Truyện - Tùy bút
Hành trình đến với Phật pháp
27/08/2014 22:43 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

     Một số người bảo tôi rằng phải có thiện căn lắm mới biết tới Phật Pháp, tôi thường nghe câu nói này rất nhiều lần nhưng có lẽ tận trong thâm tâm tôi thật sự vẫn không hiểu rõ lắm ý nghĩa của nó.

      Sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo Phật Giáo, tôi đã được ấn định sẵn phải làm gì, phải nghe gì và phải theo gì mà chính bản thân tôi ngay từ đầu không có nhận thức rõ về cái tôn giáo mà tôi đang theo.

      Ba mẹ tôi vốn luôn tất bật với công việc nên việc chăm sóc và giảng dạy tôi lại là dì Bảy và hai người bà của tôi (bà nội và bà ngoại), nói như vậy chứ không hẳn ba mẹ không đoái hoài gì tới tôi nhưng họ bận rộn thì biết làm sao bây giờ! Có lẽ chính vì vậy mà ngay từ nhỏ tôi sống khá nội tâm và ít giao thiệp đến bên ngoài, tôi chỉ thường ngồi chơi một mình và thỉnh thoảng đi chùa với dì và bà. Ở nhà thì lấy sách kinh phật ra đọc nhưng mà đọc chỉ là đọc mặt chữ chứ tôi có hiểu lắm đâu, dì tôi hay nói nhiều về luật nhân quả, bà tôi hay kêu tôi niệm Phật và kể tôi nghe về Phật Thích Ca. Nhưng ngộ lắm, tôi không hiểu nhưng tôi thích nghe nên cứ thế thời gian cứ trôi qua.

    Sau đó nhiều năm, bà ngoại cho tới ông nội tôi lần lượt qua đời, tôi đau buồn đó rồi cũng quên đi chỉ nghĩ  ông bà già rồi thì mất đơn giản vậy thôi, tôi không nghĩ nhiều. Tôi cũng đi chùa, cũng tụng kinh nhưng vì nghe lời ba mẹ hơn là ý thức của bản thân. Cho tới năm tôi học lớp 10, bà nội bỗng nhiên bị bệnh đột ngột, bà bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người và không nói chuyện được, bên cạnh đó bà còn bị tim mạch và một số căn bệnh khác. Bà đau đớn nhiều, tôi thương bà lắm, tôi cùng ba mẹ chăm sóc bà chu đáo nhưng tôi không biết làm sao vì cơn đau này chỉ một mình bà gánh chịu, tôi không biết cảm giác nó ra sao để mà giúp. Đồng thời 3 tháng sau, tôi nghe thêm tin dữ là mẹ tôi mắc bệnh u hạch ở lá lách giai đoạn 2, tuy có thể trị nhưng mà bác sĩ cũng không dám hứa điều gì trước vì căn bệnh có thể di căn và có thể nặng hơn sẽ hóa thành ung thư. Bác sĩ kêu mẹ nhập viện và đi hóa trị để theo dõi xem nếu hạch không ăn thuốc thì sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ lá lách. Dì Bảy tôi khóc vì sợ tôi mất mẹ, ba tôi lo lắng đến mức trông như già thêm chục tuổi. Trong thời gian mẹ nhập viện, tôi ở nhà vừa chăm sóc bà vừa đi học mà tâm hồn tôi như bị đóng băng, tôi không khóc và không biểu lộ gì, tôi làm mọi việc chu toàn như thể không có chuyện gì xảy ra. Đơn giản tôi cảm thấy bất lực, tôi nhận ra một quan niệm quan trọng: ”Dù tôi thương mẹ và bà đến cỡ nào, dù tôi có làm cách gì đi chăng nữa thì việc chịu đựng cơn đau và đối mặt với mọi việc chỉ có chính bản thân mẹ và bà. Ngay cả cái chết cũng chính bản thân mình đối mặt không ai giúp được cả”. Nghĩ tới đây, lòng tôi đau đớn không thể tả, đêm đó mẹ tôi lên bàn mổ, tôi và ba ngoài phòng chờ mà cảm giác như đang trong phòng hành hình, lo lắng – sợ sệt – đau đớn có đủ cả. Chợt tôi nhận ra ba tôi nãy giờ đang niệm Phật – sau này tôi mới biết là ba tôi đọc Chú Đại Bi, tự nhiên tôi cảm giác như có một cứu cánh, lúc đó tôi không cần biết Phật có thiệt hay không, tôi chỉ cảm thấy đó là điều tôi duy nhất có thể làm ngay lúc đó. Ba và tôi cứ thế niệm Phật, chợt bác sĩ đẩy cửa ra và nói cho chúng tôi biết rằng u hạch của mẹ tôi ăn thuốc nên không cần thiết phải cắt bỏ nhưng phải tiếp tục hóa trị. Ôi!! Không thể nào diễn tả được sự hạnh phúc vỡ òa trong lòng tôi, tuy rằng lúc đó niềm tin của tôi về Phật Pháp vẫn chưa hoàn toàn được củng cố nhưng tôi có cảm giác rằng hình như tôi phải xem lại nhận thức của mình – tôi nghĩ vậy.

    Mừng vì mẹ không cần mổ nhưng cũng cảm thấy đau khổ bởi vì hóa trị cũng vô cùng đau đớn, mẹ tôi rụng hết tóc, thân thể ốm nhom, mắt không thần sắc, không ăn uống được, cứ ăn vào thì lại ói ra. Lúc đó nhìn mẹ tôi phải thẳng thắng rằng không khác gi một con ma. Nhìn lại tấm hình mẹ chụp cách đây 5 tháng, mẹ hồng hào mập mạp nụ cười tươi rói vậy mà giờ lại thành ra như thế này. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng: ”Mẹ tôi không thể đẹp hoài, con người sẽ có lúc này thì phải có lúc khác, tôi sau này có thể cũng sẽ vậy không?”. Sau này khi nghĩ lại khoảng thời gian đó tôi đã không nhận ra rằng mình đang cảm thụ về nguyên lý  Sinh Lão Bệnh Tử trong Phật Pháp mà tôi không biết, bây giờ mới nhận ra lúc đó tôi vô mình cỡ nào.

    Dần dần sau 6 tháng, mẹ tôi bắt đầu ăn uống lại được, khi đi tái khám thì bác sĩ bảo là căn bệnh đã lui, hạch đã tiêu hết nhưng vẫn cần tái khám vài lần cho chắc chắn. Tôi vô cùng mừng rỡ, tôi có hơi cảm thấy kì diệu nên tôi nghĩ bây giờ nếu tôi niệm Phật cho bà tôi thì bà tôi sẽ khỏi bệnh không. Nghĩ vậy tôi liền tìm lại những cuốn kinh Phật trong nhà và bắt đầu tìm hiểu, tôi nhớ cuốn đầu tiên tôi đọc là sách về luật Nhân Quả. Trong cuốn sách ghi rõ nếu phạm tội gì thì sẽ bị hình phạt gì khi chết, kế bên có những hình ảnh minh họa cảnh tượng bị tra tấn, lúc đó không hiểu sao đọc tới đâu tôi nổi da gà tới đó, tôi cảm thấy rằng hình như  trong đó có bao nhiêu tội thì tôi đều có bấy nhiêu tội không nhiều  thì ít. Giật mình tôi đóng cuốn sách lại, lấy cuốn thứ hai ra tôi nhớ cuốn đó là về nghiệp quả và luân hồi, tôi nhớ trong đó có nói rằng con người không phải chết là hết mà họ sẽ chịu luân hồi dựa vào nghiệp quả của chính họ, nghiệp quả không phải chỉ là kiếp này mà còn là sự tích tụ của vô lượng kiếp trước chỉ khi nào trở về cõi Phật thì mới vượt thắng được luật Nhân Quả. Càng đọc tôi càng mở mang nhiều thứ, tôi nhớ trong vòng 3 ngày liên tục tôi đọc hết sách về Kinh Phật được để ở nhà. Tuy nhiên bà tôi đã không qua khỏi, bà mất sau đó một tháng, lòng tôi buồn vô hạn nhưng nhờ vậy tôi nhận ra sự vô thường của thế gian. Điều này là một sự thật khắc nghiệt.

    “Tôi là ai?” Đây là câu hỏi thường xuyên tôi hay nghĩ tới trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, me tôi nói trong kiếp này tôi và mẹ đóng vai là mẹ con nhưng kiếp trước chưa chắc vậy, trên con đường tu tập tôi với mẹ là hai bạn đạo. Điều này làm tôi nảy sinh thêm ý nghĩ mọi người như nhau, nhưng tại sao tôi lại phải sinh ra, tại sao tôi phải chịu đau khổ, tại sao tôi phải luân hồi, nếu bảo rằng do tôi gây nghiệp quả thì thà tôi chưa từng tồn tại thì có phải đã khỏe rồi không? Sống đóng tất cả mọi vai vợ chồng, cha mẹ, con cái để rồi quay lại không, thật sự quá khó hiểu. Phải chăng con người chúng ta sinh ra là để học hỏi và tiến hóa, chúng ta phải học hết tất cả các bài học: đau đớn, giận hờn, buồn ghét để thấu hiểu cái đau đớn trong vòng luân hồi của thế gian, chỉ khi nào cảm thụ được thì mới dễ dàng cho qua và không chấp bất cứ thứ gì, chỉ bởi vì chúng ta đã hiểu thế gian là giả tạm con người quay trở về cái nguyên sơ của cái “không” ban đầu mới gọi là hạnh phúc nguyên sơ của bản tánh.

   Càng đọc, càng khó hiểu, tôi biết rằng trong cõi Ta Bà này có đủ loại chúng sanh: súc sinh, ngạ quỹ, con người, a tu la… và mọi người đều là như nhau, đều là con Phật. Mọi vật đều có chu trình làm việc và vận hành khác nhau nhưng chung quy cũng quay về không. Trong khoảng thời gian đó tôi bắt đầu cảm thấy lẫn lộn và không thể nào nắm bắt cái ý nghĩa sâu xa của Phật Pháp, hoang mang và không biết định hướng như thế nào. Khi đi ngoài đường nhìn dòng xe cộ qua lại, nhìn những người buôn bán tôi tự hỏi liệu họ có cảm thấy được những điều mà tôi đang cảm thấy, tôi cảm thấy sao tôi và họ sao xa vời quá, tôi cảm thấy việc tôi ăn uống, hoạt động hằng ngày cũng không còn cần thiết nữa. Tôi bắt đầu thấy chán đời, vì nếu nói đời là giả tạm thì tôi thiết tha gì với cảnh sống hằng ngày mặc dù tôi vẫn làm tốt trong trách nhiệm của một sinh viên, một đứa con của gia đình nhưng tôi thấy nản lắm.

    Cho tới ngày hôm nay, tôi cảm nhận sâu sắc rằng con người chúng ta có ba cái khó: ”Thân người khó đặng, Phật Pháp khó hiểu, duyên lành khó gặp”, đó là để có kiếp con người không phải dễ, mà khi có được kiếp người chúng ta lại bị duyên nợ tình đời lôi kéo nên phải có pháp Phật trong tay để tránh lầm đường lạc lối nhưng than ôi nguyên lý Phật Pháp quá nhiệm màu, cao sâu thâm thúy , muốn hiểu đâu phải dễ. Mà nhiều người muốn có duyên gặp Phật Pháp cũng không có, bởi vậy mới nói duyên lành khó gặp, nay tôi có cơ duyên lớn hội tụ cả ba cái khó thì vấn đề về cõi Phật chỉ còn phụ thuộc vào ý chí của chính tôi. Tu nghĩa là tu sửa, bao nhiêu cái chấp tham ái, sân si tích tụ mấy chục năm chỉ có thể do chính mình tu sửa, tu có hai phần quan trọng đó là tu phước và tu huệ. Hằng ngày thực tập hạnh từ bi, tập yêu thương tha thứ để thấm nhuần tư tưởng siêu diệu của đạo giáo gọi là tu huệ, kết hợp với tinh thần xông xáo và hoạt động từ thiện, giúp người là tu phước, có lý thuyết lẫn thực hành thì từ từ chúng ta sẽ có tâm Phật lúc nào không hay bời vậy có thể nói Đời Đạo Song Tu là như thế. Đây là hành trình dài của chính tôi và phải tự tôi khám phá, tuy tôi biết rằng tâm linh là con đường không có giới hạn nhưng tôi sẽ không bao giờ hối hận vì quyết định này. Tôi tin là như vậy.

Minh Thi
Theo Phật Pháp Ứng Dụng

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch