PG & Thời đại
Phương Thanh: Ai cũng có quyền lên tiếng trước những gì làm phương hại tôn giáo mình đang theo
10/11/2012 12:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

"Là một Phật tử, tôi nghĩ mình có quyền bảo vệ quyền làm con của người nhà Phật. Trước tất cả những gì gây ảnh hưởng tới tôn giáo mình đang theo, ai cũng có quyền lên tiếng nói để bảo vệ," danh ca Phương Thanh khẳng định.

Sư Thích Pháp Định - người gây xôn xao dư luận thời gian qua vốn nổi tiếng với những mối quan hệ trong showbiz Việt. Ca sĩ Phương Thanh cũng thừa nhận đã từng gặp gỡ, nói chuyện cùng vị sư này, thậm chí còn nhận được lời mời đi hát từ sư Pháp Định.

Luôn đươc biết tới như một tín đồ lâu năm của đạo Phật, ca sĩ Phương Thanh đã không giấu được sự bất bình trước sự việc đang làm rùm beng dư luận vừa qua với nhân vật chính là những người khoác áo tu hành. Chia sẻ với phóng viên, nữ ca sĩ nổi tiếng đã có những phút trải lòng rất công tâm và sâu sắc về nhiều mặt của sự việc.

- Là một Phật tử mộ đạo, chị có suy nghĩ gì qua vụ việc hai nhà sư có những hành vi, lời nói phản cảm vừa qua?

Người tu hành dù theo bất cứ tôn giáo nào cũng phải có những giới hạn họ không thể vượt qua. Riêng trong đạo Phật, người tu hành ngoài việc giữ nghiêm giới luật còn phải là một tấm gương cho Phật tử và người mộ đạo noi theo. Chính vì vậy, những bậc tu hành đắc đạo thường có cách đối nhân xử thế, hành xử trong đời sống hết mực khiêm cung, giản dị nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của con nhà Phật. Vì họ đang là người đại diện cho tôn giáo họ theo.

Phật tử khi đi vào chùa cũng phải ăn mặc trang nghiêm, không nô đùa cợt nhả, không thân mật quá mức thì không có lý do gì những người tu hành lại không giữ gìn được sự trang nghiêm của họ. Cám dỗ đối với người tu hành cũng rất lớn, bởi dù sao họ cũng xuất thân từ những con người hết sức bình thường. Nếu vượt qua đươc những cám dỗ đó, họ sẽ là những người tu hành đắc đạo. Tuy nhiên, điều này rất khó khăn và không phải ai cũng có thể làm.

- Trong một bài phỏng vấn, nhà sư Thích Giác Ân có giải thích nụ hôn đó chỉ là "chuyện hết sức bình thường giữa con người với con người". Chị có nghĩ đó là một chuyện bình thường?

Chuyện những bậc tu hành đắc đạo nhận được sự bày tỏ yêu mến, kính trọng từ Phât tử không phải là chuyện hiếm, nhưng một nụ hôn thì tôi cũng chưa từng thấy bao giờ. Cùng lắm chỉ là môt cái nắm tay thật chặt để biểu lộ lòng thành của cả hai bên và nó cũng chỉ xảy ra trong tích tắc, bởi các bậc tu hành luôn có ý thức giữ gìn, tránh khỏi những cảm xúc đời thường.

Nhà sư Thích Giác Ân (người đội nón lá)

Ngược lại, Phật tử cũng phải có ý thức giữ gìn cho chính các thầy, bởi người thường dù có chuyện gì xảy ra cũng dễ được tha thứ hơn so với những người nhà Phật. Những người tu hành dù theo bất cứ tôn giáo nào cũng được những người mộ đạo tôn sùng, kính trọng và chính vì vậy, nếu để xảy ra lỗi lầm, sự chỉ trích dành cho họ cũng nặng nề hơn.

- Nhà sư Thích Pháp Định trong bức ảnh hôn nhau được đồn đại là có mối quan hệ khá rộng trong showbiz Việt. Chị từng gặp hay tiếp xúc với nhà sư này chưa?

Tôi có quen vị sư này và đã tiếp xúc một vài lần. Trước đây cũng có lần thầy Pháp Định ngỏ lời mời tôi đi hát nhưng tôi chưa từng tham gia. Qua những lần tiếp xúc, tôi thấy thầy Pháp Định "đời" quá và điều đó làm tôi không thích. Thầy đã là người xuất gia nhưng những sinh hoạt, tác phong của thầy vẫn còn rất "đời" và chính vì vậy, thầy sẽ rất dễ bị cám dỗ.

Còn trong những việc thầy Pháp Định làm vừa qua, theo tôi thì thầy đã hoàn toàn sai trái. Những việc làm của thầy đã làm tổn hại cho đạo Phât, chứ không còn chỉ là những sai lầm của một cá nhân. Khi đã khoác trên mình tấm áo người tu hành, thầy phải biết kiềm chế, biết mình nên làm và không nên làm điều gì, vì thầy đang là người đại diện cho nhà Phật.

Nhà sư Thích Pháp Định vui vẻ trong phiên đấu giá

Ngay cả việc đấu giá từ thiện chai rượu ngoại, những người như thầy cũng không nên làm. Đã bước chân vào cửa nhà Phật là phải tránh xa "tham - sân - si", nhưng hành động của thầy lại phạm chính vào điều đó. Hơn nữa, rượu là một trong những thứ cấm kị của nhà Phật, lẽ ra thầy phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định.

Có rất nhiều cách để làm từ thiện hợp lý và tốt đẹp hơn, ví dụ như tặng số tiền mặt hoặc hiện vật cho chương trình với tư cách của một người nhà Phật chẳng hạn.Còn việc tham gia đấu giá, đứng trên sân khấu cầm chai rượu ngoại lại hoàn toàn không đẹp, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh một người thầy tu, gây ảnh hưởng rất lớn tới Phật tử và những người mộ đạo.

- Nếu chị là một trọng những nghệ sĩ tham gia buổi đấu giá từ thiện hôm đó, liệu chị sẽ chọn cách ứng xử như thế nào trước những hành động phản cảm của hai nhà sư trên?

Rất tiếc là tôi không thể tham gia buổi đấu giá từ thiện hôm đó để chứng kiến toàn bộ sự việc, nhưng nhìn trên hình ảnh và lời tường thuật trên báo chí thì có vẻ như hai thầy đang làm trò hề cho mọi người. Người tu hành không thể nói những câu như vậy. Nếu tôi có mặt ở tại sân khấu lúc đó, chắc chắn tôi sẽ có phản ứng đúng với tâm trạng, cảm xúc của mình.

Phương Thanh là một Phật tử lâu năm và thường xuyên có những hoạt động hướng về nhà Phật

Là một Phật tử, tôi nghĩ mình có quyền bảo vệ quyền làm con của người nhà Phật. Và tôi nghĩ tất cả các tín đồ của tôn giáo khác cũng vậy. Trước tất cả những gì gây ảnh hưởng tới tôn giáo mình đang theo, ai cũng có quyền lên tiếng nói để bảo vệ. Trách nhiêm gìn giữ sự oai nghiêm của Phật pháp không chỉ của riêng các thầy, mà cả người đời cũng phải giữ cho các thầy tránh khỏi những cám dỗ đời thường.

Thậm chí, với cả những người mang tôn giáo khác nhau, viêc tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo của người khác cũng là một điều nên làm. Bởi đó cũng là cách họ giữ thể diện cho chính tôn giáo mình theo.

- Đây có phải là những trường hợp phản cảm hiếm hoi trong giới tu hành mà chị được biết?

Tôi chỉ nói như thế này: Các thầy đang là những người đại diện cho nhà Phật để truyền bá tinh thần, tư tưởng của Phật giáo, nên trách nhiệm của các thầy nặng nề và khó khăn lắm, không phải ai cũng có khả năng làm được.

Và không phải 100 người đi tu thì sẽ có 100 người đắc đạo, điều đó là không đúng. Trong số họ có những người mang nghiệp đi tu để nhận giao phó của nhà Phật truyền bá đạo tới mọi người, có người đi tu để trả nghiệp gia đình, nhưng cũng có những người vừa đi tu vừa gây nghiệp. Những trường hợp như thầy Pháp Định có thể nói là vừa đi tu vừa gây nghiệp cũng không sai.

- Sau những sự việc vừa qua, sư Pháp Định đã phải nhận hình thức xử phạt "biệt chúng", tức là không được tiếp xúc với bất cứ một ai trong vòng 3 tháng. Theo chị thì đó có phải là một hình thức xử phạt thích đáng?

Theo những gì tôi được biết thì đó là một hình thức xử phạt khá nặng nề trong nhà Phật, nhưng nó lại hoàn toàn cần thiết và đúng đắn. Tôi cũng hy vọng rằng điều này sẽ chứng tỏ sự nghiêm khắc, minh bạch của nhà Phật và là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người tu hành trước những cám dỗ đời thường.

Theo Lâm Anh - Xzon

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch