PG & Thời đại
Quan điểm của Phật giáo về sức khỏe tâm thần
13/05/2013 18:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sức khỏe và bệnh tật là nằm trong số những điều được quan tâm nhất của con người, và chúng cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ tôn giáo.

NSGN - Sức khỏe và bệnh tật là nằm trong số những điều được quan tâm nhất của con người, và chúng cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ tôn giáo.

Tôn giáo, cho dù thường nói về một thế giới tốt lành nào đó ở kiếp sống sau, vẫn luôn nhấn mạnh và đề cao vấn đề sức khỏe ở trong đời hiện tại, xem sức khỏe là một trong các điều kiện cần thiết và tiên quyết cho một đời sống có ý nghĩa ở nơi cõi đời trần tục tạm bợ này. Và bằng cách này hay cách khác, tôn giáo cũng cung cấp cho tín đồ của mình những cách thức và phương pháp để nâng cao sức khỏe, cũng như giúp họ có thể giải quyết tật bệnh và khổ đau ở trong đời sống.

Khổ đau và phương pháp đoạn trừ khổ đau là điều được nhắc đến thường xuyên trong kinh sách Phật giáo. Phật giáo khởi đầu nơi việc tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề khổ đau (dukkha) - nỗi khổ kiếp người đến từ sanh-già-bệnh-chết. Thái tử Siddhartha, người về sau là Đức Phật Gotama, đã thực hiện việc kiếm tìm này trong một hành trình tâm linh; và kết quả của cuộc hành trình này là Ngài đã đạt được giác ngộ giải thoát.

Quan tâm của Đức Phật về những khổ đau liên quan đến đời sống con người đã trở thành một điểm trọng tâm trong giáo pháp của Ngài. Nó đã trở thành một “Thánh đế” trong giáo lý Tứ diệu đế, mà điều đó cho thấy rằng đời sống con người được nối kết không thể tránh được với những trạng huống gây nên đau khổ. Và trong nhiều những nguyên nhân gây nên khổ đau, bệnh là một vấn đề mà có lẽ mọi người đều cảm nhận được khi sống ở cõi đời này. Và nếu như bệnh là một nguyên nhân gây nên khổ đau, thì không bệnh hay có được sức khỏe tốt là một điều hạnh phúc.

Có được sức khỏe là mong muốn chung của con người. Bất kể là người giàu có quyền uy hay người nghèo khó thấp kém, ai ai cũng mong ước có được sức khỏe tốt. Nhưng thông thường khi nói đến vấn đề sức khỏe, ta vẫn hay liên hệ đến sự có bệnh hay vắng mặt bệnh nơi thân thể vật lý chứ ít nghĩ đến sự có mặt hay vắng mặt bệnh ở nơi tâm. Nhưng rõ ràng rằng sức khỏe không chỉ hạn định ở nơi thân thể vật lý mà nó cũng bao gồm lĩnh vực tâm lý. Nói cách khác, không chỉ thân thể vật lý chịu bệnh tật mà tâm cũng mang bệnh; và bệnh tật hay sự không mạnh khỏe của tâm cũng gây nên những khổ đau và nguy hiểm không kém bệnh tật thuộc thân thể vật lý. Và như vậy, người có sức khỏe không chỉ là người không có sự ốm đau ở nơi thân xác, mà cũng không có sự “ốm đau” ở nơi tâm thần.

Quan điểm của Phật giáo về sức khỏe

Như trên đã nói, sức khỏe bao gồm hai phần: sức khỏe vật lý và sức khỏe tâm lý. Sức khỏe vật lý, theo cách nhìn của Phật giáo, có mặt khi những bộ phận của thân thể hoạt động bình thường và giữ đúng chức năng của chúng. Khi một trong những bộ phận của thân thể không hoạt động đúng chức năng hay bị khiếm khuyết chức năng, thì sự suy nhược hay bệnh tật xảy ra. Chức năng của những bộ phận cấu thành nên thân thể hoạt động bình thường chỉ khi bốn yếu tố chính (tứ đại/ dhatu) ở trong cơ thể giữ được sự hòa hợp và thăng bằng. Bốn yếu tố đó là đất (pathavi), nước (apo), gió/ khí (vayo), và lửa/ hơi nóng (tejo). Khi sự hòa hợp và cân bằng giữa bốn yếu tố này mất đi, các bộ phận cấu thành nên cơ thể sẽ đánh mất chức năng thông thường của chúng và một trạng thái bệnh xuất hiện. Nhưng cơ thể vật lý, cũng giống như những hiện tượng khác, luôn chịu sự biến đổi và hủy hoại, do đó bệnh tật là điều người ta không thể tránh khỏi, cũng như không thể tránh khỏi lão-tử khi đã sinh ra ở cõi đời. Vì vậy, sự khỏe mạnh của con người không thể là sự vắng mặt hoàn toàn bệnh tật ở trong đời sống, mà chỉ là sự vắng mặt bệnh tật ở một mức độ tương đối. Và một số người có quan điểm rằng, sự khỏe mạnh không chỉ là khi ta (tạm thời) không bị bệnh, mà sự khỏe mạnh còn đến từ cách ta biết học cách “sống chung với bệnh”, cũng như tìm cách sử dụng chúng và vượt thoát khỏi chúng để phát triển bản thân và hiểu người khác bằng một sự cảm thông hơn.

Tuy nhiên, dù là tương đối, sức khỏe vật lý thật sự quan trọng bởi vì Phật giáo xem nó là phương tiện cho việc phát triển đời sống tâm linh. Bệnh tật vật lý rõ ràng có thể hạn chế việc tu tập của một người. Một người đau yếu đứng ngồi không vững thì cũng khó hành thiền hay niệm Phật. Chính Đức Phật đã từng kinh nghiệm điều này sau khi thực hành sáu năm khổ hạnh, và nhận ra rằng sự giác ngộ không thể đến với một người có thân thể hoàn toàn suy nhược. Tuy nhiên, dù giữa thân và tâm có mối liên hệ mật thiết, và dù thân thể vật lý có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống tinh thần, Phật giáo thường nhấn mạnh vào tâm cũng như quan tâm nhiều đến việc phát triển và rèn luyện tâm. Và trong một số bài kinh, tâm (ý) được xem là nguồn tạo tác nên đời sống của con người, và khổ đau hay an lạc cũng từ tâm mà xuất khởi.

Như đã nói, rõ ràng khó có được một tâm thần khỏe mạnh ở trong một cơ thể đầy tật bệnh và suy nhược. Nhưng, cho dù có được một thân thể khỏe mạnh, nhưng tâm vẫn có thể không khỏe mạnh khi nó chất chứa đầy nhiễm ô, phiền não, tham lam, sân hận, si mê, cao ngạo, nghi ngờ… Khi một người chất chứa trong tâm những thứ này, theo cách nhìn của Phật giáo, người đó được xem là không có một tâm thần mạnh khỏe, hay nói cách khác là người đó đang bị tâm bệnh. Và ngược lại, khi một người không có những phiền não trong tâm, không bị những khổ đau dày xé trong lòng thì người này được coi là có sức khỏe tâm thần.

Trong Phật giáo có ba điều căn bản khiến cho con người thấy bất an và đau khổ, có thể được xem như là căn gốc của tâm bệnh, đó là tham, sân, và si. Ba điều này là những trạng thái tâm bất thiện (akusala-citta), và những trạng thái tâm bất thiện được coi là những trạng thái tâm bệnh. Bên cạnh “tam độc” này, trong Phật giáo, cụ thể là trong Abhidhamma và Duy thức, ta thấy có đề cập đến nhiều trạng thái tâm bất thiện hay tiêu cực khác.

Rõ ràng rằng trạng thái tâm bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe vật lý, và rộng hơn còn ảnh hưởng đến đời sống của người khác và xã hội mỗi khi nó được thể hiện qua hành động. Trong đường đạo, trạng thái tâm bệnh là chướng ngại lớn cho việc phát triển đời sống tâm linh. Do đó, việc rèn luyện hay tu tập tâm để phát triển một tâm thức khỏe mạnh là điều kiện tiên quyết trong việc tu đạo.

Giải pháp Phật giáo đối với sức khỏe tâm thần

Con đường tu tập theo Phật giáo, dù được phân chia thành nhiều pháp môn khác nhau nhưng không có pháp môn nào vượt ra khỏi ba trụ cột chính là giới (sīla), định (samādhi) và tuệ (prajñā). Việc rèn luyện tâm, để cho tâm thức được trong sáng, lành mạnh hay nói chung hơn là để giảm đi những ô nhiễm và phiền não nơi tâm, cũng không thể không ứng dụng con đường đạo ba bậc (Tam vô lậu học) then chốt này.

Giới (sīla) nói chung được hiểu là những luật lệ hay khung sườn đạo đức của đời sống một người. Đức Phật dạy nhiều về cách sống và hành xử với bản thân và tha nhân cũng như những loài sống khác. Giáo pháp của Ngài có thể được xem như là lời khuyên thực tiễn về cách sống tốt, lành mạnh có ích cho mình cho người…. Cách sống mà Ngài đã quy định cho những đệ tử của Ngài, mà nó vẫn còn là một khuôn mẫu có giá trị cho những hành giả ngày nay, là một cách sống vững vàng về đạo đức, quan tâm đối với người khác, được đặt cơ sở trên việc sống nghiêm cẩn và kính trọng những loài sống khác. Lối sống này được xem như là cơ sở cho việc rèn luyện những trạng thái tâm lành mạnh. Để giữ cho tâm trí được thuần tịnh, sáng rõ, cần phải có một đời sống đạo đức, không nuông chiều bản năng. Ví dụ, việc từ bỏ rượu và những chất gây say nghiện là sống theo giới luật Phật giáo, và rõ ràng việc không vướng mắc vào những chất gây hại cho thân tâm này sẽ tạo điều kiện cho tâm trí được sáng rõ và tỉnh táo hơn. Hay việc không vướng vào những việc làm như sát hại, tà dâm, trộm cắp… sẽ giúp ta xa rời sự sân hận, mưu toan, sợ hãi… mà rõ ràng chúng là những thứ làm cho tâm thần khó được an bình, thanh thản.

Định (samādhi) là trụ cột quan trọng thứ hai của Phật giáo, được hiểu chung là trạng thái tâm định tĩnh có mặt khi một người có đời sống tâm linh vững chãi. Thường, định được nối kết với thiền, một sự thực hành tu tập đưa đến trạng thái vắng mặt những vọng niệm, khổ đau, phiền não… Nhưng thiền đôi khi cũng được hiểu như là một trạng thái an lạc, tự tại, bình thản, không thủ chấp... ở trong tâm của chúng ta.

Tâm của chúng ta luôn bị tác động bởi thế giới ngoại tại và như một kết quả, những suy nghĩ vọng động sanh khởi và mất đi như một dòng chảy không ngừng nghỉ. Dòng chảy liên tục của suy nghĩ mà chúng ta kinh nghiệm có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của chúng ta và có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Và theo Phật giáo, nếu một người tâm thức luôn vọng động thì người ấy được xem là không có một sự mạnh khỏe tâm thần. Và điều này không những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, mà cũng ảnh hưởng đến sức khỏe vật lý.

Như vậy, thiền hay thực hành chánh niệm là một phương tiện quan trọng cho việc có được sức khỏe tâm thần. Những chuyên gia sức khỏe phương Tây cũng đã và đang sử dụng thiền như một công cụ để ngăn chặn, điều trị và phục hồi những bệnh rối loạn tâm thần; và họ tìm đến với Phật giáo chính yếu để học hỏi và thực tập rèn luyện tâm. Rõ ràng thiền định trong những hình thức khác nhau của nó đã đóng một vai trò then chốt trong việc phát triển thể chất và tinh thần. Nhưng với Phật giáo, việc thực hành thiền là để giải thoát khỏi tham ái, chấp thủ, để phát triển trí tuệ và đạt đến an lạc giải thoát. Và chỉ có thực hành thiền với mục đích như vậy thì mới có thể giải trừ được tâm bệnh theo cách nhìn của Phật giáo.

Tuệ (prajñā) là yếu tố quan trọng cuối cùng trong Tam vô lậu học. Về nghĩa đen từ này có nghĩa là “thấy biết một cách thông suốt” hay thấy rõ các sự vật như chúng là. Theo Phật giáo, một người có trí tuệ hay chánh kiến (sammaditthi) là người thấy biết đúng đắn bản chất thật của cuộc đời, tức là thấy vạn pháp luôn vận hành theo ba đặc tính căn bản (Tam pháp ấn/ tilakkhana): vô thường (anicca), vô ngã (anattā), và khổ (dukkha). Ở lĩnh vực sức khỏe tâm thần, điều này bao gồm tuệ quán về sự vô thường của những cấu trúc tâm thức (hành/ samskara) và bản chất có điều kiện của suy nghĩ của chúng ta. Tuệ cũng giúp chúng ta thấy được tính duyên sinh trong những vận hành của tâm, cũng giúp ta thấy được sự vô ngã hay tánh không trong các pháp, bao gồm cả chính chúng ta. Sự chấp chặt hay quá yêu mến bản thân, là một trong những nguyên nhân chính đưa đến những phiền não trong tâm, điều được coi là tâm bệnh theo Phật giáo.

Ngoài Tam vô lậu học mà được xem như là bao hàm toàn bộ giáo pháp của Phật giáo, chúng ta có thể đi vào những phương pháp tu tập cụ thể hơn để tịnh hóa tâm hay để phát triển sức khỏe tâm thần. Ví dụ, thực hành Tứ vô lượng tâm (brahma-vihara) cũng giúp cho ta phát triển những trạng thái tâm tốt, tâm thiện, và hẳn nhiên tâm thiện, tâm tốt được coi là tâm khỏe mạnh. Chẳng hạn như khi thực hành lòng từ bi, ta sẽ thấy “thương” mình hơn, từ đó ta tìm hiểu những xung đột ở trong chính chúng ta và phát triển một sự hòa hợp nội tại. Chúng ta cũng sẽ cảm thông hơn với những khiếm khuyết của người khác, điều giúp chúng ta buông bỏ những trạng thái tâm ngã mạn, tự cao tự đại. Chúng ta cũng sẽ tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, và quan tâm đến nỗi đau khổ của người khác… Và như vậy, một người mạnh khỏe tâm thần thì không lo lắng cho riêng mình, mà luôn quan tâm đến người khác. Ở điểm này, sức khỏe tâm thần không chỉ cần thiết cho bản thân, mà cũng tốt cho người khác và cho xã hội.

Nghiệp Đức (NSGN).

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch