Đức Phật nhìn Tôn giả Xá Lợi Phất và mời Tôn giả trả lời.
- Bạch Thế Tôn! Theo con nghĩ, một Tỳ kheo tỏa sáng là một Tỳ kheo có trí tuệ.
Đức Phật im lặng rồi nhìn sang Tôn giả Mục Kiền Liên. Tôn giả Mục Kiền Liên đứng lên thưa:
- Bạch Thế Tôn! Theo con nghĩ, một Tỳ kheo có đầy đủ thần thông thì thật là tỏa sáng.
Thế Tôn nhìn tới Tôn giả A Nan. A Nan đứng lên trả lời:
- Bạch Thế Tôn! Theo con thì một Tỳ kheo đa văn là tỏa sáng nhất.
Sau khi nghe ba thầy trả lời theo ba sở trường riêng của mình, Đức Phật nói:
- Thôi, bao nhiêu đó cũng tạm đủ. Vậy quý thầy hỏi lại Như Lai đi.
- Bạch Thế Tôn, thế nào là một người tỏa sáng?
Đức Phật trả lời thế này:
- Này các thầy Tỳ kheo! Theo Như Lai thì một thầy Tỳ kheo khuya thức dậy tọa thiền, sau khi tọa thiền xong đi kinh hành. Kinh hành xong, ôm bát vào thành khất thực. Khất thực rồi trở về tinh xá hoặc vườn rừng thọ thực trong chánh niệm. Sau đó rửa bát, rửa chân, trải tọa cụ nghỉ một chút. Nghỉ xong thức dậy đi kinh hành, tọa thiền, tham vấn đạo lý. Trước khi đi ngủ tọa thiền, xả thiền đi kinh hành. Đến giờ chỉ tịnh (ngủ), nằm xuống an lành mà ngủ. Suốt một ngày đêm các thầy tu tập và sinh hoạt bình thường như vậy trong tỉnh giác, an định. Như Lai cho rằng đó là một vị Tỳ kheo tỏa sáng nhất trong đại chúng.
Đọc đến đây thật là ấm áp trong lòng. Tại sao? Tại vì câu trả lời của Đức Phật làm cho chúng ta nhận ra một điều, mình cũng có thể có mặt trong sự tỏa sáng ấy. Không như ngài Xá Lợi Phất trả lời trí tuệ bậc nhất là tỏa sáng, ngài Mục Kiền Liên trả lời thần thông bậc nhất là tỏa sáng, ngài A Nan trả lời đa văn bậc nhất là tỏa sáng, Như Lai trả lời tất cả thầy nào ở yên trong chánh niệm, chánh định, trong mọi thời mọi lúc là người tỏa sáng nhất. Đó là người sống được với tánh giác, cho nên tánh giác hiển lộ qua mọi sinh hoạt trong cuộc sống.
Theo tinh thần của các Đại đệ tử, Đức Phật cũng có thể trả lời Như Lai là người tỏa sáng nhất. Trả lời như vậy rất xứng đáng, rất đúng, bởi vì ai mà không biết Như Lai đã rất tỏa sáng, đang rất tỏa sáng đó sao? Nhưng Đức Phật trả lời sáng hơn như thế nhiều. Quả là bậc Thầy của chư Thánh đệ tử. Thế Tôn đã dựng lại một niềm tin cho vô lượng chúng hữu tình đời sau, rằng mình cũng có thể trở thành tỏa sáng, rằng mình có thể nhận lại tánh Phật của mình, nếu lúc nào cũng sống trong sự tỉnh giác. Quả là một câu trả lời lấp lánh chói tỏa vượt không gian, thời gian.
Nếu chúng ta thực hành theo điều Phật dạy thì thật là đơn giản. Quý thầy Tỳ kheo sống theo nếp sống của một vị Tỳ kheo, còn quý Phật tử cư sĩ cũng là đệ tử tại gia của Phật, thì có nếp sống của người tại gia. Phật tử không tọa thiền, kinh hành, ôm bát vào thành như chư Tỳ kheo thời Đức Phật. Chúng ta tùy theo sự sắp xếp riêng của mình, như sáng sớm thức dậy, ai tọa thiền thì tọa thiền, ai không tọa thiền thì thắp hương lễ Phật… sau đó xuống bếp nấu cơm, ăn cơm. Nếu là phụ nữ thì ăn cơm xong xách giỏ đi chợ hoặc đi làm. Làm xong về nhà nấu cơm, rồi ăn cơm, nghỉ trưa một chút. Chiều tiếp tục đi làm, xong việc về nghỉ. Tối đến thắp hương lễ Phật hoặc tụng sám hối, tọa thiền một thời gian vừa với sức của mình. Suốt một ngày làm việc bình thường mà tâm luôn tỉnh giác. Nhớ là bình thường trong tỉnh giác, chúng ta đừng quên yếu tố quan trọng này, thì nhất định mình là người tỏa sáng.
Cho nên người tỏa sáng không phải là người có thần thông như Tôn giả Mục Kiền Liên, đại trí như Tôn giả Xá Lợi Phất, đa văn như Tôn giả A Nan và sự tỏa sáng cũng không dành riêng cho Đức Thế Tôn. Do đó sau khi Đức Phật nói lời ấy rồi, các thầy Tỳ kheo tại pháp hội đều được đắc pháp nhãn tịnh, tức là được con mắt pháp thanh tịnh. Vì sao? Vì Đức Phật đã khai thị ánh sáng cho quý ngài. Tất cả chúng ta đều có ánh sáng của tự tâm, chỉ vì mình quay lưng lại với ánh sáng đó thôi. Đức Phật khai thị tức là chỉ bày, nhưng phần nhận là chúng ta nhận, chớ không phải Phật chỉ cho Phật. Phật chỉ cho Phật làm gì?
Ánh sáng này là ánh sáng tự thân của mỗi chúng ta. Mình quen không nghĩ đến chuyện có khả năng thành Phật, chỉ nghĩ đến chuyện “con khổ nhất đời này”. Chúng ta luôn luôn dành cái u ám, tối tăm cho mình trong khi nó không thật, vì vậy mà khổ dài dài. Hạnh phúc hay khổ đau đều do sức cộng hưởng của tưởng tượng mà tăng lên rất nhiều lần so với thực tế. Nhà Phật nói nó là một loại ảo giác, chớ không có thật. Thành ra chất liệu làm tăng trưởng nỗi khổ của chúng sanh là vọng tưởng. Điều đó Như Lai đã cảnh báo từ lâu. Vọng tưởng làm mờ ánh sáng của tự tâm. Một người làm việc chánh niệm, không khởi tưởng lung tung, làm việc gì biết việc đó, làm với tâm thanh tịnh là người có trí tuệ. Cho nên tu tập không có việc gì khác hơn, chỉ buông bỏ vọng tưởng thôi.
Chúng ta hãy tập xả bỏ thói quen vọng tưởng, suy nghĩ, sự bám víu. Xả cái khổ để được an vui, tại sao không buông xuống mà cứ cố giữ nó trong lòng? Giữ rồi than chịu không nổi, thân thể tiều tụy, tâm thần bấn loạn. Chúng ta đừng làm cho cuộc đời u tối trong khi nó vốn sáng. Chúng ta đừng đánh mất khả năng giác ngộ và ánh sáng trí tuệ của mình, trong khi nó luôn nằm sẵn trong tầm tay. Tất cả đều hiển lộ qua cuộc sống bình thường, không có gì ra ngoài cái bình thường. Không đòi hỏi, không mong cầu, không có vấn đề gì rắc rối trong lòng, đó là người tỏa sáng, là Phật.
Áo Lam