Truyện - Tùy bút
Phóng Sinh Trên Sông Hương
Tịnh Thủy
29/09/2013 22:31 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

                   PHONG SINH.jpg

Có người cho là hình như cả thế giới chỉ có ba con sông: sông Đanuýt của Budapét, sông Seine của Paris và sông Hương của Huế là đẹp và thơ mộng.  Riêng với tôi, sông Hương của Huế mới là đẹp và thơ mộng.  Dòng Hương giang như một dải lụa xanh dịu dàng vắt qua kinh thành, bao quanh thành quách, cung điện.  Sông Hương đẹp từ nguồn, từ dãy Trường Sơn hùng vĩ trùng điệp xô nhau về xuôi, rồi uốn lượn quanh co giữa một vùng rừng núi bạt ngàn xanh ngắt, mang theo những mùi vị hương thơm của các loài thảo mộc rừng nhiệt đới, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Từ trong cái dòng chảy mang mang sông nước ấy, những thú vui tao nhã của người đời được khai sinh và gửi gắm, nào thả thơ, ca Huế, rồi thả thuyền chơi trăng, đến thả đèn phóng đăng... và hôm nay là buổi lễ thả cá phóng sinh trên sông.

Thả cá phóng sinh trên sông Hương đã trở thành một nét văn hoá khá đặc biệt của xứ Huế, nơi mà không ở đâu có mật độ chùa chiền lại "dày" như ở chốn thần kinh này.  Mỗi năm vào những dịp lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan và Thượng Nguyên, các chùa thường hay tổ chức những buổi lễ phóng sinh và thả đèn trên sông Hương.

Đã nhiều năm rồi, nay tôi mới trở lại dòng sông này.  Chiều nay, thể nào tôi cũng đến đúng điểm hẹn với những người bạn đạo thân quen sẽ đón tôi tại bến đò Thừa Phủ, gần ngôi trường thân yêu xưa tôi đã từng theo học.  Tôi đang đi trên con đường áo trắng học trò để xuống bến.  Bao thế hệ trôi qua, con đường này, ngôi trường xưa và dòng sông Hương lững lờ thắm đượm bao nhiêu chữ tình chữ nghĩa.

Gió chiều sông Hương hôm nay không lạnh lắm, chỉ đủ mát làm dịu đi những ưu phiền của cuộc sống.  Chiếc thuyền rồng được trải chiếu hoa, đông đủ các thân hữu nhóm Hướng Thiện mà người đứng đầu nhóm là anh Bửu Tú và chị Hằng Nga đang đón chúng tôi.  Lát nữa sẽ có một lễ phóng sinh trên dòng sông Hương mà anh chị ấy phối hợp tổ chức với anh chị Đức Thuần -Tâm Hỷ, hai người bạn thân của tôi từ Hoa Kỳ về quê nhà ăn Tết.  Buổi lễ do hai vị Sư thường trú tại chùa Từ Hiếu chủ tế.

Thuyền từ từ ra giữa dòng và hướng về chùa Thiên Mụ.  Quả thật, ngồi trên thuyền mới ngắm được những cảnh sắc thiên nhiên trên trời và xung quanh, mới thấy được đó là một kho tàng vô tận mà sông Hương đã ban cho, dòng nước trong xanh tĩnh lặng, thành quách, lầu xá hai bên bờ in bóng xuống dòng sông như là tranh vẽ. Chiếc cầu Trường Tiền màu trắng bạc bắc qua sông, duyên dáng như cô gái Huế trong chiếc áo dài trắng tinh khiết như e ấp ngượng ngùng sau chiếc nón bài thơ.  Khi đến trước chùa Thiên Mụ, thuyền dừng lại thả neo và bắt đầu buổi lễ.  Chiếc thuyền khá lớn, đủ chỗ cho khoảng ba mươi người.  Thầy chủ lễ và thầy phụ tá đứng bên cạnh bàn thờ đã được chưng bày hoa quả và thức ăn chay.  Bên cạnh là các thùng chứa các loài thủy tộc, mà theo anh Bửu Tú cho biết là sáng sớm nay các anh chị trong nhóm đã đi khắp các chợ thu mua các loài cá tôm ốc hến sống trong sông vì sông Hương sẽ là môi trường thích hợp và an toàn với những giống tôm cá ốc hến này.  

Buổi lễ được diễn ra trong một bầu không khí vừa thân mật, vừa yên tĩnh và không kém phần nghiêm trang.  Mở đầu là khoá lễ cầu an cho chúng sinh an lạc, kế tiếp là lễ quy y cho các thủy tộc sắp được phóng sinh, khi mãn kiếp được làm thân người, mong nhờ nhân duyên quy y này biết được Phật Pháp. Lời kinh tiếng kệ hoà cùng với tiếng chuông mõ ngân vang trên sông nước, quyện vào nhau thấm vào từng lời, từng chữ trong kinh, tuôn chảy như một dòng nước tưới mát tâm tưởng người nghe.

Thế rồi giờ phút quan trọng cũng đến sau gần một tiếng đồng hồ tụng kinh, niệm Phật và trì chú.  Chúng tôi cùng nhau mang những thùng chứa đầy tôm cá ốc hến các loại ra đầu mũi thuyền thả chúng xuống dòng sông trong xanh đang lững lờ trôi.  Nhìn những đàn tôm cá tung tăng bơi nhảy trong nước khi được thoát khỏi thùng chậu tù hãm, mọi người chúng tôi cảm thấy rất hân hoan sung sướng như chính chúng tôi được tự do.  Chúng đang tự do bơi về nhà, về tổ ấm tìm gặp gia đình và bạn bè thân yêu.

Tôi là con cá dưới sông

Có cha, có mẹ, có chồng có con

Trông con trông mỏi trông mòn

Trông khi họp mặt coi còn đủ không

Ngày ngày dong ruổi chạy rong

Kiếm ăn đây đó đỡ lòng mới thôi

Bữa kia nghe tiếng con tôi

Mẹ ơi con đã mắc mồi rôì me

Lạy Trời lạy Phật chở che

Cho cha cho mẹ cho bè con thơ

Thành người tôi sẽ ước mơ

Kiếp sau sẽ chẳng bao giờ đi câu. (*)

Được biết Phóng Sanh là một pháp môn tu tập thích hợp với tất cả mọi người, ai cũng có thề thực hành được.  Bắt nguồn từ kinh điển Phật giáo Đại Thừa, thịnh hành ở Trung Hoa, Tây Tạng, truyền sang Nhật Bản và các nước láng giềng Triều Tiên, Việt Nam. Phóng Sanh dựa trên tinh thần từ bi và bình đẳng giữa chúng sinh.

Phóng sanh là một việc làm mang lại sự sống cho những sinh linh đang bị đe dọa về tính mạng, tức giải phóng những sinh vật đang bị tù nhốt và sắp bị đem giết. Phật tử theo truyền thống Đại Thừa tin rằng kết quả của việc phóng sinh là tiêu trừ được nghiệp sát sinh của mình trong những kiếp đã qua và trưởng dưỡng lòng từ bi trong kiếp sống hiện tại. 

Đúng ra thì phóng sinh cũng như ăn chay chính là một phần của việc giữ giới không sát sinh.  Người Phật tử tại gia quy y Tam Bảo và giữ năm giới cấm, trong đó có giới không sát sinh.  Không sát hại sinh vật dù trực tiếp hay gián tiếp là một hành động thiện nhưng chưa đủ.  Giữ đúng giới không sát sanh là phải đi kèm với việc phóng sinh và việc ăn chay.  Không sát sinh và ăn chay là một việc làm thiện tiêu cực.  Phóng sanh là một việc làm thiện tích cực.  Nếu chỉ thực hành những việc làm thiện tiêu cực thì không phải là tinh thần của Phật giáo Đại Thừa; bởi vì “không làm những điều ác, siêng làm những hạnh lành, thanh tịnh hóa tâm ý, đó là lời chư Phật dạy.”  Là Phật tử, chúng ta không những không sát hại sinh vật mà còn phải cứu sinh vật đang bị giam giữ trong lồng chậu khỏi chết, nghĩa là phóng sinh chúng, trả tự do cho chúng về với bầu trời sông nước, về với gia đình tổ ấm của chúng. 

Pháp môn phóng sinh này rất dễ tu tập, ai cũng có thể làm, không nhất thiết phải có tiền (mua chim cá) mới thực hành được.  Chỉ cần có tấm lòng từ bi thương xót chúng sinh, xem mọi loài chúng sinh đều bình đẳng như nhau, đều có quyền sống.  Khi đi bộ trên đường thấy con giun đang dẫy dụa trước sức nóng mặt trời, chúng ta mang chúng vào bụi cỏ vùi dưới đất ẩm hay gặp con sên đang bò trên vỉa hè, chúng ta nhặt chúng đem vào bãi cỏ xanh mát.  Thế là chúng ta đã thực hành hạnh phóng sinh.  Khi thực hành pháp môn tu tập này, người Phật tử không nên đặt mua trước những con vật mình muốn phóng sinh mà người ta sẽ bắt chúng do nhu cầu phóng sinh của mình.  Hãy tuỳ duyên và tuỳ phương tiện mà cứu thóat chúng.  Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý môi trường sống của sinh vật khi phóng sinh. Không nhất thiết phải mang chúng đến chùa mới phóng sinh được.  Chỗ nào thích hợp thì thả chúng.  Một con cá kiểng không thế nào sống trong ao hồ được, cũng như mua tôm cá nước mặn mà đi thả chúng ở ao hồ nước ngọt thì cũng như sát sinh chúng vậy.  Hãy nên quy y cho chúng trước khi thả chúng thì việc phóng sinh mới được trọn vẹn theo tinh thần Phật giáo.

Sau khi phóng sinh xong, chúng tôi dùng bữa cơm chay trên thuyền với các món chay thuần tuý xứ Huế do nhóm Hướng Thiện đã chuẩn bị trước và cùng nhau đàm đạo Phật Pháp và những sinh hoạt từ thiện xã hội của gia đình Hướng Thiện.  Các anh chị trong nhóm rất có tâm đạo và làm việc chưa bao giờ biết mệt mỏi trong các công tác từ thiện như giúp người nghèo, người mù và người già neo đơn.  Dù mưa hay nắng, xa hay gần vẫn không lùi bước. 

Hoàng hôn buông trên mặt sông, Thuyền từ từ nhổ neo hướng về cầu Trường Tiền trong tiếng kinh chiều và tiếng chuông Thiên Mụ vang vọng từ xa.  Xóm vạn đò đã thấp thoáng ánh đèn. Hàng trăm ngọn đèn trứng vịt, đèn bát và thỉnh thoảng cả đèn nê-ông nữa đua nhau nhấp nháy như sao trời rơi trên mặt sông.


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch