Truyện - Tùy bút
Tôi thờ Phật vì trong tôi có Phật
Lê VA
27/03/2012 06:38 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lẽ ra, câu chuyện này, tôi phải viết ra từ lâu rồi mới phải. Nhưng, tôi chưa viết không phải do tôi nghĩ đến rồi mà không viết, mà là, cho mãi tới giờ tôi mới giật mình nghĩ đến. Tại sao vậy?

Vì những người thật, việc thật này, đã và đang diễn ra suốt mấy chục năm nay, từ lúc tôi còn nhỏ, khi lớn lên và bây giờ sắp bước vào tuổi già, tôi vẫn chứng kiến. Điều lớn lao đã và đang tồn tại giản dị cạnh mình, phải chăng vì thế mà thành vô tâm. Để câu “Bụt chùa nhà không thiêng” đúng ngay cả với những hoàn cảnh, những thân phận đặc biệt. Muộn còn hơn không. Và, hôm nay tôi viết.

Bác  Nguyễn Thị Chắn, sinh năm 1935, theo cách tính tuổi của các cụ, bác đã 78 tuổi. Ngót 80 tuổi đã là thọ, là người già. Thế mà bác Chắn vẫn đang làm dâu. Làm dâu không chỉ vì bác còn mẹ chồng mà bác làm dâu theo đúng nghĩa của từ này, đó là đang ngày, đêm phụng dưỡng mẹ chồng 102 tuổi. Là con dâu, là vợ liệt sỹ và bác cũng đã là bà cụ thượng thọ. Cụ thượng thọ lại đang phụng dưỡng mẹ chồng đại thượng thọ.

Sinh ra trong một gia đình có chức sắc ở làng Văn Nội, tổng Xốm, nay là Phường Phú Lương, quận Hà Đông, cô bé Nguyễn Thị Chắn được theo học chữ quốc ngữ cho tới lớp 5. Không những thế cô còn được các hương sư trong làng dạy chữ Nho 3 năm. Thời ấy, đàn bà, con gái ở nông thôn được học hành như thế kể cũng là hiếm. Đối với Nguyễn Thị Chắn, được gia đình cho ăn học cũng là để biết thế nào là hiếu nghĩa chứ không có ý định lấy sự học làm con đường tiến thân. Rồi con gái lớn thì phải lấy chồng.

Thời ấy, “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Năm 1952, vào tuổi 17, cô thôn nữ Nguyễn Thị Chắn kết duyên với chàng trai cùng làng, cùng tuổi – Nguyễn Văn Chấp. Hôm đó, trong làng có 6 đôi nam thanh nữ tú cùng tổ chức đám cưới. Sau ba năm ở rể, cô dâu mới được đón về nhà chồng và 7 năm sau, họ mới có người con trai đầu lòng. Năm 1960, Nguyễn Văn Chấp chia tay vợ con, tạm biệt quê hương lên đường tòng quân. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự anh được phục viên và 1965 lại tái ngũ khi người con thứ hai là gái mới được hơn một tháng tuổi. Thế rồi năm 1968, Nguyễn Văn Chấp hy sinh tại một trận địa pháo thuộc Đô Lương, Nghệ An.

Trong cuộc kháng chiến ái quốc vĩ đại, biết bao người con hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Cho đến tận hôm nay, cuộc chiến đã kết thúc hơn 30 năm, không ít liệt sỹ còn chưa tìm được phần mộ. Đối với liệt sỹ Nguyễn Văn Chấp có lẽ là trường hợp đặc biệt: Hy sinh 1968 thì đến 1970, đủ 3 năm, gia đình đã đưa được hài cốt về nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc diễn ra ác liệt, đi lại đã khó, việc đưa được hài cốt liệt sỹ về quê càng khó. Cuộc chuyển hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Chấp năm ấy được tất cả những người tham gia kể lại quả là vô cùng công phu.

Cụ Khoa, một người bà con của liệt sỹ Nguyễn Văn Chấp năm nay đã gần 80 tuổi kể: “Khi đó tôi mới ngoài 30 tuổi và công tác tại tỉnh Nghệ An. Trong một lần về phép, tôi được gia đình cho xem tờ giấy báo tử liệt sỹ Nguyễn Văn Chấp. Hết phép, quay lại Nghệ An, tôi đi dò tìm nơi chú Chấp hy sinh và biết được phần mộ của em mình đang nằm tại một khu đồi gần trận địa pháo cao xạ. Đang chiến tranh, việc chuyển hài cốt liệt sỹ về quê chưa được Nhà nước cho phép nên có làm chỉ là vụng trộm, nếu bị phát hiện thì không ít phức tạp. Sau khi bàn bạc, gia đình quyết định bốc mộ và đưa liệt sỹ Nguyễn Văn Chấp về quê”.

Vào một ngày cuối năm 1970 trời rét cắt da, cắt thịt, góa phụ trẻ Nguyễn Thị Chắn cùng 3 người anh em là Nguyễn Văn Khoa, Nguyễn Văn Doanh và Nguyễn Văn Bình đi bộ ra ga Hàng Cỏ rồi lên tầu hỏa đêm vào Nghệ An. Ngày hôm sau họ làm công tác trinh sát, nhớ kỹ đường đi lối lại đến mộ liệt sỹ. Bác Chắn kể lại: “Tôi phải lấy một tờ báo đặt trên mộ chồng rồi lấy mấy hòn đá chèn lại để đánh dấu. Nửa đêm, tôi, bác Doanh, chú Bình ra đào và bốc mộ. Bác Khoa mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc này, nhưng vì là cán bộ đang công tác ở tỉnh Nghệ An nên phải ở vòng ngoài. Đề phòng, nếu sự việc có bị phát hiện, gặp khó khăn thì còn có người tháo gỡ.”

Đêm đông, đất khách quê người, họ dò dẫm vượt ruộng, trèo đồi đến với người thân. Ánh sáng duy nhất lúc đó chỉ có một chiếc đèn pin để giành khi bốc mộ. Khi bốc mộ, ánh đèn pin ở dưới huyệt sâu cũng không hắt lên được nên giữ được bí mật. Sau hơn 2 giờ đồng hồ đào âm thầm đào mò trong rét mướt, hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Chấp được đưa vào túi du lịch an toàn. Cho đến tận lúc này, bác Chắn mới bật lên tiếng khóc chồng, vừa khóc vừa cắn chặt hai hàm răng cho khỏi bật ra thành tiếng. Ở vòng ngoài, bác Khoa đứng ngồi không yên vừa nghe ngóng vừa đoán chừng công việc tới đâu rồi và dự kiến các phương án chuẩn bị giải quyết các tình huống có thể xảy ra. Gần sáng, 3 người cùng với một túi du lịch trong vai người nhà đến thăm bác Khoa, Họ ở cơ quan “chơi” đợi chuyến tầu đêm trở ra Hà Nội.

Cụ Khoa kể: Lúc đó chỉ có mỗi chiếc xe đạp, tôi đèo từng người ra ga Si, cách cơ quan tôi gần 20 cây số. Ưu tiên cô Chắn ôm hài cốt chú Chấp trong túi du lịch đi trước, sau đó tôi quay lại đón 2 người còn lại. Vừa gấp gáp đạp xe, vừa thấp thỏm lo muộn giờ tầu chạy. Chắc linh hồn chú Chấp phù hộ nên tôi đèo chú Bình là người cuối cùng tới ga thì tầu đã nổ máy. Chú Bình vừa lên tàu thì còi hú và tầu chuyển bánh. Cụ Nguyễn Văn Doanh kể: “Ngồi trên tầu, không ai dám chợp mắt, chúng tôi thay nhau ôm giữ túi du lịch, chỉ sợ kẻ gian tưởng của cải mà lấy trộm thì không biết để đâu cho hết cái khổ của cả người chết lẫn người sống”. Thật vui mừng là hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Chấp được đưa về quê hương an toàn trong sự chờ đón của gia đình, họ hàng và bà con làng xóm.

Đưa được chồng về nghĩa trang liệt sỹ quê nhà, bác Nguyễn Thị Chắn yên tâm tập trung nuôi dạy con cái và tham gia công tác dân quân, phụ nữ rồi phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Thời chiến tranh, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược nên cái vất vả là vất vả chung vì cùng chung mục đích. Đất nước thống nhất, đời sống kinh tế khó khăn, bác Chắn phải bươn bả không thiếu việc gì, từ đồng áng, hàng sáo, nấu rượu, nuôi lợn… để nuôi con ăn học nên người. Mọi công việc gia đình, họ mạc đè nặng lên đôi vai người dâu trưởng. Không phụ công của người mẹ thiệt thòi, các con bác Chắn đã trưởng thành. Người làm giáo viên dạy Trường Y, người lấy chồng trong làng. Họ đều là những người con hiếu thảo và công dân có trách nhiệm được mọi người quý mến.

Điều đặc biệt cảm động tôi muốn nói ở đây không phải bác tôi là vợ liệt sỹ mà đặc biệt ở chỗ năm nay bác Nguyễn Thị Chắn đã gần 80 tuổi mà vẫn đang làm dâu, làm dâu thực sự chứ không phải chỉ là người con dâu do còn có mẹ chồng. Lại nữa, Gần 80 tuổi bác Chắn vẫn làm dâu cũng không phải do liệt sỹ Nguyễn Văn Chấp là người con duy nhất mà liệt sỹ còn 4 chị em có trai có gái. Họ đều là người tốt, thương mẹ, thương nàng dâu thiệt thòi. Nhưng, phận gái đi lấy chồng, phận trai đi công tác sau đó lại không trực tiếp ở quê, nên chỉ còn người dâu trưởng ở với mẹ chồng. Rồi đến lượt hai người con của bác Chắn cũng người đi học, đi công tác, người lấy chồng. Cho nên đến nay, mình bác Chắn ở tuổi thượng thọ vẫn tiếp tục làm dâu. 

Trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, biết bao mẹ liệt sỹ, vợ liệt sỹ, nhưng có một người vợ liệt sỹ gần 80 tuổi đang phụng dưỡng mẹ chồng, tất nhiên là mẹ liệt sỹ 102 tuổi như bác Nguyễn Thị Chắn thì quả là đặc biệt. Nếu đâu đó có người con dâu ở tuổi này đang còn phụng dưỡng mẹ chồng thì đã là hiếm. Đằng này, người con dâu ấy lại là vợ liệt sỹ và người mẹ chồng ấy là mẹ liệt sỹ. Trong căn nhà cũ 5 gian đã 4 lần sửa chữa, sớm khuya lầm lũi hai con người, một người già và một người rất già.

Nếu nói bác Chắn đang nuôi mẹ chồng thì có thể có ai đó nghĩ, cụ có chế độ mẹ liệt sỹ chứ. Vâng đúng vậy. Một cụ già 102 tuổi ăn uống đáng bao nhiêu. Rét thì có chăn, đệm, máy sưởi v.v… nhưng ai người trông nom cụ khuya sớm? Người già, trời cho sống đến tuổi trên một trăm cho dù có khỏe mạnh đến mấy thì cũng phải có người trông nom cận kề, có tỉnh táo đến mấy thì cũng không ít lúc trái tính, trái nết… Thế mà bác dâu tôi chiều được cụ. Không chỉ thế, một thời gian dài, bác Nguyễn Thị Chắn còn trông nom 2 người mẹ chồng trong ngôi nhà hiện tại vì cụ ông có 2 bà mà bà hai lại không có con.

Tôi nghĩ, không ở đâu và không bao giờ từ “ phụng dưỡng” được đầy đủ và chính xác như trường hợp này. Mười bảy tuổi lấy chồng. Được ở gần chồng cộng lại chưa được 8 năm, 33 tuổi góa phụ, 60 năm làm dâu, gần 80 tuổi đang tiếp tục phụng dưỡng mẹ chồng. Sự hy sinh, sức chịu đựng đã đi xa hơn, vượt cao hơn bổn phận. Nhiều người nghĩ bác dâu tôi không có nhiều thời gian đi đình, chùa. Đúng vậy! một mình trông nom một người già 102 tuổi thì có đi đâu được lâu. Nhưng nghĩ lại, cuộc đời bác Nguyễn Thị Chắn đã là một cuộc tu lớn. Tu tại gia. Tu tự tâm quả không sai.

Gần đây lần nào về quê tôi cũng vào thăm hai mẹ con – hai bà cụ, cụ mẹ và cụ con. Cảnh nhà lạnh lẽo, nếu không nghe tiếng vô tuyến thì tưởng như nhà vắng chủ. Cụ mẹ 102 tuổi lúc nằm, lúc ngồi trong buồng. Cụ con dâu gần 80 tuổi chăm nom vườn rau trước cửa, thỉnh thoảng lại chạy vào xem cụ mẹ ra sao. Nhiều lúc cụ con lại hí hoáy giã trầu cau cho cụ mẹ, rồi cả 2 cùng im lặng ngồi bỏm bẻm nhai trầu. Năm thì, mười họa các con, các cháu ào về một loáng rồi lại đi, còn lại 2 cụ lại lặng phắc buồn. Chỉ chiếc vô tuyến đặt ở nhà ngoài là không biết buồn thôi. Gần 80 tuổi, bác Chắn vẫn ngồi đầu mâm đơm cơm, múc cháo cho mẹ chồng. Gần 80 tuổi bác vẫn tần tảo làm dâu, rất thuần thục trong việc làm dâu còn làm mẹ chồng thì lại rất ngượng ngịu.

Trong những năm gần đây, ở làng Văn Nội nhiều người nhắc đến hai tấm gương về sự hiếu thảo hiếm thấy. Trường hợp thứ nhất chính là bố tôi – một cụ con ngoài 70 tuổi vẫn một dạ, hai vâng chăm sóc cụ bố trên 90 tuổi mà không một lời kêu ca. Thỉnh thoảng tôi có về ngủ ở nhà một tối, chứng kiến bố tôi chăm sóc ông nội tôi mà xúc động, vừa cảm phục, vừa thương. Ông nội tôi thường nhắc: Ông mong sau này, các cháu chăm sóc bố mẹ các cháu như bố cháu đã chăm sóc ông. Cách đây hơn một năm, ông nội tôi thanh thản ra đi ở tuổi 97.

Trường hợp thứ hai chính là bác Nguyễn Thị Chắn như tôi đã kể trên đây. Tôi vô cùng cảm phục những người như bố tôi và bác dâu tôi. Nhưng bố tôi có khác, bố tôi là con đẻ mà ông nội tôi lại chỉ có mình bố tôi. Còn bác Chắn là con dâu từ năm 17 tuổi, là vợ liệt sỹ từ khi 33 tuổi và 60 năm làm dâu. Cụ mẹ chồng cũng cháu con “đông đàn, dài lũ” nhưng lại gắn bó với người dâu trưởng. Nhắc đến vấn đề này, bác Nguyễn Thị Chắn bảo là nếu nói đến duyên phận thì đối với bác duyên thì ngắn mà phận thì dài. Kể cả trời cho mẹ chồng sống đến 110, 120 tuổi thì cũng vẫn thế, bác vẫn ở cùng để phụng dưỡng cụ cho tròn trách nhiệm con dâu. Chỉ sợ ông trời bắt bác ra đi trước cụ thì bác phải chịu.

Suốt thời gian hỏi chuyện bác Chắn, tôi không để ý gì đến chiếc vô tuyến vẫn đang mở. Chuẩn bị chia tay hai mẹ con – hai bà cụ thì một sự trùng lặp ngẫu nhiên đó là lời thoại của một nhân vật trong bộ phim phát ra từ chiếc vô tuyến: “Tôi thờ Phật là bởi vì trong lòng tôi có phật”. Có lẽ đây chính là sự cắt nghĩa rõ ràng nhất, đầy đủ nhất về sự hy sinh vô bờ bến và tình nghĩa cao đầy của bác dâu tôi – người vợ liệt sỹ gần 80 tuổi vẫn giành quyền phụng dưỡng mẹ chồng 102 tuổi

Theo: CSTC

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch