PG & Thời đại
Thực hư việc phát lộ mộ táng Phật hoàng Trần Nhân Tông: Tin đồn phát xuất từ ước nguyện của nhân dân
27/12/2010 03:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày 12-12-2010, trong khi san ủi mặt bằng để cải tạo vườn tạp, ông Trần Thanh Tâm ở thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) đã đào được một số hiện vật như gỗ thơm, đai đồng, con lăn đồng, mảnh sành cổ...bước đầu phát lộ một ngôi mộ cổ. Ngay sau đó, ông Tâm đã báo cáo sự việc lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, không ít người hiếu kỳ đã kéo đến làm lễ, thắp hương khấn vái và xuất hiện những đồn đại trong dân chúng rằng đây là mộ táng của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Để rộng đường dư luận chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Trọng Hà - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh xung quanh vấn đề này.

Hiện vật tìm thấy khi phát lộ mộ cổ
 
* Là một trong những người có chuyên môn, kinh nghiệm khảo cổ học và đến hiện trường phát lộ ngôi mộ cổ đầu tiên, từ những hiện vật ban đầu đó ông có nhận định như thế nào?

 - Trước hết, việc phát lộ ngôi mộ cổ ở xã An Sinh là phát hiện tình cờ rất lý thú cả về lĩnh vực khoa học xã hội và chính trị văn hoá của một triều đại xưa cách chúng ta ít nhất 700 năm. Bởi ai cũng biết xã An Sinh xưa là một trong những nơi quê gốc, phát tích của nhà Trần (quê của An Sinh Vương Trần Liễu). Ngôi mộ được phát lộ là ngôi mộ còn tương đối nguyên bản. Qua những mảnh gỗ thơm (làm quách) ta có thể biết được kết cấu của ngôi mộ. Theo nhận định của một số nhà khoa học thì các hiện vật này có xuất xứ khoảng thế kỷ thứ 13. Theo tôi, khi tiếp tục khai quật sẽ có nhiều hiện vật hơn để khẳng định điều này. Kiểu mộ “trong quan ngoài quách” trước đó ở một vài nơi đã có, tôi đã được chứng kiến, và tại huyện Mạo Khê trước đó cũng đã khai quật được loại mộ này. Đây là kiểu mộ táng phổ biến thời Trần, bởi sau thế kỷ 13 người ta hay dùng mộ gạch kiểu Hán. Rõ ràng, ở đây có sự thay đổi và phát triển lớn từ táng thức kiểu gạch sang mộ gỗ.

* Sau khi ngôi mộ được phát lộ, nhân dân trong vùng An Sinh xôn xao rằng đây là nơi an nghỉ của Phật hoàng Trần Nhân Tông, bởi (cũng từ tin đồn) rằng các cơ quan chức năng đã chụp xuyên lòng đất, phát hiện thấy có di cốt trong tư thế ngồi thiền, xin cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

- Theo tôi, chuyện người dân gắn việc phát lộ ngôi mộ này với phát lộ mộ của Phật hoàng Trần Nhân Tông thì cần phải xem lại. Thứ nhất, trong lịch sử của ta ghi rất là rõ sau khi ngài viên tịch thi hài được hoả táng và những hạt xá lị còn lại được lưu lại thờ phụng ở chùa Hoa Yên (Yên Tử) và một số ngôi chùa ở tỉnh Nam Định. Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã ghi lại việc này. Thứ hai, theo một số thư tịch cổ, vào thời nhà Trần các nhà sư (vua Trần Nhân Tông xuất gia đầu Phật) sau khi viên tịch di thể đều được hoả táng nên không có mộ táng, theo quan niệm “cát bụi lại trở về với cát bụi”. Tuy nhiên, câu chuyện đồn thổi xung quanh việc phát lộ ngôi mộ này tôi cho rằng đó là ước nguyện của nhân dân trong vùng, muốn nơi mình đang sinh sống có một di tích linh thiêng để tôn vinh và tự hào. Còn việc dùng máy chụp xuyên lòng đất để thấy hình ảnh thì với kinh nghiệm của một người có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cổ tôi khẳng định ở Việt Nam chưa làm được điều này. Bởi nếu có kỹ thuật này thì không đợi đến lúc người dân đào lên người ta mới tìm đến để khai quật khảo cổ học.
 
Cùng với đó, tôi đánh giá việc tìm thấy ngôi mộ táng này có ý nghĩa rất đặc biệt. Từ trước đến nay ta mới nghiên cứu được các lăng tẩm của vua nhà Trần mà chưa có điều kiện nghiên cứu đến khu vực ngoại vi, các tầng lớp thấp hơn trong xã hội lúc bấy giờ như: quan, lính, dân cư... Tôi nghĩ rằng ngôi mộ này ở cấp thấp hơn, thuộc tầng lớp quý tộc trung lưu, gần với dân hơn. Việc nghiên cứu ngôi mộ cổ này có tầm quan trọng trong nghiên cứu cư dân, xã hội thời Trần. Qua đây cũng mở ra vấn đề đối với giới khảo cổ học là chúng ta cần có nghiên cứu tổng thể về vùng An Sinh cũng như khu vực xung quanh Yên Tử và cần sớm quy hoạch vùng tiềm năng khảo cổ học này. Tôi nghĩ, quy hoạch này không chỉ mang tính chất quy hoạch riêng biệt các vùng lăng tẩm, các khu di tích mình đã biết mà cả những vùng tiềm năng khác của vùng Yên Tử, Quảng Ninh.

* Các ngành chức năng đã có động thái gì xung quanh việc phát lộ ngôi mộ cổ này, thưa ông?

- Ngày 12-12 ngôi mộ được phát lộ thì ngày 13-12 chúng tôi đã có mặt tại hiện trường và phối hợp với các lực lượng tham gia bảo vệ các hiện vật vừa được phát lộ. Cũng trong ngày 13-12, UBND xã An Sinh đã có thông báo về việc bảo vệ khẩn cấp khu vực phục vụ khảo cổ đối với các chủ sở hữu đất có liên quan trên diện tích 2.200m2 và phối hợp với các cơ quan chức năng lập chốt bảo vệ ngày đêm tại khu vực này. Đến ngày 16-12, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 893/QĐ-SVHTTDL về việc khai quật khảo cổ khẩn cấp trên diện tích 50m2, thời gian từ 17-12 đến hết ngày 16-1-2011, đối với ngôi mộ cổ phát lộ tại thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, huyện Đông Triều (Quảng Ninh). Theo đó, những hiện vật thu được sẽ do bảo tàng tỉnh thu giữ, bảo quản để tránh hư hại. Các kết luận khảo cổ học cuối cùng sẽ được công bố sau khi đã hoàn tất việc khai quật, nghiên cứu và có kết luận khoa học gửi đến các cơ quan chức năng liên quan đánh giá, thẩm định.

Theo Đại Đoàn Kết

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch