Tu học nhập môn
Người Phật Tử Tại Gia Ðối Với Xã Hội
Thích Trí Quang
25/04/2012 08:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lý do của bổn phận người tại gia đối với xã hội đã nói rõ trong bài trước rồi.  Lý do ấy buộc người tại gia phải thực hành những điều sau đây:

1. Xem xã hội là một đại gia đình:

Kinh luận Ðại thừa nói tất cả chúng sinh nếu không phải thân thuộc thì cũng là cha mẹ bà con của chúng ta.  Kinh Hoa nghiêm nói “xem tất cả đàn ông là cha, tất cả đàn bà là mẹ” kinh 42 chương cũng dạy: “Xem người lớn như cha mẹ, xem người nhỏ như anh chị em mà sinh tâm tế độ”.  Thiết thực mà lý luận vững vàng nhất là lời của kinh Thiện sinh và kinh Ưu-bà-Tắc.  Hai kinh ấy đều nói: “Phía sau con người là cha mẹ, phía trước con người là vợ con, phía mặt con người là thầy bạn, phía trái con người là giúp đỡ, phía trên con người là Chư Tăng, phía dưới con người là bà con; đối lại, con người phải làm tròn bổn phận con người, làm chồng, vợ, học trò, ông chủ, hay người chịu ơn giáo hóa người đều là cùng một huyết thống”.  Thuyết tri ân trong Phật pháp cũng vậy, bằng một tinh thần lý đoán sắc sảo, thuyết ấy vạch ra cho con người ngoài thấy những ân huệ để hiểu còn có cái ân quan trọng nhất : ân tương trợ của chúng-sinh.  Ân chúng-sinh là ân xã-hội mà còn rộng hơn xã hội nữa.  Con chó giữ nhà, con bò cày ruộng, cũng là sự tương quan sinh tồn của con người, hệ trọng như con người với con người vậy.  Cho nên người tại gia phải xác nhận một cách sâu sắc rằng trong lẽ tương quan sinh tồn ấy, xã hội là đại gia đình của mình, đời sống của mình là thừa hưởng trực hay gián tiếp của xã hội thì phải đem đời sống ấy mà trực hay gián tiếp giúp ích cho xã hội.

2. Thực hành bốn thứ nhiếp pháp:

Bốn nhiếp pháp ấy là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.  Bố thí là sự chu cấp không những cho tất cả mà còn bằng tất cả nữa, nên bố thí có 3 :

a. Bố thí tài sản : Chu cấp cho người bằng tài sản của mình.  Tài sản có hai thứ: tài sản ở ngoài và tài sản ở trong.  Tài sản ở ngoài là vật dụng và tiền của, tài sản, ở trong là sức lực và tư tưởng.  Như vậy chu cấp tiền của hay vật dụng nào mình có là bố thí tài sản, mà giúp sức cho người bằng sức lực và tư tưởng là bố thí tài sản, một thứ tài sản nghèo cho mấy cũng có và tài sản ấy mới thật là của mình.  Phật dạy rằng : “Ðời ai không có thân, có thân là có thể bố thí được”.

b. Bố thí Vô úy : Tức là đem năng lực, uy thế, tất cả những gì của mình có thể che chở để bố thí cho họ “sự không khiếp sợ” trong những lúc nguy biến ấy là vô úy thí.  Ðức Quan AÂm thật hành như vậy mà thế giới Ta-bà cũng gọi là đấng bố thí sự vô-úy, xem đó đủ biết sự quan trọng.

c. Bố thí Chính pháp : tức đem Phật pháp cảm hóa mọi người đó mới là phương tiện chính của người tại gia phục vụ xã hội.  Bởi vì cho người tài sản và che chở cho họ mà không thể cảm hóa họ quay đầu về Phật pháp thì chỉ có thể gọi là đem tiếng đàn hát thay vì trong chốc lác tiếng đòi nợ mà thôi, không phải đã cất cho xã hội cái nợ phiền não mà vì đó, con người với con người còn gây khổ cho nhau và chung nhau chịu khổ mãi mãi.  Bởi vậy bố thí chính pháp cho người mới thực là hình thức cao nhất thế mới đúng chứ không phải là kiến thiết thượng tầng hay giả ảo.  Cho nên có trường hợp đem một đồng bạc mua một tờ báo Phật giáo cho người vẫn hơn là cho tiền họ ăn một chiếc bánh trong đó gói một sinh vật.

Hạnh bố thí bằng ba phương tiện như vậy là phần chính.  Ðể hoàn thành hạnh này là ái ngữ, lợi hành và đồng sự.  Ái ngữ là đối xử với người bằng sự mềm dẻo xuất phát từ một thiện ý thành thực cảm hóa.  Lợi hành là kết duyên với họ, trong bất cứ trường hợp nào có thể tình thuận họ một vài điều nhỏ mà vô hại, như là sự giữ thể diện, giúp đỡ sự làm ăn.  Ðồng sự là phục vụ công việc lợi ích chung hay những phận sự xã hội mà mình phải gánh vác; chưa hết, đồng sự có nghĩa làm như cùng hội cùng thuyền với người nhưng với mục đích cảm hóa họ.

Với 4 nhiếp pháp như vậy người tại gia có thể hóa cải xã hội như chữ “nhiếp đã nêu lên chăng? Chắc chắn là được, bởi vì ngay trong xã hội mà hóa cải chứ không phải xuôi dòng với xã hội,”

Còn nếu làm một ông trời cao ở trên thượng tầng của kiêu ngạo thì tự ông trời ấy đã không thể có, còn có đâu nói được đến việc vì xã hội, hay nếu tự mình vào trong dòng thác nhơ nhớp của xã hội thì xã hội đã nhơ nhớp thêm vì nó rồi, còn đâu nữa nói đến việc hóa cải.  Ðến như việc người tại gia phải hóa cải xã hội bằng cách làm cho mọi người đổi mới cá nhân bằng chiùnh pháp và chỉ có cách đó mà thôi, mới gọi là hóa cải xã hội, thì điều ấy không cần phải luận chứng gì nữa.

NHIỆM VỤ HỘ PHÁP CỦA NGƯỜI TẠI GIA

Con người là căn bản của gia đình và xã hội loài người.  Tất cả mọi vấn đề đều do con người phát sinh và đều phát sinh vì con người.  Bởi vậy, muốn đổi mới tất cả, căn bản là con người không thể không tự đổi mới trước hết bằng Phật pháp.  Ðó là một kết luận.  Kết luận đó làm một lý do chắc chắn chứng minh một kết luận nữa: như vậy;  con người tuyệt đối phải có trong gia đình và xã hội loài người thì với con người ấy, Phật pháp tuyệt đối phải có và tuyệt đối phải được bảo vệ.  Vấn đề “Hộ pháp” được nêu lên trong trường hợp này, nó là vấn đề tự lợi, lợi tha mà muốn sống có ý nghĩa và muốn phổ biến ý nghĩa ấy trong mọi tầng lớp và mọi thế hệ, bổn phận chúng ta buộc chúng ta phải có.

Muốn “Hộ pháp” – Duy trì Phật Pháp – thì người tại gia phải làm gì?

a. Phải áp dụng Phật pháp vào đời sống của mình.

Ðó là công việc căn bản.  Vì Phật pháp gọi là còn, không phải còn ở ngoài chúng ta mà phải ở chính trong con người của mình.  Ðó là chưa kể rằng  muốn duy trì Phật pháp thì phải phổ biến ra cho mọi tầng lớp và cho tất cả thế hệ mai hậu, mà muốn vậy thì vấn đề “phải làm để làm gương mẫu” là một nguyên tắc không thể thiếu được.  Cái thành kiến quái gở cho rằng “Tôi phải hy sinh tư lợi của tôi cho sự lợi tha” cũng sẽ phải tan rã vì nguyên tắc này, bởi vì không có sự lợi tha nào đúng nghĩa từ ngữ ấy mà thiếu tự lợi tức là sự tự áp dụng Phật pháp trước hết, hay đổi lại, cũng chẳng có một sự tự lợi nào đúng nghĩa của danh từ ấy mà không vì mục đích lợi tha tức vì lợi chung mà áp dụng Phật pháp.

b. Phải luôn luôn tỏ ra mình là người Phật tử.  Thật là một lỗi lầm đáng khinh bỉ khi một người đã sống trong Phật pháp vô thượng mà không thẳng thắn bộc lộ ra.  Họ bảo như thể để mọi người thấy mình không cố chấp tín ngưỡng của mình, nhưng họ có biết đâu rằng cố chấp là một việc mà thành thật lại là việc khác.  Không thành thật bộc lộ tư cách Phật tử của mình ra thì làm sao cảm hóa người được.  Họ lại còn đi hợp tác với ngoại đạo tà ma.  Họ bảo để tỏ tư cách quảng đại của Phật tử, nhưng lời nói ấy chỉ che đậy những lý do lấy đạo làm bàn đạp cho lợi lộc cá nhân của mình mà thôi chứ Phật tử sao đi hợp tác với ngoại đạo?  Như thế, tam quy mà họ đã thọ, làm sao còn được? Họ lại còn ngây ngô mà trở lại công kích trong nhà không biết tổ chức, trong khi đó họ đem năng lực đáng lý họ phải góp vào công việc tổ chức đó mà hợp tác với sự tổ chức khác.  Bởi vậy, khi đã xác nhận Phật pháp là vô thượng và chỉ hoạt động cho Phật pháp mà thôi là công cuộc hữu ích cho con người đúng với cái nghĩa danh từ ấy, thì họ phải luôn luôn tỏ ra mình là Phật tử trong tất cả mọi trường hợp, bằng mấy cách bắt buộc sau đây:

1) Thường đeo tượng Phật và kính trọng, thân mến với người đồng đạo.

2) Thường phải ăn chay và đi chùa mỗi tháng 2 ngày nếu có gặp tiệc tùng hay lý do sinh sống cũng không được bỏ.

3) Góp của và góp sức vào trong các tổ chức của Phật pháp để làm những công việc hữu ích.

4) Khước từ thật sự sự hợp tác với ngoại đạo tà ma trừ khử những cử chỉ rụt rè, thái độ chạy chối và thụ động.

Mọi người tại gia phải nhớ rằng xã hội nào người ta cũng chỉ đúng và hơn nửa, chỉ cảm hóa vì những người thành thực trong tín ngưỡng của mình.  Trái lại, không ai mà không khinh bỉ và nghi kỵ những kẻ kém thành thực.  Phải nhớ như vậy để mà trút bỏ đi những ý nghĩ vơ vẫn về những sự nguy hiểm tưởng tượng.  Nói tóm lại ta tỏ ra là Phật tử tức là duy trì Phật pháp vậy.  Ngược lại, sự tỏ ra đó thiếu đi thì ý thức Phật tử đã không còn nữa mà ý thức này không thì luôn theo đó, tất cả những gì của Phật tử phải có, họ sẽ quên hết.

c) Phải có tinh thần chịu trách nhiệm và trừ bỏ sự tự ty mặc cảm. Tư ty mặc cảm là tự nghĩ mình thấp kém, tùy thuộc chứ không phải chủ động, nhưng trái lại, thực tế chứng tỏ sự duy trì Phật pháp trong gia đình và xã hội, người tại gia là người chủ động mà lại là chủ động trực tiếp.  Bởi vậy, Phật pháp còn hay không trong gia đình và xã hội là trách nhiệm trực tiếp của người tại gia.  Thực tế này kêu gọi người tại gia hãy bỏ cái thành kiến cho rằng Phật pháp quan trọng ở các thầy và bắt buộc người tại gia phải có tinh thần chịu trách nhiệm cái trách nhiệm duy trì Phật pháp để hóa cải bản thân, hóa cải gia đình và xã hội.  Cái trách nhiệm ấy cũng không riêng gì đối với Phật pháp; vì sự hóa cải cần phải có nên mọi tầng lớp, mọi thế hệ đòi hỏi người tại gia cái tinh thần trách nhiệm ấy.

d) Phải hành động tích cực và thực tế.  Vấn đề “hộ pháp” quan trọng và hợp lý như vậy nó bắt buộc người tại gia, phải có những hành động tích cực, thực tế một cách tế nhị, phải chống trả với mọi mưu mô ở ngoài và mọi xu hướng ở trong, nếu những mưu mô và những xu hướng ấy không làm hại Phật pháp trong hiện tại cũng làm hại về sau.  Và tự mình, mình phải thắng những gì ở mình mà chính nó có thể lôi kéo mình vào những hành động phản bội Phật pháp.  Phải tự giác mãnh liệt và đừng lòa mắt những mối lợi nhãn tiền hay lo sợ vu vơ cái hại trong tư tưởng.  Phải chống trả với những gì mà mình biết không trực tiếp cùng gián tiếp không ngày nay cũng ngày mai, không có thiện ý đối với sự sinh tồn của Phật pháp.  Tất cả những lý lẽ trên này nó thiết tha kêu gọi sự hoạt động tận lực của chúng ta, to từ việc bỏ tánh mạng, nhỏ đến việc bỏ ra từng đồng xu, tất cả tiềm lực mà mình có, mình không từ.  Do ý thức này, người tại gia hãy bỏ cái thành kiến hiện giờ vẫn còn vương trong tư tưởng một số đông, rằng việc đạo phải có tài và có sức.  Nhưng cái tài hưởng ứng cũng cần thiết như cái tài hướng đạo, cái sức tùy hỷ lại cần hơn cái sức đồ sộ, bởi vì một bên chỉ có một thiểu số mà một bên có một hậu thuẩn hùng hậu, cho nên những công việc vặt và những đồng bạc nhỏ, đối với đạo lúc này mới thật là quý giá; chúng nó là những tấm lòng thành thực và sẽ góp thành một lực lượng to lớn.

Chỉ có vậy mới thật là hoạt động thực tế của tín đồ và cố nhiên cũng chỉ có vậy mới duy trì Phật pháp được trong tất cả mọi tầng lớp.

Nói tóm lại, vấn đề “Hộ pháp” nó quan trọng ở chỗ người tại gia thành thực bộc lộ tín ngưỡng của mình và có tinh thần gánh vác trách nhiệm, phối hợp với những hoạt động dù nhỏ nhưng thực tế dũng mãnh.  Chính đó, Phật pháp sẽ càng ngày càng sáng lạn huy hoàng, không những với những hình thức đồ sộ mà còn với những sự cải hóa tốt đẹp đối với toàn diện của đời sống con người.

BẢNG THỐNG KÊ CỦA NGƯỜI TẠI GIA

1. Xác nhận toàn diện đời mình – kể cả bản thân, gia đình và xã hội – đều do con người của mình làm căn bản.

2. Xác nhận toàn diện đời mình cần phải hóa cải và có thể hóa cải được.

3. Toàn diện đời mình phải hóa cải bằng Phật pháp, đó là mục đích của người tại gia.

4. Phật pháp có hai phần : phần căn bản và phần hướng thượng.  Người tại gia phải thụ học phần văn bản để hóa cải đời mình.

5. Trước hết, tuy toàn diện đời mình gồm có cả gia đình và xã hội, nhưng căn bản là bản thân của mình, nên người tại gia phải giải quyết bản thân trước.

6. Rồi phải cảm hóa gia đình và phục vụ xã hội của mình.7. Giải quyết bản thân cũng như cảm hóa gia đình và phục vụ xã hội đều theo giáo lý căn bản của Phật pháp, tức tam quy và ngũ giới.

8. Mọi chi tiết cần phải áp dụng tỷ mỷ và tế nhị đều gốc ở giáo lý căn bản trên mà ra.
9. Phải xác nhận chỉ có sự hóa cải toàn diện đời mình bằng giáo lý căn bản của Phật pháp, như vậy mới có thể làm cho đời mình mới mẻ từ trong đến ngoài, với tất cả cái nghĩa của chữ ấy.

10. Phật pháp đã giúp cho mình hóa cải toàn diện đời mình như vậy thì tận lực bảo vệ Phật pháp là bổn phận tuyệt đối mình phải có.

Bảng thống kê này, như vậy, cũng đủ cho người tại gia thấy mình phải biết những gì và làm những gì.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch