Vu Lan
Chuyển hóa tự thân để trở thành người con hiếu thảo
29/08/2011 00:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hiếu thảo đối với cha mẹ là một trong những chuẩn mực đạo đức căn bản của con người. Phụng dưỡng mẹ cha là lẽ đương nhiên, bạn không cần phải hỏi tại sao hay đặt điều kiện gì cả. Bởi công ơn của cha mẹ đối với con cái quá bao la và sâu nặng, không thể nào tính kể cho hết được.

Vì lẽ đó, đức Thế Tôn dạy rằng: “Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai ? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, xoa gội, tắm rửa và dầu tại đấy cha mẹ có đại tiểu tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi dưỡng chúng khôn lớn, giới thiệu chúng vào đời này”(Kinh Tăng Chi Bộ I).

Thật vậy, chúng ta hiện hữu trên cõi đời bắt đầu từ sự thương yêu kết hợp của cha mẹ mà hình thành. Trải qua mười tháng cưu mang nặng nhọc, rồi đau đớn khi sinh nở và nhiều năm tháng nuôi dạy con đến trưởng thành, bổn phận làm cha mẹ phải cam chịu không biết bao nhiêu khó nhọc, vất vả. Tình thương yêu của cha mẹ dành cho con hoàn toàn không có điều kiện, miễn sao con được mạnh khỏe ngoan hiền là cha mẹ thỏa nguyện, an lòng. Vì lẽ đó, ân đức của cha mẹ được ví như núi cao, biển rộng… Cha mẹ đã hi sinh lớn lao cho con như thế, nên đức Thế Tôn dạy dù cho con cái phụng dưỡng và hầu hạ mẹ cha suốt cả cuộc đời, vẫn chưa thể đền đáp được ân đức cao vời ấy.

Tuy nhiên nếu con cái chúng ta đem hết cả tấm lòng chân thật của mình để phụng dưỡng cho cha mẹ, thì vẫn được gọi là người con hiếu thảo. Lòng chân thật phải được biểu hiện cụ thể trong đời sống hàng ngày; mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ của mình đều luôn luôn dựa trên cái tâm định tĩnh và sáng suốt. Khi tâm hồn yên tịnh và trong sáng thực sự, thì việc hiếu dưỡng cho cha mẹ sẽ trở nên thành tựu một cách trọn vẹn.

Thực ra, món quà hiếu thảo lớn nhất để dâng lên cha mẹ chính là người con biết tạo dựng một nếp sống có đạo đức, có văn hóa; biết kính trên nhường dưới, sống hòa thuận với mọi người chung quanh và thân tâm được an lành mạnh khỏe, chứ không hẳn chỉ đem của ngon vật lạ dâng hiến cho mẹ cha. Bởi khi thấy con cái của mình an ổn vui vẻ thì mẹ cha mới thực sự yên lòng. Ngược lại, con cái thiếu căn bản đạo đức và văn hóa, không biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, xem nhẹ tình nghĩa anh em thì mặc dù người con ấy có cung phụng đầy đủ tiện nghi vật chất đến mấy chăng nữa, cũng vẫn xem là người không hiếu thảo. Do đó, việc hiếu kính đối với cha mẹ cần phải được học hỏi và quán chiếu trong từng hành động, lời nói và cách suy nghĩ của mình, để sống đúng với luân lí đạo đức làm người.

Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Phật dạy: “Này gia chủ, có năm trường hợp người con phải phụng dưỡng cha mẹ: Được nuôi dưỡng, con sẽ phụng dưỡng cha mẹ; con sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ; con sẽ giữ gìn gia đình và truyền thống; con bảo vệ tài sản thừa tự; con sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.

Này gia chủ, được con phụng dưỡng theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con cũng theo năm cách: Ngăn chặn con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp; dựng vợ, gả chồng xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con.

Này gia chủ, cha mẹ được con phụng dưỡng và cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách như vậy, gia đình sẽ an ổn, thoát khỏi các sự sợ hãi” (Kinh Trường Bộ II). Như vậy, ngoài bổn phận người con phải hiếu thảo, kính thờ thì các bậc cha mẹ phải chu toàn trách nhiệm của mình mới có thể xây dựng gia đình hạnh phúc.

Thế nhưng, trong cuộc sống vẫn có những bậc cha mẹ chưa tròn bổn phận, vì nghiệp lực chi phối nên họ chỉ biết nghĩ đến bản thân, không mẫu mực đạo đức để con cháu noi theo, và đôi khi lại còn gây ảnh hưởng không nhỏ cho con cháu. Trong trường hợp này, Đức Thế Tôn chỉ dạy rằng: “Này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào trí tuệ. Như vậy là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha” (Kinh Tăng Chi Bộ I).

Đã là con người thì bất cứ ai cũng có nghiệp lực riêng. Người thì tham danh lợi, kẻ ưa thích sắc đẹp, bạc tiền, v.v… Tuy nhiên, nghiệp vẫn có thể chuyển hóa và thay đổi tùy theo mức độ tu tập của mỗi người. Do đó, việc trợ duyên và tạo động lực giúp cho mẹ cha quy hướng Tam bảo để tu tập chuyển hóa những mê lầm, sống thảnh thơi an ổn là việc làm hết sức thiết thực của người con hiếu hạnh. Bởi khuyến tấn mẹ cha hướng thiện, bỏ tà quy chánh không chỉ đem lại hạnh phúc cho đời này mà còn cả những đời sau. Chính bản thân của con cái cũng thừa hưởng được ân đức khi cha mẹ biết sống “tốt đời đẹp đạo”.

Tuy nhiên, trong cuộc sống đầy nhiêu khê và phức tạp này, có nhiều việc xảy ra không được vừa ý như ta hằng mong muốn. Vì phải lo miếng cơm manh áo, cho nên con cái không có nhiều thì giờ để quan tâm và chăm sóc mẹ cha. Nếu có chăng nữa cũng chỉ là chào hỏi qua loa lấy lệ. Kỳ thực thì trong thâm tâm của mỗi người con đều hằng thương kính và tôn thờ song thân, nhưng vì hoàn cảnh thực tế của cuộc sống chưa cho phép chúng ta dành nhiều thời gian để chăm nom và phụng dưỡng. Và cứ thế, ta ước hẹn đến một ngày nào đó sẽ chu toàn hơn về hiếu nghĩa. Nhưng trớ trêu thay cuộc đời vốn vô thường, không có cái gì chờ đợi chúng ta cả. Rồi việc chưa đến đã đến, trong khi ta chưa kịp trở tay thì mẹ cha đã lặng lẽ từ biệt cõi đời, để lại niềm trống vắng, cô đơn và buồn tủi. Giờ đây, ta chỉ biết ân hận và tiếc thương trong muộn màng, khi phận làm con chưa kịp đáp đền thâm ân dưỡng dục đối với các đấng sinh thành. Thật xót thương biết bao cho những ai không còn cha mẹ, bởi cho dù chúng ta lớn khôn đến mấy chăng nữa, nhưng một khi mẹ cha mất rồi thì vẫn bị hụt hẫng và bơ vơ trong cuộc đời!

Những ai may mắn vẫn còn cha mẹ hiện hữu trên cõi đời này, thì phải biết trân quý và thừa hưởng, chứ đừng hứa hẹn ngày sau. Mỗi ngày bạn nên dành ít thì giờ để chuyện trò và lắng nghe những nhu yếu của song thân khi tuổi già. Bạn không nên nhờ vả cha mẹ phải ngồi suốt ngày trong nhà để bồng bế con cái cho mình. Bởi mẹ cha đã chịu rất nhiều cực khổ nuôi dạy cho ta khôn lớn, giờ đây bạn phải biết dành cho cha mẹ những ngày tháng thảnh thơi còn lại, hầu đáp đền phần nào ơn đức giáo dưỡng trong muôn một.

Để tận hưởng trọn vẹn tình thương yêu ngọt ngào của cha mẹ và chu toàn hiếu nghĩa của bổn phận làm con, bạn cần phải học hỏi đạo lí và chiêm nghiệm lại bản thân, tu tập chuyển hóa tự thân để thấy rõ từng hành động, lời nói và cách tư duy của mình đã thực sự đúng với hiếu đạo hay chưa. Vì khi ta sống trong mê mờ và lãng quên thực tại, thì cách cư xử với người thân sẽ dễ dàng chứa đựng những tính toán, ích kỷ của bản ngã tham sân si, mà lắm lúc ta không hề hay biết. Do đó, trở về với chính mình để thắp sáng hiện tại, nhằm điều chỉnh nhận thức và thái độ sống của mình để hiếu thảo hơn là vấn đề hết sức quan trọng. Bởi khi tâm yên tịnh, sáng suốt và thấy rõ mọi vấn đề tương quan trong cuộc sống này, thì mỗi hành động và lời nói của chúng đều được thiện lành, phù hợp với tinh thần hiếu hạnh. Và đó, chính là nội dung cụ thể và sâu sắc nhất của việc hiếu thảo đối với cha mẹ và các bậc tiền nhân.

VIÊN NGỘ (GNO)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch