Phật pháp ứng dụng
Ðiều kiện để có tâm từ
26/02/2016 17:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chỉ khi nào tâm có đủ năng lượng ôm trọn tất cả mọi sinh vật sống, ôm trọn đau khổ của người, thương yêu “người dưng” như thể những người thân yêu của mình thì tâm đó mới có thể gọi là tâm từ vô lượng.



Trong bài kinh Tâm từ được ghi lại trong Kinh Tập I.8, phần đầu của bài kinh này nói đến những điều kiện cần thiết để một người có thể thực hành tâm từ - tâm thương yêu rộng lớn, không giới hạn, không phân biệt, không điều kiện - đối với tất cả để tạo nên hiệu ứng tích cực nhất.

Chúng ta cần trang bị cho mình những phẩm chất này nếu muốn phát triển tâm thương yêu của mình ngày càng rộng lớn để có thể trải tình thương cao quý ấy đến nhiều người, thậm chí nhiều loài sinh vật trên thế gian này. Ðây là một phương pháp luyện kỹ năng yêu thương của người thực hành theo lời Phật dạy.

thien-2.jpg

Ðức Phật kể đến 15 phẩm chất cần có khi muốn thực hành tâm từ một cách hiệu quả:

Phải là người có năng lực

Năng lực ở đây chỉ cho khả năng yêu thương, một yếu tố vô cùng quan trọng để có thể thực hành tâm từ. Nếu không có năng lực, chúng ta sẽ rơi vào hoàn cảnh mà người ta quen gọi là “lực bất tòng tâm”. Do vậy, “lực” trở thành yếu tố quyết định kết quả và hiệu quả công việc.

Chẳng hạn một người vô đạo đức không thể có hành động và lời nói đạo đức đối với người khác được, bởi vì không ai có thể cho cái mà bản thân họ không có. Như giọt sương đêm, chỉ có thể thấm đẫm đầu ngọn cỏ khi nó có thể tự ướp đẫm bản thân mình, tình thương yêu rộng lớn cũng như thế. Bản thân người ấy phải chan chứa tình thương lớn, mới có thể đem cho người khác. Họ cũng không thể khuyến khích, kêu gọi người khác sống đạo đức, vì chất liệu đạo đức không có nơi bản thân họ, thì lấy gì làm cơ sở để lời nói của họ có trọng lượng mà kêu gọi? Cũng giống như một người vô sản không thể giúp người khác khi ngặt nghèo vì người ấy không sở hữu tài sản nào, thậm chí không thể tự lo cho bản thân, thì tính gì đến việc giúp người khác.

Năng lực thương yêu là tài sản bên trong, không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, là nguồn năng lượng liên hệ đến tiềm năng của mỗi một cá nhân. Biết kích hoạt nguồn yêu thương và phát triển tiềm năng thành khả năng thật sự đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì, bền chí, mới có thể hành động từ con tim có sức dung chứa lớn mà không phân biệt gì cả. Chỉ khi nào tâm có đủ năng lượng ôm trọn tất cả mọi sinh vật sống, ôm trọn đau khổ của người, thương yêu “người dưng” như thể những người thân yêu của mình thì tâm đó mới có thể gọi là tâm từ vô lượng.

Phải là người cương trực

Cương trực là biểu hiện của người chân thật. Bản chất của sự thật là thẳng thắn, do vậy, con đường thẳng vốn là con đường ngắn nhất để đưa người lữ hành về đích dành cho người chân thật, vì những người này luôn trân trọng và yêu quý sự thật. Sự thật thì chỉ có một, đơn giản và thuần khiết, nên chỉ cần thong dong bước trên con đường thẳng, rộng rãi, quang đãng chứ không mạo hiểm tìm “những chốn đoạn trường mà đi”. Những người có lòng thương yêu thật sự, lòng thương yêu không vụ lợi là người thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy và làm đúng như đã nghĩ và nói. Họ là những thỏi vàng ròng không pha tạp ở đời.

Chỉ có người giả dối, xảo quyệt mới chọn đi trên những nẻo đường ngoằn ngoèo, zích zắc nhằm dẫn người khác vào mê hồn trận để tung hỏa mù đánh lạc hướng, che đậy những việc làm đen tối, dơ bẩn. Người khéo che đậy tâm ý xấu xa dưới lớp hành động có vẻ như nhân đạo với thủ thuật đầy tiểu xảo không thể nào tiếp cận lòng thương yêu chân thật vốn nằm sâu trong đáy lòng họ.

Tình thương yêu vô điều kiện của tâm từ nằm tận đáy con tim, chỉ có thể đi ra ngoài cơ thể ta và chạm vào trái tim người khác bằng con đường thẳng của chân thật. Nếu con đường đi khúc khuỷu gập ghềnh thì năng lượng tâm từ ấy bị mắc kẹt trong các ngõ ngách, bị bào mòn trên đường đi và không đủ lực để chạm đến trái tim người khác. Ðây là một thực tế mà chỉ những ai có kinh nghiệm về phương diện này mới có thể hiểu và chấp nhận được. Với đường đi thẳng trong tâm, người ấy mới có thể lưu dẫn tình thương yêu từ trái tim đến trái tim.

Con người ta cần tình thương, sự thông cảm, chia sẻ vì đây là một thuộc tính tâm lý của con người, song những gì ta có thể cho là tình thương yêu thật sự xuất phát từ trái tim cương trực mà thôi. Một trái tim thiếu thẳng thắn, vòng vo là trái tim có dị tật và ta không thể mong gì ở người có trái tim như thế. Do vậy, sự thẳng thắn là điều kiện cho một trái tim để có thể cho đi tình yêu thương lành và mạnh.

Chân thật tuyệt đối

Chân thật tuyệt đối là một phẩm chất tuyệt vời mà không phải ai cũng có thể làm được. Có khi ta ngỡ mình là người chân thật, nhưng chỉ có thể trong một thời gian dài và trải qua nhiều tình huống, thử thách để có dịp kiểm chứng ta có chân thật không và chân thật đến mức nào. Người chân thật tạo nên sự tin cậy và tin tưởng sâu sắc để chúng ta yên tâm trong giao tiếp. Với người chân thật, ta nghĩ ngay đến người ấy như là nơi ta có thể cần đến mỗi khi gặp rắc rối trong cuộc sống và sẵn sàng mở lòng chia sẻ những tâm sự ngổn ngang rối bời trong lòng. Nếu gặp phải một người không chân thật, thì không ai dám đến để chia sẻ hay xin lời khuyên, lời tư vấn khi gặp phải những khó khăn, thử thách cả.

Người chân thật tuyệt đối là mẫu người sống có nguyên tắc, có lòng tự trọng và can đảm, có hiểu biết sâu rộng để có thể vững vàng giữ tâm trong sáng, chân thật của mình mà không bị lung lay trước những thử thách, lôi kéo từ các duyên bên ngoài. Chỉ những người chân thật mới biết cách thương thật lòng, thương vô tư, thương không tính toán, không mục đích vị kỷ cho mình và chúng ta có thể yên tâm nghĩ đến họ khi cần đến sự giúp đỡ tại một thời điểm nào đó, khi bước chân mình vì một lý do gì đó trở nên chệch choạng không còn vững chãi trong cuộc đời này.

Phải là người nhu hòa

Nhu hòa là tính cách hòa đồng, dễ thương, dễ gần của một con người. Người nhu hòa không cứng cỏi, ương bướng, mà là người dễ dàng lắng nghe người khác với sự tôn trọng. Lắng nghe là một nghệ thuật sống của người nhu hòa. Một khi có người biết lắng nghe nỗi khổ niềm đau của ta với lòng cảm thông, thương cảm, ta sẽ không ngại mở lòng, cho bao nhiêu nặng nề chất chứa trong tâm có dịp tuôn ra. Chỉ cần được lắng nghe, ta cũng cảm thấy hạnh phúc, lòng nhẹ đi nhiều khi những bế tắc được khai thông. Chính trong sự lắng nghe, tâm thương yêu rộng lớn được chuyển đến đối tượng đang chia sẻ nỗi khổ niềm đau có tác dụng xoa dịu nỗi đau này.

Ai cũng muốn tiếp cận người nhu hòa vì từ trường tâm linh nhẹ nhàng, thanh thoát của người ấy như làn gió mát cảm hóa ta. Do vậy, những người có tính nhu hòa sẽ có nhiều cơ hội để giúp người và thể hiện lòng thương yêu của mình một cách hiệu quả. Nhu hòa vì thế trở thành một trong những điều kiện cần thiết để thực hành tâm từ.

Nhẹ nhàng

Nhẹ nhàng trong ý tưởng, lời nói và hành động đem lại hiệu quả tuyệt vời trong mọi cuộc giao tiếp. Thêm vào đó, cách ứng xử nhẹ nhàng giúp chúng ta tránh được nhiều xung đột không đáng có. Thô lỗ dễ gây tổn thương đến người khác, nhất là người đang mạng nặng nỗi niềm, tâm hồn lại càng dễ bị tổn thương hơn. Nếu chúng ta muốn giúp người đang khổ đau, ta cần phải nhẹ nhàng để đừng tạo cho người ta cảm giác tự ti, mặc cảm và cảm thấy bị xúc phạm.

Nhẹ nhàng là điều mà ngay cả đứa trẻ thơ cũng thích, huống nữa người lớn! Trẻ em dễ dàng đi vào giấc ngủ với sự vỗ về nhẹ nhàng tràn ngập yêu thương của người mẹ. Người đang đau khổ sẽ cảm thấy nhẹ lòng trước cử chỉ, lời nói nhẹ nhàng của người đối diện. Do vậy, muốn thể hiện tâm từ một cách hiệu quả, nhẹ nhàng khi tiếp xúc với đối tượng là điều cần thiết.

suy nghiem loi phat 2.jpg
Nhẹ nhàng là điều mà ngay cả đứa trẻ thơ cũng thích, huống nữa người lớn!

Trên cơ sở đó, để không làm tổn thương tâm từ của mình, đồng thời không bỏ lỡ cơ hội giúp người, chúng ta cần phải bỏ đi tánh kiêu căng, cao ngạo và sân hận vốn là kẻ thù của nhẹ nhàng. Tánh kiêu căng ở con người như một vết thương hở miệng, sẽ nhói đau khi có ai chạm đến cái ngã của mình. Người có tánh này thì khó lòng tiếp cận người khác, nhất là với người đang chịu đựng khổ đau. Người đau khổ rất có thể hành xử vụng về vì sự bất an đè nặng lên họ. Có khi tâm lý co rút làm nỗi khổ nén lại thành một khối khiến họ cộc cằn, không dễ thương. Ta phải thật nhẹ nhàng với tâm cảm thông sâu sắc, đưa lòng kiêu hãnh về vạch zero mới có thể tiếp cận và giúp họ được.

Tương tự như vậy, một người với tâm sân giận như đang mang một ung nhọt trong lòng không thể có tình thương yêu rộng lớn để hiến tặng người khác. Ðể có thể tiếp xúc được với người đang gặp rắc rối, cần lắm một tình thương yêu chân thành và rộng mở thông qua cử chỉ nhẹ nhàng, ánh mắt nhẹ nhàng và tất cả những gì từ con tim nhẹ nhàng.

Không tự cao

Người có tánh tự cao không thể trải lòng thương yêu đến người khác, chắc chắn là như vậy. Tại sao? Vì ở người tự cao, chỉ có bản thân họ là quan trọng, họ là trên hết, với cái nhìn “mục hạ vô nhân” thì chỉ có tự thương mình và sống đời vị kỷ. Người tự cao chỉ biết nghĩ về mình và nghĩ cho mình, không bao giờ hiểu được những khó khăn, đau khổ người khác đang chịu đựng. Họ cũng không thể hiểu và không cần hiểu người khác đang có nhu cầu gì? Có những điểm sáng nào? Còn những vụng về  nào? Tất cả những vấn đề này là cơ sở để thực hành tâm từ thì lại thiếu nơi người có tánh tự cao.

Ðể có thể thực hành tâm từ, chúng ta cần tôn trọng người khác, xem người ta cũng quan trọng như mình, và những khổ đau người khác đang gánh chịu cũng chính là khổ đau của chính mình thì mới có thể chia sẻ, mới có thể yêu thương hết lòng được. Do vậy, tự cao và thương yêu rộng lớn là hai thái cực, không thể nào gặp nhau. Vì lẽ đó, đã là tự cao thì không thể có tâm từ và có tâm từ thì không tự cao. Vì lẽ đó, không tự cao trở thành một trong số những điều kiện để có thể thực hành và nuôi dưỡng tâm từ.

Biết hài lòng

Người biết hài lòng là người dễ dàng chấp nhận cuộc sống này, bằng lòng với những gì mình đang có. Người biết hài lòng luôn bình an, tự tại trong cuộc sống, không lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài vốn không nằm trong tầm kiểm soát và chi phối của mình. Những người không hài lòng với cuộc sống hiện tại là người muốn mình trở thành “ai đó” khác chứ không phải là mình, là người muốn nhiều thứ hơn những gì họ đang có.

Vì muốn quá nhiều, mặc dù cái họ thật sự cần chẳng bao nhiêu, nên họ luôn bất an vì bị tâm tham chi phối. Ham muốn không được, họ trở nên bực bội, cáu gắt do tâm sân chi phối. Người mà nhiều tham, nhiều sân thì không thể thương yêu được ai, không có khả năng cho ai món gì, dù đó là vật chất hay tinh thần, đừng nói đến tình thương là cái không hề dễ cho!

Người biết hài lòng với những gì mình đang có là người biết đủ, ít muốn. Ðây là hạnh của người xuất gia mà Ðức Phật thường khen ngợi. Trước khi giã từ cõi đời này, Ðức Phật ân cần căn dặn các đệ tử Ngài hãy thực hành hạnh ít muốn, biết đủ này. Người biết đủ dù nằm trên đất cũng cảm thấy đủ, người không hài lòng thì dù ở thiên đường vẫn chưa lấy làm thỏa mãn.

Người hài lòng với cuộc sống chỉ muốn cho chứ không muốn nhận thêm gì, cảm thấy dư thừa thời gian, vật chất và tình thương yêu, sẵn sàng chia sẻ với người khác mà không hề luyến tiếc.

Người không hài lòng với hiện tại luôn tự đày đọa thân tâm chạy theo ham muốn, tìm cầu và đau khổ. Người đau khổ không thể có hạnh phúc của bình an. Người như thế không tự biết thương mình thì làm gì có tình thương yêu để cho người khác?! Do đó, biết hài lòng là một điều kiện để trải rộng tình yêu thương cao thượng vậy.

Dễ dàng cung dưỡng

Chúng ta cần nhớ rằng, bài kinh này Ðức Phật dạy cho các đệ tử xuất gia, nên phẩm hạnh “dễ dàng cung dưỡng” được nêu ra ở đây như một trong những điều kiện cần thiết để phát khởi và nuôi dưỡng tâm từ. Theo truyền thống, người xuất gia sống bằng thức ăn khất thực do người cư gia phát tâm cúng dường. Pháp khất thực là phương thức trao đổi để tạo sự gắn kết trong quan hệ cho-nhận giữa người xuất gia và người tại gia cư sĩ mà trong đó ai cũng có cái để cho, và ai cũng là người nhận.

Người xuất gia nhận vật thực, cho giáo pháp trong khi đó, người tại gia cho vật thực, nhận giáo pháp. Trong quá trình này, nếu người xuất gia dễ chịu trong việc nhận của cúng dường: cúng gì, nhận nấy mà không khởi tâm khen chê. Ai cho gì, cũng hoan hỷ thì người cúng dường cảm thấy an tâm và hoan hỷ. Ngay trong nghĩa cử này, người xuất gia cũng đã thể hiện tình thương yêu đối với người cúng dường vật thực rồi và tình thương yêu này bắc chiếc cầu cảm thông sâu sắc để sự cho-nhận giáo pháp diễn ra hiệu quả hơn.

Hiểu rõ mối tương thuộc giữa người và người trong cuộc sống để cùng tồn tại, nương vào nhau trong quan hệ cho-nhận để sống cho nhau và sống vì nhau, người xuất gia dễ dàng chấp nhận những thực phẩm và vật dụng thiết yếu được đem đến cho mình. Ðây là cách thể hiện cảm xúc một cách chừng mực của người tu, không hả hê vui mừng ra mặt với những gì vừa ý, cũng không sanh tâm phiền giận bất mãn một cách lộ liễu với những gì không ưa thích.

Dễ dàng chấp nhận sự cúng dường từ Phật tử cư sĩ cũng là cách thể hiện lòng biết ơn thí chủ của người xuất gia. Một khi chấp nhận dễ dàng, ta không đặt nặng về vấn đề ăn uống hoặc tiện nghi vật chất của cuộc sống, sao sao cũng được, chẳng hề bận lòng. Người như vậy mới có được nguồn yêu thương vô hạn dành cho người khác.

Ít phận sự

Tâm thương yêu vô hạn, vô phân biệt, bình đẳng không phải là vốn sẵn có ở trong mỗi người từ lúc mới sinh ra trên cuộc đời này. Nó cũng không phải tự dưng tràn ngập lòng ta để rồi muốn cho ai là ta cứ thế mà vốc ra cho bao nhiêu cũng được! Trải tâm từ - tâm thương yêu không hạn lượng - là một trong những phương cách thiền định của Phật giáo, thật ra là một kỹ năng: kỹ năng yêu thương. Ðã là một kỹ năng, thì cũng như bao kỹ năng khác, cần phải trải qua một thời gian luyện tập kiên trì và thực hành thường xuyên mới có thể thuần thục được. Ðiều này đòi hỏi chúng ta dành nhiều thời gian để “tập thương” từ phạm vi nhỏ, mở rộng tâm mình dần dần với nhiều đối tượng khác nhau.

Muốn dành tình thương cho ai đó, nhất thiết ta phải dành thời gian cho người đó chứ không thể nói suông mà được. Dành thời gian ở đây không có nghĩa là luôn có mặt bên đối tượng ta yêu thương, mà là có mặt đúng lúc người ấy cần. Bên cạnh đó, ta cần dành thời gian và năng lượng, dốc toàn tâm toàn ý làm tất cả các việc lành, từ tâm ý đến lời nói và hành động vì lợi ích và sự an lành của người ấy.

Ðể có thể làm được việc này, ta cần phải chiết một khoản trong “ngân hàng thời gian” để trải lòng thương yêu đến mọi người. Mỗi ngày, ai cũng có một tài khoản như nhau trong ngân hàng thời gian của mình là 86 400 giây và tài khoản này bị mất đi khi bước sang ngày mới. Tất cả thời gian cho những việc cần làm trong ngày đều lấy từ tài khoản thời gian này. Do đó, nếu muốn dành nhiều thời gian để thực hành kỹ năng yêu thương theo lời Phật dạy, ta phải bớt thời gian dùng cho những công việc khác.

Ðức Phật cũng thường khuyên các đệ tử xuất gia của Ngài bớt đi những công việc không liên hệ đến mục đích tu tập giải thoát, những việc mà khi còn sống đời cư sĩ, ta đã làm nhiều rồi, để tập trung vào thực hành pháp. Thực hành thiền tâm từ, theo Ðức Phật, là một việc làm cần được ưu tiên dành thời gian cho, vì nó giúp ta nuôi dưỡng tâm lành của mình, đồng thời góp phần kiến tạo một thế giới an bình. Chỉ có người ít phận sự mới có cơ hội thực hành kỹ năng yêu thương một cách hiệu quả.

Sống thanh đạm

Sống thanh đạm là người bạn đồng hành với các phẩm hạnh như biết hài lòng với hiện tại, dễ dàng cung dưỡng (yếu tố thứ 7 và 8 được nêu ở trên), đồng thời là kết quả tất yếu từ việc thực hành các phẩm hạnh này. Sống thanh đạm là sống thong dong với việc sở hữu ít tài sản vật chất, ít lệ thuộc vào sự chi phối của những món tạm bợ, phù du này. Ðiều này, cũng như bao phẩm chất đạo đức khác, nói thì dễ mà thực hành không dễ dàng tí nào, nhất là khi huân tập nó thành một nếp sống có tính ổn định, bền vững như một thói quen, một phần của cuộc sống. Sống thanh đạm là sống bằng lòng với cuộc sống đơn giản, đủ đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất của con người.

Thực tế, những gì ta cần để duy trì mạng sống và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của mình ít lắm, ít hơn rất nhiều so với những gì chúng ta muốn. Người sống thanh đạm có khả năng làm chủ cảm xúc của mình, không chất chứa những gì không cần thiết khi ý thức rõ rằng những thứ này ràng buộc làm cho bước chân trên đường học đạo của mình càng nặng nề thêm.

chu tieu.jpg
Sống thanh đạm - nếp của người tu Phật đạo

Cái  này có, cái kia có; cái này sanh, cái kia sanh là một quy luật muôn đời. Ta tạo ra của cải tài sản, ta sở hữu chúng thì chắc chắn ta có sự gắn bó, thích thú, chấp giữ chúng và sẽ làm nỗi ám ảnh nếu chỉ nghĩ đến lúc chúng hư hoại hoặc vì một lý do nào đó không còn ở với chúng ta nữa. Và khi sự thật diễn ra, một số hoặc tất cả những thứ này mất đi, ta chao đảo, bất an, mất thăng bằng và để cho nuối tiếc, phiền giận xâm chiếm tâm hồn. Do đó, yêu thương thật sự không có chỗ trú ngụ trong một tâm thức chứa đầy các thuộc tính tâm lý tiêu cực ấy.

Chỉ khi nào biết hài lòng với cuộc sống thanh đạm, ít để tâm, ít bị chi phối của tiền tài danh vọng thì ta mới có tình thương yêu rộng lớn để tưới tẩm tâm mình và trải tình thương ấy cho mọi người được.

Các căn thanh tịnh

Tình thương yêu không phải làm một thứ trang sức đính kèm vào con người chúng ta mà đó là một chất liệu bên trong, hòa quyện để góp phần tạo nên con người mình. Chất liệu này chỉ có thể gom tụ lại thành một khối có sức mạnh khi tâm chúng ta an tịnh, trong sáng, không vẩn đục. Khi tâm an định, các căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý theo đó cũng thanh tịnh. Nước trong từ nguồn thì khi chảy ra thành sông, hồ, ao, rạch gì cũng trong lành như vậy.

Khi các căn thanh tịnh, tâm chúng ta có sự điềm tĩnh, có một nội lực vững chãi để tâm không bị lôi bên này, kéo bên kia vì sự hấp dẫn, quyến rũ của các pháp trần qua các cửa ngõ giác quan. Biên độ dao động của tâm đối với các pháp vừa ý và pháp không vừa ý cũng không lớn, bởi vì khi tâm có sự an định, tham (đối với pháp trần ưa thích) và sân (đối với pháp trần không ưa) không dễ dàng chi phối, sai sử chúng ta. Một khi các căn thanh tịnh, trong trạng thái tĩnh lặng, tâm không hề bị dao động, không mệt mỏi, mà tràn đầy năng lượng để tập trung cho các kỹ năng tích cực như yêu thương. Ðây là trạng thái tâm phù hợp nhất để có thể trải yêu thương đến người khác.

Thận trọng khôn ngoan

Thận trọng, khôn ngoan là sự cân nhắc, nhìn thấu vấn đề với sự soi rọi của trí tuệ trước khi hành động, đang khi hành động và sau khi hành động. Thực hành tâm từ mà không có trí tuệ thì rất nguy hiểm, lại không có lợi ích cho người thực hành cũng như người nhận, trái lại đem đến phiền toái không đáng có. Thận trọng khôn ngoan là biết những gì cần làm là thích hợp nhất đối với một đối tượng nào đó tại một thời điểm nhất định nào đó. Với một người đói lả, lòng yêu thương thiết thực nhất là cho họ cái gì đó để ăn cho đỡ đói. Với người đang có tâm trạng nặng nề, đau khổ thì dành thời gian lắng nghe với tâm cảm thông là điều cần thiết. Nghe thì có vẻ dễ nhưng không phải lúc nào ta cũng hợp lý trong cách hành xử của mình trong quá trình thể hiện tâm từ.

Thận trọng khôn ngoan là biết rõ những điều kiện tốt nhất để nuôi dưỡng tâm thương yêu của mình, đồng thời những việc làm thiết thực phát khởi từ tâm thương yêu ấy đem lại hiệu quả tích cực cho người, giúp ta và người sống bình an hơn, thanh thản hơn và hạnh phúc nhiều hơn. Thiện chí thôi chưa đủ để tâm từ đem lại kết quả tốt, mà cần lắm một sự nhìn nhận thấu suốt vấn đề của người nhìn xa trông rộng. Chỉ lỗi giúp người khác là một thiện chí; nhưng điều này sẽ không đưa lại kết quả, ngược lại có thể phá vỡ mối quan hệ giữa người và người nếu ta chỉ lỗi không đúng lúc, không đúng nơi và tệ hơn nữa là không đúng đối tượng.

Nếu sai lầm xảy ra trong quá trình thực thi tâm từ vì thiếu sự thận trọng khôn ngoan, thay vì giúp người, ta vô tình hại người, hại mình và điều ta làm trở nên vô nghĩa khi chọc cho người giận, còn ta thì không thể nào vui nổi. Do đó, thận trọng khôn ngoan, chín chắn trước khi hành động là điều kiện để có thể thực hành kỹ năng thương yêu và giúp người vậy.

Nhã nhặn, khiêm cung

Người khiếm nhã, không lịch sự trong giao tiếp khiến cho người khác rất ngại gần. Người thô tháo trong lời nói và hành động là do tâm còn nhiều “tạp chất” của các tâm lý tiêu cực. Do đó, chúng ta cần phải “lọc” kỹ lưỡng mới có thể nhã nhặn trong lời nói, nhu nhuyến, linh hoạt và khiêm cung trong hành xử. Khi tâm còn nhiều tạp chất, các “tế bào” tình thương rộng lớn không thể kết dính với nhau thành một khối nhu nhuyến, nó giòn và dễ bể nát, nên nó không có sức mạnh nào cả để có thể lưu xuất trong con người chúng ta và vì thế không thể nào chia sẻ với người khác được.

Tình thương yêu rộng lớn không giới hạn, không phân biệt này chỉ có thể “sống” trong môi trường trong lành và tĩnh lặng của tâm thức mà thôi. Do vậy, khi tâm được lọc và lặng yên nhờ vào sự chánh niệm, những hành vi cử chỉ như nhã nhặn, khiêm cung liền có mặt và đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp. Con người sẽ cảm thấy gần gũi nhau hơn, dễ dàng mở lòng và mở lời hơn khi đến với người có cách hành xử nhã nhặn, khiêm cung dễ thương như vậy.

Khi năng lượng tình yêu thương không bị hao mòn bởi đường đi gập ghềnh của lời nói thô ráp, xù xì, cách cư xử ngông nghênh, hống hách thì nó có sức mạnh lớn, đủ cảm hóa người khác. Nhờ đó, chúng ta có thể đạt được mục đích vừa nuôi dưỡng lòng từ của mình, vừa giúp người một cách thực tế nhất mà không chuốc lấy sự rắc rối, khó khăn nào.

Không nịnh bợ kết thân vì lợi dưỡng

Ðây là cách sống chân chánh, hiển nhiên nếu chúng ta có những phẩm chất đạo đức đã nêu ra ở trên. Một khi dễ dàng chấp nhận những gì mình có, hài lòng với nhu cầu cuộc sống đạm bạc, đơn giản, không tích chứa tài sản của tiền, không đắm vào các khoái lạc giác quan mà tìm cầu các món ăn vật uống, sống một đời nhẹ nhàng như chim sải cánh giữa không trung thì không có lý do gì để nịnh hót, bợ đỡ ai một cách ti tiện cả. Bợ đỡ, lấy lòng, kết thân với người với tâm lợi dụng đều là những nhánh nhóc của cùng một cái cây mọc trên gốc tham. 

hinh but dep.jpg
Khởi tâm từ trong lúc ngồi thiền là cần thiết để làm động lực, xác định xu hướng hành động, nuôi dưỡng tâm thiện lành để làm điểm xuất phát cho quá trình chế xuất, lưu xuất nguồn thương yêu qua hành động và lời nói đem lại niềm an vui hạnh phúc cho người

Vì tham lợi dưỡng, thích danh hão mà ăn mày lời khen của người khác để rồi dễ dàng trở thành nạn nhân hoặc biến người khác trở thành nạn nhân khi không dám đối diện chấp nhận sự thật. Tự mình tô trét một bộ mặt hoàn hảo để lấy lòng người, hầu thỏa mãn nhu cầu không chính đáng và không cao thượng của mình. Che đậy bản chất xấu ác bằng những hành vi nịnh bợ, xum xuê, ton hót chẳng khác nào kim loại sét gỉ nhúng mạ một lớp vàng, không thể nào tồn tại lâu dài được.

Tình thương yêu rộng lớn không thể dung chứa trong một con người đầy dính mắc vị kỷ như vậy, vì một khi tâm dính mắc, nó có một lực ma-sát lớn trì kéo làm cho tình thương yêu ấy giảm đi năng lượng đáng kể. Nịnh hót và bợ đỡ là tâm không ngay thẳng, trong khi đó, tình thương yêu cao thượng chỉ có thể đi thẳng, từ con tim nối liền con tim, chứ qua đường zích zắc chữ chi thì nó không thể phát huy tác dụng.

Do vậy, để có thể bảo toàn và nuôi dưỡng năng lượng tâm từ, cái “bình” chứa nó là tâm thức phải sạch sẽ, không có góc cạnh và đường lưu xuất là đường thẳng của sự chân thật, của tâm thuần khiết, trong sáng. Tình thương yêu, nếu có, khi qua các thủ thuật tiểu xảo đầy toan tính, thì trở thành cái na-ná-tình-thương; gần-giống-tình-thương chứ không phải là tình thương đích thực và chẳng thể đem lại lợi ích gì cho người nhận nó.

Không tạo lỗi lầm để người có trí chê cười

Người có trí là người sáng suốt và có đời sống đạo đức gương mẫu, giàu tâm từ và rất chính xác trong đánh giá, nhận định vấn đề. Người trí hiểu được đâu là đúng, đâu là sai theo chân lý mà không theo cảm tính riêng. Nói cách khác, người có trí là người biết đặt cảm tính cá nhân đằng sau chân lý và lợi ích của mọi người. Do đó, ý kiến của người có trí đáng được trân trọng, có thể xem là mực thước để đánh giá hành động thiện, ác của chúng ta như trong kinh Ðức Phật từng nhắc nhở người Kālāmā y cứ để làm cơ sở cho niềm tin (Tăng chi bộ kinh, chương III, kinh số 65).

Ðể tránh những lỗi lầm, chúng ta cần chánh niệm trong mỗi ý tưởng, lời nói và việc làm, không nên xem thường những lỗi lầm nhỏ mà cho là không quan trọng. Tất cả những cái lớn đều được kết thành từ những cái nhỏ, lỗi lầm cũng như vậy. Trong cuộc sống, thật không sai nếu xem vai trò của chánh niệm như một người bạn thân tốt bụng, một người vệ sĩ trung thành, một người gác cổng tận tụy, một người hướng dẫn du lịch tài giỏi giúp chúng ta tránh lỗi lầm và định hướng tốt trong cuộc sống. Lấy chuẩn là cuộc sống gương mẫu của những người có trí để soi mình và luôn ý thức trong từng chi tiết nhỏ nhất là cách tránh lỗi lầm hiệu quả nhất. Không lỗi lầm thì mới có được tâm thanh thản, an tịnh để từ đó, tình thương yêu rộng lớn có thể lưu xuất và trải rộng đến mọi người.

Tóm lại, những tính cách tốt đẹp vừa nêu là điều kiện cần thiết để thực hành tâm từ trong đạo Phật. Gọi những thuộc tính tâm lý tích cực này là “điều kiện”, đơn giản vì thiếu chúng tâm từ không có cơ hội để thực hiện, hoặc nếu có, thì cũng không thể đưa đến kết quả mỹ mãn. Ðể thành tựu được những tính cách trên, chúng ta cần phải có sự chú tâm, chánh niệm thường xuyên, giữ tâm định tĩnh. Chánh niệm và định tĩnh không chỉ giúp thành tựu các điều kiện trên, mà còn là những yếu tố hỗ trợ không thể thiếu để kỹ năng thương yêu cao thượng được thực hành và đem lại kết quả tốt đẹp cho người.

Khi đầy đủ các phẩm hạnh cao quý này rồi, chúng ta dấn thân vào cuộc sống, tích cực “làm gì đó” để chia sẻ, làm nhẹ đi gánh nặng khổ đau mà nhiều người đang chịu đựng. Thực hành tâm từ là thể hiện tâm thương yêu qua hành động thương yêu và lời nói thương yêu, chứ không phải ngồi lim dim trên bồ đoàn khởi tâm tưởng “cầu mong mọi người trong thành phố này thân không tật bệnh, tâm không phiền não, tránh mọi rủi ro, tai nạn, ngày ngày an vui hạnh phúc”. Cầu mong như vậy chưa đủ, và chỉ dừng lại ở cầu mong là đi ngược lại tinh thần Phật dạy.

Khởi tâm từ trong lúc ngồi thiền là cần thiết để làm động lực, xác định xu hướng hành động, nuôi dưỡng tâm thiện lành để làm điểm xuất phát cho quá trình chế xuất, lưu xuất nguồn thương yêu qua hành động và lời nói đem lại niềm an vui hạnh phúc cho người. Ðây mới là trọn vẹn thực hành tâm từ vậy.

Liên Trí

Theo: NSGN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch