PG & Thời đại
Thành tựu chánh kiến nhằm mang lại hạnh phúc cho số đông
Quảng Tánh
29/06/2011 06:32 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhận thức đúng đắn về tính duyên khởi tức thấy rõ trong cái này có sự hiện hữu, có liên hệ mật thiết của những cái kia, và ngược lại. Lợi ích của cá nhân (hay một nhóm) phải gắn liền với lợi ích cộng đồng, dân tộc và quốc gia...

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rừng Jetavana, dạy các Tỷ kheo:

Có một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người. Một người ấy là ai? Người có tà kiến, người có điên đảo kiến. Người ấy làm cho số đông xa lìa diệu pháp, an trú phi pháp. Chính một người này, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người.

Có một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư thiên và loài người. Một người ấy là ai? Người có chánh  kiến, người không có điên đảo kiến. Chính một người này, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư thiên và loài người.

(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Makkhali)

SUY NGHIỆM:

Hàng loạt biến cố nghiêm trọng xảy ra trên thế giới từ thiên tai, chiến tranh, xung đột cho đến thảm họa hạt nhân… trong thời gian gần đây đã cảnh tỉnh sâu sắc cho nhân loại về sự bất an của thế giới, sự mong manh giả tạm của kiếp người.

Quan trọng hơn, tác nhân chính yếu để cấu thành nên những biến động ấy không ai khác hơn chính con người, mà tiêu biểu nhất là những cá nhân (hay tập thể) lãnh đạo, đại diện cho các cộng đồng xã hội, quốc gia.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, nếu một người (đóng vai trò lãnh đạo) khi xuất hiện ở đời mà người ấy “có tà kiến, có điên đảo kiến, làm cho số đông xa lìa diệu pháp, an trú phi pháp” thì chính “sự xuất hiện ấy đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người”.

Dõi theo diễn biến của cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Tusnisia và hiệu ứng dây chuyền của nó lan rộng ra nhiều nước châu Phi hiện nay, chúng ta sẽ thấy rõ một điều: Cũng một con người ấy (Ben Ali, Gaddafi, Gbagbo…), ngày xưa họ là đệ nhất công thần, là anh hùng dân tộc nhưng sau một thời gian dài nắm quyền lãnh đạo đất nước đã biến chất, hủ hóa, tư lợi và nhất là cố chấp, bảo thủ, chỉ biết lợi ích cho riêng mình, không vì lợi ích nhân dân đồng thời dập tắt mọi nỗ lực hướng đến dân chủ, công bằng.

Chính “tà kiến, điên đảo kiến” tức nhận thức và quan điểm sai lạc của họ đã đi ngược lại lợi ích của toàn dân nên những người dân lầm than, thống khổ quyết vùng lên. Tất nhiên, bất cứ cuộc cách mạng nào cũng phải trả giá bằng xương máu, hy sinh và mất mát.

Không chỉ riêng lãnh vực chính trị xã hội mà ngay cả tôn giáo, tín ngưỡng và sắc tộc cũng vậy, nếu không vượt thoát “tà kiến, điên đảo kiến”, rơi vào cực đoan thì cũng khó tránh khỏi xung đột, gây nên “bất hạnh, bất lợi cho số đông”.

Do đó, mỗi cộng đồng, quốc gia và cả thế giới cần có những nhà lãnh đạo “có chánh kiến”. Chánh kiến, theo Phật giáo, là nhận thức và quan điểm đúng đắn, tương hợp với chân lý, có lợi ích lâu dài cho số đông.

Thấy rõ quy luật nhân quả và tính duyên khởi trong mọi hiện hữu là những biểu hiện cơ bản của chánh kiến. Nhân như thế nào thì quả như thế nấy, không thể khác được. Nếu nhân khiến cho dân tình thống khổ, ta thán thì quả không được nhân dân ủng hộ là đương nhiên.

Nhận thức đúng đắn về tính duyên khởi tức thấy rõ trong cái này có sự hiện hữu, có liên hệ mật thiết của những cái kia, và ngược lại. Lợi ích của cá nhân (hay một nhóm) phải gắn liền với lợi ích cộng đồng, dân tộc và quốc gia. Nếu chỉ vun vén cho riêng mình thì chắc chắn sẽ không tồn tại lâu dài, dù cho cố níu giữ bằng mọi cách, kể cả trấn áp bằng sức mạnh vũ lực.

Do đó, để xây dựng đời sống xã hội an vui, hạnh phúc và thịnh vượng lâu dài cần phải có những cá nhân (hay tập thể) sáng suốt, thông tuệ, nói cách khác là có chánh kiến. Ngược lại nếu tà kiến, thiếu sáng suốt và bảo thủ của giới lãnh đạo cùng với sự lầm than thống khổ của nhân dân là biểu hiện của sự tự diệt.

Đức Phật ra đời, thành tựu giác ngộ đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại hướng đến tuệ giác và từ bi. Những ai theo dấu chân Phật chắc chắn sẽ gặt hái được an lành. Những cộng đồng, quốc gia và khu vực có các nhà lãnh đạo “có chánh kiến”, sáng suốt, vì dân thì những nơi ấy sẽ phát triển, thịnh vượng.

(daophatngaynay.com)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch