Tiêu điểm
Lịch sử hình thành và phục dựng chùa Pháp Minh
08/09/2014 06:33 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

BÁO CÁO LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHỤC DỰNG CHÙA PHÁP MINH

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

- Kính bạch chư tôn Hoà thượng, chư Thượng toạ, Đại đức Tăng, Ni,

- Kính thưa quý vị quan khách cùng quý phật tử,

           Trước tiên cho phép chúng tôi được bày tỏ niềm hạnh phúc vô biên trong buổi lễ khánh thành chùa Pháp Minh hôm nay. Thế là sau bao nhiêu thăng trầm cùng vận mệnh của đất nước, nay chùa Pháp Minh được phục dựng trang nghiêm, tố hảo như cảnh chùa gần trăm năm về trước. Không những chư Tăng, Ni, Phật tử, con cháu trong dòng họ Trương mà ông bà tổ tiên, nhất là Sư tổ Thích Liễu Lạc và các học trò của Người như Hoà thượng Thích Đạt Hảo, Ni trưởng Thích nữ Đạt Tâm cũng rất vui mừng vì chùa cảnh đã được xây dựng lại trang nghiêm tố hảo như xưa, đúng như tâm nguyện của các Ngài khi còn sống.

           Thay mặt dòng họ Trương, chúng tôi xin chân thành cám ơn sự quan tâm giúp đỡ và nhất là sự hiện diện đông đủ của chư Tôn đức và Qúy liệt vị trong buổi lễ khánh thành hôm nay.

Thay mặt dòng họ, chúng tôi xin trình bày sơ lược lịch sử hình thành và qúa trình phục dựng chùa Pháp Minh.

- Kính bạch chư tôn đức,

- Kính thưa quý vị,

          Chùa Pháp Minh toạ lạc tại ấp Giồng Dứa nay là ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, do Hoà thượng Thích Liễu Lạc (1878-1937) biến gia vi tự vào năm 1933.

          Hoà thượng Thích Liễu Lạc, thế danh Trương Văn Trình, sinh năm 1878 (Kỷ Mão) vốn là bậc đại điền chủ, nổi tiếng nhân hậu, đạo đức khắp vùng. Phụ thân là cụ ông Trương Văn Thêm, mẫu thân là cụ bà Nguyễn Thị Em. Hoà thượng là người con út trong gia đình có bốn anh chị em.

          Năm 1910, Hoà thựơng tu theo đạo Minh Sư và được gọi là Ông lão Năm. Đạo Minh Sư chủ trương “Thờ cúng Phật, tu theo Lão giáo, sống theo Nho gia’’, nên Hoà thượng có điều kiện so sánh nhận thấy Phật đạo cao siêu hơn. Vì vậy năm 1933, Hoà thượng đã hành hương sang đất Phật tại Ấn Độ và sau đó đến Thanh Sơn Thiền Viện ở Hồng Kông để xuất gia theo Phật giáo. Tại đây Hoà thượng được Tổ Hiển Kỳ trao truyền Đại giới và ban cho pháp danh Tu Tịnh, pháp hiệu Liễu Lạc, thuộc đời thứ 49 tông Thiên Thai Giáo Quán. Sau khi thọ giới xong, Hoà thượng về quê, biến ngôi nhà đang ở thành chùa và lấy hiệu là Pháp Minh, đồng thời làm Trụ trì khai sơn đời thứ nhất. Bấy giờ, chùa làm bằng gỗ quý, cột tròn rất to, mái lợp ngói âm dương, xây dựng theo phong cách nóc bánh ít cổ xưa. Nhiều vị chân tu đã xuất gia tu học ở đây như: Hoà thượng Thích Đạt Hảo, Ni trưởng Thích Nữ Đạt Tâm, v.v…

          Ngày mùng 2 tháng Chạp năm Bính Tý (nhằm ngày 14 tháng 1 năm 1937), Hoà thượng Thích Liễu Lạc an lành viên tịch, thế thọ 59 tuổi, tháp của Ngài được xây ngay trong khuôn viên chùa Pháp Minh. Ni trưởng Thích Nữ Liễu Cổ thế danh  Nguyễn Thị Bộ kế thế trụ trì chùa Pháp Minh, phát triển đạo pháp ngày thêm hưng thịnh.

             Khoảng năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp nổi lên, chùa là địa điểm bí mật nuôi giấu dân quân kháng chiến. Bọn mật thám của giặc Pháp bí mật dò biết, quan huyện Đức Hoà ra lệnh cho Cai Nhung, đem lính Mã Tà cướp phá chùa Pháp Minh và chở cột, kèo, mè… về huyện.

             Năm 1950, chiến tranh tạm lắng xuống, chùa được bà con trong thân tộc họ Trương dựng lên bằng cây lá còn sót lại của chùa cũ để thờ cúng Phật.

             Khoảng năm 1953 Ni trưởng Thích Nữ Liễu Cổ viên tịch, chùa được các thầy về trụ trì, nhưng cư trụ không lâu phải bỏ đi vì chiến tranh. Cuối cùng, cô Trương Thị Ba con cháu trong tộc họ Trương được chỉ định về trông coi chùa.

             Trong thập niên 60 của thế kỷ 20, thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chùa là trạm cứu thương, nơi tiếp tế che giấu cán bộ và nuôi dưỡng thương bệnh binh.Tại chùa hiện nay còn lưu lại những căn hầm bí mật mà các vị lãnh đạo của ta thường đến họp và trú ngụ khi có những trận bố càn của quân địch.

            Năm Mậu Thân (1968), chùa lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhiều cán bộ chiến sĩ đã hy sinh ngay trên đất chùa nhưng không để lại tên tuổi cũng như quê quán. Nhà chùa và bà con thân tộc đã an táng những chiến sĩ vô danh này trong nghĩa trang tộc họ Trương bên cạnh chùa. Nay những ngôi mộ ấy vẫn còn, nằm cách chùa 80 mét về hướng Đông.

            Năm 1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, chùa được con cháu trong dòng họ Trương dựng lại bằng cây và lợp lá.

            Năm 1997, được sự giúp đỡ của gia đình ông bà Trần Thiện Ngôn (cháu ngoại của Hoà thượng Liễu Lạc) chùa được xây lên ba gian, tường gạch quét vôi, mái tôn đơn sơ để dân làng đến cầu nguyện lễ Phật.

            Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, chùa bị phá hoại nặng nề. Đặc biệt trong một thời gian dài chùa không có Trụ trì và Tăng Ni trông nom, đất khuôn viên chùa bị sang nhượng mua bán và dần dần xây thành nhà ở của người thế tục.

           Năm 2010, Pháp tôn của Hoà thượng Liễu Lạc là phật tử Tắc Nghiêm (bà Trương Minh Tuyết : Đệ tử tại gia của Hòa thượng Đạt Hảo) cũng là con cháu dòng họ Trương đã mua lại toàn bộ các thửa đất của chùa, và năm 2012 bà phát tâm cho khởi công xây dựng mới toàn bộ chùa Pháp Minh bằng gỗ như diện mạo khi xưa. Công trình được thực hiện bởi phật tử Tắc Nghiêm tức bà Trương Minh Tuyết là con cháu trong họ tộc, dưới sự chỉ đạo của cô Chính (HậuNghĩa); cố vấn kỹ thuật : Thượng tọa Thích Thanh Phong và Thượng tọa Thích Giác Dũng; tư vấn thiết kế : Phật tử Trương Thế Quốc; phụ trách thi công chánh điện : Phật tử Thân Văn Rớt; phụ  trách thi công bê tông : Phật tử Trương Thanh Sơn.

            Gần nửa thế kỷ sau ngày hoà bình tái lập, chùa Pháp Minh đã được xây dựng lại bằng gỗ như xưa. Các căn hầm bí mật được giữ nguyên hiện trạng,các kỹ  kỹ vật khi xưa của chùa như 8 pho tượng bằng gỗ do Hoà thượng Liễu Lạc tự tay tạc, nay đã được thỉnh lên thờ tại chánh điện, 8 viên đá tảng hình vuông của nền chùa năm xưa, nay được đặt lại dưới hàng cột phía trước của chánh điện, để con cháu nhớ tới công đức của Tổ tiên và mong đền đáp công ơn Tìền hiền liệt tộc.

            Nhân dịp lễ khánh thành chùa Pháp Minh,  thay mặt dòng họ, chúng tôi xin chân thành cảm ơn:

- UBND tỉnh Long An, UBND huyện Đức Hoà, UBND xã Mỹ Hạnh Nam.

- Sở Điện lực và các ban ngành khác của tỉnh Long An và huyện Đức Hoà đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng chùa.

- Cảm ơn Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành thật chu đáo, cảm ơn chư tôn Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, quý công ty thiết kế, thi công và các anh em công nhân đã đóng góp trí tuệ , sức lực trong việc kiến tạo ngôi chùa được trang nghiêm, tố hảo như ngày hôm nay. Xin cảm ơn các thân hữu đã giup đỡ cho việc phục dựng chùa Pháp Minh thành công mỹ mãn. Kính nguyện chư Phật chứng minh và gia hộ chư Tôn đức và quý vị cùng gia đình luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc.

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa Quý vị,

           Hôm nay, công việc xây dựng được hoàn mãn, chùa tháp trở nên trang nghiêm, chúng con xin hiến cúng chùa Pháp Minh lên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (TWGHPGVN), mong TWGHPGVN tiếp nhận và hướng dẫn chùa Pháp Minh sinh hoạt theo đúng Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Kính nguyện: Việt Nam thịnh trị, Phật pháp trường tồn, gió thuận mưa hoà, nhân dân an lạc.

Xin cảm ơn và kính chúc sức khoẻ chư Tôn đức cùng Quý vị./.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch