PG & Thời đại
Nghề mộc dựng đình, chùa, từ đường ở Chương Mỹ: Làm không hết việc
28/09/2011 08:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ở Chương Mỹ, trong khi nhiều làng nghề lao đao, thì nghề mộc, đặc biệt là dòng dựng nhà thờ tư gia, từ đường, đình, chùa… lại trở thành một nghề "hot", người lao động làm không hết việc, thu nhập cao, còn khách phải đặt hàng trước cả năm... Khắp dọc dài Bắc - Nam, đâu đâu cũng có dấu chân của những người thợ làng mộc Phù Yên, xã Trường Yên và làng Phúc Cầu, xã Thụy Hương...


Tung hoành Bắc - Nam

Trên đất Chương Mỹ có một làng nghề truyền thống từ hàng trăm năm nay - làng mộc Phù Yên - Trường Yên. Những ông phó cả khéo tay của làng khẳng định, sản phẩm của họ ngang ngửa với mộc Đồng Kỵ. Ở Phù Yên, ngay cả con gái cũng biết cầm đục, cầm tràng, điều khiển máy xẻ, máy cưa một cách thành thạo. Anh Nguyễn Chí Mười, xóm Đồi, thôn Phù Yên, chủ một cơ sở chuyên dựng nhà gỗ cho các tư gia nói với chúng tôi: Thời gian gần đây, xu hướng làm nhà gỗ gia tăng ở khu vực nông thôn. Nhiều người thành đạt, muốn được báo hiếu tổ tiên hoặc xây dựng cho mình một khuôn viên với nhà gỗ 5 gian 2 chái để nghỉ ngơi vào những dịp nghỉ dưỡng. Những ngôi nhà nhỏ nhanh cũng phải vài tháng, chậm thì 1, 2 năm mới xong được. Số tiền cho việc dựng nhà ít nhất cũng phải 2 đến 3 tỷ đồng nên lương thợ rất xứng đáng, cơm rượu rồi cũng 150.000 - 200.000 đồng bỏ túi mỗi ngày.

Rời Phù Yên chúng tôi đến làng nghề Phúc Cầu (Thụy Hương), nơi có 105 hộ với xấp xỉ 400 lao động. Ở đây có nhánh chuyên làm đình chùa, miếu mạo. Có chừng mười hiệp thợ làm mộc lớn nhưng nổi tiếng nhất là tay nghề của mấy bố con ông Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Sòng, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Đàm, Nguyễn Văn Luận, Nguyễn Văn Dậu… Mỗi người chỉ huy một hiệp thợ, trong đó hiệp của anh Đàm lớn nhất với quân số chừng 100, còn lại khoảng 50-70 thợ, tung hoành khắp Nam - Bắc.

Làm đình, chùa khó hơn công trình dân dụng, khó nhất là lấy mực thước (lấy tỷ lệ, thiết kế). Người thợ giỏi, trước khi làm đã tự "vẽ" trong đầu mình, mảnh đất ấy, yêu cầu ấy sẽ dựng được công trình với tỷ lệ nào mới hài hòa, mới đẹp. Hết mực thước mới đến công đoạn chạm trổ hoa văn. Trước đây làm toàn bằng lim nhưng giờ thì tùy theo túi tiền, ngày xưa đình chùa chỉ 4 mái, 8 mái, giờ 12 mái rồi đến cả 16 mái… công phu, đắt tiền lắm. Tiếng tăm của mấy anh em họ Nguyễn cứ thế mà định hình, công trình qua tay họ "đều như vắt chanh".

Phụ nữ xóm Đồi, thôn Phù Yên, xã Trường Yên tham gia các công đoạn làm mộc, dựng nhà gỗ.

Cách đây không lâu, có một ông khách người Mỹ, ông Sòng không nhớ tên, đến tận nhà gõ cửa nhờ anh em ông làm cho… một cái chùa. Yêu cầu của ông khách khá lạ, làm 8 mái bằng gỗ lim, hình thức hệt như chùa Một Cột. Cứ non tháng, ông lại bay vượt đại dương từ Mỹ về để quay quay, chụp chụp, đốc thúc tốp thợ làm theo ý mình. Khi dựng thành khí trên mảnh đất làng Phúc Cầu, ai cũng trầm trồ. Công trình đẹp đến nỗi, ông Tây cứ xuýt xoa thích thú. Ngôi chùa sau đó được dỡ ra, đóng vào từng công ten nơ lên tàu, ngược vạn dặm về tận bên kia đại dương.

Cái tâm với nghề

Trong nghề, ông Sòng nói, có không ít tiểu xảo, thường thấy ở những công trình đầu tư toàn "tiền chùa". Tinh vi nhất là chuyện "ăn gỗ". Không như xi măng, sắt thép giấu vào trong khó đo đạc, gỗ bao nhiêu mét, dày mỏng ra sao phô ra ngoài hết. "Ăn" ở đây là chuyện tráo đổi gỗ. Ví như lim có rất nhiều chủng loại, giá tiền khác nhau, lim Việt, lim Lào, lim Nam Phi, lim Indonesia… mỗi mét khối chênh nhau vài triệu đến chục triệu đồng. Tuy vậy, làm công trình địa phương, các hiệp thợ họ Nguyễn luôn lấy tâm là chính, chẳng bao giờ dám làm xằng bậy. Uy tín càng lớn, việc càng nhiều.

Tuy nhiên có một thực tế là dù chủ các hiệp thợ muốn tăng lao động để mở rộng quy mô hoạt động lại hết sức khó khăn. Vì số người gắn bó với nghề này có tay nghề tinh xảo không nhiều. Đến nay, thợ mộc Phù Yên đã vác tràng, vác đục đi ăn cơm khắp thiên hạ. Số lao động ở lại chỉ làm thợ phụ, học theo kiểu kèm cặp, cầm tay chỉ việc chứ không được đào tạo chính quy. Nhiều thanh niên tại đây chấp nhận đi làm thuê, làm xây dựng, làm công nhân tại các khu công nghiệp chứ ít gắn bó với nghề cha ông. Theo anh Nguyễn Chí Mười, để học được nghề theo đúng nghĩa từ công đoạn dễ nhất như bào, đục lỗ, sàm mộng đến đục chạm, điêu khắc. Người sáng ý dạy 1-2 năm thành nghề, người kém có dạy 5-7 năm về vẫn chỉ bám con trâu. Kỳ công là thế nên không phải thanh niên nào cũng đủ nghị lực để theo nghề. Điều đáng nói là xu hướng chọn nghề của thanh niên hiện nay, nhiều người sẵn sàng làm công nhân ngày 8 tiếng ở các nhà máy, khu CN… và cho rằng thế mới thời thượng nhưng thu nhập thì không bằng một nửa nếu theo làm nghề mộc.

Theo Bạch Thanhn - HNM

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch