Tịnh độ
Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm
25/09/2556 18:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Khuyên Người Niệm Phật
Mục lục
Xem toàn bộ

Không cần phải xem nhiều sách vở, chỉ cần niệm Phật cho nhiều. Khi trí huệ khai mở, tất cả kinh tạng tự nhiên sẽ ở tại tâm bạn.(Hòa-thượng Thích Quảng Khâm).

Em Hồng thương,

Hầu hết ai cũng muốn nghiên cứu cho nhiều kinh sách để hiểu Phật pháp. Họ nghĩ rằng nhờ hiểu kinh điển thì lý đạo mới thông và tu hành mới tiến bộ. Trong khi đó nhiều thư anh lại khuyên ngược lại, sách báo nên coi càng ít càng tốt, kinh Phật nên biết càng ít càng hay. Nghe qua có vẻ ngược ngạo, khó có ai chấp nhận! Nếu như sách vở, báo chí, phim ảnh, v.v.. là sản phẩm của con người, thuộc về tri thức của thế gian, người tu hành nên giảm tối đa hoặc cắt đứt hẳn là điều có thể chấp nhận, nhưng còn kinh Phật tại sao lại cũng giảm thiểu? Thực ra, đây là lời của HT Tịnh Không dạy chứ không phải anh. Ngài dạy rằng, tu hành ta chỉ chọn một bộ kinh nào thích hợp nhất rồi chuyên tâm trì tụng một bộ kinh đó thôi, thì sẽ rất dễ thành tựu. “Nhất kinh thông, nhất thiết kinh thông”, thông hiểu được một bộ kinh thì tất cả kinh điển từ đó mà thông theo. Cho nên kinh điển trì tụng nên chọn lựa càng ít càng tốt, nếu người nào chỉ chuyên trì tụng một bộ kinh thì tốt nhứt. Ngài dạy rằng, trong tông Tịnh-độ có tất cả năm bộ kinh và một bộ luận, gọi là ngũ kinh nhất luận, người nào chỉ chọn một bộ kinh cùng trì giữ câu Phật hiệu A-di-đà Phật suốt đời, người đó có thể được vãng sanh phẩm vị cao, còn ai tham tụng, tham nghiên cứu càng nhiều kinh thì phẩm vị càng thấp. Người nào ngoài ngũ kinh Tịnh-độ ra mà cảm thấy chưa đủ, còn muốn nghiên cứu thêm, muốn trì tụng nhiều các kinh khác nữa, thì cơ hội vãng sanh không bảo đảm!

Điều này ít có người hiểu nổi! Mới đầu anh còn lưỡng lự và chưa tin, nhưng sau thời gian rất ngắn thực hành, anh đã thấy sự hiệu quả tuyệt vời của phương pháp chuyên tu. Bằng chứng cụ thể là trước đây anh đâu dám viết thư nói điều gì về Phật học, thế mà nay anh dám viết thư cho em, viết cho người khác và sẵn sàng giúp ý kiến cho những ai muốn học Phật. Anh dám khuyên người ta tu học Phật thì chính anh đã tự thấy được Phật pháp vi diệu, có chân lý, có cứu cánh giải thoát. Nếu không gặp được phương pháp tu học này, thì anh nghĩ rằng, có lẽ đến hết cuộc đời này mình cũng vẫn còn mê mê mờ mờ về Phật giáo, vẫn chưa thể ngộ Phật pháp. Nghĩa là anh vẫn cứ lăn xả vào vô minh để gây thêm phiền não, gây thêm nghiệp chướng như hàng tỉ người đang làm trên thế giới này. Sự thành tựu được chứng minh rõ rệt hơn nữa là các vị đệ tử của Ngài, chỉ sau một thời gian tu hành ngắn ngủi, hầu hết ai cũng vững tâm vững chí, ai cũng trở thành những vị pháp sư nổi tiếng, độ người khắp nơi.

Sự thành tựu lớn lao phần nhiều là nhờ sự chuyên tu, không phải tạp tu. Chuyên tu là sao? Là nhất hướng chuyên niệm, là quyết định một pháp môn, là trung thành ý Phật, y giáo phụng hành đúng theo lời Phật dạy. Có chân thành tu hành thì tâm tự khai mở. Trong Tịnh Tông Học Hội, HT chỉ thị cho mọi người, cả tăng sĩ lẫn cư sĩ chỉ được trì tụng bộ kinh Vô Lượng Thọ và niệm câu A-di-đà Phật mà thôi. Tất cả kinh chú khác chỉ được tụng trong những dịp đặc biệt. Quý thầy đi giảng kinh thuyết pháp độ sanh chỉ tập giảng một bộ kinh duy nhất. Giảng xong rồi giảng lại, giảng bị người ta chán, thì như Ngài nói, “về phòng ngồi trước máy quay phim giảng cho máy nó nghe”. Người thường vì không hiểu nên cứ chạy theo kiến thức, thích giảng thuật ngữ, rốt cuộc hầu hết chỉ chạy vòng vòng bên ngoài lý đạo. Chuyên tu vào một hướng chính là pháp truyền thừa của những vị Tổ-sư, Tổ truyền Tổ vậy.

Giảng kinh chỉ có một bộ kinh, nhưng mỗi một lần giảng cảnh giới mỗi cao hơn, càng giảng càng thâm nhập vào bí tủy của lời Phật dạy. “Nhất kinh thông, nhất thiết kinh thông”, khi thấu suốt đuợc một bộ kinh thì tất cả các kinh khác chỉ cần nhìn đến là có thể hiểu ngay. Nhờ đó mà ta thông được tất cả kinh điển, thâm nhập vào lý đạo nhanh chóng. Thật là tuyệt diệu!

Thế nào là tạp tu? Trong 49 năm thuyết kinh giảng đạo của đức Thích-ca Mâu-ni Phật, Ngài để lại 84 ngàn pháp môn, hay nói gọn hơn là vô lượng pháp môn tu tập. Kinh Phật nhiều như lá cây trong rừng vậy, pháp môn nào cũng vi diệu, pháp môn nào cũng có thể độ được chúng sanh. Dù là vi diệu, nhưng nên nhớ, pháp môn vẫn chỉ là phương tiện để độ sanh. Có pháp khế cơ không khế lý, ví dụ như pháp nhân thiên thừa, chỉ tạo phước đức hữu lậu. Có pháp khế lý nhưng không khế cơ, đó là những pháp tu tối thượng chỉ để độ bậc thượng căn, thượng trí, Bồ-tát. Ví dụ như khi Lục Tổ Huệ Năng thuyết Bảo Đàn Kinh, Ngài nói: “Thử pháp môn thị tối thượng, vị thượng căn nhân thuyết, vị đại trí nhân thuyết”, nghĩa là “đây là pháp môn tối thượng, ta vì người thượng căn mà thuyết, vì người đại trí mà thuyết”. Ngài minh định rõ ràng rằng, Ngài chỉ nói cho hàng thượng căn thượng trí nghe. Nhiều người sơ ý, cứ thấy pháp môn tối thượng thì thích quá, cố gắng theo tu trì, vô tình chỉ được kết duyên với pháp Phật, chứ khó thể thành đạt trong đời. Do đó, tu hành quá khổ cực, nhưng sau cùng vẫn không thoát khỏi sanh tử luân hồi là vậy.

Như vậy, tu hành ta không thể ôm trọn vô lượng pháp môn mà tu, không thể cứ thấy kinh Phật là nhào vào nghiên cứu hoặc trì tụng. Người tu hành mà ôm đồm nhiều kinh điển, nay kinh này mai kinh khác, nay tu theo pháp môn này, mai tu theo pháp môn khác, thích tu nhiều pháp môn, đây gọi là tạp tu. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật gọi là “Bất Định Tụ”, là chỉ cho sự tu hành tạp nhạp, gặp pháp nào cũng ham thích, không có định hướng rõ rệt, thành ra không thể thấu triệt được nhân tố thành Phật, nghĩa là rất khó đạt được sự thành tựu.

Tu hành không chuyên nhất rất khó thâm nhập vào cửa Phật. Có người quá trọng về kiến thức, thích tìm hiểu “Thuật ngư”, lo giải nghĩa từng chữ từng câu trong kinh Phật làm cho tâm hồn khó được thanh tịnh. Tu như vậy, nếu tâm cơ không cao cũng thường bị lạc, vì kinh Phật thì bao la, ý Phật thì thâm diệu, mỗi câu mỗi lời của Phật nói ra nhiều khi có vô lượng nghĩa, nếu sơ ý chấp vào thuật ngữ, không xem kỹ là đức Phật nói pháp ấy cho ai, trong trường hợp nào, cho căn cơ nào, độ được tới đâu? Điều này chư vị Cổ Đức gọi là, “Y kinh giảng nghĩa, tam thế Phật oan”.

Ngược lại, có người ỷ mình thông minh, văn hay chữ giỏi, cống cao, hoặc tự mãn rằng mình là bậc thượng căn đại trí, lại thêm có óc giàu tưởng tượng, thường diễn tả kinh Phật giống như một thứ triết lý sống, đã biến đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành một triết gia và lời pháp Phật trở thành một hệ triết học. Vô hình chung, họ dìu con người vào con đường trừu tượng mông lung. Lấy kinh Phật để hổ trợ cho tư tưởng cá nhân, làm giàu cho thứ triết lý sống do chính mình đề ra, làm cho pháp Phật bị hiểu lầm thành một thứ triết lý nhân sinh vô thực, tạo nên những cảnh giới an nhàn giả tạm của thế gian pháp, ru ngủ tâm thức con người, làm cho chúng sanh đam mê cái triết lý “cao siêu” đó mà quên mất sự giải thoát luân hồi lục đạo, sanh tử khổ đau, quên mất chí hướng vãng sanh Tây-phương về với đấng Từ Phụ. Đối với hiện tượng này, chư vị Cổ Đức cảnh cáo rằng, “Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết” là vậy.

Con người tham pháp tham kinh thường dễ rơi vào cảnh tượng mông mênh vô bờ vô bến, không biết hướng nào để đi. Cảnh giới của nhân sinh vũ trụ trùng trùng điệp điệp, pháp giới mông huân, chỉ cần một tí ti sơ ý là ta có thể bị lạc đường ngay. Thành ra, tu hành nếu không cẩn thận rốt cuộc vẫn lặn hụp trong sanh tử luân hồi, nhiều khi bị rơi vào ác đạo một cách oan uổng nữa là khác. Có nhiều thư anh nói rằng, anh tỉnh ngộ được Phật pháp nhờ câu phật hiệu A-di-đà Phật, cho nên bây giờ anh chỉ nói được câu Phật hiệu, chỉ giảng được câu Phật hiệu, chỉ khuyên tu pháp niệm Phật, chứ không dám khuyên tu các pháp môn khác. Đây không phải là sự kỳ thị, mà chính là sự dè dặt, cẩn thận! Có nhiều bạn bè thích tu thiền, anh khuyên họ không nên tự tu một mình ở nhà, mà nên tìm một vị thầy hướng dẫn, hoặc lập nhóm tu chung. Anh thường nhắc nhở họ hãy nghiên cứu kinh cho kỹ, đừng nên nghĩ quá đơn giản, chỉ dựa vào sách vở mà mang hại.

Năm ngoái, khoảng tháng 11, anh đã cứu được một người bạn bị “Tẩu hỏa nhập ma”. Anh ta là một kỷ sư, đờn rất hay, đang làm nhạc trưởng trong gia đình Phật tử. Anh ta tới gặp anh và nói về ý muốn tu thiền. Anh khuyên rằng, không nên tu một mình, mà nên tham gia vào nhóm thiền “Tăng Thân” ở đây để tập thiền chung với họ. Anh ta không đồng ý lắm và nghĩ rằng đây chỉ là chuyện đơn giản, tọa thiền cho tâm hồn an lạc thôi, chứ có gì đâu mà sợ! Sau khi anh ta tự ngồi thiền một thời gian, anh ta bị lạc vào cảnh giới của ma. Anh ta quá hãi kinh, kêu cứu tới anh. Lúc đó cỡ một giờ sáng vào tháng 11/1999.

Đại khái câu chuyện là trong một đêm trên đường về sau một buổi hòa nhạc, ảnh bị một con ma chận đường, vào ngồi luôn trong xe, rồi vào nhà ở luôn trong phòng riêng của anh ấy. Trải qua hai đêm liền, con ma vẫn ngồi trong phòng. Anh ta nói với gia đình, nhưng không ai thấy và không ai chịu tin, nên không giúp anh ấy được gì cả. Đêm thứ hai, con ma từ từ tiến gần tới và muốn nhập vào người anh, anh lui dần đến sát chân tường. Ngay lúc quá nguy cấp, may mắn anh ta vớ được điện thoại cầm tay và gọi cầu cứu đến anh. Trong đêm đó anh hướng dẫn anh ta lái xe cùng với một người bạn khác chạy tới nhà anh, trên đường đi con ma nữ đó vẫn ngồi theo trong xe cho đến khi tới gần nhà của anh mới biến mất. Sự việc này chi tiết còn rất dài dòng, ở đây anh chỉ tóm lược về việc làm sao anh cứu được anh đó thôi. Thực ra lúc đó quá nguy cấp, thì không biết tại sao tự nhiên anh lại cảm thấy tin tưởng vững mạnh vào câu Phật hiệu có thể cứu được, cho nên anh dạy anh ta niệm “A-di-đà Phật”, thế thôi. Đại khái anh khuyên anh ta hãy thực hiện năm điều sau đây:

1) Bắt đầu ngay bây giờ phải niệm “A-di-đà Phật” liền, mở máy niệm Phật, dựng tượng Phật trên bàn;

2) Đối diện thẳng với con ma, thành tâm khuyên cô ta quy y Tam Bảo, niệm Phật cầu vãng sanh Thế Giới Cực-lạc để thoát khỏi nghiệp ma, sớm ngày thành Phật;

3) Mình hứa sẽ niệm Phật và hồi hướng cho cô ta, phụ với cô ta mau được thoát nạn;

4) Tuyệt đối không cho cô ta nhập vào người mình, phải cứng rắn từ chối, quát vào mặt bằng tiếng Phật hiệu nếu cần, chỉ chấp nhận hộ niệm, không chấp nhận cho mượn thân;

5) Không được sợ, mình giữ tiếng niệm A-di-đà Phật thì chắc được an toàn.

Anh ta nghe theo làm đúng như vậy, trong hai ngày anh đó giải quyết vấn đề một cách dễ dàng. Từ đó đến nay trong nhà anh ta không bao giờ ngưng tiếng Phật hiệu.

Bây giờ nghĩ lại chuyện này, anh cũng không biết tại sao lúc đó anh lại biết chỉ vẽ tường tận cách hóa giải, vì hồi giờ anh chưa bao giờ làm chuyện này. Khi gặp cảnh ngộ quá gấp, anh trực nhớ rằng người niệm Phật có chư Phật hộ niệm, có 25 vị Bồ-tát bảo vệ, cho nên anh nghĩ nếu anh ta thành tâm niệm Phật thì được thoát nạn. Thế thôi, vô tình anh cứu được một người bạn thân. Giả sử khi đó người nhà cứ tưởng rằng ảnh bị bệnh, đem anh ta đi bác sĩ, có lẽ họ đã phá tàn cuộc đời một người kỷ sư trẻ tuổi trong bệnh viện tâm thần rồi chăng!

Tu thiền là một pháp môn tối thượng của Phật, nhưng chỉ dành cho bậc thượng thượng căn và thích hợp vào thời chánh pháp và tiền tượng pháp. Thời mạt pháp hầu hết căn tánh chúng sanh thấp, không dễ gì thành tựu với pháp này đâu! Pháp tu thiền quán là pháp đốn ngộ, “Trực chỉ nhân tâm, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, hoàn toàn dựa vào tự lực để thành tựu, không cần nhờ đến lực gia trì của chư Phật, chỉ dành cho chư vị đại Bồ-tát tu trì, chứ không phải là pháp tầm thường dành cho hạng trung hạ căn của chúng ta. Người tu thiền mà căn cơ thấp khó có thể được thành tựu đã đành, dù cho người thông minh trí huệ nhưng không minh tâm kiến tánh được, vẫn bị lạc đường mà đành chịu oan uổng như thường, cho nên tuyệt đối phải cẩn thận. Nếu các em muốn tọa thiền thì cứ tu để kết duyên lành với Phật, nhưng tuyệt đối không nên tách rời chúng, không nên rời thầy.

Nói tóm lại, nếu em tu theo Tịnh-độ, một lòng niệm Phật cầu sanh Cực-lạc thì đường tu hành trơn tru phẳng lặng, vì em được chư Phật hộ niệm, Long Thần Hộ Pháp, 25 vị Bồ-tát ngày đêm bảo vệ cho em. Nếu một lòng một dạ trì chắc câu “A-di-đà Phật” niệm tới cùng, không hồ nghi, không tu xen tạp, không bữa có bữa không, anh tin tưởng chắc chắn em sẽ được về Tây-phương với Phật trong một báo thân này. Ngược lại, vì căn duyên phước phần, em còn muốn đi theo những pháp môn khác, anh khuyên em vẫn phải kèm theo niệm Phật, đem tất cả công đức tu hành hồi hướng về Cực-lạc thì may ra còn có chút ít cơ hội vãng sanh. Xa nữa, nếu không chịu nghe lời anh, cho rằng cõi Tây-phương Cực-lạc là không thực, muốn tự tu tự chứng lấy, thì dựa vào kinh Phật, anh dám nói thẳng rằng, ba đại A-tăng-kỳ kiếp nữa chưa chắc em đã mò tới vùng biên địa của cõi Tây-phương của Phật A-di-đà, chứ đừng nói chi đến chuyện vãng sanh bất thối thành Phật. (thời gian 1 A Tăng Kỳ = 10x 47 số 0 kiếp).

Cụ thể, việc tu hành theo Tịnh-độ, ta bắt đầu từ SỰ để tu, LÝ đạo có hiểu thì tốt, không hiểu cũng không sao. Cứ một lòng chơn thành TIN Phật, tha thiết NGUYỆN sanh về Cực-lạc và TRÌ DANH NIỆM PHẬT là được. Lý đạo có thể thông, nhưng không tu hành thì càng thông lý bấy nhiêu càng lộng ngôn vọng ngữ, càng trở thành lý thuyết suông, càng nhiều sở tri chướng, và theo như HT Tịnh Không nói, “dễ trở thành Ma Vương”. Trong khi đó, Ngài nói có nhiều bà già trầu, không biết tí ti nào về Phật pháp, không biết tí ti gì về Lý đạo, không biết tí ti gì về kinh Phật, chỉ biết một lòng TIN Phật, một lòng trung thành NIỆM Phật, một lòng chán chê cảnh khổ hải của cõi thế gian này, nên ngày đêm tha thiết NGUYỆN sanh về cõi Tịnh-độ. Bà “già trầu dốt nát” lại được vãng sanh dễ dàng và phẩm vị thật cao nữa là khác. Trong Tịnh-độ tông rất nhiều trường hợp như vậy.

Điều kiện của Phật là TÍN-NGUYỆN-HẠNH vãng sanh, chứ không phải là cho thông hiểu kinh điển. Người nào thực sự muốn thoát khỏi lục đạo luân hồi, vượt qua tam giới, vãng sanh về cõi Phật A-di-đà thì phải “Phát Bồ-đề Tâm, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật”. Phát Bồ-đề Tâm là thành tâm phát nguyện vãng sanh, người nào buông xả vạn duyên để quyết tâm về với Phật, đó là người phát đại Tâm Bồ-đề. Bà già trầu không cần biết bất cứ thứ gì, không thèm hiểu bất cứ một thuật ngữ nào, không cầu mong bất cứ điều gì, ngoại trừ chỉ có một lòng cầu xin về Tây-phương Cực-lạc, mà vô tình tâm của các cụ tương ưng trọn vẹn với lời Phật dạy, làm đúng việc phát Bồ-đề Tâm. Nhờ vậy, quý bà cụ đã được thành tựu vãng sanh Cực-lạc, bất thối thành Phật là vậy.

Em Hồng, nếu tin Phật, ta tu theo Phật, hãy chọn lựa dứt khoát một hướng đi và quyết định đi cho tới. Thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tương kế là SỰ TU căn bản của pháp môn Tịnh-độ. Tịnh niệm là dùng tâm thanh tịnh để niệm Phật, muốn cho thanh tịnh thì sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) phải đóng lại, cố gắng đừng để nó tung hoành ra ngoài mà làm loạn tâm mình. Hễ thâu nhiếp lục căn thì tịnh niệm được liên tục, tịnh niệm được liên tục thì sáu căn được đóng. Hai thứ nó hổ trợ cho nhau. Ngoài ra, sự trì tụng kinh Phật cũng giúp làm cho tâm thanh tịnh. Ở “Tịnh Tông Học Hội” hiện nay người ta đang trì tụng kinh Vô Lượng Thọ. Ở VN bộ kinh thông dụng nhất là kinh Phật thuyết A-di-đà. Kinh A-di-đà và Vô Lượng Thọ tuy hai mà một. Vô Lượng Thọ rất dài, dễ hiểu hơn, rất khế hợp căn cơ của chúng sanh thời này. HT Tịnh Không đánh giá rằng, đây là đệ nhất kinh trong tam tạng kinh điển của Phật. Nếu em có thì giờ tụng kinh thì nên tụng kinh A-di-đà, còn nếu có giờ nhiều anh sẽ gửi kinh Vô Lượng Thọ về cho tụng. Anh khuyên nên dùng cách trì tụng của Ngài Tịnh Không dạy như sau, tụng kinh qua 3 giai đoạn:

*) Tụng kinh không cần hiểu nghĩa, cứ việc tụng thuộc lòng, thâu nhiếp lục căn vào từng chữ trong kinh điển, cố gắng đừng để vấp. Nghĩa là tụng như cái máy;

*) Trong khi tụng thuộc lòng thì tự nhiên nghĩa kinh sẽ hiện ra lần, tụng càng nhiều ý nghĩa càng rõ;

*) Cuối cùng, khi chữ kinh, nghĩa kinh đã thâm nhập vào tâm rồi, thì ta ứng dụng vào cuộc sống. Tất cả hành vi, khởi tâm động niệm hãy tương ưng với kinh. Nếu có điều gì sai với kinh thì mình phát giác được liền, và cố gắng sửa đổi ngay.

Đây là những căn bản của cách tụng kinh theo Hội Tịnh Tông thế giới. Rất hay, sau một thời gian rất ngắn tâm ta tịnh liền, tư tưởng hành vi của ta tự nhiên phát triển tốt liền. Trì tụng kinh điển như vậy, sẽ khởi ba tác dụng:

*) Một là, tu tâm thanh tịnh. Người nào muốn biết tâm mình đã thanh tịnh chưa cứ mở kinh ra đọc theo nhịp mõ nhanh dần. Nếu từ đầu tới cuối không bị vấp, không bị lộn, là đã có công phu thanh tịnh. Hễ còn đọc lộn, bị vấp, tức là biết rằng tâm mình còn vọng, phải tụng nhiều hơn.
*) Hai là, thâm hiểu nghĩa kinh. Việc này đừng gấp, tự nhiên nó đến. Đừng cố gắng theo kiểu nghiên cứu, hoặc tra tự điển, vì hễ nghĩa kinh dễ đến thì cũng dễ đi. Dễ đi là tại vì tâm chưa thanh tịnh.

*) Ba là, ứng dụng kinh điển vào đời sống. Hành vi, tạo tác, khởi tâm động niệm, tiếp người, đối vật,… mỗi mỗi phải dựa vào kinh để làm. Tu hành, niệm Phật đều phải y theo kinh. Không được tự ý tách rời kinh điển mà chạy theo thế trí biện thông của mình.

Nhờ cách tu nghiêm chỉnh này mà chúng tánh trong Hội Tịnh Tông họ có tư cách đạo đức rất tốt. Công phu tu tập, hành trì rất nghiêm túc. Tâm của họ hiền lành, chân thật, đối người tiếp xử rất dễ thương, rất bình đẳng. Họ phát tâm bố thí, cúng dường, in kinh, làm pháp bảo, hoàn toàn miễn phí, không nơi nào sánh bằng. Bên cạnh đó, họ được nghe pháp của Hoà Thượng Tịnh Không suốt ngày đêm, nên họ thông hiểu lý đạo rất thâm viễn. Tình thực anh chưa từng thấy nơi nào xây dựng được một kiểu mẫu đạo tràng lý tưởng như vậy!

Thôi thư đã dài, anh ngừng. Cố gắng tu tập và thành tâm niệm Phật. Niệm Phật thì thành Phật. Không niệm Phật không thể thành Phật được.

A-di-đà Phật.
(Viết xong, Úc Châu ngày 9/5/2001).