Tu học nhập môn
Chân thật sám hối
07/02/2015 23:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Theo cách hiểu thông thường, sám hối là xin lỗi, hay hối hận, ăn năn. Điều quan trọng là phải ăn năn, hối lỗi, nhưng cũng có người xin lỗi mà không ăn năn. Thí dụ nghĩ rằng mình không có lỗi, nhưng vì không ai nhận lỗi, nên mình nhận. Nói như vậy không phải là tự nhận lỗi thật, không phải là thật lòng xin lỗi, sám hối.

sam hoi.jpg
Nếu thành tâm sám hối, dần dần tội hết, tâm sẽ sáng ra - Ảnh minh họa

Sám hối thật thì Phật dạy có sự hối hận trong lòng. Khi làm việc sái quấy, mình thực lòng ăn năn việc quá khứ đã lỡ làm. Vì nhận ra lỗi cũ khiến cho lòng mình ray rứt, nên quyết tâm về sau không bao giờ tái phạm như vậy nữa. Trong kinh diễn tả rằng “Sám tiền khiên, hối hậu quả”, nghĩa là sám hối tội trước và ngăn chặn tội sau, không cho phạm, đó là chân thật sám hối.

Và nhìn xa hơn nữa, nhận thấy lỗi đời trước, chúng ta mới sám hối và quỳ trước Phật thành tâm hứa rằng:

Con xưa đã tạo bao ác nghiệp

Đều bởi vô thỉ tham sân si

Từ thân, miệng, ý mà sanh ra

Tất cả con nay xin sám hối.

Đó là bài kệ sám hối của Phổ Hiền Bồ-tát, chúng ta dùng làm bài kệ sám hối của đạo tràng nửa tháng một lần.

Đối với tội lỗi trước mắt, ta sám hối ngay với người mà mình phạm lỗi. Tuy nhiên, bây giờ tuy ta không có lỗi, nhưng chúng ta suy nghiệm lại những đời quá khứ. Tại sao chúng ta biết quá khứ mình đã phạm tội. Vì cuộc sống hiện tại là kết quả của những hành vi tạo tác từ thân, khẩu, ý mà ta đã tạo nên mười điều ác. Thật vậy, nhìn hiện tại, ta biết được nghiệp ác đời trước, vì đem so sánh mình với Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng, chư Thiên và những người có thế mạnh trong xã hội, thì rõ ràng mình thua kém xa. Hoặc lấy mình so sánh với những người xung quanh để biết, thí dụ so với địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì mình hơn họ. Hoặc mình nhẫn nhục hơn A-tu-la, tuy A-tu-la có phước nhưng họ nóng nảy, nên họ phải khổ hơn.

So sánh thấy rõ con người thực của mình là người tội lỗi. Thấy tội nào? Phật dạy rằng người đời trước đã tạo nghiệp sát sanh nhiều, thì đời này tuy mang thân người nhưng thường ốm đau, bệnh hoạn. Riêng thầy thuở nhỏ bệnh nhiều, nên thầy chuyên tu sám hối để cải tạo mình trở thành khỏe mạnh. Thứ hai là nếu đời trước thường gian tham trộm cắp thì đời này nghèo khó và kiếm được đồng nào là mất đồng đó, nên cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Thầy sanh vô nhà nghèo, nhà quê, thất học, tự biết là do nghiệp quá khứ dẫn vô đây. Thân nghiệp thứ ba là tà dâm, nên sanh lại đời này, có thân hình hôi dơ, xấu xí, không ai muốn gần, muốn nhìn.

Có ba thân nghiệp này, chúng ta ăn năn, sám hối, nguyện không phạm lỗi như vậy nữa. Trên bước đường tu, thầy khắc cốt ghi tâm, không làm những lỗi lầm của thân nghiệp để chuyển hóa thân hiện tại và kiếp sau được trang nghiêm. Lúc thầy mới tu ăn chay, bị bệnh nguy hiểm là bệnh lao phổi. Bác sĩ Kim nói nếu thầy không ăn mặn, ông không chữa, vì không có sức khỏe, không đủ dinh dưỡng, thuốc nào mà chữa khỏi bệnh được. Thầy còn nhớ lúc đó thầy chưa đến hai mươi tuổi. Hòa thượng Thiện Hòa gởi thầy qua chùa Giác Ngộ ở chung với ông thầy cũng bị lao phổi. Ông lạy sám hối, thầy cũng lạy sám hối; ông khất thực, thầy cũng khất thực, có gì ăn đó. Ông dạy thầy rằng mình bệnh như vầy là vì nghiệp, nên lạy sám hối cho tiêu nghiệp. Điều kỳ diệu là chỉ ba tháng sau, khi kiểm tra lại phổi, bác sĩ Kim nói sao lạ vậy, không uống thuốc, nhưng phổi trong lại. Đó là kinh nghiệm tu của thầy, đối với nghiệp quá khứ, không phải nghiệp đời này, gọi là dư nghiệp phải trả, thì thành khẩn sám hối sẽ tiêu nghiệp. Người tu mà còn bệnh hoạn, bị tai nạn, tự biết là nghiệp quá khứ phải trả.

Nhìn cuộc sống hiện tại của chúng ta mà biết được đời quá khứ mình như thế nào. Trên bước đường tu, nhờ quá khứ thầy đã từng trồng căn lành sâu dày với Phật pháp, nên đời này đi tu, thầy thường gặp thắng duyên, là thầy gặp chân sư chỉ dạy, gặp bạn tốt chia sẻ, nên thầy tiến tu dễ dàng, đi đâu cũng gặp Phật pháp. Nếu không có căn lành mà có nhiều nghiệp ác quá khứ, thì đời này muốn tu, nhưng không ai giúp đỡ, dìu dắt, lại gặp người gây khó khăn, hoặc dụ vào đường tà.

Thực tế cho thấy người có căn lành đời quá khứ, đến chùa, họ gặp thầy hiền, sanh tâm kính trọng, công đức sanh ra, nên họ được an lạc và tiến tu trong Chánh pháp. Ngược lại, người có nhiều nghiệp ác quá khứ mà căn lành không có, nên họ vô trúng chùa không thật tu. Có Phật tử mới vô chùa gặp ông thầy rượt đánh ông đạo. Họ thấy vậy sợ quá, bỏ tu, đó là nghiệp ác dẫn đến thấy chuyện ác làm thối tâm.

Có người thưa với thầy rằng con tưởng chùa tốt, nhưng con thấy điều không tốt. Thầy nói đúng rồi, trong chùa không tốt, tại vì cửa chùa mở rộng, ai vô cũng được, nên thành phần xấu vô, nếu không cảnh giác thì bị mất cắp. Phủ Chủ tịch tốt vì canh gác kỹ, người ăn cắp sao vô được. Còn thành phần đi chùa thì có người thành khẩn đi tìm đạo, nhưng cũng có người nghĩ rằng chỗ này sơ hở nên tìm đến ăn cắp. Có người lo lạy Phật, bị lấy mất giỏ. Thầy nói rằng để khỏi lo mất đồ, quý vị đi chùa, đừng đem theo đồ quý giá. Tuy nhiên, nếu nghiệp quá khứ của chúng ta không có, đương nhiên họ không lấy được của chúng ta. Thầy nhớ ba mươi năm trước, có một Phật tử cúng cho thầy một tượng Phật bằng mã não. Thầy để bức tượng này trong tháp thờ. Khi thầy lên chánh điện tụng kinh, thầy quên khóa cửa phòng. Ăn trộm đã lẻn vào phòng, lấy cắp tượng Phật giấu vô giỏ. Khi anh này chạy xuống lầu, ra đến cửa chùa thì bỗng nhiên gặp anh công an đi vô. Bị anh công an hỏi lấy cắp gì đó, nên sợ quá và nghe lệnh công an biểu phải đem trả tượng lại chỗ cũ. Anh công an gặp thầy, đã kể lại như vậy. Thầy tự nghĩ tượng Phật này để thầy lạy mỗi ngày và thầy không có túc nghiệp trộm cắp, nên họ không lấy cắp được của thầy.

Nếu có nghiệp gian tham trộm cắp, dù người ngoài không lấy được, nhưng người trong nhà lấy. Một Phật tử thưa với thầy rằng con khổ quá, còn mấy chỉ vàng dưỡng già. Con giấu vàng trong lư hương mà đứa con trai của con tên Hiếu, nhưng nó bất hiếu, lấy cắp của con. Thầy nói rằng vì hết phước nên mất của. Đức Phật đã dạy khi phước hết, của không giữ được, không bị thiên tai tiêu hủy, thì cũng bị trộm cắp.

Nghiệp quá khứ mà chúng ta đã tạo rồi thì đời này lận đận lao đao. Nếu sám hối cho tiêu ba nghiệp của thân thì thân chúng ta sẽ được khỏe mạnh, ngoại hình dễ coi. Còn nghiệp chúng ta tăng trưởng thì ngoại hình chúng ta khó coi lần. Trên bước đường tu sám hối, theo ngài Trí Giả, hảo tướng hiện ra thì đó là thực tâm sám hối. Hảo tướng hiện ra bằng cách nào? Vì chúng ta lạy Phật thành khẩn, đem Phật vào lòng, tâm luôn nghĩ đến Phật và thấy Phật, nghĩa là thấy hảo tướng của Phật và lạy sám hối cho đến mình cũng được một vài hảo tướng.

Người lạy Phật sám hối, nhưng tâm của họ có nghĩ đến Phật hay không, có thấy Phật hay không. Thầy để ý có người lạy sám hối, nhưng chánh điện đông người và  chật hẹp, cho nên khi lạy bị người kế bên đụng phải, thì liền thúc cùi chỏ vào họ. Lạy Phật mà không thấy Phật, chỉ thấy người đụng mình và phản ứng giận dữ thì lạy như vậy làm sao tiêu tội, mà còn tăng tội. Thực lòng lạy Phật chỉ biết Phật, chỉ thấy có Phật mà Trí Giả gọi là thấy hảo tướng.

Nếu thường lạy Phật, luôn nhìn Phật sẽ thấy Phật trong chiêm bao, lần lần hảo tướng hiện. Lạy sám hối như vậy, tâm tánh họ hiền ra và có tướng giống Phật. Có người nói thuở nhỏ thầy không có lỗ tai dài, nhưng sao bây giờ thấy lỗ tai thầy dài. Thầy nghĩ vì lạy Phật nhiều, nghĩ đến Phật, nên lỗ tai dài theo, hoặc thầy nhờ lạy Phật mà mũi thẳng. Thật vậy, lạy Phật, nghĩ về Phật lâu ngày, hảo tướng Phật hiện ra thì tướng mình cũng có vài phần giống Phật. Vì vậy, thầy thích lạy tượng Phật đẹp. Làm tượng Phật mà thiếu hảo tướng là phạm tội bôi bác. Làm tượng Phật có hồn rất khó, cho nên người xưa ít thờ tượng Phật, nhưng thờ chữ Phật.

Khi chúng ta lạy Phật, thành khẩn sám hối, ngài Trí Giả dạy rằng qua giai đoạn một là thấy hảo tướng, bấy giờ chúng ta nhìn đâu cũng thấy Phật, đó là Phật đã huân tập vào tiềm thức của chúng ta. Sang giai đoạn hai cao hơn, Phật đã vào lòng chúng ta, nên tướng Phật hiện trên thân ta. Vì Phật dạy rằng tướng tùy tâm sanh, tâm hiền lành thì tướng hiền lành, tâm hung ác có tướng hung ác. Thực tế cho thấy có người bình thường họ cũng hiền, nhưng khi họ nổi nóng thì tướng hung dữ A-tu-la liền hiện ra. Chúng ta còn nhớ Tổ Đạt Ma đến thăm vua Lương Võ Đế. Ông vua này liền khoe rằng ông đã xây được 72 ngôi chùa và cúng dường một ngàn vị Tăng, như vậy ông có phước không. Tổ Đạt Ma trả lời rằng ngài không thấy ông có phước, nhưng thấy có tội đọa địa ngục. Ông vua nghe Tổ nói vậy liền nổi nóng. Tổ nhìn ông cười rồi nói tướng địa ngục của bệ hạ hiện ra đó. Thiết nghĩ trên bước đường tu, chúng ta cũng cần có thử thách. Có người chọc tức, gây khó khăn bất ngờ để chúng ta coi chuyển biến của tâm mình như thế nào.

Sám hối thân nghiệp trước, kế đến sám hối nghiệp của miệng. Nếu đời trước đã tạo khẩu nghiệp ác, đời này nói đúng, người ta cũng không nghe. Khẩu nghiệp có bốn: nói dối, nói lời hung ác, nói thêu dệt, nói gây chia rẽ. Đời trước tạo ác nghiệp, đời này có giọng nói mà người ta nghe là ghét; còn người có giọng nói khiến người khác không ghét được, dù họ đáng ghét, đó là phước của họ. Chúng ta còn nhớ trongTruyện Kiều, Từ Hải chết đứng, nhưng nghe giọng nói của Thúy Kiều than một tiếng là ông ngã liền. Có người nói gì, người ta cũng không tin, cũng đánh.

Tu hành, biết túc nghiệp của mình như vậy, nên đóng cửa tu. Chỉ còn mình và Phật thôi. Phật không tránh mình. Không ai thương mình, nhưng còn Phật thương mình, nên nghĩ đến Phật. Một số bạn của tôi có người ba tháng, hoặc ba năm không tiếp xúc với ai, ở một mình, không nói, chỉ chuyên tu. Điển hình là Hòa thượng Bửu Huệ mười năm đóng cốc tu, không tiếp xúc bên ngoài, ở thiền thất một mình. Đúng mười năm sau, Hòa thượng Thiện Hòa rước ngài về làm Giám đốc Phật học viện Huệ Nghiêm. Hoặc Hòa thượng Huệ Hưng tịnh khẩu ba năm. Đến thăm Hòa thượng, muốn gì thì viết giấy đưa Hòa thượng coi, ngài gật đầu.

Trên bước đường tu, tự biết khẩu nghiệp mình có nói đúng, người cũng không tin; cho nên tốt nhất là không nói, dành thì giờ tụng kinh. Riêng thầy không cấm khẩu, nhưng thầy thường đọc tụng kinh điển nhiều. Sau này thầy mới biên soạn kinh xuất phát từ lòng mình; vì  đã đem Phật, đem kinh vào lòng nhiều năm thì kinh tự động lưu xuất.

Sám hối khẩu nghiệp, tốt nhất mình ít nói, hay không nói, lỗi mới không sanh và lỗi cũ tự tiêu bằng cách thay lỗi cũ bằng công đức của Phật, bằng lời dạy của Phật, đến một lúc nào đó, mình nói toàn lời Phật, lời Thánh hiền, người sẽ nghe theo. Các Phật tử đi chùa nên nhớ điều này, đọc tụng kinh Phật thì ta nói ra là lời Phật. Còn đi chùa mà dụm năm, dụm bảy nói chuyện hơn thua là phạm tội, vì đem đồ ô uế từ chợ đổ vô chùa làm người trong đạo tràng bị nhiễm độc, người nghe sanh ác nghiệp là tội rồi.

Sám hối thân, khẩu nghiệp thanh tịnh, kế đến ba nghiệp của ý là tham, sân, si, đó là nguồn gốc tội lỗi. Vì minh không sanh, nên hạn chế nói và hạn chế làm. Có người suốt đời giúp người nhưng kết quả thê thảm. Thầy nói vì suốt cuộc đời, ông làm tội lỗi. Người này trả lời con bố thí, cúng dường, sao làm tội. Ông này giống vua Lương Võ Đế, làm không bao nhiêu, nhưng ưa kể công. Phật dạy chúng ta làm tốt, thì nên giấu hết, không nên khoe khoang để giữ phước. Đừng để tội sanh, nói mình nuôi giúp người, nhưng nó phản, tức quá. Nó phản là nghiệp của mình; vì có người không giúp gì nhưng sao thiên hạ tốt với họ. Chính nghiệp nhân quá khứ quyết định. Người không làm, nhưng được kính trọng, vì tâm họ tốt, việc làm quá khứ của họ tốt. Còn mình đời trước nghiệp mình vay chưa trả hết, nên đời này, nó sanh làm con, phá hại để đòi nợ, đó là gặp lại tiền khiên nghiệp chướng.

Vô minh tan rồi, nghĩa là ta nhận thức rõ điều người xử sự với mình như thế nào thì biết đó chính là quá khứ mà mình đã tạo ra sao. Vì vậy, hãy lấy cuộc đời này làm gương soi bóng mình. Người kính trọng thì biết mình đức hạnh; người xem thường tự biết mình tội lỗi. Nhìn người đối xử với mình mà biết con người thực của mình. Theo Phật, trí sáng thì biết người nào nên tiếp xúc, biết việc nào nên làm và chỗ nào nên tới. Phật khác chúng ta, vì ba nghiệp thân khẩu ý của Ngài do trí tuệ chỉ đạo, không phải vô minh chỉ đạo như chúng sanh.

Người bực tức dạy con là dạy nó bực tức. Ông cụ thân sinh thầy ít đánh con. Thầy nhớ lúc còn bé, chưa đi tu, mỗi lần con phạm lỗi, ông cụ lên rừng chặt cây, rồi ngồi vuốt roi cả tiếng, nhưng không đánh. Sau này thầy mới biết ông cụ học Hòa thượng Huê Nghiêm rằng khi giận thì không đánh, không nói. Đánh là gieo vào lòng nó cái ác. Nói là gieo vào lòng nó cái ác. Chờ cơn giận hạ xuống, phát xuất lòng thương thực sự, lúc đó nói nó mới nghe. Nói bằng tấm lòng mình, bằng tình thương xây dựng cho nó tốt đẹp, chắc chắn nó nghe.

Không để bực tức chỉ đạo lời nói, việc làm. Đang bực thì nói gì, làm gì cũng không tốt. Sám hối hết tham, sân, si, tâm lắng yên, trí tuệ sanh sẽ thấy thực của cuộc đời, của con người mình thì tới đây hết tội gọi là chân sám hối. Nói cách khác, tu hành đúng pháp Phật, lần sạch nghiệp và quy kết lại, trong các thời kinh sám hối, chúng ta thường tụng rằng:

Tội tùng tâm khởi tùng tâm sám

Tâm nhược diệt thời tội diệt vong

Tội vong tâm diệt lưỡng câu không

Thị tắc danh vi chơn sám hối.

Nghĩa là tội sanh ra phát xuất từ tâm. Nếu thành tâm sám hối, dần dần tội hết, tâm sẽ sáng ra. Và khi tâm đứng yên, tội cũng đứng yên thì chơn như tâm hiển hiện. Chơn như tâm là tâm Phật, nên tâm này gắn liền với chư Phật mười phương tạo thành thế giới thanh tịnh, Niết-bàn.

Tóm lại, sám hối đúng pháp, từng bước từ ngoài lần vô tâm, hành giả thấy Phật, thấy hảo tướng của Phật, không còn thấy xấu ác, không buồn phiền đau khổ. Và tâm thanh tịnh, trong sáng sẽ ảnh hưởng cho thân tướng tốt đẹp khiến người có thiện cảm, hay phát tâm tu theo và lời nói hiền hòa có sức cảm hóa người. Đó là sám hối có kết quả theo Phật dạy. 

HT.Thích Trí Quảng

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch