PG & Thời đại
Lễ hội là sự tích luỹ và phản ánh thực tế cuộc sống
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
24/02/2011 22:42 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sau một giai đoạn im ắng khá dài, những năm gần đây, lễ hội tâm linh ngày càng phát triển, lượng người tham gia vào các lễ hội này ngày càng đông.


Cùng với nó, hiện tượng cúng bái quá mức, hành động phi văn hoá khó chấp nhận cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại các lễ hội, ở ngay những nơi vốn được coi là thiêng liêng nhất trong cõi tâm linh của người Việt.

Hiện tượng đó nói lên điều gì và làm cách nào để trả các lễ hội tâm linh về đúng bản sắc thiêng liêng trong sáng, nhân bản của nó là điều mà chúng tôi hướng đến.

Đầu năm là thời điểm đặc biệt, có sự bùng nổ của tâm thức cộng đồng, do vậy cũng là thời điểm có nhiều lễ hội tâm linh được tổ chức. Đây là sự tích tụ những điều tốt đẹp của hệ thống văn hoá nhưng đồng thời cũng tích tụ nhiều điều tiêu cực của chính đời sống văn hoá đó.

Ngày xưa cũng vậy. Những tư liệu chụp về lễ hội trước Cách mạng tháng tám cho thấy ở đó những hình ảnh về lễ hội rất bệ rạc, nghèo nàn.

Một xã hội mà tiêu cực chưa được triệt tiêu và có vẻ như ngày một phổ biến hơn, thì việc tích luỹ những nét tiêu cực đó vào các lễ hội sẽ như một điển hình, đó là điều có thật.

Lý do, theo tôi, vì nước ta vốn nghèo nàn, chiến tranh liên miên, lại có một thời kỳ phát triển thiên hẳn về kinh tế với mọi phương cách, kết quả là chúng ta có khá lên, có giàu lên, nhưng không bền vững về mặt văn hoá, đến mức một thời kỳ khẩu hiệu tiết kiệm bị coi là phù phiếm, lạc hậu.

Cho nên, đến lễ hội thường thấy các hiện tượng giống nhau: hướng đến việc cầu tài, cầu lợi, cầu chức, cầu quyền, thậm chí là mua thần bán thánh…

Danh lợi trở thành mục tiêu số một tại đây và người ta sẵn sàng mua chức bán quyền ngay trước cửa thánh. Ai cũng có xu hướng thương mại hoá.

Những bãi giữ xe tìm cách chặt chém. Ăn mày giả tràn lan. Dân vét cạn thiên nhiên để biến thành tiền, dù không nhiều nhặn gì. Thanh niên thì ưa bạo lực: hội cướp cầu, đám vật, kéo co… lúc nào cũng có thể biến thành loạn đả!

Trong các đền chùa, cũng có một vài nơi mạnh mẽ về kinh tế và có sự cạnh tranh lẫn nhau (lẽ ra, nhà chùa chỉ quan tâm đến tiền bạc ở chỗ dùng cho việc hoằng pháp – mở rộng Phật pháp của nhà chùa và từ thiện).

Tôi được biết có tượng Phật mà được hô nhập tượng đến…13 – 14 lần! Xóc thẻ, xin thẻ, đồng bóng… cũng có vài sư làm! Còn người dân, chen chúc nhau để làm lễ giải hạn.

Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do cuộc sống quá nhiều bất trắc đua chen, người ta luôn cảm thấy không yên ổn nên tìm đến chốn linh thiêng.

Giá cả tăng, đôla tăng, vàng tăng giá… cũng khiến người ta muốn đến đây tìm sự an ủi. Biết than thở với ai ngoài thánh thần?

Và thực tế là xu hướng thực dụng trong văn hoá tâm linh đã bất chấp những mong muốn đúng đắn và lành mạnh.

Có thể thấy, chuyện vợ con một số quan chức, đại gia phía Bắc đi chùa cầu lợi, cầu danh cũng giống như vợ con một số quan chức, đại gia phía Nam mang tiền sang Campuchia đánh bạc…

Tôn giáo, tâm linh thường phát triển cực đại ở những không gian xã hội nhiều bất ổn. Bằng chứng là thời xưa, tôn giáo thường đến những vùng xa xôi, hẻo lánh để dựng lập như vùng ven biển, rừng núi – là những nơi rất nghèo khó, bất trắc nhiều.

Giờ, ở đô thị, việc cầu cúng “bùng nổ” như vậy, có phải vì người ta thấy nhiều bất trắc về tương lai, về phương hướng làm ăn… như người xưa thấy bất trắc trước hổ beo, sóng dữ?

Có lẽ, sự vận động của một xã hội sang “dân giàu nước mạnh” chưa có sự tương thích về chính sách, hiệu quả?

Nên chăng, phải “dọn dẹp” lại một số điều. Tôi đã từng đi nhiều, gặp gỡ nhiều nhà sư. Nhiều người tốt, nhưng cũng có người đã để cho tình trạng thương mại hoá len vào tận nơi thiêng liêng nhất.

Rồi các cơ quan quản lý cũng vậy, đặc biệt bộ phận quản lý ở cấp xã phường. Họ phải làm gì và có trách nhiệm gì chứ?

Theo: SGTT

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch