Phật pháp ứng dụng
(Những suy nghĩ của Phật giáo về Hội nghị Copenhagen*)
Cần có sự tỉnh thức tập thể
04/05/2010 22:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

“Chúng ta cần có sự tỉnh thức tập thể. Trong chúng ta, có những người đã tỉnh thức, nhưng chừng ấy chưa đủ; hầu hết mọi người đều đang ngủ yên. Nếu chúng ta đều ý thức rõ về hoàn cảnh thực tế thì sẽ có sự thay đổi trong suy nghĩ của chúng ta về cộng đồng. Chúng ta phải làm gì đó để đánh thức mọi người. Chúng ta phải phụ giúp Đức Thế Tôn để đánh thức những ai đang sống trong mộng mị” (Thích Nhất Hạnh, Động thái của Phật giáo đối với vấn đề cấp thiết của môi trường).

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì buổi hội thảo quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại đang diễn ra. Vâng, tôi biết nói lên điều này có vẻ quan trọng hóa vấn đề - nếu bạn không biết cái gì đang có nguy cơ bị hủy diệt. Các phái đoàn và các công dân có liên quan từ mọi quốc gia trên toàn thế giới đã tập trung tại Copenhagen để tìm ra giải pháp cho sự biến đổi khí hậu, mối đe dọa lớn nhất đối với tất cả mọi loài đang sống trên trái đất này. Thật không may mắn, có vẻ như không mấy chắc chắn rằng mọi người sẽ đồng ý thực hiện những vấn đề cần thiết phải làm đối với sự thách thức này.
 
khihau.jpg

Quang cảnh Hội nghị Copenhagen tại Đan Mạch

Hội thảo Copenhagen cần phải làm gì với đạo Phật? Vào tháng 5-2009, Nhà xuất bản Wisdom Publications đã phát hành một quyển sách mà tôi đã cùng tham gia biên tập, Động thái của Phật giáo đối với vấn đề cấp thiết của môi trường. Quyển sách bao gồm những đóng góp độc đáo từ các bậc thầy quan trọng nhất trong Phật giáo hiện thời, gồm có ngài Đạt-lai Lạt-ma và Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Như những dòng chữ đã được in ở trang bìa sách nhấn mạnh: “Trước đây chưa từng có nhiều vị thầy từ tất cả các truyền thống của Phật giáo - Thiền tông, Mật tông, Nguyên thủy, thiền Minh sát tuệ; ở phương Tây lẫn phương Đông - đã đến với nhau và đưa ra giải pháp hợp nhất cho vấn đề vô cùng cấp bách của toàn nhân loại. Chính vì sự cấp thiết này mà nội dung của quyển sách đã được tập hợp một cách nhanh chóng, và có nhiều người hỗ trợ, mặc dù bận rộn, nhưng họ đã hồi đáp ngay lập tức sự thỉnh cầu của chúng tôi, điều này khiến chúng tôi vô cùng cảm động.

Tôi không muốn nói gì thêm về quyển sách ấy, vì nó đã được phát hành rộng rãi. Nhưng ở đây tôi muốn suy ngẫm về một ý kiến của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra ở trong cuốn sách đó, ý kiến này đã được trích dẫn ở trên, đó là chúng ta cần có “sự tỉnh thức tập thể”. Tôi nghĩ rằng Thiền sư nói đúng. Hoàn cảnh của chúng ta nguy hiểm hơn nhiều so với những gì chúng ta đã nhận định, và có lẽ giải pháp duy nhất có thể đem lại hiệu quả phải là những giải pháp sâu sắc hơn, chứ không chỉ là những hiệp ước suông, hay chỉ là sự hạn chế việc thải khí carbon vào khí quyển.

Ngay bây giờ hầu hết các phái đoàn chính thức tại hội thảo Copenhagen đều dùng đến đường lối chính trị thông thường, đó là đường lối chỉ nhắm đến lợi ích cho mình, không nghĩ đến lợi ích của người khác, có nghĩa là vừa cố gắng đàm phán để giảm lượng khí thải carbon của đất nước mình sao cho ít nhất, trong khi đó lại tìm cách để khiến những quốc gia khác phải giảm lượng khí thải của họ sao cho nhiều nhất. Một phần quan trọng trong trò chơi này là hệ thống “làm tốt hơn và bán”, có nghĩa là nếu bạn giảm lượng khí thải của đất nước bạn xuống nhiều hơn so với mức đã thỏa thuận hợp pháp thì bạn có thể bán số lượng khí thải còn lại so với mức đã thỏa thuận đó cho những nước khác và xem đó như là “những quyền về sự ô nhiễm” - tức là bạn cho họ cái quyền được thải lượng khí carbon mà bạn đã không thải ra so với lượng thải cho phép.

khihau-1.jpg

Bà thị trưởng thành phố Copenhagen, Ritt Rjerregaard, phát biểu tại Hội nghị

Cách bù trừ lượng khí thải carbon này điều tiết một cách êm đẹp trong hệ sinh thái của chúng ta, và nó có xu hướng bù trừ mọi thứ đối với những gì có thể mua bán được. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chính việc bù trừ ấy lại là gây rắc rối chứ không phải là một giải pháp. Hầu hết các nhà khí quyển học đều nhấn mạnh rằng, để tránh những đỉnh điểm mà chúng có thể dẫn đến sự nóng lên toàn cầu một cách nhanh chóng, chúng ta cần những sự cắt giảm lớn trong lượng khí thải carbon trên phạm vi toàn cầu. Theo James Hasen (có lẽ ông là nhà khí quyển học được tôn trọng nhất trên thế giới), chúng ta cần giữ ổn định về lượng khí carbon trong bầu khí quyển ở mức xấp xỉ 350o/ooo (phần triệu). Tuy nhiên, lượng khí thải đã tăng nhanh trong suốt một thập kỷ qua và đã lên đến mức khoảng 390o/ooo, điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải tìm ra những giải pháp để giảm bớt một lượng khí carbon đã tồn tại trong khí quyển. Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường sống như thế, chúng ta cần tập trung vào việc giúp đỡ lẫn nhau để hạn chế lượng khí thải bằng mọi biện pháp có thể, chứ không nên tích góp lợi nhuận thu được từ việc bán những quyền về sự ô nhiễm lượng khí carbon.

Điều này dường như rõ ràng đối với tôi, thế thì tại sao lại khó nhìn thấy, và khó phản ứng cho phù hợp đến vậy? Tại vì nó đòi hỏi một thế giới quan mới - có lẽ không gì ngoài “sự tỉnh thức tập thể” mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đề cập đến.

Khó khăn cơ bản về việc phản ứng đối với vấn đề cấp thiết của môi trường và một số lượng lớn những sự khủng hoảng sinh thái liên quan, chẳng hạn như sự sa mạc hóa, và những vấn đề đang diễn ra đối với các đại dương của thế giới, và sự tuyệt chủng đại trà (một nửa số loài cây trồng và động vật trên trái đất có thể sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này) là điều mà sự biến đổi khí hậu đòi hỏi chúng ta phải chú ý đến những vấn đề mà chúng ta thường hay làm ngơ, hoặc là chống đối, đó là: Chúng ta không hề tách biệt nhau mà là phụ thuộc lẫn nhau, và vì thế chúng ta phải nhận lãnh trách nhiệm đối với sự khỏe mạnh và niềm hạnh phúc của nhau. Điều này liên quan đến một lối hành động và tư duy rất là khác, và chắc chắn đòi hỏi một trật tự kinh tế, chính trị quốc tế mới. Tuy nhiên, vấn đề căn để, tức là sự nóng lên trên phạm vi toàn cầu, có thể đang tạo nên sự chuyển đổi không thể nào trốn tránh ấy.

Chúng ta biết rằng, sự phân tán lượng khí carbon trong bầu khí quyển là không có ranh giới. Nếu những quốc gia phát triển cắt giảm một lượng lớn khí thải của đất nước họ, trong khi Trung Quốc và các nước đang phát triển không cắt giảm thì vấn đề sẽ không được giải quyết, và tất cả chúng ta sẽ cùng sống trong lò lửa. Điều tranh luận của những quốc gia nghèo là họ cho rằng, họ đã không tạo ra vấn đề, vấn đề này là do các nước giàu đã thải lượng khí carbon khi họ thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, và tại sao các nước đang phát triển lại không nên thoát khỏi sự đói nghèo bằng cách hiện đại hóa theo đường hướng tương tự.

Sự thật là 6,8 tỷ người không thể nào vui hưởng sự sung túc như hầu hết người dân Mỹ đang có. Đây là một kết luận có tính khoa học - vì trái đất không có đủ các nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, đây không phải là một lời thuyết phục mang tính đạo đức về một nền kinh tế bất bình đẳng trên phạm vi toàn cầu và nó đang tiếp tục làm lợi cho một số quốc gia bằng sự trả giá đắt của nhiều quốc gia khác.

Trong quá khứ, những quốc gia phương Tây có thể sử dụng những công nghệ của họ (tất nhiên là kể cả các loại vũ khí) để vượt lên trên phần còn lại của thế giới và khai thác những nguồn tài nguyên của thế giới, nhưng đột nhiên tự chúng ta nhận ra rằng, trong một hoàn cảnh mới, ngày nay mỗi quốc gia đều phụ thuộc trực tiếp vào những thiện ý của các quốc gia khác, dù là đã phát triển hay chưa phát triển. Chúng ta phải hỗ trợ lẫn nhau vì nền văn minh nhân loại. Nhưng tại sao người nghèo ở các nước nghèo lại phải kết hợp với một công dân Mỹ như tôi? Ở đấy họ sẽ được gì? Có lẽ chỉ đơn thuần là sự sống còn chứ không gì hơn, trừ phi những ai trong chúng ta đang vui hưởng một cuộc sống thoải mái ở những quốc gia giàu có bắt đầu suy nghĩ một cách ít vị kỷ hơn. Cách làm việc chỉ nhắm đến lợi ích của cá nhân chúng ta, hay là của nhóm hoặc của đất nước chúng ta mà thôi giờ đây không còn phù hợp nữa. Chúng ta cần phải thức dậy, phải thấu hiểu được rằng những gì tốt cho mình có thể không còn được theo đuổi nữa nếu như nó ảnh hưởng không tốt đến lợi ích của những cá nhân khác. Những cá nhân khác ở đây bao gồm cả toàn bộ sinh quyển, chứ không chỉ có những người khác.

Nhận thức này phải gắn liền với sự cảm nhận sâu sắc về sự thật rằng, nhân loại là một phần của sinh quyển, và với ý thức trách nhiệm được ngầm nhắc đến ở đây. Sự tự ý thức đặc thù của con người không “giải phóng” con người ra khỏi trái đất, cũng như bộ não của chúng ta không thể nào tách cái đầu ra khỏi phần còn lại của cơ thể. Điều đó có ý nghĩa đơn giản là với loài người, sinh quyển trở nên có ý thức về chính nó. Ở đây ngụ ý rằng, nhân loại còn có một trách nhiệm đặc thù rằng, chúng ta là những nhân viên phục vụ của trái đất, trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất của nhân loại là nâng niu và chăm sóc trái đất, bởi vì như thế cũng chính là chúng ta đang chăm sóc cho chính bản thân mình.

Trái đất quan trọng hơn nhiều so với ngôi nhà của chúng ta. Thực tế là nó còn quan trọng hơn cả người mẹ, bởi vì dây rốn của chúng ta với trái đất không bao giờ bị cắt đứt. Không khí, nước, và thức ăn luân chuyển ở trong thân thể tôi như là một phần của vòng luân chuyển vĩ đại được mở rộng đến toàn bộ sinh quyển. Điều này có nghĩa là tất cả mọi cá thể đều đang sống trong một vòng tuần hoàn bất tận, và tất nhiên là bao gồm cả chúng ta nữa, là một phần của nhau, điều mà sự khủng hoảng môi trường buộc chúng ta phải nhận thức rõ và phải điều chỉnh.

Ngoài ra, điều này còn ngụ ý nói đến một trật tự quốc tế mới, nhấn mạnh vào sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau thay vì cạnh tranh một mất một còn. Cho đến nay lịch sử nhân loại đã có bề dày về sự cạnh tranh tàn hại lẫn nhau, về sự hung hăng và bóc lột nhau. Trừ khi những người sống ở các quốc gia hùng mạnh muốn chấp nhận một thể chế mà ở đó những nguyên tắc dân chủ và nhân quyền bị chà đạp một cách không thương tiếc ở khắp mọi nơi, nếu không thì trò chơi này đã đến hồi kết thúc. Chúng ta cần một diện mạo mới.

Và tất nhiên, những gì tôi đang đề cập đến là một sự nhận thức mới về tự ngã. Đây chính là lĩnh vực mà đạo Phật đã đem đến cho chúng ta. Bởi vì giáo lý đạo Phật phê phán cách hiểu biết thông thường về tự ngã, cái quan niệm cho rằng tự ngã tách biệt với người khác, và thay vào đó là nhấn mạnh đến sự phụ thuộc qua lại với nhau của mọi sự vật, hiện tượng. Đáng chú ý hơn, những gì mà “tính cấp thiết của sự biến đổi khí hậu” đặt ra là đòi hỏi chúng ta phải cố gắng để đạt được lợi ích lớn hơn từ hoàn cảnh hiện tại bằng cách đương đầu với những sự rủi ro lớn hơn. Đột nhiên nhiều thứ rơi vào tình trạng bị hủy hoại, có lẽ là mọi thứ. Cho đến nay, đạo Phật đã trở thành một con đường phát triển tâm linh cá nhân và được phổ biến rộng rãi. Đó đây có một số xã hội đã trở nên từ bi hơn so với trước đây, khi mà họ không biết đến Phật pháp, không có đoàn thể Tăng già. Nhưng ngày nay chúng ta phải xem lại xem như thế là đã đủ hay chưa?

Nếu như Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói đúng, có nghĩa là chúng ta cần sự tỉnh thức tập thể, thì chúng ta đang trong một trận đấu bóng. Bởi vì những gì chúng ta đã làm cho chính mình, thông qua những gì chúng ta đã làm đối với trái đất, giờ đây nhân loại cần phải bước một bước tiến mới, có lẽ là một bước đi có ý nghĩa như những gì đã diễn ra cách đây 10 ngàn năm, khi nông nghiệp bắt đầu phát triển. Nếu thế thì đạo Phật và những tôn giáo khác cũng cần phải có một bước tiến mới, từ việc chỉ nhắm đến sự giải thoát của cá nhân như đã làm xưa nay đến sự chuyển hóa mang tính tập thể hơn.

Điều ấy dẫn tôi đến một vài suy luận rằng: Theo cảm nhận của riêng tôi, điều đặc thù nhất trong giáo lý đạo Phật chính là mối liên hệ được nhấn mạnh giữa khổ đau và chấp ngã. Về căn bản, chấp ngã là khổ đau, giác ngộ tức là ý thức rõ về sự bất nhị giữa tự ngã và phần còn lại của thế giới. Như Dogen đã nói: “Tôi đã đến để nhận thấy một cách rõ ràng rằng tâm không khác với những dòng sông, những ngọn núi, không khác với trái đất vĩ đại, với mặt trời, mặt trăng và những ngôi sao”.

Hay nói cách khác, ý nghĩa thông thường của sự tự ý thức là sự nhận thức sai lầm về nguồn gốc của khổ đau dai dẳng của chúng ta, bởi vì nó liên quan đến sự hiểu nhầm về cái ngã đích thực. Nhưng loại tự ý thức này là nét đặc trưng dùng để phân biệt giữa con người với những loài động vật bậc cao khác, và cũng đã thể hiện sự thành công trong quá trình tiến hóa phi thường của nhân loại. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta còn có thể thấy rõ ràng hơn về những hạn chế của sự tự ý thức sai lạc ấy, và tập thể cần phải vượt lên trên sự tự ý thức sai lạc đó.

Nietzsche đã nói rằng: “Con người là một sợi dây thừng xuyên qua một cái hố sâu thẳm”. Theo Nietzsche, sợi dây thừng ấy được căng ra giữa động vật và “siêu nhân”. Nếu chúng ta thay thế “siêu nhân” bằng “người tỉnh thức” thì có lẽ Nietzsche đã ám chỉ đến một điều gì đó. Có phải là Thiền sư Thích Nhất Hạnh đang đề cập đến điều tương tự bằng cách kêu gọi sự tỉnh thức tập thể?

Tôi khá ấn tượng với hình ảnh của một cái hố sâu thẳm đang há miệng phía dưới chúng ta, và đe dọa nuốt chửng chúng ta. Có cái gì đó vốn đã không tồn tại về loại tự ý thức nhị nguyên mà những con người bình thường như chúng ta thường có hay không? Phải chăng khổ đau được sinh ra bởi sự tỉnh thức bị giới hạn ấy là quá nhiều, vượt quá khả năng đối phó của chúng ta? Có phải đấy là nguồn gốc của sự tự hủy hoại? Có phải đấy là lý do tại sao chúng ta đủ tài tình để tạo ra những công nghệ mạnh mẽ vô cùng, nhưng lại không đủ tài tình để sử dụng chúng một cách thông minh?

Có những bậc Giác ngộ báo trước cho nhân loại về một con đường bất nhị về lối sống và nhận thức, con đường mà tất cả chúng ta ngày nay buộc phải tuân theo. Không cần đến một loài mới, không phải chỉ có sự tiến hóa sinh học biến đổi gen mới là một loại tiến hóa. Còn có sự chuyển đổi văn hóa. Nếu nền văn minh của nhân loại là để sống còn và sinh quyển là để phát triển mạnh thì cần phải có sự phát triển mang tính tập thể như thế.

Những ý tưởng cuối cùng này có thể là “những suy luận quá xa vời”, nhưng vào những thời điểm trọng yếu đòi hỏi phải có cái gì đó vượt lên trên những lối tư duy thường tình của chúng ta. Dù trong bất cứ tình huống nào cũng đều thể hiện rõ ràng rằng, thế giới quan chịu trách nhiệm về sự khủng hoảng này sẽ không còn tồn tại nữa. Điều này đưa chúng ta trở về với đạo Phật, một tôn giáo đã đóng góp nhiều cho một thế giới quan mới mà nhân loại đang mò mẫm hướng đến. (Nguồn: www.shambhalasun.com)

Về tác giả:

David R. Loy là giáo sư thuộc chuyên ngành Đạo đức/Tôn giáo và Xã hội tại Đại học Xavier ở Cincinnati, Ohio. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của ông là tôn giáo và triết học so sánh, cụ thể là tập trung vào nghiên cứu Phật giáo trong thế giới hiện đại. Sách của ông ta gồm có: Nghiên cứu về triết học so sánh; Sự thiếu thốn và tính siêu việt; Lịch sử Phật giáo ở phương Tây: Những nghiên cứu về sự thiếu thốn; Sự tỉnh thức vĩ đại: Một học thuyết xã hội của Phật giáo; Tiền bạc, tình dục, chiến tranh, và nghiệp: Những điều cần lưu ý đối với cuộc cách mạng của Phật giáo; Sự nhận thức có giới hạn và không giới hạn: những bài luận về Phật giáo. David R. Loy là một người tu thiền trong nhiều năm, và ông còn là một giảng viên trong truyền thống Sanbo Kyodan của Phật giáo Nhật Bản. 

(* ) Hội nghị về sự biến đổi khí hậu lần thứ XV diễn ra vào ngày 7 đến ngày 18-12-2009 tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, gọi tắt là Hội nghị Copenhagen.

David L. Roy - Minh Nguyên dịch  

“Chúng ta cần có sự tỉnh thức tập thể. Trong chúng ta, có những người đã tỉnh thức, nhưng chừng ấy chưa đủ; hầu hết mọi người đều đang ngủ yên. Nếu chúng ta đều ý thức rõ về hoàn cảnh thực tế thì sẽ có sự thay đổi trong suy nghĩ của chúng ta về cộng đồng. Chúng ta phải làm gì đó để đánh thức mọi người. Chúng ta phải phụ giúp Đức Thế Tôn để đánh thức những ai đang sống trong mộng mị” (Thích Nhất Hạnh, Động thái của Phật giáo đối với vấn đề cấp thiết của môi trường).

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch