Tịnh độ
Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm
25/09/2556 18:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Khuyên Người Niệm Phật
Mục lục
Xem toàn bộ

Quả nhiên, nếu hết thảy mọi người đều kiêng cữ, làm trọn các việc lành, thì tự nhiên thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui. Nhưng dù sao, đây cũng không phải là phương pháp cứu cánh. Vậy cứu cánh là sao? Tức là niệm Phật cầu sanh Tây-phương, liễu thoát sanh tử. (Ấn Quang Đại Sư).

Em Hồng thương,

Anh Năm đã nhận được thư em. Đọc thư em anh rất cảm động. Mới cầm thư và thấy cái tên ngoài bìa là anh đã nhận ra em ngay. Hồi tưởng lại những ngày còn sống ở cái nhà nhỏ xíu ở đường Bạch Đằng Qui Nhơn, thật là vui. Anh còn nhớ anh có người em tên Hồng trắng đẹp như nàng tiên, hiền và dễ thương vô cùng. Hồi đó em còn nhỏ xíu, anh Năm thì cũng đã biết xấc lấc rồi. Thế mà thời gian đã 30 năm trôi qua. Ba mươi năm! Thời gian giống như một giấc mơ. Anh Năm vẫn tưởng tượng được em vẫn xinh xắn, vẫn dễ thương, vẫn hiền như một tiên nữ xưa kia. Anh Năm chúc em cùng gia đình hạnh phúc, an lạc.

Em Hồng, anh rất mừng khi đọc được thư em, rất mừng là vì em hiểu đạo, và cũng rất mừng vì những thư anh Năm viết về cho gia đình có nhiều người thích đọc, nhiều người thích nghe. Đó cũng là duyên. Khi hiểu được Phật pháp anh Năm mới thấy tội nghiệp cho con người. Vì tham lam mà cứ mải mê chạy theo danh văn lợi dưỡng, có biết đâu rằng “vạn pháp giai không”, rốt cuộc cũng trả về cho số không! Vì sân khuể mà cứ mải mê quay cuồng đấu tranh chém giết, để tự nhận đời mình vào quả báo cực hình thảm khốc! Vì ngu si mê muội mà cứ cống cao ngã mạn, mãi mê nhìn lên trời cao mà không hay rằng mình đang đi dần đến cảnh giới bàng sanh trong mai hậu! Thấy thế, anh mới thầm nguyện sao cho Phật pháp được hoằng truyền, Pháp môn Tịnh-độ được xiển dương, tiếng Niệm “A-di-đà Phật” được nhiều người chú ý đến. Cầu mong cho chúng sanh mau mau tỉnh ngộ, xa lìa đường ác, quay về với Phật để được giải thoát trong một đời này.

Khi nhận ra được pháp Phật nhiệm mầu, thực sự giúp chúng sanh vĩnh ly sanh tử ngay chính trong một đời này, anh mới nghĩ rằng, không thể nào để pháp cứu độ chúng sanh của Phật tối vi diệu, tối nhiệm mầu như vậy lại âm thầm quên lãng trong lòng chúng sanh. Cho nên anh phát tâm muốn khuyên tất cả mọi người học Phật. Có tâm nguyện nhưng không biết ai để khuyên, không tìm ra lý do nào để khuyên, không thể tự nhiên đi gõ cửa để khuyên người niệm Phật. Thế rồi, anh bỗng trực nhớ đến “Tam Phước”, là chánh nhân tịnh nghiệp của thập phương tam thế nhất thiết chư Phật tu hành, trong đó phước thứ nhất có câu: “Hiếu dưỡng phụ mẫu”, và câu cuối cùng của phước thứ ba là: “Khuyến tấn hành gia”, chính câu đầu và câu cuối của tam phước đã giúp cho anh thấy được những gì cần phải làm! Anh quyết định nhắm đến song thân của anh làm mục tiêu cứu độ đầu tiên.

Trong thời gian qua, anh đã viết thư về cha má của anh cả hàng chục lá thư rồi, mỗi lá thư là một lời khuyên tha thiết, khuyên người thành tâm tin Phật, khuyên người xả bỏ thế tình để niệm Phật, khuyên người tha thiết cầu sanh Tây-phương. Anh mong sao chỉ cần cha má anh khởi phát tín tâm, mở lời niệm một câu A-di-đà Phật. Chỉ có thế mà thôi, là đủ cho anh có cơ hội làm tròn lời nguyện, và cha má anh có cơ hội được giải thoát. Thế nhưng, đến giờ phút này anh Năm vẫn chưa thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ rằng cha má anh đã vững lòng tin Phật và chịu phát tâm niệm Phật. Nhiều lúc anh cảm thấy thương tâm! Anh muốn cứu người nhưng cũng đành phải tùy thuận theo thiện căn, phước đức từng người mà thôi!

Hồng em, lời thư của em quá chân thành tha thiết làm cho anh thực sự cảm động nhiều lúc muốn rơi nước mắt. Trong cuộc đời thăng trầm, trải qua nhiều thử thách, ta mới trực giác cái sự thật thấm thía của nó. Trên thế gian này, so với nhiều người có mấy ai hưởng được cái phúc báu lớn như em. Ấy thế, trong cảnh thuận lợi này mà em ngộ được đạo mới thật là quý hóa. Hầu hết người ta quay đầu từ cái bất thuận lợi, từ cái đau khổ, từ cảnh phũ phàng. Dù sao thì đó cũng là những thiện duyên làm cho con người hiểu ra chân tướng cuộc đời mà quay về với đạo. Nhưng người từ cái chỗ “lên hương hơn người” mà quay đầu, thì đây lại là một đại thiện căn, quý hóa hơn nữa. Phật dạy, có 20 trường hợp làm cho con người khó tu được, trong đó người có phước báu lớn là một. Không dễ có mấy ai hưởng phước báu mà chịu tu hành. Thế mà em tu hành được, tinh cần cầu đạo. Thật là quý hoá thay!

Còn cuộc đời của anh Năm đã trải qua đủ cỡ hết: khổ có, sướng có, giàu có, nghèo có, đến nỗi có lúc phải chịu đói xác xơ cũng có. Nhưng cái mà làm cho anh Năm thích nhất có lẽ là, bỗng nhiên anh lại hiểu được Phật pháp!

Thực sự Phật pháp hay quá em ạ! Hay không thể tưởng tượng được! Hay không thể diễn tả nên lời! Tối cao vô thượng, vi diệu thậm thâm! Nhờ Phật pháp mà anh mới hiểu được rõ ràng rằng: “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển”! Toàn là những thứ huyễn mộng, mà bao nhiêu năm qua mình đổ mồ hôi để tìm cầu, mình chảy máu mắt để tạo dựng, mình ăn không ngon ngủ không yên để tìm cầu những thứ viển vông giả tạo! Cuộc đời vô thường, lâu như giọt sương, mau như điện chớp. Lâu hay mau gì nữa cũng chỉ là giọt sương trên đầu ngọn cỏ! Thế mà hồi giờ mình dại quá, cứ chấp rằng mấy chục năm ở cõi đời ngũ trược ác thế này là số một, thành ra cứ mãi hì hục suốt đời tạo nghiệp phù du, cầu danh hão huyền, cạnh tranh ganh tỵ, thị phi bất tận, sầu khổ triền miên! Trong khi đó, cái thực sự của mình lại hững hờ, bỏ quên, không hề để ý tới. Cài gì là chính mình? Là huệ mạng vô sanh vô diệt, vĩnh viễn thường tồn, một hiện thể sống trong vô lượng thời gian mà ta không hay. Thực sự mình quá ngu si, phải không em!

Em biết rằng cái gốc của anh là người ngoại đạo. Trong suốt thời gian qua anh chưa tin Phật. Anh có thường tới chùa, thấy người ta lạy Phật thì anh cũng lạy, thấy người ta tụng kinh thì anh cũng tụng. Thành thực mà nói vì sợ mích lòng người khác nên giả đò làm như vậy, chứ tình thực anh không có thành tâm. Bỗng một hôm, một cơ duyên lạ lùng làm cho anh hiểu được pháp Phật. Cơ duyên gì? Là tiếng niệm “A-di-đà Phật”! Hiểu từ đâu? Từ tiếng niệm “A-di-đà Phật”. Sự việc này đối với người khác thì có lẽ đã quá quen thuộc. Nhưng đối với anh thì đúng là một điều mới lạ, một cơ giác ngộ, một sự thức tỉnh. Anh mừng giống như vừa bắt được một viên ngọc quí! Chính Ngọc cũng không ngờ được. Anh quyết dứt khoát qui y, niệm Phật ngay trong đêm đó trước bao nhiêu sự ngỡ ngàng của nhiều người trong chuyến đi thăm trung tâm niệm Phật tại Brisbane.

Cách đây ba hay bốn năm gì đó, anh nghe được một cuộn băng thuyết pháp của Ngài Thích Huyền Vi, Ngài giảng về Pháp môn Tịnh-độ, nghĩa là niệm Phật. Ngài nói người nào niệm Phật cũng thành tựu cả. Anh cảm thấy lạ, có chuyện gì lạ vậy! Trong đó Ngài kể, có một vị thiền sư, khi ngộ đạo, mới làm bài thơ so sánh như vầy, “Hữu Thiền hữu Tịnh-độ, du như đới giác hổ... Hữu Thiền vô Tịnh-độ, thập nhơn cửu tha lộ... “Vô Thiền hữu Tịnh-độ, vạn nhơn đắc vạn nhơn”. Nghĩa là, người tu vừa Thiền vừa tu Niệm-Phật thì mạnh như con cọp còn thêm sừng. Người tu Thiền mà không Niệm-Phật, thì 10 người tu hết 9 người bị lạc đường. Người tu Niệm-Phật không tu Thiền thì vạn người tu vạn người đắc. Câu nói “Vạn nhơn đắc vạn nhơn” làm cho anh suy nghĩ hoài! Đến khi Ngọc rủ anh đi thăm đạo tràng Tịnh-độ tông, vừa mới nghe tiếng niệm Phật tự nhiên anh tỉnh ngộ liền. Cái cảm giác lúc đó lạ lắm, khó diễn tả, giống như mình vừa chợt tỉnh một giấc ngủ triền miên! Sau đó anh nghe lời thuyết pháp của Hoà Thượng Tịnh Không, thượng thủ hội Tịnh Tông Học Hội trên thế giới, Ngài còn nói mạnh hơn, chỉ cần một câu Phật hiệu “A-di-đà Phật” cũng đủ sức đưa một chúng sanh vượt qua khỏi tam giới lục đạo, vượt qua khỏi cửu pháp giới, tiến thẳng về nhất chân pháp giới, viên thành Phật đạo. Điều này làm cho anh giựt mình, thực sự tỉnh ngộ!

Em gái, anh Năm hiểu Phật pháp từ tiếng niệm Phật. Cắt bỏ tự cao tự đại cũng từ câu A-di-đà Phật. Trị được cái khối ngu si của mình cũng là tiếng A-di-đà Phật. Sau cùng anh thấy được con đường thẳng tắp về với Phật cũng là câu Phật hiệu A-di-đà Phật. Cho nên bây giờ anh chỉ có thích tiếng “A-di-đà Phật”, chỉ giảng được câu “A-di-đà Phật”, chỉ niệm câu “A-di-đà Phật”, chỉ khuyên người niệm “A-di-đà Phật”.

Đã mất vô lượng kiếp rồi lang thang trong sáu đường luân hồi sanh tử, khổ bất khả ngôn, nay mới tìm được đường thoát nạn thì anh không dám sơ ý nữa đâu. Đời này làm được thân người, nhưng đã phí mất hơn nửa đời bon chen với ngũ dục lục trần, tạo quá nhiều tội lỗi, đầy đủ tiêu chuẩn để chui vào hầm lửa, thì may mắn đã gặp được câu Phật hiệu, thấy được đường về Tây-phương. Đây chính là cơ hội giải thoát thì còn gì hơn nữa! Cho nên, anh sẽ không cần tìm gì khác nữa, không chạy theo hiếu kỳ nữa, không mê những lời nói hoa mỹ nữa. Anh quyết định dứt khoát một đường đi, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, mặc cho thế nhân khen chê hay phê phán.

Học Phật ta phải trung thành nghe lời Phạt dạy. Đức Thích-ca Mâu-ni Phật đã chỉ quá rõ ràng trong rất nhiều kinh điển. Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Đại Tập, Niệm-Phật-Ba-la-mật, v.v... tất cả đều qui nạp về Tịnh-độ, thì sao ta không tu Tịnh-độ? Kinh Vô Lượng Thọ, A-Di Đà, Quán-Vô-Lượng-Thọ, v.v... xác định rõ rệt pháp môn “Niệm Phật để thành Phật”, thì sao ta lại không niệm Phật? Đức Phật A-di-đà đã thề rằng, chúng sanh nào niệm danh hiệu Ngài cầu sanh Tịnh-độ, thì Ngài nhất định tiếp dẫn về Tây-phương Cực-lạc để một đời thành Phật. Lời Phật đã thề, tại sao ta không tin? Phật nói lời chân thật, ai chịu làm theo người đó được phần giải thoát. Ai ngã mạn không tin, bị mất phần gia trì đã đành, mà cứ mãi trầm luân trong sanh tử luân hồi, thì cuối cùng làm sao tránh khỏi đọa lạc!

Cho nên anh khuyên em, hãy dũng mãnh phát tâm niệm Phật, vững tin tưởng vào câu Phật hiệu A-di-đà Phật, chắc chắn một ngày rất gần đây em sẽ thấy được chân lý. Anh có thể giúp em tìm ra chân lý đó, và anh cũng dám nói chắc chắn rằng, nếu em trung thành niệm Phật, tinh tấn niệm Phật, một lòng một dạ cầu về Tây-phương Cực-lạc, chí quyết không lay chuyển, thì đây sẽ là đời cuối cùng của em trong lục đạo luân hồi. Một đời này thôi viên thành Phật đạo, chấm dứt khổ đau, vĩnh viễn hưởng an lạc, tự tại, thần thông quảng đại nơi cõi nhất chân pháp giới Tây-phương Cực-lạc. Anh với em sẽ gặp nhau nơi đất Phật. Còn nếu nửa tin nửa ngờ, mơ mơ hồ hồ, nửa đi nửa ở, thì đó là phần sô của em, anh vẫn cầu mong cho em một ngày tỉnh ngộ.

Em nên nhớ rằng, 84 ngàn pháp môn Phật để lại không phải pháp môn nào cũng viên mãn đâu. Có pháp môn dành cho hàng Bồ-tát tu hành, có pháp làm người, có pháp sanh thiên, có pháp môn dành để chữa trị một tâm bệnh nào đó cho chúng sanh. Ngoài những bộ kinh “vô vấn tự thuyết”do chính Phật tự nói, còn tất cả kinh điển Phật giảng đều tùy căn ứng thuyết, tùy thời giảng đạo, tùy bịnh cho thuốc. Hễ chúng sanh hỏi, Ngài trả lời và lời Ngài được ghi lại trở thành kinh điển. Cho nên, pháp môn nhiều là vì để đối trị với nhiều tâm bênh phiền não của chúng sanh mà thôi, chứ tâm nguyện chính của Phật là độ chúng sanh thành Phật. Vì sơ ý điều này, nhiều người cứ thấy pháp Phật, kinh Phật là tu, chứ không chịu xét về đường đi hướng đến, thành ra khó được thành tựu! Đây chính là vì tu pháp môn không hợp căn tánh, không hợp thời cơ!

Pháp môn là pháp dược trị khổ. Đại Sư Ấn Quang dạy: “Thuốc không có quí tiện, hễ trị lành bệnh là thuốc hay. Phật pháp không có ưu liệt hoặc hay dở, phàm ứng hợp với căn cơ thì tự nhiên phát sinh diệu dụng – Đó chính là diệu pháp”. Muốn ứng hợp với căn cơ thì làm sao có thể đụng đâu tu đó được? Anh thường ví phương pháp tu tập giống như những món thuốc trong tiệm thuốc tây, người nào cứ gặp đâu uống đó thì làm sao tránh khỏi trở ngại! Do đó, tu hành không hợp lý, không hợp cơ, không hợp thời thì khó cứu được huệ mạng, sẽ cứ mãi lòng vòng trong sinh tử luân hồi mà chịu khổ nạn triền miên vô số kiếp. Đó không phải là tại pháp môn dở, mà tại vì mình không chịu nghe lời Phật mà thôi.

Người muốn được hết thân bệnh phải hỏi bác sĩ để mua thuốc, người muốn thành Phật đạo thì phải làm theo lời Phật dạy. Phật dạy, Phật pháp trụ ở thế gian tất cả 12 ngàn năm, một ngàn năm đầu là thời kỳ chánh-pháp, ai giữ được giới luật nghiêm minh cũng đủ thành tựu, vì lúc đó tâm cơ còn quá cao. Một ngàn năm thứ hai là thời kỳ tượng-pháp, nghĩa là đạo Phật đã có pha chế không còn giống hệt như xưa, lúc đó căn cơ cũng còn cao, thì tham thiền có thể thành tựu. Từ ngàn năm thứ ba trở đi thuộc về mạt-pháp, Phật giáo đã bị tà ma ngoại đạo phá hoại, lòng người ly loạn, tâm hồn điên đảo. Trong thời kỳ này chỉ có Tịnh-độ mới có khả năng cứu độ chúng sanh. Con người hoặc vì quá lơ là không xem kỹ kinh điển, hoặc thiếu đức tin, đã xem kinh Phật coi như một thứ phương tiện thuyết hay gọi là quyền thuyết, thành ra đường tu hành vẫn còn lênh đênh, vẫn còn chìm nổi trong bể khổ trầm luân. Tu hành lòng vòng thì biết bao giờ mới minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật! Hiện giờ chúng ta đã rơi vào thời mạt pháp, giai đoạn của tà chánh lẫn lộn, chơn giả khó phân. Nếu ai hiếu kỳ, thích màu mè, ưa thần thông, chuộng điều lạ, mến văn vẻ, coi chừng bị lạc vào ma đạo mà tiêu tùng huệ mạng!

Hồng em, tu hành chúng ta hãy trọng về cái thiết thực, đừng ham cái danh. Hãy trọng về lòng chân thành, đừng chạy theo lý thuyết hoa mộng mà trở thành tà tri tà kiến. Hiện nay nhiều người đã biến Phật pháp thành một thứ triết học bơi trên mây. Họ viết văn chương lưu láng và tô bóng đạo phật bằng nhiều danh xưng rất khoa học, rất triết lý, nghe rất êm tai. Trước đây anh thường mua những thứ sách ấy về coi, thích thú lắm, nói dóc cũng sướng! Trong một xã hội tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, người nào văn hay chữ giỏi đều có thể viết sách, lập thuyết. Nghĩ sao viết vậy, hễ văn hay, lý luận giỏi, là kiếm ra tiền. Trong đó rất nhiều sách triết học đã lợi dụng pháp Phật để củng cố cho học thuyết của mình, họ đã coi đức Phật như một triết gia để tô điểm học thuyết của họ. Tội thật! Đạo Phật là đạo giải thoát. Giáo lý của Phật là để khai ngộ cho chúng sanh, biết đường thoát ly sanh tử luân hồi, ban vui cứu khổ, là những gì thiết thực nhứt cho xã hội, cho chúng sanh chứ không phải là triết lý, không phải là tôn giáo.

Chính vì thế, nếu muốn ngộ đạo thì đừng tham đọc nhiều sách. Đừng hiếu kỳ đụng gì cũng đọc, gặp gì cũng coi, ai nói cũng nghe... Tu mà chạy lòng vòng như vậy rốt cuộc dễ bị loạn tâm, cuồng trí, hoặc trở thành kẻ tà kiến tà tri. Người nào cái gì cũng biết, điều gì cũng nói thông, tri thức thế gian phong phú thì ý thức phân biệt của họ cũng khá mạnh. Chính vì vậy mà thường cái căn trí giác ngộ bị lấn áp, làm cho họ khó thấy đường tu hành! Nếu em đồng ý với anh Năm ở điểm này thì ngay sau khi đọc thư này, em nên gom hết sách lại cất cho kỹ, không nên đọc tới. Nếu muốn đọc thì cẩn thận chọn lựa, đừng sơ ý. Hãy dành hết thì giờ để niệm Phật, thành tâm niệm Phật và tha thiết cầu nguyện được vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc Thế Giới với đức Phật A-di-đà. Cứ thế mà đi, cứ thế mà tu, mặc ai nói nghiêng nói ngửa kệ họ. Hãy giữ vững một mục đích là hết báo thân này vãng sanh Tây-phương cho kỳ được, còn những chuyện khác sẽ tính sau. Nếu một lòng trung thành làm điều này, anh Năm tin tưởng em sẽ thành tựu đạo quả.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ-tát Đại Thế Chí dạy, “Ức Phật, niệm Phật, hiện tại đương lai tất định kiến Phật”. Tưởng Phật, niệm Phật thì hiện tại hoặc tương lai nhất định ta thấy Phật. Thấy Phật tức là vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, một đời này thôi chắc chắn được vĩnh sanh thoát tử, bất thối thành Phật, thần thông tự tại, thọ mạng vô cùng vô cực, phước đức vô lượng vô biên, an dưỡng Cực-lạc. Hãy đặt ra mục tiêu nghiêm chỉnh để tu hành, đừng chạy theo những hiếu kỳ thế gian, đừng mê cái tri kiến hữu lậu, đừng thích cái danh hão huyền của thói đời mà uổng đời tu hành nghen em!

Cũng nên nhắc điều này, “Tất định kiến Phật”, không có nghĩa là cầu cho Phật hiện ra, mà thấy Phật có nghĩa là vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, lúc đó tự nhiên sẽ thấy Phật. Người chưa có tâm thanh tịnh, còn lăng xăng phiền muộn đừng nên mong cầu thấy Phật, không tốt! Nhiều người sơ ý chuyện này, vội vã mong cầu cảm ứng thành ra tâm hồn điên đảo, mất hết thanh tịnh, rất có hại vì dễ bị tà ma lợi dụng phá hoại.

Anh nhắc lại, tu hành mà càng đọc nhiều sách càng dễ loạn tâm. Càng có nhiều kiến thức càng dễ vọng tưởng! Đây là sự thực. Trước đây anh Năm thích đọc nhiều sách báo, nay hiểu rồi anh bỏ hết, hàng ngày chỉ tụng có một quyển duy nhất là kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A-di-đà cùng một ý nghĩa, nhưng kinh A-di-đà ngắn hơn, nghĩa cô đọng nên khó hiểu, còn kinh Vô Lượng Thọ thì dài hơn, chi tiết đầy đủ, ý nghĩa rõ ràng. Anh Năm sẽ tìm cách gởi về cho em. Còn sách thì nên đọc cuốn “Niệm Phật Thập Yếu” của Hoà Thượng Thích Thiền Tâm. Ở đây anh Năm hằng ngày lo đọc giảng ký của Hòa-thượng Tịnh Không nhiều cả ngàn ngàn trang không còn giờ nào đọc sách khác. Pháp của Phật sâu rộng vô biên, nhiều như lá cây trong rừng, mênh mông như biển cả làm sao nghiên cứu cho hết. Nhưng anh thấy rằng, người nào chỉ cần đọc được một bộ pháp của Ngài Tịnh Không cũng có thể ngộ đạo. Thật là quí hóa! Trên thế gian này, anh chưa từng gặp hiện tượng này. Một người giảng kinh suốt hơn 40 năm, mỗi ngày 2 tiếng, 365 ngày một năm không gián đoạn. Hiện giờ Ngài còn tăng thời gian một ngày lên hai tiếng rưỡi để giảng kinh Hoa Nghiêm. Bộ kinh này Ngài dự trù giảng bốn năm mới xong. Bộ kinh A-di-đà người khác giảng hai tiếng đồng hồ thì xong, còn Ngài giảng hơn một năm, mà giảng nhiều biến như vậy. Ý nghĩa thâm sâu cùng tột! Người nào có ngu cho mấy, chỉ nghe một bộ kinh Ngài giảng cũng phải ngộ đạo.

Càng đọc càng hiểu, càng hiểu càng thấm. Đã hiểu thấm rồi mới thấy mình ở rất gần Phật mà không hay. Thế mới biết mình xa Phật là vì mình chưa ngộ đạo chứ không phải Phật ở xa mình. Rõ ràng chúng sanh với Phật chỉ cách nhau có một niệm. Mê là chúng sanh, giác ngộ là Phật. Giác ngộ ở đâu? Ở ngay câu Phật hiệu “A-di-đà Phật”. Chính vì sự giác ngộ này, mà từ trước tới nay rất nhiều người đã vãng sanh về với Phật tự nhiên và dễ dàng như người đi hái hoa, trong khi mình vẫn còn mê muội, ham thích những chuyện tầm phào quá thường tục, để phải chịu lặn hụp trong luân hồi khổ đau vạn kiếp!

Em Hồng, đọc thư anh Năm em thấy thích hay chán? Anh Năm viết dài quá phải không? Thư đầu tiên anh nói ít đó, thư sau nếu em muốn tìm hiểu đạo pháp anh còn viết dài nữa cơ. Vì thật ra không phải anh Năm thích viết dài đâu, nhưng muốn hiểu Phật mà nói tóm gọn thì một là nói sai, hai là quá giỏi! Nói sai vì pháp Phật quá sâu rộng mà nói gọn thì làm sao người ta hiểu, không hiểu thì hiểu sai thôi! Còn quá giỏi là chỉ cho người đã khai ngộ, đã khai ngộ thì đâu cần nói nhiều, niệm một tiếng “A-di-đà Phật” thì thủy chung viên mãn!

Em nói trong sáu bảy năm qua em tập tham thiền ở thiền viện Vạn Hạnh, đây cũng là điều tốt. Tham thiền là pháp tối thắng vi diệu, nhưng anh không dám đi theo con đường đó. Đây chính là vì căn cơ của anh quá thấp, không đủ sức tự lực tu tập để chứng đắc. Thiền định là pháp môn tu hành dành riêng cho hàng đại Bồ-tát chứ không thường, là pháp đốn siêu tối thượng, lấy “trực chỉ nhân tâm, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” làm tông chỉ. Đây là pháp đốn siêu nhất thời, tức khắc thành Phật. Thế nhưng muốn đạt đến cảnh giới đó, không phải là chuyện lý luận trên đầu môi. Người tự tu để kiến tánh trước nhất phải phá cho được 88 phẩm kiến hoặc, rồi phá đến tư hoặc. Đoạn tận kiến tư phiền não rồi mới chứng được Thánh quả A-la-hán. Sau đó phải phá cho hết trần sa hoặc, những chướng ngại nhiều như cát sông Hằng của Bồ-tát đạo, thì mới tới bờ mé của Pháp Thân Đại Sĩ. Vẫn chưa hết, phải tiếp tục phá từng phẩm vô minh chứng từng phần pháp thân, phá cho tới 41 phẩm vô minh mới thành Diệu Giác. Lúc đó mới dám gọi là “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Đây là con đường tự tu tự chứng phải đi qua, thật sự không phải là đơn giản!

Một người tâm trí trung hạ căn mà muốn tự tu thành Phật, thì liệu rằng có đủ khả năng vượt qua tất cả những thử thách đó không? Em tự nghĩ thử coi, bao nhiêu năm qua tu tập thiền định, đã phá được bao nhiêu phẩm kiến hoặc rồi? Nếu còn giận, còn vui, còn sầu, còn bon chen với thế sự nhân tình, còn thương, ghét, khổ, đau, còn yêu ái, ham thích chuyện vợ chồng, v.v... và v.v... thì chắc chắn kiến tư hoặc không phá được chút nào hết! Thế thì còn hy vọng gì phá đến trần-sa, vô-minh hoặc? Chư vị Cổ đức mà nhiều vị còn than rằng, chính các Ngài phá một vài phẩm kiến hoặc thô lậu nhứt mà không xong, thì chúng ta làm sao mơ tới!

Muốn thành đạt những sự chứng đắc này, chỉ có hàng thượng thượng căn mới có cơ làm nổi. Người trung hạ căn như chúng ta phải cần xét lại, phải tự phản tỉnh về căn tánh, xét lại về thời cơ, coi lại kinh điển cho kỹ rằng Phật đã dạy mình phải đi con đường nào, mới có khả năng thành tựu. Nên nhớ hữu chí thì tốt, nhưng bất tài thì chí lớn sẽ biến thành vọng tưởng, viển vông, không hiện thực! Ba đại A-tăng-kỳ kiếp, vô lượng kiếp thời gian không phải là chuyện bàn luận cho vui trong lúc nhàn hạ!

Cho nên, nếu mình là hạng phàm phu chính hiệu, thì ưa lý đạo cao diệu làm chi mà chịu khổ cực tu hành suốt đời cũng chỉ kết được một chút duyên với Phật pháp! Sao không sớm quay đầu thành tâm niệm Phật, lạy Phật, cầu Phật gia trì để một đời vãng sanh bất thối thành Phật không hay hơn sao? Ngài Vĩnh Minh dạy rằng:

Hữu Thiền vô Tịnh-độ,

Thập nhơn cửu tha lộ.

Nhược ấm cảnh hiện tiền

Miết nhĩ tùy tha khứ.

Pháp môn tham thiền tối vi diệu, nhưng không phải là pháp để cứu độ nhất thiết chúng sanh, mà chỉ để độ cho bậc thượng thượng căn, hàng Bồ-tát trở lên, không có phần cho người căn tánh thấp. Trong Pháp Bảo Đàn kinh, Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã khai thị rõ ràng chuyện này.

Ngài Vĩnh Minh nói mười người tu có chín người lạc đường. Đây là lời cảnh cáo từ thời nhà Tống, lúc đó tâm tánh con người còn cao mà đã vậy, thì nay đã rơi vào mạt pháp sao chúng ta dám khinh thường! Ấm cảnh hiện tiền là chỉ khi chết rơi vào cảnh giới thân trung ấm, lúc đó đành phải theo nghiệp báo thọ sanh. Tu hành thì có thiện căn, dù có sanh lên được các cõi trời cũng chưa thoát khỏi luân hồi sanh tử. Tu hành mà đường luân hồi vẫn còn nguyên vẹn, thì làm sao thoát nạn? Sanh tử sự đại, một khi đã qua một cuộc cách ấm thì ký ức bị xóa sạch, công phu tu tập đã biến thành phúc báu. Có phước rồi, thì Phật lại nói, coi chừng bị nạn tam thế oán. Nên nhớ, ba đại A-tăng-kỳ kiếp là liên tục tinh tấn tu hành mới được. Nếu giãi đãi thì tiến tiến thối thối đến vô lượng kiếp, biết đến kiếp nào mới thành tựu đạo quả đây?

Em ạ, anh nói đây không phải là phân biệt pháp môn. Phật dạy, “pháp môn vô hữu cao hạ”, nhưng phải hợp căn hợp thời thì mới trở thành diệu pháp. Pháp phật thì pháp nào cũng là diệu pháp cả, nhưng vì con người sử dụng pháp Phật không chịu tương ứng với căn tánh và thời kỳ cho phép, thành ra giáo pháp mới giảm phần hiệu dụng. Cho nên, anh giãi bày hơn thiệt hầu chúng ta có thể chọn đúng đường đi, hợp theo căn cơ của mình để mong được ngày thành tựu mà thôi.

Nhiều người ngày nay đã sử dụng pháp môn tối thượng của Phật để thực tập cầu đạt cho thân tâm an lạc. Nên nhớ rằng, thân tâm an lạc chưa phải là giải thoát. Ngài Tịnh Không thường nói, Tứ-Thiền Bát-Định vẫn là cái định của thế gian. Có nhiều phái ngoại đạo, Tiên đạo, v.v... họ tu thiền định rất cao nhưng chỉ để cho an lạc, hoàn toàn chưa được giải thoát. Trong kinh Phật nói, cảnh giới này vẫn không thể ra khỏi tam giới. Ta nên chú ý.

Muốn thành tựu đạo pháp, muốn minh tâm kiến tánh thì phải giác ngộ. “Phật” là “Giác”. “Giác” phải “vô lượng giác” thì mới được viên mãn. “A” là “Vô”; “Di-Đà”là “Lượng”. “A-di-đà Phật” là “Vô Lượng Giác”. Như vậy niệm “A-di-đà Phật” tức là niệm “Vô Lượng Giác”. Niệm Vô Lượng Giác tức là trực chỉ nhân tâm, để “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Mục đích học Phật là để minh tâm kiến tánh thành Phật. Tuy nhiên phương pháp tu thì “đồng quy nhi thù đồ”, đường đi sai biệt, khó dễ có khác nhau. Trong đó niệm Phật là con đường trực chỉ nhân tâm tối thắng trong pháp trực chỉ nhân tâm vậy.

“Phật” là chơn tâm bản tánh. Niệm Phật thì trong tâm thời thời khắc khắc đều có Phật. Tâm nào có Phật thì tâm đó là Phật. Nhất thiết duy tâm tạo. Nhân là Phật thì quả sẽ là Phật, nhân quả tương ứng, chắc chắn không thể sai đường. Cho nên, pháp niệm Phật mới nhìn thì thấy hình như chấp tướng, nhưng thực tế thì Lý-Sự viên dung ngay trong âm thanh vi diệu “A-di-đà Phật”. Chính vì thế mà vô lượng chúng sanh được cứu độ. Không biết bao nhiêu người niệm Phật đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, hẹn ngày vãng sanh, tự tại vãng sanh để thành Phật giống như cảnh du hí thần thông. Tất cả chỉ vì chân thành niệm “A-di-đà Phật”. Do đó, Ngài Vĩnh Minh mới kệ rằng:

Vô Thiền hữu Tịnh-độ,

Vạn tu vạn nhân khứ.

Nhược đắc kiến Di Đà

Hà sầu bất khai ngộ.

Vãng sanh Tây-phương, hoa nở thấy Phật, thấy Phật thì sợ gì không khai ngộ. Niệm Phật để Phật cứu độ một đời vãng sanh bất thối thành Phật. Đơn giản, nhanh chóng, chắc chắn không sướng hơn dập dìm trong sanh tử luân hồi ba đại A-tăng-kỳ kiếp hay sao?

Niệm Phật là Pháp thu nhiếp ba căn thượng trung hạ, trên từ Đẳng Giác Bồ-tát dưới đến chúng sanh địa ngục đều bình đẳng một đời thành Phật. Một pháp môn mà độ được đến Đẳng Giác Bồ-tát thì còn gì cao hơn? Còn độ được luôn tới hàng tội ác nghiệp trọng trong địa ngục thì còn gì rộng hơn? Thật sự bất khả tư nghì! Không có sự so sánh!

Thấy được điều này rồi thì em nên khuyên Cô Sáu, các chị em tu hành. Cơ hội giải thoát đã đến tay đừng để vuột mất uổng lắm, lỡ mất rồi thì bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ đó em ạ. Hãy thành tâm khuyến tấn thì sẽ cảm hóa được. Cũng nên khuyên bà con hàng xóm niệm Phật để chính họ hưởng được phước báu to lớn này. Giúp cho một người vãng sanh Tây-phương là cứu độ một chúng sanh thành Phật. Công đức vô lượng.

Thôi anh Năm ngừng, anh chưa biết mặt chồng con của em. Anh sẽ tìm cách gởi băng thuyết pháp về cho em, được bộ nào hay bộ đó. Băng pháp mà anh Năm nghe toàn bộ chỉ có một hướng đi: Niệm Phật thành Phật. Nhất định không nghe một pháp nào khác cả. Một đường đi thẳng tắp sẽ gặp Phật. Còn đi lòng vòng vạn kiếp cũng chỉ ngã quỵ giữa đường đọa lạc mà thôi!
Nên nhớ lời anh Năm cho kỹ. Chúc em tu hành tinh tấn, ngộ được đạo pháp nhiệm mầu, quyết chí thành tâm niệm A-di-đà Phật nhé.

Anh Năm
(Viết xong, Brisbane 27/02/2001).