PG & Thời đại
Phải làm cho chùa Một Cột trở thành viên ngọc
07/10/2011 08:31 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Dù trùng tu chùa Một Cột thế nào thì cũng phải xứng tầm di tích quốc gia, tương xứng với quần thể khu di tích Hồ Chí Minh và để chùa thực sự trở thành viên ngọc của Thủ đô.

Ngày 30/9, UBND quận Ba Đình đã tổ chức Hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học và các nhà quản lý về việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Một Cột- chùa Diên Hựu. Hiện, đã có hai phương án trùng tu chùa Một Cột được đưa ra nhằm xin ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, dù phương án nào được lựa chọn thì cũng phải làm sao khiến cho di tích lịch sử hơn một ngàn năm tuổi tương xứng với cảnh quan xung quanh và trở thành viên ngọc của Thủ đô.

Chưa tương xứng biểu tượng Thủ đô

Một thực tế mà lãnh đạo quận Ba Đình, ông Đỗ Viết Bình- Phó Chủ tịch UBND quận khẳng định, đó là chùa Một Cột đã không được quản lý tốt, để xảy ra những tình trạng lộn xộn, gây mất mỹ quan ở khu Di tích quốc gia này. Nhà tăng xây sát vào hậu cung, nhà Mẫu, hàng quán lộn xộn ngay trong khuôn viên di tích gây phản cảm… Trong khi đây là di tích quốc gia, nằm trong khu di tích quốc gia đặc biệt, song đánh giá của Ban quản lý dự án quận Ba Đình cho rằng “Tổng thể đang bị xuống cấp, không phù hợp với cảnh quan di tích xung quanh, sân đường không đồng bộ, hệ thống thoát nước không đảm bảo, hệ thống cây xanh phát triển tự phát, cảnh quan chung của di tích lộn xộn, mất mỹ quan”.

Đánh giá của Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho rằng: “Tường bao quanh chùa Một Cột xây bằng sân gạch, đường bằng xi măng như hiện nay là rất tù túng, không tương xứng là một công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất của thời Lý. Bậc lên chùa cũng không đúng, không khớp gì với kiến trúc”.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng: “Điều đó không thể trách ai, do chiến tranh đã phá hoàn toàn nên năm 1954, xây lại không đúng như nguyên mẫu. Trong lịch sử ghi rõ, cột chùa được làm bằng đá. Vậy có thể, bậc lên xuống chùa cũng phải làm bằng đá. Nhưng hiện nay, bậc lên xuống thì làm bằng xi măng, dáng thô. Cột cũng là cột bê tông cốt thép, không có giá trị kiến trúc”.

Cùng băn khoăn về thực trạng của chùa Một Cột, Giáo sư Phan Khanh chia sẻ: “Mỗi lần đến chùa Một Cột là tôi lại áy náy. Sinh thời, GS Trần Quốc Vượng cho rằng, chùa Một Cột của chúng ta to lớn hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng do thời gian, mỗi lần làm lại chúng ta lại làm bé hơn”. GS Phan Khanh cũng chia sẻ, cột chùa chắc chắn được làm bằng đá, nếu trùng tu, phải làm lại bằng đá chứ không thể là bê tông cốt thép như hiện nay”.

Đại diện Sở VHTTDL Hà Nội cũng cho rằng, việc dột ở chùa Một Cột không phải là chuyện lớn mà theo khảo sát của Sở việc mái che, mái vẩy, hàng quán lộn xộn ở chùa mới là vấn đề. Năm 1997, Nhà nước đã đầu tư xây nhà Tổ ở chùa bằng gỗ Lim, mái ngói ta. Từ đó đến nay, mái ngói chưa một lần được đảo, thì việc mưa dột là chuyện bình thường. Hệ thống thoát nước cũng hoạt động tốt, trận lụt lịch sử năm 2008 thì không thể tránh khỏi việc lụt ở chùa Một Cột bởi Hà Nội chỗ nào cũng lụt. Việc trùng tu di tích hiện nay phải quy hoạch lại sao cho các yếu tố mới không lấn át lên kiến trúc cũ, lộn xộn, không xứng tầm một di tích lịch sử quốc gia như hiện nay.

Chùa Một Cột phải là viên ngọc của Thủ đô

Việc trùng tu chùa Một Cột của UBND quận Ba Đình nhận được sự đồng thuận cao của các nhà khoa học, các nhà quản lý, nghiên cứu. Tuy nhiên, trùng tu sao cho chùa trở thành một viên ngọc của Thủ đô, tương xứng với Khu di tích lịch sử Hồ Chí Minh là niềm mong mỏi của các nhà khoa học.

GS Phan Khanh cho rằng: “Cần một tầm suy nghĩ, tầm nhìn xa khi đưa ra phương án trùng tu chùa Một Cột để chùa tương xứng với Khu di tích Hồ Chí Minh. Cần một cuộc hội thảo sâu mà theo tôi nên đặt tên là “Chùa Một Cột xưa và nay, vấn đề trùng tu, tôn tạo”. Từ đó, chúng ta tập hợp được những tư liệu cổ để thấy chùa xưa như thế nào. Và khi làm lại, phải làm sao cho chùa giống với ngày xưa nhất”.

Theo GS Phan Khanh, không nên giữ lại những bức tường bao xây bằng gạch thông thường. “Chúng ta đã khảo sát được Hoàng thành Thăng Long, phát hiện ra bao nhiêu họa tiết, hoa văn thời Lý như lá đề, nghê, gốm sứ… Tại sao không tái tạo những hoa văn này và đưa vào bao quanh chùa Một Cột thay vì những bức tường bao chẳng có chút giá trị kiến trúc nào như hiện nay? Phải làm sao, khi đi xung quanh bảo tàng Hồ Chí Minh, nhìn sang phía chùa Một Cột, ta thấy lấp ló một viên ngọc thời Lý giữa thời đại Hồ Chí Minh mà chúng ta, những con người thời đại Hồ Chí Minh đã tái tạo lại được”- GS Khanh nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của GS Khanh, ông Nguyễn Quốc Tuấn cũng cho rằng, không nên xây thêm nhà tăng trong khuôn viên di tích nữa vì không gian chỉ có thế. “Hiện nay khi đứng từ sảnh bảo tàng Hồ Chí Minh nhìn sang, đã thấy nhiều mái, nhiều nhà lắm rồi, nếu xây thêm sẽ che khuất, lấn át chùa Một Cột. Nếu chúng ta tu bổ, thì nên chuẩn bị kỹ hơn từ kiến trúc đến vật liệu. Thời Lý là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc trên đá. Rồng, mây… thời Lý vừa sinh động, vừa uyển chuyển. Cha ông ta thời ấy vượt xa Trung Hoa về nghệ thuật điêu khắc trên đá. Bởi vậy, ngoài cột đá thì lối lên xuống cũng phải làm bằng đá”- ông Tuấn khẳng định.

Đây cũng là ý kiến được Phó Chủ tịch quận Đỗ Viết Bình đồng tình. Ông Bình cho rằng: “Mặt bằng thế nào, thiết kế ra sao phải được xây dựng chặt chẽ khi đưa ra dự án. Không được che khuất chùa Một Cột, ở góc nào cũng phải nhìn thấy chùa. Chùa Một Cột không phải là nơi đào tạo tăng ni phật tử nên không cần xây nhiều khu vực phục vụ nhu cầu ở”. Ông Bình cũng cho hay, trước mắt, đề nghị phường Đội Cấn giải tỏa ngay hàng quán, nhà ở không đúng quy hoạch khu di tích, đảm bảo tính tôn nghiêm và vệ sinh trật tự ở di tích quốc gia này. Ngoài ra, trong khi chờ dự án được đồng thuận và đi vào triển khai, sẽ tổ chức nhiều hội thảo và ngay trong tháng 10 sẽ phải có một cuộc hội thảo đầu tiên trưng cầu ý kiến các nhà khoa học, lịch sử, các nhà nghiên cứu để đi đến lựa chọn một phương án bảo tồn tối ưu nhằm phát huy giá trị di tích đặc biệt này.

Ban Quản lý dự án quận Ba Đình đã đưa ra hai phương án dự kiến trùng tu chùa Một Cột nhằm xin ý kiến các nhà khoa học. Theo đó, cả hai phương án đều thực hiện trên phương pháp bảo tồn nguyên trạng, chỉ thay những yếu tố hỏng, đảm bảo tính nguyên gốc. Trong đó, phương án thứ nhất là dỡ bỏ những nhà xây mới như nhà tăng (sát với hậu cung, nhà Mẫu), khu ăn ở, vệ sinh mới mọc lên trong khuôn viên chùa không phù hợp với quần thể di tích. Phương án thứ hai được đưa ra là xây ghép nhà Tăng và nhà Tổ vào một diện tích để đỡ tốn không gian sử dụng.

Theo Hà An - TQ

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch