Tịnh độ
Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm
25/09/2556 18:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Khuyên Người Niệm Phật
Mục lục
Xem toàn bộ

Cha má kính thương,

Một chúng sanh đầy nghiệp chướng như chúng ta, muốn thoát ly tam giới, thoát ly sanh tử luân hồi, so sánh ra còn khó hơn chuyện mò kim dưới đáy biển! Tu hành đã khó! Trong số người tu hành, tìm được một người thành tựu lại càng khó! Thế nhưng, nghe thấy những người vãng sanh Tây-phương thì con nghĩ cha má sẽ phấn khởi, vững lòng tin tưởng pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ đang dẫn mình đến chỗ thành tựu. Người có lòng tin thâm sâu vào lời Phật dạy, thành tâm niệm Phật, tha thiết nguyện vãng sanh Tây-phương đều được vãng sanh. Chuyện vãng sanh đến nay đã quá nhiều, đây là sự thực, chắc cha má không còn nghi ngờ nữa. Có nhiều cuộc vãng sanh giống như một sự biểu diễn. Trong thế kỷ 20, Ngài Cô Lô Giang, đệ tử của HT Đế Nhàn, ba năm niệm Phật rồi đứng vãng sanh, nhục thân đứng im như vậy trong ba ngày để chờ sư phụ về mai táng. Vào khoảng thập niên 40, cụ Hạ Liên Cư cũng đứng vãng sanh, con chuột của cụ nuôi cũng đứng vãng sanh theo. Năm 2003, thầy Thích Ngộ Toàn, (đệ tử của HT Tịnh Không), ngài vừa mới đi thăm phòng thờ của cụ về kể lại thêm một phát hiện mới, là cặp đèn cầy mà trong tiền thời cụ Hạ Liên Cư dùng dang dở, đang giữ lại tại chỗ thờ làm kỷ niệm, đã biến thành ngọc xá lợi từ hồi nào mà không ai hay! Thật kỳ lạ! Quá nhiều điều kỳ lạ, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta! Nhất là chuyện lạ này lại xảy ra trong thời đại mà nền văn minh khoa học đã phát triển mạnh, con người đã bắt đầu đặt chân lên sao hỏa, có hướng muốn chinh phục không gian!

Đạo tràng niệm Phật ở đây thường xuyên nhận được những tin tức về sự vãng sanh. Ngày 18/07/03, ở Đài Loan có nữ pháp sư Đạo Chứng vãng sanh. Trước lúc vãng sanh, Ngài còn ngồi khai thị cho đại chúng một tiếng đồng hồ, rồi an nhiên ra đi. Lúc vãng sanh và lúc làm lễ trà tỳ đã hiện ra những thoại tướng lạ, như bầu trời phát quang hơn hai giờ đồng hồ sau khi mặt trời lặn, lúc làm lễ trời đổ mưa nhưng những người dự tang lễ lại không bị ướt, sau khi hỏa táng xong, kéo khay tro cốt ra thì xá lợi hiện ra lóng lánh. (Tin này nhận được từ mạng lưới điện toán (Internet), bằng tiếng hoa, đã dịch sanh Việt Ngữ).

Vừa rồi lại nhận thêm được một VCD quay tại chỗ cuộc vãng sanh của một cư sĩ tại gia Bồ-tát giới, ở tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc. Cụ Ngụy Quốc Hưng, sinh năm 1927, vãng sanh vào tháng 2/2003 tại chùa Phật Thành. Cuộn phim này được đặt tên là “Tự tại vãng sanh”, đây là một bài pháp sống động quý báu, thêm một sự chứng minh khá rõ ràng về chuyện vãng sanh Tây-phương Cực-lạc. Thật bất khả tư nghì! Con sẽ tìm cách gởi cuộn video này về cho gia đình coi.

Cuộc vãng sanh thật sự không biết nói lời gì cho đủ để tán thán. Pháp niệm Phật vi diệu, quá vi diệu! Niệm Phật vãng sanh là sự thực. Một sự thật hiển nhiên, dù cho 7 tỷ người trên quả địa cầu không tin thì cha má cũng phải tin. Nhiều kinh Phật nói về vãng sanh, như kinh: A-di-đà, Thủ Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, v.v… Nhiều lắm! Tu hành để vãng sanh thành Phật, trong kinh điển Phật đã nói rõ ràng minh bạch từ ba ngàn năm nay rồi. Ngày nay cha má được cái may mắn biết được pháp môn giải thoát rốt ráo, biết được một đời này mình có khả năng về với Phật, thì cơ duyên này thật sự không phải là tầm thường.
Xin cha má hãy quyết chí hạ thủ công phu, tranh thủ từng phút giây một để niệm Phật, ngày ngày đều không quên đối trước bàn Phật phát nguyện vãng sanh. Nguyện vãng sanh là quỳ trước bàn Phật rồi cất lời xin Phật cho mình được vãng sanh về Tây-phương, chân thành, tha thiết, lời lẽ tự nhiên và thành thực giống con cái xin cha mẹ cho quà vậy. Ví dụ: “Nam mô A-di-đà Phật, xin Phật cho con được vãng sanh Tây-phương, con nguyện sớm được thành Phật, nguyện độ vô biên chúng sanh viên thành Phật đạo…”. Hoặc dùng lời phát nguyện vãng sanh ở đầu tập Khuyên người niệm Phật số 2. Nên đọc thuộc lòng.

(Xin nhắc rằng, trong lời nguyện này có câu nguyện thấy Phật, đây là lời nguyện vãng sanh, tức là lúc lâm chung nguyện được thấy Phật A-di-đà hiện thân tiếp dẫn để theo Phật vãng sanh, chứ không phải cầu mong Phật thường xuyên xuất hiện cho mình thấy. Tu hành chân thực, lòng chí thành thì được cảm ứng đạo giao chứ không phải mong cầu để thỏa mãn tính hiếu kỳ mà được. Nhưng khi lâm chung, thường có những oan gia trái chủ hoặc ác thần tới dụ hoặc, ta nhất định chỉ theo đức Phật A-di-đà để về Tây-phương, không được sơ ý đi theo bất cứ một ai khác. Thông thường nhất là thấy cha mẹ, ông bà, người thân quá cố, hoặc Tiên, Bồ-tát(!) nào đó… tới tiếp dẫn. Đây chắc chắn không phải là thật! Chính vì thế, nên khi lâm chung mới có tâm nguyện thấy Phật A-di-đà hiện thân tiếp dẫn là vì lý do này. Xin nhớ kỹ!).

Những lời nguyện vãng sanh thường kèm theo lời “nguyện độ vô biên chúng sanh thành Phật đạo”, đây là điều quan trọng, nhắc nhở mình cái tâm nguyện thành Phật để cứu độ nhất thiết chúng sanh, chứ không phải về Tây-phương là trốn đời để hưởng thụ. Cũng là một lời nguyện vãng sanh, nhưng tâm nguyện khác nhau đưa đến kết quả khác nhau. Nguyện cầu vì tự tư ích kỷ, không hợp với tâm Phật, thì Phật không tiếp dẫn. Nguyện vãng sanh để thành Phật, thành Phật để độ tận chúng sanh, phải thực sự có tâm nguyện này thì mới hợp với bản hoài của chư Phật, thì mới được cảm ứng, sẽ được A-di-đà Phật tiếp dẫn vãng sanh. Vãng sanh được tới Tây-phương thì thoát khỏi sanh tử, nhất định một đời sẽ thành Phật.

Cho nên phải phát nguyện vãng sanh, phải tha thiết cầu xin vãng sanh. Phải thực hiện cho được chuyện này. Đây là một sự nghiệp cao cả nhứt, quý hóa nhứt, vĩ đại nhứt… mà trong vô lượng kiếp qua chúng ta làm không được.

Đọc tới đây, những người mới học Phật chắc có lẽ sẽ e ngại rằng: “khuyên tu hành cho thành Phật, rồi bắt mình đi cứu độ chúng sanh, thì khổ quá! Thôi, thà làm chúng sanh sướng hơn”. Nếu có ý nghĩ này thì quả thật là một chúng sanh chánh hiệu, sẽ vĩnh viễn làm chúng sanh đời đời kiếp kiếp để chịu khổ, chịu đọa lạc, khó có ngày được thoát khổ. Chúng sanh trong cảnh sanh tử khổ nạn cần tu hành để thoát khổ được vui. Vừa mới nghe khơi một chút lòng từ bi là đã vội lấy lòng ích kỷ bao trùm lại rồi, thì tâm này bao giờ mới hợp với tâm Phật. Thành Phật là trở về được với chơn tâm tự tánh. Cái tự tánh này có vạn đức vạn năng, thì một tâm nguyện cứu độ chúng sanh đâu có gì là khó, đâu phải là chuyện khổ! Trong Phật giáo, lời nguyện vãng sanh thường có câu:

“… Không rời An-Dưỡng lại Ta-bà,

Khéo đem phương tiện lợi quần sanh…”

An Dưỡng Quốc là Tây-phương Cực-lạc. Người vãng sanh Tây-phương, không cần rời Tây-phương nhưng vẫn đến được cõi Ta-bà để độ chúng sanh. Đây là năng lực “Hóa-Thân”. Người ở Tây-phương Cực-lạc có thiên bá ức hóa thân, hàng tỉ cái hóa thân, vô lượng hóa thân, cùng một lúc họ có thể phân thân đi đến khắp mười phương để cúng dường chư Phật, thăm viếng, cứu độ chúng sanh, còn chính họ vẫn ở tại An Dưỡng Quốc để tu thành Phật. Cái năng lực này thực sự bất khả tư nghì!

Người Á Châu chúng ta ai cũng thích coi chuyện Tây Du Ký, muốn biết cái năng lực hóa thân phi thường như thế nào, thì tạm lấy “Tôn Ngộ Không” ra làm ví dụ là rõ nhất. Tôn Ngộ Không đánh Ma dẹp Quỷ khắp nơi, có lúc chính ông ta vát gậy đi đánh, có lúc nhổ một vài sợi lông hóa thành Tôn Hành Giả đi đánh, còn chính mình thì đằng vân đi chơi hoặc tìm chỗ mát mẻ nằm ngủ. Tôn Ngộ Không còn phải nhổ sợi lông, chứ người ở Tây-phương không cần làm như vậy. Muốn biến là biến, muốn hóa là hóa, muốn xuống nước VN 1.000 người, thì 1.000 hóa thân tái lai, sống lẫn lộn trong dân chúng để tìm cách cứu độ bà con, còn chính họ vẫn ở tại Tây-phương tu dưỡng để thành Phật. Đây chính là một việc làm nho nhỏ trong cái năng lực vĩ đại, phi thường, vô lượng vô biên đức năng của họ mà thôi.

Cha má ạ, hãy cầu xin Phật cho mình được vãng sanh càng sớm càng tốt. Quyết định không thèm lưu luyến đến cảnh trần khổ này nữa. Hãy coi cái thân này như một túi da hôi thối, nó sắp sửa mục rã rồi hãy mong cho nó bỏ sớm đi, không một chút nuối tiếc, không một chút lo sợ. Hãy coi nhà cửa tài sản như thứ rác dơ, lúc cần bỏ phải bỏ, vì chắc chắn nó không giúp ích gì cho việc thoát nạn của mình đâu. Ơn nghĩa, thị phi, danh vọng trên đời là chuyện mộng huyễn không thực, bám vào nó chỉ tạo thêm hiểm họa đọa lạc, làm thương tâm cho chính mình, nhất định phải buông bỏ hết để an tâm niệm Phật. Con cháu, bà con, thân thuộc tất cả đều do duyên nợ, hợp đây tan đó, tan rồi mạnh ai nấy đi, khó có ngày gặp lại. Thương nhau, muốn cứu nhau thì mình phải về Tây-phương trước rồi mới cứu độ nhau được.

Chắc cha má còn nhớ chuyện bác Dư Thị Ky vãng sanh vào tháng 12/2002 tại Sydney Úc Châu. Bác niệm Phật khoảng một năm rưỡi thì vãng sanh. Bây giờ cả một đại gia đình của bác, chồng, con, dâu, rể, v.v… hàng đêm đều tề tựu về niệm Phật. Căn nhà của bác giờ đây đã biến thành đạo tràng niệm Phật. Có người kể lại rằng, nếu người nào trong gia đình vắng một buổi niệm Phật thì hôm sau bác ứng mộng la rầy. Thành ra tất cả mọi người trong gia đình bác tu hành rất tinh tấn, ngày ngày không quên câu Phật hiệu. Rõ ràng, một người vãng sanh là nguồn độ thoát cho cả dòng họ.

Cho nên con đường sáng suốt nhất cha má nên chọn là quyết tâm niệm Phật ngày đêm, ngày ngày đêm đêm không rời câu A-di-đà Phật, sáng sáng chiều chiều đều quỳ trước bàn thờ Phật phát nguyện vãng sanh, cầu xin Phật cho về Tây-phương sớm được bữa nào hay bữa đó. Đây là tâm nguyện thành đạo, là tâm Vô Thượng Bồ-đề cứu khổ chúng sanh, là điểm then chốt để được vãng sanh về với Phật. Vãng sanh được thì cha má hưởng một đại phước báu, đại thiện căn, đại nhân duyên, là nguồn cứu độ cho tất cả một dòng tộc, là một cứu tinh cho vô lượng chúng sanh. Còn không vãng sanh được thì chắc chắn phải rơi lại trong lục đạo luân hồi, tương lai vô cùng mù mịt, sướng hay khổ, thiện hay ác, may hay rủi chưa biết đường nào để nương thân!
Con mới vừa viết xong một thư cho một đạo hữu bên Pháp nói về sự “Phát Tâm Bồ-đề”, con có gởi về cho An, chắc em nó cũng sao ra gởi về quê, hãy bảo con cháu đọc nhiều lần cho cha má nghe để hiểu cách phát nguyện tâm. Con khuyên cha má, anh chị em, bà con, cô bác, ai ai cũng nên phát cái tâm nguyện Bồ-đề. Cụ thể là phát tâm niệm Phật, phát nguyện vãng sanh, phát lòng từ bi bố thí giúp đỡ người nghèo khó, khuyên người niệm Phật, v.v… Đạo nằm ngay trong việc làm cụ thể hằng ngày chứ không đâu xa cả.

Vạn pháp duy tâm, hãy mở cái tâm rộng ra thì thấy đạo. Thương người là ở tâm, chỗ chỗ nơi nơi hãy nương nhau một chút để sống. Cha má nên khuyên con cái sống ở đời nên rộng rãi một chút, đừng nên quá tự tư ích kỷ, đừng nên dụng tâm theo kiểu “Ăn cho buôn so” mà vạn kiếp khó thoát khỏi cảnh giới khổ nạn! Vì “ĂN” là tham lam cờ bạc mà ăn, thì dù có “Cho” cũng khó thoát khỏi tâm tham; còn “BUÔN” mà “So đo” quá đáng thì còn đâu cái tâm bố thí nữa.

Bố thí để phá tham, hãy mạnh dạn san sẻ một chút tình thương thì bất cứ ở đâu tâm hồn mình cũng nhẹ nhàng thanh thản. Trước đây Ngọc đi chợ mua thức ăn, khi mua đậu ve thì lựa từng trái xanh mướt. Con khuyên không cần lựa, hãy hốt đại đi, lựa làm chi cho tội nghiệp người bán. Một thời gian thì nàng hiểu được ý và làm theo, khi đó con ăn một trái đậu ve vừa già vừa gãy mà cảm thấy ngon ngọt và bổ dưỡng hơn những trái xanh non trước đây.

Cái tâm mình vui vẻ thì ăn uống bình dị cũng bổ, cái tâm mình hẹp hòi thì ăn đồ bổ cũng thành độc. Bổ dưỡng hay độc hại là do cái tâm của mình. Ngài Thích Thiền Tâm, một cao tăng đức độ VN đã từng được nhiều vị xưng dương là sơ tổ tịnh tông của dân tộc Việt nói: “Nhiều người học Phật thường cứ thích nói huyền nói diệu, mà chính một việc tốt nhỏ không làm nổi!”. Việc gì là nhỏ? Nương nhịn nhau một chút là nhỏ. Đi chợ mua rau mà kèn cựa từng lá rau xanh thì tâm hồn còn nhỏ hơn nữa. Mất một vài lá rau mà làm không được, thì còn làm sao dám nói đến chuyện cầm một đồng bạc đi bố thí tha nhân! Cho nên, đạo đang ở ngay trong đời sống thực tế hằng ngày mà nhiều khi mình không hay. “Nói huyền nói diệu” là sự giả ngụy bề ngoài chỉ làm hại cái sắc tướng; “một việc tốt nhỏ không làm nổi” là thực chất bên trong sẽ làm hại cái tâm. Chính đó là cái nhân chủng đưa đến quả báo nghèo đói khốn khổ. Khốn khổ tức là thiếu phước báu vậy!

Trong tuần qua, con vừa dự cầu siêu thất tuần cho một ông bác. Bác này quê ở ngoài trung, gia đình tương đối khá. Bác được con cái bảo lãnh qua Úc cũng được hơn 10 năm. Trước đây trong những lúc rảnh con thường ghé thăm bác hàn huyên, đánh cờ tướng. Đến khi con biết được đường tu hành thì con cắt hầu hết mọi sự liên hệ bên ngoài, ít khi tiếp xúc với ai, ngày ngày cứ vào chùa niệm Phật. Thắm thoát mà qua mấy năm trường không gặp lại, không ngờ bác đã vĩnh viễn ra đi. Con tới thăm thì gia đình kể lại rằng, suốt trong ba năm liền trước khi mất bác thường thấy những hiện tượng người thân đã chết về thăm. Giữa ban ngày mà bác vẫn thường một mình nói chuyện với cha, với mẹ, với người anh, với những người làng xóm ở quê đã qua đời cách đây rất lâu. Có lúc bác thấy cọp, rắn, chó, trâu, bò… vào nhà làm cho bác hoảng sợ, bác cứ kêu con cháu đuổi chúng ra, nhưng nào có ai thấy gì đâu? Khi bác mất, mặc dù bác sĩ đã cho biết tim ngừng đập 20 phút rồi, nhưng con cái vẫn muốn người chết sống lại, nên cứ tiếp tục cố gắng hết sức làm hô hấp nhân tạo! Người nhà thì vô tình kể lại, còn con thì cảm thấy xót xa! Thật tội nghiệp cho bác!

Thưa cha má, cùng tất cả anh chị em, nếu đã biết về sự hộ niệm, biết những gì xảy ra cho người lúc lâm chung, thì ta mới thấy hành động hô hấp người chết quả thật là một việc làm đáng thương tâm! Còn hiện tượng thấy người chết trở về cũng không tốt lắm! Trong Kinh Địa Tạng nói khá rõ về điều này. Có một đoạn vị Chủ-Mệnh Quỉ Vương, đây là một vị Bồ-tát thị hiện trong cõi Diêm-Phù-Đề để cứu giúp chúng sanh, Ngài bạch với đức Phật rằng: “Trong cõi Diêm-Phù-Đề, những người làm lành đến lúc mạng chung cũng còn có trăm nghìn quỉ thần ác đạo, hoặc biến ra hình cha mẹ, nhẫn đến hóa làm người thân quyến đến dắt dẫn thần hồn người chết làm cho đọa lạc vào chốn ác đạo, huống chi là những kẽ lúc sanh tiền đã sẵn tạo nghiệp ác”. (Kinh Địa Tạng, phẩm thứ 8, đoạn: “Lúc chết nên tu phước”).

Khi một người sắp chết, những năm tháng cuối đời thường có những loài ác quỷ, hoặc oan gia trái chủ muốn hại mình bằng cách giả dạng cha mẹ, người thân, đôi khi giả luôn cả những hình giống như Bồ-tát, Thần Tiên gì đó để dụ dỗ mình. Người ăn ở hiền lành vẫn có thể bị nạn này, huống chi là người làm ác! Đây là do ân oán từ nhiều đời kiếp đưa đến. Bình thường con người không biết, cứ tưởng rằng đó là người thân của mình về để bảo hộ, giúp đỡ. Vì lầm tưởng như vậy, nên không những không lo sợ mà còn vui thích đi theo họ. Đây thực sự là ách nạn! Chúng gạt mình tham đắm vào, chờ khi chết đẩy mình vào tam ác đạo để trả thù. Những người nào gặp phải tình trạng này thì thật là bất phước lắm vậy!

Năm ngoái về quê, con biết được ở làng mình cũng có một bà bác đang rơi vào tình trạng này, chính người con trai của bác đến nói với con. Con hiểu sự việc bất tường bên trong, nhưng đã đến tình trạng đó con không dám nói thẳng, vì có nói cũng không ai tin và con cũng không có khả năng cứu! Con chỉ biết tặng một tấm hình Phật A-di-đà, một máy niệm Phật, và khuyên cả gia đình niệm Phật ăn chay làm lành, rồi hồi hướng công đức để cầu giải nạn cho mẹ, thế thôi! Trước đây có một vài lần con nhắc đến điều này, nay xin nhắc lại để mong tất cả đề phòng.

Đề phòng bằng cách nào? Hãy bắt đầu tu hành liền, hãy niệm Phật ngay từ ngày hôm nay, nhất định không để đến ngày mai. Phải thành tâm ăn năn sám hối tội lỗi, phải chấm dứt việc sát sanh. Nên bố thí giúp người, ăn ở hiền hòa, phóng sanh lợi vật. Hãy tích cực làm thiện làm lành, đem công đức này hồi hướng Tây-phương cầu sanh Cực-lạc, hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho oan gia trái chủ.

Phải thành tâm làm thì nghiệp chướng mới tiêu, phước đức mới tăng trưởng. Người có phước đức mới được thiện chung, vô phước khó thể hưởng được sự chết lành. Chết lành hay dữ không phải chỉ là những hiện tượng xảy ra lúc chết rồi hết, mà cái quả báo khổ nạn hàng vạn kiếp sau đó mới thật sự đáng sợ!

Cho nên, người hiểu đạo thì sự tu hành niệm Phật không được chờ, bỏ ác làm lành không được đợi. Một khi nghiệp báo tới, nó tới không báo trước. Đừng chờ oán thân trái chủ ra tay, đã ra tay thì chúng không nương. Đừng chờ cho thấy được sự thật rồi mới tính, lúc đó dù có hối hận cũng đã quá muộn màng! Một khi ma quái đã hành động thì chúng sẽ ngang nhiên dẫn dụ thẳng vào cảnh đọa lạc không cần úp mở, chúng sẽ công khai chộp cổ mình trước mặt người thân, mà mọi người đành phải chịu thua!

Cha má ạ, nên phát tâm nguyện Bồ-đề mạnh mẽ để đường tu hành thẳng tiến. Chính yếu là phát tâm niệm Phật thâm sâu, phát nguyện vãng sanh tha thiết. Còn chuyện trợ hạnh là hãy mở tâm lượng rộng ra, thì nguồn đạo dồi dào đưa tới hưởng không hết. Đừng nên khép kín tâm lại, mà đường đạo sẽ bị tối ôm và sự tu hành cũng bế tắt!

Phát tâm nguyện Bồ-đề có tà, có chánh, có ngụy, có chơn, có tiểu, có đại, có thiên lệch, có viên mãn, tất cả đều do ở cái tâm. Ví dụ, bố thí giúp người chúng ta nên làm âm thầm, đơn giản, nhưng lòng chân thành kính cẩn thì quả báo sẽ lớn vô tận. Còn bố thí mà khoe trương ồn ào, thì vì cái tâm cầu danh háo thắng mà của đưa ra tuy lớn, nhưng quả báo lại tệ hại về sau. Cho nên, phát tâm về hình thức thì tùy duyên, đừng tham danh tự lợi, cứ giữ một lòng chân thành mà làm thì tự nhiên được cảm ứng, chắc chắn sẽ được chư Phật Bồ-tát gia trì.

Ở đây có một chị đạo hữu thường phát những tâm nguyện rất hay. Hầu hết đều để bố thí giúp người. Chị đã phát tâm đọc bộ “Khuyên Người Niệm Phật”. Khi phát tâm, chị và chồng chị đã không kể công sức, không tiếc tiền bạc, quyết tâm làm cho kỳ được, mặc dầu gia đình khá chật vật, người chồng còn đang học dang dở ở đại học.

Trước đây mấy năm, gia đình chị được một sự cảm ứng bất khả tư nghì. Sự việc là, khi chị có bầu đứa con đầu lòng, bác sĩ phát hiện ra đứa bé bị bệnh si khờ (danh từ chuyên môn gọi là down syndrom) ngay khi còn trong bào thai. Họ khuyến cáo chị phải phá thai, nếu không thì đứa bé sẽ bị bệnh si khờ, khổ sở suốt đời. Vợ chồng chị là người học Phật, biết nhân quả, nên không dám làm theo lời bác sĩ, nhưng tâm trạng lúc đó đau khổ vô cùng!

Vợ chồng chị tìm đến một Ni Sư hỏi việc. Vị Ni Sư khuyên chị niệm Phật cầu Phật gia trì. Hai vợ chồng thành tâm niệm Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, mỗi ngày phát tâm tụng kinh Pháp Hoa để hồi hướng cho đứa bé. Kết quả thì sinh ra, đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh, thông minh, hiền lành. Hội đồng y khoa vô cùng ngạc nhiên, họ không biết lý do tại sao? Mới 3,4 tuổi mà đứa bé biết niệm Phật, biết lạy Phật, gặp ai cũng chắp tay: “A-di-đà Phật”. Sự cảm ứng này thực sự bất khả tư nghì! Rõ ràng có lòng thành tâm thì tất được cảm ứng.

Mới vừa đây, lại có một đạo hữu khác cũng muốn phát tâm đọc bộ sách này nữa. Cô tình cờ đọc bộ sách Khuyên người niệm Phật thì trực hiểu được đường đi. Cô nói: “Cha mẹ em mắt yếu không đọc được, nhưng em phải đọc cho cha mẹ nghe để niệm Phật”.

Lời thư con viết về cha má mà nhiều người còn tha thiết được đọc như vậy, thì cha má và anh chị em trong gia đình cũng nên để dành thời giờ xem qua. Con viết thư khuyên cha má tu hành rất chí thành, chí thiết. Mỗi khi ngồi xuống viết, con luôn luôn cầu xin chư Phật Bồ-tát gia trì vào lời thư để giúp cha má, giúp chúng sanh. Đây là sự thành thật, con không dám nói lời vọng ngôn. Muốn cha mẹ, người thân của mình tu hành thì con cũng mong muốn tất cả những người làm cha mẹ, tất cả mọi người đều tu hành. Con thành thật muốn nhiều người trực nhận ra con đường niệm Phật vãng sanh, giải thoát vấn đề sanh tử. Cứu độ chúng sanh phải bình đẳng, không nên phân biệt người thân kẻ sơ, người thuận kẻ chống, người thương kẻ ghét. Bất cứ một ai tin tưởng pháp môn, thành tâm niệm Phật, tha thiết cầu nguyện vãng sanh thì có thể được vãng sanh. Nếu có tâm phân biệt thì tự ta bị mất phần vãng sanh rồi vậy.

Hãy quyết lòng giúp người vãng sanh, còn tất cả mọi chuyện khác hãy để Phật Bồ-tát lo liệu. Tất cả những thư dù viết cho ai con đều gởi về cho gia đình. Mong cha má, anh chị em cố gắng đọc. Đọc để thấm lý đạo, đọc để thấy rõ cơ duyên thành đạo, đọc để biết đường thoát khổ được vui. Đọc để đường tu rõ ràng minh bạch, không còn nhầm lẫn nữa.

Con biết trong những người thân thuộc của mình có người vẫn còn quan niệm rằng tu hành là làm lành không làm ác là được. Câu nói này không sai, nhưng vì nghĩ quá đơn giản mà thành ra bị nhiều sơ sót!

Trong suốt mười mấy năm trường ở Úc, con tham gia phong trào giáo dục thanh thiếu niên, giúp họ trở thành công dân tốt. Con thường tổ chức cắm trại, du ngoạn, ca hát, vui chơi, sống thoải mái giữa thiên nhiên. Đây là điều tốt. Nhưng nhớ lại, nhiều lúc lên rừng cắm trại thì rủ nhau đi bắn chim, xuống biển thì câu cá để giải trí, thường lấy chuyện sát hại sinh vật làm vui. Sinh hoạt cho vui thì tốt, nhưng sát hại sinh vật để cho vui lại là chuyện ác.

Vì muốn vẹn tròn nhân nghĩa, bạn bè gặp nhau thì rượu thịt linh đình để nhậu nhẹt. Nhân nghĩa thì thiện lành, còn giết hại heo gà để nhậu thì phạm tội sát sanh. Uống rượu thì thấy vui(!), nhưng rượu vào thì tâm trí mờ đục, lời ra thì vọng ngữ ngông cuồng! Cho nên, ai nói rằng chỉ làm lành làm thiện là được, thì hãy tự kiểm điểm lại coi, phải chăng chính mình vẫn thường tự nhiên làm những điều bất thiện ngay trong lúc gọi là đang làm thiện lành không?! Vậy thì, xin đừng nghĩ quá đơn giản mà dễ sơ ý gây nên nhiều lỗi lầm oan uổng! Đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ, còn biết bao nhiêu hình tướng sơ suất khác, kể sao cho xuể! Cho nên, làm lành lánh ác là cái ý niệm căn bản đầu tiên, chứ còn nói đủ thì phải cẩn thận suy xét lại! Sự thiếu sót thường xảy ra ở chỗ đặt tiêu chuẩn thiện ác quá hạn hẹp vậy!

Lợi cho ta, không lợi cho người, không phải là thiện! Lợi cho con người nhưng hại đến sanh vật, không phải là thiện! Lợi cho cả người lẫn vật ở hiện tại, nhưng bất lợi cho tương lai, thì cũng không hẳn là thiện! Người tu hành mà chỉ lo cho đời này, còn đời kiếp về sau thì mơ hồ mù mịt, tự dẫn mình đi vào đường sanh tử đọa lạc bất tận thì làm sao gọi là thiện lành?! Phật dạy, ác nghiệp có bốn loại: tự mình làm, xúi người khác làm, thấy người khác làm mà mình vui, vì mình mà người ta làm ác, tất cả đều là việc ác. Vậy xin hãy mở rộng tâm lượng ra thì mới thấy được chính xác hơn cái tính chất của thiện-ác!

Tu hành có Chánh Hạnh và Trợ Hạnh. Chánh hạnh là mục đích tối cao phải thành đạt. Trợ hạnh là tư lương hỗ trợ để thực hiện chánh hạnh được dễ dàng. Chánh hạnh, nói theo Đại sư Ấn Quang, là “Lão thật niệm Phật, cầu sanh Tịnh-độ” để sớm thành Phật, cứu độ chúng sanh. Trợ hạnh là: “Đôn luân, tận phận, nhàn tà, tồn thành”, bỏ tất cả các việc ác, làm tất cả việc lành.
Đối với cha má bây giờ thì Chánh hạnh là niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, còn trợ hạnh là miễn bàn luận chuyện thị phi, không cạnh tranh với ai, cố gắng làm lành, bố thí giúp người, phóng sanh lợi vật, v.v… Chánh hạnh lúc nào cũng quan trọng hàng đầu. Người định nghĩa rằng tu hành chỉ là việc làm thiện thì họ đã lấy trợ hạnh làm chính, mà vô tình đã đánh mất luôn chánh hạnh!

Chánh hạnh là niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, nhất định phải chuyên tâm. Phải hạ thủ tinh tấn niệm Phật, ngày ngày lạy Phật cầu xin vãng sanh thì mới được vãng sanh. Đây là chuyện chánh yếu, xin cha má anh chị em nhất định đừng lơ là mà sau cùng phải ân hận. Trợ hạnh là sám hối nghiệp chướng, ăn năn lầm lỗi, không phạm năm giới: sát, đạo, dâm, vọng, tửu, v.v… (ghi chú rằng, đối với cư sĩ tại gia, giới dâm là cấm “Tà Dâm”, chứ không phải là cấm chuyện thương yêu của vợ chồng chính đáng). Sám hối nghiệp chướng rất quan trọng, nhưng đề tài này quá lớn, con sẽ xin nói rõ hơn ở thư sau. Hôm nay con xin nhấn mạnh đến chuyện làm lành tạo phước. Thường xuyên tạo phước thì phước báu sẽ lớn, nhờ phước lớn mà được thiện chung. Thế gian gọi đây là người có Đại phước báu. Thật sự là đúng như vậy.

Cái đại phước báu thế gian là chỉ đến cái chết an lành, gọi là “Thiện Chung”, chứ không biết đến cái tái sanh an lành, tạm gọi là “Thiện Sanh”. Thiện chung là phần của thế gian, căn cứ vào cuộc đời từ lúc sinh ra để sống rồi chết. Thiện sanh là phần sau khi chết, là các cảnh giới mà thần thức sẽ tái sanh. Có thiện chung thì có thiện sanh. Thiện sanh là sanh về các cảnh thiện. Cái thiện sanh lớn nhứt trong thiện sanh chính là vãng sanh Tây-phương Cực-lạc. Chỉ có người làm lành làm thiện và niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì mới hưởng được cái phước báu “Đại Thiện Sanh” này.

Cha má ạ, có phân tích rõ thì mới thấy làm lành làm thiện vô cùng quan trọng. Không làm thiện lành thì phước mỏng, phước mỏng thì đường tu hành thường khi bị trở ngại. Chính vì thế mà nhiều lần trước đây con xin cha má cố gắng phát tâm bố thí giúp người, giới sát, phóng sanh cho nhiều. Hãy mạnh dạn tu phúc, có ít tu ít, có nhiều tu nhiều, để dồn phước cho ngày vãng sanh. Con tha thiết muốn cha má đừng cất giữ tiền, không đeo sợi giây chuyền, không cài bông tai, không giữ vàng bạc… Nếu không có mấy thứ đó thì tốt, nếu có hãy buông tất cả ra cho con cái làm gì thì mặc sức, còn riêng cha má lo tịnh tu niệm Phật cầu giải thoát. Những người già cả mà sơ ý cất giữ tiền bạc thì tâm sẽ dính chặt vào tiền bạc, đến lúc lâm chung hầu hết đều gặp đại nạn! Đây là sự thật. Người đời chỉ thấy cái họa “bất thiện chung”, chứ không thấy cái họa “bất thiện sanh”. Bất thiện chung chỉ là cái điềm báo cho sự bất tường phía sau mà thôi, nhưng ít ai hiểu được rằng có thể nó dẫn đến những cảnh giới khổ nạn, đau thương khó tưởng tượng nổi sau khi chết. Đây mới thực sự là điều vô cùng ghê sợ, vô cùng hãi kinh!

Phật dạy: “Bố thí tài được tài phú”. Người biết đem tiền bạc giúp cho người nghèo khó, trợ cứu nạn tai, chẩn bần, cứu khổ, thì người đó tự nhiên sẽ có nhiều tiền và cuộc sống an vui. Đây là định luật nhân quả. Nếu chịu khó để ý ta sẽ thấy rất rõ điều này. Tuy nhiên, cái tính chất của quả báo từ việc bố thí sẽ lớn hay nhỏ tùy theo cái tâm, chứ không phải theo cái lượng. Người giàu có bỏ bạc triệu để bố thí mà cao ngạo, tự mãn thì chưa chắc đã có quả báo tốt bằng người nghèo khổ bỏ tiền mua một ổ bánh mì trợ giúp cho người khốn khó. Tâm thành thì quả báo viên mãn, nếu tâm chấp trước thì nó sẽ phá hại cái quả báo thiện lành.

Vì thế nói bố thí không có nghĩa là hằng ngày cha má phải đi ra ngoài tìm người lì xì, biếu tặng. Mà bố thí có nghĩa là tình thương, có lòng từ bi hỷ xả, không chấp, không hơn thua, gặp người khốn khó hãy cố gắng giúp theo khả năng. Cứ cố gắng làm như vậy, dù cha má có nghèo, thì tự nhiên cũng có người hỗ trợ, con xin bảo đảm chắc chắn chuyện này. Hãy quyết tâm buông xả thì mình là người giàu có, phước đức vô tận rồi vậy!

Vạn pháp duy tâm, tất cả đều hiển hiện theo cái tâm. Không thể căn cứ vào cái tướng mà đánh giá việc làm. Phật dạy bố thí tiền bạc thì được giàu có. Nhiều người biết định luật này nên chạy kiếm chỗ bố thí để mong cho mình được giàu có, để cải đổi cái vận hạn xui xẻo của mình cho được sáng hơn… Điều này cũng không phải là tốt! Tại sao vậy? Vì phát tâm tham cầu phước báu, thì bao nhiêu công đức vì sự cầu này mà mất hết. Giả như có được một ít phước báo hữu lậu để hưởng, nhưng mầm hại của lòng tham lam cũng sẽ âm thầm chờ ngày đánh gục mình trong những cảnh giới khổ nạn!

Trước đây con có nói về thiện nghiệp và tịnh nghiệp, xin cha má nên rõ ràng về chuyện này. Nếu muốn thực sự được giải thoát thì phải tu “Tịnh Nghiệp”, chứ đừng tu theo “Thiện Nghiệp”. Thiện nghiệp là làm lành cầu phước, chắc chắn không thoát khỏi sanh tử luân hồi. Dù có được phước cũng khó tránh nạn “Tam Thế Oán”. Tịnh nghiệp là làm lành nhưng không chấp vào việc làm, đem công đức hồi hướng cho chúng sanh, hồi hướng về Tây-phương, rồi niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-độ. Như vậy Tịnh Nghiệp và Thiện Nghiệp đều là thiện, hình thức không khác, chỉ khác nhau ở chỗ tâm chấp hay không mà thôi. Chấp thì thành Thiện Nghiệp luân hồi. Không chấp thì thành Tịnh Nghiệp giải thoát. Trong nhà Phật thường nói: “Làm mà không làm, không làm mà làm”, nghĩa là, cứ tùy duyên làm thiện, làm rồi thì quên nó đi đừng để trong tâm. Tất cả tâm hạnh đều nhắm thẳng đến niệm Phật vãng sanh thành Phật để cứu độ chúng sanh, đây chính là tịnh nghiệp vậy.

Cho nên, sự phát tâm làm thiện quan trọng lắm, chánh hay tà ở ngay cái tâm chứ không thể nhìn vào hình tướng mà quyết định được! Cái nhân chủng nó hình thành ngay ở chỗ phát tâm, nhân chánh quả chánh, nhân tà quả tà. Nếu phát tâm vì chuyện tà ngụy, thì dù có làm việc thiện như bố thí, giúp người, chẩn bần, cứu khổ có nhiều đi nữa thì vẫn là hành theo tà đạo! Chuyện này trong nhân gian nhiều lắm. Ví dụ, có nhiều phong trào hô hào chuyện thiện lành, thu thập tiền bạc, nhiều người có lý tưởng tham gia phục vụ, nhưng sau cùng thì bị khám phá là làm bậy! Nhiều nhân vật rất nổi danh, tiếng tăm vang lừng khắp nơi, được tôn sùng như Thánh Nhân, như Phật sống, nhưng rốt cuộc lại bị lật tẩy là hành tà đạo! Trong Kinh Hoa Nghiêm Phật nói, “Quên phát tâm Bồ-đề mà làm các việc thiện, là hành động của ma!”. Lời Phật nói chí lý lắm. Sáng suốt mới hiểu thấu.

Cho nên, đừng vội thấy chút thành quả hay hay trước mắt mà chạy theo, coi chừng bị vướng tà mà khổ vào thân! Người học Phật phải hết sức cẩn thận, không nên hiếu kỳ, đừng tham những sự thần kỳ hấp dẫn sôi nổi trước mắt mà coi chừng bị hại về sau! Hãy y giáo phụng hành, theo đúng kinh Phật tu hành thì mới mong khỏi bị sơ suất.

Riêng anh chị em, bà con, cô bác, cũng nên phát chút ít tâm từ bi thương người. Hãy phát tâm Bồ-đề trước rồi mới đi bố thí giúp người, đừng thấy người ta giúp, mình cũng bắt chước giúp theo, coi chừng bị vợ hoặc chồng la rầy, con cái cằn nhằn, mà sanh tâm phiền não! Dù cho trong gia đình không gây phiền não, thì nhiều khi chính người nhận ơn huệ cũng gây phiền não cho mình. Tục ngữ thế gian có câu: “Làm ơn thường mắc oán”. Cái oán này, suy cho cùng, chính vì mình chưa phát Bồ-đề tâm vậy!

Vì sao vậy? Vì làm thiện, bố thí, giúp người mà chấp vào đó, mong cầu được nhớ ơn, được đền ơn, được người khen, v.v… thì đây không phải tâm chân chánh, mà vì lòng tham lam đã xui khiến cho mình sơ ý bỏ tiền ra đầu tư sai chỗ, để sau cùng không gặt hái như ý muốn! Thấy mình làm ơn, thấy người chịu ơn, thì cái tâm khinh mạn đã phá mất cái đức bố thí, đã biến việc thiện thành ra bất thiện. Vì cho rằng cái điều “Làm ơn” của mình lớn quá, mới thấy người nhận không chịu tỏ lòng biết ơn mà sanh ra “Mắc oán”! Phật nói đây là “Hữu Tướng Tam Luân”. Tam luân là: người cho, người nhận và vật cho. Còn chú ý điều này thì dù có làm thiện vẫn chưa thực là thiện! Cái oán nó đến chẳng qua là đáp ứng đúng theo cái tâm tà ngụy của mình mà thôi!

Bố thí giúp người, làm lành làm thiện phát xuất từ cái tâm chân thực thương người, tha thiết cứu trợ thì đây là sự phát tâm chân chánh. Làm không cần ai biết, giúp không cần trả ơn, cúng dường không cần giấy biên nhận, in kinh ấn tống là nhằm cứu độ chúng sanh chứ không phải chỉ để hồi hướng công đức cho cá nhân mình, v.v… nói chung, làm thiện mà tâm hoàn toàn không chấp vào đó thì đây là “Bố thí ba-la-mật”, công đức rất lớn. Những thuật ngữ như: “Tam Luân Thanh Tịnh”, “Vô Tướng Tam Luân”, hoặc “Tam Luân Không Tịch” đều là nói tới tâm vô chấp này. Thanh-tịnh, Vô-tướng, Không-tịch có ý nghĩa tương tự nhau. Hãy giữ tâm thanh tịnh, trống không, không để ý tới năng thí (người cho), sở thí (người nhận), vật thí (của bố thí), thì sự bố thì này sẽ vượt qua cái phước báu hữu lậu, trở thành công đức vô lậu. Nói rõ hơn quả báo sẽ có cả vừa phước đức vừa công đức viên mãn đầy đủ.

Xin nhớ, phước đức và công đức khác nhau. Phước đức: là có vật chất, tiền bạc, sản nghiệp vô thường, hữu lậu. Công đức: Công: là công năng; Đức: là thiện lành; Công Đức là công năng tu tập tạo được thiện lành của người tu hành đắc được. Công đức có thể giúp thoát ly sanh tử thành đạo, nó là một loại “Đại phước đức” chứ không còn là phước báu tầm thường nữa.

Bố thí giúp người thì có phước. Bố thí mà thành tâm thương người, không cầu hưởng phước thì phước nó vẫn đến, vì đây là nhân quả, nhưng nó trở thành đại phước đức. Người có đại phước đức thì cuối đời dễ được thiện chung. Người niệm Phật vừa tạo đại phước đức thì khi lâm chung sẽ dễ được tinh thần tỉnh táo, chánh niệm phân minh, niệm Phật chờ Phật hiện thân tiếp dẫn. Cho nên nhiệt thành làm phước, thành thực thương chúng sanh, đừng cầu tư lợi, đừng tham danh văn lợi dưỡng, đừng mê ngũ dục lục trần, đừng có tham sân si mạn. Có như vậy mới buông xả được, và đây là sự hỗ trợ rất tích cực cho việc vãng sanh.

Cha má ơi! Xin cha má hãy nhìn cho thấu sự thật của vũ trụ nhân sinh này mà quyết lòng xả bỏ, ly khai, xa lìa những gì liên quan đến cõi Ta-bà, thì cha má sẽ dễ nhẹ nhàng tự tại vãng sanh, mới an nhiên về với Phật. Chuyến đi này là một chuyến đi quan trọng trong đời, sướng khổ, tốt xấu, giải thoát hay đọa lạc đang nằm ngay trong tâm của cha má. Quyết tâm vãng sanh thành Phật thì mình vãng sanh thành Phật. Lưỡng lự, phân vân, là tự tìm con đường khổ nạn. Chuyến đi này nhất định phải đi, không muốn đi cũng không ai cho phép mình ở lại. Chỉ có vãng sanh đi lên cảnh Phật, hoặc lạc đường đi xuống cảnh khổ của lục đạo tam đồ. Quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh thì ta thành Thánh nhân đi cứu độ chúng sanh. Nếu mê mờ chạy theo trần tục thì ta sẽ rơi vào các hàng thấp hèn chịu cảnh khổ nạn. Tất cả đều quyết định ngay trong tâm ý của cha má.

Con đang dàn xếp mọi chuyện để về lại VN, đúng ra sau Tết là con về rồi, nhưng con chờ cho em An lo xong cái “Niệm Phật Đường” nho nhỏ, một chỗ tạm yên ổn để cha má niệm Phật, hơn nữa ở tại Úc này, con còn phải giải quyết một vài việc, cho nên con về chậm một chút. Lần này con về để tu hành chung với cha má. Cơ hội này không dễ gì mà có đâu, xin quyết lòng tu hành để giải thoát cha má ạ!

Tình thực mà nói, thế gian ngày nay không dễ gì có người giác ngộ, thì khó mà tìm ra người đồng tình với cha má về việc tu hành. Khắp nơi, người người đều cứ bám vào những thứ vô thường, rồi tĩnh bơ chờ ngày chịu cảnh vô thường đắng cay! Hàng tháng, hàng năm ai cũng đều nhìn thấy những người ra đi, mà khó có ai biết sợ đến lượt tới phiên mình! Bây giờ đây họ chỉ biết nhìn cái xác chết của người thân bỏ vào hòm, tưởng vậy là xong. Nhưng có ai hiểu cho rằng, cái linh hồn của người chết trước sau vẫn còn sống trơ trơ, vẫn còn đủ tất cả mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đang bị ách nạn quá nặng nề trước mắt họ mà họ không hay. Người thân đang cầu xin họ cứu mà ít ai biết! Những người còn sống hiện nay ai cũng có quả báo cả, chắc chắn nó sẽ đến. Nếu không biết lo trước, khi nó đến rồi thì đành phải chịu thảm thương!

Con xin kể cho cha má nghe một câu chuyện có thực vừa mới xảy ra cách đây vài tuần. Ở đây con có quen một người, chị đó mới vừa về VN vì hay tin mẹ mất. Khi qua lại Úc chị kể rằng, khi chôn cất xong, về nhà thì phát hiện ra tấm hình của người mẹ trên bàn thờ ứa ra nước mắt. Ban đầu người ta tưởng là có người sơ ý làm văng nước. Nhưng không phải vậy, hình có khung kiếng. Người ta mở ra lau cũng không khô. Tấm hình của người chết cứ tiếp tục chảy nước mắt và lăn dài xuống má trong suốt ba ngày liền. Chị đó đến hỏi con, tại sao như vậy? Con nói con không biết! Tình thực con không biết trả lời làm sao cho đúng!!!

Trong năm 2004, chỉ mấy tháng đầu năm thôi, mà đây là cái tin thứ hai con nghe được hình người chết ứa ra nước mắt. Người thứ nhất là một ông cụ VN mất tại Úc. Người ta kể rằng, thì tấm hình của ông cụ này cứ rơi nước mắt, dù ngay trong những lúc tụng kinh cầu siêu, và tình trạng này xảy ra trong suốt 49 ngày. Người nhà vô cùng lo sợ! Thật là những chuyện khó tin nhưng có thật!

Thưa cha má, con chỉ biết khuyên người niệm Phật, chứ không hiểu được những uẩn khúc bí ẩn này. Trước đây, có mấy lần con khuyên chị đó hãy lo tu hành, hãy về năn nỉ cha mẹ lo tu hành liền đi, đừng chờ đừng đợi. Cuộc đời này quá vô thường, sáng còn tối mất, xin đừng lơ đễnh một phút giây nào cả.

Thế nhưng, ai cũng muốn chờ, muốn hẹn! Ai cũng nghĩ hãy vui hưởng một chút ít nữa, rồi mới tu sau. Chị đó thì đôi khi có tới chùa niệm Phật, còn mẹ chị thì còn suy nghĩ lại, còn phân vân, còn muốn phải lo cho xong một vài chuyện nhơn nghĩa nào đó mới an tâm tu hành! Thương thay! Đến nay, thì bác chắc chắn biết rõ những gì đã xảy ra cho chính mình. Nhưng hỡi ôi! Chậm quá rồi! Đành rơi nước mắt mà thôi!

Thưa cha má, có phải con người đáng thương quá không! Những cảnh đoạn trường xảy ra hàng ngày trước mắt, mà người ta cứ cố tình giả vờ không nhìn đến. Ai cũng nghĩ rằng mình sẽ có may mắn, không đến nỗi xấu lắm, còn nhiều thời gian để tu… Nhưng có ngờ đâu, coi chừng chính mình có thể sẽ lâm vào tình trạng còn tệ hơn nữa mà không hay! Hiểu được điều này, thì xin cha má hãy quyết chí tu hành, câu Phật hiệu nhất định không rời khỏi tâm, tiếng A-di-đà Phật không rời khỏi môi, xâu chuỗi không rời khỏi đầu ngón tay. Đừng đeo xâu chuỗi trong cổ tay, mà hãy luôn luôn lăn tròn nó trên đầu ngón tay để nhắc nhở cái tâm niệm Phật. Nhất định một lòng cầu sanh Cực-lạc. Có như vậy mới tự cứu thoát mình được.

Còn anh chị em, con cháu trong gia đình, nếu thật sự có lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà thì hãy lo cho tròn đại hiếu, hãy quyết tâm cứu người thoát khỏi cảnh giới phàm phu, hãy khuyên cha mẹ tu hành, hãy khuyên ông bà niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Khuyên niệm Phật thì phải thành tâm, phải kiên trì. Khuyên bằng tâm, khuyên bằng lời, khuyên bằng sự tự mình tu hành rồi hồi hướng công đức, khuyên phải biết cách làm sao để hộ niệm vãng sanh. Khuyên phải nhắc đi nhắc lại thường xuyên, khuyên không được thì quỳ xuống năn nỉ, hãy làm mọi cách để khiến cho người giựt mình tỉnh ngộ mà lo tu hành. Có như vậy may ra mới cứu vãn được cảnh khổ đau, mới thực sự là thương người.

Chứ thương ông bà, cha mẹ, mà cứ lao chao chạy làm câu liễn cho đẹp để khoe cái cảnh vô thường; lo giết heo, giết gà, cho nhiều để thếch đãi khách khứa kỷ niệm ngày người thân ra đi; chạy tìm người viết câu điếu tang thật ảo não bi ai để đọc lên nghe cho thấm thía mùi ly biệt! Rồi sửa soạn tấm hình cho thật đẹp chờ chưng lên bàn thờ… thì coi chừng người trong hình đau thương đến rơi nước mắt đó!

Quyết lòng vãng sanh cha má ạ, tất cả những diễn biến chung quanh đang rất thuận lợi cho cha má thực hiện con đường thành Phật, thoát khổ được vui. Lòng hiếu thảo con chỉ biết dâng lên lời khuyên tha thiết. Hiểu thấu lý đạo thì buông lẽ đời xuống, nhất tâm niệm Phật, nhất định đời này vãng sanh thành Phật.

A-di-đà Phật,
Con kính thư.
(Úc châu, ngày 30/05/04).

Muốn sanh về Tịnh-độ, nên nghĩ tất cả việc đời này là vô thường, có thành tất có hoại, có sống ắt có chết. Nếu ta không được nghe Phật pháp, thì ta chịu thay thân này đổi thân khác, trôi lăn trong ba cõi sáu đường không biết lúc nào ra khỏi! Nay ta đã nghe được chánh pháp, được tu tịnh nghiệp, nên chuyên niệm Phật thì khi bỏ thân này sẽ vào thai sen nơi cõi Phật, hưởng các điều vui, thoát hẳn sự khổ, đi ngay đến nẻo Bồ-đề…

(Ưu Đàm Đại Sư).