái Trì Danh,

7. Ký Thập Trì Danh,

8. Liên Hoa Trì Danh,

9. Quan Trung Trì Danh,

10. Quán Phật Trì Danh.

Hình thức kể ra thì khá nhiều, nhưng nội dung chính vẫn giống nhau, tất cả đều là chấp trì danh hiệu “Nam mô A-di-đà Phật”, hoặc “A Di Đà Phật” không hoài nghi, không gián đoạn, không xen tập để đi đến chỗ nhất tâm. (Xin xem thêm “Tam Kinh Tịnh-độ của HT Thích Trí Tịnh, và “Niệm Phật Thập Yếu” của HT Thích Thiền Tâm soạn).

Tất cả mọi phương thức đều nhắm đến cứu cánh cuối cùng là viên thành Phật đạo. Đặc biệt của pháp môn Tịnh-độ cứu độ nhất thiết chúng sanh thoát vòng sanh tử nhờ vào đới nghiệp vãng sanh Cực-lạc. Bắt đầu từ đó, đường chứng đạo Vô Thượng coi như chắc chắn sẽ được thành tựu, vững vàng, nhanh chóng. Vấn đề chính yếu của chúng ta là đi thẳng về các pháp thực hành thích hợp, chứ không cần phải thực hành cho đầy đủ các pháp.

Riêng Diệu Âm, vì phương tiện được gần gũi với đạo tràng niệm Phật của Hội Tịnh Tông, nên đang dựa theo khóa trình của hội mà tu tập. Vì theo sát đạo tràng để niệm Phật lâu ngày rồi quen cách thức hành lễ của họ. Cho nên, nói về phương pháp niệm Phật, thì trước tiên Diệu Âm nói qua một vài nét chủ yếu cách thức tu niệm của đạo tràng Tịnh-độ của Hội Tịnh Tông. Sau đó sẽ xin giới thiệu thêm vài phương thức mà tứ chúng đồng tu ở đây thường áp dụng tới, để cho quí đạo hữu có một khái niệm về cách thực hành. Còn chuyện công phu cá nhân, xin quí vị hãy tùy cơ mà ứng dụng, mỗi người mỗi hoàn cảnh, không nên so sánh.

Về thời khóa tu học của Tịnh Tông Học Hội hiện nay, tổng quát là mỗi năm mở bốn khóa niệm Phật, cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mỗi khóa là mười “Phật-Thất” liên tục. “Thất” là bảy, “Phật Thất” là bảy ngày nhất tâm niệm Phật, cũng gọi là “Kiết Thất Niệm Phật”. Đây là pháp ứng dụng từ Kinh Phật Thuyết A-di-đà. Mười Phật Thất tức là bảy mươi ngày liên tục niệm Phật. Ngoài ra đạo tràng thường xuyên mở cửa, không có một ngày đóng cửa, mỗi ngày từ 5 giờ sáng cho đến 9 giờ đêm để cho tất cả mọi người đến niệm Phật. Như vậy, nếu ai muốn tu, thì ngày nào cũng là “Phật Thất”, một năm 365 ngày, ngày nào cũng ở trong khóa tu. Có lẽ, đây là điều kiện khá tốt cho việc tu tịnh vậy.

Cách hành trì ở đây có thể chia ra làm hai phương pháp chính: một là “Kinh Hành Niệm Phật”; hai là “Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự”. Kinh hành niệm Phật vào ngày thường; Hệ Niệm Pháp Sự vào ngày cuối tuần.

1) Kinh hành niệm Phật:

Kinh hành niệm Phật là pháp công phu ứng dụng từ trong kinh Phật. Kinh Phật Thuyết A-di-đà có nói: “Kỳ độ chúng sanh thường dĩ thanh đán, các dĩ y kích, thạnh chúng diệu hoa cúng dường tha phương thập vạn ức Phật, tức dĩ thực thời huờn đáo bổn quốc, phạn thực kinh hành”. (Nghĩa là: chúng sanh trong cõi đó thường vào lúc sáng sớm đều lấy đãy hoa, đựng những bông hoa tốt đem cúng dường mười vạn ức Phật ở các phương khác, đến giờ ăn liền trở về bổn quốc, ăn cơm xong đi kinh hành). Kinh hành chính là kinh hành niệm Phật.

Trong kinh Hoa Nghiêm, Ngài Thiện Tài Đồng Tử sau khi đã đắc được “Căn-Bản-Trí” từ sư phụ là Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, mới bắt đầu ra ngoài tham phỏng thiện tri thức để hoàn thành “Hậu-Đắc-Trí”. Trong 53 tham vấn, người đầu tiên Ngài gặp là Cát Tường Vân Tỳ Kheo, đã dạy Ngài pháp “Bát-Châu-Tam-Muội”. Đây chính là pháp kinh hành niệm Phật.

Nói về Bát-Châu-Tam-Muội, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, trong “Tam Kinh Tịnh-độ” viết:

“Bát Châu có nghĩa là “Phật Lập” (Phật đứng). Hành trì môn tam muội này có ba oai lực phù trợ: oai lực của Phật, oai lực của Pháp Tam Muội và oai lực của công đức người tu. Khi thực hành Bát-Châu-Tam-Muội, phải lấy 90 ngày làm định kỳ. Trong thời gian ấy hành giả chỉ đứng hoặc đi, tưởng đức Phật A-di-đà đứng trên đảnh mình, đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp; hay miệng thường niệm danh hiệu Phật, tâm thường tưởng Phật không xen hở. Khi công thành, trong tam muội, hành giả thấy đức Phật A-di-đà và chư Phật mười phương hiện ra đứng trước mình, khuyến tấn khen ngợi.

Bát-Châu cũng gọi là “Thường-Hành-Đạo”. Người tu khi đi mỗi bước mỗi tiếng đều không rời danh hiệu Phật, ba nghiệp hành trì không gián đoạn như dòng nước chảy. Pháp này công đức rất cao, song chỉ có bậc thượng căn mới kham tu trì. Hạng người trung hạ và tinh lực yếu kém không thể thật hành nổi”.

Bát-Châu-Tam-Muội là thuật ngữ dịch âm từ tiếng Phạn, được nói rõ trong “Bát-Châu-Tam-Muội Kinh”. (Cũng có người đọc là Ban Chu Tam Muội). Tam-Muội tiếng Trung Quốc dịch là Định, Chánh Trụ.

Tuy nhiên, ở đây chỉ là sự ứng dụng thôi chứ không phải kinh hành liên tục 90 ngày, không ngủ, không nằm, như trong kinh nói. Nếu như muốn thực hành đúng theo pháp này thì đời nay chắc cũng không có ai đủ năng lực để theo! Cho nên, chỉ dựa vào phương thức để lập công phu chứ không cần quá căng thẳng. Người khỏe thì kinh hành niệm Phật, buồn ngủ thì lạy Phật, mệt thì ngồi vừa nghỉ vừa niệm Phật, nghỉ khỏe rồi thì kinh hành tiếp, v.v… Nói chung là tùy sức tùy duyên, cố gắng giữ câu Phật hiệu không gián đoạn trong tâm.

Đây là pháp tu hành chính yếu, áp dụng hằng ngày cho tất cả tứ chúng đồng tu. Hành giả nhiễu Phật thuận theo chiều kim đồng hồ để niệm Phật. Một sự khác biệt đối với những đạo tràng hay tự viện khác chính là chiếc máy niệm Phật. Tiếng niệm “… A … Di … Đà … Phật … A … Di … Đà … Phật …”, đều đều từ chiếc máy được phát liên tục 24/24 để cho người tu bước theo, niệm theo trong khi kinh hành. Có lẽ đây là một phát minh mới nhất mà hồi giờ chúng ta chưa thấy ở đâu áp dụng tới.

Quí vị nào muốn sử dụng máy này để kinh hành niệm Phật, thì theo như Hội Tịnh Tông thực hiện, khởi đầu một buổi công phu chúng ta nên đảnh lễ Phật ba lần, rồi bắt kinh hành. Khi đi kinh hành nên để ngửa hai bàn tay trước bụng, tay trái dưới, tay phải trên. Niệm “A-di-đà Phật”, mỗi tiếng là mỗi bước chân, “A”: chân phải; “Di”: chân trái; “Đà”: chân phải; “Phật”: chân trái… và tiếp tục như thế. Nếu có người cầm khánh dẫn chúng, thì tiếng khánh rơi vào tiếng “Đà”. Người tới trễ hoặc muốn vào giữa chừng buổi tu, thì có thể bước vào niệm Phật đường bái Phật, rồi nối theo sau người cuối cùng. Thứ tự trong hàng thì người cầm khánh đi đầu, rồi tới pháp sư, nam chúng, và sau cùng là nữ chúng.

Sau khi xong một ngày niệm Phật, nên nhớ hồi hướng công đức. Ba việc: phát nguyện vãng sanh, trì danh niệm Phật và hồi hướng công đức lúc nào cũng phải có đối với người niệm Phật cầu sanh Cực-lạc. Nếu quí vị ở gần một tự viện hoặc đạo tràng Tịnh-độ, thì tốt nhứt nên dựa theo pháp nghi ở đó mà thực hành cũng được.

2) Tam-Thời-Hệ-Niệm:

Đây là một pháp sự do Ngài Trung Phong Thiền Sư, vị quốc sư đời nhà Nguyên lập ra. Pháp hội này cầu cho dương thới âm siêu, có dâng hương, tụng kinh A-di-đà, tán Phật, niệm Phật, niệm chú, khai thị, với phần pháp khí và địa chung. Cách tu này rất hay, dễ nhiếp tâm và thích hợp với những buổi cộng tu đông người.

Muốn thực hiện được pháp sự này cần đến khá nhiều người thuần thục sử dụng các pháp khí, khai kinh, xướng kệ, khai thị, chủ lễ, v.v… Với cách hành lễ của Việt Nam, chúng ta xưa nay đã quen với hình thức của người Việt, có lẽ khó thực hiện được điều này.

Tuy nhiên, có một phần đơn giản trong pháp sự Tam Thời Hệ Niệm, thường được ứng dụng trong những buổi cộng tu nhỏ với “Địa Chung”, rất hay và có thể áp dụng dễ dàng ở bất cứ đâu. Cách cộng tu này gồm có tụng kinh A-di-đà, kệ tán Phật, kinh hành niệm Phật sáu chữ, rồi ngồi xuống niệm Phật bốn chữ với địa chung. Mỗi thời cộng tu ba tiếng đồng hồ, chia làm hai tiểu thời, mỗi tiểu thời có hai lần Địa chung.

Địa chung là một pháp cụ gồm có một chuông nhỏ và một mõ nhỏ. Phật hiệu “A-di-đà Phật” được niệm đều, có âm điệu thống nhứt. Tiếng mõ nhịp theo từng tiếng một: “A”, “Di”, “Đà”, “Phật”; tiếng chuông điểm theo tiếng “A” và tiếng “Đà”. Mõ theo nhịp chiếc, chuông theo nhịp đôi, nhịp điệu trước chậm, càng sau càng nhanh dần. Pháp thực hành này hay ở chỗ làm cho tất cả mọi người đều phải nhiếp tâm vào câu Phật hiệu. Người nào không nhiếp tâm niệm Phật thì sẽ niệm loạn nhịp.

Cách thức này diễn tả khá khó hiểu, nhưng nếu quí vị có xem video, hoặc đã từng tham dự qua thì cũng dễ dàng ghi nhận và thực tập theo. Vấn đề chính là tập niệm âm điệu niệm Phật thống nhất và sử dụng địa chung. Quí vị thành lập các nhóm cộng tu riêng lẻ có thể nghiên cứu, rồi uyển chuyển theo hoàn cảnh để thực hiện. Có lẽ đây là phương tiện cộng tu khá hay, vừa trang nghiêm vừa thích thú.

Bên trên là hai hình thức cộng tu căn bản mà chúng tôi thường công phu ở Hội Tịnh Tông. Nếu đem so sánh với các đạo tràng Tịnh-độ Việt Nam của chúng ta thì hình thức này hơi khác lạ. Điểm chính yếu ở đây là lấy niệm Phật làm chính, thường ngày thời gian niệm Phật chiếm hầu như trọn vẹn, còn tất cả những nghi tiết khác đều được giảm thiểu. Ngay trong những buổi công phu có địa chung, thì đi, đứng, ngồi đều trong tiếng niệm Phật. Nói chung, chuyên niệm A-di-đà Phật là chính, còn hình thức thay đổi để người dự tu được thích thú, tránh nhàm chán và dễ nhiếp tâm niệm Phật.

Cách ứng dụng các pháp trì danh: Có nhiều phương thức trì danh khác nhau. khi hành pháp Bát-Châu-Tam-Muội hay cộng tu với địa chung, chúng ta có thể ứng dụng các pháp trì danh để hỗ trợ cho pháp tam muội, đưa vào chánh định. Các phương pháp sau đây có thể ứng dụng được:
*) Phản-văn-Trì-Danh: là trong khi niệm Phật tai cố gắng lắng nghe tiếng niệm của mình. Miệng niệm ra, tai nghe vào tạo cho âm thanh của Phật hiệu thành một luồng châu lưu giữa tâm-miệng-tai, giúp ta mau gạn trừ được vọng tưởng, dễ nhất tâm. Đại Thế Chí trong kinh Lăng Nghiêm dạy: “Thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tương kế”. Phản văn trì danh giúp ta dễ thâu nhiếp sáu căn. Khi kinh hành, mắt đừng nên nhìn dọc, ngó ngang, tiếng niệm thật rõ ràng, trong sáng, để tạo thành những chủng tử Phật tốt, rồi cố gắng lắng nghe chính tiếng niệm của mình để đưa vào tâm.

*) Lễ-Bái-Trì-Danh: vừa lễ Phật vừa niệm Phật, cũng được nhiều vị thực hiện song song. Có vị phát nguyện lạy cả hàng ngàn lạy mỗi ngày. Lạy Phật tiêu nghiệp chướng, niệm Phật tạo công đức. Pháp lễ bái trì danh, ba nghiệp thân khẩu ý được vận dụng để niệm Phật nên có công đức và hiệu lực rất lớn, phá được hôn trầm, nghiệp chướng tiêu trừ nhanh. Người bị các bệnh về nghiệp chướng nên cố gắng thực hành phương pháp này.

Những điều cần nhớ:- Khi ăn no đừng lạy liền, hãy chờ khoảng 1 giờ sau lạy mới tốt.

- Không nên niệm quá lớn, có thể niệm Phật thầm để tranh bị uất khí.

- Muốn lạy được nhiều thì hai chân nên song song với nhau, dùng tay chống xuống đất để đứng lên, đừng nên đứng lên từng chân một mà mất thời gian và khó hoàn thành công cứ.

- Người lạy Phật nếu cảm thấy tức nơi ngực, thì đây là do lạy quá nhanh, hoặc là lạy lúc bụng còn quá no. Hãy nên tạm nghỉ, để sau đó điều chỉnh lại.

*) Sổ-Châu-Trì-Danh: là vừa lần chuỗi vừa niệm Phật, được Ngẫu Ích Đại sư tuyên dương. Thích hợp khi đi đứng nằm ngồi, hoặc các công cứ khác, chứ không được thích hợp lắm trong Niệm Phật Đường vì tiếng niệm Phật chậm theo bước chân, khó lần chuỗi được.
*) Máy-đếm-số công-cứ: Hiện nay có nhiều loại máy khá giản tiện, đếm giùm số câu niệm Phật, giúp cho chúng ta dễ lập công cứ rõ ràng, không sợ bị lộn hoặc quên. Quí vị có thể dùng các loại máy này thay cho chuỗi, rất tiện dụng, nhất là đối với các đồng tu làm việc, sinh hoạt trong xã hội, niệm Phật chỗ đông người.

*) Tùy-Tức-Trì-Danh: niệm theo hơi thở, rất thích hợp khi quí vị nằm chuẩn bị ngủ. Khi còn thức chúng ta còn niệm Phật, nên dùng hơi thở thay cho chuỗi. Hít vào: A-di-đà Phật; thở ra: A-di-đà Phật. Nên niệm thầm, không nên niệm thành tiếng để tránh lỗi bất kính, nhưng cố gắng niệm thật rõ mới tốt. Tiếng Phật hiệu ra vào theo luồng khí luân lưu bất tận cho đến khi thiếp ngủ luôn. Cách này có rất nhiều người dùng đến, còn thở còn niệm Phật, khi thành thục, ngay trong giấc ngủ vẫn có thể niệm Phật được. Ngài Phi Tích Thiền sư sử dụng cách này và nói: “Tôi ngậm Phật để ngủ”.

*) Ký-Thập-Trì-Danh: Cách niệm ký số, cứ đếm đến mười câu làm một đơn vị. Rất dể nhiếp tâm, thích hợp khi đi đứng nằm ngồi, không thích hợp khi kinh hành. Ngài Ấn Quang rất tuyên dương phương thức này.

*) Truy Đảnh Trì Danh: lá cách niệm nho nhỏ, mỗi chữ mỗi câu liên tục kế tiếp nhau, chặt chẽ, kín đáo, dễ phá tạp niệm, phá vọng tưởng. Thích hợp khi ngồi niệm Phật.

Ngoài ra, đạo tràng đã ứng dụng phương pháp “Quán Tượng Niệm Phật” cũng khá đặc biệt. Đó là chung quanh vách trong đạo tràng đều có hình Phật A-di-đà, làm cho hành giả thấy được Phật ở tất cả mọi hướng, mọi góc độ. Còn có một số phương pháp khác như: Giác Chiếu, Liên Hoa, Quang Trung và Quán Phật Trì Danh thì quá cao, xét ra khó ứng dụng, nên xin không bàn thêm ở đây. Chư vị có thể tìm hiểu thâm ở các kinh sách Tịnh-độ khác.

3) Vấn đề niệm Phật thấy Phật:

Niệm Phật chủ yếu là giữ tâm thanh tịnh, nhiếp tâm vào câu Phật hiệu chứ không phải vọng cầu. Hiện nay trong thế gian có nhiều sự sôi nổi về chuyện niệm Phật thấy Phật, thấy ánh sáng, nghe được âm thanh nhiệm mầu, v.v… Vấn đề này đã có vị hỏi đến Diệu Âm. Sẵn đây xin đưa ra ý kiến cá nhân rằng: Diệu Âm không dám xiển dương việc này!

Sự thấy được Phật chính là do tâm thanh tịnh, hoặc được cảm ứng đạo giao mà biến hiện ra chứ không phải là do cầu mà được. Nếu quí vị thật sự đã niệm Phật đến cảnh giới Nhất-Tâm-Bất-Loạn, đạt được Định, được Tam-Muội, thì xin thành tâm chúc mừng, Diệu Âm không đủ khả năng nói đến những chứng đắc này. Còn như thấy rằng mình chưa được như vậy, tâm còn nhiều phiền não, thì xin quí vị nên y giáo theo đúng kinh Phật, y theo sự giáo huấn của chư Tổ sư, chư Đại đức mà phụng hành là tốt nhất. Nên nhớ, nay đã rơi vào thời mạt pháp rồi, có rất nhiều trạng huống khó khăn mà chúng ta không lường trước được! Xin chư vị cẩn thận đọc thêm những lời khai thị, những lời hướng đạo của chư Tổ Sư, Đại đức để hiểu thêm.

Trong các lời nguyện, chúng ta cũng thường nghe chư Tổ sư Đại đức nguyện thấy Phật. Nhưng xem kỹ, thì đó chỉ là lời nguyện lúc lâm chung cầu thấy Phật A-di-đà hiện thân tiếp dẫn, chứ không phải là cầu cho được thấy Phật thường xuyên. Việc này có ý khuyên nhắc rằng, chúng ta phải có ý nguyện khi lâm chung tuyệt đối không nên phóng tâm tìm cầu các cảnh giới khác, mà phải nhiếp tâm niệm Phật cầu Phật A-di-đà, Quán Âm, Thế Chí tiếp dẫn vãng sanh mới mong khỏi bị lạc đường.

Thời mạt pháp đường tu hành có nhiều chướng ngại. Chúng ta cần chú ý đến căn cơ, lý đạo để sự tu giảm phần trắc trở. Muốn khuyên người niệm Phật, chúng ta nhất định cũng phải nương theo căn cơ của họ chứ không thể lấy pháp của hạng thượng căn chỉ giáo cho người trung hạ, không thể áp dụng cách hành trì của người đã minh tâm kiếm tánh cho kẻ phàm phu. Pháp niệm Phật tuy là “Tam căn phổ bị, phàm thánh tề thâu”, nhưng chỉ có pháp trì danh niệm Phật, dùng câu Phật hiệu phủ lấy nghiệp chướng để cầu đới nghiệp vãng sanh, mới cứu được một chúng sanh hàng trung hạ thoát ly tam giới. Muốn phủ lấy được nghiệp chướng thì giữ tâm thanh tịnh là điều quan trọng. Nếu mong cầu thì tâm không còn thanh tịnh nữa. Một khi vọng tưởng, tâm mở ngỏ ra thì dễ đón nhận những sơ sót bất tường, rất khó khăn vậy! /r-p31-26-8
Cho nên, Ấn Quang đại sư, vị Tổ thứ 13 của liên tông dạy: “Người niệm Phật đời này phần nhiều bị ma dựa, đều do dùng tâm vọng động mong được những cảnh giới lạ thường. Đừng nói cảnh giới ấy là ma, dù là thắng cảnh đi nữa, nếu sanh lòng vui mừng tham trước cũng bị tổn hại, huống chi chưa chắc ấy là thắng cảnh ư!”. Lời của Tổ sư là mẫu mực, là thước ngọc cho chúng ta nương theo vậy.

Kính dâng lên tất cả chư vị toàn những lời chân thành, thiện ý. Nguyện cùng niệm Phật, đồng sanh Cực-lạc. Đây là lời khuyên chân thành, hoàn toàn không có ý gì khác.

Kính chư vị đạo hữu,

Đời này chúng ta có duyên với nhau để cùng nhau khuyên nhắc niệm Phật. Đây thật sự là một kỳ ngộ hiếm có. Khuyên nhau niệm Phật, Diệu Âm chỉ biết dùng lòng chân thành khuyên nhắc tu hành chứ không dám nói pháp, không dám cả quyết. Trí huệ và căn cơ mỗi người một khác, Diệu Âm dù sao vẫn chỉ là hạng hạ căn, trước sau vẫn chỉ nói được những gì thật gần gũi mà trong đời Diệu Âm thấy được, biết được, hiểu được. Phật pháp quá sâu rộng, bao la, lý đạo quá cao siêu, chắc chắn trong hết cuộc đời này và nhiều kiếp nữa chưa chắc Diệu âm đã thể ngộ được.
Cho nên Diệu Âm vẫn hằng mong được ngày tịnh tu, chuyên lòng niệm Phật, nguyện trong một đời này thoát được tam giới, đới nghiệp vãng sanh, nương nhờ từ lực của đức Di Đà cứu độ để mong thành đạo nghiệp. Nếu trong đời này chúng ta có duyên với nhau, thì xin nguyện những lời thư này thay cho tâm nguyện “Khuyên Người Niệm Phật” của Diệu Âm.

Nguyện cầu cho tất cả những ai hữu duyên, tiếp xúc với lời khuyên, đều phát tâm tin tưởng, phát lòng niệm Phật, phát nguyện vãng sanh Tịnh-độ, và sau cùng tất cả đều được viên mãn ý nguyện: “Đồng sanh Cực-lạc Quốc”.

Kính xin gởi lời tri ơn đến tất cả quí vị Thiện hữu tri thức, quí chư Tăng Ni, quí vị Phật tử, Đồng tu đã nhiệt tình ủng hộ, khuyến tấn. Nhờ vậy mà Diệu Âm hoàn thành được cái sở nguyện nhỏ bé này.

Nam Mô A-di-đà Phật
Diệu Âm.
(Úc Châu, ngày 10/07/04).